“Ðạo diễn sẽ lui về phía sau, nhạc trưởng sẽ tiến về phía trước sân khấu”
Trường An/Người Việt Trẻ
Năm 2003, Curtis Institute of Music (Philadelphia - Hoa Kỳ) có hai sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ ngành chỉ huy dàn nhạc, trong đó có một cô gái Việt Nam có cái tên thật đẹp: Bội Cơ. Cô cũng là người Việt Nam đầu tiên (không kể người Mỹ gốc Việt) tốt nhiệp ngành này tại Hoa Kỳ.
Sinh tại Hà Nội năm 1974 trong một gia đình bố mẹ đều là giáo viên dạy tiếng Anh, thủa nhỏ, Bội Cơ mơ trở thành họa sĩ nên được bố mẹ cho đi học vẽ. Sau một trận ốm nặng, cô không thích vẽ nữa và chuyển sang học piano từ năm 8 tuổi.
Người đem đến niềm đam mê âm nhạc cho cô là thầy Ðoàn Phi Liệt, một thầy giáo nổi tiếng tại Hà Nội và là Phó Giám Ðốc Nhạc Viện Hà Nội lúc bấy giờ. Ông đã gieo những hạt mầm âm nhạc đầu tiên vào tâm hồn của cô học trò bé nhỏ, để rồi từng bước cô say mê trong thế giới đầy màu sắc của bảy nốt nhạc. Và năm 1988, cô tự tin bước vào Nhạc Viện Hà Nội.
Thế nhưng, theo ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng lại là một chuyện khác. Bội Cơ nhớ lại: “Vào đầu thập niên 1990, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mời được rất nhiều chỉ huy người nước ngoài đến biểu diễn, họ cần một người thông dịch viên am hiểu về âm nhạc để làm cầu nối giữa họ và các nhạc công. Lúc đó Bội Cơ đang đi học nhưng cũng nhận làm thêm công việc này.”
Trong làm việc lại xảy ra những việc đáng tiếc. Một số chỉ huy nước ngoài, do không bằng lòng với cách thể hiện của nhạc công trong nước nên đôi khi có những lời lẽ không lịch sự, thậm chí có phần thô tục. “Tôi từ chối dịch những câu như vậy, rồi cũng do nhu cầu phải thêm có nhạc trưởng cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, các anh chị đề nghị tôi thử... và thế là tôi theo học ngành này.”
Những người theo học ngành chỉ huy ở Việt Nam thật hiếm hoi. Những người có kinh nghiệm thì lại lớn tuổi, như Nhạc Sĩ Nguyễn Trọng Bằng, Ðỗ Hồng Quân, Lê Chiếu Hoa, thế hệ trẻ lúc đó thì chưa có ai đủ sức kế thừa, phụ nữ theo nghề này lại càng hiếm hoi hơn. Ðiều đó cũng đúng vì trong nước, người nhạc sĩ sống được bằng nghề nhạc trưởng có mấy ai?
Chỉ có đam mê mới giúp Bội Cơ sức mạnh để theo học.
Năm 1996, trước khi tốt nghiệp Nhạc Viện Hà Nội về ngành chỉ huy, trong một dịp tình cờ, Bội Cơ gặp vợ chồng một luật sư người Mỹ. Có lẽ họ ngạc nhiên và thích thú khi thấy một cô bé nhỏ nhắn đứng trên bục chỉ huy mấy chục người mà toàn là những người bằng tuổi cha chú cô nên họ hỏi cô về những dự định tương lai và quyết định giúp cô sang Mỹ du học.
Cô trở thành cô gái Việt Nam đầu tiên của trường Juilliard, một trường đại học âm nhạc nổi tiếng ở New York vào cuối năm 1996. Cô tâm sự: “Ở Việt Nam, trường nhạc chưa hoàn thiện vì không đào tạo được học sinh từ đầu đến cuối. Nhạc viện chỉ làm công việc đào tạo cơ bản, sau đó học sinh được gởi đi tu nghiệp ở nước ngoài. Hồi các nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa còn thì việc gởi học sinh đi Liên Sô (cũ), Ba Lan, Tiệp Khắc, Ðông Ðức, Hungary, Bungary... rất dễ dàng vì được sự nhiều sự hỗ trợ. Khi Liên Sô và hàng loạt nước Cộng Sản khác ở Châu Âu sụp đổ thì việc ra nước ngoài tu nghiệp gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Do đó Nhạc Viện Hà Nội phải tìm tòi giáo trình giảng dạy để tự đào tạo trong nước.”
Thế hệ của Bội Cơ được đào tạo trong điều kiện như thế. “Khi sang Mỹ du học mới thấy sự chênh lệch về trình độ khá khác biệt. Ðó cũng là chuyện tất nhiên ở Mỹ, nhất là ở New York khi trình độ thưởng thức âm nhạc thính phòng của người dân rất cao.”
Tốt nghiệp đại học chỉ huy tại Nhạc Viện Hà Nội dù thuộc loại khá, nhưng khi qua Mỹ cô lại thấy có quá nhiều điều mình không biết. Cũng may mắn là Bội Cơ gặp được các thầy giỏi, tận tâm và được các thầy dạy thêm ngoài giờ không tính tiền. Năm sau, 1997, cô lấy được học bổng “Asian Cultural Council.” Nhờ học bổng này cô tiếp tục học cao học tại trường Juilliard và sau đó lấy bằng thạc sĩ tại trường Curtis năm 2004.
Ðiều may mắn của Bội Cơ là được học dưới sự hướng dẫn của các nhà sư phạm âm nhạc tên tuổi như Otto Werner, James Conlon, Hugh Walt và Jame DePriest. Cô học thêm tiếng Ý, Ðức, Pháp, Nga để hiểu về nhạc kịch, hợp xướng đồng thời để thấu hiểu tác giả và bối cảnh sáng tác. Sự miệt mài học tập của cô được đền bù xứng đáng bằng những lần chỉ huy dàn nhạc 90 nhạc công của trường các trong buổi trình diễn tại Lincoln Center, một trung tâm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng ở New York.
Tốt nghiệp xong, cô giảng dạy tại trường City University Of New York, đầu năm 2006, cô về California giảng dạy và chỉ huy dàn nhạc tại đại học University of Redlands.
Kể về công việc của người nhạc trưởng, cô cho biết: “Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cũng giống như người đạo diễn của một bộ phim. Họ cùng chịu trách nhiệm về kỹ thuật và nghệ thuật của sản phẩm mà mình đầu tư. Chỉ có điều khi ra trình diễn, người đạo diễn lui về phía sau, còn người nhạc trưởng tiến ra phía trước sân khấu.”
Trong một dàn nhạc nhạc, với rất nhiều nhac cụ khác nhau, người nhạc trưởng phải kết nối chúng lại qua bản tổng phổ. Bằng sự cảm nhận âm nhạc khác nhau, hai người nhạc trưởng sẽ có hai ý đồ khác nhau và sẽ cho ra hai cách thể hiện khác nhau cho cùng một bài nhạc.
Sự cảm nhận một bài nhạc cũng khác đi theo thời gian. Giống như khi Bội Cơ đọc Truyện Kiều hồi còn đi học, Bội Cơ hiểu Truyện Kiều một cách đơn giản bằng sự non nớt, trong sáng của tuổi học trò. Khi đã từng trải, đọc lại Kiều, Bội Cơ lại khám phá ra nhiều ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong từng con chữ.
Khi khán giả thấy người chỉ huy dàn nhạc đứng trên bục biểu diễn thì lúc đó công việc của họ đã gần như hoàn tất. Cái khó của người nhạc trưởng là ở phía sau sân khấu. Bằng từng bản phổ cho từng loại nhạc cụ, họ phải kết hợp chúng lại qua đôi tay chỉ huy và phải có một thính giác thật nhạy bén để có thể phát hiện được những sai sót của từng nhạc công.
Ðộng tác của đôi tay là hình thức chuyển cảm ý đồ của người nhạc trưởng đến cho từng nhạc công, không có những động tác bất di bất dịch. Trong buổi tập nếu nhạc công không hiểu thì có nghĩa là mình chưa tìm được giải pháp tốt nhất để truyền đạt, lúc đó thì đành phải... nói bằng lời.”
Ðứng trước bảy tám chục người và điều khiển họ chơi theo ý đồ của mình quả là một việc không dễ, nhất là đối với nhạc trưởng là phái nữ. Nhưng Bội Cơ vẫn không ngại vì cô hiểu rằng trong ngành chỉ huy dàn nhạc không có sự phân biệt giới tính và tuổi tác mà chỉ có sự khác biệt về khả năng tư duy và cảm nhận.
Cô đã thành công trong vai trò của mình bằng tất cả nỗ lực và một niềm đam mê trọn vẹn.
nguoiviet online