Có bà mẹ đi tìm con... (kỳ III ): Mùa Lễ Tạ Ơn tuyệt diệu trên Thung Lũng Hoa Vàng - San José
Tuesday, November 28, 2006
Vũ Ðình Trọng/Người Việt
LTS.- Số báo Người Việt ra ngày 23 Tháng Mười Một, 2006 đã khép lại cuộc hành trình của bà Nguyễn Thị Hải, từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đi tìm con trai. Sau nhiều tháng, chống chọi với căn bệnh tim và ung thư, bà Hải đã tìm ra con mình trong tình trạng vô gia cư và tâm thần. Ðã có quá nhiều những ân nhân thầm lặng phía sau cuộc hành trình này; những người đã giúp bà mẹ già làm được một việc tưởng như không thể. Một ngày trước Lễ Tạ Ơn, bà Hải tìm ra con trai, đã thốt lên: “Tôi xin tạ ơn tất cả!” Trong loạt bài phóng sự do phóng viên Vũ Ðình Trọng, người đã theo sát bà Hải trong những ngày gần đây, Người Việt xin kể lại toàn bộ câu chuyện cũng như những ân nhân đã âm thầm giúp đỡ bà Nguyễn Thị Hải trong thời gian vừa qua.
Kỳ III:
Mùa Lễ Tạ Ơn tuyệt diệu trên Thung Lũng Hoa Vàng - San José
Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một, 2006
Tôi đang chuẩn bị tài liệu để viết tiếp câu chuyện của bà Hải, một bà mẹ từ Việt Nam qua Mỹ tìm con. Mấy ngày qua, có rất nhiều độc giả gọi vào hoặc e-mail, hoặc trực tiếp đến tòa soạn chia sẻ tình cảm của họ với bà Hải và muốn nhờ báo Người Việt đứng ra nhận giúp tiền của họ để chuyển tới bà Hải. Tôi đã từ chối chuyển giúp tiền theo quy định của báo, đồng thời cung cấp số điện thoại của bà Hải để độc giả trực tiếp nói chuyện và giúp đỡ. Và tôi đang muốn viết về những tấm lòng như thế. Những cuộc tiếp chuyện với độc giả cho tôi cái nhìn đúng hơn về cộng đồng chúng ta. Cho dù vẫn còn đâu đó những trái tim vô cảm, cho dù đâu đó vẫn có những hội đoàn chỉ thích làm việc lớn (hình như họ thích làm từ thiện bằng những con số), thì vẫn còn đây những trái tim nhân ái, chắt chiu từng đồng giúp chỉ một người khốn cùng. Chỉ một người cần giúp thôi mà bao nhiêu vòng tay rộng mở. Khoảng 6 giờ chiều, tôi nhận được điện thoại của bà Hải. Bà cho biết, trưa nay cùng một lúc bà nhận được ba nguồn tin khác nhau báo cho bà biết tung tích con bà. Cả ba nguồn tin cùng xuất phát từ San José, trong đó có một nguồn tin có vẻ như chính xác khi họ nói người thanh niên homeless họ gặp, những lúc tỉnh táo cho biết anh tên Tuấn, quê ở Quảng Ngãi, nhà ở Ngã Ba Hàng Xanh. Bà có vẻ xúc động mạnh khi biết được tin này và quyết định sẽ đi San José một chuyến cho dù có nhận lầm người. Sau khi hội ý, ban biên tập quyết định cử tôi cùng đi với bà Hải để giúp bà ở một nơi hoàn toàn xa lạ.
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một, 2006
Gia đình cô H.K. (hàng xóm của bà Hải ở Việt Nam mười mấy năm trước) đến đón chúng tôi lúc 4:30 sáng. Trên đường đi, những câu chuyện xưa được gợi mở giữa những người hàng xóm, tôi càng hiểu rõ cuộc đời của bà hơn. Trong thâm tâm, tôi cảm phục bà, một bà mẹ đã bỏ cả tuổi xuân để lo cho con khôn lớn, bà đã thắng thần chết một lần khi bị comma hàng tháng trời, và lần này tôi cầu mong bà sẽ thắng. Ngoài những lúc trò chuyện, bà lần tràng hạt đọc kinh cứu khổ. Ðã có nhiều người giúp bà, dấu chân bà đã in khắp các con đường ở China Town, San Gabriel, Irvine... càng đi bà càng thấy vô vọng. Tôi biết bà đang cần một phép màu của Phật Bà Quán Thế Âm mà bà đang cầu nguyện. Chúng tôi đến San José lúc 11 giờ trưa, và đi thẳng đến quán cơm tấm Thuận Kiều nằm trong khu Lion Plaza trên đường King. Ở đây, chúng tôi may mắn gặp được chị Hương, người báo tin cho bà Hải và một số chị khác làm cho Quán Huế bên cạnh. Các chị cho biết, hai tuần trước người thanh niên tên Tuấn thường ngủ ở đằng sau quán, mỗi bữa các chị đều cho ăn, lúc trời lạnh Tuấn có xin 2 tấm mền. Sau đó do chủ đất không cho homesless lưu lại nên Tuấn ngủ đâu không rõ nhưng cũng hay lảng vảng ở khu này. Chúng tôi cám ơn và chia nhau đi tìm. Khoảng 1 giờ trưa có thêm chị Vinh-Hoa, Phạm, cư dân San José, người cũng từng gặp người giống như Tuấn đến tìm giúp. Chúng tôi khi khắp khu Lion Plaza, hỏi thăm những người thường đến đây đánh cờ tướng, hỏi ông security khu vực này... Tất cả đều xác nhận có thấy người giống tấm hình hay xuất hiện tại khu vực này, nhưng ốm hơn rất nhiều. Họ chỉ nên kiếm thêm ở khu bánh mì Lee's Sanwiches bên kia đường. Thế là chúng tôi chia ra hai hướng tìm kiếm. Qua những thông tin thâu nhặt được, hình như Tuấn ở rất gần đâu đây. Cảm giác đó hiện rõ trên khuôn mặt bà Hải, bà vội vã, bồn chồn và cứ lẩm bẩm cầu kinh. Ðến 2:30 giờ chiều, quán cơm tấm Thuận Kiều bắt đầu bớt khách, chị Hương xin phép được dắt bà Hải đi tìm những nơi chị cho rằng những người homeless thường hay ngủ qua đêm. Khoảng 3 giờ chiều, tôi nhận được điện thoại của chị Hải, cô Hương cho biết đã tìm được Tuấn trong khu “M Café” sau lưng Lee's Sanwiches, gần bến xe Xe Ðò Hoàng. Tôi và chị Vinh-Hoa chạy đến với một tâm trạng vui mừng lẫn hoang mang, hy vọng đúng là Tuấn. Ðiều kỳ diệu đã xảy ra, và chúng tôi đã chứng kiến cuộc gặp mặt thật cảm động và đau lòng. Bà Hải đã tìm được người thanh niên đang ngủ trong một góc parking, bà ôm chầm lấy anh, làm anh hoảng sợ. Anh nhất định không nhận bà là mẹ, mặc cho bà nhắc lại chuyện quá khứ, mặc cho bà khóc lóc kêu gào. Anh chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: “Dì nhận lầm người rồi”, nhưng đôi lúc, trên gương mặt u ẩn của anh, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh khóc về điều gì thì không ai biết, và cũng không ai biết người thanh niên này có biết là mình khóc không? Chúng tôi chỉ cảm nhận một điều là trên gương mặt gầy yếu và đen sạm vì nắng gió, đôi mắt anh mang nhiều u uất, hoang mang. Bà Hải khẳng định, người thanh niên này là con của bà, bà cho biết:
“Tôi đã lật mấy chục tấm đắp của người homeless để tìm con. Ngay sau khi tôi lật tấm mền của Tuấn, tôi đã biết nó là con của tôi. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi không thể lầm được, cho dù bây giờ nó vẫn không nhận tôi là mẹ. Tôi không thể lầm được dù gương mặt nó ốm hơn trước rất nhiều, nhưng giọng nói của con tôi, tôi làm sao có thể quên được.”
Những lời độc thoại của bà mẹ
Mặc cho người thanh niên không thừa nhận mình là mẹ, bà Hải vẫn nói. Bà nói tiếng nói chung của tất cả các bà mẹ, người thanh niên có cảm nhận được gì không thì chẳng ai biết, nhưng sao anh lại khóc? Những giọt nước mắt thỉnh thoảng lăn dài trên má chứng tỏ anh có nghe, có hiểu nỗi lòng của một bà mẹ. “Mạ không nhận lầm người, mạ biết con là con của mạ...”
“Niềm hy vọng lớn lao của mạ là được gặp lại con, mạ sẽ đưa con về, mạ sẽ ấp ủ con trong những ngày cuối đời của mạ.”
“Con đừng đi nữa.”
“Bây giờ con đi đâu, mạ theo đó.”
“Xã hội ruồng bỏ con chứ mạ không ruồng bỏ con. Con khóc là vì mạ, mà sao con không nhận mạ. Con đừng vì tội lỗi của con hay con làm cái gì sai lầm với gia đình mà con trốn mạ...”
“...Con đừng đi nữa, cho mạ đứng nghỉ một chút xíu chứ mạ lên cơn đau tim mạ chết mất. Mạ mệt lắm rồi con ơi!”
Bà dang hai tay như muốn ôm người thanh niên vào lòng.
“Cho mạ ôm con một cái đi con. Mạ lạy con. Con đừng vì một lý do gì mà không nhận mạ. Mạ không chấp nê, trách cứ gì con hết. Lúc nào mạ cũng mòn mỏi chờ đợi tin tức của con. Hai em con nói mạ mang anh Ða về đi, mình sống với nhau, ăn mắm ăn muối gì cũng được. Con có hiểu không, mạ chỉ sống có mấy tháng nữa thôi con ơi.”
Bà quỳ xuống khóc tức tưởi trước mặt người mà bà nhận là con.
Ðoạn kết
Trời Mùa Thu trên San José khá lạnh và tối rất nhanh. Tôi phải tính chuyện đưa người thanh niên này về một nơi an toàn, nếu không, bà Hải sẽ ở lại đây và tôi cũng sẽ ở lại theo bà. Tôi không ngại nhưng phải lo cho câu chuyện này có đoạn kết.
5 giờ chiều tôi điện thoại cho Luật Sư Nguyễn Quốc Lân báo tin vui cho anh và nhờ anh hỗ trợ. Anh bảo cứ yên tâm, anh sẽ liên hệ những người trên San José đến giúp tôi. Khoảng 15 phút sau thì anh Lê Minh Chiêu (chủ nhân Lee's Sanwishes) điện thoại cho tôi hỏi thăm tình hình. Tôi trình bày tóm tắt sự việc và nhờ anh giúp. Lát sau anh điện lại và cho biết sẽ có anh cảnh sát người Việt Nam tên Hòa cùng đồng đội đến giúp tôi. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Khoảng 6 giờ chiều thì trời đã tối hẳn. Anh Hòa đến, một lần nữa tôi trình bày lại sự việc và nhờ anh trợ giúp. Anh đến hỏi chuyện người thanh niên, anh ta chỉ nói tên mình là Tuấn, 36 tuổi rồi không nói gì thêm. 6:30 chiều đồng đội của anh Hòa đến phối hợp làm việc, cùng lúc anh chị Lê Minh Chiêu cũng vừa tới. Cảnh sát quyết định đưa người thanh niên vô bệnh viện tâm thần để theo dõi vì những biểu hiện của anh có thể gây nguy hại cho chính anh. Sau khi cảnh sát đưa anh thanh niên đi cũng là lúc bà Hải kiệt sức. Bà quỵ xuống chân tôi mà khóc. Tôi cúi xuống ôm bà đứng dậy, bà nói trong tiếng nấc:
“Tôi xin tạ ơn tất cả!”
Bà khóc như đã khóc từ bao tháng nay, nhưng hôm nay bà khóc vì sung sướng.
Bà khẳng định:
“Tôi đã lật mấy chục tấm đắp của người homeless để tìm con. Ngay sau khi tôi lật tấm mền của Tuấn, tôi đã biết nó là con của tôi. Bằng linh cảm của một người mẹ, tôi không thể lầm được, cho dù bây giờ nó vẫn không nhận tôi là mẹ. Tôi không thể lầm được dù gương mặt nó ốm hơn trước rất nhiều, nhưng giọng nói của con tôi, tôi làm sao có thể quên được.”
Hiện nay, Tuấn đang được điều trị tại Valley Medical Center - San José. Ðược bác sĩ chăm sóc, ăn uống và uống thuốc đầy đủ, Tuấn đã tỉnh lại nhiều. Vẫn còn những cơn co giật nhưng ít hơn, và mỗi khi mẹ đến thăm, Tuấn đã nói chuyện và nhớ khá nhiều chuyện xưa trong gia đình. Bà hải được ông Thành Trương, cư dân San José cho ở tạm, và tình nguyện chở bà đi thăm con. Qua cuộc tiếp xúc với tôi, ông nói:
“Ông bà Lê Văn Chiêu tính mướn motel cho bà Hải ở, nhưng tôi thấy bất tiện vì bà Hải không biết tiếng Mỹ, rồi không ai đưa đón.”
“Tôi muốn giúp bà một chút trong khả năng của mình.”
Anh chị Lê Minh Chiêu vẫn tiếp tục theo dõi để giúp đỡ bà Hải.
Anh Chiêu cho biết:
“Ðọc qua bài báo, ai cũng phải xúc động về hoàn cảnh người mẹ này. Ai cũng vậy, có một đứa con đi Mỹ để tìm tương lai nhưng không ngờ lại gặp cảnh như vậy. Mình nghĩ bất cứ giá nào cũng phải giúp. Yến (vợ anh Chiêu) là người đầu tiên nói chuyện với Tuấn trong bệnh viện. Kết quả tốt làm mình vui lây.”
Trên San José, chúng tôi cũng được sự tiếp tay của anh Nguyễn Hoàng Lân, phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Học khu Eastside.
Anh Lân cho biết:
“Do anh Chiêu cho biết có người cần giúp đỡ, nên tôi mới tìm một số anh em, bạn bè chuyên môn để nhờ. Anh Minh Tạ, giám đốc Mekong Center (nơi điều trị bệnh tâm trí cho người Việt), đã nhận lời. Hiện nay chúng tôi đang theo dõi kết quả chuẩn bệnh và điều trị từ bác sĩ nơi Valley Medical Center. Nếu bệnh của anh Tuấn thuyên giảm, họ sẽ đưa anh về một trong những Board & Care hoặc Shelter để điều trị tiếp. Anh Minh sẽ liên lạc với bệnh viện thường xuyên và sẽ nhận anh Tuấn về trung tâm mình chữa trị.”
Cuối cùng, sau 4 tháng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp miền Nam California, câu chuyện người mẹ đi tìm con sau 20 năm xa cách, đã khép lại với một kết thúc có hậu: Người mẹ đã tìm được con trai mình; người con trai đã nhận mẹ là mẹ mình.