Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

cô Ba xà bông
PC
#1 Posted : Monday, July 23, 2007 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
cô Ba xà bông

Đứng hàng đầu trong danh sách những người đẹp vang bóng trên đất Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20 phải kể đến hai người cùng danh gọi: "cô Ba".

Thứ nhất là "cô Ba xà bông" con thầy thông Chánh được nhiều người ngưỡng mộ. Thứ hai là cô Ba Trần Ngọc Trà được xem là bà hoàng của các buổi dạ vũ và từng làm "điên đảo" những tay chơi bạt mạng như công tử Bạc Liêu. Trời cho họ sức quyến rũ nhờ vào sắc đẹp của mình vào độ tuổi thanh xuân nhưng cũng mang đến cho họ những giờ phút cuối đời không may mắn như câu chuyện mà các bạn sẽ lần lượt nghe kể dưới đây.

Sở dĩ gọi "cô Ba xà bông" vì hình của người đẹp này được in nổi trên các sản phẩm nổi tiếng của Hãng xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền lập ra. Các hình ấy xuất hiện cùng lúc với các mẫu xà bông hình vuông nhiều cỡ, nặng 250 gr, 500 gr hoặc chỉ 125 gr, về sau thêm loại lớn và dài nặng gần 1 kg đúc thành cây mua về cắt từng miếng nhỏ xài dần. Mỗi loại như thế đều có sự "hiện diện" của cô Ba, lưu hành đến các nơi đô hội dần dần đến tận các chợ miền xa ngoài Sài Gòn và lục tỉnh. Như thế cô Ba đã nghiễm nhiên trở thành "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt Nam mới ra đời đầu thế kỷ 20. Sự ra đời này cùng với hình ảnh cô Ba, theo một số nhà quan sát, đã nhấn mạnh sự có mặt của sản phẩm Việt và chấm dứt sự thao túng gần như độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp đối với người tiêu dùng Việt Nam lúc bấy giờ.

Cô Ba là ai mà được ông Trương Văn Bền chọn làm biểu tượng bên hương thơm xà bông Việt? Điều này tác giả Sài Gòn năm xưa đề cập đến một cách rõ nét, rằng: "Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia, hồi Tây mới đến có cô Ba, con gái thầy thông Chánh là đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép (Bưu điện)".

Cạnh cô Ba, tác giả nhắc đến một số hoa khôi khác như Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời... vốn là những người đẹp đã làm nghiêng ngả nhà cửa ruộng vườn của nhiều tay hiếu sắc. Theo đó, các cô mỗi chiều ngồi trên xe Delage để mui trần, có tài xế riêng, hoặc ngồi trên xe Hoa Kỳ mới cáu cạnh để lượn đi lượn lại quanh các đường phố chính của Sài Gòn từ chợ Bến Thành qua đường Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) vòng qua trường Chasseloup - Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay), xuống khu Chợ Lớn, khoe sắc trên đường nhựa "để lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường... Tối lại dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me, hoặc năm ba người gầy mâm hút có đờn ca giúp vui, báo hại các cậu con chủ điền muốn lên mặt với chị em đành phải trốn về bán lúa vay bạc Chà, cố cầm sự nghiệp ông bà để lại" mà chạy theo cho kịp nếp ăn chơi của các hoa khôi đương thời.

Nhưng nếp sống ấy dường như không phù hợp với cô Ba xà bông. Có người bảo vì cô sinh ra trong một gia đình công chức nên không quen sống buông thả, người khác cho rằng bản tính của cô vốn vậy từ lâu. Gần đây, vào giữa năm ngoái (6.2006), trong bộ sách mới nhất quanh nội dung Hỏi đáp về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh của nhiều tác giả do NXB Trẻ ấn hành, đã cho biết cô Ba là "người đã dám cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin, bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19.6.1893 và bị xử tử ngày 18.1.1894 tại Trà Vinh". Người đẹp lừng lẫy Sài Gòn một thời, người mẫu đầu tiên của thương hiệu Việt nổi tiếng, đã có một kết cục cuối đời như thế?

Hồng Hạc
PC
#2 Posted : Thursday, June 25, 2009 3:09:01 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
80 năm một hương sắc xà bông


Bảng quảng cáo xà bông Cô Ba. Ảnh: tư liệu


SGTT - Có một người đẹp thuộc hàng “đại mỹ nhân” của Nam kỳ vào đầu thế kỷ trước mà 80 năm qua hương sắc vẫn còn lưu lại trên một dòng sản phẩm. Đó là cô Ba Trà Vinh, người mẫu đầu tiên của Việt Nam, sản phẩm là cục xà bông Cô Ba vang bóng một thời

Trong một bức thư gửi cho “cô Ba”, Nguyễn Thị Thu Hồng, người ở Lái Thiêu, Bình Dương, viết rằng từ thủa nhỏ Hồng đã được ngoại tắm bằng xà bông Cô Ba, đến khi ở cữ, ông xã đem về nửa lô những cục xà bông này, chị mừng muốn rớt nước mắt. Cả một vùng ký ức và hoài niệm chợt bừng dậy. Vẫn cái hương thơm ấy, dù đã bao nhiêu năm, nhưng không lẫn vào đâu được. Nhưng cô Ba là ai, có phải là người sáng tạo ra sản phẩm này không, Hồng thắc mắc.

Cô Ba chính là cô Ba Thiệu, con gái của thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, một hoa khôi đã từng đoạt vương miện của một cuộc thi sắc đẹp, đẹp đến nức tiếng thời bấy giờ. Cô là vợ nhà tư sản Trương Văn Bền và được ông chọn làm người mẫu in hình lên sản phẩm xà bông của hãng mình vào năm 1930. Bằng chất lượng và sự quảng bá rầm rộ, xà bông Cô Ba của hãng xà bông Việt Nam đã đánh bạt cả loại xà bông Marseille nhập cảng của Pháp, chiếm lĩnh cả thị trường Đông Dương, thậm chí còn xuất cảng đi Hương Cảng, Singapore…

Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ, có ít nhất hai thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba. Trước giải phóng, sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Sau ngày giải phóng, vì là tư sản dân tộc, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn còn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của Cô Ba vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc do thị trường lúc đó chưa có một “nhan sắc” xà bông ngoại lai nào.

Thế rồi sau đó, một cuộc đổ bộ ào ạt của những tập đoàn sản xuất chất tẩy rửa của nước ngoài đã khiến cho Cô Ba và các “nhan sắc” xà bông Việt Nam khác lùi vào bóng tối. Khi liên doanh với tập đoàn P&G, nhà máy Xà bông Việt Nam bị buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ. Tuy nhiên, sản phẩm xà bông Cô Ba được ngoại trừ, vẫn duy trì sản xuất đều đặn. Cái hay của lãnh đạo nhà máy trước cũng như công ty Phương Đông hiện giờ là chủ trương vẫn giữ sản phẩm này như một sản phẩm truyền thống. Cô Ba vẫn tồn tại dù đã qua biết bao thăng trầm, biến đổi của ngành sản xuất kinh doanh chất tẩy rửa.

Ngày nay, người Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ trưng hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc siêu thị Co.opmart. Vẫn là một cục xà bông nhỏ bé in hình một phụ nữ Việt Nam với cái vẻ đẹp cổ điển, kiêu sa của thời kỳ đầu thế kỷ trước. Trong cơn lốc cơ man những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với những cơn mưa các quảng cáo “bom tấn”, việc sản phẩm xà bông Cô Ba vẫn tồn tại với một sản lượng khá đáng kể hầu như là một điều kỳ diệu.

Cũng là điều dễ hiểu thôi nếu như bạn là người Sài Gòn, ở độ tuổi trung niên, một lần tình cờ gặp lại Cô Ba. Sẽ là xúc động bồi hồi như gặp lại một người thân, một người bạn và cơ man những kỷ niệm của thời thơ ấu. 80 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, hương sắc Cô Ba sẽ vẫn còn tồn tại như những tác phẩm văn thơ hay nhạc tiền chiến đối với người Sài Gòn…

Đoàn Đạt

SGTT



Phượng Các
#3 Posted : Thursday, April 14, 2016 8:15:06 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Xà Bông Cô Ba, hương xưa còn đây
Monday, April 11, 2016 7:07:23 PM


Bài và hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) - Một bữa gần đây, chúng tôi được người bạn cư ngụ tại quận 5, gần chợ Kim Biên, tặng mấy cục Xà Bông Cô Ba. Chúng tôi xúc động dù chỉ là mấy cục xà bông, nhưng đây là Xà Bông Cô Ba chứ không phải những cục xà bông nào khác.

Kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975, chúng tôi đã nghĩ, trong sinh hoạt hàng ngày, không còn bao giờ gặp lại Xà Bông Cô Ba nữa. Cục xà bông thơm hình trái xoan hay hình chữ nhật, màu xanh, ở giữa có hình in nổi một phụ nữ búi tóc: cô Ba - điển hình người đẹp Nam Bộ, nhãn hiệu xà bông thơm của hãng sản xuất xà bông mang tên “Trương Văn Bền và các con.”


Cục xà bông nhãn hiệu Cô Ba.

Ông Trương Văn Bền là người Việt gốc Hoa, sinh ra tại Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XIX, thuộc gia đình khá giả. Ông có điều kiện sang Pháp thường xuyên nhưng không theo học một trường chuyên nghiệp nào. Tham gia thương trường, là người linh lợi nhạy bén, ông Trương Văn Bền mau chóng trở thành thương gia nổi tiếng trong lĩnh vực xay xát lúa gạo, sản xuất dầu thực phẩm và dầu công nghiệp. Năm 1932, ông Trương Văn Bền lập xưởng sản xuất xà bông mang tên Xà Bông Việt Nam, trong đó có loại xà bông thơm lấy tên là Xà Bông Cô Ba.

Xà Bông Cô Ba ra đời đã mau chóng vượt hẳn xà bông thơm nhập cảng từ nước Pháp lúc đó. Người tiêu dùng nhận thấy chất lượng của Xà Bông Cô Ba không thua kém xà bông của Pháp, trong khi giá cả lại rẻ hơn nhiều. Chúng tôi còn nhớ, sau ngày di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn, đi trên đường Quai de Cambodge (đường Hậu Giang sau này) nhìn thấy cơ sở bề thế của hãng xà bông Trương Văn Bền, đối diện chợ Kim Biên.

Hãng xà bông của ông Trương Văn Bền tạo uy tín vững vàng trong thương trường, được hầu hết người dân Sài Gòn-Chợ Lớn và các nơi ưa chuộng. Mặc dầu vậy, ông Trương Văn Bền vẫn không ngừng tìm hiểu và học hỏi thêm kinh nghiệm trong sản xuất xà bông qua những lần ông sang Pháp.

Xà Bông Cô Ba trở thành thân thuộc đối với người dân Sài Gòn và các nơi, kể cả các nước lân cận như Lào, Cambodia. Xà Bông Cô Ba còn xuất khẩu sang Hồng Kông và một một số nước thuộc địa của Pháp.

Ông Trương Văn Bền qua đời năm 1956, các con ông tiếp tục duy trì sản xuất của hãng xà bông Trương Văn Bền và các con, trong đó có xà bông thơm hiệu Cô Ba. Chúng tôi được biết, khi máy giặt được nhập cảng vào Việt Nam, bột giặt của hãng Xà Bông Trương Văn Bền và các con tức thời được sử dụng với máy giặt, có sức cạnh tranh ngang ngửa các loại bột giặt nhập cảng.

Nhắc nhớ tới Xà Bông Cô Ba, chúng tôi cũng nhớ lại một kỷ niệm khó quên: ngày đám tang ông Trương Văn Bền, trong năm 1956. Năm ấy người viết bài này mới 11 tuổi. Thổ Mộ Họ Trương tại đường Bình Thới, quận 11 là một khuôn viên khá rộng, tiếp giáp phía sau vườn của căn nhà chúng tôi cư ngụ. Ðám tang ông Trương Văn Bền rất lớn, những người trong ban tổ chức tang lễ mở rộng cửa khuôn viên Thổ Mộ Họ Trương cho mọi người vào. Ðông đảo cư dân ở đường Bình Thới và những đường lân cận thuộc quận 11 tới dự. Mọi người được mời dùng bánh và uống nước xá xị. Phải thấy là đám thiếu nhi chúng tôi mừng rỡ chừng nào, khi được ăn bánh và mỗi đứa được uống trọn một chai xá xị!

Thêm một chuyện nữa về Thổ Mộ Họ Trương ở đường Bình Thới, quận 11. Những năm trước 30 tháng 4, 1975, một người cháu của ông Trương Văn Bền từ Pháp trở về, cùng vợ là một phụ nữ Nga. Họ sinh sống tại ngôi nhà gỗ giữa khuôn viên thổ mộ. Ngôi nhà gỗ rộng lớn xinh đẹp trang nghiêm, thiết kế toàn bằng danh mộc. Mỗi sáng chúng tôi được ngắm người phụ nữ Nga xinh đẹp, rũ tóc sau khi gội đầu, ở ban-công phía trên cao của ngôi nhà. Một lần chúng tôi sang bên thổ mộ, làm quen người phụ nữ Nga này. Trong câu chuyện trao đổi bằng tiếng Pháp, bà người Nga tóc vàng ấy bảo: “Muốn sang Việt Nam sống một thời gian, để tìm hiểu và tận mắt nhìn thấy Cô Ba Sài Gòn!”

Sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi không thấy vợ chồng người cháu ông Trương Văn Bền nữa, hình như họ trở lại Pháp. Bà con khu xóm Thổ Mộ Họ Trương cho biết, người cháu của ông Trương Văn Bền đã cho cải táng những phần mộ tại đây tới nơi khác, trong đó có mộ ông Trương Văn Bền; cầm cố trọn khu đất thổ mộ. Ngôi nhà gỗ biến mất sau đó, thay thế là những nhà cửa lô xô chen chúc hiện nay, tại nơi nguyên là Thổ Mộ Họ Trương.

Và cũng sau ngày 30 tháng 4, Xà Bông Cô Ba mất tích. Thời gian những năm đầu trong chế độ Cộng Sản, cả miền Nam đều dùng thứ xà bông cục xám xịt, vừa hôi vừa trơ trơ như gỗ đá. Tới lúc nhà nước “mở cửa thị trường” thì các loại xà bông, từ trong nước lẫn nước ngoài, ồ ạt xuất hiện. Thế nhưng chúng tôi không hề thấy Xà Bông Cô Ba, và nghĩ chẳng còn bao giờ gặp lại. Hóa ra không phải vậy.

Người bạn tặng mấy cục Xà Bông Cô Ba cho biết, sau 30 tháng 4, hãng xà bông của Trương Văn Bền và các con hoạt động dưới hình thức công tư hợp doanh. Tuy nhiên từ lúc đó tới nay, Xà Bông Cô Ba chỉ sản xuất và phân phối giới hạn, cầm chừng, vì gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các loại xà bông khác trên thị trường.

Xà Bông Cô Ba hiện thuộc nhóm sản phẩm của công ty thương mại Phương Ðông, cơ sở đặt tại số 40 đường Kim Biên, phường 13, quận 5.
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.