Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hàn Song Tường
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




Hàn Song Tường




tên thật Nguyễn Thị Minh Tâm
sinh ngày 02 tháng 8 năm 1950
tại Hải Dương
di cư vào Sài gòn năm 1954
hiện định cư tại Houston Hoa Kỳ
có bài trên nhiều tạp chí văn học hải ngoại

Tác phẩm đã xuất bản:

Viên Sỏi Quê Hương (thơ, 1986)
Một Dặm Tương Thân (truyện ngắn in chung với Ðặng Phùng Quân, 1988)
Phía Bên Kia Mặt Trời (tập truyện,1995)


Phượng Các
#2 Posted : Friday, November 26, 2004 6:30:08 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
điệu ca về biển

hàn song tường



Thơ đưa tôi ra xe, buổi sáng mưa nhẹ, gió không thổi và mây thì trong biếc, chiếc dù Thơ cầm che mưa thấy điệu, tôi ngắm cô, nét mặt cô gái nhu mì, hơi buồn, màu đỏ của dù làm ửng hồng đôi má, ngày mới làm việc với tôi, cô ít nói, giờ đã quen, cô bảo nếu không nói, tôi cũng không, TV không mở, ông nghĩ xem, càng thêm ảm đạm... lúc Thơ mới đến nhận việc, bà y tá có chỉ dẫn cho Thơ thế nào để trông nom một người tàn tật, tôi nghĩ? Thơ cũng như bao người khác, chỉ làm được vài tháng rồi thôi, nhưng không, cô đã ở đây gần một năm rồi, tôi cảm ơn cô vì có vài người họ không chịu ở lại ban đêm, với Thơ, cô nói khác, cô cần một chỗ ở, một việc làm... một giờ sáng tôi mới lo xong một số giấy tờ thật gấp cho sở, Thơ đã ngủ, cô ngủ quên trên ghế ở phòng khách, tay đang cầm viên đá màu đỏ thật chặt, cô kể lúc nhà cô đào giếng, sâu cả mười thước, không có nước, chỉ thấy viên đá màu đỏ này, mẹ cô nhờ người đánh bóng rồi cho cô, viên đá lớn bằng quả chanh, cô cho tôi xem, sáng ngời người ta có thể soi gương, cô đã quen cầm nó khi đi ngủ, nếu không thấy nó cô ngủ không được, tôi ngồi yên trên xe, ngại không dám đánh thức cô, gần sáng Thơ đỡ tôi lên giường, cô nói, ông tệ thật, sao ông không gọi tôi dậy, lại ngủ trên xe thế này, cái còi tôi đưa cho ông đâu, ông cứ thổi lên là tôi tỉnh liền, tôi bật cười nhớ đến cái còi bằng sắt Thơ đưa, thấy nó trẻ con, ngộ nghĩnh...

...mười năm trước lúc tôi mới ra trường, thân thể còn toàn vẹn, tôi đưa tập ảnh cũ cho Thơ xem, chỉ từng người thân một, cô chăm chú nhìn, lúc đó tôi là một người khác, tất cả đã thay đổi, những tấm ảnh trên tay cô như run rẫy, tôi nhắc xem xong cô cất kỹ dùm, ngày mai An về, tôi biết, cô nói, có tiếng gió đập mạnh vào cửa sổ, tiếng gió đã thay mùa, cơn lạnh sẽ đến vào đêm nay, đêm nay tôi lại chờ đợi An... đúng một tháng An trở lại với tôi hai ngày, nàng bảo để trả thù, để thấy tôi với chiếc xe lăn, nét mặt nàng dửng dưng, đôi mắt thông tuyệt của nàng nhíu lại, môi cắn chặt, cảnh tình này tôi đã quen, cả nhà ai chẳng biết, nàng đã từng nói, nếu được nàng trả thù cho đến chết, nhiều lần tôi kêu tôi vô tội, nhưng An không tin, nàng quả quyết tôi cố tình giết Phách, tôi đã làm chết em tôi, tôi sợ hãi câu kết tội của An, tôi chạy trốn mọi người, nhưng An cứ tìm về khơi động lại, tôi hỏi, em muốn tôi chết? không, An chưa muốn, nàng bảo, ông què ông đừng hòng chết vội, ông phải chết từ từ, mới hợp với ông, tôi chịu, chấp nhận từng lời An nói, tôi bảo tôi giao hẳn tôi cho An, khi nào muốn tôi xéo khỏi đời này, chỉ cần An cho biết... tôi lại chờ đợi An hết một tuần đầu tháng, An không đến, nghe đâu nàng đang đi chơi xa với một lũ bạn mới, nàng vui vẻ với ai kìa, không phải chuyện của tôi, An bảo vậy, khi nàng khoe với Thơ về bạn bè của nàng, tôi nghe im lặng, tính nết An mỗi ngày mỗi khác, lời nói càng ác độc, tôi phê bình như vậy, An nhổ nước bọt, cũng không bằng anh, nàng nguyền rủa tôi, rồi úp mặt vào tường...

... khi An bỏ tôi, sống với Phách, tôi gọi em trai, tôi biết sẽ có ngày hôm nay, em tôi đã khóc nhưng nó không thể rời xa An, buổi chiều tôi lăn xe về phía cửa sổ, nhìn ra sân, ngó cảnh lá vàng bay tơi tả như mưa, trút vội xuống sân cỏ úa, tôi nhìn mãi cho đến lúc khu vườn đen thẫm không thể nhìn ra bất cứ vật gì, kể cả khóm hoa bất tử Thơ trồng vừa mới trổ bông, Thơ đến đứng sau lưng tôi, cô bảo, bà y tá sẽ đến trễ, nếu ông không ngại tôi sẽ giúp ông đi tắm, tôi từ chối, tôi muốn chờ bà ta thêm một chút, Thơ đi ra bếp pha trà, rồi mang cho tôi, ly trà nóng bốc khói làm ẩm một bên má, bên ngoài, trong vũng tối man dã ấy, có tiếng gió sầm sập như đuổi chạy, tiếng rít u uất hẳn như một điệu nhạc có lẫn trong tiếng đàn của An, tiếng đàn nàng đánh ra phủ xuống một đời người, Thơ kéo tấm chăn đắp lên ngực tôi rồi đi ra, tôi thao thức khó ngủ, bàn tay đặt lên trái tim, tập ngưng thở một lát, có khi nào người ta ngưng thở vì muốn thế...

... ngày qua ngày tôi vẫn đi làm, qua lại trên con đường này, tất cả cảnh vật quen thuộc đến nhàm chán, chỉ có cái xe mới hơn, đặc biệt thắng đạp đều xử dụng bằng tay, ngày mới tập làm quen với nó, tôi có gục xuống thành xe mà buồn, tôi nhớ em trai tôi, đau khổ không kể xiết, tại sao tôi có thể để chiếc xe lật sang bên đường, tai họa ghê gớm quá, An bảo tôi cố ý, cố ý giết Phách, mẹ tôi khóc âm thầm đến chảy máu mắt, tôi mặc mọi người bàn tán, để mặc An trừng phạt tôi, bây giờ An cho tôi là kẻ thù duy nhất của nàng, một lần tôi hỏi An một câu ngu xuẩn, xin nàng bỏ qua, An cau mặt, những ngón tay đập mạnh lên phím đàn, bản nhạc bỗng ụa ra một âm thanh rẫy rụa bất chợt, nàng cắn môi, nét mặt như hoa ấy lạnh, không xúc động, tôi lăn xe vào phòng... khi đi làm về, Thơ chờ tôi ở sân, cô bảo một thân chủ muốn gặp tôi gấp, họ đang ở nhà thương, tiếng người bên kia phôn thưa luật sư... khi Thơ và tôi ra khỏi bệnh viện, người ấy đã chết, với một mớ giấy tờ nhờ tìm kiếm người con trai mất tích, cả một tài sản được niêm phong, từ văn phòng của chúng tôi với ngân hàng, cái chết nhanh quá, tôi bàng hoàng, Thơ đẩy xe đi về phía cửa sau, nắng thoi thóp, đập nhẹ lên từng phiến đá, vuông gạch, chập choạng trên lối đi, tôi gọi Thơ, cô không trả lời, hình như cô đang xúc động.



Thứ ba, tiếng dương cầm vọng ra từ phòng sách, tiếng đàn diễn tả một vùng biển nào rất xa, An đang ở nhà, tôi nhớ ra bản nhạc này An đã phổ theo một bài thơ của Phách, có câu như giòng sông vượt vào biển tri kỷ, khi An ra gặp tôi, trông nàng hơi mệt mỏi, đôi mắt chăm chú nhìn chào "ê, kẻ tàn phế" nàng đi từng bước, nhìn quanh mọi chỗ, chậm rãi, rồi hỏi tôi về bức tranh mang nhiều màu xanh, "tôi muốn anh dấu bức tranh này đi" "không, Phách vẽ cho em, một giòng sông mà em nói đã vượt qua" "vượt, tôi chết đuối rồi" nàng ôm mặt, nức nở...

... sáng hôm sau, An mặc bộ áo ngủ màu trắng thêu ở ngực cánh hoa tím, mái tóc cuốn lên cao còn ẩm nước, tôi hỏi "tháng trước em không về", những giọt cà phế tiếp tục rơi tả tơi xuống chiếc bình thủy tinh, sáng mùa thu, bắt đầu chợt lạnh, Thơ sửa soạn một ít điểm tâm, hai người đàn bà rất ít nói chuyện với nhau, khi An về, Thơ làm bất cứ cái gì cũng nhanh, rồi cô vội vào phòng, tôi biết Thơ không muốn tôi ngại ngùng, cô đã rõ mọi chuyện, chắc thế, tôi lại hỏi An "con có khỏe không em?" "việc gì đến anh" "nghe nói em đã dẫn mẹ và nó đi chơi xa vào đầu mùa hè" "ừ, ông muốn nghe về nó không?" tôi im lặng, tôi biết nàng sẽ nói thêm bao lời tàn nhẫn, cho dù tôi biết trước, An cố tình đày đọa tôi "nếu nó biết anh giết Phách" "em đừng nói bậy" An gào hét, rồi bỏ đi...

... đây là tháng hạnh phúc của tôi, tôi được nhìn thấy An, được nghe tiếng đàn, lời mắng nhiếc và tiếng khóc, Thơ mở cửa ra ngoài, cô kể giấc mơ của cô đêm qua, cô đi lạc và được tôi cứu ra khỏi rừng, tôi thành hiệp sĩ sao? chắc vậy, cô cười, xếp dọn thuốc men cho tôi, rồi rủ tôi cùng xem cuốn phim cô mới thuê, cuốn phim nổi tiếng, người đàn bà cuối cùng tự vận bằng cách treo cổ, nàng muốn chạy trốn một xã hội con phải tố cha, vợ tố chồng, cái chết của nàng kiêu hãnh như con phượng hoàng bay qua núi biếc, người đàn ông chết theo ấy, hắn không chết vì nàng mà chết vì người nàng yêu, hắn không chịu nổi cái cảnh người chồng đau xót, mất mát tất cả, hắn đã yêu người sư huynh của hắn đến chết, Thơ kêu, trời ơi, phim buồn quá, cô gục lên đùi tôi, tình yêu ghê sợ quá, tôi phải bỏ đi đây, tôi cũng phải đi thôi, tôi ôm vai cô, muốn giữ lại trong lòng những giọt lệ, câu bất ngờ nói ra của Thơ quả là sự thật, cô không phải là biển, để chứa cả một biển sầu, đời tôi là một mối buồn, cô còn trẻ quá, cô không thể nhìn mãi cảnh này, nâng khuôn mặt Thơ, tôi nhìn đôi mắt sâu lấp loáng ướt, tôi hứa, tôi sẽ tìm cho cô một việc khác...

... buổi tối sáng rực những ngọn đèn Thơ bật khắp nơi để mừng một buổi tối trung thu, tôi gọi phôn cho mẹ, cho con trai, thằng bé đọc cho tôi một câu thơ mà An dậy I love the fond, the faithful, young and true, tôi khóc âm thầm, con tôi thơ ngây quá, khi Phách chết nó mới bốn tuổi và đến ở hẳn với bà nội, tôi cũng không ngờ được rằng tình thương trong gia đình dành cho tôi không hề giảm mất, đứa bé nói lớn, bà nội nhớ daddy, tôi mang âm thanh bé bỏng từ lời nói của con như nỗi cứu chuộc, thuở xưa lúc mới gặp An, cái ngày xanh đẹp biết bao, lúc về thăm Việt Nam với mẹ, người bạn mẹ dặn dò, con nhớ đừng quen con gái bên ấy, họ khác bên này nhiều lắm, họ dùng bùa, tôi nói không tin, nhưng khi gặp An quả thật tôi muốn nàng bùa tôi, khi tôi đến nghe nàng đánh đàn ở một quán cà phê, cái dáng thanh nhã đó quyện theo tôi từng phố đường dài, tôi đi miệt mài giữa lòng quê hương rất lạ và câu An nói với tôi, nàng muốn rời khỏi nơi này, dĩ nhiên tôi biết nàng chưa kịp yêu tôi, tôi bất cần, một ngày An sẽ yêu tôi, tuổi trẻ tự tin như vậy đó, mẹ tôi im lặng, cau mày, khi thấy An đẹp khó tả, và cũng như tôi bà cũng khó lòng để rời xa cái đẹp...

... sau này những ngày làm vợ tôi, người vợ rất cô đơn, tôi nhận ra sự lãnh đạm của vợ, nàng ở một nơi nào đó, tôi không thể biết, cho đến lúc tôi thấy An nhìn Phách đứng bên ngưỡng cửa, Phách cười, nụ cười rất trẻ, dáng điệu thoải mái, họ đã yêu nhau từ lúc ấy phải không, tôi hỏi, cả hai chẳng cần trả lời.

...tháng mười một, An bước từng bước trên nền nhà, dấu giày dậm xuống đay nghiến, ông liệt dương ở đâu, nàng độc như thế, tiếng chân đi về phía phòng ăn, cái sắc tay vất xuống đất, tôi hỏi, em mới về, An đã đứng trước mặt tôi, ném cái nhìn vào tôi như đốt, chào ông què, chắc hôm nay ông biết là ngày gì chứ, anh nhớ, giỏi, nàng khen rồi cởi giày quăng vào góc nhà, nói tiếp ba năm Phách chết, ba năm ông ngồi xe, chỉ còn vài tiếng nữa là đúng ngày giờ ông giết người, em đừng ác quá như vậy, An nghe tôi nói rồi phá lên cười, thân thể nàng chập chờn, cái áo khoác cởi ra cầm trên tay, tung lên xuống, tôi nhắm mắt, An đã ngồi bên chiếc đàn, ngày giỗ Phách, An sẽ đánh lại những bản nhạc mà Phách thích, khi hồi tưởng lại những lúc hạnh phúc của họ, và niềm đau khổ của tôi, bây giờ vẫn làm tôi đau đớn, nhưng đã khác đi nhiều, nó ghê gớm hơn nữa, tôi áp mặt vào cánh cửa, tiếng đàn dội ra run rẩy, một bản của Brahms, một đoạn của Mozart, một đoạn của Bach, vài bản nhạc thời trang, hình như An biết tôi đang nghe, nàng cầm một vật ném vào cánh cửa phòng đóng kín, tôi lăn xe ra ngoài, Thơ đang nấu cơm, cơn mưa vẫn xối xả, ào nước vào mặt kính quanh nhà, tiếng sấm sét hòa lẫn tiếng đàn mỗi lúc một rất nhỏ, khi cơn mưa chưa dứt An đã bỏ về, nàng đến rồi đi, cố tình cho lòng tôi bật máu, thì đã sao, tôi vẫn chống chế và bênh vực sự tàn nhẫn của nàng, tôi nói với Thơ, An đến để đánh thức sự cô tịch trong tôi, làm ồn lên cái thế giới của tôi đã quá tuyệt vọng, An là một đợt sóng đổ cuồng lên nỗi khắc khổ, Thơ kêu trong thảng thốt, ông H., trời ơi...



Tất cả rồi cũng thay đổi, thêm một năm sau, thêm hai năm sau, An gọi, ông què, tôi không muốn ông nhắn mẹ kiếm tôi, em không muốn về sao, ừ, tôi chán, tôi mong em cứ về, tôi đã nói tôi chán, nàng cúp phôn, tôi gục mặt xuống bàn ăn, rất lâu. Thơ đã đi lấy chồng, cô gởi viên ngọc màu đỏ cho tôi giữ hộ trong tủ kính, căn nhà này chỉ còn tôi và người đàn bà vừa mới nhận việc, bà ta không biết An, cũng chẳng biết Thơ, tất cả đã qua như một vở kịch đóng màn, nhưng sau bức màn khép tôi vẫn chờ đợi cái khuôn mặt trăng rằm, lời nói trả thù, tôi chờ đợi từng giờ, thời gian như ngọn hải triều thốc lên quét sạch dấu chân ai, bài ca về biển Thơ tập đàn theo An dẫy chết, Thơ tập bài khác, bài khác nữa, An đã bỏ lại tất cả, như nàng vất vào mặt tôi nắm đất vỡ tan tác, ngày nào nàng bảo đã chết đuối trong bài thơ của Phách, không, người chết đuối xin để là tôi, An cứ vượt qua tới bờ, Thơ mang những bản nhạc của An xếp vào hành lý, một hành trang quá nặng cho cô khi làm vợ, cô bảo cô muốn vậy, tôi xin lỗi đã lỡ để tuổi trẻ của cô nhìn thấy một bi kịch, Thơ khóc khi hôn lên trán tôi...

...ngày mỗi ngày một vắng, thành phố không còn ai quen, mọi người đã dọn sạch, người cũ không còn, An sinh sống bên nước Pháp, nàng ở một tỉnh nhỏ, đánh đàn cho một quán nhạc, An gọi cho mẹ, nàng hứa một ngày nàng sẽ sống bên con trai, An cứ hứa, thằng bé đã lớn, đã vào trường trung học, đôi mắt nó quả thật nhìn tinh anh nhưng không u uất như mẹ, An bảo nó không phải của tôi, tôi chẳng màng đến lời nói ấy, mỗi tháng nó theo bà nội ở với tôi hai ngày, mẹ kể tất cả? các suối nguồn rồi cũng trôi vào biển, tôi ôm con khi nó ngồi sát bên tôi cho bà nội chụp ảnh, những tấm ảnh phóng lớn, treo lên thay thế các tranh ảnh cũ trên tường, nhìn ngắm con, lòng tôi bỗng rộn một niềm vui, nó thật khôn ngoan quá, nó chọn hết các vẻ đẹp của An, của Phách và của tôi để thành con người nó, có phải chuyến xe tốc hành của cuộc đời rồi cũng vượt qua mọi chông gai, để đến một bến an toàn, như những con nước có chung một suối nguồn, tôi vẫn mong từng bước ai về, mong nghe lại bản nhạc và bàn tay ai đập xuống phím đàn, run theo một điệu ca về biển.

Hàn Song Tường

Phượng Các
#3 Posted : Tuesday, November 30, 2004 2:05:28 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nhanh Như Nỗi Chết

Hàn Song Tường



Tôi với em ra khỏi tiệm bán mặt nạ. Khi cơn mưa đã ngưng hẳn, con đường dần đông người trở lại. Em bảo lão Jack không đi làm. Tôi lắng tìm tiếng kèn saxophone của Jack nhưng tuyệt không. Lão trú mưa ở đâu mà kỹ thế. Mọi ngày Jack vẫn kiếm tiền ở vòng khu này, tôi nghĩ đến vài chỗ lão hay đến la cà rượu chè. Tôi bỗng muốn gặp Jack. Nhớ bạn, nhiều lần Jack say rượu lão luôn nhận là tay chơi nhạc Jazz hay nhất, cả trăm năm trước cũng không ai bằng. Lúc ấy lão quậy, lão ném Louis Amstrong sư tổ vỉa hè, tổ nhạc Jazz, ra chỗ khác chơi. Tôi có kể em nghe lúc mới đến vùng French Quarter này, tôi đã gặp Jack, đứng bên thềm cao kế tiệm Café du Monde và tôi bỗng dưng thương lão. Em hỏi, càng ngày anh càng thương. Đúng vậy. Có người ta bỗng dưng thương. Em khó chịu, mắt nheo lại. Em không muốn anh thương lão nữa. Sao vậy. Thì tại em không thích. Tôi biết thỉnh thoảng em vẫn chọc tức tôi. Tôi cầm tay em qua đường, phố nhộn nhịp vui, trời chiều lại vương chút nắng ngó hắt hiu, tôi bảo tôi muốn rủ Jack đi ăn tối. Ừ, em gật. Chúng tôi đi ra phía bờ sông, giòng nước sau cơn mưa lớn, nước phóng đi man dại, mầu nước nâu đục bắn thốc lên khỏi bờ. Em nói sợ. Em rất sợ. Tôi ôm em, đi tìm Jack ở khu khác, qua ba con đường, thì thấy lão đứng trước tiệm đồ cổ trên đường Decatur. Tôi gọi Jack, lão mừng ra mặt, tay cầm kèn bỏ vào túi vải, lão ôm em, em nhăn mặt, tôi năn nỉ cười đi em, em cười đi, một nhạc sĩ có tài, em đừng khó chịu thế, em nở nụ cười, ông khỏe không. Em hỏi Jack, lão lặng người nhìn em, tôi biết lão vẫn chết lặng khi em cười, em cười đẹp nhất, lão vẫn nói thế. Trước khi tôi dẫn em về đây, tôi chẳng thân ai ngoài Jack, lão sống bằng mọi nghề ở khu này, nhưng việc chính vẫn là chơi nhạc cho một nhà hàng ăn bên khu Royale, sau Jack chán bỏ đi thổi kèn dạo, bán CD, ai cũng bảo lão điên, Jack nghe lắc đầu, tao không phải có một lỗ để chui vào. Tôi rủ Jack đi ăn phở ở khu Việt Nam, lão cười hả hê, Jack biết em ngại khi có mặt lão. Jack có nói, em còn bé quá 18 tuổi dĩ nhiên em sợ lung tung, kể cả sợ cái tuổi già của lão, còn lão ư, lão đập tay lên ngực, với tuổi gần đất xa trời lão chẳng sợ ai, ai thuê lão làm hề, làm ma cũng được, miễn là đừng thuê lão giết người...Chúng tôi đi về phía chợ, chỗ tôi để xe, cái khoảng phố này nó đã có từ lâu cái vẻ nửa Ấu, nửa Mỹ, giờ thì chấm chút Á Đông cứ đến khu Quarter Market mà xem, dân Việt Nam đứng bán tỉnh queo những nón lá thêu chữ New Orleans, French Quarter để du khách mua làm kỷ niệm, họ cứ ngỡ tổ tiên người Việt cũng đã từng khai phá, đóng góp từ xưa vào phần đất này không bằng, ngộ không chịu được. Jack cũng có lần đội nón lá, đứng thổi kèn, chẳng có thằng Tây nào hỏi nón của Tàu hay Việt, chỉ thấy chữ New Orleans thêu dọc ngang, Jack thích cái trò buổi tối về nhà ngồi đếm tiền, rồi thẩy tung lên, ít hay nhiều thì mặt lão cũng vui như thường. Jack chỉ buồn khi mở ngăn kéo tủ, nhìn lại người tình xưa, lão gọi là cô đĩ ở khu Bourbon, tấm ảnh luôn làm lão đăm chiêu vài giây, nhưng không sao, lão sẽ cất ngay đi. Người đàn bà ấy tôi chưa gặp bao giờ, bà ta đã bỏ đây đi lâu rồi. Cái ảnh lão giữ cũ lắm, chắc cũng phải hơn ba mươi năm. Tôi có hỏi đến vì tò mò. Lão cười ha hả. Lão bảo cô đĩ bằng vàng, bằng vàng thì ai chẳng muốn, dĩ nhiên tao đâu phải két sắt, thằng ngu ơi, đừng bao giờ mày hỏi tao nữa. Tôi biết lao cười để dấu nỗi buồn, lúc ấy tôi câm....Khi ra khỏi tiệm phở, em kêu lạnh, chắc em bịnh, tôi để tay lên trán em, em đang lên cơn sốt dữ, mặt em hấp nóng, tay em run lên như cơn rét, tôi muốn bồng em ra xe, em không chịu, em sợ người ta cười, em lúc nào cũng sợ người ta cười. Tôi khác, tôi chỉ biết có em. Tôi nói thế. Em cúi mặt im lặng. Em ít nói, không nói nhiều như cô chị của em, cô ta gọi tôi là tên dụ dỗ con gái, bọn đầu đường, toàn những danh từ kinh thiên. Em nhìn tôi mắt loáng ướt như khóc, tôi bỗng dưng hối hận dẫn theo người đàn bà quá trẻ bên đời, tôi quả là liều lĩnh. Một người đàn ông, sống bằng nghề bán tranh giả, nghĩa là ngồi nhà vẽ nhái theo những bức họa nổi tiếng của Chagall, Nechita để sống thế mà tôi dám rủ em đi theo tôi, tôi ẩu thật. Tôi lái xe chầm chậm, hình như vẫn còn đầy nước ở các lối đi, đến đường St Louis tôi bảo Jack xuống, Jack gào lên là chưa đến nhà, mặc kệ cha ông Jack ơi. Tôi đóng cửa xe rồi đi mua thuốc cho em. Ban đêm em lên cơn ho. Tôi trông nom em cả tuần, em mới khỏi bịnh. Hôm nay tôi bán được hai bức tranh giả một của Chagall, một của Toulouse-Lautrec vẽ xấu khiếp, thế mà vẫn có người mua, mấy họa sĩ này đội mồ, sống dậy được, chắc phải tìm tôi thanh toán. Tôi đưa hết tiền bán hàng cho em. Em bảo em không biết giữ tiền, chỉ biết xài tiền. Vậy em tiêu hết đi. em lại nói em không biết mua gì. Em nói tiếng Việt buồn cười, tôi tập mãi, em vẫn nói trơn chớt. Tôi bắt em lập lại câu, em không biết mua gì, chứ không phải im hong bít mu gì. Chị em chẳng biết dạy em. Tôi chê chị em đủ chuyện. Em nghe lặng cười hỏi, người mua là ai, đàn bà hay đàn ông. Đàn bà, tôi khoe với em, bà ta mua nhanh, lúc tôi bầy bán ở bờ sông, lối đi vào khách sạn Hilton....Hết một mùa hè, hết cả bốn mùa, em đòi trở về với chị, em nói nhớ nhà, nhớ Houston. Em khóc, tôi gật đầu bằng lòng dẫn em ra phi trường, em đi...Em thua tôi đúng tám tuổi, cả nhà em ghét tôi thiếu điều họ lấy cuốc bổ tôi chết, tôi nói với người chị là tình yêu không có tuổi tác, màu da, sang hèn gì ráo trọi, nhưng chị em cứ gầm lên mà chửi, tôi đành thua.

...Thế là em đi về nhà em, em bỏ tôi rồi, tôi nhớ em muốn điên, biết sao, tôi than với Jack, Jack bảo không có gì là quá đáng. Chuyện nhỏ, đàn bà họ mau quên...chỉ có tôi là khổ, em chẳng hề gọi phone cho tôi, hỏi thăm tôi một tiếng. Tôi đi quanh vùng tìm một nụ cười giống em, nhưng không thấy, tôi rủ Jack về apartment tôi ở cuối tuần, cho tôi đỡ trống trải. Jack gật, nhưng có tuần lão đến có tuần không, đêm nay Jack mò về đem theo cuốn phim ma cà rồng hút máu. Tôi xem che mặt, tôi bảo Jack tắt đi, tôi thấy tởm và lợm giọng, nhưng lão vẫn cứ ngồi xem. Jack nói bà văn sĩ Ann Rice viết truyện này giờ nổi như cồn, du khách đến đây phải tìm đến nhà bà ấy, xem nơi bà ta cư ngụ. Không ngờ trời đãi dân New Orléans đến thế. Nhờ bà văn sĩ này mà người ta mới vỡ lẽ không phải ai bị ma cà rồng hút máu là biến thành ma ngay như nó, nó cho phép mới được, nghĩa là nó cho người ấy hút lại máu nó thì mới thành ma. Nó có quyền chọn. Ừ, tôi biết. Nhưng ông hãy tắt cuốn phim đi, tôi sợ. Mày mà sợ ma, lão cười. Có ma sợ mày. Tôi lặng quay mặt vào tường và nhớ em...Hai tháng nay tôi không vẽ tranh nữa, làm cái gì giả mãi thì cũng chán, tôi đem đống tranh cũ xấu xí đi đóng khung để bán dần, tôi ước sao mình trúng số, đánh bài thắng, và tôi nhất quyết bước vào Harrahs ngày mai. Harrahs cái sòng bài lớn nhất ở vùng này, chỉ cách một con đường, nơi tôi ngồi nghe Jack thổi kèn, nhìn thiên hạ thẩy tiền vào cái thùng cho lão, tiền cắc đụng nhau kêu lên tiếng, tiền giấy thì bay mùi. Lão quả quyết lão ngửi được mùi tiền. Ngày thứ hai, tôi ăn mặc lịch sự đi đánh bài, chỉ có tiền may ra em bỏ học theo tôi, tôi sẽ giã từ nghề vẽ tranh giả, hỡi các ông Picasso, Gustav Klimt, Gauguin sống khôn thác thiêng xin phù hộ cho tôi. Khi vào trong sòng, mùi thuốc lá đổ ập vào mũi, chỗ bàn black jack tôi chọn nó nằm về hướng tây, cách rất xa bàn black jack của thằng Cuzin, tên anh họ của tôi vẫn đứng chia bài, tôi sợ thằng Cuzin này. Tôi sợ nó biết, nó sẽ đập tôi một trận giống hai năm trước, chắc tôi thác, nó là đứa con ngoan của mẹ tôi, đứa cháu chỉ biết nghe lời cô, chia bài mà không đánh bài, nó chưa quật con bài cho đứa chia bao giờ, nghĩa là nó chưa hề đánh bài ở Harrahs. Hai ngày trời, ăn thua chưa ngã ngũ thì thằng Cuzin khám phá ra tôi, nó lôi tôi vào phòng tắm, tặng cho một giòng máu từ mũi chẩy xuống, cú đấm quá mạnh. Tôi hét lên. Nó nhổ toẹt nước bọt vào mặt tôi. Tao không muốn cô tao buồn, cả năm mày không cho cô tao một đồng, mày đem tiền cho đứa giầu ăn. Cút ngay nếu tao thấy mày lảng vảng ở đây, mày sẽ biết tao đối xử với mày thế nào. Tôi chùi máu mũi, đếm lại số tiền vừa thắng bỏ vào túi quần, không biết phải thằng Cuzin giúp tôi hay không mà mấy bàn roulette tôi ăn liên miên, thằng quay cái hột là bạn thân của nó mà, nó quay làm sao, tôi chơi đen thì nó ra đen, chơi đỏ thì nó ra đỏ. Tôi nói. Cám ơn mày nghe Cuzin rồi tôi bỏ cuộc chơi về nhà. Trời tối đen thế này. Nghe nói giây điện đầu phố bị đứt sao đó, nên cả khu mất điện, mắt tôi như mù, mò vào giường nằm bẹp. Mới gần 7 giờ tối chứ mấy, mũi tôi vẫn rỉ máu thú thật tôi sợ thằng Cuzin lắm, nó to hơn tôi, nó quen làm anh tôi từ thuở nhỏ, nhất là nó được quyền từ mẹ tôi giao hẳn tôi cho nó. Khi tôi bỏ học, đi lang thang vẽ vời. Có tiếng cô vũ nữ hàng xóm tên Camry ca hát ở ngoài hành lang, rồi lại chửi thề. Tiếng cô vừa nhựa, nghe mệt mỏi, tôi hé màn cửa nhìn, trời tối quá chỉ thấy cái đèn pin cô cầm trên tay lung linh, cô mặc duy nhất cái thong và nịt ngực, cũng may không lâu thì đèn sáng choang. Bà thầy bói, người bạn cô Camry dứng dưới nhà kêu ầm ĩ. Ê cái vú năm xu, mày không đi làm sao, mày béo ra rồi, Ê, tao cho mày nói lại, OK, cái mông bạc triệu, Bói rất đúng, rồi cả hai rũ ra cười, khi thấy tôi bước ra, cô cúi chào, chúng tôi hỏi thăm nhau. Đã lâu tôi không theo cô đến nơi cô nhẩy múa, thoát y. Từ khi tôi yêu em tôi bỏ hết bạn bè, chắc em cũng biết thế. Camry hỏi, bạn gái anh đâu. Về Houston đi học. Ừ con nít mà. Tôi lại nhắc cô đi làm. Đã đến giờ sao không đi theo bạn. tôi mệt. Tôi đã gọi xin nghỉ bữa nay. Tôi ngập ngừng. Ngày mai tôi đi xem cô múa. Camry cười, lại múa, anh cứ nói thế, cởi truồng. Ừ cởi truồng. Tôi cúi nhìn xuống đất, luôn luôn tôi ái ngại khi bên cô, có thể tôi thương cô, tôi sợ một ngày cô già họ không cần cô nữa, ngoài Jack ra cô là người bạn tội nghiệp của tôi, tôi biết cô không có thân nhân, chỉ có một người chị mắc bệnh tâm thần, lâu lâu cô đi thăm ở dưỡng trí viện, và một điều hơi lạ với bọn vũ nữ, cô không bán dâm, đó là chuyện cô luôn tự hào với tôi, cô hơn hẳn các bà tổ của dân New Orleans, ai chả biết ngày xưa các bà đĩ và bọn trộm cướp, lưu manh bị đem từ Pháp sang đây. Rồi đẻ con, đẻ cháu. Tôi khen, cô là đứa cháu ngoan. Dĩ nhiên. ...trời khuya tôi theo Camry vào nhà cô lúc nào không hay, cô cho tôi uống thuốc giảm đau, rồi pha trà cùng uống. Đêm hôm ấy tôi đã vẽ cô với rất nhiều đèn nến. Bức tranh nhỏ xíu vẽ bằng chì, sau tôi mới đem sang khung vải. Trong tranh cô đẹp dã man, để bên mấy bức tôi vẽ em, Camry quả thật rõ đẹp hơn em. Jack chê tôi đếch biết gì về nhan sắc. Làm sao tôi có thể đem Camry ra so sánh với em. Jack bảo vẻ đẹp cổ điển của em, rất hiếm gặp ở các cô gái bây giờ, kể cả các sắc dân, mày là họa sĩ mà không tường tận về dung nhan, thể nào cả đời con lận đận con ơi. Tôi lại ngồi thừ người nhớ em.Jack nói đúng. Em trắng như ngà, mắt em hơi sếch, tóc như nhung, môi em nhìn như cười. Tôi, tôi hứa sẽ không nhớ em nữa. Tôi đem tranh tôi vẽ em đi bán ngày mai. Bán cho tên triệu phú, chuyên chơi đồ cổ, có một dẫy phố ở đường St Ann, bán tranh với sự môi giới của Jack. Ba ngàn đồng hai bức, rẻ mạt, so với cái công em khổ vì tôi, tôi ôm tiền mà lòng đau. tôi chửi Jack và thề không bán những bức tôi vẽ em nữa, dù ba bức còn lại có người đòi mua.

...Tôi buồn vì hối hận. Thằng Cuzin kéo tôi về nhà nó, khi thấy máu mũi tôi cứ rỉ ra mãi. Khu nó ở có đủ mọi hạng người, vũ nữ, nhạc sĩ, triết gia, thầy bói, thỉnh thoảng bọn đàn bà buồn tình ra lan can, người đi dưới đường được bọn họ mở vú cho nhìn. Nhìn thôi, đừng có mò lên, nó đẩy xuống cho chết. Ngày em ở với tôi, mấy lần tôi dẫn em về khu này em thấy họ làm thế em sợ lắm, sau rồi em quen, lâu không thấy họ tốc váy, mở vú, em hỏi tại sao. Ai biết tại sao. tôi khó trả lời em. Có khi ngày hội hè lớn như ngày Carnival Mardi Gras, các nữ du khách khắp nơi đổ về, cũng lên trên lan can này khoe vú, khoe đùi, vui không thể kể. Thằng Cuzin tôi giầu nên mới có tiền ở ngay khu này. Tôi bắt đền nó cái mũi, nó chở tôi đi bác sĩ, chụp hình, khám tổng quát. Tôi nằm nhà ăn vạ một tháng. Nó thẩy cho tôi số tiền, bảo tôi cút về Houston,với số tiền nó cho đủ tôi mở tiệm khung hình, bán tranh và trông nom mẹ tôi, hai năm nữa nó sẽ cũng về. Tôi cười khẩy, vất tiền của nó xuống đất rồi bỏ đi. Cái mũi đã hết đau...Cả một năm em đi biệt, chẳng thư từ, tôi gọi phone cho em cũng không trả lời, chắc em đã hối hận khi sống bên tôi. Mỗi buổi sáng thứ sáu tôi dậy sớm đi ra Café du Monde cùng uống cà phê ăn bánh beignet với Jack, ước gì tôi gởi bánh này đến cho em, em rất thích bánh ở tiệm này, tôi thở dài nhìn quanh quẩn, còn sớm thiên hạ chưa đổ ra phố thế mà bên kia đường thằng oắt con lai đen Gibson thổi kèn ầm ĩ, cái nón đựng tiền chận bằng cục gạch, chẳng rõ vì đâu mấy cô gái ở trên lầu không chõ miệng xuống chửi rủa nó như trước. Jack bảo ngày lễ, ngày đức mẹ lên trời, mấy cô ấy kiêng chửi người. Tôi bật cười. Đàn bà họ biết nể thần thánh. Đẹp thay. Khi bọn hề lục đục kéo về ven sông, đóng kịch câm xin tiền, tôi hỏi Jack hôm nay hắn sẽ thổi kèn ở đâu, thằng cu tí kia đã đứng ngay chỗ ngon nhất rồi, ừ, tao phải đi về phía chợ,tao thắng mọi người, chứ chịu thua thằng oắt này, thằng Gibson bé thế, mà cầm cái kèn to gần bằng nửa người, ai nhìn mà không thương. Mấy con đầm xì, giang hồ nữ hiệp, gặp nó là phải động lòng, ngày nào cũng có tiền đem về cho mẹ, mẹ nó ngày trước đánh phèng cho tụi Royal Street Boys, chỗ nào hội họp, ăn uống là xông vào ca hát, có tiền lắm rồi bỗng dưng tụi nó rã đám, bọn đen mắc bệnh lười, truyền nghề cho con cháu xong là về hưu non. Jack than, hôm nay tao thở thấy khó, tao muốn ở nhà chiều tính...Tôi bê vài bức vẽ của Renoir, cái bức The Swing ò e con ma đánh đu này tôi vẽ một tuần là xong và bức vẽ của Jules Chapon, vẽ theo kiểu lập thể vị lai, màu sắc loạn xạ, thú thật tôi đưa vài chiêu là đủ, tất cả bỏ lên xe. Bây giờ tôi đã thuê được một góc bầy tranh ở thương xá và được một bà đến làm việc cuối tuần, cũng đỡ mệt cho tôi, và tôi quyết bán hết những bức tranh thì sẽ đi tìm em...Vài lần tôi đi xem Camry nhẩy, có điệu cũng lạ, cô cột giây, rồi phóng xuống như phim tàu, người trắng bóc, trang điểm lộng lẫy, kỳ lạ như người của thế giới khác, cô là bà hoàng của hộp đêm này, nhưng cô vẫn không vui vì cô lỡ yêu một đứa, tôi biết rõ nó, nhung tôi không thể bảo cô ngừng, đó là tên anh họ của tôi, thằng Cuzin, tên chia bài, quay vụ như múa ở Harrahs, nó có nghĩ đến cô đâu, nó coi cô như rác, nó chỉ mê đàn bà đi dạy học, nó khôn bằng trời, nó thừa biết đàn bà đi dạy học là đàn bà sẽ làm đổi đời nó, là úp nó lại như úp con ruồi, nhưng nó vẫn mê, ai cứ xưng là cô giáo, thì đến bàn nó chia bài mà đánh, nó sẽ tìm cách cho ăn, tôi hiểu nó như đếm, nó hơn tôi một tuổi mà trông già đời, già tất cả chỉ vì yêu cô giáo. Người nó yêu là cô giáo dạy triết ở ngay sát vách nhà nó, mụ ghét cả chúa, cả phật, mụ ghen với trời, mụ sống phóng đãng mà không ai hay, tôi phục triết gia, kẻ giả hình, thằng Cuzin dâng cho cô giáo hết thẩy (tội nghiệp) là điểm thất bại của người anh bà con. Tôi thích nhìn Cuzin vặn vẹo triết lý không tin vào thượng đế, nhục mạ bản thân, y hệt cô giáo, cô giáo làm hỏng nửa đời nó, chắc nó chưa nhận ra. Cám ơn cô giáo...Mùa đông đến rồi, Camry nói như than, New Orleans lạnh quá trời, sao năm nay kỳ vậy. Jack bịnh liệt giường vào ngày trở rét, họ hàng tống Jack vào viện dưỡng lão, sáu mươi ba tuổi, đang không tay run lật bật, chẳng thể cầm nổi cây kèn, lão không muốn sống nữa, Jack nhờ tôi năn nỉ bác sĩ chích cho mũi thuốc sớm đi chầu chúa, nhưng không bác sĩ nào chịu cả...Camry vẫn đi thăm Jack đều, còn tôi thì không, tôi không muốn nhìn lão khóc, mà khốn nạn lão chỉ khóc khi có mặt tôi. Tôi sùng lên hỏi, thì Jack bảo chỉ có mày là hiểu tiếng saxophone của tao, giờ tao không thể thổi kèn cho mày nghe được, tao tức, thôi tức làm gì, tôi an ủi Jack nhưng chạy trốn lão, tôi sợ, dù tôi đã giải thích là tôi không hiểu hết nhạc Jazz kể cả tiếng kèn của lão, nhưng Jack cứ quả quyết là tôi hiểu hơn ai hết. Mẹ kiếp. Nhan sắc tôi còn chưa hiểu rõ, làm sao tôi hiểu nhạc. Camry, tôi muốn cô đừng nhắc tên tôi cho lão nghe, Camry, cô có hiểu không, đừng rủ tôi đi thăm Jack, đã đến ngày tôi đi tìm em, tôi phải bỏ thành phố này, thành phố cho tôi đầy những cuộc vui ở kiếp người, nhưng cô đơn quá.

...Cơn bão rít lên quay cuồng trên giòng sông kia, con nước đã lên bờ, thành phố có bão, mấy căn nhà ven sông đã bị thổi bay, French Quarter vắng khách, đêm lạnh run người, cả phố xá ảm đạm, đêm bão táp ấy Jack nhẩy lầu tự vận, lão chết trong túi áo có ảnh của cô đĩ bằng vàng khu Bourbon. Không ai rõ nhờ vào đâu lão đi lên được tận lầu cao mà nhẩy xuống khi chân đi không vững, Chúa tôi. Camry kêu lên hoảng hốt, tôi ôm cô run rẩy, tôi thật sự mất người bạn già, mất một người bạn chân tình. Jack. nước mắt tôi rơi xuống người Jack, xác bạn được quàn trong quan tài của tôi mua, được phủ đầy hình bạn đứng thổi saxophone, cả tấm ảnh người tình của bạn tôi cũng bỏ vào, cả cái kèn, tôi đã làm đúng theo những lời tôi hứa với bạn, nếu bạn đi trước tôi...Tôi chờ hết cơn bão, tôi chờ làm xong mộ bia cho Jack, giòng chữ tôi ghi trên bia đá, người nhạc sĩ saxophone, chơi nhạc Jazz hay nhất của mọi thời đại. Tôi ghi điêu, quả thật, tôi từng thú, tôi chưa hiểu hết những giòng nhạc mà Jack chơi ở cõi đời này...Đêm trước ngày dọn khỏi New Orleans, tôi nằm bên cạnh Camry, nghe lại CD của Jack, tiếng kèn xoáy trong lòng tôi thống thiết, giòng nhạc nức nở như độc dược kia quả nó được tẩm trong tim tôi đã lâu lắm rồi,nó làm nhức nhối một quãng đời tôi, vậy mà tôi mới biết, mới nhận ra ...Năm giờ sáng, tôi bước đi khỏi nhà Camry, lái xe vòng vòng, rồi lại đi thả bộ quanh quẩn, cơn bão đã thổi sạch sẽ cả rồi. Không còn gì. Cả Jack cũng chẳng theo tôi xuống phố để uống cà phệ. trời chưa sáng hẳn, một thằng đứng đường ở khu phố Bourbon chạy theo xin tiền, tôi dừng lại nhìn nó, tôi muốn nhìn mọi vẻ ở vùng này trước khi từ biệt.. Tên ma cô tay cầm tiền, không hỏi vì sao tôi cho một cách lãng xẹt...Tôi lên xe phóng chạy, bánh xe chồm lên về hướng xa lộ, giờ này mọi người quen còn ngủ, Camry, anh Cuzin, cô giáo , bà thầy bói, tôi nhớ từng người, tất cả xin tạm biệt...Tôi đã đến Houston, tôi bước vào nhà tìm mẹ, mẹ mừng rỡ, tôi xin lỗi mẹ, mẹ nói không sao. Con trai phải giang hồ một chút, phải chỉ một chút thôi...vài ngày tôi tìm ra trường em học, tôi cứ đứng chờ em, cho đến khi, có một điều hơi lạ, khi em thấy tôi chỉ lặng nhìn, ánh mắt đã khác xưa nhiều lắm, tóc em bay như gió, váy em ôm sát mầu đen, cái mầu em ghét nhất, tôi đi theo sau, đi theo hết một vòng sân, em mỉm cười, tôi hỏi, em cũng chỉ cười và như lời Jack bảo, khi em cười tất cả mọi chuyện đều được bỏ qua. Nhưng, em khóc thì sao, Jack ông chưa nhìn thấy em khóc bao giờ lúc em gục lên vai tôi thổn thức, lúc em dừng lại bên tôi, chúng tôi ôm nhau im lặng, gió vẫn thổi tóc em quất lên mặt tôi thân thiết, em vẫn khóc, nước mắt đã ướt một vai áo, đừng bỏ anhm câu van xin bật ra thảng thốt nhanh như nỗi chết, em có hiểu, nỗi chết đập nhẹ một tiếng nhỏ nhoi giữa cơn bão tố, rồi tĩnh lặng ai ngờ.

Hàn Song Tường
[ trích từ tập truyện ngắn Ở Một Nơi Khác ]
Phượng Các
#4 Posted : Wednesday, May 4, 2005 8:46:03 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Từ trái sang phải (hàng trước): Việt Dương Nhân, Thùy Huyên,
nhà báo Huỳnh Tâm, nhạc sĩ Trịnh Hưng, bà Trần Đại Sỹ, Hàn Song Tường, Minh Cầm,
họa sĩ Lê Tài Điển.
(Hàng sau) Bernard Detrez, nhạc sĩ Minh Mạch,
nhà văn-thi sĩ Hồ Trường An, Đỗ Quyên,
nhà văn Yên Tử Trần Đại Sỹ, nhạc sĩ Phạm Đình Liên


nguồn: Việt Dương Nhân

linhvang
#5 Posted : Friday, January 19, 2018 11:01:00 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
HÀN SONG TƯỜNG
Tên thật: Nguyễn Thị Minh Tâm
Sinh ngày 2 tháng 8, năm 1948
Tại Hải Dương, Việt Nam
Từ trần ngày 15 tháng 1, năm 2018
Tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 70 tuổi

-Cựu thành viên Trung Tâm/Văn Bút Nam Hoa Kỳ
-Đồng sáng lập viên cơ sở văn học Gió Văn
-Cộng tác viên www.gio-o.com

Tác phẩm đã xuất bản:
- Viên Sỏi Quê Hương, thơ 1986
- Một Dặm Tương Thân (viết chung), 1988
- Phía Bên Kia Mặt Trời, 1995
- Ở Một Chỗ Khác, Văn mới, 2002
- Trong Nỗi Nhớ Một Ngày, 2012
1 user thanked linhvang for this useful post.
viethoaiphuong on 1/20/2018(UTC)
Phượng Các
#6 Posted : Sunday, January 21, 2018 10:37:30 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Quote:
Cựu thành viên Trung Tâm/Văn Bút Nam Hoa Kỳ

Sao là "cựu" hả chị Linh Vang ? Cứ tưởng thành viên thì trọn đời luôn chứ!
linhvang
#7 Posted : Tuesday, January 23, 2018 11:16:16 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Không còn sinh hoạt nữa với tổ chức- có lẽ vì bệnh?. Phải active sinh hoạt (đóng niên liễn, họp hành, đóng góp bài vở cho đặc san, bỏ phiếu bầu,..).
Vũ Thị Thiên Thư
#8 Posted : Thursday, January 25, 2018 3:12:01 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)

Chị đã ra đi
Chân trời miên viễn
Ngàn hạc tiêu dao

VTTT
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.