GIẤC MƠ TỔ ẤM
CHA MẸ NUÔI – “ĐƯỜNG DẪN” ĐẾN GIA ĐÌNH
Trong trái tim của trẻ mồ côi luôn âm ỉ một giấc mơ về một tổ ấm có đầy đủ cha mẹ. Con đường ruột thịt đã không còn, lối đi khác có thể dẫn các em đến một mái gia đình là được nhận làm con nuôi. Theo quy định của Chính phủ, chỉ những đứa bé được xác định là “ trẻ bị bỏ rơi” đang sống tại những cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Nhà nước quản lý, mới được giải quyết cho làm con nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều trường hợp cho và nhận con nuôi không nằm trong quy định mà thiên biến vạn hóa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc cho và nhận con nuôi từ Trung tâm Tam Bình, Q. Thủ Đức, TP.HCM.
TÂM LÝ NGƯỜI VIỆT KHI XIN CON NUÔI
Chỉ riêng trung tâm Tam Bình, Giám đốc Nguyễn Văn Trung cho biết: 30 năm qua, đã có khỏang 1.500 trẻ mồ côi được xin làm con nuôi, bình quân mỗi năm có 50 trẻ rời Tam Bình về với gia đình mới. Thành phần cha mẹ nuôi rất đa dạng, từ giới bình dân lao động đến giới trí thức, doanh nhân, trong nước lẫn nước ngoài. Đa phần trẻ được nhận làm con nuôi đều được sống trong môi trường tình cảm và vật chất hơn hẳn lúc ở trung tâm. Có gia đình, các cháu trưởng thành, hòa nhập tốt với xã hội.
Tuy nhiên, việc xin con nuôi ở người Việt Nam còn bị ràng buộc bởi nhiều suy nghĩ và tâm lý xưa cũ. Phần lớn, người Việt không muốn xin con nuôi, vì cho rằng khi lớn lên con nuôi hay…làm phản. Đó là lý do khiến giấc mơ có một tổ ấm của trẻ mồ côi càng khó trở thành hiện thực. Nhiều người thực sự hiếm muộn, rất muốn xin con nuôi, nhưng trước khi thực hiện điều đó phải đi xem bói: con nuôi nào tuổi mới hợp, nên nhận con trai hay con gái…Để đỡ phải rắc rối về sau, người Việt Nam thích nhận trẻ sơ sinh từ vài ngày tuổi đến vài ba tháng tuổi làm con nuôi. Nhận con xong, thậm chí họ còn dời nhà đi nơi khác để xóa tông tích, hòan tòan tách rời đứa bé khỏi họ hàng, nguồn cội.
Trong một số trường hợp, dẫu đã thỏa mãn những yêu cầu của người xin con, nhưng việc cho và nhận một đứa trẻ cũng chưa phải thuận buồm xuôi gió. Trung tâm Tam Bình từng phải đau lòng nhận lại đứa trẻ đã cho, vì nhiều lý do…
Chị Thủy – cán bộ phụ trách giáo vụ- ngậm ngùi kể trường hợp một bé gái đã mười năm làm con nuôi trong một gia đình quan chức bị đem trả lại trường lúc 12 tuổi vì quá nghịch phá ! Một trường hợp khác còn buồn hơn, sau mười một năm chung sống với cha mẹ nuôi, đứa trẻ bị trả lại trung tâm vì mẹ nuôi…sinh được em bé ! Những đứa trẻ “mồ côi hai lần” này rất tội nghiệp, vì thường không chịu nổi cú sốc tâm lý của đứa con bị từ chối, đôi lúc trở nên bất cần đời, khó hòa nhập lại với môi trường cũ.
CHA MẸ NUÔI LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Khác với tâm lý người Việt Nam, những người nước ngòai xin con nuôi, trước tiên cũng vì gia đình họ chưa có con, nhưng còn vì một lý do nhân ái khác: họ thấy mình có điều kiện và khả năng đem lại hạnh phúc cho một đứa trẻ kém may mắn. Với suy nghĩ như vậy, một số cặp vợ chồng sẵn sàng nhận con nuôi không chỉ mồ côi mà còn khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, kể cả nhiễm HIV.
Việc cho và nhận con nuôi có yếu tố người nước ngoài luôn phải thực hiện đúng theo quy trình pháp lý nghiêm ngặt. Tất cả các trường hợp người nước ngòai xin con nuôi Việt Nam đều chỉ “gặp” đứa bé qua hình ảnh và hồ sơ, hoàn toàn không có chuyện đến nơi nhìn tận mặt rồi chọn lựa. Khi hồ sơ hai bên đã khớp, cha mẹ nuôi mới chính thức sang Việt Nam đón con về.
Phần lớn cha mẹ nuôi nước ngoài đặt tên mới cho con, nhưng cũng có gia đình giữ lại tên Việt Nam của bé, chỉ thay cái họ. Cứ sáu tháng một lần (trong năm đầu tiên), họ lại gửi thư về cho biết đứa bé sống ra sao trong môi trường mới. Hai năm sau, mỗi năm một lần, họ tiếp tục giữ liên lạc như vậy. Cha mẹ nuôi nước ngoài chẳng những không che giấu thân phận đứa trẻ, mà luôn có ý thức giữ gìn nguồn cội cho con mình. Những nguyên tắc này cũng được đề ra với cha mẹ nuôi Việt Nam, nhưng ít ai thực hiện.
Khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi có dịp gặp ông bà Paul Maryvonne Gaumer, quốc tịch Pháp, đến thăm trung tâm Tam Bình. Họ là ông bà ngoại của một bé gái từng được nuôi dưỡng tại đây khi mới hơn một tuần tuổi. Bé tên Bích Lan, được con gái và con rể của ông bà Paul nhận làm con nuôi từ tháng 6/2005, lúc 10 tháng tuổi. Cha mẹ nuôi đặt tên mới cho bé bằng tiếng Pháp, nhưng đọc lên vẫn nghe theo âm tên Việt “ Biclane”.
Chuyến viếng thăm của ông bà có lý do thật đơn giản: “Hằng ngày, bố mẹ cháu vẫn nói chuyện với cháu về nơi cháu sinh ra và nơi cháu từng được nuôi dưỡng, chăm sóc. Chúng tôi muốn ghi lại hình ảnh những nơi này để có thể kể cho cháu nghe về chốn cũ của mình. tất cả sẽ giúp cho Biclane đỡ ngỡ ngàng khi trở về Việt Nam. Bố mẹ cháu dự tính khi cháu lên 10, sẽ đưa cháu về thăm lại quê hương”
Ông bà Paul cũng cho biết thêm, Biclane giờ đã có thể nói tiếng Pháp khá sõi, là hạnh phúc và niềm tự hào của bố mẹ lẫn ông bà nội, ngoại. Ở quận 12, thành phố Paris, nơi gia đình Biclane sinh sống, còn có bảy gia đình khác cũng có con nuôi là người Việt Nam. Mỗi tháng một lần, các gia đình tổ chức gặp gỡ để bọn trẻ gốc Việt được vui chơi cùng nhau.
Không chỉ Bích Lan, mà còn có hai chị em Chi Lan về làm con nuôi của gia đình Heiwitt bên Mỹ, thường xuyên gửi thư về Tam Bình, kể thành tích học tập cho “bố Trung” nghe. Chị em Dung – Vân cũng luôn được cha mẹ nuôi người Anh thương yêu, hiện đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông…Và còn nhiều nữa, những ngôi sao may mắn như thế.
Thảo Vân
Các nghệ sĩ Việt Nam nghĩ gì?
Ca sĩ Ngọc Sơn: việc nhận con nuôi ở VN còn “nhạy cảm” với những quan niệm, những suy nghĩ khó vượt qua. Tuy nhiên, vốn là người thành danh từ hai bàn tay trắng, tôi cũng muốn chia sẻ thành quả lao động của mình cho những trẻ bất hạnh. Không phải là chơi nổi, tôi đã rao bán ngôi nhà của mình để lấy tiền xây một chỗ ở cho trẻ mồ côi. Đó là lòng thành của tôi.
Diễn viên Việt Trinh: Tôi cảm phục Angélina Jolie nhưng không thể làm theo cô ấy, vì tôi không có một công việc ổn định, không chắc chắn nguồn thu nhập trong tương lai. Hơn nữa, nuôi một đứa trẻ là cực kỳ khó, phải nuôi dạy thế nào để trẻ trưởng thành tốt. Nhóm công tác từ thiện Bồ Câu Trắng mà tôi và một số anh chị em nghệ sĩ tham gia, cũng đã dành nhiều thời gian cho trẻ mồ côi. Chúng tôi toàn tâm toàn ý cho việc làm thiện nguyện này và sẽ còn tiếp tục.
Nhạc sĩ Minh Khang: từng lớn lên trong cảnh côi cút, từng mơ giấc mơ về một mái gia đình, nên tôi luôn ấp ủ nhiều dự định cho trẻ mồ côi. Khi có đủ điều kiện, tôi sẵn sàng nhận một trẻ mồ côi làm con nuôi. Còn hiện nay, tôi ước mong mình không chỉ giúp cho một đứa bé mà nhiều đứa bé như thế. Tôi đang chuẩn bị cho Album single Đứa bé 2, toàn bộ tiền thu được từ việc phát hành sẽ tặng mái ấm Thiên Phước. Qua việc làm nhỏ bé của mình, tôi mong muốn các em hiểu rằng cộng đồng luôn quan tâm đến các em.
Nguồn : Báo Phụ Nữ