Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tôn Giáo, Khoa Học, cái nào đúng?
metamorph
#1 Posted : Saturday, February 24, 2007 4:00:00 PM(UTC)
metamorph

Rank: Newbie

Groups:
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 91
Points: 0

Đây là bài đã gợi ý cho sáng tác truyện ngắn Kích Thuớc Tình Yêu đã đăng trước đây với bút danh Bà Bóng. Rằng Khoa Học đúng hay Tôn Giáo đúng?
Tìm hiểu về tương quan giữa tôn giáo và khoa học, bài viết được sắp xếp theo trình tự luận lý sau:
1- Thất bại trong việc tìm ra thuyết toàn diện về vũ trụ. Nguyên nhân thất bại.
2- Dung hợp những xung khắc bằng cách thêm kích thước. Gia tăng kích thước của vũ trụ là giải pháp hiệu quả trong việc kết hợp các thuyết khác nhau về vũ trụ.
3- Phải chăng khoa học và tôn giáo luôn xung khắc? Nguyên nhân? Sự thiết yếu của 2 lãnh vực ấy trong văn minh nhân loại.
4- Sự tiến bộ lũy cấp của văn minh. Giải thích tại sao nền văn minh tăng tốc một cách lũy cấp (gia tốc theo cấp số lũy thừa) một khi mỗi lực trong 4 lực căn bản của thiên nhiên là trọng lực, điện, nguyên tử lực và phóng xạ, được khám phá và ứng dụng.
5- Kết luận : Chỉ trong kích thước cao hơn, tôn giáo và khoa học thống hợp lại. Kích thước ấy chính là Thượng Đế.
Xin vào bài.

Thất bại trong việc tìm ra thuyết toàn diện về vũ trụ.
Sau khi hoàn tất công trình xây dựng thuyết tương đối, Einstein bắt tay ngay vào việc phát triển thuyết kết hợp ánh sáng và trọng lực. Đây là chặng đường đầu tiên trong việc kết hợp cả 4 lực thiên nhiên thành thuyết toàn diện, có khả năng cắt nghĩa mọi thứ. Cuối cùng, nỗ lực của ông không đem lại kết quả. Khi ông chết, chỉ còn lại những ý tưởng dở dang trên những bản nháp ngổn ngang trên bàn giấy.
Thật là cay chua. Sự thất bại của ông lại là do chính cấu trúc trong đẳng thức của ông. Hơn 30 năm, ông khổ tâm vì một khuyết điểm trong công thức ấy. Một bên đẳng thức là sự cong oằn thời không gian theo nhãn quan hình học, bên kia đẳng thức là vật chất-năng lượng (2 thực thể là một.) Ông không tìm ra mối tương quan giữa trọng lực và vật chất-năng lượng, có vẻ như trái ngược với hình học, vốn là nguồn gốc cấu tạo nên vi nguyên tử (quarks,) hạt nhẹ (leptons,) nguyên tử (atom,) hóa liệu tổng hợp (polymers,) tinh thể (crystals,) đất đá, cây cối, hành tinh và ngôi sao.
Chiến lược của Einstein là dùng hình học để cắt nghĩa vật chất vì theo ông, trọng lực là những nếp nhăn hình học. Muốn kết hợp vật chất với trọng lực thì vật chất cũng phải là một dạng hình học nào đó mà ông chưa tìm ra.
Cái sai của ông từ chỗ này. Như ta biết, luật thiên nhiên đơn giản và nhất quán trong kích thước cao hơn. Bằng cách thêm vào chỉ 1 chiều Thời không gian, ông kết hợp được không gian, thời gian, vật chất, năng lượng trong thuyết tương đối, vậy tại sao không thêm một vài kích thước nữa để kết hợp tất cả trong bối cảnh hình học? Vào thời đại ông, kiến thức về cấu trúc nguyên tử còn rất hạn chế; do đó, người ta không rõ làm thế nào vận dụng kích thước thứ 5, thứ 6 … làm nguyên tắc kết hợp.
Einstein đã thử một số giải pháp bằng toán học. Ông nghĩ rằng vật chất có thể được coi như chỗ thắt gút, sự rung động hay sự vặn vẹo của Thời không gian. Với hình ảnh này, vật chất chính là nơi tập trung nhiều các vặn xoắn của không gian. Nói cách khác, mọi vật quanh ta từ cây cối, ngôi sao, bầu trời v.v…có lẽ là một ảo ảnh, vài dạng thức “nhầu nát” của siêu không gian. Tuy nhiên, không có thêm những dữ kiện thí nghiệm hay những hướng dẫn vững chắc hơn, ý tưởng này chỉ dẫn đến ngõ cụt.

Dung hợp những xung khắc bằng cách thêm kích thước.

Để hiểu tại sao những kích thước cao hơn có khả năng giản dị hóa những định luật thiên nhiên, chúng ta ôn lại những giáo điều sơ đẳng về vật chất. Chúng có 3 kích thước là chiều dài, rộng, cao. Xoay một vật thể 90 độ, ta biến dài thành rộng và rộng thành cao. Như thế chỉ bằng cách xoay một vật, ta có thể thay đổi vị trí 3 kích thước. Nếu thời gian là kích thước thứ 4, nó cũng có thể “xoay” để thay đổi không gian thành thời gian và ngược lại. Giản dị hơn, nói Pleiku xa đến 500 km hay Pleiku lâu đến 2 giờ bay cũng như nhau. Sự xoay chuyển 4 chiều này chính là sự vặn xoắn của không gian và thời gian mà thuyết tương đối đặt nền tảng. Nói khác đi, không gian và thời gian hòa nhập với nhau một cách thiết yếu, triệt để tuân hành theo nguyên tắc thuyết tương đối. Thời gian với chức năng kích thước thứ 4 có nghĩa là nó và không gian có thể xoay quanh nhau trong một cách chính xác theo toán học. Chuyển động, năng lượng và vật chất là 3 sự việc khác nhau, được kết hợp thành một. Từ đây, không gian và thời gian được coi như 2 khía cạnh của một lượng: Thời không gian. Sự thêm vào một kích thước giúp kết hợp các định luật thiên nhiên vốn tương phản nhiều hơn tương đương.
Thế nhưng có 4 lực thiên nhiên là trọng lực, lực nguyên tử, lực phóng xạ và lực điện từ. Nếu vũ trụ khởi sinh từ một cú nổ vĩ đại thì mọi sự vật đều phải bắt nguồn từ một nguyên nhân. Thời gian, vật chất, năng lượng, ánh sáng v.v… phải được cắt nghĩa bằng một thuyết phát sinh vạn vật, trong đó các định luật phải nhất quán, trong khuôn khổ thuyết ấy cho phép. Xin gọi đó là thuyết toàn diện.
Năm 1925, thuyết lượng tử ra đời. Meta chỉ tóm lược vì chủ đề bài này không nói về lượng tử mà nói về tương quan giữa tôn giáo và khoa học. Thuyết lượng tử được tóm lược như sau :
1- Lực được sáng tạo bởi sự trao đổi những đơn vị năng lượng gọi là quanta.
2- Những lực khác nhau là do sự trao đổi những đơn vị năng lượng khác nhau. Ví dụ lực phóng xạ là do sự trao đổi nhược tử W (Wlà weak particle), còn lực nguyên tử có chức năng giữ protons và neutrons với nhau là do sự trao đổi hạt trung Pi (Pi meson, tiện đây xin giải thích mấy chuyên từ Hy Lạp. Hadron là hạt to, baryon là hạt nặng, và lepton là hạt nhẹ.)
3- Chúng ta không thể cùng một lúc biết chính xác vị trí và tốc độ của các hạt nhẹ. Biết tốc độ thì không xác định được vị trí và nếu biết vị trí thì không biết chuyển động của nó.
4- Có một xác suất rõ rệt rằng hạt nhẹ (gồm quarks, electrons, neutrinos, muons, taus …) có thể “chui qua” hay “nhảy lọt” những cản trở không thể xuyên thấu. Ví dụ một electron trong một hộp kín. Bình thường electrons không đủ năng lượng xuyên thấu vỏ hộp và theo vật lý cổ điển, electron không bao giờ rời khỏi cái hộp. Thế nhưng theo thuyết lượng tử, làn sóng xác suất của electron tràn lan qua vỏ hộp, rỉ ra thế giới bên ngoài.
- Tháng Tư năm 1919 một nhà toán học tên Theodr Kaluza thuộc trường đại học Konigsberg bên Đức, sau này Sô Viết đổi tên thành Kaliningrad, chỉ vài dòng chữ, Kaluza kết hợp thuyết trọng lực hình học của Einstein với thuyết ánh sáng của Maxell (lực điện từ) bằng cách thêm vào kích thước thứ 5, gồm 4 kích thước không gian thay vì 3 và một kích thước thời gian. Từ đây 2 lực thiên nhiên là trọng lực và điện từ đã kết hợp bằng cách thêm vào một kích thước.
- Năm 1960 cũng bằng cách thêm vào một kích thước, người ta kết hợp được lực nguyên tử và lực phóng xạ (còn gọi là lực mạnh và lực yếu) của Yang-Mills cùng với lực điện từ của Maxell và trọng lực của Einstein. Lúc này người ta đã khám phá một điều là nâng thiên nhiên lên thêm một kích thước, sự vật dù mâu thuẫn hoặc không, vẫn có thể được chứa chấp.
- Năm 1976, ba nhà bác học, ông Daniel Freedman, Sergio Ferrara, Peter van Nieuwenhuizen thuộc trường đại học Nữu Ước ở Stony Brook thêm vào kích thước nữa kết hợp 4 lực thiên nhiên vào vật chất (Quarks-leptons) bằng thuyết siêu trọng lực. Tuy thế vẫn còn vài vật tử khác chưa được kết hợp cho đến khi thuyết siêu sợi (super string) ra đời, cũng bằng cách thêm vào những kích thước. Lần này chúng ta có cả thẩy 10 kích thước. Tại sao 10 mà không phải là 11 hay 100 kích thước? Câu trả lời về con số 10 này nằm sâu trong toán học, một khu vực gọi là hàm số chuẩn (modular functions.) Hãy rời những gì liên hệ đến toán học vì xin nhắc lại một lần nữa, bài này nói về tương quan giữa tôn giáo và khoa học chứ không phải toán học. Tới đây đã đủ cho chúng ta tin rằng, để kết hợp các lý thuyết trái ngược nhau, ví dụ như thuyết về tôn giáo và khoa học, cần phải chứa chúng trong một kích thước nữa. Kích thước nào có thể kết hợp được khoa học và tôn giáo?

Phải chăng khoa học và tôn giáo luôn xung khắc?

Trước khi các lý thuyết siêu không gian đã mở ra những nối kết sâu rộng giữa vật lý và toán học, một số người đã tố giác các nhà khoa học sáng tạo ra một lý thuyết mới dựa trên toán học; đó chính là chúng ta chối bỏ huyền hoặc tôn giáo chỉ để tin vào một tôn giáo còn huyền hoặc hơn nữa đặt cơ sở trên sự cong oằn thời không gian, tính đối xứng của vật tử và giãn nở vũ trụ. Trong khi các linh mục tụng niệm bằng tiếng La Tinh chẳng mấy ai hiểu thì các nhà vật lý cũng ê a những đẳng thức siêu sợi (super string) mà càng ít người hiểu hơn. Đức tin vào một Thiên Chúa toàn năng bị thay vào bằng đức tin vào cơ học lượng tử và thuyết tương đối. Khi các nhà khoa học phản đối rằng “kinh” của họ có thể kiểm chứng bằng thí nghiệm thì được trả lời rằng sự sáng tạo lại không thể đo đạc được trong phòng thí nghiệm (ví dụ hằng số Planck, tỉ lệ giữa năng lượng và tầng số, là 10 lũy thừa -27, một con số nhỏ đến nỗi không thể đo được), và như thế những lý thuyết đại loại như thuyết siêu sợi không thể chứng nghiệm.
Tranh cãi này không mới mẻ gì. Trong lịch sử, các nhà khoa học thường được yêu cầu bàn cãi về luật thiên nhiên với các nhà lý thuyết. Lấy ví dụ. Nhà sinh vật học nổi tiếng Thomas Huxley là người tiên phong binh vực luận điểm sự chọn lọc thiên nhiên trong thuyết tiến hóa của Darwin chống lại phê phán của giáo hội vào cuối thế kỷ 19. Nhưng trong khi thuyết tiến hóa phủ nhận một đấng Toàn Năng sáng tạo ra loài người mà muôn loài được tiến hóa qua sự chọn lọc thiên nhiên, ta cũng có thể suy ra rằng có một “ý chí thiên nhiên” nào đó làm động cơ lèo lái sự tiến hóa. Nói giản dị hơn, ý chí thúc đẩy sự tiến hóa do ai tạo nên? Có phải là do Đấng Sáng Tạo? Nếu tôn giáo là sản phẩm tưởng tượng của loài người, tại sao nó không mất đi mà trái lại, nó song hành với quá trình tiến hóa cho đến bây giờ? Hiển nhiên, nó đóng một vai trò nào đó tối yếu trong tiến hóa, từ khi sinh vật có trí tuệ.
Cũng tương tự như vậy, các nhà vật lý cơ học lượng tử cũng đã tranh luận bằng truyền thanh (radio) với các đại diện giáo hội Công Giáo quan tâm về nguyên lý bất định của Heisenberg (Uncertainty principle, xin đọc Bài Đọc Thêm ở cuối bài này) thủ tiêu ý nguyện con người, vấn đề linh hồn sẽ về đâu giữa thiên đàng và hỏa ngục? Nếu linh hồn bất định theo Heisenberg (xin đọc bài đọc thêm ở phần cuối viết về nguyên lý bất định) thì có nghĩa dù muốn dù không, sự lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục cũng là điều bất định, không thể tu nhân tích đức hoặc làm điều sai quấy mà định được.
Nhưng các nhà bác học luôn bất đắc dĩ tham gia các cuộc tranh cãi về Chúa và Sự Sáng Tạo. Một trở ngại. Chúa mang nhiều ý nghĩa đối với mọi người và sự vận dụng những từ ngữ thâm sâu bí hiểm chỉ làm vấn đề thêm mờ mịt. Để làm sáng tỏ phần nào vấn đề này, Meta thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai loại ý nghĩa về danh từ Chúa. Nói rõ hơn, cần phân biệt Chúa của phép lạ nhiệm mầu và Chúa của trật tự thiên nhiên.
Khi các nhà khoa học nói về Chúa, họ luôn ngụ ý Chúa của trật tự thiên nhiên. Ví dụ, một trong những mặc khải quan trọng nhất của Einstein thời niên thiếu diễn ra khi ông đọc cuốn sách khoa học đầu tiên. Lập tức ông nhận ra ngay rằng giáo lý tôn giáo ông đã được học không thể đúng. Suốt cuộc đời nghề nghiệp của ông, ông vững tin vào một trật tự thiêng liêng và huyền bí hằng ngự trị vũ trụ. Vấn nạn đè nặng trong tâm tư ông là không biết Chúa có được tự do chọn lựa để sáng tạo vũ trụ hay buộc phải sáng tạo theo một quy cách duy nhất. Einstein nhiều lần nhắc đến Chúa trong các bài viết, gọi Ngài một cách âu yếm là “Ông già.” Khi vấp phải một bài toán nan giải, ông thường nói :”Chúa quá mầu nhiệm nhưng Ngài không quá hiểm hóc.” Các nhà khoa học tin rằng có vài dạng quyền năng trong vũ trụ nhưng với mọi người bình thường, Chúa có nghĩa là Chúa của phép lạ nhiệm mầu và đây chính là sự lệch lạc gây ngộ nhận giữa các nhà bác học và người thường. Chúa của phép lạ nhiệm mầu can thiệp vào mọi công việc của chúng ta, làm phép lạ, hủy diệt các thành phố tội lỗi, đánh tan quân địch, nhận chìm lính Ai Cập v.v…
Nếu các nhà bác học và người thường không thể thông cảm nhau qua các vấn đề tôn giáo, đó chỉ là vì họ trao đổi với nhau, nói về 2 vị Chúa hoàn toàn khác. Đó là vì nền tảng khoa học dựng trên sự khảo sát những sự kiện có thể tái diễn một cách nhân tạo để học hỏi và thí nghiệm, nhưng phép lạ vì bản chất của nó, không thể tái diễn bằng sức người. Chúng xảy ra một lần trong đời. Do đó, Chúa của phép lạ ở ngoài tầm hiểu biết của các nhà bác học. Điều này không có nghĩa phép lạ không thể xảy ra, chỉ có điều nó ở ngoài phạm vi của khoa học.
Nhà sinh vật học Edward O. Wilson thuộc trường đại học Harvard thắc mắc về vấn đề này và tự vấn rằng không biết có lý do khoa học nào giải thích được rằng tại sao con người lại có niềm tin mãnh liệt đến như thế vào tôn giáo. Ngay cả đến những nhà khoa học, kẻ luôn đặt nền tảng cho chuyên môn của mình trên sự hợp lý, cũng sa vào những cuộc tranh luận để binh vực tôn giáo của họ. Theo Wilson, tôn giáo trong lịch sử đã được dùng như một viện cớ phát động chiến tranh và gây ra biết bao tội ác chống lại kẻ ngoại đạo hay kẻ cải đạo. Sự dã man khủng khiếp của những cuộc thánh chiến có thể sánh với những tội ác ghê tởm nhất của loài người gieo cho nhau vì những lý do khác.
Wilson nói, tôn giáo luôn hiện diện trong mọi nền nhân văn trên trái đất. Các nhà nhân loại học thấy rằng mọi bộ lạc thượng cổ đều có một huyền thoại về nguồn gốc bộ tộc mình. Việt Nam ta cũng có huyền thoại bà Âu Cơ. Ngoài ra, huyền thoại này luôn chia cách “ta” với “chúng”, cung cấp một “lực” keo sơn gắn bó bảo tồn bộ lạc và áp đảo những phê phán vị lãnh đạo bộ lạc, đe dọa cho sự đoàn kết bộ tộc.
Đây không phải là một sai lầm mà nó là một quy tắc trong xã hội loài người. Wilson lập luận, tôn giáo quá mãnh liệt vì nó cung ứng một lợi điểm tiến hóa nhất định cho loài người sơ khai, kẻ vững tin vào nó. Wilson ghi nhận rằng loài vật trong bầy luôn phục tùng con vật đầu đàn bởi vì cái trật tự đặt cơ sở trên sức mạnh và thống trị đã được thiết lập vững chắc. Nhưng khoảng 1 triệu năm về trước, khi tổ tiên ta còn là loài khỉ, bắt đầu thông minh hơn, những phần tử trong bầy có thể vận dụng lý lẽ, đặt vấn đề quyền lực lãnh đạo và do đó tạo điều kiện cho một lực nguy hiểm cho trật tự cộng đồng, ngày một lớn mạnh. Trừ khi có một lực đối ứng với sự hỗn loạn đang lan tràn này, những phần tử “cách mạng” trong bộ lạc sẽ bỏ đi, bộ lạc sẽ tan rã và mọi phần tử trong bộ lạc cuối cùng sẽ tuyệt diệt. Vẫn theo Wilson, một áp lực nẩy sinh buộc thành phần thông minh hơn ngưng lý luận và mù quáng tuân thủ vị lãnh đạo bộ lạc, chấp nhận huyền thoại của ông ta để bảo tồn sự toàn vẹn bộ tộc. Một huyền thoại giữ vai trò rất cần thiết để xác định và bảo tồn bộ lạc.
Theo Wilson, tôn giáo là một lực rất mạnh giúp loài khỉ ngày càng thông minh hơn và tạo chất keo sơn kết hợp chúng lại với nhau. Nếu thuyết này đúng, nó có thể cắt nghĩa tại sao quá nhiều tôn giáo nương dựa vào “đức tin” hơn là lẽ thường tình – nghĩa là, tin rằng Chúa biết bay thay vì đi bộ như chúng ta – và tại sao bầy thú vật bị buộc ngưng lý luận - Cộng Sản hiện nay cũng buộc mọi người ngưng lý luận để duy trì sự thống trị càng lâu càng tốt, dù rằng nhân dân ngày nay không còn là khỉ - Nó cũng giúp giải thích sự tàn nhẫn vô nhân trong các cuộc thánh chiến và tại sao Chúa của phép lạ nhiệm mầu luôn nghiêng phần thắng về phía kẻ chiến thắng trong mọi cuộc chiến đẫm máu. Chúa của phép lạ sở hữu một lợi điểm vô cùng mạnh mẽ hơn Chúa của trật tự thiên nhiên. Chúa của phép mầu cắt nghĩa huyền thoại về mục đích của con người trong vũ trụ; về vấn đề này, Chúa của trật tự thiên nhiên thì nín lặng.
Mặc dù tôn giáo gây nhiều đổ vỡ trong nhân văn nhưng không có nó không thể có quốc gia và con biết đấy, không có quốc gia, văn minh không thể phát triển.
Để có đủ điều kiện đi đến kết luận, xin hãy cùng Meta điểm qua sự phát triển của nền văn minh chúng ta đang sống.

Sự tiến bộ lũy cấp của văn minh.

Ngày nay ta có thể thảnh thơi ngồi trên một xe hơi 200 mã lực mà không nghĩ gì đến năng lượng. Nhưng năng lượng sẵn có cho con người trong hầu hết mọi giai đoạn tiến hóa thì kém hơn bây giờ rất nhiều.
Thời sơ khai, nguồn năng lượng cơ bản của loài người là đôi bàn tay, khoảng chừng 1/8 mã lực. Loài người lang thang đó đây trên mặt đất, sinh sống bằng nghề săn thú làm thực phẩm, dùng hoàn toàn sức cúa bắp thịt con người. Trên quan điểm năng lượng, văn minh con người tiến bộ rất chậm trong vòng 100 ngàn năm. Khi biết chế tạo dụng cụ và vũ khí, con người có thể gia tăng sức mạnh bắp thịt. Gươm giáo nối dài đôi tay, chày đá tăng sức mạnh quả đấm và dao búa thay thế cho hàm răng. Thời kỳ này, năng lượng cá nhân tăng gấp đôi, khoảng ¼ mã lực. Nó kéo dài khoảng 10 ngàn năm . Xin chú ý thời gian cho giai đoạn đầu và giai đoạn thứ nhì được thu ngắn đáng kể : Từ 100 ngàn năm còn lại có 10 ngàn năm thôi.
Kế đó năng lượng con người lại tăng gấp đôi khi băng hà bắt đầu tan chẩy. Lý do chính yếu là thời đại băng hà đã làm chậm lại sự phát triển văn minh con người. Năng suất của một cá nhân đã lên đến ½ mã lực.
Xã hội con người gồm những nhóm thợ săn và thợ hái trái cây mọc hoang lại một lần nữa thay đổi với sự khám phá ra kỹ thuật trồng trọt. Nông nghiệp giúp loài người sống định cư ở những nơi chốn cố định và sự kiện băng hà tan rã giúp loài người phát triển ngành chăn nuôi, dùng sức ngựa, trâu bò phụ giúp loài người canh tác. Năng suất của một người tương đương 1 mã lực.
Cùng với đời sống nông nghiệp là sự phân chia lao động. Bắt đầu chuyển từ bộ lạc sang chế độ nô lệ. Điều này có nghĩa một chủ nhân nô lệ có thể vận dụng năng lượng của hàng trăm nô lệ gộp lại. Và cũng do đó sự tàn bạo vô nhân ngày càng tăng theo. Lúc ấy ở các đô thị, các vì vua có thể dùng nô lệ vận hành các cần cẩu, đòn bẩy, trục lăn để xây dựng các pháo đài, lăng tẩm, thành lũy. Bởi vì sự bộc phát năng lượng này, các kim tự tháp, đền chùa, đô thị mọc lên từ sa mạc và rừng hoang. Trên quan điểm năng lượng, khoảng 99/100 quá trình nhân văn của con người, trình độ kỹ thuật trội hơn loài vật không bao nhiêu. Chỉ trong vòng vài trăm năm mới đây, năng lượng trung bình con người có thể sản xuất hơn 1 mã lực.
Một thay đổi vĩ đại mang tầm vóc quyết định đến từ cuộc cách mạng kỹ nghệ. Phát kiến của Newton về định luật vũ trụ giúp cho cơ học được tóm gọn trong một bộ đẳng thức chuẩn xác mô tả, vận dụng động tử và trọng lực. Phát kiến này làm nền tảng cho những lý thuyết cơ học hiện đại hơn sau này. Người ta đã sáng chế ra động cơ chạy bằng hơi nước thay cho sức người trong thế kỷ 19; với động cơ hơi nước, năng lượng trung bình của con người được nâng lên từ 10 đến 100 mã lực. Trải qua 10 ngàn năm nhân loại mới đạt được nên văn minh làm nên diện mạo của Âu Châu. Với động cơ hơi nước và sau đó dùng nhiên liệu dầu hỏa, Mỹ Quốc đã kỹ nghệ hóa nền văn minh của mình trong vòng 100 năm. Như thế cho thấy chỉ cần quán triệt một trong 4 lực cơ bản của thiên nhiên là trọng lực, con người đã đạt được năng lượng vượt trội hàng ngàn mã lực và thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội.
Cuối thế kỷ 19, Maxwell khám phá ra một lực nữa : Lực điện từ. Phát kiến này một lần nữa phát động một cuộc cách mạng năng lượng. Điện lực thắp sáng thành phố và nhà cửa, gia tăng gấp bội, không, gia tăng cấp lũy thừa sự đa năng đa hiệu và sức mạnh của cơ khí. Đầu máy hơi nước được thay thế bằng những máy phát điện tân tiến.
Trong vòng 50 năm đổ lại ngày nay, con người lại khám phá ra một nguồn năng lực nữa nhờ vào khám phá ra lực nguyên tử. Có thể ngờ được không chỉ trong khoảng thời gian có 50 năm, con người đạt được sức mạnh hàng triệu mã lực, một tiến bộ quá sức tưởng tượng so với lịch sử nhân văn 100 ngàn năm.
Nhìn lại toàn thể quá trình lịch sử, ta dễ dàng nhận thấy chỉ có 1/100 khoảng thời gian ấy con người mới có thể đạt được sức mạnh hơn loài động vật. Vâng , chỉ vỏn vẹn vài thế kỷ, điện lực và nguyên tử lực đã được vận dụng để tạo sức mạnh cho con người. Hãy đồng ý với ý tưởng nền văn minh tiến theo nhịp độ lũy thừa trước khi sang phần kết.

Kết luận.

Trở lại chủ đề của bài này là thêm vào một kích thước nữa, tôn giáo và khoa học có thể thống hợp thay vì đối chọi nhau và cũng nhằm phán đoán đúng sai giữa 2 lãnh vực : khoa học và tôn giáo. Meta xin cống hiến một câu chuyện giả tưởng.
Năm 2061, khi một máy vi tính khổng lồ đã tìm ra giải pháp cho vấn đề năng lượng ngày càng kiệt quệ trên Trái Đất bằng thiết kế một vệ tinh vĩ đại bay quanh Mặt Trời để nhận năng lượng và rọi xuống mặt đất, nhờ đó, sức nóng được các bộ máy cơ khí chuyển thành các tiện nghi cho con người. Bộ máy vi tính quá lớn và tối tân đến mức các chuyên viên kỹ thuật của nó mỗi người chỉ am tường một phần nhỏ về nó. Hãy đặt tên cho máy vi tính này là Trí Tuệ. Trong một bữa nhậu, 2 chuyên viên vi tính say rượu đánh cá với nhau, hỏi Trí Tuệ rằng làm thế nào có thể làm cho Mặt Trời không bao giờ lịm tắt hoặc làm sao tránh khỏi cái chết của vũ trụ khi năng lượng càn khôn kiệt quệ. Sau một lúc suy nghĩ, máy vi tính trả lời : Không đủ dữ kiện cho một giải đáp thỏa đáng.
Nhiều thế kỷ trôi qua, Trí Tuệ đã giải quyết được những vấn đề du hành trong siêu không gian và loài người đã di dân lập nghiệp trên vài ngàn hệ thái dương khác. Bộ máy vi tính Trí Tuệ bây giờ quá vĩ đại cho đến nỗi nó chiếm ngự vài trăm dặm vuông trên mỗi hành tinh có loài người cư ngụ. Bây giờ Trí Tuệ đã tối tân đến độ có khả năng tự bảo quản và điều hành, không cần các chuyên viên kỹ thuật nữa. Một gia đình du hành trong không gian , hướng dẫn chính xác bằng Trí Tuệ, để tìm chốn định cư mới. Khi người cha nhận ra rằng mọi ngôi sao rốt cuộc cũng chết vì kiệt quệ năng lượng, các đứa con bắt đầu hoảng sợ. “Bố ơi bố! Đừng để các ngôi sao chết.” Để trấn an các con, người bố hỏi Trí Tuệ rằng sự suy đồi năng lượng (entropy) có thể được phục hồi hay không? Quay lại các con, người bố an ủi :” Thấy chưa? Trí Tuệ sẽ có giải pháp kịp thời. Đừng có lo.” Ông ta giấu các con câu trả lời của Trí Tuệ : Không đủ dữ kiện cho một giải đáp thỏa đáng.
Nhiều ngàn năm nữa trôi qua, việc chinh phục, chế ngự và thu hút năng lượng các ngôi sao cung ứng cho đời sống đã tiến bộ một bước vĩ đại. Người ta đã khai thác các thiên hà chứ không phải khai thác các ngôi sao đơn lẻ nữa. Vấn đề thời thượng lúc bấy giờ là tìm các thiên hà mới để khai thác năng lượng mới của nó. Trí Tuệ bây giờ phát triển đến tột độ đến nỗi tự nó phát triển nó ngày càng phức tạp vượt qua sự hiểu biết của loài người. Hai thành viên của Hội Đồng Quản Trị Thiên Hà, mỗi người già hơn 500 tuổi, bàn thảo vấn đề khẩn cấp trong việc tìm kiếm những thiên hà mới và ưu tư về tình trạng vũ trụ ngày càng kiệt quệ. Sự suy đồi năng lượng (entropy) có thể vãn hồi được không? Trí Tuệ lập tức trả lời : Không đủ dữ kiện cho một giải đáp thỏa đáng.
Nhiều triệu năm nữa trôi qua. Con người đã lan tràn cùng khắp vô số các thiên hà trong vũ trụ. Trí Tuệ đã giải quyết được vấn đề giải phóng trí tuệ con người ra khỏi thể xác. Từ đấy, trí tuệ con người tự do ngang dọc khắp nơi thám hiểm mọi hang cùng ngõ ngách của vũ trụ, bỏ lại cái xác thân ở một nơi nào đó trong một hành tinh xa xưa nay đã quên lãng. Hai trí tuệ con người tình cờ gặp nhau trong không gian. Họ chia sẻ chung một thắc mắc rằng không hiểu họ bắt nguồn từ đâu trong vô vàn thiên hà trong vũ trụ.(xin phân biệt Trí Tuệ viết hoa là bộ máy siêu vi tính, hằng hữu trong mọi biến cố vũ trụ với trí tuệ con người không viết hoa) Bộ máy Trí Tuệ lập tức chuyển họ đến một thiên hà xa xăm mù mịt có tên là Milky Way. Hai trí tuệ con người hoàn toàn thất vọng. Thiên hà này, nơi một thời loài người xuất phát, quá tầm thường giống như nhiều triệu thiên hà khác, và các ngôi sao nguyên thủy của nó đã lịm tắt từ lâu. Hai trí tuệ con người bắt đầu lo lắng vì nhận ra hàng tỉ tỉ ngôi sao khác trong vũ trụ cùng chịu chung số phận. Họ hỏi :”Có cách nào vũ trụ tránh khỏi sự chết không?” Trí Tuệ trả lời : Không đủ dữ kiện cho một giải đáp thỏa đáng.
Thế rồi hàng tỉ năm nữa trôi qua, nhân loại gồm hàng tỉ tỉ những thân xác bất tử, được chăm sóc bằng phương pháp tự động. Trí tuệ loài người hợp lại thành tập thể, vân du đó đây khắp vũ trụ và cuối cùng hợp nhất thành một. Lúc này, không còn lý do để tham vấn bộ máy Trí Tuệ hằng hữu nữa. Trí tuệ nhân loại biết vũ trụ đang hấp hối. Từng ngôi sao, từng thiên hà ngưng phóng thích năng lượng, nhiệt độ khắp nơi trong vũ trụ giảm dần về phía độ không tuyệt đối. Trong hoang mang hoảng loạn, loài người tự hỏi :” Nếu sự tăm tối và giá lạnh có nghĩa là một cái chết tối hậu hay không?” Từ siêu không gian, bộ máy Trí Tuệ đáp : Không đủ dữ kiện cho một giải đáp thỏa đáng.
Khi loài người yêu cầu bộ máy Trí Tuệ cung cấp dữ kiện cần thiết, bộ máy siêu vi tính này trả lời :”Tôi sẽ thi hành. Tôi đã không ngừng tìm kiếm mọi dữ kiện cho vấn đề này hằng trăm tỉ năm. Những con chips tổ tiên tôi cũng đã hỏi như thế rất nhiều lần. Tất cả mọi dữ kiện hiện vẫn không đủ.”
Một khoảng cách thời gian gần như vô tận trôi qua. Và vũ trụ rốt cuộc đã đến giờ lịm chết. Từ cõi siêu không gian, Trí Tuệ bỏ ra một thời gian phi thời gian vô tận thu thập dữ kiện và chiêm nghiệm một giải đáp thỏa đáng. Sau cùng Trí Tuệ tìm ra được giải đáp, mặc dù lúc ấy chẳng còn ai sống sót mà nghe. Trí Tuệ cẩn thận lập công thức cho một “phần mềm”, trong đó có một đoạn trù liệu, sáng tạo ra khoa học và tôn giáo và bắt đầu tiến hành việc đảo ngược mọi hỗn độn, hay nói cách khác, tái lập một trật tự mới. Sau đó nó thu thập các chất khí lạnh tản mác khắp vũ trụ, gom góp các ngôi sao chết cho đến khi một vũ trụ mới bùng nổ “big bang.”
Khi hoàn tất công việc, từ cõi siêu không gian, Trí Tuệ phán một câu nay còn ghi trong Thánh Kinh :” Ánh sáng hãy hiện ra!”
Và rồi ánh sáng hiện ra. Ngày Chúa Nhật, Trí Tuệ ngơi nghỉ cũng như trong Thánh Kinh mô tả.
Như vậy, Trí Tuệ chính là đấng Sáng Tạo. Vài tỉ năm sau, loài người lại cãi nhau về tôn giáo và khoa học.

ooooOoooo
Hết.
Phượng Các
#2 Posted : Wednesday, February 28, 2007 8:43:16 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Hồi năm ngóai tôi được đọc quyển Lưới Trời Ai Dệt của Nguyễn Tường Bách và tôi cho đó là cuốn sách quan trọng mà nếu không được đọc thì cuộc đời tôi thiếu sót rất nhiều. Ngòai ra NTB còn có vài cuốn khác (tôi đang đọc Đạo Và Vật Lý của ông). Các cuốn này tìm mối tương quan giữa Khoa Học và Tôn Giáo.

http://www.thuvienhoasen...gia-nguyentuongbach.htm

Có điều cần ghi nhận là tôi chỉ thưởng thức trọn vẹn khi đọc một cuốn sách giấy! Hình như cuốn LTAD trên Net thì thiếu các footnote. Sad


Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.