Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ðỗ Quỳnh Dao
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Ðỗ Quỳnh Dao

tên thật Ðỗ Quỳnh Dao
sinh tại Sài Gòn
du học trước năm 1975
hiện cư ngụ và làm việc tại Pháp

tác phẩm :
Con Nữ (Văn Mới Hoa Kỳ xuất bản)


Phượng Các
#2 Posted : Tuesday, December 7, 2004 12:38:51 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
phải chi

đỗ quỳnh dao





Đã ngoài tám giờ mà buổi sáng vẫn chưa đến. Vầng đỏ trốn lì ở tận mãi đâu đợi buổi tối cuốn gói đi thật xa rồi mới dám lấp ló. Bầu trời thấp chùng, ui ui xam xám như còn lo sợ. Suốt đêm qua vạn vật phập phồng nơm mớp trước cơn thịnh nộ của tạo hóa, mưa tung tới tấp cây roi nước để giương oai với sét sáng lóe đang xé toạc bóng đen và sấm gầm gừ làm run rẩy màn khuya. Mưa quất sét chớp sấm nổ, quần nhau đến ngất ngư xiểng liểng rồi bỏ đi không một liếc mắt đến bãi chiến tàn. Để lại giờ đây, bờ tường ẩm chương phồng từng mảng sơn sắp tróc vẩy và mặt đất ủng xói lở thành những vũng bùn lầy lội. Xa hơn trên sân cỏ, mấy băng gỗ đợi nắng đến hong khô mớ xương khớp ê ẩm và chiếc cầu tụt mọng nước ngửng cổ ngóng tiếng cười của lũ trẻ.





Nó vẫn thích ngồi bên cửa sổ phòng khách và nhìn ra ngoài. Mỗi lần nó đều thấy như có gì cồn cào trong bụng, trồi lên ngực lên mặt và bật ra nơi khóe mắt. Lúc đó nó có cảm giác đã rời khỏi người và trở nên nhẹ nhàng trong suốt. Nó không còn là nó nữa. Nó là giọt nước, giọt nước rơm rớm, tức tưởi, nghẹn ngào, giọt nước khóc mà không biết vì sao khóc mà chỉ biết ngộp choáng dưới bao nhiêu ước muốn. Phải chi nó cũng nghịch ngợm nhảy tót vô vũng đọng cho tung toé nước khắp quần áo, phải chi nó cũng tung tăng đến trường cặp sách trên lưng vừa đi vừa trả bài trong đầu, phải chi nó chỉ lo nhả từng vòng khói phì phèo, phải chi nó chỉ lo vẽ mắt tô son để chài trai. Ừ phải chi nó như vậy, quậy phá hồn nhiên nhu mì ngoan ngoãn lẳng lơ hư hỏng. Như mọi đứa trẻ. Nó là một đứa trẻ nhưng nó khác mọi đứa trẻ vì nó không đi đứng chạy nhảy mà chỉ ngồi yên ở đây, ngồi bên cửa sổ phòng khách và nhìn ra ngoài.



Có tiếng khóa khua trong ổ. Dì đẩy cửa bước vào, nó gọi là dì cho thân mật chứ thật ra họ không có một liên hệ gia đình nào cả. Chỉ là mẹ nó và dì cùng có cái giọng nói giòn tan và sáng rỡ mặt trời của vùng Marseille. Dì là người láng giềng đến trông nom khi mẹ nó đi vắng. Một người tốt và đáng tin cậy, ngoại trừ giờ giấc co giãn theo số ly Pastis dì cụng. Dì bước lại ôm hôn nó và hỏi:



- Fifille-Con gái-dậy rồi hả?



Giọng nói líu lo như khoanh tròn từng lời, với những chữ cuối kéo dài nhừa nhựa.



Nếu nhìn kỹ, người ta có thể đoán là lúc trẻ dì cũng đã từng phủi ra khá nhiều đàn ông bu quanh, nhưng bây giờ chỉ ngoài năm mươi mà dì giống như một căn nhà hoang phế. Lỗi ở định mệnh cướp mất chồng con của dì trong một tai nạn. Lỗi ở vận xui kết dì với người chồng sau vũ phu rồi cuối cùng bỏ dì. Lỗi ở những ly Pastis lúc đầu uống để quên và dần dà uống vì ghiền. Lỗi ở thời gian rón rén đi từng bước kín đáo cho đến một hôm khi soi gương dì thấy mình điêu tàn đổ nát, có muốn thương lượng điều đình chi nữa với thời gian cũng không kịp. Trên mặt, những sợi cơ như mất tính đàn hồi buông xuống hai gò má chảy nhão và tô đậm mớ nếp gấp đâm tua tủa. Mỗi nếp nhăn quanh miệng là một thử thách, mỗi đường gấp quanh mắt là một thất bại. Cái duy nhất còn sót lại của thời xuân sắc là đôi mắt sáng như sao băng, loại sao mà khi nhìn thấy người ta vội vàng thì thầm một ước nguyện. Đôi mắt giờ đây vẫn lấp lánh sao nhưng đã từ lâu dì hết tin vào phép lạ.



- Con gái có đói bụng không?



Dì vừa nói vừa lùa tay xoa mái tóc nó, máy tóc xoăn tít từng lọn nhỏ như con chó Pékinoise. Nhưng nó không phải là con chó, nó thua con chó vì nó không biết cắn, không biết bỏ chạy, không biết bảo vệ người khác hay chính mình, và cũng không biết sủa. Thật ra dù có sủa kêu hay gầm gừ, có ai nghe nó không?



- Thôi mình sửa soạn ăn sáng nhé.



Dì buộc khăn cho nó và bắt đầu phết bơ mứt lên hai miếng bánh mì khô. Phần dì chỉ có một tô cà phê đen thôi. Dì ăn ít nhưng hầu như bao nhiêu Pastis đổ vào không làm dì say mà tụ vào máu và đông thành mỡ, có lẽ vì thế nên thân hình của dì bị nuốt trọn trong những ngấn thịt nồng nặc mùi hồi. Dì nhâm nhi tô cà phê và bắt đầu nói. Cũng một câu chuyện mở đầu bằng-hồi thời của dì. Cũng một người nghe -là nó. Có sao đâu, dì nói để mà nói chứ chẳng chờ đợi gì nơi nó, chỉ vì có nó ngồi trước mặt chứ nếu không dì đã rù rì với Pastis rồi.



- ...Dì nghĩ con nên vô trường, con thì có bạn cùng trang lứa và mẹ con thì cũng đỡ lấn cấn.

Không, nó không muốn vô trường, nó không cần bạn bè. Cách đây mấy năm, nó có ở lại trường sinh hoạt nguyên một tuần lễ và bây giờ khi nghĩ đến nó vẫn còn thấy gai gai ơn ớn. Vả lại mẹ nó cũng không chấp nhận để nó ở trường, lẫn lộn với những đứa trẻ khác tuy có tay hay chân nhưng lại thiếu cái đầu. Bà muốn nó hòa nhập với những đứa, vừa có đầu suy nghĩ vừa có tay múa may và chân chạy nhảy. Nó cũng muốn như vậy nhưng làm sao được? làm sao đòi hỏi ở đứa trẻ cái mà người lớn chưa chắc đã làm được? họa chăng là thánh mới đủ nhẫn nại và kiên trì. Nhưng đừng nhắc đến thánh nữa, nó biết chắc không có thiên đàng với thánh thần hái từng giỏ hạnh phúc từng sọt đau khổ đem rắc đồng đều cho mọi người. Nếu không tại sao nó phải ngồi đây?



Không, nó không muốn vô trường, nó không muốn xa mẹ. Cứ cho là ở trường nó sẽ có đông bạn bè nhưng lỡ mẹ không vô thăm và quên nó luôn thì nó có sung sướng không? Nó cần mẹ, cần thấy mặt, cần nghe tiếng, cần ngửi mùi. Mỗi chiều, từ thứ hai đến thứ năm, khi cây kim đồng hồ đứng thẳng thì nó bắt đầu nôn nao rộn rã. Chừng nửa giờ sau, khoảng sáu giờ rưỡi thì mẹ nó đi làm về. Nó ngồi yên trong phòng nhưng nó rõ hết. Mẹ mở cửa bước vào, móc chùm khóa lên cây đinh đóng trên tường bên cạnh, rồi treo áo khoác lên mắc. Chân bà thong thả rút khỏi giày và xỏ gọn đôi dép đi trong nhà. Đôi dép xanh, có chùm len xanh, có gót cao kêu lót cót trên sàn gỗ. Tại sao không là đôi dép thấp vừa nhẹ nhàng cho chân, vừa êm ái cho màng nhĩ? tại sao lại xanh mà không màu khác? Không cần thắc mắc, có những thứ đã có từ thuở nào và trở thành thói quen. Chỉ biết nếu thiếu vắng thì nó sẽ nhớ vô cùng, thế thôi. Cũng như màu xanh có mặt khắp nhà, đâu đâu cũng màu xanh, xanh sơn cửa, xanh vải màn, xanh men sứ, xanh gạch lót, xanh giấy dán tường, xanh vinyl trải phòng tắm, và xanh luôn cả gương mặt thiếu nắng của nó.



Bây giờ mẹ vào phòng ngủ, cất vô tủ cái ví Vuitton giả rồi đi tắm. Khi trở ra, bà nằm phịch trên giường, mặt ngước nhìn lên trần. Bà có vẻ mệt và chán, như cây cải héo với mấy chân lông nở toạc. Chắc bà cũng muốn chui xuống chăn, vùi đầu vô cái gối hình chữ nhật có dúng quanh bằng lụa xanh, và ngủ. Ngủ một giấc dài thật đã, để quên hết mọi sự. Nhưng bà thở hắt ra và ngồi dậy chậm chạp. Bà có thể quên tất cả, quên bà quên người khác nhưng bà không quên được nó, vì nó tùy thuộc vào bà.

Bà đưa nó vào phòng tắm để rửa ráy. Mỗi chiều bà đều lau rửa nó và đến chiều thứ năm thì có dì sang giúp bà tắm cho nó. Vì bà đi nghỉ cuối tuần ngay chiều thứ sáu sau khi tan sở và chỉ trở về chiều thứ hai. Xong vô bếp sửa soạn cơm tối cho nó. Nói cơm tối cho có vẻ động nồi khua chảo, chứ thật sự chỉ một miếng jambon cong queo với khoai tây tán ăn liền, hoặc tóm gọn hơn, một lon đồ hộp. Giản tiện, sạch bếp và đỡ mất thời giờ. Đừng tưởng bà vụng về không biết làm cơm, lúc trước bà cũng bày biện nấu nướng đủ món nhưng từ khi chị nó dọn ra ở ngoài bà đã dẹp luôn cái tạp dề làm bếp vô trong tủ. Một hôm chị nó bất chợt về thăm nhà và thấy nó đang ăn đồ hộp. Mở tủ lạnh ra, chỉ chèo queo vài trái cà chua thâm đen và lát thịt nguội khô đét. Chị cằn nhằn:



- Sao mẹ không nấu thức ăn tươi cho nó?



- Thì đồ hộp cũng bổ cũng tốt vậy. Nó ngồi không suốt ngày thì đâu cần bồi dưỡng chi nhiều.



Mẹ nó có lý đấy, có làm việc thì mới có đốt ca lô, còn nó có làm gì đâu mà đòi hỏi nhiều. Cứ nhìn bà đi, làm việc quần quật suốt ngày mà buổi tối hầu như không ăn gì ngoài mẩu phó mát và trái cây.



- Mẹ kiêng ăn vì muốn cho gầy đẹp chứ nó có muốn vậy đâu. Vả lại ăn ít hay nhiều cũng đều cần có chất tươi.



- Bộ trái cây không phải là chất tươi sao?



Thật ra chị nó không nên trách mẹ vì mỗi khi đi chơi cuối tuần về, bà đều mang cho nó một gói Mac Do còn nóng, dầu chiên thấm loang ra hộp giấy.



Bà để nó ăn một mình trong bếp và ra ngồi trên xa lông ngoài phòng khách. Rồi bấm máy điều khiển mở truyền hình, như một người cô độc mở truyền hình để khỏa lấp im lặng để cảm thấy có người bên cạnh mình. Nó kề cận bên nhưng không phải như một người mà như cái tủ cái bàn vì nó cũng im lìm tựa gỗ. Trên màn ảnh, cô xướng ngôn viên đang đọc tin tức trong ngày. Bà mặc kệ tin tức trong ngày, nó chẳng dính dáng đến, ngày của bà đã quá dài quá nhọc rồi, tội quái gì để ý đến ngày của người khác. Bà chỉ lắng nghe bản dự đoán thời tiết để sửa soạn bộ cánh cho ngày mai và nhìn sững màn ảnh với một thoáng ganh tị đôi môi dày gợi cảm của cô xướng ngôn viên. Khi nó ăn xong, bà giúp nó làm vệ sinh tối và thay quần áo đi ngủ. Xong, dọn dẹp bếp và về phòng. Lúc ấy cũng đến giờ chiếu phim trên đài 1-TF1, nhưng bà không ngồi xem vì có thú khác hấp dẫn hơn: đọc sách. Thoạt tiên bà đọc sách để dỗ giấc ngủ, dần dà sách giúp bà thoát và mang lại cảm giác thong dong tự do. Khi đó bà trở thành các nhân vật nữ trong chuyện, lúc thì cô thợ xưởng máy hăng hái trong cuộc biểu tình đình công, lúc thì cô y tá "không biên giới" tận tụy trong tiếng súng ì ầm. Lúc nào bà cũng đóng vai, không thiết yếu là vai chính, nhưng luôn luôn chịu ép quên mình. Niên liễm đóng cho thư viện chưa bằng giá một quyển bày bán ngoài phố, tha hồ mà bà mượn sách và bay lượn thỏa thích với sự hy sinh được thăng hoa.





- Nè, Fifille-Con gái, nhớ để dành cho dì một phần với nhé, phần trăng đó. Nãy giờ dì nói chuyện với con mà con cứ như ở trên cung trăng, trên đó có đẹp không?,..tội nghiệp cho mẹ con, bà ấy còn trẻ quá, cứ như dì vậy mà khỏe, không ai làm khổ mà mình cũng không làm khổ ai, có chăng mình tự làm khổ với rượu.



Dì ngừng nói và lim dim đôi mắt, đôi mắt sao băng mất hút thật xa dưới hai mí sưng mụp. Lâu sau dì nói tiếp, giọng trầm xuống như đang phân trần, không biết với nó hay với chính dì:



- Thật ra mình tự làm khổ với rượu hay mình nhờ rượu để quên khổ?...Dì thương hai mẹ con, mẹ khổ con khổ người nào cũng khổ cả. Không thể nào sống như vậy mãi, phải thay đổi cách sống mới được, nhất là mẹ con còn trẻ quá.



Có chắc mẹ nó biết mình còn trẻ? một người đàn bà bị chồng thôi, với lương tối thiểu vỏn vẹn bốn số, quần quật trong bổn phận và trách nhiệm cùng hai con, đứa đầu vừa nứt mắt đã bỏ học lêu lổng còn đứa sau thì suốt ngày ngồi lì một chỗ. Một người đàn bà với thời khóa biểu chằng chịt như vậy làm sao còn thời giờ để đếm số tuổi và nhớ mình còn trẻ? họa chăng là để làm toán cộng cô đơn và bất hạnh của mình.





Chuyện nào cũng có một bắt đầu, vậy thì câu chuyện này phải được bắt đầu bằng mục giới thiệu các nhân vật. Đứng đầu áp phích là nó, sau đó là mẹ nó và dì. Chị nó xuất hiện rất ít ở đây nhưng sẽ trở lại thủ vai chính trong lần khác. Có vài người được nhắc thoáng qua, như ba nó, vợ sau của ba, ông nhà đèn bạn của mẹ, vv... Nó là một bé gái mười hai tuổi, ở cái lứa này lẽ ra nó phải non xèo búp mới nhú hay nếu có trổ mả sớm hơn thì hơ hơ nụ hàm tiếu. Nhưng nó già háp như trái giú ép. Nó già vì vị đắng của giận trong miệng. Nó già vì đã hiểu biết quá sớm, hiểu mình phải cúi đầu chấp nhận và nhất là hiểu mình không có quyền đòi hỏi khi mình không là gì cả. Còn tên nó là...? tên là gì nó cũng chẳng nhớ, đã từ lâu không gọi đến nên quên béng. Đừng tưởng nó ngốc nghếch đần độn, chưa chắc những trẻ khác biết nhiều bằng nó. Mảng óc của mấy đứa kia chỉ là hột đậu trắng so với khối xám của nó, nung núc những tế bào não to béo. Có gì lạ đâu, động cơ thì cơ nở còn động não thì não phì. Cứ tì tì hết xem truyền hình đến đọc sách, luôn cả mấy quyển tự điển Larousse, Robert gì cũng nhai, thét rồi nhiều thứ chui tọt và nằm luôn trong đầu nó. Thử hỏi tên thủ đô của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thử hỏi con cameleon-cắc kè màu gì? thử hỏi ...Trong tích tắc đồng hồ thì nó đã trả lời. Nó không nhớ tên mình vì không cần thiết, có nói chuyện với ai đâu mà cần nhớ tên? Với dì thì chỉ Fifille-Con gái, với mẹ nó thì có hỏi hay dặn dò đều trỏng không. Với nó thì không lắc đầu không gật dầu không trả lời. Nó chỉ nói, kể chuyện và hát nữa khi có một mình, còn những lúc khác thì trơ phỗng tượng đá. Có lẽ vì nó sợ mẹ nó nổi tam bành, lỡ bà lên cơn giận như lần đó thì ôi thôi, mặt bà xanh còn hơn cái áo xanh đang mặc và miệng bà cong cớn một loạt từ dữ dằn. Tốt nhất là im lặng, và nhìn chỗ khác kẻo bà lại hét:



- Nhìn cái gì? đừng có giương mắt nhìn tôi như vậy. Bộ muốn trù ẻo hả? Xéo, lủi.



Cũng là đôi mắt này hồi xưa, xưa như cái thuở mẹ ôm nó vào lòng và nói:



- Mẹ yêu con gái của mẹ quá. Cho mẹ hôn đôi mắt tròn xoe như mắt nai Bambi, cho mẹ hôn bé Bi của mẹ.



Phải rồi, tên ở nhà của nó là bé Bi vì đôi mắt tròn xoe như mắt nai Bambi. Bambi, bam bi, bé Bi. Cũng là đôi mắt này hồi xưa, xưa như cái thuở mẹ nó kể chuyện cổ tích bắt đầu không phải bằng -ngày xưa có ông vua bà hoàng hậu mà là -ngày xưa có ba mẹ sinh ra hai cô con gái kháu khỉnh, cô chị giống cha dong dỏng tóc óng mượt màu rơm mới và con em mũm mĩm như mẹ tóc xoăn tít màu mật ong. Ai cũng trầm trồ hai con búp bê mặt khác nhưng áo quần luôn luôn chỉ một kiểu. Trong tiệm, mẹ nó hỏi cô bán hàng:



- Cô lấy cho tôi kiểu áo này, một "hai" tuổi và một "sáu" tuổi.



Ở nhà, ba nó nói:



- Thang hạnh phúc của ba có ba bậc, khi ba cưới mẹ ba trèo lên bậc thứ nhất có chị ba bước lên bậc nhì và có bé Bi thì ba đứng trên cùng.



Không biết ở đỉnh hạnh phúc ba nó có kịp thấy gì không vì bậc thứ ba mục nát và chiếc thang gẫy vụn một buổi sáng năm nó lên sáu tuổi. Buổi sáng đó khi thức giấc nó thấy khắp người bải hoải và mắt nhướng lên khó khăn. Vừa dợm đi vài bước thì hai chân đã mỏi rừ. Rồi hai chân nặng, hai chân lết, hai chân khuỵu, và hai chân bất động.



...



Những tháng ngày sau đó chỉ để ra vô nhà thương và mỗi lần đều giống nhau y hệt. Vẫn phòng đợi với những chậu hoa, kiểng giả và đống tạp chí cũ bong góc. Vẫn phòng bệnh và mớ dây, ống tiếp thuốc lòng thòng chực sẵn ở đầu giường. Vẫn phòng xoa nắn hăng hắc mùi thuốc khử với máy móc lạnh lùng đe dọa. Vẫn cái không khí căng thẳng của lo âu, trông đợi, mong chờ, hy vọng và cuối cùng ... thất vọng. Bây giờ ông bác sĩ hết nói với nó:



- Cái bệnh này đến và đi rất bất ngờ, không bao lâu thì sẽ chạy nhảy trở lại.

Bây giờ ông chỉ khuyên tiếp tục làm vật lý trị liệu.



...



Lúc đó nó là cái rốn trong vũ trụ nhỏ gia đình: mọi sự đều, vì, cho, để bé Bi. Không gian sống của cả nhà cô đọng quanh cái -bé Bi muốn bé Bi không muốn bé Bi thích bé Bi không thích, nhường cho em đi con chơi với em đi con đừng làm ồn để em ngủ đừng quấy để mẹ lo cho em...Nhưng chỉ vài tháng sau, chị nó không quấy không ồn và nhường tất cả cho em để tung tăng với các bạn, còn nó thì hết vòi vĩnh hết muốn làm quả trứng được nâng niu mà muốn như chị nó như mọi đứa trẻ, được chạy nhảy leo trèo. Không muốn ăn cà rem, không muốn gấu bông, không muốn búp bê, không muốn ngoan. Vì ngoan với người lớn có nghĩa là ngồi yên một chỗ. Trên xe lăn.



Nó ngồi yên năm đầu, ba mẹ khắng khít. Nó ngồi yên năm thứ hai, ba mẹ xô xát. Nó ngồi yên năm thứ ba, ba mẹ bỏ nhau, đúng hơn ba nó bỏ đi. Mấy mẹ con vẫn xúm xít ở lại trong chung cư này. Họ sống, đúng hơn mẹ nó sống, như để đợi ba trở về, như thể ông đang du lịch hay bận đi làm xa. Mẹ nó đã nghĩ và tin chắc như vậy. Ngay cả khi ông có người đàn bà khác, -nhằm nhò gì cỏn chỉ rù quến được cái vỏ bên ngoài chứ trái tim của chồng bà vẫn ở với vợ con. Ngay cả khi ông đòi ly dị và cưới cỏn, -í xì rồi thì chồng bà cũng sẽ trở về. Như thể bà gạt phắt ý nghĩ ba nó yêu người đàn bà kia và không thể sống thiếu họ.





Dì đứng dậy thu dọn chén bát bữa điểm tâm mang vô bếp. Vừa lết đôi chân phình ra hai bên như miếng phó mát chảy vừa tiếp tục nói chuyện râm ran.



- Ông...lúc này bết bát quá, nghe bà vợ kể là ông ta mất ăn mất ngủ từ hồi con chó của họ chết già. À con gái bà... có em bé rồi, mới ẵm về khoe tuần rồi...



Nó cố nhớ những ông Mít bà Xoài này, nhưng có vét cạn trí cũng không hình dung ra được. Chịu! Nó nhìn theo dì và đếm thầm nhịp nhảy của hai trái mông núng nính trong chiếc áo cô tông không dạng. Trái lên trái xuống, trái ừ trái không, cái ừ cái không, oui-non, oui-non. Ôi nó thương dì quá, nó thương như dì là, với máy phát thanh ra rả, với mùi rượu hồi nồng nặc, với hai bắp chân sưng phù ngoằn ngoèo gân xanh. Duy chỉ một điều làm nó nóng mũi nhột nhạt, đó là dì hay nói:



- Tội nghiệp cho con gái, con gái thật đáng thương.



Tại sao lại tội nghiệp? tại sao lại đáng thương? tội nghiệp đáng thương một người tật nguyền đồng nghĩa với coi thường khinh khi họ. Nó không cần thương hại không cần tội nghiệp. Thật ra chưa biết ai đáng tội nghiệp hơn ai? nó không vững vàng nhanh nhẹn bằng người khác nhưng nó bỏ xa họ về sức chịu đựng. Người lành lặn chỉ mới đụng vài mất mác thua thiệt thì đã than như bộng, còn người tật nguyền phải làm sao với nỗi bất hạnh đeo dính trên người? Họ phải gồng mình. Gồng mình với buồn tủi, hờn giận, ganh ghét, chán nản. Gồng mình với cổ nghẹn, ngực tức, bụng sôi, thân rã rượi. Gồng mình để quán xuyến sự đau khổ, rào giữ nỗi xúc động và tổ chức những tình cảm của mình. Họ gồng mình để sống vì họ yêu và quí trọng cuộc sống. Như vậy ai đáng thương hơn ai, ai đáng nể hơn ai?



Nó nghĩ một ngày nào đó nó phải nói với dì đừng gán cho nó mấy chữ đáng thương hay tội nghiệp nữa.



- Bây giờ dì đi chợ mua thức ăn để trưa nay làm trứng tráng với nấm cho con gái ăn, con gái thích không nè? Có ai kêu cửa cũng đừng mở nhé.



Dì dặn tuy biết thừa là nó sẽ không mở cửa cho ai, cũng như nó biết rõ dì không chỉ đi chợ mà còn tạt vô tiệm thuê một cuốn phim video. Vì ngoài rượu dì còn có một đam mê khác, là xem phim, nhưng không phải bất cứ phim nào mà phải là phim tầm tã sướt mướt. Người khác gắn sao cho quán ăn hay khách sạn còn dì thì chấm điểm phim theo số khăn dùng để xì mũi lau nước mắt. Càng tốn nhiều khăn thì cuốn phim càng có triển vọng được giải Oscar với dì.





Nó lăn xe đến gần cửa sổ. Bên ngoài trời vẫn ủ ê một màu tro mặc cho ngọn cỏ ướt ẩm đang co ro ngóng nắng. Đối diện, dãy chung cư với những ô cửa lặp lại, sáu hàng ngang tám hàng thẳng, thiểu não như khối bê tông bị rỗ mặt. Bỗng dưng nó thấy có gì đè nặng nơi ngực.



...Như mọi người, nó cũng có lúc vui lúc buồn.



Những ngày nó thấy đời sống rực rỡ muôn màu, những ngày nó là nắng, là sâu hóa bướm sắp rời khỏi kén. Những ngày ấy nó sắp xếp cuộc sống thật gọn gàng, dĩ nhiên theo cách của nó. Nhắm mắt lại và "thấy" những gì muốn. Nhắm mắt lại "thấy" đôi chân mập mạp rắn chắc, nhắm mắt lại "thấy" đôi chân đi đứng chạy nhảy, rồi bơi lội, trượt tuyết và luôn cả khiêu vũ. Có gì khó đâu? nó nhớ rõ từng động tác phải làm và vẫn thường xuyên ôn dợt trong đầu để một ngày nào đó...biết đâu nó khỏi bệnh. Nhắm mắt lại, nó là bong bóng biển xủi trắng trên cát, là bọt xà bông đủ màu cầu vồng mong manh lơ lửng,... Muốn gì mà lại không được? Ắn ngon? nhắm mắt lại còm măn rồi thì đủ mọi món nóng sốt. Mặc đẹp? nhắm mắt lại rồi tha hồ chọn áo quần hợp thời trang chất nghẹt trong tủ. Nó còn có thể "thấy" cả tình thương nữa. Nhắm mắt lại, nó thấy chị nó về thăm. Ô chị nó đẹp quá, đẹp như ảo tưởng như giấc mơ như núi tuyết lượn lờ trong ráng chiều trên tấm bưu ảnh. Chị xoa đầu nó và chơi với lọn tóc nâu xoăn... Nhắm mắt lại, nó thấy mẹ gội tóc cho nó và vuốt nhè nhẹ như đang làm mát xa da đầu. Xong mẹ cầm chiếc khăn ướt lau khắp người nó. Ưm ưm, mềm quá thơm quá, mềm như bông gòn, thơm như táo xanh. Nhắm mắt lại, hai chị em nó đang say mê nghe mẹ kể chuyện. Mẹ kể chuyện thật hay, chỉ điểm xuyết vài chi tiết thì câu chuyện bừng dậy với đủ cả sắc thanh mùi vị cùng cảm giác. Cũng có lúc bà hơi quá đà nhưng luôn luôn biết cách xoay trở rất hợp lý.



- Sao kỳ trước mẹ bảo bà phù thủy luôn luôn mặc áo đen mà kỳ này mẹ lại nói mặt bà ta đỏ hoét như cái áo đang mặc?



- Thì phải rồi, mấy áo đen dơ hết phải giặt, phơi chưa khô nên bà phù thủy thay đỡ áo đỏ!



Nhắm mắt lại, nó thấy ba đưa cả nhà đi chơi rồi...Rồi chỉ vậy thôi, dù có muốn thấy gì khác cũng không được, cái đầu bướng bỉnh của nó từ chối không chịu làm việc tiếp. Cố gắng lay chuyển não thì cũng chỉ vài hình ảnh rời rạc nhảy giựt rồi đứng khựng lại, trắng xóa. Y hệt cuốn phim bị đứt.





...Như mọi người nó cũng có lúc này lúc nọ.



Những ngày nó là mưa, là lá rụng là chim ướt. Những ngày nó thấy cuộc đời trống rỗng, đục nhờ như nước đọng. Những ngày nó chỉ muốn mất trí nhớ để quên sạch. Lần đó, ba nó hỏi gặng:



-Mấy giờ cô đến đón nó?



-Khoảng 20 giờ. Bệnh viện ở hơi tréo đường, phải đổi đến hai lượt buýt...



Ba cắt lời:



-Không có khoảng mà đúng 19 giờ 45.



Rồi ấp úng thêm như thể rất bực mình vì phải giải thích với mẹ nó:



-Tối nay ở nhà có khách.



Mẹ hôn phớt nó rồi dẫn chị đi thật nhanh. Ba vừa đẩy nó vô nhà thì bà vợ sau đã cằn nhằn:



-Tuần này đâu phải tới phiên anh trông? tại sao lại đòi gởi, bộ đây là nhà giữ trẻ hả?



-Bà ngoại của bé Bi ốm nặng phải vô nằm nhà thương, cô ấy đi vô thăm làm sao mà dẫn nó theo được?



-Anh muốn làm sao thì làm, em không thể vừa làm cơm tiếp bạn vừa lo cho nó.



...



Nó vẫn nghĩ nếu lúc đó ba nó trả lời :



-Thì đã sao?



hay ông đừng nói gì mà chỉ nín thinh im lặng. Có lẽ cuốn phim trong đầu nó sẽ chiếu tiếp tục và nó sẽ "thấy" được những hình ảnh trước khi ba nó bỏ đi.



Nhưng ông đã nói:



-Trời ơi tại sao lại phạt tôi phải vác cái thập tự này?



Khi đó, hình như nó ngồi cứng ngắc và nhìn sững một chấm vô hình dưới đất, cơ hồ muốn kềm giữ ý nghĩ và cảm xúc. Khi đó, hình như nó là đầu đầy ắp ngực nóng ran với cảm giác sáng suốt một cách khó chịu vì thấy mọi sự lố bịch trơ trẽn. Ba nó yếu đuối, không sao. Ba nó trốn trách nhiệm, không sao. Nhưng ông không có quyền nói nó là thập tự ông phải vác, vì thập tự này của nó và nó một mình cáng đáng. Một mình vác thập tự, không biết đến bao giờ và có thể là vĩnh viễn suốt đời. Một mình với thiệt thòi, ước mơ và tuyệt vọng, một mình với thân xác nổi loạn tinh thần sụp đổ. Một mình để khước từ chính mình, để ngoảnh mặt không nhìn mình trong gương, để muốn không phải là chết mà chưa bao giờ hiện hữu. Hiện hữu làm gì khi thân tâm xa lạ, thân chỉ còn là một tập hợp tế bào bên cạnh tâm thờ ơ dửng dưng rơi hẫng vào thinh không. Không, ông không có quyền nói vậy. Vì nó là con ông và vì nó tuy không có chân nhưng có trái tim và tình cảm thì nằm trong tim. Ông thản nhiên bóp vụn tình cảm của nó và thê thảm hơn nữa là ông không mảy may biết đã làm nó tổn thương. Nó nghĩ có thể nó sẽ đỡ khổ hơn nếu nó chỉ là một tai nạn ngoài ý, là cái sót lại của xung năng tình dục nơi hai con cái đực. Nhưng nó là kết quả của tình yêu là nấc thang hạnh phúc và nó nợ của ba nó "cái gọi là" tình cha con, "cái gọi là" vì tình ấy cũng què quặt như nó. Khi đó, hình như nó muốn khóc để giọt nước mắt tống tháo "cái gọi là" ấy, nhưng đôi mắt nó vẫn khô queo ráo hoảnh. Không biết phải cần bao nhiêu thời gian để giọt nước mắt trào khỏi khóe?



...



Lần đó mẹ nó vui như trúng số, những gì bà dự đoán đều đúng cả. Mặc sức mà bà đay nghiến, dù cho nó có giải nghĩa cách nào đi nữa: - Biết lắm mà, thứ chằn tinh thì làm sao mà tốt với con người khác, không hiểu cỏn làm gì mà bé Bi sợ không chịu về thăm ba nó nữa. Bà còn chì chiết thêm khi chị nó bớt về bên kia, sau ngày bà vợ sau của ba nó có em bé: - Đúng là ác phụ, ăn ở thế nào mà từ đứa nhỏ đến đứa lớn đều chạy hết!



Những người đàn bà bị chồng bỏ, có người cúi đầu cam chịu, có người lật trang đời mới, có người hằn học kiểu: -dặn đứa lớn rình xem bên kia "thằng cha đểu giả của mày" làm gì và dạy đứa nhỏ chia vanh vách động từ là (être) "cha tôi đã, là và sẽ là thằng khốn nạn". Mẹ nó thì khác, mọi sự đều do cỏn. Bà lờ chuyện cỏn chỉ xuất hiện rất lâu sau khi chồng bà bỏ đi, bà quên cỏn săn sóc con bà những khi chúng về bên kia, -í xì, thêm bát thêm dĩa có gì khó đâu! í xì, rửa ráy bé Bi thì có nặng nhọc gì! Bà không thấy (hay không chịu thấy?) là cỏn làm vậy vì yêu chồng, mà chỉ nghĩ là con hồ ly giả nhân nghĩa tung hỏa mù để nắm chồng của bà.



Bà đại thắng khi cả hai đứa trẻ đều lắc đầu không muốn về bên kia. Bà hài lòng nhưng không vui vì bây giờ bà hiểu cỏn mới là vợ của chồng bà, còn bà chỉ là bà trước, bà cũ, bà ex.





Dì đi đã lâu nhưng nó vẫn ngồi thừ một chỗ. Bỗng dưng nó thèm nghe tiếng động, những tiếng động bình thường trong nhà, tiếng mở cửa, tiếng nước chảy, tiếng chén bát khua chạm, tiếng bàn ghế xô đẩy, những tiếng động bình thường trong căn nhà có sự sống. Nó lăn xe đi khắp như để tìm kiếm cái gì. Bánh xe kêu xoèn xoẹt trên sàn gỗ thật vô duyên lạc lõng...



Phòng của chị nó hẹp nhưng thật sáng nhờ khung cửa sổ rộng nhưng là cái sáng không hồn, buồn hiu như con gấu bông nằm lăn lóc trên giường, tiu nghỉu như bộ pyjama vắt trên ghế. Ánh sáng ngóng chị để cười giòn tan trên những sợi óng mượt khi chị hất tung mái tóc. Ánh sáng đợi chị để nhảy lung linh trong đôi mắt sâu thẳm lúc chị ca. Chị không phân biệt nổi một nốt nhạc nhưng ư ử rung ngân ngay sau khi nghe vài lần một bài hát. Giọng chị không thánh thót hay trầm bổng, chỉ là một chuỗi ấm, ngắn hơi, gần đứt đoạn và lúc cuối câu thì bật tiếng kêu thảng thốt rạn vỡ như để bày tỏ. Nó không cần biết chị hát hay dở sai đúng, nó chỉ biết chị hát cho chị cho nó và cho ánh sáng hồi sinh trong căn phòng. Cũng trong phòng này chị thì thào kể cho nó nghe bao nhiêu chuyện, và luôn luôn chị ngồi trên ghế hoặc quỳ dưới đất để mặt ngang tầm với nó, chứ không bao giờ đứng nhìn từ trên xuống. Nó khúc khích khi chị giả bộ trịnh trọng giống mấy thằng con trai lúc mời chị đi xi nê và thành khẩn khi chị tâm sự về giấc mơ làm người mẫu. Chưa gì nó đã thấy khán giả đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi chị xuất hiện trên podium trình diễn thời trang, chưa gì nó đã thấy hình chị ngập đầy trên mọi tạp chí phụ nữ. Ôi nó nhớ chị quay quắt... Lần cuối chị tạt về thăm nhà thật ngắn ngủi, chỉ đủ để lục mớ bạc lẻ mẹ nhét trong cái thẩu nhựa trên tủ bếp, để mượn nó sợi dây chuyền cùng tấm mề đay vàng bà ngoại sắm cho hai chị em, để xoa đầu và hôn nó. Khi ra cửa, chị quay lại nhìn nó thật lâu, không biết chị nhìn để xin lỗi hay để dặn nó đừng nói lại với mẹ. Lúc đó đôi mắt của chị thật lạ, như thể hai con ngươi nở phình ra...



Nó đẩy cửa vào phòng mẹ và ép sát chiếc xe vào một bên tường, tránh lát gỗ thứ năm giữa sàn bị gãy. Lạng quạng để bánh kẹt vô lỗ hỏm thì gay go đấy. Nó lăn xe đến tủ áo và mở ra. Hít lấy hít để như muốn hòa trộn và tan biến trong cái mùi, không hẳn khó chịu của mồ hôi mà cũng không phải dễ chịu vì quần áo đã mặc rồi còn ủ nước hoa và son phấn. Mùi của mẹ nó. Bà có thói quen thay đổi bộ cánh mỗi ngày, chỉ giũ cho thoáng và móc lại trong tủ. Vài lượt mặc rồi mới gom đi giặt, với thời gian chiếc tủ áo ướp ngấm trong cái mùi đặc biệt. Nó nhắm mắt và hít sâu vào tận cùng lồng ngực mùi của mẹ nó... Như có tay mẹ đang ôm nó, vuốt tóc, cọ má, xoa mũi, gãi lưng và thì thầm: -Bé Bi có thương mẹ không? Nó rên rĩ sung sướng, như đứa con nít chưa biết nói vừa mới khám phá ngón chân cái của mình và u ơ khoe mẹ.



Bỗng nó cụt hứng và bực mình khi mắt chạm vào bức ảnh để trên bàn nơi đầu giường. Đã tự dặn mình đừng nhìn nhưng nó vẫn luôn luôn bị hút vào cái từ trường đóng khuôn này. Nó cầm bức ảnh lên, bức ảnh của những ngày vui cũ. Cả nhà đi xem Hội chợ Trône, mẹ dắt chị và nó nắm tay ba đứng bên cạnh, trên đôi chân khỏe mạnh sẵn sàng chạy nhảy đu trèo. Nhưng mẹ giữ làm gì bức ảnh này khi ba đã có hạnh phúc mới và mẹ có ông nhà đèn? Ông nhà đèn là bạn trai của mẹ, cùng làm chung sỡ nhà đèn nhưng khác văn phòng. Theo lời dì kể, ông góa vợ và đeo đuổi mẹ từ lúc ba mẹ ly dị. Mẹ thì vẫn lơ lửng trong ảo vọng ba quay về và chỉ mới để ý đến ông từ khi ba có con với vợ sau.



Chuyện mẹ có ông nhà đèn tự nhiên không có gì lạ. Thì cũng như chị nó, như dì (nếu dì chịu bỏ rượu và ốm bớt, nó nghĩ vậy). Như mọi người. Dĩ nhiên không có nó trong cái mọi người này, nó không có bạn nhưng đâu phải vì vậy mà mẹ phải làm giống theo. Ông nhà đèn quàng lưng mẹ, gác tay sau ghế mẹ. Cũng bình thường thôi. Ông cầm nỉa với dao lớn để cắt con gà rô ti và nói: -ai ăn cánh ai ăn đùi ai ăn ức, ông rót rượu vào ly cho mẹ mà không cần hỏi ý, như để khẳng định người đàn bà này của mình và mình là chủ của gia đình. Thì đã sao.



Nhưng nó không thích ông vì ông dồn mẹ đến ngả hai, lần đó nó nghe mẹ khóc nức nở trong điện thoại:



- Tại sao phải dứt khoát? tại sao phải chọn lựa? tại sao phải bỏ nó vô trường?



Và nó ghét ông vì ông khiến cho mẹ nói ra cái mà mọi người, trừ nó, đều nghĩ.



- Sao ăn uống không coi chừng làm đổ tùm lum hết vậy? Bộ muốn hành tôi hả, bao nhiêu chưa đủ sao?



- Con đâu cố ý, tại mẹ cắt miếng lớn quá chứ đâu phải lỗi con.



- Phải rồi, không phải lỗi của ai hết, mà là lỗi của tôi. Tại tôi hết, tại tôi mà thằng cha bỏ đi, con lớn hư hỏng, con nhỏ bệnh tật. Tại tôi dữ nên bị chồng bỏ, tại tôi ác nên đẻ con què quặt, tại tôi không biết dạy con nên nó xì ke nghiện ngập. Tại tôi thích khổ nên đút tay vào cùm, tại tôi thích cực nên đeo gông vô cổ. Tại tôi hết, cái gì cũng tại tôi...



Mẹ ơi đừng nói vậy, con không bao giờ muốn hành mẹ. Xưa nay con chỉ biết mẹ lo cho con, nhưng đâu biết mẹ đã đuối sức với những -thay, tắm, cho bé Bi ăn, đi xi nê đi ăn tiệm, ai trông nó? đi hè đi nghỉ xa, ai giữ nó?-



Bây giờ con mới biết mẹ mỏi mòn với những loay hoay lẩn quẩn này, bây giờ con mới hiểu con là mụt nhọt làm ung thúi đời mẹ. Con phải làm sao đây? con biết làm sao đây?



- Nhìn nhìn, nhìn cái gì? cái mặt chằm vằm bộ muốn trù ẻo tôi hả? đi đi, đi về phòng đi, đừng ở đây giương mắt ếch mà nhìn như thằng cha bây nữa.



Giọng mẹ cứa sắc như miểng sành qua hàm răng khít rịt, đừng mẹ ơi giọng của mẹ là mật ngọt mà. Đầu mẹ lắc lư, miệng mẹ khi nghiến khi bĩu, đừng mẹ ơi mặt mẹ cứ nhão chảy như sáp đèn cầy nhầu nát như cái áo chưa ủi nhưng mẹ đừng như thế này.



- Sao hỏi mà không trả lời? câm rồi hả? què, câm, còn gì nữa cứ ra hết đi cho đủ bộ!



"Nhắm mắt lại" nó nghe mẹ nói:



- Mẹ không có ý nói cho bé Bi đâu, mà nói cho ông trời cho ai khác đó.



Nhưng mở mắt ra chỉ thấy trời ở tít tắp trên kia và một mình nó bên cạnh mẹ.



Ông trời ác quá, nếu đã bắt nó bị bệnh thì hãy làm tới cùng, cho nó đần ngốc để khỏi nghe khỏi thấy khỏi hiểu. Còn không thì có khó gì, ông chỉ búng tay cái chách thì nó bay thẳng lên đó. Hai cái ông Guillain Barré trí tuệ đã khám phá ra bệnh này, nếu không tìm được thuốc chữa thì ít nhất cũng cho biết chừng nào nó đi chứ? Dở ẹt! Nghe nói mấy đứa trẻ bị bệnh thường mất sớm, không biết nó còn ngồi ở đây cho đến bao giờ?





Các dãy nhà bắt đầu trở mình, náo nhiệt ầm ĩ. Người lớn cười nói, trẻ con khóc la, vợ chồng đập lộn, cha mẹ mắng con, hàng xóm gây gổ, nhạc Rap gào đua với nhạc Ả Rập cổ truyền, tiếng chai lon khua trong cột rác, tiếng chân đá vào cửa thang máy,... ngần ấy tiếng hòa hợp trong tấu khúc quen thuộc của một ngày thứ bảy nơi chung cư nghèo này.



Nắng đã thập thò, không nguyên vẹn mà cắt lát dầy, trải trên dãy đối diện. Chờn vờn ở các chậu hoa máng nơi cửa sổ rồi xà đến ve vãn mấy chị primevère. Chị hàm tiếu chị viên mãn, chị nào cũng tươi rói với lời tán tỉnh. Tha hồ mà nắng huênh hoang phơi phới bên chị búp lỏn lẻn chúm chím và chị nở toe toét hả hê...Nắng bây giờ ngập đầy các nốt rỗ khiến khối bê tông lấp lánh sáng ngời ánh kính trên cửa sổ. Nắng lan tràn trên sân, lau khô băng gỗ, vỗ về cầu tụt, rồi bám sát ngọn cỏ ẩm như để xin tha thứ cái thói chàng ràng bên hoa. Đây đó bên cạnh những ăn ten truyền hình lộ thiên, áo quần đủ màu lao xao nhún nhảy trên cây phơi nơi lan can, mặc cho ông gác dan chỉ trỏ la lối:



- Dẹp! làm ơn dẹp mấy cây phơi áo quần vô. Ở chung cư chứ bộ ở nhà riêng hay sao mà muốn làm gì thì làm. Cũng phải nghĩ đến người khác chứ, đâu phải chỉ có một mình thôi.



Bỗng dưng nó thấy nôn nao mong cho mau đến tối thứ hai để gặp mẹ. Nó sẽ trò chuyện lại với mẹ, sẽ nói mẹ đưa nó vô trường và khi nào rảnh thì vào thăm. Nếu mẹ không đi thăm thì cũng chẳng sao vì nó cảm thấy mẹ thương yêu nó. Và như vậy nó đã thấy đủ lắm rồi!





Đỗ Quỳnh Dao

26-06-2002

(trích từ "Con Nữ", tập truyện ngắn , vừa do Văn Mới xuất bản)
Phượng Các
#3 Posted : Wednesday, December 22, 2004 12:36:48 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
đọc "con nữ"tập truyện của đỗ quỳnh giao

nguyễn mộng giác


Trước 1975, là một nhà giáo tỉnh lẻ, tôi ít có cơ may quen thân với hai nhà văn đàn anh Mai Thảo và Nghiêm Xuân Hồng. Sang Mỹ, Little Saigon là một khu tập trung đông đảo nhất những khuôn mặt văn nghệ Sài Gòn cũ trong một diện tích gần bốn dặm vuông, tất cả đều trở thành láng giềng gần gũi. Nhờ thế, tôi được nhiều dịp tiếp đón cả hai nhà văn ở nhà, những dịp cuối tuần. Cả hai vị đều trải qua tuổi già trong cảnh độc thân. Mai Thảo suốt đời không lập gia đình, về già sống một mình trong một căn chung cư ngay trên phố Bolsa. Nghiêm Xuân Hồng sống với vợ chồng con trai, nhưng các con bận việc làm ăn, ông phải tự lo lấy mọi việc. Những buổi chiều cuối tuần ở căn nhà đường Strait của chúng tôi là dịp hai vị được ăn một bữa cơm nóng, chuyện vãn với bạn bè lớp trẻ trong không khí ấm cúng gia đình, để những ngày còn lại sống tiếp cuộc sống cô đơn.

Dĩ nhiên cả hai vị đều tuổi già sức yếu, bệnh hoạn thường xuyên. Một lần nhà văn Mai Thảo làm bài thơ Dỗ Bệnh để đùa với nỗi bận tâm khó chịu của mình:

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho.
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.

Quả tình Mai Thảo rất thanh thản gối tay lên bệnh. Sức khỏe ông ngày càng yếu, ăn không được bao nhiêu, ngủ càng ít; bạn bè giục ông đi khám bệnh, ông phớt lờ. Cho đến lúc bệnh không "thân" với ông nữa. Bạn bè anh em phải đưa ông vào nhà thương. Cả năm trời, ông nằm yên một chỗ, ăn bằng máy, thở bằng máy, thân thể ràng buộc chằng chịt dây nhợ. Ai đến thăm, ông vui mừng ra mặt, nhưng không nói được những điều thân ái muốn nói, phải bút đàm. Ông mất khi kiệt sức và máy móc cũng bất lực.

Trước cảnh tượng phải vào nhà thương, chịu giải phẫu và sau đó bị cột chặt vào giường bệnh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng của Mai Thảo, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng thường tâm sự là ông sẽ không dại dột như Mai Thảo. Ông không để cho "bọn đồ tể" trong y giới làm tình làm tội thân thể ông. Ông nhất định không đi nhà thương dù thú nhận rằng mỗi sáng thức dậy, ông có cảm giác như đang sống trong địa ngục. Hình như có hàng vạn con trùng đang gặm nhấm khắp cơ thể ông, máu trong người ông như lên cơn sôi. Phải nằm im cả buổi sáng, đến trưa ông mới cảm thấy bình thường, và buổi chiều tìm cách đi thăm người này người nọ để bớt thấy cô đơn. Về già, Nghiêm Xuân Hồng càng mê đạo Phật. Ông viết sách về Phật giáo, lâu lâu đi giảng kinh Phật ở các chùa. Một lần, chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khoẻ của ông. Ông bảo không có đề tài nào đáng viết hơn là bệnh hoạn và cái chết. Ông biết như thế, nhưng không còn đầy đủ sức khoẻ và hứng thú để viết. Ông khuyên lớp nhà văn trẻ (trẻ hơn tuổi Nghiêm Xuân Hồng mà thôi!) nên chú tâm viết về các đề tài này. Chúng tôi không dám lên tiếng phản bác ý kiến của ông, nhưng trong lòng nghĩ chuyện đời sống (sinh) còn chưa viết hết, làm sao có thì giờ nghĩ tới lão, bệnh, tử.

Rồi đến lượt nhà văn Nghiêm Xuân Hồng ra đi. Khác với Mai Thảo, ông ra đi đột ngột, có thể nói là chủ động ra đi một cách nhẹ nhàng. Buổi sáng thứ bảy hôm đó, người bạn thường chở Nghiêm Xuân Hồng đến nhà chúng tôi mỗi chiều cuối tuần điện thoại cho chúng tôi, giọng hối hả, báo tin nhà văn đang mệt nặng. Ông vừa thều thào điện thoại cho anh, bảo phải đến gấp vì ông khó thở. Nhưng anh ấy không có xe, nên nhờ chúng tôi đến nhà xem tình hình sức khoẻ cụ Hồng ra sao. Chúng tôi đến, và thấy Nghiêm Xuân Hồng nằm một mình trong cái buồng con bề bộn đồ đạc của ông, dáng vô cùng mệt nhọc. Ông cho biết lúc nãy gần như không thở được, bây giờ đã khá hơn. Chúng tôi đề nghị gọi xe cấp cứu đưa ông đi nhà thương. Ông ngần ngừ, nhưng cuối cùng chấp thuận cho chúng tôi gọi 911. Một người bạn đồng thời cũng điện thoại báo tin cho con trai ông. Trong khi chờ đợi, ông bảo chúng tôi cất giùm khẩu súng ông để ở hộc bàn viết. Biết chúng tôi thắc mắc, ông giải thích lúc nãy mệt quá, định với tay lấy súng chấm dứt cuộc đời mình cho nó xong đi, nhưng sức quá yếu, không với tay mở hộc bàn được. Rồi người con trai về, và xe cấp cứu đến. Bác sĩ bảo mạch tim ông quá thấp, phải ở lại nhà thương để theo dõi và chữa trị. Ông nhất quyết đòi về. Nhà thương đành để ông về sau khi làm một số thủ tục để tránh trách nhiệm bất cẩn nếu bệnh nhân có mệnh hệ gì. Nghiêm Xuân Hồng trở về căn phòng mình, có vẻ đỡ hơn, bảo con đi mua cháo. Người con mua cháo về, ông bảo để đó, ông nằm nghỉ một chốc đỡ mệt sẽ ăn. Mọi sự có vẻ bình thường. Sáng hôm sau, gia đình khám phá ông đã qua đời trong đêm.

Cái chết của hai nhà văn đàn anh để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Để lại rất nhiều câu hỏi. Trong suốt một năm dài nằm dính vào giường bệnh, thân thể bất động nhưng thần trí vẫn tỉnh táo sáng suốt, nhà văn Mai Thảo đã nghĩ gì? Nếu ông nói được hay viết được những suy nghĩ của ông trong thời gian đó, ông có "gối tay lên bệnh nằm thanh thản" được không? Tại sao nhà văn Nghiêm Xuân Hồng đã có lúc nghĩ tới chuyện dùng súng quyên sinh để thoát bệnh? Quyết định không thành ấy là sáng suốt hay do một phút yếu lòng? Ông đã cảm gì, nghĩ gì trong đêm thứ bảy lặng lẽ từ biệt cõi đời?

Nếu nhà văn Nghiêm Xuân Hồng còn sống đến hôm nay, tôi có thể vui mừng thưa với ông là có một nhà văn nữ ở Pháp viết về cái bệnh, cái chết một cách vô cùng tế nhị, tỉ mỉ và sâu sắc, trước đây chưa ai viết được như thế: nhà văn Đỗ Quỳnh Dao, với tập truyện ngắn đầu tay này.

Mười truyện ngắn của Đỗ Quỳnh Dao trong tác phẩm này là nỗi đau đớn da diết, nỗi lo bàng hoàng của mười bệnh nhân khác nhau về tuổi tác, chủng tộc, địa vị xã hội, bệnh trạng...nhưng mười bệnh nhân ấy có cái may gặp được một người bạn quí chẳng những biết chia sẻ nỗi đau thể xác và tinh thần của họ, mà còn có khả năng sử dụng một thứ tiếng Việt chuẩn xác để diễn tả những nỗi đau phức tạp ấy. Do bệnh, họ trở thành những đứa bé yếu đuối. Đỗ Quỳnh Dao ân cần lo lắng cho họ, xót xa cùng cơn xót xa của họ, băn khoăn cùng nỗi băn khoăn của họ. Bằng một ngòi bút mô tả cảm xúc và phân tích tâm lý vô cùng tinh tế, Đỗ Quỳnh Dao khiến tôi có cảm tưởng chính chị trải qua hết hoàn cảnh của mười bệnh nhân trong tác phẩm. Chị vừa là bệnh nhân vừa là những đứa bé đang cần lòng yêu thương của mẹ hiền. Đọc đoạn văn:

"Bà lão nằm nhỏ thó như đứa trẻ, gò má hóp dán vào xương và hố mắt nhắm hõm sâu vào. Trên đầu vài chùm tóc bạc vắt lơ thơ trên gối. Dưới hai cánh mũi nhấp nhô, sợi dây nhựa tiếp oxygène ghim phập vào như cái chĩa hai lòng thòng chiếc đuôi màu trắng đục. Một vết lở dọc nơi chân trái rỉ nước vàng chung quanh miếng băng keo hút mủ. Còn lại chỉ nhúm da khô rốc như bị vắt ráo đang bọc những khúc xương nối liền" (Sau cô, cơn bão sóng)

tôi tưởng như được nhìn trở lại hình ảnh nhà văn Mai Thảo ở nhà thương Los Angeles hai tháng trước ngày ông từ trần. Hôm đó nếu không có tấm bảng ghi tên QUI NGUYEN (tên thật của Mai Thảo) treo trước giường bệnh, chắc tôi không tin cái hình hài nhỏ thó queo quắt như một đứa bé kia là Mai Thảo. Tôi không thể mô tả ông đúng hơn, gợi hình gợi cảm hơn cách Đỗ Quỳnh Dao tả bệnh nhân của chị. Và ngay cả câu hỏi liệu Mai Thảo có thanh thản gối tay lên bệnh bạn bệnh thân như lời thơ của ông hay không, Đỗ Quỳnh Dao cũng trả lời được một cách chính xác, rạch ròi. Tôi có cảm tưởng chị nói thay cho Mai Thảo:

Chung quanh tôi, là những xác chết còn tươi, những bộ xương biết cử động, những mái tóc giả đội xộc xệch, những hố mắt sâu quắm, những cái nhìn cam chịu buông xuôi, những nét mặt nhớn nhác lơ láo. ở đây cái bất thường không phải là chiếc đầu trọc lốc mà là mái tóc dày rậm. ở đây cái quen thấy không phải là gương mặt hồng hào ánh mắt tinh anh mà là gương mặt xanh mét ánh mắt lạc thần. Tôi mệt quá, tôi đau quá. Tim tôi mới 34 tuổi mà sao thoi thóp muốn ngừng, phổi tôi mới thở 34 năm mà sao nhọc nhằn muốn tắt. Thuốc chống đau chỉ ngăn được phần nào trận bão sóng dìm tôi vô cơn đau tận cùng xương tủy, nhưng không nhốt được những đợt sóng nhỏ đang âm ỉ quất roi trên tôi. Người tôi nát nhừ như bị dần trong cối, cái chày đá liên tục nện xuống giã tôi ra lụn vụn. Đừng bắt tôi uống thuốc, đừng bắt tôi chích thuốc, đừng bắt tôi vô hóa chất, tôi không muốn làm gì nữa, miệng cứ buốt lở, bạch huyết cầu cứ ra đi, xương thịt cứ bị đục ruỗng, tôi đầu hàng tôi chịu thua tôi bỏ cuộc. Tôi không chống đối nữa, vì Bệnh ở trong tôi lâu ngày Bệnh ở với tôi lâu tháng, Bệnh đã trở thành bạn-bạn bất đắc dĩ-, Bệnh cùng ăn với tôi, cùng ngủ với tôi, cùng thở với tôi và sẽ cùng đi với tôi. Hãy để tôi nằm yên, để tôi ngủ say, ngủ say một giấc dài (Sợi tình).

Xưa nay trong văn chương Việt Nam người ta có khuynh hướng muốn né tránh cái bệnh, cái chết. Nếu chuyện bất đắc dĩ không thể khác được, tác giả bắt buộc cho nhân vật chính mắc bệnh, thì căn bệnh ấy hoặc ập đến bất ngờ "giải quyết mục tiêu" chóng vánh, hoặc mang dáng vóc siêu hình của Định Mệnh. Bệnh mà không hẳn là bệnh, nó gọn ghẽ, và đôi khi cần thiết cho câu chuyện lãng mạn thăng hoa. Ngay cả những bệnh nan y một thời như bệnh lao. Đọc Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, người ta chỉ nhớ một cô Tố Tâm mình hạc xương mai mệnh yểu chứ không nhớ nàng như một bệnh nhân lao phổi. Bệnh nan y (càng nan y càng tốt) góp phần vào tình tiết bi thương lãng mạn của tiểu thuyết. Bệnh không còn là một mối đe dọa, một tai ách, một cơn tàn phá phũ phàng... Bệnh là một "sự cần thiết". Trong truyện ngắn của Đỗ Quỳnh Dao, bệnh là bệnh, nhìn ngắm quan sát không qua các biểu đồ hay bệnh án chuyên môn của y giới, mà qua lòng thương xót xa của một ngòi bút mẫn cảm.

Hắn trống hoác như cái xác không hồn. Cái xác tươi ấy thờ ơ với hiện thực, ăn mà không biết mình ăn gì, làm mà không biết mình làm gì, chỉ biết ngày qua ngày tụt dần vô trong một không gian khép chặt: không gian của cô đơn và buông thả. Nơi đây, hắn nằm co quắp như con cuốn chiếu, để mặc cho nỗi chán chường trải rộng ra trùm kín mít. Không dùng dằng ray rứt, không băn khoăn khắc khoải, mà chỉ bải hoải rã rượi, bạc nhược chán nản. Mọi năng lực ý chí như bốc hơi tan biến, hắn không muốn và cũng không còn sức làm một điều gì hết. Ngay cả làm vệ sinh hằng ngày cho chính mình, đánh răng rửa mặt tắm gội. Ngay cả uống thuốc của bác sĩ cho, lần gia đình mời đến khám bệnh. Bây giờ những ý niệm dơ sạch ốm đau... trơn trượt trên hắn và không có một chỗ trú nào trong tri thức. Ngày bần thần ngầy ngật, đêm trăn trở chập chờn, hắn bập bềnh lơ lửng không còn biết phân biệt sáng tối hay ngày tháng. Suốt ngày, chỉ muốn nằm, nằm đến đầu nhức bưng, vai rêm rả, và lưng mỏi rừ. Rồi ngồi dậy, thừ người trên ghế mây, nhìn đăm đăm cây bonsai khát khô, lá rũ vàng. Hắn không thiết ăn không thiết uống, quên bẵng cái bao tử lép cái cổ họng khô của chính mình thì còn tâm trí đâu mà nhớ đến cây? Nhìn cây chán, hắn lại đến ngồi nơi bàn gần cửa sổ. Trời có trong xanh nắng có lấp lánh thì với hắn cũng chỉ ui ui một màu chì. Tiếng xe có inh ỏi, tiếng nói chuyện có lào xào thì cũng không khác gì ngoài sa mạc. Ngồi chưa lâu thì hắn đã thấy mệt và trở lại giường nằm. Trong cái mênh mông của trống trải vô vọng, hắn tụt dần, tụt dần xuống tận đáy. (Con nữ)

Trong tác phẩm này, có những truyện như Sợi tình, Sau cô cơn bão sóng, Cuộn khói mong manh... là những tường thuật, mô tả, phân tích, lý giải, thâm nhập trọn vẹn và chí tình của tác giả vào tiến trình quanh co phức tạp khởi từ cái bệnh đến cái chết, một công việc khó khăn ít có nhà văn nào mạo hiểm xông vào. Đỗ Quỳnh Dao có lẽ cũng biết như thế, nhưng chị tin vào kinh nghiệm sống của chị, tin vào sự thông cảm sâu xa giữa chị và những người bệnh chị gặp mỗi ngày. Lòng tự tín của chị có căn cứ, và chị đã thành công ngay trong sự lựa chọn mạo hiểm về đề tài và chất liệu, cho tác phẩm đầu tay.

Cả cách bàn về cái chết của Đỗ Quỳnh Dao cũng đặc biệt. Cái chết "bình thường" như tất cả mọi người có thể tưởng tượng ra:

Chị thở hắt từng hơi ngắn yếu ớt. Thoi thóp lụn dần, lụn dần, lụn dần như cây nhang tàn trong bát hương... Khí lạnh len lỏi trong máu ngấm vô tay chân khắp người, nhưng có hề chi khi tâm chị được sưởi. Môi chị tím, tay chân chị tím, người chị tím, nhưng có hề chi khi lòng chị nở nụ hồng. Quanh chị, mọi người thân đều có mặt và đang nói lời yêu thương.
Anh ngồi bên âu yếm xoa đầu chị lún phún sợi tóc nhỏ.

- Em đừng sợ cứ an tâm mà đi. ở đó đã có Cậu và Mợ chờ em sẵn. ở đó em sẽ hết đau đớn và khỏe mạnh lại như xưa. Những điều em dặn dò anh đều nhớ cả. Bây giờ anh không cùng đi với em nữa, mình phải tạm chia tay. Đến khi gặp nhau lại, hai vợ chồng mình sẽ tiếp tục làm những gì mình chưa kịp làm. Còn nhà này vĩnh viễn là nhà của em không có gì thay đổi.
Con gái chị cầm bàn tay tím lạnh của mẹ áp vào má, miệng không ngớt lầm thầm:

- Mẹ ơi, con thương mẹ, con cần mẹ...

Nơi chân giường cô bạn thân nức nở:

- Bạn cứ đi, rồi bọn mình sẽ gặp lại nhau sau và khi đó lại làm bạn thân tiếp tục.

Hỏi làm sao tâm chị không ấm áp lòng chị không nở hoa?
(Cuộn khói mong manh)

nhưng cách lý giải của Đỗ Quỳnh Dao về "chuyện bình thường" lại có cái gì "vượt thường":

- Bà nghĩ gì về cái chết?

- Ai cũng biết là mình sẽ chết một ngày nào đó. Biết vậy, rồi quên đi hoặc tránh né không nhắc lại. Đôi khi cũng có nói đến nhưng lúc đó cái chết thật xa vời mông lung không mảy may dính líu với ta. Và khi nó hiện ra thì ta hốt hoảng sợ hãi. Ta chỉ có chữ để nói về cái chết nhưng đó là những lời nói suông, mơ hồ, trống rỗng không hình tướng. Ta chỉ biết nó là mất mát, là ngăn cách, là cái phi lý vô nghĩa, là cái không tưởng tượng ra được, và khủng khiếp hơn cả là sự kết thúc của ta. Ta cựa quậy vùng vẫy để tìm cách tự bảo vệ trước cái không biết là gì ấy đang càng lúc càng đến gần. Rồi dần dà ta thấy bình thản hơn vì nói ra được những lo sợ trong lòng, nói ra không có nghĩa là hủy diệt mà để rào giữ cái sợ dễ dàng hơn. Và nhờ vậy ta hiểu ra chết là cái gì thuộc về đời sống, là cái gì rất tự nhiên, phải đến. Hiểu ra nó là cực điểm, là lúc ta thấy rõ giá trị, nghĩa thật của cuộc đời.

Bà M. ngừng lại, siết chặt tay cô rồi nói tiếp:

- Cô biết không, tôi cám ơn cô rất nhiều vì nhờ cô tôi thấy mình vẫn là một người còn sống tuy cái chết đã kề cận. Đây nhé, tôi lấy thí dụ cho cô nghe, buổi sáng thức giấc nhìn thấy nắng, buổi trưa nghe tiếng lá tiếng gió, buổi chiều nghe trẻ tan học cười nói ríu rít ngoài đường. Lúc trước, đó chỉ là một hình ảnh một tiếng động hay một âm vang nhưng nay trở thành một cái gì rất thật rất sống. Nó cho tôi cảm giác dễ chịu an toàn là tôi vẫn còn sống. Nhiều khi tôi muốn hét to lên cho mọi người nghe: -tôi chưa chết đâu, tôi vẫn còn đây, tôi vẫn sống, tôi vẫn hiện hữu. Tôi sắp chết trong nay mai, nhưng hiện thời tôi còn sống, còn nghe, còn thấy, còn ăn, còn thở. Trên chặng đường cuối này, tôi cố gắng đi thẳng, mặt đối mặt với cái chết chứ không muốn vừa đi vừa quay lưng không dám nhìn. Lúc nào tôi cũng chủ động, tôi chấp nhận chứ tôi không cam chịu cái chết...Điều tôi mong ước là Thượng Đế đã cho tôi được sống một cách đàng hoàng từ xưa đến nay, bây giờ xin cho tôi cũng được chết một cách đàng hoàng, sống hay chết cũng đều toàn vẹn nhân phẩm.
(Sau cô cơn bão sóng)

Tôi vẫn thường ngạc nhiên thích thú khi đọc văn của những cây bút xa quê hương nhiều năm, nhiều người sống ở nước ngoài cả nửa thế kỷ mà khi viết văn vẫn sử dụng một thứ tiếng Việt tinh tế, chuẩn xác và uyển chuyển như những người hằng ngày vẫn suy nghĩ, giao thiệp, viết lách bằng tiếng mẹ đẻ. Đọc truyện của những nhà văn như Linh Bảo, Võ Đình, Mai Kim Ngọc, Đỗ Quỳnh Dao... tôi thấy rõ ưu điểm đó. Hình như tiếng Việt trong đời sống tinh thần của những nhà văn này được ủ lâu ngày bằng chất men thương nhớ quê hương, lại không vướng những tạp chất của đời thường và các biến cố thời sự, nên mỗi ngày mỗi tinh luyện, thăng hoa, sóng sánh như một thứ rượu quí. Ngôn ngữ của Đỗ Quỳnh Dao cũng đạt được mức độ tinh luyện như thế. Trong cuộc sống bình thường nơi xứ người, nhất là ở Sceaux Pháp quốc, tôi không nghĩ chị được sống trọn vẹn đời sống Việt như tôi và các bạn đồng hương ở đây. Chúng tôi đang sống giữa cộng đồng đông đảo người Việt cùng một cảnh ngộ, cùng một kinh nghiệm về chiến tranh, cùng một số phận khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Như đã có nhiều người nói, chúng tôi đang sinh hoạt trong một thứ "Việt Nam Cộng Hòa nối dài". Điều đó có cái lợi và cái bất lợi. Riêng về khả năng giao thiệp, và viết lách bằng tiếng Việt, dĩ nhiên chúng tôi có lợi thế hơn chị Đỗ Quỳnh Dao. Nhưng tập truyện này chứng tỏ điều "dĩ nhiên" ấy không "dĩ nhiên" chút nào. Chẳng những ngôn ngữ truyện của chị trong sáng, không vướng tạp chất, mà ngôn ngữ ấy còn đủ uyển chuyển để diễn tả được những vấn đề hết sức phức tạp, như cảm giác cô đơn bàng hoàng của người bệnh, những hồi tưởng về các vui buồn một đời của người sắp chết, tâm trạng băn khoăn giữa mặc cảm và ý thức phản kháng của những người đồng tính luyến ái...

Một ghi nhận khác về truyện Đỗ Quỳnh Dao là cách chọn đề tài. Như Mai Kim Ngọc, Linh Bảo, Võ Đình...do sinh sống lâu năm ở xứ người, Đỗ Quỳnh Dao không bị ràng buộc vào những đề tài quen thuộc của văn chương Việt Nam, là thời sự chính trị. Chị may mắn định cư ở một đất nước mà định chế chính trị được xem như đã ổn định, không còn gì phải bàn cãi nữa. Có bàn cãi chăng, là bàn cãi về phương cách thực hiện những lý tưởng của định chế đó sao cho hữu hiệu, phù hợp với biến chuyển của thế giới. Nhờ thế, những nhà văn như Mai Kim Ngọc, Linh Bảo, Võ Đình, Đỗ Quỳnh Dao thường chọn những đề tài thuộc về nhân sinh nói chung. Nhân vật của họ không cần phải mang quốc tịch Việt Nam. Họ cũng không bị buộc phải hoan hô đả đảo ai. Hạnh phúc hay đau khổ thuộc về thân phận con người, không có biên giới. Đề tài truyện nhờ thế thoát ra khỏi biên giới của một cộng đồng, một quốc gia. Đề tài của muôn nơi, muôn thuở. Như sự sống và cái chết. Như cái già cái bệnh. Như tuyệt vọng trước thời gian và hy vọng vĩnh cữu. Những đề tài ấy, một nhà văn từng trải qua bao nhiêu thăng trầm chính trị như Nghiêm Xuân Hồng, khi ở vào tuổi xế bóng, mới thấy là đề tài quan trọng. Nhưng Nghiêm Xuân Hồng không còn đầy đủ sức khỏe để viết về những đề tài ấy.

Một lần nữa, tôi muốn thưa với nhà văn Nghiêm Xuân Hồng rằng: "Đã có người thực hiện được ý nguyện của anh. Chỉ tiếc là anh không còn ở cõi đời này để đọc tập truyện Con Nữ của chị Đỗ Quỳnh Dao.

Nguyễn Mộng Giác

Phượng Các
#4 Posted : Friday, March 11, 2005 11:08:50 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Đỗ Quỳnh Dao và Con nữ


Chiều thứ bảy ngày 22 tháng 3 vừa qua với cái nắng êm ái đầu xuân, Ðỗ Quỳnh Dao đã cho Con nữ, đứa con tinh thần đầu lòng, ra chào bà con bè bạn.
Phòng khánh tiết tòa Thị sảnh Sceaux, một thành phố tại ngoại ô nam Paris, chứa 200 người không còn ghế trống, ai cũng ngạc nhiên: ra mắt sách mà sao đông người đến vậy, thấy mà ham ! ''Con nữ '' chào và cám ơn quan khách, xong nhường lời cho Mai Ninh giới thiệu tác phẩm với những nhận xét vừa tinh tế của một người phê bình văn học, vừa cảm tính của một độc giả và cuối cùng bày tỏ cảm tình ngạc nhiên thú vị của một người bạn thời dành nhau ăn me chua cùng khăn gói du học bên Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn, Từ Nguyên hỏi tại sao đặt tên cho tập truyện là Con nữ , Ðỗ Quỳnh Dao trả lời ''... vì nhân vật đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm. Bao nhiêu câu hỏi cứ đeo đuổi quấn quýt trong đầu để rồi bùi ngùi cho thân phận người trong cuộc đời không mấy chi dễ dàng huống hồ đó là một người giằng co trong cái ruột nữ vỏ nam''. Với câu trả lời đó, độc giả sẽ nhìn thấy một Ðỗ Quỳnh Dao không phải dừng lại ở bề nổi của những người thuộc phái đồng tính, mà tác giả còn đào sâu vào nỗi đau đớn xé lòng của kẻ mang tâm trạng phân thân chuyển giống, đổi đời. (Thế Kỷ 21, số 167).

Người ta thường đặt câu hỏi ''viết cái gì, viết cho ai, vì sao mà viết''... Và không ít kẻ cường điệu cho ngòi bút mình. Với Ðỗ Quỳnh Dao thì giản dị hơn nhiều: chỉ là, và phải là ... ''do xúc động trước một cái gì''. Cái gì đó có khi đơn sơ ''một hình ảnh, một câu nói, một thở than''' đến rắc rối nhiêu khê hơn ''một tâm sự, hay một mẩu đời...Viết với tất cả tấm lòng của mình, không rào đón ý tưởng, không đóng khung cảm xúc ... trọn vẹn và chí tình... '' (Ðỗ Quỳnh Dao trả lời Thụy Khuê trong chương trình văn học giới thiệu Con nữ ngày 01-03-03 trên đài phát thanh RFI). Thụy Khuê đã nhận định rằng Ðỗ Quỳnh Dao có ''... cái nhìn nhân bản của người thầy thuốc. Chị vừa muốn băng bó những vết thương thể xác của người bệnh, lại muốn an ủi niềm đau tinh thần của những con người lành mạnh không bệnh tật, nhưng có những vết thương tâm hồn ...''.

Nếu người viết càng lúc càng ngắn gọn nói phớt qua từng diễn biến, thì khi đọc Con nữ, Văn Ngọc đã nói : ''Ðỗ Quỳnh Dao có một phong cách viết, thoạt nhìn tưởng như khá cổ điển. Ít nhà văn nào ngày nay mà còn có can đảm và kiên nhẫn để miêu tả hàng trang, hàng trang, cái khung cảnh vật chất trong đó một câu chuyện xảy ra''. Và nếu người viết càng lúc càng dùng những từ ngữ sống sượng thẳng thừng sắc sảo lạnh lùng, thì văn Ðỗ Quỳnh Dao là một thứ '' ... ngôn ngữ dày đặc, giàu nhịp điệu và không thiếu chất trữ tình. Sự dày đặc đó là một trong những nét thẩm mỹ đặc trưng của văn học nghệ thuật hiện đại... '' (Diễn Ðàn, số 127). Cách hành văn mà Nguyễn Mộng Giác ''...vẫn thường ngạc nhiên thích thú khi đọc văn của những cây bút xa quê hương nhiều năm, nhiều người sống ở nước ngoài cả nửa thế kỷ mà khi viết văn vẫn sử dụng một thứ tiếng Việt tinh tế, chuẩn xác và uyển chuyển như những người hằng ngày vẫn suy nghĩ, giao thiệp, viết lách bằng tiếng mẹ đẻ...'' (Văn Học, số 197).

Và nếu người viết càng ngày càng dễ dàng chọn những chuyện dí dỏm vui vui để rồi đọc xong không còn gì cả, hay viết những điều vẫn mang mang trong lòng của cuộc đời xa xứ, thì Ðỗ Quỳnh Dao không những ''... không bị ràng buộc vào những đề tài quen thuộc của văn chương Việt Nam, là thời sự, chính trị'' (Nguyễn Mộng Giác), mà tác giả Con nữ còn can đảm, còn công phu đưa dắt độc giả vào từng cảnh đau cảnh chết của con người, con đường mà sẽ không một ai không phải đi qua, với cái nhìn rất triết lý đầy Phật tính : ''... Em đừng sợ cứ an tâm mà đi. Ở đó đã có cậu và mợ chờ em sẵn. Ở đó em sẽ hết đau đớn và khoẻ mạnh lại như xưa...'' (Con nữ, trang 126).

Các truyện của Ðỗ Quỳnh Dao đã được Từ Trì chia làm 4 chủ đề : 1. Cô đơn đau khổ ;
2. Tình người ;
3. Nhẫn nhục chịu đựng ;
4. Giá trị đời sống ;
và Từ Trì đã gọi ''Con nữ là một bộ họa phẩm xã hội '' (Tin Văn, số tháng 4-2003). Nếu bốn chủ đề này ít nhà văn nào đào sâu khai phá thì Ðỗ Quỳnh Dao đã làm điều đó, nếu nỗi đau hồn xác chỉ được mô tả qua tâm cảm nhân sinh người viết, thì Ðỗ Quỳnh Dao đã nhìn bịnh nhân sắp xa mình xa người xa đời với tâm trạng của một lương y rồi diễn ra với bút pháp ''có tài chuyển đổi từ giọng văn nhẹ nhàng bồng bềnh như nước sông Hương sang một ngôn ngữ dập dồn của con sông dậy sóng''... (Mai Ninh).

Ðây là tập truyện ngắn đầu tay viết trong vòng vài năm, Ðỗ Quỳnh Dao đã được độc giả đón chào nồng nhiệt và dành ngay cho Con nữ một chỗ đứng. Nếu tìm cách để chê thì ngay cả những đại tác giả lừng danh vẫn còn có chỗ. Nên dù về mặt ngôn từ hay cú pháp không phải là toàn mỹ (nhưng có cái gì trên đời mà toàn mỹ !), những gì Ðỗ Quỳnh Dao viết đều rất thật, rất chuyên chở, và ''cách lý giải về chuyện bình thường lại có cái gì vượt thường''(Nguyễn Mộng Giác).

Một cách viết rất Ðỗ Quỳnh Dao. Ngay cả người bạn thời thơ trẻ Mai Ninh cũng xác nhận rất ngạc nhiên vì ''có những điều thâm trầm ẩn khuất mà mình không biết đến''.
Phần hai là mục văn nghệ khá dồi dào qua lời giới thiệu vui vẻ duyên dáng của Mạch Nha. Các bạn văn đã đến mừng Con nữ như Thụy Khanh, Ðặng Mai Lan, Miêng, Mạch Nha, Mai Ninh,Y Nguyên, Nguyễn thị Chân Quỳnh, Trần Thị Diệu Tâm, Liễu Trương, Phan Thị Trọng Tuyến, Nam Dao, Trần Thanh Hiệp, Phạm Trọng Luật, Cổ Ngư, Trần Công Sung, Trần Vũ, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết ... Ngoài ra có sự hiện diện của ông Thị trưởng Sceaux và dù không hiểu tiếng Việt, ông vẫn thích thú ngồi thưởng thức văn nghệ tới khi vãn vào lúc 18g30, thay vì chỉ năm mười phút như dự định.

http://nmchau.club.fr/Events/connu/connu.html
linhvang
#5 Posted : Tuesday, May 30, 2006 4:52:42 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Đối Gương

Cuối cùng chị quyết định nói với anh. Những điều này chị thấy đã từ lâu, dạo hai con còn bé, nhưng chỉ mới loáng thoáng trong đầu thì chị vội vàng bứng ra, rồi không biết từ lúc nào lại lởn vởn quay về hành chị.

Thoạt tiên, như trên bản âm ngâm trong nước rửa, từng đường nét lượn lờ rõ dần và lần hồi hiện ra một người đàn bà với dáng đi xiêu xiêu như chực ngã. Ðừng hòng tìm ra một cảm xúc hay một ánh nói khi nhìn thẳng vào mặt bà, chỉ là chiếc mặt nạ sáp với hai hỏm mắt thờ ơ không hồn. Người đàn bà, như những người khác, cũng đi, đứng, ăn, uống, nói, cười, nhưng mọi động tác đều đặn không khác người máy được bấm nút điều khiển. Bà có mặt tại đây, nhưng bà không ở đây, mà mãi tận đâu đâu, một chốn xa xôi nào đó mà con người như đông cứng thành đá.

Anh sẽ phản ứng ra sao khi nghe chị nói. Một tia nhìn thương hại, một nhếch miệng khinh miệt, hay đơn giản hơn, không để tai nghe chị. Cách nào cũng làm chị đau đớn xót xa. Nhưng đó là khi xưa, còn bây giờ mọi cảm xúc trơn trượt trên chị không mảy may bám vào. Như vốc cát chảy qua hở tay. Như mười mấy năm vợ chồng sống chung. Thật ra có nghĩa gì đâu mười hai năm vợ chồng, cùng lắm chỉ dày nặng bằng vạt lụa như người ta vẫn gọi sinh nhật mười hai năm đám cưới là lễ cưới lụa.

Chị mở cửa bước ra ngoài ban-công. Chiều tháng sáu dài thượt như muốn lấn lướt đêm. Ðã ngoài 9 giờ tối mà trời vẫn còn sáng, tuy không rạng rỡ nhưng cũng không đến nỗi tái úa nhòe nhoẹt. Chị thích khoảng thời gian này, từ lúc áo trời lập dị diêm dúa cho đến lúc ôn nhu trang nhã một màu xanh xám. Bầu trời lúc đó như của riêng chị và vầng trời lặn luôn là người bạn thân giang rộng tay đón chị để nghe tỉ tê tâm sự. Một con chim từ đâu bay xà đến bên hồ cá, vục chiếc mõ vàng uống nước ừng ực. Nó ngửng cổ lên nghe tiếng bạn kêu rối rít giục mau trở về tổ. Bên nay vừa chíp chíp chíp gọi thì bên kia đã qui qui qui trả lời, lũ chim ăn ở với nhau thật có tình lúc nào cũng có đôi có bạn. Không khí bắt đầu nhẹ nhàng dễ chịu. Từ bừng sáng cái nóng đổ lửa bất thường với thời tiết tự dưng nổi hứng trút xối xả. Cây cỏ ủ rũ héo xèo như cô gái lỡ thì đợi gợn gió mơn man trêu chọc. Chú ong mọi khi vẫn lắm lời, nay đậu thừ bên khóm oải hương không vo ve nổi một tiếng. Bọn kiến thường ngày siêng năng đi kiếm ăn đang tụm năm tụm bảy trốn nắng dưới gốc hồng. Thiên nhiên còn vậy, nói chi đến người, ai nấy cũng rin rít mồ hôi, hầm hập như sắp nổ. Chiều đến mang theo cái thoáng mát vỗ về. Thở phào khoan khoái. Chị vặn vẹo người và ưởn ngực hít đầy. Thở ra thật chậm hít vào thật dài, như để mở toang chiếc cửa nhốt không gian sống ngột ngạt, tống tháo những bức xúc trói chị đến ê ẩm. Trong đó chật hẹp, ngoài này rộng thoát. Trong đó trói buộc, ngoài này thong dong. Lằn ranh mỏng nhỏ nhưng rõ rệt có thật dễ dàng bước qua không? Cuộc sống của chị nhìn bên ngoài thật trơn tru phẳng lì, nhưng bên trong là đùm rối chằng chéo những ước mơ, ẩn ức và tương quan lực lượng giữa hai vợ chồng. Gở một mối thì kéo theo cả nùi, như nùi tóc vướng trên lược.

Bóng tối lao xao rớt trên tường nhà, tô đậm từng mảng sơn loang lở. Vài đốm sáng bám víu đây đó nơi cửa kiếng đang tan dần thành những chấm li ti. Trong chậu đất kê sát ban-công, cây quít kiểng sung sức thả xuống từng chùm trái chín màu gạch tôm lẫn vào những búp trắng đang chen chúc bên cạnh đám bạn lá xanh biếc. Thoang thoảng hương hoa quít tỏa nhẹ như đang thầm thì kể chuyện. Kể chị nghe khoảng thời gian cũ ngọt lịm nụ hôn đầu đời. Dạo đó hai vợ chồng chị rạng rỡ như Chàng và Nàng trong tiểu thuyết tình ướp nước hồng. Họ lấp lánh sáng ngời hạnh phúc. Làm sao mà họ không sung sướng hạnh phúc, khi hiện tại và tương lai họ có nhau?

Chị say đắm nghe anh bàn chuyện tương lai và nuốt chửng từng lời nói một. Tính toán nào của anh cũng hay, quyết định nào của anh cũng đúng. Anh dự trù, kế hoạch, sắp xếp mọi việc không sót một chi tiết, từ tên của những đứa con họ sẽ có, cho đến màu giấy dán tường của căn nhà tương lai, luôn cả cách chị trang điểm, và những điều chị được hay không được quyền làm. Anh không nói ép buộc cấm đoán, đời nào anh nào làm vậy, anh chỉ bâng quơ thả vài lời khuyến khích trong câu chuyện:

- Em cứ tiếp tục đi học xong cái bằng cho anh... hay ..

- Anh thấy chơi với bạn em chỉ mất thì giờ, chẳng được cái gì cả. Ðể anh giới thiệu em với các bạn anh, họ hay hơn gấp mấy, và giúp mình học hỏi rất nhiều...

Và chị răm rắp nghe theo, mắt dán chặt lên đôi mày rậm của anh đang dản ra hả hê thỏa mãn. Mắt anh cũng mê mẩn nhìn chị nhưng người đàn bà anh thấy không phải là chị mà một người khác do anh vẽ ra, nhào nặn, và vô khuôn theo ý.

Mỗi bữa sáng thức giấc đều giống nhau, hôm nay là bản sao của hôm qua và ngày mai lập lại y hệt hôm nay. Cái đều đều hàng ngày ấy không để lại một tý bụi nhàm chán nào trong cuộc sống của họ ba năm đầu. Anh vẫn duy nhất nắm chân lý, và chị vẫn ngoan ngoản tùng phục. Có thể chị sống những điều chị không chấp nhận nhưng chị cũng không từ chối. Chị sống mê mê tỉnh tỉnh như người máy. Khi lấy chồng, chị đã mất cái tên do cha mẹ đặt. Nay chị mất luôn cá tính và chỉ còn hiện hữu qua anh, mặc chiếc áo anh thích, chải kiểu tóc anh thích, ăn món ăn anh thích, đọc quyển sách anh thích, giao thiệp với những bạn anh thích. Chị trở thành món đồ của riêng anh.Theo dự tính của anh, họ sẽ có con khi chị học xong.

Ðầu năm, anh đưa cho chị mớ tài liệu chỉ dẫn cách ăn uống để sanh trai hay gái theo ý muốn:

- Tháng sáu này em ra trường, mình bắt đầu làm em bé bây giờ là vừa. Kỳ này cố sanh cho anh thằng cu nhé, rồi ba năm nữa cho nó đứa em, lúc đó em trai hay gái gì cũng được.

Chị ấp úng, như lóe sáng nhắc nhở "tôi cũng có mặt":

- Hay mình đợi một hai năm nữa hãy có con, để em đi làm vừa lấy kinh nghiệm vừa dành dụm thêm tiền, lúc có con thì thoải mái hơn. Hai đứa mình còn trẻ mà anh.

- Không, mình phải có con liền. Như thế, đỡ bị chênh lệch tuổi tác với con cái về sau.

Chị vớt vát:

- Sợ đợi con lớn mới xin đi làm thì khó đó.

Ðôi mày rậm nhướng lên hiu hiu:

- Tại sao lại đi làm? đàn bà thì phải ở nhà lo gia đình chứ. Còn vụ tiền bạc em không cần lo anh đã sắp xếp đâu ra đó cả rồi, thằng cu một tuổi thì mình mua nhà. Không ở trong cái chung cư lụp sụp này nữa, đến thang máy cũng không có.

Giọng nói trầm xuống, hệt lúc anh giới thiệu chị cùng bạn bè - đây là bà xã tôi- trong lúc đôi mắt hấp háy như hàng chữ néon sáng rực trên bảng hiệu quảng cáo: - có thấy không... (chớp chớp) vợ tôi... (chớp chớp) vừa ngoan... (chớp chớp) vừa xinh...(chớp chớp) vừa có học... (chớp chớp)

- Người đàn bà không cần đi làm nhưng phải có học, có bằng cấp để người ta kính trọng!

Lóe sáng tắt ngúm và sự có mặt của chị tan biến trong chốc lát: chị đã góp ý kiến, anh đã nghe và quyết định. Xong.

Và họ có con năm đó, không phải một con mà một cặp tiên đồng ngọc nữ. Ở nhà hai bên nội ngoại vui mừng sung sướng. Ðiện tín gởi qua tới tấp. Bà nội dặn: - cố cho hai đứa cháu đích tôn bú sữa mẹ. Bà ngoại nhắc: - cố nghỉ ngơi thật nhiều để có sức nuôi con. Trong mười ngày ở bệnh viện, chị làm đúng theo lời họ, chỉ nằm dài ngắm tiên đồng ngọc nữ no nê với hai trái vú căng cứng của mẹ. Chị sống cùng thời khóa biểu với con, cho bú à la demande, con đói lúc nào thì cho ăn lúc đó, theo lời khuyên của anh - để chúng nó ngủ đừng đánh thức tội nghiệp. Hôm anh đón ba mẹ con về nhà, chị tíu tít:

- Anh để em lo, anh đi mua tã cho con dùm em. Nhớ lấy hiệu... nhé, em thấy ở bệnh viện người ta dùng đó.

- Ðâu có được, anh phải ra sở bây giờ.

Chị ngạc nhiên:

- Anh không lấy ngày nghỉ ở nhà giúp em mấy hôm đầu sao?

Ðôi mày nhíu lại hình dấu mũ:

- Mấy ngày nghỉ "có con" của sở tặng thì đã lấy hết hôm em đi sanh rồi, bây giờ chỉ còn hai tuần, một tuần để đi trượt tuyết còn tuần kia thì làm planche à voile. Cũng phải để anh làm thể thao cho khỏe chứ!

Tiên đồng ngọc nữ được hơn mười ngày thì đã biết nằm xe đẩy theo mẹ đi siêu thị sắm sửa. Già thêm một ngày nữa thì làm quen với thịt cá rau cải tươi vì cha chúng nó ứ hự trước mâm cơm:

- Anh ớn ăn mấy thứ em nấu sẵn đông lạnh quá rồi. Chịu đựng cả chục ngày từ hôm em đi sanh rồi chứ ít ỏi sao!

Buổi tối đi làm về, anh ôm ngực thở dốc:
- Anh mệt quá, sợ bệnh nằm xuống không biết làm sao mà nuôi con đây.

Chị hỏi gặn thì hay anh mất ngủ vì chị dậy lúc con khóc đêm đòi ăn. Anh thòng một câu vô tư:

- Hay em dọn vô phòng ngủ với con vài hôm cho anh lại sức.

Và lăng xăng vô phòng của con, trải tấm nệm mút dưới đất giữa hai chiếc nôi dùm chị. Anh đóng cửa phòng ngủ lại sức suốt hai tháng, cho đến khi tiên đồng ngọc nữ bắt đầu ăn bốn cữ.

Buổi tối đi làm về, anh bế con nựng trây trất:

- Ơ ơ tội nghiệp con của ba, bú sữa mẹ chưa đầy nửa tháng thì đã bị mẹ "bắt" ăn sữa bò rồi. Hồi xưa, bà nội nuôi sáu con mà người nào cũng được bú năm sáu tháng mới dứt. Ơ ơ sữa bò dở lắm đâu có ngon bằng sữa mẹ, ba biết mà.. Em ơi, thằng cu nó dơ rồi, lo thay tã cho con đi, đừng để nó bị hâm đít rồi bị lở bây giờ.

Anh bế con trở lại vô nôi và ra ghế bành ngồi soải chân đọc báo. Chị đặt con dao đang thái dở trên thớt và rửa tay sửa soạn đi thay tã cho tiên đồng. Trên hai ghế bố kê sát góc bếp, tiên đồng ngọc nữ tròn xoe mắt nhìn mẹ tráng bánh cuốn. Thỉnh thoảng cười khanh khách khi mẹ quay lại đả đớt nói chuyện cùng, rồi tiếp tục đưa bàn chân nhỏ xíu đút vô miệng. Nơi bếp lửa, chị thoăn thoắt cuốn tròn từng chiếc bánh mướt mịn và đặt vào dĩa sứ bên cạnh. Sáng nay khi sửa soạn đi làm, anh đã ao ước ăn bánh cuốn tráng bằng hơi vừa dẻo vừa mềm chưa kịp nuốt đã chạy xuống cổ. Phải hiểu ao ước của anh đồng nghĩa với mệnh lệnh, mệnh lệnh ngọt ngào như mật ong gắt sẳng nơi cổ. Ngồi một chỗ bắt đầu chán, tiên đồng khóc ré đòi bế. Chị buông chiếc nẹp tre nạy bánh và rửa tay đến dỗ con. Ngọc nữ bắt chước anh cũng thút thít đòi mẹ. Một tay bế tiên đồng một tay xoa đầu ngọc nữ, chị loay hoay thế nào mà hất đổ rổ rau luộc vừa vớt ra để làm súp cho con.

- Trời ơi!
Tiếng kêu bật ra cùng lúc với giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tiên đồng ngọc nữ thương mẹ, nín khóc không vòi quấy nữa
....
Anh vẫn bảo chị không biết tổ chức. Chỉ cần biết tổ chức thì mọi việc đâu sẽ vào đó. Tổ chức, hai chữ này nhan nhản trong các tạp chí phụ nữ, Elle, Marie Claire... Chỉ cần mở ra đọc vài trang thì sẽ biết thế nào là tổ chức, tổ chức để làm hết những việc phải làm trong ngày và ... để làm nhiều hơn nữa.

- Chứ những người khác họ làm sao? cũng nhà cửa cơm nước con cái, đã vậy người ta còn xinh đẹp thoải mái, đâu có như em hớt hải rũ rượi, lúc nào cũng lật đật như con vụ.

Những người khác anh nhắc đến là những người đàn bà thấy mỗi ngày, trên truyền hình trong mục quảng cáo, luôn luôn vui tươi thong thả dù cho họ đang đẩy máy hút bụi hay đang vò giặt chiếc áo. Không thấy họ ì ạch đẩy con trong xe lủng lẳng những túi nặng trĩu, không thấy họ thở dốc khi lên xuống ba tầng lầu để bế con và bê từng bịch thức ăn vô nhà, không thấy họ hổn hển cúi rạp xuống kỳ cọ bồn tắm lau rửa sàn nhà. Những người đàn bà ì ạch, hổn hển, tất bật này thuộc về đám đông vô danh không được ai để ý nhắc nhở. Lúc trước chị đã từng gặp và giúp họ, giữ dùm cánh cửa nặng, nhấc phụ chiếc xe con nít... chị nhìn nhưng không thấy họ, như thể họ thuộc về một thế giới khác. Nay chị nhập bọn và sống chung thế giới với họ. Chị như họ, cũng mỗi sáng đứng giũ chiếc giẻ bám bụi nơi cửa sổ có treo màn vải ca rô hồng, cũng chắt chiu cất từng phiếu trừ tiền -hai hay ba đồng- trên một hiệu cà phê hay thuốc giặt, cũng làm ngần ấy động tác ở nhà -lau chùi giặt gỵa cắt gọt-, cũng đẩy con loanh quanh trên ngần ấy con đường đến chợ, công viên, bác sĩ, tiệm thuốc. Chị giống họ, dù có quần quật xốc xếch trong ngày nhưng đến chiều cũng cố lột xác ra vẻ tươi tắn thong dong, như suốt ngày thơ thẩn rảnh rỗi không làm gì ngoài chơi với con. Tất cả, chỉ để được nghe anh huýt sáo trong phòng tắm bóng ngời men sứ không bám một chấm bụi cạo râu, để được nhìn anh nựng nịu tiên đồng ngọc nữ thơm tho kháu khỉnh. Ðể được thấy anh hài lòng, thế là đủ. Hỏi làm sao mà anh không hài lòng khi chị rập theo lời anh, những lời luôn mở đầu bằng - em phải, em nên, em nhớ.

Anh nằm dài trên sô pha nhâm nhi ly rượu khai vị vàng óng. Bên cạnh trong chiếc parc, tiên đồng ngọc nữ dành nhau chí chóe con gấu bông rồi giận dổi ngồi bấu tay vô thành lưới khóc nức nở. Men rượu loãng đi trong tiếng khóc và ngụm rượu thoắt chốc lạt thếch như nước máy. Ðôi mày rậm chùng lại thành một vệt bực bội.
- Em ơi, con khóc khan cổ hết rồi kìa. Làm gì suốt ngày mà giờ này chưa cho ăn. Ðã nói là trẻ con cần ăn ngủ đúng giờ đúng giấc. Anh đã vật lộn tám tiếng ngoài đời để kiếm sống, đã chơi với con trong mười lăm phút -mười lăm phút âu yếm cần thiết trong ngày. Như vậy là đầy đủ bổn phận chồng cha. Bây giờ anh cần nghỉ yên, giấc nghỉ của người chủ, người chúa trong gia đình.

Chị đặt mâm cơm lên bàn cho anh nơi phòng khách rồi quày quả bế con xuống bếp cho ăn để kịp đi ngủ lúc tám giờ. Anh cũng cần ăn ngay vì không muốn mất một hình ảnh nào trong mục tin tức trên đài truyền hình bắt đầu cùng lúc con vô giường. Anh không ăn trong bếp vì mắt như bị xốn nhức mỗi khi thấy tiên đồng ngọc nữ hất tung tóe để khám phá vốc mì chan sốt cà hay tìm hiểu bụm rau dền tán nhuyễn (anh vẫn dặn chị để con tự do khám phá tìm hiểu thì chúng mới thông minh). Cũng như mũi anh bỗng dị ứng ngứa ngáy lúc con dơ trong tã, nên "đành" phải nhắc chị thay con liền kẻo bị hâm.
Chị thu dọn mâm cơm anh vừa ăn hết sạch. Âu yếm hỏi:

- Bữa nay anh ăn thấy ngon miệng không?

- Bở rẹt. Ðói quá thì phải ăn chứ sao!

Chị không ngạc nhiên với câu trả lời. Cũng chỉ lẩn quẩn mấy chữ : bở rẹt, dai nhách, mặn chát, lạt thếch, chua lè, ngọt lợ... không có gì mới lạ. Thói quen của anh là chê, dù cho anh ăn rất ngon miệng. Thật ra, nếu thức ăn dở, anh đã bỏ đũa đứng dậy lấy một trái táo hay khoanh bánh mì khô và dằn mặt chị nhẹ nhàng:

- Chỉ làm cơm mà cũng không xong thì còn được tích sự gì nữa.

Anh chê, như đó là cái lệ, để chứng tỏ anh là người chỉ huy trong mọi việc. Chị làm một mình nhưng vẫn có anh đứng sau kiểm soát.

Ðừng quên chùi tấm gương trong phòng tắm lấm tấm những giọt nước khô kẻo miệng anh mím chặt rít từng tiếng một:

- Nhà với cửa, chỉ được cái bầy hầy.

Nhớ giặt liền quần áo dơ của con vừa mới thay ra để hai ngón tay cái, trỏ của anh không kẹp và giơ lên trong lúc ngón út chĩa ra:

- Cái gì đây?

Như thể sự có mặt của cái gì đây là một điều phi lý không thể chấp nhận. Ðừng hòng một chi tiết nào thoát khỏi, anh có mặt ở mọi nơi, trong mọi chuyện, nhất là chuyện nuôi con. Chị nuôi con, lo cho con một mình, nhưng luôn luôn dưới sự giám thị của anh, sự giám thị dựa trên bốn trăm trang dày cộm của quyển J'élève mon enfant.

- Hôm nay em có đưa con ra công viên hóng nắng không?

- Tuần này em cho con ăn ngò tây mấy lần? (anh thuộc làu từng chương một của sách và ở trang... có nói ngò tây rất nhiều sinh tố C)

- Tại sao con bị trầy? em làm gì suốt ngày không trông con để nó "bị thương"?

Anh chê, như đó là cái lệ. Chị hỏi, tuy đã biết trước câu trả lời, đó cũng là thói quen.

Theo đúng kế hoạch, họ mừng thôi nôi của tiên đồng ngọc nữ ở nhà mới. Căn nhà với ba phòng ngủ và khuôn vườn nở hậu trở thành trọng tâm họ xoay chung quanh. Nhà mới xây nên từ trong ra ngoài, đâu đâu cũng sạch bóng và trơ trụi. Anh quay tít trong cơn lốc trang hoàng. Bây giờ, ngôn ngữ của anh vắng đi tiếng - em phải, em nên... để chỗ cho những từ khác, gần thiên nhiên hơn, gỗ thông, sồi, giẻ gai, hay hiện đại hơn, stéréo, dolby...Mỗi chiều sau giờ làm việc, anh không về nhà liền như mọi khi, mà đi rảo các tiệm bán phụ tùng nhà cửa. Không phải tiệm nào anh cũng ghé, - [n] But [/b], bình dân quá! - Ikea , xoàng! chỉ có Roche Bobois sang trọng đắt tiền mới xứng với nhà anh.
- Mình kê bộ xa lông ở đây, chỗ này dành cho dàn máy nhạc. Còn bên nay thì tủ kính. Ðằng kia vừa vặn cho bộ bàn ăn mười hai ghế... , có bộ giường ngủ đẹp lắm...

Chị ấp úng chen vào:

- Hay mình để từ từ, mấy thứ đằng nhà cũ vẫn còn tốt, chỉ sắm cái gì cần thiết liền thôi.

- Trời ơi, cái mớ rách đó mà em đòi chưng ra ở nhà mới à ? Phải thay hết. Cái nào mà lại không cần thiết.

- Không phải, em muốn nói máy giặt đó anh.

- Chỉ ngâm rồi vò, xả chứ có gì đâu mà phải máy giặt. Ðã không cần thiết mà còn tốn điện tốn nước nữa!

Anh trả lời chị, mắt không rời quyển sách mẫu mới lấy từ tiệm bàn ghế về.

Bộ xa lông thơm nực mùi da vừa mới nằm yên ắng thì đã có bạn tủ bàn ghế bằng gỗ hồng lục tục kéo về. Cũng trong tháng đó, bộ giường ngủ mua lúc mới cưới được khuân bỏ vô nhà chứa. Tiền trong quỹ tiết kiệm phi nước đại vô những thứ cần thiết phải sắm để thay thế mớ rách ở nhà cũ mang lại. Cùng lúc, món nợ trả góp cho tấm thảm Ba Tư hớt ngắn tiền lương tháng và xén thẳng thừng những trầm trồ săm soi của anh. Không còn những chiều đi rảo các tiệm, không còn những tối chúi đầu trong sách mẫu. Cũng không có đôi mày rậm chùn lại, cơ hàm bạnh ra hay miệng rít chặt. Chỉ là nét chảy trên gương mặt thiểu não và tiếng thở dài thườn thượt. Anh ra vô than thở với bạn bè trước mặt chị:

- Ông thì khỏe rồi, hai vợ chồng đều đi làm, đâu phải như tôi, một mình cáng đáng hết. Vừa lo vợ con, vừa lo cha mẹ mà luôn cả gia đình cô em vợ cũng phải gánh.

(Lần đó, cô em út của chị lấy chồng, chị có xin anh một số tiền nhỏ để mừng em.)
- Chú sướng quá, có vợ đi làm nên rủng rỉnh tiền tha hồ mà sắm máy tốt.

Kỹ thuật dụng ngôn của anh thật tài tình. Chỉ bâng quơ vài tiếng, phơn phớt vòng ngoài nhưng cũng đủ ghim phập vào tâm lý của chị, gặm nhắm mặc cảm vô tích sự đã không giúp chồng mà còn thêm báo hại. Chị thỏ thẻ với anh, như đứa trẻ biết lỗi:

- Hay em đi tìm việc làm, đỡ đần anh một tay?

Anh không trả lời và thật lâu sau mới ậm ừ. Như thể khó khăn lắm.

- Thôi thì tùy em.
và chấm câu thật tình nghĩa:

- Như vậy cho em đỡ nhức đầu, anh thấy em cứ tính toán so đo từng đồng một, thật là tội. Có tiền thì mình đi sắm máy cho em khỏi giặt tay nữa.

Có vài thay đổi cho gia đình khi chị đi làm. Chị bớt vật lộn với mấy con số chi tiêu và đỡ cực trong chuyện giặt giũ. Anh tậu nhanh chóng dàn Hi Fi trội hơn cả dàn máy của người bạn mà trước đây anh vẫn ao ước thèm muốn. Chỉ tội cho tiên đồng ngọc nữ phải dậy sớm theo mẹ đến nhà giữ trẻ và ở lại đến tối mới được về nhà. Ngoài ra không có gì khác xưa. Anh đi làm về vẫn thoải mái soải chân trên sa lông, tay cầm ly rượu mắt vuốt ve từng món anh đã chọn mua cho thật xứng với căn nhà mới. Chị tiếp tục làm những việc vẫn làm lúc trước, sau khi tan sở đón con về. Thật ra tại sao lại phải khác xưa? vì chị đi làm nên phải khác xưa? chị đi làm là tự ý chứ có ai ép buộc gì. Không, không có gì khác cả. Không có em làm cơm anh rửa chén, cũng không có em ủi quần áo anh làm vệ sinh nhà. Khuôn cũ đã có, nếp cũ đã sẵn, trật tự cũ đã ấn định. Chấm hết.

Dòng sống của họ tiếp tục trong ngôi nhà mới xinh xắn, trong cùng một nhà nhưng như hai nhà khác biệt. Nhà của anh là nơi anh thong dong phơi phới nhìn đâu đâu cũng sạch sẽ ngăn nắp. Nhà của chị là nơi chị luôn luôn hối hả. Hối hả bắt đầu một ngày thứ hai sau giờ tan sở, hối hả đón con, hối hả dọn vô tủ mấy bịch thức ăn vừa mua trên đường về, hối hả tắm con, hối hả làm cơm tối, hối hả cọ chùi, hối hả quét dọn, hối hả..., hối hả... Lúc nào cũng hối hả. Nơi bàn phấn, những thỏi son nằm ngổn ngang, đầy ắp trong chiếc hộp bằng thủy tinh. Chị mân mê xoay nắp mở ra, có thỏi đang xài dở, có thỏi đã cùn và in dấu móng tay cố vét son, và cũng có thỏi còn nguyên chưa đụng tới. Chị có thói quen giữ lại tất cả như để sưu tầm. Sưu tầm cảm xúc và tâm thức của mình trong thời gian. Ðể khi nhìn lại, ở từng thỏi son hiện ra những khúc sông của con thuyền đời. Hồng nhạt cô gái mới biết yêu, đỏ ửng cam rực rở những năm đầu lấy chồng, hồng ngả tím thăm thẳm tình mẹ, và đỏ cặn rượu đắng chát cõi lòng. Chị dốc một tý sữa rửa mặt vô lòng bàn tay và xoa nhẹ lên mặt. Lớp sữa trắng đục vẻ từng vòng tròn đều đặn như cuộc sống của người đàn bà đang nhìn chị trong gương bàn phấn. Người đàn bà này thật đầy đủ: chồng con, nhà cửa, việc làm. Chị lấy miếng bông lau sạch. Người đàn bà vẫn ở trong gương, mặt bây giờ trần trụi không còn vết phấn son. Chị hỏi bà:

- Bà sung sướng và hạnh phúc lắm phải không?

Người đàn bà nhìn chị im lặng nhưng mắt bà nói thật nhiều:

- ...Tôi đã từng hỏi mình đã làm được những gì mình mong muốn yêu thích, những gì chỉ cho mình, chỉ vì mình. Hình như lúc nào cũng trì kéo, chờ đợi, hoãn lại đến ngày mai sẽ, tháng tới sẽ hay một dịp khác sẽ. Tôi đã từng mơ và khi tỉnh dậy, không biết giấc mơ này của mình hay ai khác đã mơ dùm. Chỉ là giấc mơ nhỏ thôi nhưng sao quá xa tầm. Và bao nhiêu lần thấy mình bồng bềnh chao đảo bên vực sâu, bao nhiêu lần sợ hãi vì cảm giác thiếu vắng không trọn vẹn, què cụt mọi ý chí ước nguyện. Nhưng rồi tôi cũng đã gạt hết những bất an lấn cấn, tiếp tục như thể rất hài lòng thỏa mãn, như mọi sự đều tốt đẹp, như những ngày tháng qua chỉ là tờ nháp sửa soạn cho những ngày tháng tới hay hơn. Như vậy... có phải là hạnh phúc sung sướng không?

Chiều nay, như mọi chiều thứ sáu được tan sở sớm, chị ghé siêu thị mua bán trước khi đi đón con. Ðến trường cô giáo cho hay ngọc nữ bị té trặc chân, nên đã báo tin với anh vì điện thoại mà không gặp chị ở chỗ làm. Trên đường về chị đi như bị ma đuổi, nóng nảy hơn lửa đốt, đau xót hơn kim đâm. Thở phào khi thấy mấy cha con quây quần với nhau. Ngọc nữ nũng nịu:

- Mẹ ơi, ông bác sĩ chụp hình cái chân và cho con nghỉ học mấy hôm. Ổng dặn con đi chậm chậm chứ đừng chạy.

Chị ôm con và hỏi tới tấp:

- Con có đau nhiều không? Bác sĩ nói có sao không anh? chụp hình có thấy bị gãy không?
Anh đứng dậy không trả lời, với lấy chùm chìa khóa xe trên bàn. Ra đến cửa, anh quay lại nói với con trai:

- Con vô lấy bánh mì khô ăn với sữa đi, nhớ làm cho em luôn. Bây giờ phải tập lo cho nhau, chứ mẹ không lo cho đâu, tham tiền bỏ con đi làm thì giờ đâu nữa mà ngó ngàng đến gia đình !

Tưởng đã nhàm quen với những lời khó nghe, nhưng chỉ một câu nói của anh đủ đánh chị té khuỵu. Không hằn học lên giọng, chỉ lơ lửng gió thổi mây bay, và từng lời nhả ra như viên đạn đục xoáy tim. Sự tàn nhẫn sao lại dễ dàng như thế? Sự phũ phàng sao lại thừa mứa đến vậy ? Hay đối với anh, mất đi một tý thời gian của cuộc họp bạn rất quan trọng, đến nỗi anh phải thốt ra những lời đắng cay nặng nề ? Mỗi chiều thứ sáu anh vẫn đi họp mặt với các bạn xoa bài đến sáng trắng. Chị vừa hó hé ngăn cản thì anh đã phang một câu chắc nịch:

- Chỉ biết cằn nhằn. Cờ bạc, rượu chè, mèo mỡ, một trong ba em tự do chọn. Cũng vừa phải thôi, để người ta sống với chứ. Anh đi xoa, ít ra em còn biết anh ở đâu, khỏi mất công tìm kiếm lung tung!

"Em tự do chọn", chị được thêm một tự do khác, bên cạnh cái tự do mơ mộng siêu hình đã có từ xưa nay.

Chị vẫn yếu ớt như tơ tằm, dễ gẫy như lá khô. Chị lầm khi tưởng mình đã bọc thép, kiên cố, chai cứng,... sau lần đó. Lần đó, chị không mong một người đàn bà nào có lần đó như chị. Lần đó là một ngày đen, đen như sáng sớm mùa đông, đen như con đường chị một mình lủi thủi đến bệnh viện, đen như chiếc áo chị mặc để tiễn con...

Chị nằm trên băng ca ở cuối hành lang, đợi người y công đẩy vô phòng. Cửa phòng mổ đóng kín bưng, không một bóng người ra vô. Hai tay chị vuốt nhè nhẹ trên bụng như người mẹ xoa lưng con dỗ ngủ.

Ầu ơ ví dầu ... ngủ đi con ngủ cho thật say, để đừng biết những gì đợi con bên kia cánh cửa.
Ầu ơ ví dầu... ngủ đi con ngủ cho thật nồng, để đừng hay mẹ thuộc làu giờ giấc định đoạt số phận con.
Ầu ơ ví dầu... ngủ đi con giấc ngủ chín mùi, để đừng hay để đừng biết và để đừng đau đớn với nụ tim sáu tuần vừa chớm đập.
...

Bây giờ mấy giờ rồi? Sáu giờ nhập viện, tám giờ mổ, trên giấy hẹn có viết rõ ràng. Trong hành lang của sự chết, từ những phòng ở tuốt đầu kia vang vọng tiếng trẻ sơ sanh khóc oe oe đòi bú.

...Thuốc mê đã tan nhưng chị vẫn nằm bẹp, mềm nhũn như bông trong chiếc áo ngủ phong phanh của nhà thương. Phải chi có anh bên cạnh. Nhưng chỉ ao ước thôi chứ đâu dám đòi hỏi, hôm nay anh đã đặc biệt đưa đón con đi học dùm chị rồi. Vả lại, chắc gì tình vợ chồng đủ dài bằng mười lăm phút xe hơi từ sở anh đến bệnh viện? Buổi tối, khi hay tin chị có thai, anh phun ra một câu não lòng (quên mất anh đã không kịp cẩn thận tuy chị có nhắc nhở)

- Chỉ có cái tử cung mình mà không quản lý nổi thì còn làm gì được nữa.

Những ngày sau đó, anh chiếu trở lại cuốn phim than vắn thở dài như thể có đứa con thứ ba là một sự bất công.

- Trời ơi sao lại phạt tôi? tôi đã làm gì mà ông lại đối xử như thế này. Tôi phải làm sao đây?

- Ðâu có sao anh, mình còn trẻ mà, đâu có sợ chênh lệch tuổi tác.

- Em biết gì mà nói. Làm cha mẹ thì có trách nhiệm lo cho con đầy đủ.

- Dĩ nhiên rồi, mình sẽ lo cho con đầy đủ như anh chị nó vậy.

Ðôi mày rậm quắc ngược giận dữ vì chưa gì chị đã dám hành xử như "nó" là đứa con thứ ba, ngang hàng với tiên đồng ngọc nữ.

- Ðợi anh vẽ ra em mới hiểu là anh không muốn có con nữa hay sao? em không hiểu hay em không muốn hiểu?
- Nhưng mà...

Anh hét lên ngắt lời chị:

- Anh lập lại lần chót, anh không muốn đứa con này.
và gằn mạnh từng chữ một:

- Em nghe chưa, Anh-Không-Muốn-Ðứa-Con-Này.

Chị lắp bắp run rẩy:

- Như vậy...em phải...?

Im lặng như tờ. Im lặng nặng chịch giọt nước mắt chị khóc. Im lặng nhẹ phào những ý nghĩ trong đầu anh được chị thốt thành lời. Lâu sau anh nói:

- Ðó là em quyết định chứ không phải anh. Em lấy trách nhiệm một mình đấy.

Ôi trách nhiệm, nào có nặng trĩu như trái núi, mà chỉ nhẹ bổng như quả cầu dễ tung qua hất lại.

Chị để tay lên bụng, một cảm giác trống hoác ùa tới khiến chị mệt nhoài rã rượi. Trống hoác ngược nghĩa với đầy ắp mà cách đó vài giờ chị là. Trước là đầy ắp đầu, đầy ắp tim, đầy ắp bụng. Bây giờ không ý nghĩ không cảm xúc không đứa con, mà chỉ trống hoác, bộng không, trơ trụi... Giọt nước mắt ứa ra chảy dài trên má chị cùng lúc với đôi mày rậm của anh hiện ra nhăn dúm: - đó là em quyết định chứ không phải anh.

Ðó là em quyết định, đó là em quyết định, đó là em quyết định. Từ đâu như có tiếng trẻ kêu thảng thốt: - Mẹ ơi, sao đành?
Chị nhìn người đàn bà trong gương và hỏi tiếp:

- Hôn nhân là gì? là sự nhập trùng hài hòa của hai kẻ yêu nhau, cùng chia sẻ và cùng xây dựng. Hay chỉ là một sự kết hợp khập khiễng của hai cuộc sống, với hai thân thể khít khao nhưng trống vắng giữa họ?

Người đàn bà trong gương vẫn im lặng. Mắt bà giờ tắt ngúm, còn lại chỉ là cái nhìn không hồn, không phương hướng. Bà thờ thẫn đứng dậy ra ngoài ban-công, bước đi xiêu xiêu như chực ngã. Màn đêm trùm kín cây quít kiểng, đồng lõa với hoa lá trái quấn quít nhau trong một màu đen thẫm. Tất cả ngủ yên, từ bọn chim ủ nhau trong tổ cho đến lũ côn trùng cũng phì phò ngáy quên nỉ non rỉ rả. Hương hoa quít lim dim, thôi thì thào kể lể. Chỉ có sương khuya ngậm ngùi tưới ướt tay áo chị. Chị uể oải trở vô nhà, rùng mình nghĩ đến chiếc tủ đá sắp bước vào, chiếc tủ đá lạnh ngắt có đục khung cửa sổ treo màn vải ca rô hồng.

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.