Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trần thị Diệu Tâm
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




Trần thị Diệu Tâm



sinh tại Huế
tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh khóa 2, Ðại Học Ðà Lạt
hiện cư ngụ tại Pháp

tác phẩm:

Người Về (tập truyện, Nam á, 1992)
Rong Biển (tập truyện, An Nhiên, 1997)
Phía Bên Kia Mặt Trăng (tập truyện 2001)



Phượng Các
#2 Posted : Tuesday, December 7, 2004 12:41:38 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
thánh ca


trần thị diệu tâm






Trên phố chợ đông đúc ồn ào của một buổi sáng chủ nhật, tôi gặp Hân.



Nhận ra tôi, Hân mừng rỡ. Tôi mời cô vào một tiệm ăn gần đấy để thăm hỏi. Trước những câu hỏi dồn dập của tôi, Hân chậm rãi trả lời, cho biết:



"Hân vượt biên một mình, ba má còn ở lại bên ấy"



Nước mắt cô ràn rụa chảy ra, cô nói trong nước mắt:



"Cái giá phải trả quá đắt"



Tôi không biết nói gì để an ủi, tận cùng của đau đớn, chỉ nên im lặng chia xẻ thôi. Tôi đưa cô thêm tấm khăn giấy thấm nước mắt.



Sau cùng thì tôi cũng nói được đôi ba câu cho cô an lòng. Đến đây được là mừng rồi. Hãy bỏ qua những đau buồn. Hân còn trẻ,tương lai còn dài. Xứ này là xứ của tự do, cố gắng sẽ thành công. Sau những câu thông thường như thế, tôi bỗng chợt nhớ đến một người. Không biết có nên hỏi thăm không. Hỏi như thế nào.



"Xóm mình, có còn ai đi được qua đây không?"



Hân lắc đầu: "Hân cũng có dò hỏi nhưng chưa biết ai, hiện giờ Hân ở với gia đình người bác. Đang đi học thêm để có việc làm rồi bảo lãnh cho ba má sang, đó là ý nguyện cuối cùng của Hân"



"Đám bạn cũ của mình trong ca đoàn thế nào?"



"Sau khi anh đi thì tình hình căng lắm, họ đâu còn để cho sinh họat nữa"



Tôi ngập ngừng hỏi thăm người đàn ông ấy:



"Thế Cha P. ra sao"



Hân cho biết:



"Ông ấy đang chuyên dịch các tác phẩm Anh Pháp ra tiếng Việt để kiếm sống, cũng tạm ổn."



Hân lảng qua chuyện khác, hỏi thăm tôi đã lập gia đình chưa. Tôi lắc đầu nói bù đầu đi học đi làm thêm trong bao nhiêu năm, bây gìờ thong thả thì thấy đời mình đã rêu phong rồi.





"Anh thấy Hân có già đi nhiều không? Hỏi thật đó"



Tôi nhìn Hân cười, làm sao có thể trả lời câu hỏi như thế trước một cô gái có tiếng là xinh đẹp, cô gái ngày xưa mình đã từng say mê trong thầm lặng. So sánh hình ảnh Thúy Hân ngày ấy với bây giờ thì thật là khốn khổ cho tôi. Tôi không dại gì làm cho cô buồn lòng trong lúc này. Người đàn bà nào cũng muốn mình trẻ mãi không già. Có lẽ họ cho rằng chỉ nhan sắc mới có thể làm cho người khác quý trọng mình. Riêng tôi, thấy rằng họ còn đáng quý ở nhiều điểm khác.



Tôi mỉm cuời: "Thời gian biến động vừa qua đã giúp Hân hiểu đời sống quý chừng nào, đó là điều quan trọng nhất"

Hân nói: " Lúc này anh nói chuyện hay lắm."



"Vì, tôi không còn sợ Hân nữa"



"Tại sao lại sợ?"



Tôi không trả lời, vì không sợ có nghĩa là không còn yêu.



Trước kia, cô đã không hiểu, thì bây giờ có hiểu cũng vô ích thôi. Đừng tưởng rằng tình yêu có giá trị muôn thu, mãi mãi ngự trị trong mỗi người yêu. Người ta thần thánh hóa nó chỉ một lúc nào đó thôi. Ở một giai đoạn cao độ, người ta có thể nói đến cái chết nếu không được yêu nhau. Sau khi nếm mùi thập tử nhất sinh của chuyến vượt biên, tôi bình thường hóa mọi chuyện trong đời sống. Vượt qua được cái chết, là có thể vượt qua tất cả. Đời sống xuất hiện với tôi cùng với cơ duyên của nó. Không bất ngờ, không biến cố.



Tôi xin địa chỉ và số điện thoại của cô, hẹn sẽ gặp lại.



Trở về nhà, tôi nhớ lại Hân. Không phải Hân bây giờ, mà Thúy Hân ngày ấy. Đó là quãng thời gian sau bảy mươi lăm. Chúng tôi cùng ở chung một xóm. Nhưng trước kia tôi không thể nào làm quen được cô. Hân con nhà giàu, lại xinh đẹp. Nhà cô nuôi con chó bẹc-giê luôn gầm gừ với những tên con trai nào lảng vảng trước cổng. Dù học thuộc lòng những câu nói văn chương bóng bẩy trước khi gặp người đẹp, tiếng sủa hung dữ của nó cũng làm bay mất hồn vía và bay luôn cả lời hay ý đẹp. Tôi là đứa nhát gái, lại nhát luôn cả chó. Làm sao quen được nàng.



Thế mà sau bảy lăm, mọi chuyện đều thay đổi một cách ngược đời, ai cũng biết. Nhờ thế tôi mới được quen Hân. Hân mời tôi vào hát chung với ca đoàn trong họ Đạo của nhà thờ. Tôi trả lời tôi không có đạo, cũng chẳng tin tưởng gì ở Chúa, Đức Mẹ thì làm sao tôi hát nổi những bản nhạc thánh. Nhưng Hân nói: "Anh cứ vào sinh hoạt và hát chung với nhau, anh sẽ tìm thấy niềm tin ".Tôi bằng lòng, đây là một dịp may cho tôi gần gũi với nàng. Tôi là thằng con trai mới lớn, việc gì phải ràng buộc lôi thôi với Chúa với Phật.



Từ ngày ấy, tôi chăm chỉ đến nhà thờ vào sáng thứ bảy, chủ nhật để đồng ca dưới sụ điều khiển của Cha P. Để có thể hát vững nhịp, tôi phải học thuộc lời các bản nhạc. Mẹ tôi lo lắng hỏi: "Này, mày định đi đạo đó hả". Tôi trả lời cho yên lòng mẹ:



"Thay vì đi ngồi quán cà phê cho bọn công an để ý, con đi nhà thờ cho được phúc mà".



Sau đó theo lời đề nghị của Cha P. những ngày thường, nếu người nào rảnh xin đến hát giúp lễ buổi sáng vào lúc 5 giờ sáng. Hân là giọng ca nồng cốt của ban nhạc, không thể nào từ chối. Vì thế tôi cũng không thể nào từ chối. Sáng nào tôi cũng dậy từ lúc chuông đổ hồi một, tỉnh táo đến nhà thờ trong lúc mọi người đang say ngủ. Các cụ bà có đạo trong xóm mến phục tôi, họ nghĩ rằng Chúa đã soi sáng cho tôi. Nhưng tôi hiểu hơn họ, nếu không yêu Hân, tôi không phải nhọc công dậy sớm đến thế. Và cũng không có gì hạnh phúc hơn khi tin rằng Hân đang có cảm tình với tôi. Sẽ yêu tôi. Mặc dù tôi chưa hề ngỏ ý, và Hân cũng chưa biểu lộ tình cảm của mình. Vì nàng là một thiếu nữ kín đáo, và cốt cách. Hy vọng nào cũng có khả năng linh dược, nhất là hy vọng được yêu.



Đi nhà thờ sáng chủ nhật, là đi tham dự một lễ hội có tính cách thiêng liêng, lại vừa gặp gỡ nhau. Đây là dịp cho mọi người tìm lại được không khí an lành của những ngày cũ. Nhà thờ không đủ sức chứa, vì không dự liệu sự nẩy mầm của lòng tin tôn giáo đến mức độ mãnh liệt đến thế. Phải đi sớm trước nửa giờ may ra mới có chỗ đứng.



Trong vòm không gian cao cả của giáo đường, ánh sáng chan hòa với mùi trầm hương. Mọi người đang chiêm ngắm, khẩn cầu. Tiếng hát của Thúy Hân từ từ cất cao... lạy thánh nữ Đồng Trinh, xin cho lòng con hoan lạc đón mừng ơn mừng cứu độ từ trời cao... Tiếng hát thần thánh như giòng suối mát tẩy sạch nỗi đau tuyệt vọng. Hình như mọi người trong lúc ấy nín thở để nghe nàng hát. Đức Mẹ đang hiện ra trong lòng mọi nguời, Thiên Chúa đang ban ơn sủng. Đó là mãnh lực của thánh ca. Mãnh lực của Thúy Hân.



Sau buổi lễ, nhiều cô cậu chờ đón để được gặp mặt người hát làm quen, nhưng Hân luôn luôn tránh đám đông. Sau đấy ca đoàn sinh họat chung với nhau, chia xẻ những vui buồn trong nhóm cùng với cha P. Đấy là một linh mục trầm tĩnh, có năng khiếu về âm nhạc. Hân cho tôi biết ít nhiều về Cha, như đã từng du học tại Pháp, Bỉ, và có cả các bằng cấp về triết học Đông phương. Hân nói Cha muốn thay đổi các nghi thức hành lễ cho phù hợp với phong tục Việt Nam, vì thánh lễ có vẻ Tây Phương quá.Thấy tôi có vẻ quý phục Cha, Hân càng được dịp nói nhiều hơn. Hân biết nhiều chuyện của nhà thờ, trong khi tôi chẳng để ý gì. Không phải vì Hân mà tôi qúy trọng Cha P, cá nhân của Cha đã là điều làm cho người khác tôn trọng. Trước khi được làm linh mục, có lẽ tư cách cá nhân phải được huấn luyện kỹ càng, từng chi tiết nhỏ. Huấn luyện từng câu nói, ánh mắt, một cái bắt tay hay một nụ cười. Đó là một mẫu người phải có khả năng thu hút niềm tin nơi kẻ khác. Bọn trẻ tụi tôi kính trọng là phải.



Có lần một người trong ca đoàn nói đùa: "Cha P đẹp trai, học giỏi đi tu thật uổng quá."



Hân tức thì đáp ngay:



"Phục vụ cho Chúa mà uổng sao?"



Tôi thì nghĩ rằng, nhờ đi tu Cha P mới được trở thành người đàn ông như thế . Nếu không, chắc gì được may mắn đời trọng vọng. Và có người đẹp như Thúy Hân ca tụng đến thế. Nhiều lần tôi mời Hân đi ăn sáng riêng với tôi, nhưng nàng đều từ chối viện cớ này cớ nọ. Tôi cảm thấy sợ và lo lắng.



Sống dưới chế độ cộng sản, ai cũng biết sợ. Người ta sợ cả tiếng chó sủa đêm, như báo hiệu một sự bắt bớ tù đày. Mẹ tôi còn sợ đến cả cái thùng rác. Vì nó có thể nói cho người hàng xóm biết rằng, trong đó có cả mấy cái xương gà. Thỉnh thỏang Mẹ tôi dúi thêm ít tiền còm cho chú đổ rác.Trong vô số các nỗi sợ của mọi người, tôi cũng có nỗi sợ của tôi. Đó là Hân và Cha P . Mỗi lần gặp một trong hai người, tôi không biết phải nói gì cho họ vui lòng, cho đúng với ý muốn của tôi. Một người tôi yêu và một người làm tôi lo lắng.



Cha P là một con người có kiến thức rộng, ăn nói diễn tả mạch lạc chính xác, dáng dấp trang nhã, một người đàn ông lịch duyệt đúng nghĩa. Còn tôi chỉ là một thằng con trai chưa xong bằng cấp đại học. Nói năng thì ấp a ấp úng, chẳng ra làm sao. Khi cần phải nói những lời tình cảm, thì tôi không mở miệng được. Nhất là lúc đứng trước con gái. Có lẽ biết thế, thỉnh thoảng Hân khen tôi có giọng hát trầm ấm. Nhờ vậy tôi bớt mặc cảm, có thêm can đảm tiếp tục hát cho ca đoàn. Có lần khi đứng cạnh để hát chung bè, Hân chê tôi hôi mùi khói thuốc. Tôi bực mình bỏ hát đi ra ngoài. Hân tìm tôi xin lỗi:



"Anh không nên hút thuốc nhiều, có hại"



Tôi định nói: "Nếu em yêu anh, thì anh bỏ hết." Nhưng không dám.



Tôi để ý khi Hân đứng cạnh Cha P tập hát, tôi cắc cớ tự hỏi Hân cảm thấy mùi vị gì. Mùi đàn ông, hay mùi thần thánh. Thánh thần chắc hẳn chẳng có mùi vị nào vì họ không còn có phái tính .Chỉ có vạn vật chúng sinh đau khổ mới phát sinh ra mùi. Mùi của chất người. Khói thuốc trong tôi, chính là nỗi đau đớn tuyệt vọng của một tình yêu không được đáp trả. Nỗi đau đang âm ỉ cháy. Tôi hút thuốc nhiều, là đốt cháy cho tiêu đi.



Từ đó trong các bản thánh ca tôi gửi gấm chút lòng thành đơn chiếc.



Gần lễ Phục Sinh, ai nấy đều bận rộn. Ca đoàn phải chuẩn bị cho những bản trường ca đặc biệt cho lễ nửa đêm. Tôi bỏ lớp học ở trường vì không muốn nghe mãi giọng điệu lên lớp của một "phó tiến sĩ" ngoài Bắc vô. Về đến nhà, mẹ tôi cho biết có chuyến đi ở Rạch Giá coi bộ chắc chắn. Tôi ngán ngẩm, lần nào cũng hụt, chạy trối chết. Tôi gật đầu vâng dạ cho mẹ vui lòng. Mẹ nói: lui tới nhà thờ nhiều coi chừng, tụi nó không ưa gì Chúa Phật đâu, đừng dại, chỉ khổ thân mẹ thôi.



Tôi ra khỏi nhà, nghĩ đến Hân, đến rủ nàng qua cha P tập hát. Nhưng Hân không có nhà. Tôi đi thẳng đến nhà thờ. Không có Hân ở đấy.



Tôi chậm rãi băng qua lối đi ngôi vườn nhỏ, nơi ấy có phòng sinh hoạt của ca đoàn. Ngôi vườn có bóng cây tỏa mát, vài bụi hoa tường vi dại leo quanh bức tượng của Thánh Nữ. Bức tượng có vẻ buồn bã hơn mọi ngày, không ai còn chăm sóc ngôi vườn nữa. Mọi thứ đều hoang phế . Cỏ dại cũng sợ không dám mọc. Trong sự hoang vắng chạng vạng buổi chiều, tôi thấm thía một nỗi buồn, u uất và mịt mù. Tôi chỉ mong có một người để tâm sự.



Tôi nghe tiếng đàn dương cầm trỗi lên rất nhẹ nhàng, bản "Chúa đã sống lại ", tiếng đàn dịu xuống để nhường cho giọng hát cất lên. Hân đang hát .Tôi yêu tiếng hát ấy biết là bao!



Tôi dừng lại, Hân đang tập hát trong căn phòng có khung cửa sổ mở toang. Tiếng nhạc quấn theo tiếng hát reo vui hớn hở. Qua tấm màn mỏng màu trắng, tôi thấy Hân đứng cạnh chiếc duơng cầm. Cha P đang chăm chú dạo các phím nhạc. Hân mặc chiếc áo dài trắng, dáng người thanh thoát, hiện ra trước mắt tôi như hình ảnh một thiên thần. Thiên thần đang ngợi ca vũ trụ vừa tái sinh. Vũ trụ ấy chỉ có hai người, người đàn và người hát.



Tôi đứng như thế mà không biết đã bao lâu, chỉ sợ một chút động đậy của mình sẽ làm tan biến khung ảnh kỳ diệu ấy.Và đồng thời, tôi hiểu, tại sao Thúy Hân hát hay đến thế. Nàng chỉ hát cho một người, với một người.



Cùng lúc ấy tôi thấy mình thật là tầm thường tồi tệ, không một chút xứng đáng nào với hy vọng có Hân.



Tôi từ chối góp giọng hát cho ca đoàn vào đêm lễ Phục Sinh. Tôi nói cho Hân biết là đang chờ người ta đưa đi. Nhưng thật ra, đêm ấy tôi đứng chen lẫn phía dưới đám đông giáo dân, để nghe nàng hát. Đêm phục sinh mà lòng tôi lại chết đi.Và khi bắt gặp chiếc thánh giá trên cao, hình tượng ông Giêsu đang nhìn tôi âu yếm. Tôi tin chắc rằng trong đời ông ấy, cũng đã đôi lần cảm thấy tuyệt vọng và lẻ loi.



Sau thánh lễ , tôi đi bộ về nhà một mình trong đêm, lòng thanh thản, thấy thật là dễ chịu khi biết chấp nhận.

Và chuyến đi về Rạch Giá thành công . Tôi xa rời kỷ niệm, bắt đầu tái sinh sự sống ở miền đất không có ám ảnh.



Lâu lắm, tôi mới nhận lại tin tức của Hân, cô cho biết đã xin được việc làm tốt. Cô nói thêm: ông P sắp qua đây, gia đình bảo lãnh, thế nào cũng đến thăm anh.



Tuy hứa như thế mà chẳng thấy cô dẫn "ông P" đến thăm tôi. Và sau đó thì cô gọi đến, bất ngờ báo tin vui:



"Hân xin mời anh đến dự đám cưới nhé, chỉ tổ chức đơn sơ thôi, em sẽ gửi giấy mời anh"



Tôi ngạc nhiên:



"Sao giỏi thế, chắc chắn sẽ đến chia vui, nhưng ông nào ở đây? "



Hân cười vang trong điện thọai:



"Không ai xa lạ gì với anh, ông P mà."



Tôi giật mình, nhưng bình tĩnh lại ngay:



"Thế thì nhất rồi, ông ấy là người hiếm có trên cuộc đời trần tục này."



Hân giải thích:



"Anh ấy đã xin được phép của tòa thánh lúc ở Việt Nam, không còn là linh mục nữa, chắc anh ngạc nhiên lắm phải không?"



Tôi trả lời chậm rãi để tỏ cho Hân biết tôi không ngạc nhiên:



"Hân và ông ấy đã khéo léo sắp đặt đoạn cuối một câu chuyện tình tuyệt đẹp."



Hân cho biết:



"Chúa muốn con người hạnh phúc, nhưng loài người hay đặt ra những lề luật khắc khe."



Lời của ông P trong giọng nói của Hân. Một người ly dị để lấy một người khác. Chuyện bình thường, dù là ly dị với thần linh.



"Hân nhờ anh đến làm người chứng trên giấy tờ nhé"



Tôi đồng ý. Tôi là người làm chứng sự ngay lành của tình yêu hai người. Mọi chuyện không có gì đáng ngạc nhiên, bất ngờ. Đó không phải là một biến cố, phải xảy ra như thế thôi. Tôi mong ước Hân sẽ còn tìm thấy hạnh phúc trong thánh vịnh lời ca, dù rằng cuộc sống có khi chỉ là bài ca đứt ruột.



Một hôm, lái xe ngang qua một ngôi nhà thờ nhỏ, trông có vẻ tiêu điều vì hoang vắng, ngôi nhà thờ gợi lại ký ức cũ. Tôi dừng xe, đi bộ vào trong. Không gian lạnh, không một bóng người, tôi ngồi giữa những hàng ghế trống không. Những thần tượng trên kia trông thật lẻ loi, họ đứng đấy chờ những con người đau khổ tới van xin một chút may mắn. Nhưng chính họ, lại là những người đau khổ nhất lúc ở cõi trần này.



Từ lúc qua đến đây, tôi gạt ra ngoài hết những tình cảm vớ vẩn có thể làm xao lãng công việc học hành, sống như một người vô tâm vô cảm, để tiến thân vào xã hội mới. Nay bỗng dưng, khi nhìn thấy ngôi nhà thờ nhỏ bé này, một chút vương vấn nào đó. Nơi đây có lẽ ít giáo dân lui tới, đèn nến cũng lù mù, không đủ thắp sáng một lời cầu xin. Những hình tượng trên kia đang nhìn xuống, chờ đợi gì, tôi không biết, nhưng trông người nào cũng buồn bã lạ thường.



Trong buổi chiều chạng vạng nơi đây, tôi nghe tiếng hát của Hân tự ngày nào... xin cho con được mến yêu và phụng sự Chúa...



Trong nỗi tiêu điều của thần linh, có nỗi tiêu điều của tôi.



Trần Thị Diệu Tâm
Gác Trọ
#3 Posted : Sunday, February 27, 2005 3:04:05 AM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Trần Thị Diệu Tâm và tác phẩm "Phía bên kia mặt trăng"


Nguyễn Ðình Toàn


“Phía Bên Kia Mặt Trăng” là tập truyện ngắn thứ ba của Trần Thị Diệu Tâm, sau những cuốn “Người Về”, “Rong Biển”...

“Phía Bên Kia Mặt Trăng” gồm 15 truyện ngắn.

So với những truyện đã cho xuất bản trước, cách viết của Trần Thi Diệu Tâm, không có gì thay đổi: Giản dị, nhẹ nhàng, từ cách bố cục cho đến những diễn biến, tình tiết, của các câu chuyện.

Nhân vật cũng như không khí các truyện của Trần Thị Diệu Tâm là những gì gần như đã biến mất trong văn chương của chúng ta nói chung, trong những năm gần đây, nhất là trong những truyện của các nhà văn nữ.

Ðó là cái thế giới dịu dàng, êm ả - êm ả - ngay cả trong những tình huống gay go, đau đớn nhất. Tình ái trong thế giới ấy là một thứ hạnh phúc người ta không đạt được, chứ không phải một cơn bệnh hành hạ như phần lớn các truyện gần đây thường cho người đọc cảm tưởng ấy.

Truyện của Trần Thị Diệu Tâm là những truyện có thể kể lại được, nếu người ta muốn. Nó cũng đứng vững trong toàn thể bố cục của nó, chứ không phải những câu văn, những tư tưởng, tách rời.

“Phía Bên Kia Mặt Trăng” truyện được tác giả chọn làm tựa cho cuốn sách truyện “Chốn Cũ” và “Sợi Tóc” là những truyện ngắn có thể coi là điển hình của Trần Thị Diệu Tâm.

Ðọc những truyện ngắn ấy nửa chừng, người ta có thể phỏng đoán những gì sẽ xảy ra ở đoạn cuối, nhưng cái thích thú là người ta vẫn phải đọc tới để xem sự thể thế nào. Và thường thường, cái nút mở, cái cách kết thúc truyện của Trần Thị Diệu Tâm, dù không xa với sự linh cảm của mình bao nhiêu, người ta vẫn không khỏi ngạc nhiên. Ðiều ấy vừa chứng tỏ cách suy nghĩ riêng biệt của tác giả vừa cho thấy sự phong phú, cái huyền nhiệm của đời sống: Người ta không bao giờ biết trước được điều gì, dù nhỏ nhoi đến đâu chăng nữa! Cái sợi tóc Thạch Lam nói tới trong một truyện ngắn của ông là khoảng cách giữa lương thiện và bất lương. Sợi tóc trong truyện ngắn của Trần Thị Diệu Tâm là sợi tóc thật, nhưng tự nó lại mang những sự thật khác.

Người đàn bà trong truyện của Trần Thị Diệu Tâm không có tên, chỉ được gọi bằng “chị ta”, một người Á Ðông, đúng ra, rõ ra, là một người Việt Nam.

Chị được chồng bảo lãnh qua đây, tức là nước Pháp, nhưng bắt chị ký giấy ly dị ngay, vì chồng chị đã có vợ khác.

Sự việc làm cho vợ chồng ông Nguyễn hết sức bực mình. Nhất là bà Nguyễn, bà bảo chị:

-Sao chị không làm dữ để chồng chị trở về với mình, lại ký bằng lòng ngay, dại quá.

Chị từ tốn trả lời:

- Thưa bà, em không thể làm như thế. Chồng em viết thư cho em lúc còn ở Việt Nam nói, khi anh vượt biên đến đây, chính cô ấy lo lắng và giúp đỡ anh để có công ăn, việc làm. Cô ấy là ân nhân của chồng em, cũng là ân nhân của em. Nhờ vậy, anh ấy mới có tiền giúp mẹ con em. Con gái em nay đã có chồng tử tế.

Bà Nguyễn cho rằng chị nghĩ xa xôi quá, sống đây mà tình nghĩa quá chỉ thiệt thân. Nhưng chị ta nghĩ khác. Chị nói với bà:

- Thưa bà, em rất quý trọng anh ấy, chỉ vì hoàn cảnh, vì số phận em phải chịu đựng như thế. Bao giờ em cũng xem anh ấy là chồng.

Chị gốc gác chỉ là một giáo viên tiểu học, ít học, không đọc được tiếng Pháp, nên giấy tờ cứ phải nhờ người đọc giùm và chỉ dẫn, phiền phức và nhờ mãi người ta cũng bực mình. Bà Nguyễn nói với chồng, anh rảnh rỗi thì giúp cho chị ta. Hàng xóm qua lại, ông giúp chị làm các giấy tờ. Ðể đền ơn, chị đi chợ thỉnh thoảng làm đồ ăn mang biếu, rồi ở lại dọn dẹp giúp ông bà bếp núc sạch sẽ. Bà Nguyễn muốn tỏ ra không phải là ngươi lợi dụng đưa chị một ít tiền để trong phong bì, chị không nhận. Chị nói, ông đã giúp chị làm đơn xin được tiền trợ cấp, nên chị không dám nhận gì của bà. Bà khen chị, ở lâu với cộng sản mà không bị biến đổi tâm tính, vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, cốt cách của một người đàn bà lương thiện. Bà lựa một số quần áo cũ không dùng tới nữa, cho chị. Bà cũng nói, sẽ đưa chị đi uốn tóc, chị có duyên, phải làm đẹp để rồi còn lấy chồng khác. Nhưng chị từ chối, lấy cớ chồng chị rất thích mái tóc dài tự nhiên và vẻ quê mùa, mộc mạc của chị. Bà phát bực mình cho chị là một người đàn bà nô lệ!

Một bữa, sau khi ủi quần áo giúp ông bà, chị đã lôi một đống giày của ông bà ra lau chùi, đánh bóng. Ông Nguyễn người ý tứ, không bao giờ khen một người đàn bà nào trước mặt vợ. Ông nhẹ nhàng bảo chị, việc chùi giày để ông bà tự làm lấy. Ông không muốn chị làm việc ấy. Chị nói, không biết sao, ủi quần áo, chùi giày cho ông, chị nhớ tới chồng chị. Trước 75, anh rất ưng ý vì chị ủi quần áo không thua gì tiệm và chùi giày không thua gì bọn chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn cũng đem “chuyện chị hàng xóm” kể lại cho bạn hữu nghe và không quên kết luận đó là một người đàn bà nô lệ cho đàn ông.

Trong tình vợ chồng ông Nguyễn thường bị vợ từ chối lấy cớ là “gõ cửa không đúng lúc”.

Tất cả các dữ kiện đó hình như báo hiệu một điều gì đó.

Ðiều gì?

Ở trang 142, Trần Thị Diệu Tâm viết:

“Rồi một hôm, bà Nguyễn thay chiếc áo gối, bỗng nhìn thấy một sợi tóc dài đen bóng dính vào lớp vải. Bà cẩn thận đưa sợi tóc lên nhìn, lấy hai ngón tay vuốt thẳng. Sợi tóc dài gấp ba lần tóc mình, thẳng, không chút dợn sóng. Bà run rẩy, sợ hãi nghĩ đến người đàn bà ‘quê mùa và ngu dại’ đã nằm trên giường này cùng với chồng mình”.

Nguyễn Ðình Toàn
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.