dán bài viết của Bồ huynh trước nha tonka, từ từ chị dán thêm hình, list cầu đã xây, nhất là cầu đang chờ tài trợ để mọi người bình chọn
Ba năm xây cất
Những Cây Cầu Hữu Nghị của « Nhóm VK » Ở Nông ThônCách đây 3 năm, khi một nhóm bạn 11 người chúng tôi, sống tản mác khắp nơi : Pháp-Mỹ- Canada-Úc-Việt Nam cùng nhau thảo luận xem có thể làm việc gì đóng góp giúp đỡ cụ thể và trực tiếp bà con bên nhà trong tình thế hiện nay, với ưu tiên ở vùng sâu vùng xa, nơi đời sống kinh-tế còn khó khăn, và tìm cách liên lạc thẳng với bà con trong vùng này.
Chúng tôi, « Nhóm VK », gây quỹ bằng cách mỗi người đóng mỗi năm 300 € trong 3 năm và cổ động bạn bè thế giới đóng góp với chương trình : xây 10 cầu bê tông thay cầu khỉ trong 3 năm.
Sao lại chọn xây cầu bê tông thay cầu khỉ ?
Vì câu ca ru em vẫn còn lảng vảng trong đầu : « Ví dầu cầu ván đóng đinh…Cầu tre lắc lẻo , ghập ghềnh khó đi… », và những kỹ niệm khó quên của thời thơ ấu khi về quê phải đi qua cầu khỉ... Đồng Bằng Sông Cửu Long với diện tích 39.000 km2 và mạng lưới kênh rạch dày đặc, tạo nên 25.000 km chiều dài đường thủy, giao thông đi lại của người dân chủ yếu là bằng cầu khỉ !
Và ai đã chứng kiến những cảnh dưới đây, thì mới hiểu được tình cảnh khó khăn của trẻ em, của bà con nông thôn ở những vùng sâu, vùng xa trong miền này :
• Trẻ em đi học vừa vác xe đạp vừa qua cầu khỉ, với bao nhiêu tay nạn ngã xuống sông rạch, chết đuối đã xảy ra, nhất là về mùa mưa .
• Những mùa nước lên, trẻ em đứng bên này cầu khỉ nhìn qua trường bên kia sông, mà không sao qua được, vì chân cầu bị sạt lở, nước ngập cả đôi bờ.
• Những mùa nước cạn, trẻ em phải lội bùn mới đi tới xuồng ba lá để qua sông đến trường
• Những cô giáo, thầy giáo đi đến trường dạy học , phải đem theo 1 bộ quần áo gói trong túi nylon để lỡ khi trợt té bên cầu.
• Những cụ già đứng hai bên cầu khỉ, vẫy tay chào hỏi nhau, nhưng không dám qua cầu !
Ông Bảy, một người dân tại xã Xuân Thắng, tỉnh Cần Thơ than thở « Mấy chục năm nay, bà con chúng tôi chỉ có một cây cầu khỉ cheo leo, ngất ngưỡng khó đi .Những đứa trẻ trong xóm đi học cũng thật vất vả, nhất là đi qua đã khó khăn, lại phải vác thêm chiếc xe đạp nữa, để qua bên kia bờ còn xe đạp mới đến trường , nguy hiểm vô cùng ; nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì hơn bởi người dân nơi đây, lo ngày hai bữa cơm đã khó khăn thì tiền đâu mà đóng góp xây cầu ? »Muốn xây cầu bê tông thay cầu khỉ ở vùng này phải cần có người đại diện trong nước và chuyên về xây dựng. Cũng may là trong nhóm có anh Việt-kiều Nguyễn Văn Công, kỹ sư chuyên môn về nền móng, đã làm đại diện cho một hãng Pháp về xây dựng tại TP. HCM từ năm 1980 và anh Việt-kiều Hikochiro Nakamura, chuyên gia cố vấn cho một công ty Nhật, đang tham gia chương trình xây đường cao tốc tại Việt Nam
Các anh chị em trong nhóm đề nghị là công tác xây cầu bê tông thay cầu khỉ sẽ hướng về các
làng xã nhỏ thường bị thua thiệt ở vùng sâu vùng xa Đồng Bằng Sông Cửu Long. Những dự án của « Nhóm VK » không liên hệ gì với các dự án lớn lao do Bộ Giao Thông Vận Tải thiết kế trên quy mô một tỉnh hay cả quốc gia . Cầu bê tông được thiết kế thay cầu khỉ là những cây cầu nhỏ với lòng chiều ngang 1,50 m đủ để cho 2 xe Honda đi qua, có lan can an toàn và sức chịu đựng trọng tải 1 tấn.
Như thế những đối tác của chúng tôi ở ngay thôn, xã là những người có trách nhiệm trong làng: hiệu trưởng trường học, các nhóm cư dân, các nhà tôn giáo, chủ tịch hiệp hội (như hội các người già), chúng tôi liên lạc thẳng với họ để bà con trình bày nhu cầu.Sau đó chúng tôi gửi một phái đoàn tới
nghiên cứu tại chỗ: khảo sát địa điểm, điều kiện sinh sống của dân làng, số trẻ con người già, hoạt động kinh-tế của dân chúng, mức độ người đi lại, phỏng định ảnh hưởng của việc xây một cây cầu.
Sau khi đo đạc địa hình, chúng tôi thảo một dự án xây cất cầu và một bản nghiên cứu tính cách khả thi của dự án. « Nhóm VK » đề nghị với nhà chức trách địa phương những lựa chọn về kỹ thuật của nhóm cùng sơ đồ thiết kế.
Sau đó một
bản ước tính giá chi tiết xây cất cầu sẽ được thiểt lập.Cùng lúc :
1.
Một « Đơn Đề Nghị » xin xây cầu chính thức có chứng thực của nhà chức trách địa phương (Ủy Ban Nhân Dân làng xã) sẽ được gửi tới « Nhóm VK »
2. « Nhóm VK » lập hồ sơ và tìm các nhà hảo tâm tài-trợ. Sau khi đã có tiền tài trợ, chúng tôi thông báo cho các đối tác địa phương
sự chấp thuận chính thức dự án xây cầu.
Chúng tôi mở công trường bằng cách phái tới địa điểm một kíp 5 người thợ để xây cất cầu. Kíp này sẽ ở tại chỗ trong 2 hay 3 tháng tùy theo mùa, thường xuyên 5 anh em này được bà con trong xã gần công trường cho ở nhờ.
3. « Nhóm VK » đảm nhiệm việc theo dõi các công tác xây cất và giải quyết những vấn đề kỹ thuật.
4. Công tác xây cầu được hoàn thành : cây cầu được Nhà Chức Trách huyện hay tỉnh tiếp nhận và sau đó có
bản chứng chỉ thị thực chính thức hóa việc nghiệm thu.
5. Ngày lễ khánh thành cầu là một lễ hội trong làng, với sự tham gia của nhà tài-trợ, anh chị em và hội đoàn, bạn bè nước ngoài, Việt Kiều và bà con trong làng cùng chánh quyền địa phương. Thường xuyên cũng là dịp để bà con ở thành phố đem quà bánh thực phẩm, quần áo đến trao tặng cho bà con túng thiếu trong làng. Chi phí di chuyển, ăn uống do các người tham dự đóng góp.
6. Một bản báo cáo tài chính chi tiết về chi phí xây cầu được công bố trong ngày lễ khánh thành. Toàn bộ tiền tài-trợ của các nhà hảo tâm chỉ dùng vào việc xây cầu.
Tính chất đặc biệt của Dự án.Nhóm thực hiện cầu
bảo đảm an toàn cây cầu trong một thời hạn là 3 năm.
Làng xã được chọn để xây cầu cũng sẽ
tham gia vào việc xây cất công trình này bằng cách xây hai đoạn đường tiếp giáp hai đầu cầu, kể cả mặt đường và môi trường chung quanh cầu (như trồng cây).
Dân chúng trong vùng cũng cam kết
giữ gìn và bảo vệ cây cầu . Tinh thần hợp tác này được thể hiện qua tên « Cầu Hữu Nghị » khắc trên bảng, gắn vào đầu cầu cùng với tên vị hảo tâm đã cung cấp nguồn tài trợ.
Tổng kết và dự tính Sao lại lấy tên là Cầu Hữu Nghị ?
Chúng tôi nghĩ rằng công tác của nhóm « VK » là chung sức với bà con , cùng bà con tạo điều kiện đi lại dễ dàng, và bà con đóng góp bằng cách xây hai con đường vào đầu cầu và bảo trì tốt cây cầu khi xây xong.
Qua những thực tiễn tại những thôn xã được xây cầu, chúng tôi càng thấy ý nghĩa « chung sức đóng góp = Hữu Nghị » được thể hiện :
• Tại Đồng Tháp, chính Ủy Ban Nhân Dân xã bỏ tiền ra xây 1 con đường dài 66m, nối liền 2 cây cầu VK vừa được thực hiện
• Cũng tại Đồng Tháp, anh nhà thầu của nhóm « VK » và công nhân đã cùng nhau đóng góp với bà con trong xã để xây 1 cây cầu !
• Tại Bến Tre, anh thầu của nhóm « VK » muốn tặng xã mình một cây cầu bê tông, nhưng dành dụm mãi chỉ có một số tiền bằng một phần ba giá cầu , UBND xã đóng góp vào nhưng vẫn còn thiếu phân nửa !
• Tại Cà Mau, cầu đã được một hội đoàn ở Pháp tài trợ, nhưng khi sắp khởi công , bà con trong xã yêu cầu xây gần lại trường học, cầu phải xây dài hơn 6 m, kinh phí tăng thêm 16% : UBND xã đứng ra đảm nhận.
• Đến ngày hôm nay, tháng 3 năm 2007, sau ba năm hoạt động với mục tiêu : 10 cây cầu VK trong 3 năm, nhóm « VK » đã thực hiện được 28 cây cầu . Nhưng đòi hỏi của bà con nông thôn càng ngày càng nhiều và hiện nay nhóm « VK » còn 30 cây cầu đang chờ nhà hảo tâm tài trợ !
Sau 3 năm đưa cầu vào xử dụng , bà con thôn xã đã báo lại cho « Nhóm VK » biết là :
• Các trẻ em em đi lại dễ dàng, đến trường an toàn, khỏi sợ ngã xuống sông rạch.
• Các cụ già qua lại thường xuyên gặp nhau
• Bệnh nhân được đưa nhanh chóng đến nơi cấp cứu !
• Khỏi phải chở gia súc qua sông bằng ghe .
• Trái cây, hoa quả của thôn xã được đưa nhanh chóng đến nơi tiêu thụ, nói chung là cầu bê tông đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thôn làng.
Những nhà tài trợ với tính cách cá nhân, phần đông là những Việt Kiều muốn giúp các thôn, xã , nơi chôn nhau cắt rốn của họ, hoặc nơi còn dấu tích của dòng họ, ngôi mộ của ông bà , tổ tiên, hoặc những nơi mà thời loạn lạc họ đã được bà con trong thôn xã đó giúp đỡ, hoặc những nơi mà họ có dịp thăm viếng nhân dịp lễ khánh thành cầu của « Nhóm VK » .Có trường hợp chính do các ông thầu xây dựng của « Nhóm VK », chung sức với dân làng, đóng góp để xây cầu
Cụ Võ Ngọc Điệp, 80 tuổi, cư dân xã Thành An, Việt Kiều Mỹ, nhà tài trợ cầu VK10 thổ lộ : «
Cây cầu này là món quà khiêm tốn của tôi tặng quê hương huyện Mỏ Cày thân yêu . Mong rằng công trình nhỏ bé của tôi sẽ giúp ích cho bà con lớn tuổi và các cháu học sinh đi lại nhanh chóng, an toàn để cuộc sống của người dân hai đầu cầu dễ dàng hơn ».
Nhà thơ Phạm Thị Kim Châu , thành viên của « Nhóm VK » đã tặng cụ và bà con xã Thành An 4 câu thơ :
Thành An chốn cũ quê xưa,
Xây cầu đúc, thế cầu dừa năm nao
VK dù ở phương nào
Lòng luôn nhớ đến đồng bào quê hương Và một chị trong xã Thành An đã trả lời phóng viên các báo chí đến tham dự lễ khánh thành cầu : «
Cây cầu khỉ trước kia, đi rất khó đi lắm, lắc qua lắc lại, mỗi lần đi qua sợ lắm, sợ cầu gẫy, cầu sập. Nay có cầu mới thì mừng quá Mừng lắm, mừng lắm, cám ơn những người đã giúp đỡ xây cầu »
Cũng tại xã Thành An, một bà mẹ đã nói với chúng tôi : «
Ấp này nghèo lắm, nên muốn làm một cây cầu rất khó khăn, nên rất là mang ơn, cám ơn dữ lắm. Ở vùng sâu, vùng xa, bây giờ em bé đi học nó không té, lúc trước khi nước ngập, đi qua cầu khỉ thiệt là khó lắm. Bà con cũng đã chuẩn bị công trình để bảo vệ chân cầu, móng cầu để giữ cây cầu này được lâu. Bà con mang ơn bà Võ Ngọc Điệp đã cho tiền cất cầu, mang ơn thật lòng »
Nhà tài trợ là những tổ chức, hội đoàn do các thành viên của « Nhóm VK » cổ động
nhưng cũng có trường hợp chính do Uỷ Ban Nhân Dân xã tài trợ !
Nhờ sự tài trợ của những nhà hảo tâm nên « Nhóm VK » mới có đủ tài chính để xây những cây cầu khá dài như cầu VK8 ở xã Hòa Bình (An Giang) dài 38,5m do hội Huynh Đệ Việt Nam tài trợ, và cầu VK25 ở xã Tân Tiến (Cà Mau) dài 46 m do hội AIDEV ( Aide Internationale au Développement de l’Enseignement au ViêtNam ) và UBND xã Tân Tiến đóng góp.
Theo danh sách các nhà tài trợ những cây cầu đã được hoàn thành, chúng ta thấy có những cựu học sinh các trường cũ như Gia Long, Taberd, Marie Curie, các trường La San. Các cựu học sinh những trường này muốn ghi lại kỷ niệm tên của trường cũ mình
Trước khi kết luận, chúng tôi xin trích ra lới tâm tư của hai thành viên « Nhóm VK »
Bà Phạm Thị Sách, nhà kinh doanh địa ốc ở Mỹ :«
Việt Kiếu về nước càng ngày càng đông, thường thì chỉ dành thời gian thăm viếng bà con, đi du lịch, tiêu tiền rồi đi Chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi tiêu ít lại một chút để trước khi đi tặng bà con một công trình thiết thực, gọi là thể hiện chút tình cảm đối với quê hương, đồng bào »
Ông Trần Đình Khương, Giáo Sư Đại Học Québec Canada :«
Chúng tôi sẽ vừa thực hiện công việc xây cầu giúp bà con nghèo, vừa kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới, nên công việc của chúng tôi không giới hạn ở mốc nào… »
Để kết luận, « Nhóm VK » xin cảm tạ các nhà tài trợ, anh chị em bạn bè trong và ngoài nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, cùng nhau góp sức với bà con ở những thôn xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện đi lại dễ dàng, an toàn cho trẻ em nơi đây. Và chúng tôi cũng không quên cám ơn các anh thầu và anh em công nhân, mỗi lần phải xa nhà 2,3 tháng dù trời mưa, trời nắng cũng cố gia công hoàn thành tốt đẹp những cây cầu . Và sau cùng « Nhóm VK » không thể nào quên ơn các vị sư, mục sư, linh mục , các tổ chức tôn giáo và các UBND
những thôn xã đã tạo điều kiện cho « Nhóm VK » làm việc dễ dàng, gây niềm tin và tình hữu nghị với bà con.
Sau 3 năm hoạt động , đến đầu tháng 3 năm 2007,với sự hổ trợ và đóng góp của các nhà hảo tâm, « Nhóm VK » đã hoàn thành và đưa vào xử dụng 28 cây cầu, dự tính từ đây đến cuối năm 2007 sẽ thực hiện thêm 10 cây cầu nữa, nếu có đủ tài chính.
Do sự yêu cầu càng ngày càng nhiều của bà con các thôn xã, đơn xin xây cầu đang chờ đợi tài trợ đã lên hơn 30 hồ sơ.
Giá trung bình một cây cầu dài 15 thước là 1.200 euros ( 80 euros x 15m = 1.200Euros ). Những vị hảo tâm tư nhân ở Pháp có thể xin trừ thuế 66% tiền tài trợ; như vậy giá cây cầu trên là 408 euros sau khi trừ thuế. Một vài người bạn hữu có thể chung nhau tài trợ cất lên một cây cầu vừa giúp dân làng vừa để lại một kỷ niệm đóng góp cho quê hương.
Trần Quang Đang
Đại Diện « Nhóm VK » Tại Pháp