Buổi chiều về đến Huế, chia tay những người bạn trẻ, tôi liên lạc với Sư Cô Huệ Nhẫn, chùa Kiều Đàm, Huế. Trước đây cô Kiều Trinh ghi là chùa Từ Đàm, nhưng thật ra chùa Từ Đàm là chùa của các Sư ông, Kiều Đàm là chùa của các Sư Nữ.
Khi nghe tôi trình bày mọi việc, Sư cô sốt sắng nhận lời giúp đỡ và hẹn ngày mai, đúng 8 giờ sáng sẽ gặp tôi ở Khoa Nhi bệnh viện Huế. Yên tâm thêm một việc nữa. Cũng cố gắng liên lạc với anh bạn nhỏ của chị Liêu, nhưng phone tay của anh cứ ò í e hoài, không liên lạc được, sau này mới biết, hoá ra anh cho lộn một con số !...Thôi thì hẹn nhau dịp khác vậy, hữu duyên thiên lý ngộ mà...
Buổi tối lang thang một vòng quanh thành Nội trước khi về ngủ. Huế đang mát trời, thi thoảng có vài trận mưa nho nhỏ, đi dạo loanh quanh trên vĩa hè đường Đoàn thị Điểm vắng vẻ cũng là cái thú. Bức tường thành loang lổ, trơ ra những viên gạch cũ kỹ, nứt nẻ bao quanh Đại Nội, những cái hồ cạn nước, trồng rau muống, bọc chung quanh chân thành càng tăng thêm cái vắng lặng của một nơi mà ngày xưa, chắc hẳn sầm uất và phồn hoa lắm. Một thời đã qua mà. Dẫu không thích những nơi như thế này tồn tại, nhưng dù sao, Huế mà có nó, cái Đại Nội vắng lặng ấy, người ta cũng kiếm khá bộn tiền nhờ vào dịch vụ du lịch. Hàng ngày, ở trong ấy, các
nhà Huế học (!)đang
tranh thủ, vận dụng
tri thức(!) để phục chế lại những nơi đã đổ nát vì chiến tranh, vì bàn tay con người phá hoại bằng một lối kiến trúc nữa ta nữa tàu, một công việc kiếm cũng bộn tiền nhờ tài trợ !!!. Dù tôi chẳng có cảm tình lắm với thời phong kiến, với vua với chúa, nhưng mỗi lần vào trong đó chơi, nhìn thên hạ mặc áo long bào, mang hia vàng, đội mũ rồng ngồi cười toe toét chụp hình để khoe cùng thiên hạ mình đã hơn một lần được làm vua, chung quanh có cung tần mỹ nữ phục dịch, có kiệu vàng đưa đón, tôi thường lợm giọng và khó chịu...Những gì thuộc về lịch sử, xin để lịch sử phán xét. Coi vậy mà mấy ông Tây, bà Đầm xem ra còn tôn trọng cái lịch sử của dận tộc VN hơn cả dân mình....
Buổi sáng, thức dậy sớm, ra dầu đường ngồi uống cafe, coi báo chờ đến giờ đi. Gần 7 giờ 30 trở về khách sạn, đã thấy anh Sáng và thằng bé Sinh ngồi đợi sẳn trong phòng khách. Hỏi ra mới biết, anh và thằng Sinh đi xe honda ôm từ trong đó hồi 5 giờ rưỡi sáng, mất hết 50 ngàn.
Anh Sáng và em Trần Sinh:


Anh và thằng Sinh đã ăn sáng rồi nên tôi chở ngay anh đến bệnh viện cho kịp giờ hẹn với Sư cô Huệ Nhẫn. Sau một hồi gọi qua gọi lại ( ơn trời, cũng nhờ có cái điện thoại !!!) chúng tôi đã tìm gặp nhau và vội vã đi đến phòng khám Khoa Nhi. Nhờ Sư cô có người em là BS trong bệnh viện nên cuối cùng, em Sinh cũng được cái hẹn sáng thứ tư, ngày 22 tháng 11, sẽ được nhập viện và ở lại đây, làm các thủ tục, xét nghiệm và lên bàn mổ.
Do phải về Sài gòn nên mọi việc ngoài ấy, tôi nhờ Sư cô Huệ Nhẫn chủ trì và tìm cách giúp đở cho em. Chi phí của ca mổ này sẽ được Sư cô thông báo lại cho tôi và ban Từ Thiện PNV sẽ chuyển thẳng số tiền ấy về chùa Kiều Đàm cho Sư cô và nhờ Sư Cô lo liệu giùm.
Tôi tin chi phí sẽ được miễn giảm khá nhiều, có thể sẽ mua thêm những loại thuốc đặc trị không nằm trong cơ số thuốc dành cho các bệnh nhân là trẻ em dưới 6 tuổi thôi.
Chia tay em Trần Sinh, tôi xin Sư cô được chụp một tấm hình Sư cô và thằng bé Trtần Sinh này trước cổng bệnh viện:

Trước khi chở anh Sáng và em Sinh ra bến xe trở về Hiền Vinh vào lúc 12 giờ trưa, tôi ghé vào chợ Đông Ba, mua cho nó một bộ đồ mới, một đôi dép mới và một cái máy bay chạy pile cùng một ít bánh kẹo mang về cho các em. Một lần ra tỉnh mà. Cứ nhìn cái cách nó nhìn bộ đồ mới, đôi dép mới và món đồ chơi tôi hồi tưởng lại cái cảnh, cái cảm xúc của tôi cách đây gần bốn mươi năm về trước, cũng những cảm xúc ấy khi theo chân người chú ruột nay đã mất ra chợ Cồn, Đà Nẵng, được một lần mân mê bộ đồ mới mà chú tôi đã mua cho. Màu sắc của nó, kiểu dáng của nó, cái bộ đồ mới ấy, cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ, không bao giờ quên được....


.............