Họa sĩ Ngọc Nga:
Cuộc triển lãm "thai nghén" 22 năm
TT - Lão họa sĩ đã bước sang tuổi 75 hơn một tuần nay. Bà tên thật là Phạm Thị Nga nhưng lấy nghệ danh là Ngọc Nga.
Tốt nghiệp hệ trung cấp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1960, Ngọc Nga được phân công về tổ vẽ tranh minh họa các môn học cho sinh viên Trường ĐH Y dược Hà Nội. Năm 1985, gia đình chuyển vào Nam. Đến lúc này nữ họa sĩ mới thật sự vẽ.
Tranh bà vẽ ngày càng nhiều. Bà có hẳn một phòng riêng để tranh nhưng vẫn không đủ, phải tận dụng cả phòng ngủ và một góc ở tầng trên cùng. Lão họa sĩ “gác cọ” ở tuổi 74. Bà rất thích đi, nhưng cũng đã thôi đi từ năm ngoái.
Bà không thể cầm cọ được nữa. Cứ mỗi lần tập trung cho một tác phẩm, bà lại đau đầu, run tay và mệt mỏi. Lão họa sĩ ngẩn ngơ, im lặng vì tiếc, vì thấy bất lực với cảm xúc của mình. Ba năm nay bà bị bệnh về thần kinh nên rất khó khăn trong giao tiếp. Căn bệnh ngày càng nặng. Người ta nói gì bà hiểu. Nhưng để diễn đạt thành lời thì bà phải nghĩ mãi, nói mãi.
Cả đời là họa sĩ nhưng chưa có một cuộc triển lãm cá nhân nào. Thật ra, bà muốn có một triển lãm dành riêng cho mình lâu lắm rồi. Ý định đó cứ ấp ủ mấy năm nay. Nhưng lão họa sĩ lại ngại. “Lớp trẻ bây giờ vẽ theo phong cách hiện đại quá. Tôi sợ tranh mình không hợp thời” - bà nói, thật khó khăn và chậm rãi từng từ một.
Thần kinh bà ngày càng yếu, sợ mấy năm nữa sẽ không còn tỉnh táo nên chồng con ủng hộ và thuyết phục hết lời, bà mới đồng ý. Triển lãm “Cuộc sống quanh ta” (diễn ra từ ngày 28-6 đến 5-7 tại gallery Lotus, 43 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) cũng là một món quà đầy ý nghĩa dành cho lão họa sĩ nhân kỷ niệm sinh nhật lần 75 của bà.
Tranh của lão họa sĩ không sắc sảo mà đằm thắm, hồn hậu và rất nữ tính. Thế giới sắc màu của lão họa sĩ là những gam màu nâu, chàm, xanh lam, vàng đất... chân chất, nồng ấm và thân tình như làng quê Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) của bà và những nơi bà đi qua.
Bà vẽ những gì gần gũi, thân thương nhất với mình: những khuôn mặt, dáng hình của người thân, con cháu, bạn bè. Và cả những người bà gặp trong những lần đi thực tế hay vô tình thấy giữa dòng đời ngược xuôi. Bức tranh Khâu áo cho con “zoom” cận cảnh khuôn mặt một bà mẹ đang cặm cụi khâu áo. Khuôn mặt phúc hậu, nghiêng nghiêng chăm chút từng mũi kim dưới ánh đèn dầu leo lét, vàng vọt. Hình ảnh người mẹ giữa gian nhà tối gợi lên những xúc cảm thân thương về gia đình, về tình mẫu tử trong lòng người thưởng lãm.
Những khuôn mặt trong tranh bà thường rất trẻ. Họ đẹp cái đẹp bình dị, chân quê và đầy sức sống. Như Thiếu nữ và biển. Một cô gái mặc áo xanh dương dịu nhẹ, quần ngắn khoe đôi chân khỏe khoắn, thon gọn, nằm gối đầu lên tay ngủ. Ngủ giữa cát, giữa sóng biển mơn man vỗ về. Thanh thản và rất bình yên... Bất ngờ được biết tác giả vẽ bức tranh đầy sức sống ấy khi đã qua cái tuổi 70!
Thiên nhiên, cảnh sinh hoạt của làng quê miền Bắc dưới cái nhìn của lão họa sĩ mộc mạc, hồn hậu như hơi thở hồn nhiên, sẵn có của cuộc sống. Đó là gốc đa làng Vị Thanh, là cảnh hai mẹ con nhà bò, là những cánh cò trắng muốt sải cánh nhịp nhàng trên nền ruộng bậc thang mênh mông sắc mạ xanh non, là cảnh hội đình nhộn nhịp, là một góc sớm mai của Hà Nội run rẩy vì rét mướt...
MY LĂNG
Thứ Năm, 05/07/2007
http://www.tuoitre.com.v...eID=208842&ChannelID=10