Tưởng Nhớ Thầy Huyền Không Thích Mãn Giác
Kính thưa Thầy,
I/ Chúng con đang tưởng nhớ đến Thầy như tưởng nhớ một vị tướng quân của nền văn hóa dân tộc. Là một nhà trí thức, một kẻ sĩ thời đại, Thầy đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, và để đối thọai với những tư trào văn hóa ngọai lai, hữu thần cũng như vô thần, đến từ phương Tây.
Đẹp như hình ảnh của thi hào Nguyễn Du "trường kiếm quẫy thu phong", Thầy đã vung thanh kiếm dài trên trận địa văn hóa, giáo dục, một cách thông thái, tài hoa, và đôi khi dí dỏm.
Một vị tướng trấn giữ biên cương là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng một vị tướng bảo vệ bờ cõi văn hóa dân tộc, bảo vệ bầu trời tâm linh, tinh thần của dân tộc lại càng quan trọng hơn, vì mất văn hóa là mất tất cả. Những tác phẩm Thầy đã viết ra những di sản văn hóa quý giá để lại cho những thế hệ con cháu hôm nay và ngay sau.
II/ Chúng con đang tưởng nhớ đến Thầy như tưởng nhớ một vị tướng quân của chánh pháp. Tướng quân của chánh pháp, đó là lời Đức Phật vĩ đại đã gọi vị đệ tử siêu việt nhất của mình về giáo pháp, Ngài Xá Lợi Phất.
Từ khi còn rất trẻ, Thầy đã thành công trong việc hoằng pháp và đoàn ngũ hóa Phật tử vùng Cao Nguyên Trung Phần, cũng như trong việc truyền bá Phật pháp cho giới trí thức, chuyên viên, thanh niên sinh viên, là những phần tử rường cột của quốc gia xã hội.
Có thể nói Thầy là vị thầy gần gủi nhất, thân tình nhất, đáng yêu nhất, được thương mến nhất của hàng Phật tử tại gia chúng con. Tuy là khoa trưởng của phân hoa Phật học của Đại Học Vạn Hạnh thân thương ngày nào, nhưng điểm đặc sắc là thầy đã đến với chúng con không phải bằng sự phô diễn kinh điển, giáo lý mà bằng cái tâm, cái tình chân thành đối với nhau, và đối với dân tộc và đạo pháp. Thầy đã rất thành công trong việc truyền đạo, giữ đạo bằng sách lược "công tâm", đánh vào lòng người.
Đạo Phật đã được Thầy mang đến, giới thiệu, trao tặng cho chúng con, hàng ngàn, hàng vạn Phật tử tại gia, bằng hình ảnh hiền hóa, từ ái, thân thiện, bằng nụ cười tươi mát, đôn hậu, bằng những lời thăm hỏi chân thật, thân tình, bằng những tâm sự thiết tha về quê hương và đạo pháp, vừa như thầy trò, vừa như kẻ tri âm tri kỷ, đồng tâm đồng đạo.
Học hỏi, tu tập, bảo vệ và truyền bá Phật pháp, đó là những hành động yêu nước căn bản nhất, quan trọng nhất, để hoàn thành sứ mạng văn hóa thời đại tối thượng của người Phật Tử Việt hiện nay, đó là tiếp nối tổ tiên suốt 2.000 năm qua, duy trì phát huy đạo Phật để đạo Phật tiếp tục là tôn giáo lớn nhất của Việt Nam, là suối nguồn tâm linh sâu đậm nhất của Việt Nam, là quốc đạo của dân tộc.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay, với rất nhiều cơ hội và cũng với rất nhiều thử thách, tất cả tăng ni, Phật tử trong nước cũng như ngòai nước phải là những chiến sĩ chánh pháp, xả thân sống chết vì đạo, coi sự hưng thịnh của dân tộc và đạo pháp quan trọng hơn sự sống chết của bản thân, thì may ra chúng ta mới gìn giữ được, tiếp nối được, thực hiện được những gì mà cha ông chúng ta đã làm trong suốt hơn 20 thế kỷ vừa qua.
III/ Chúng con đang tưởng nhớ đến Thầy như tưởng nhớ đến một vị tướng quân của cuộc vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Thầy là người Việt đầu tiên đã mạnh mẽ gióng lên tiếng chuông nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam trước công luận thế giới và trước các cơ quan truyền thông, các diễn đàn, tổ chức quốc tế và với các chính quyền trên thế giới.
Ngay từ năm 1977, nghĩa là 29 năm trước đây, Thầy là người Việt đầu tiên, với sự bảo trở của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, đi du thuyết khắp Âu Châu để nói lên thực trạng đau khổ, bị bức hại của tăng ni, Phật tử tại Việt Nam. Thầy cũng đã từng vận động sâu rộng ở Nhật Bản, ở Liên Hiệp quốc, và ở Hoa Kỳ, từ năm 1978 đến nay, không ngừng nghỉ, suốt gần ba thập niên qua, bền bỉ, kiên trì, lên tiếng vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Và đặc biệt thầy cũng là người đầu tiên nói rằng cuộc vận động này phải được tiến hành một cách ôn hòa, bất bạo động., không hận thù. Thầy đã hành động, tất cả chỉ vì lòng yêu nước thiết tha và lòng từ bi vô lượng đối với đồng bào, với tha nhân, dứt khóat không có một chút mưu đồ riêng tư nào, tham vọng nào, và tuyệt đối không có một chút hận thù nào với bất cứ ai. Bởi vì Phật giáo không có kẻ thù. "Phật giáo chỉ có những người bạn đã thông cảm và những người bạn chưa thông cảm" mà thôi, như thiền sư Thanh Từ đã từng nói.
Nhớ lại giai đoạn 1977,78,79,80, đất nước thật tan thương, nghiệp ngã, đồng bào như bầy kiến bị nướng trên chảo nóng, chạy tứ tán bốn phương trong vô vọng, thời đó người Việt mình ở Hoa Kỳ còn ít, còn yếu và còn nghèo lắm, trên thế giới không có mấy người quan tâm đến Việt Nam, thế nhưng Thầy vẫn lên tiếng, vẫn hy vọng, vẫn hào hùng đấu tranh, trong cô đơn, lẻ loi, giữa muôn ngàn gian nan, khó khăn, thật đáng thương lắm và cũng rất đáng tự hào.
Nước Việt Nam tự do dân chủ ngày mai phải ghi nhớ rằng người đầu tiên cất cao tiếng kêu thống thiết trước thế giới, và được thế giới lắng nghe, về sự vi phạm các quyền làm người của nhân dân Việt Nam, chính là một ông thầy tu hiền hòa, chính làThầy Thích Mãn Giác, một nhà văn hóa, một thuyền nhân, một vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo Việt Nam.
Trong giai đoạn đen tối của cuối thập niên 70 và suốt thập niên 80, có người Việt nào có thể ngồi yên?. Tinh yếu của đạo Phật Việt là gì nếu không phải là bốn chữ cứu khổ, cứu nạn? Khổ của dân, nạn của nước, có tăng ni, Phật tử nào có thể làm ngơ?Thầy đã đứng lên, đã lên tiếng, đã dấn thân nhập cuộc. Và, chính nhờ những đóng góp kiên trí, quyết liệt này, mà ngày nay quê hương thân yêu đang ở vào đêm hôm trước của một vận hội mới.
"Bão Trước Cổng Chùa" đã đến và sẽ đi qua. Bao chế độ đã đến và đã ra đi. Đầu thế kỷ 11, quốc sư Vạn Hạnh, người khai sáng thời đại Lý Trần, nhà kiến trúc sư của kinh thành Thăng Long, đã ân cần nắm tay nhắn nhủ mỗi tăng, ni, Phật tử Việt, của đầu thế kỷ 21 rằng:" Thấy cuộc thịnh suy đừng sợ hãi. Thịnh suy chỉ là những giọt sương trên đầu ngọn cỏ ". Và quốc sư Phù Vân, vào năm 1237, trên đỉnh núi Yên Tử, đâu chỉ nắm tay vua Trần Thái Tông, mà còn nắm tay và ân cần dặn dò tất cả những nhà lãnh đạo Việt Nam từ xưa đền nay, từ hiện tại đến tương lai rằng " Phải biết lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình". đó hay sao.
2.000 năm Việt Phật là 2.000 năm ra tay hành họat xoay chuyển cơ đồ, biến nguy thành an, lọan lạc thành thái bình, bạo ác thành nhân nghĩa. Và đặc sắc là như hàng hàng lớp lớp tăng ni, Phật từ đi trước,Thầy cũng đã hành động với tâm hồn từ bi, hỷ xã của một ông thầy tu Phật giáo, với phong thái nhẹ nhàng hiền hòa của một nhà thơ, với cốt cách ung dung tự tại của một thiền sư.
IV/ Kính thưa Thầy, Thầy đã sống một cuộc đời quên mình phụng sự, hy sinh tất cả cho dân tộc và đạo pháp. Thầy đã sống một cuộc đời trọn tình, trọn nghĩa với tất cả mọi người. Thầy đã sống một cuộc đời hào hứng thú vị. Thầy đã đi đầu và đã chiến đấu oai hùng như một vị tướng quân trong việc bảo vệ đạo pháp và phục vu dân tộc. Thầy đã hát vang trên đỉnh cao của nghệ thuật thi ca, đã bay bổng trên những phương trời văn hóa, tâm linh cao rộng, đã bơi lội thỏa thích trong đại dương Phật pháp vi diệu. Như các thiền sư Việt 1.000 năm trước, thầy đã có những giây phút sáng khóai "leo lên đỉnh núi, hét vang một tiếng, lạnh cả đất trời".
VI/ Sự ra đi của một vị Thầy luôn luôn là một sự mất mát và đau buồn không thể tả xiết, nhưng đó cũng là một sự kiện huy hoàng. Đạo hạnh của Người càng cao, công đức của Người càng lớn thì sự huy hoàng càng chói sáng. Người học trò đang có một cơ hội lớn để ôn tập lại một cách kỹ càng, trân trọng, những bảo vật Phật pháp mà người Thầy đã để lại qua thân giáo, khẩu giáo suốt cả một đời, để năng cao đời sống tâm linh và để hòa nhập vào thế giới tâm linh của Thầy, và của chư Phật và Bồ Tát.
Đây cũng là cơ hội quý giá để mọi người nhớ lại bẩm chất cao quý của con người, đó là lòng biết ơn, và đền ơn. Làm thế nào để đền ơn sâu dày của Đức Phật? Chỉ có một cách duy nhất là hãy học hỏi, tu hành như lời Phật dạy, làm cho những phẩm chất cao quý của Phật thể hiện trong mọi ý nghĩ, lời nói, hành động của ta, và bảo vệ, truyền bá Chánh Pháp, xây dựng nhân gian thành thế giới Tịnh Độ, thành cõi Phật sinh động, có thật giữa cuộc đời. Những xã hội Giác Ngộ, trên nền tảng Phật giáo, của thế giới ngày mai, sẽ xuất hiện rực rỡ ở những quốc gia tiến bộ nhất trên địa cầu này và sẽ trở thành mô hình xã hội lý tưởng, kiểu mẫu của toàn thể nhân lọai.
Nụ cười của Thầy, như nụ cười của đại sư Đạt Lai Lạt Ma, như tiếng cười của đại sư Thanh Từ, là một bài thuyết pháp không lời. Chúng con đang thấy, đang nghe Thầy đang nở những nụ cười thật tươi, thật đẹp. Thế giới đang rạng rỡ hơn, sáng ngời hơn, hòa bình hơn. Chúng con cảm thấy yên vui, nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn mỗi khi nhớ đến nụ cười tươi mát, hiền lành của Thầy.
VII/ Nhưng Thầy ơi, Thành Phố Của Những Thiên Thần này, với hàng triệu triệu dân cư, giờ đây đã trở nên hoang vu. Mai này đến đây, chúng con biết đi đâu? Chùa Phật Giáo Việt Nam vẫn còn đây, nhưng còn đâu hình bóng thầy hiền hòa, nồng ấm, thân tình mở rộng vòng tay?
Thầy đã sống một cuộc đời rất đẹp, và hôm nay, Thầy ra đi, cũng tuyệt đẹp, giữa một rừng hoa, một rừng người tiếc thương, làm chúng con nhớ đến hình ảnh huyền thọai của một người cưỡi hạc bay đi mất hút giữa trời đất bao la, trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu :
"Người xưa cưỡi hạc vào vô tận. Lầu hạc còn đây dãy gió sương. Vút cánh hạc vàng không trở lại. Ngàn năm mây bạc ngẩn ngơ vương. Nước lạnh Hán Dương cây rủ bóng. Cõ bờ Anh Vũ ngút ngàn hương. Hiu hắt chiều tàn đâu quê quán? Trên sông, khói sóng, gởi sầu thương.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thương sử nhân sầu".
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Lý Khôi Việt