Sài Gòn: Dịch tay chân miệng bùng phát Wednesday, September 19, 2007
SÀI GÒN (NLÐ) - Báo Người Lao Ðộng ngày hôm qua cho biết, chưa bao giờ số trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải vô nhà thương nhiều và càng ngày càng tăng như hiện nay. Các bác sĩ điều trị cho rằng các nhà dịch tễ cần vào cuộc điều tra nguyên nhân.
Ngày 18 Tháng Chín, phóng viên Thùy Dương thuộc báo Người Lao Ðộng có mặt tại Khoa Nhiễm Bệnh Viện Nhi Ðồng 2, Sài Gòn, ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng theo từng giờ. Bác Ssĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm, cho phóng viên biết từ sáng đến 15 giờ cùng ngày, khoa nhiễm đã tiếp nhận thêm 15 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đa số là trẻ dưới 3 tuổi. Theo Bác Sĩ Thúy, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện trong ngày có thể sẽ còn tăng.
“Kinh hoàng” trước số trẻ em nhập việnDù đã chứng kiến sự gia tăng bất thường của bệnh tay chân miệng suốt 2 tháng nay (những năm trước bệnh thường giảm hẳn vào Tháng Bảy, Tháng Tám), nhiều bác sĩ vẫn không ngờ số trẻ mắc bệnh tay chân miệng lại tăng cao như hiện nay. Chứng kiến cảnh bệnh nhi nhập viện ngày càng nhiều, các ca nặng ngày càng tăng, các bác sĩ trong Khoa Nhiễm Bệnh Viện Nhi Ðồng 2 đều cảm thấy “kinh hoàng”. Tháng trước, số trẻ mắc bệnh đã tăng đến mức 30 trẻ nằm điều trị mỗi ngày, thế nhưng những ngày gần đây lại tiếp tục tăng “chóng mặt”. Ngày 17 Tháng Chín lên đến 75 ca và chỉ sau 1 ngày (18 Tháng Chín) đã lên đến 82 ca, con số cao nhất từ trước đến nay.
Báo Người Lao Ðộng ghi nhận được số ca nặng cũng chiếm tỉ lệ rất cao. Bác Sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm Bệnh Viện Nhi Ðồng 1, cho phóng viên biết: ngày 18 Tháng Chín, trong số 52 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị (tăng gấp gần 3 lần so với tháng trước) thì số ca bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim chiếm gần 70%. Theo Bác Sĩ Trương Hữu Khanh, mùa của bệnh tay chân miệng là từ Tháng Ba đến Tháng Năm và từ Tháng Chín đến Tháng Mười Một. Như vậy, hiện mới là đầu mùa bệnh mà số trẻ mắc bệnh đã tăng như vậy thì dự báo đỉnh điểm của bệnh (trong Tháng Mười tới) sẽ rất đáng lo ngại.
Nhiều trường hợp tử vongTuần trước, một cháu bé mắc bệnh tay chân miệng đã tử vong tại Khoa Cấp Cứu Bệnh Viện Nhi Ðồng 2. Còn tại Bệnh Viện Nhi Ðồng 1, Bác Sĩ Trương Hữu Khanh cũng thừa nhận, dù các bác sĩ rất tích cực điều trị nhưng vẫn có vài trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong do nhập viện quá trễ. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền rất nhiều về bệnh này, tuy vậy vẫn còn nhiều bà mẹ chưa biết đến những triệu chứng của bệnh để đưa trẻ đi điều trị sớm.
Các triệu chứng đó là: trẻ bị sốt, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, giật mình, hốt hoảng, run chi... Nguy hiểm hơn là nhiều ca bệnh có diễn tiến rất nhanh. Ngày 17 Tháng Chín, cháu T.V.M.H, 7 tháng tuổi, ngụ ở quận 7-Sài Gòn mới có triệu chứng sốt, nổi ít hồng ban ở lòng bàn chân và vẫn bú bình thường nhưng chỉ 2 ngày sau cháu đã bị sốc, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, nhịp tim nhanh, phải thở máy. Ðến 15 giờ ngày 18 Tháng Chín, bác sĩ điều trị cho biết diễn tiến bệnh của cháu rất tệ hạ, rất có thể không qua khỏi...
Người Lao Ðộng nhận xét rằng, chính vì nhiều ca bệnh có diễn tiến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều ông bố, bà mẹ có con mắc bệnh tay chân miệng, dù nặng hay nhẹ, đều lâm vào tình trạng hốt hoảng, lo sợ. Chị N.T.H, ngụ ở quận 7-Sài Gòn buồn rầu kể rằng 2 ngày trước con chị vẫn còn khỏe mà giờ đây đã phải nằm thở máy trong phòng cấp cứu. Còn chị T.P.K, ngụ tại quận Tân Bình-Sài Gòn, cho biết dù bác sĩ bảo trường hợp của con chị nhẹ nhưng chị vẫn luôn thấy hồi hộp và lo sợ vì bệnh này có thể trở nặng và tử vong bất cứ lúc nào. Theo Bác Sĩ Thúy, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng cao như hiện nay chứng tỏ nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
Cần phát hiện sớm ca bệnh để vệ sinh môi trườngKhi được phóng viên báo Người Lao Ðộng phỏng vấn, Bác Sĩ Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y Tế thành phố, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng cao là do nhiều giám đốc bệnh viện các quận, huyện chưa quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh này. Khi được các cấp trên hỏi, nhiều giám đốc bệnh viện không biết hiện địa bàn mình phụ trách có bao nhiêu người mắc bệnh. Ðể ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, theo Bác Sĩ Giang, cần phát hiện sớm các ca bệnh để vệ sinh môi trường, tránh lây lan mầm bệnh.
Nguồn :
hinh@hinhtran.com