Tiếng chuông Chùa
Hồi còn ở VN, bà ta luôn bận rộn: nào đám giỗ bên Nội, bên Ngoại của gia đình. Nào đám giỗ bên Nội, bên Ngoại của gia đình chồng, lại sống trong thời kỳ cực khó khăn của đất nước sau biến động lịch sử 1975 bà ta một thân gánh vác mọi điều...
Kiếm sống một mình, lo toan trên dưới, trong ngoài một mình, kèm cặp con học hành một mình, miết tới con trưởng thành lo vợ cho con cũng một mình, có cháu nội lại ôm lo một mình. Thì chiều chiều tan sở là vội vàng chạy về trước đón cháu, kẻo gởi người ta cả ngày tội nghiệp cháu bơ vơ, về nhà vừa cắp cháu vừa cơm nước sẵn sàng để con trai, con dâu tà tà đi làm về sau, chỉ tắm rửa là có ăn, ăn rồi có khi tụi nó đi công chuyện hay đi chơi đâu đó thoải mái, bà lại lo dỗ cháu ngủ.
Tới hồi cháu nội đi mẫu giáo, bà mạnh dạn phủi tay giao lại cho vợ chồng con, thì mẹ già không thể ở với em dâu của bà được nữa, bám chặt lấy bà.
Mỗi tháng hai chiều tối 14 và 30 bà cố làm siêng đưa mẹ đi sám hối. Con gái trẻ trẻ còn biết mặc áo lam vào dự lễ, chẳng lẽ bà ngồi ngoài sân, nên cũng phải vào dự lễ, còn chuyện có thành tâm sám hối tội lỗi của mình hay không thì bụng bà ta biết.
Mỗi chủ nhật mẹ muốn đi nghe Pháp, bà ta phải vào ngồi kề bên mẹ. Ngồi đó mà chưa chắc lời thuyết giảng hay lời kinh nào lọt vào tai, bởi tâm trí lẫn xác thân bà ta chỉ khao khát ngày đoàn tụ với ông chồng Việt Kiều bên xứ Mỹ đã bỏ bà ta đi mấy chục năm rồi...
Tuần nào không đi Chùa thì đến nhà bác Tư, dì Tám, dì Chín... trước thăm sức khoẻ nhau, sau cà kê dê ngỗng giải sầu kiểu nhiều chuyện của đàn bà. Đó là khi mẹ khoẻ, chứ mẹ già nay đi thăm thày thuốc bắc này, mai thăm bác sĩ kia. Hết bệnh này, sang bệnh nọ, bệnh của tuổi già mà! đủ thứ cho mỗi ngày sau giờ làm việc về. Khiến bà ta lúc nào cũng buồn bực.
Bởi vậy tâm trí đâu mà bà ta nghe câu kinh nguyện "Ba nghiệp lắng thanh tịnh, Gởi lòng theo tiếng chuông, Nguyện người nghe thức tỉnh, Vượt thoát nẻo đau buồn" mỗi khi cùng đi lễ Chùa với mẹ...
Rồi một ngày bà ta vui mừng được thoát bỏ mẹ già sang Mỹ, tưởng là đạt ý nguyện, nhưng mỗi nơi cảnh khổ mỗi khác nhau, nói theo thuyết Nhà Phật là khi nghiệp chướng chưa dứt, bà ta lại đối mặt với những khổ đau kiểu khác như người còn mắc nợ thì đầu thai kiếp nào, nợ vẫn cứ theo đòi, và bà ta tiếp tục trả nợ kiểu cách mới.
Ao ước được rảnh rang một mình thì bà ta được rảnh rang một mình, cô đơn ngay trong căn nhà có chồng con bên cạnh. Trong thế giới vẫn có người qua lại nhưng chẳng ai thèm nhìn thấy bà ta. Bà ta chẳng khác gì cái bóng trong căn nhà không bao giờ có tiếng cười.
Bà ta trở thành kẻ đần độn bởi tiếng Mỹ chưa tinh thông (cứ hào phóng cho là chưa tinh thông chứ chẳng cần nói hoàn hoàn mù tịt tiếng Mỹ) Bà ta như què, vì ông chồng cương quyết không cho bà ta tập lái xe, đi đâu đã có ông nhưng đi làm về ông luôn kêu mệt, không thể đưa đi đâu (mà đi đâu cơ chứ? ông cứ hỏi dồn: muốn đi đâu? bà vừa từ VN sang biết đâu là đâu mà đòi đi?) hai ngày cuối tuần thì ông có việc riêng của ông, bà không được phép biết, biết sao được? bà có biết lái xe đâu mà theo dõi ông? thế là bà ở tù.
Bà ta bỗng nhớ mẹ, nhớ cảnh Chùa da diết nhưng ở Mỹ đâu phải cứ 14 hay 30 là có thể đến Chùa như VN. Ở đây có moto cũng không dám chạy ra đường vì phố xá toàn xe hơi, sắt bọc thân mà vẫn xảy ra tai nạn, mà tai nạn là thảm khốc, bây giờ lấy thân mà bọc cái moto hỏi sao không cầm chắc cái chết. Bà ta đành ngồi nhà nhìn ra cửa sổ vào mùa cuối thu, hết mùa đông, sang cuối xuân, bà ta đếm những ngày hè hiếm hoi cực ngắn của Rochester bằng lời cầu xin ngày hãy dài thêm mãi để bà có thể nhìn thấy cảnh vật rực nắng qua vuông cửa sổ.
Chiều nay, một buổi chiều giao mùa, lại sắp một năm nữa bơ vơ nơi xứ lạ quê người, bà ta theo xe của hội đồng hương đến Chùa, nghe tiếng chuông ngân vang, nhìn dáng vẻ an nhiên tự tại của Đức Phật, bà ta mới thực sự biết nhớ mẹ, nhớ cảnh Chùa thường đi lễ cùng mẹ.
Bà ta thành tâm quỳ lặng yên trước chánh điện, cố gắng trút bỏ mọi phiền não, ý thức sự hiện hữu mầu nhiệm của xác thân nơi cõi tạm này, bà ta gượng cười khi hai dòng lệ cứ ngang nhiên tuôn dài trên má, bà ta nghe văng vẳng trong thinh không và thì thầm khấn nguyện theo
"Ba nghiệp lắng thanh tịnh, Thả hồn theo tiếng chuông, Nguyện sống đời tỉnh thức, Gạt bỏ mọi đau buồn"
tuyanh