Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Madeleine Albright
PC
#1 Posted : Saturday, July 7, 2007 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chân dung cựu Bộ Trưởng Mỹ Madeleine Albright

26/06/2007


Cuốn sách tựa đề “Hồi Ký của bà Bộ Trưởng"


Madeleine Albright, một phụ nữ đã dành cả đời theo đuổi ước mơ của nước Mỹ trong cuộc hành trình đưa bà từ vị thế con gái của một nhà ngoại giao tại Tiệp Khắc đến chức vụ nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ. Lá thư Mỹ Quốc tuần này sẽ gửi đến quí thính giả chân dung của cựu bộ trưởng Mỹ.


Bà Madeleine Albright ra đời năm 1937 tại Praha,ở một quốc gia lúc đó còn là nước Tiệp Khắc. Thân phụ và thân mẫu bà là người Do Thái, đã cải sang công giáo để mong tránh được sự hành hạ của Đức Quốc Xã, đã phải chạy trốn sang London năm 1939 kể từ khi Đức Quốc Xã bắt đầu bắt bớ nhiều người Do Thái trong gia tộc của bà. Thân phụ của bà từng phục vụ trong ngành ngoại giao của Tiệp Khắc. Khi gia đình bà di cư sang Hoa Kỳ năm 1948 thì thân phụ bà trở thành khoa trưởng sáng lập viên trường Nghiên Cứu Quốc Tế dành cho bậc cao học thuộc đại học Colorado tại Denver. Bà Madeleine Albright cho biết bà đã đi theo bước chân của thân phụ bà:

"Cha tôi là một nhà ngoại giao của Tiệp Khắc, sau đó là một giảng sư và một nhà nhân bản. Tôi rất thích cách ông sống cuộc đời của ông về phương diện cá nhân, còn về những khuôn mặt chính trị thì tôi ngưỡng mộ nhiều khuôn mẫu, nhưng cha tôi là một mẫu mực đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng."

Bà được nhập tịch trở thành công dân Mỹ năm 1957 trong lúc còn là sinh viên tại đại học Wellesley ở Massachusetts. Bà cho biết bà rất biết ơn được trở thành một công dân Mỹ.

"Tôi đã nhập tịch trở thành công dân Mỹ, và tôi luôn luôn nghĩ rằng đây là một quốc gia tuyệt vời và ngoại hạng về nhiều phương diện. Tôi cho rằng thế giới rất cần đến một nước Mỹ tích cực dấn thân, đó là một nước Mỹ hào hiệp, làm việc trong tinh thần đối tác với những quốc gia khác, và giúp điều hành một hệ thống quốc tế vô cùng phức tạp."

Sau khi tốt nghiệp đại học Wellesley với hạng danh dự năm 1959 về khoa học chính trị., bà thành hôn với ký giả Joseph Albright của tờ nhật báo Chicago. Trong lúc chăm sóc gia đình, nuôi con, bà còn học thêm và lấy được bằng tiến sỹ về Công Pháp và Hành Chính Công Quyền của đại học Columbia.

Bà Madeleine Albright từng phục vụ trong tư cách phụ tá trưởng về luật pháp cho thượng nghị sỹ Edmound Muskie từ năm 1976 đến năm 1978. Bà cho biết rất yêu thích công việc này và luôn luôn có một niềm đam mê sâu xa về chính trị.

"Trong nền dân chủ, chính trị là nơi để người ta thuyết giảng. Tôi yêu thích tất cả mọi khía cạnh của chính trị và tôi đã có những quan hệ với một số những nhân vật chính trị tuyệt vời như Ed Muskie, Wlater Mondale, tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton và bây giờ là Hillary Clinton, và theo tôi chính trị không phải là chuyện tệ hại, đó chính là cách thế mà một nền dân chủ đối thoại với chính nó."

Lòng say mê chính trị của bà càng bén nhạy hơn nữa từ kinh nghiệm làm việc trong thượng viện. Năm 1978 bà Albright đã hoan hỉ nhận lời mời để phục vụ trong ban nhân viên tòa Bạch Ốc của tổng thống Jimmy Carter, và sau đó bà làm việc trong ủy ban An Ninh Quốc Gia.

Sự bén nhạy của bà trong lãnh vực đối ngoại càng ngày càng khiến bà trở thành một nhân vật quan trọng và là một tiếng nói đáng tin cậy trong các vấn đề đối ngoại trong chính quyền của tổng thống Jimmy Carter.

Năm 1982, sau khi tổng thống Carter thất cử và tổng thống Reagan lên cầm quyền, bà Albright trở lại giảng dạy về các vấn đề quốc tế tại đại học Georgetown. Ngoài việc giảng dạy cho ban cử nhân và cao học về chính sách của Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế, bà Albright còn giữ nhiệm vụ triển khai các chương trình đại học nhắm để thăng tiến các cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ trong các vấn đề quốc tế.

Bà đã cho thực hiện một số ý tưởng đó, khởi sự từ năm 1984, khi bà được thu dụng làm cố vấn về chính sách đối ngoại cho ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, bà Geraldine Ferraro. 4 năm sau đó, một ứng viên tổng thống khác của đảng Dân chủ, ông Michael Dukakis cũng đã nhờ bà giữ một chức vụ tương tự.

Bà trở lại chính trường năm 1993 khi tổng thống vừa đắc cử lúc ấy là ông Bill Clinton bổ nhiệm bà làm đại sứ Mỹ tại LHQ. Bà phải thừa nhận rằng đây là một công việc vô cùng khó khăn. Bà cũng đã bày tỏ với sự hối tiếc về cách hành xử trong công việc của bà khi giữ chức vụ này, nhất là trong vụ diệt chủng tại Rwanda đầu thập niên 1990.

"Tôi rất tiếc là chính quyền chúng tôi lúc đó đã không hành động đủ để giúp cho Rwanda.Tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều cảm thấy như vậy vàđã phân tích xem những gì đã xảy ra, và theo tôi thì lúc đó cũng rất khó mà đưa quân đến nơi kịp thời để chặn đứng được vụ diệt chủng hoặc giết người, nhưng tôi vẫn mong rằng phải chi chúng ta đã cố gắng can thiệp."

Bà Albright đã đi vào lịch sử khi vào năm 1997 bà được tổng thống Bill Clinton đề cử và rồi được thượng viện chấp thuận để trở thành bộ trưởng ngoại giao thứ 64 của Hoa Kỳ, chức vụ ngoại giao hàng đầu của quốc gia. Đó là lần đầu tiên một phụ nữ được nắm giữ chức vụ này và là một phụ nữ được nắm giữ chức vụ cao cấp nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ. Trong địa vị bộ trưởng ngoại giao, bà Albright đã giúp hình thành các chính sách của Hoa Kỳ trong các khu vực trọng yếu như Trung đông, Trung Quốc, Bosnia và Kosovo.

Kể từ khi rời khỏi chức vụ bộ trưởng ngoại giao vào lúc kết thúc nhiệm kỳ thứ nhì của tổng thống Clinton năm 2001, bà Madeleine Albright vẫn không từ bỏ sự chú tâm của bà vào chính sách đối ngoại. Bà tin rằng Hoa Kỳ có một vai trò độc đáo trên chính trường thế giới, nhưng theo bà thì vai trò đó phải là đối tác với các quốc gia khác.

"Mỹ sẽ tiếp tục là một quốc gia đối tác, điều này có nghĩa là chúng ta không đứng một mình. Nó không có nghĩa là dấn thân vào những vấn đề của thế giới để chuốc lấy những khó khăn rắc rối., nhưng phải hiểu là chúng ta cần phải tìm cách giúp giải quyết những vấn đề của thế kỷ thứ 21. Và tôi là người tin tưởng mạnh mẽ vào sự tốt lành của Hoa Kỳ, tinh thần nhân đạo và cũng chính vì quyền lợi của quốc gia mà Hoa Kỳ cần phải giúp đỡ cho những người đang bị thiếu ăn hoặc bị tra tấn ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới."

Hiện tại bà Madeleine Albright là chủ tịch của Học Viện Dân Chủ Quốc gia về các Vấn Đề Quốc Tế. Bà đã chia xẻ với chúng ta về những điểm son trong cuộc đời khác thường của bà và những kinh nghiệm trong tòa Bạch Ốc cũng như ở bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong 2 cuốn sách mới xuất bản tựa đề là “Hồi Ký của bà Bộ Trưởng" và "Quyền Thế và đấng Toàn Năng-Những Suy Ngẫm về nước Mỹ, Thượng Đế và các Vấn Đề Thế Giới."


VOA
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.