NLĐO) - Khách mời chuyên mục “Cà phê với sao” kỳ này là nghệ sĩ Hồng Nga, người đã có 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu. Chị tạo dựng tên tuổi và được khán giả yêu mến bằng những vai diễn tính cách.
*Phóng viên: Đêm diễn “Hồng Nga: Tạ tình tri ân” diễn ra đêm 1-2 có được xem là live show cuối cùng trong sự nghiệp ca hát hơn 50 năm của chị?
Nghệ sĩ Hồng Nga: - Trên thực tế cải lương gắn với hai từ live show nghe không hợp chút nào nên tôi xem đây là chuyên đề sân khấu nhằm tri ân khán giả mộ điệu. Chương trình này còn làm với mục đích từ thiện, doanh thu đêm diễn sau khi trừ hết chi phí sẽ trao tặng cho nghệ sĩ già neo đơn, các mái ấm tình thương.
Hơn 50 là một chặng đường dài, nghệ sĩ như tôi không như ngồi trên xe, trên máy bay mà ngồi trên một chiếc ghe, lúc êm đềm, lúc gập ghềnh sóng gió. Sau đêm diễn này, tôi không làm đêm diễn riêng nào nữa. Nếu tổ nghiệp thương cho sống đến 70 tuổi, tôi sẽ làm một đêm hoành tráng nhưng cũng không phải là đêm cuối cùng bởi còn thở sẽ còn hát.
Nghệ sĩ Hồng Nga
*Nghệ sĩ Hồng Nga muốn gửi đến khán giả điều gì qua đêm diễn tri ân này?
- Tôi kể lại với khán giả tất cả những trải nghiệm đời mình qua những vai diễn từng được khán giả yêu mến. Cuộc sống thực của tôi vốn có vô vàn chuyện hỉ, nộ, ái, ố, nhiều tiếng cười nhưng cũng không ít nước mắt. Nếu tái hiện đầy đủ trên sân khấu sẽ giúp khán giả hiểu hơn về tôi, một Hồng Nga đang là tác giả, mỗi ngày viết thêm vào cuốn sách đời mình những câu chuyện vui lẫn buồn. Tôi lật lại quá khứ đau buồn để hướng đến tương lai với nhiều điều tươi sáng hơn.
*Nhiều người gặp Hồng Nga đều nói rằng dường như bên trong chị có đến hai con người đối lập nhau, một phụ nữ sâu sắc, nữ tính ở đời thường và một sôi nổi, dí dỏm trên sân khấu...
- Thực ra, con người và tâm hồn tôi chỉ có một, tôi luôn sống vì mọi người và hướng đến cái đẹp của “kiếp tằm phải nhả tơ”. Cuộc đời thấm đẫm nước mắt, lắm chông gai giúp tôi biết yêu thương những số phận không may và nhìn rõ mặt trái của cuộc đời để yêu, ghét phân minh.
*Có phải vì chịu nhiều đau khổ trong đời nên chị dễ dàng hóa thân những nhân vật có số phận bi thương giống mình?
- Tất cả những nhân vật mà tôi thể hiện trên sân khấu đều ít nhiều bộc lộ quan niệm sống của tôi. Tôi nhớ nhất vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng. Tôi nhận vai và lên sàn tập khi sinh đứa con gái đầu lòng chỉ mới 17 ngày. Anh Hoa Phượng nói: “Tôi cho cô vai diễn này, nó sẽ theo cô suốt đời!”. Quả thật, như lời anh Hoa Phương từng “phán”, vai vợ bé ông cò do NSND Út Trà Ôn đóng rất giống số phận của tôi.
*Hài lòng với thành tựu đạt được, Hồng Nga có hối tiếc điều gì khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của mình?
- Tôi sống hết mình với vai diễn, với nghề và không hối tiếc điều gì. Tôi còn phải cảm ơn những thăng trầm đời mình, nếu không có chúng sẽ khó có được những giọt nước mắt đầy cảm xúc trong các vai diễn của mình.
Năm 1997, sau khi đoạt Giải Mai Vàng, toàn bộ số tiền thưởng tôi mang vào bệnh viện Ung bướu TPHCM trao tặng một chị công nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi nghĩ, một trong những yếu tố giúp nghệ sĩ được khán giả thương yêu chính là phải biết sống cho mọi người chứ không chỉ riêng mình. Mình hưởng lộc tổ nên cần nhân rộng điều thiện để lòng nhân ái lan tỏa, làm cho cuộc sống vơi đi những nhọc nhằn, đau khổ.
*Khán giả thích Hồng Nga diễn cải lương nhưng sao lâu nay chị cứ đi diễn hài kịch?
- Hiện tại, sàn diễn cải lương teo tóp, tham gia một vở diễn chỉ vài ba suất là hết người xem, nên lòng cảm thấy buồn. Hài kịch đã có hơn 10 năm nuôi sống tôi, là nồi cơm của cả gia đình. Nhưng tôi vẫn nhớ sàn diễn cải lương nên vở kịch nào cũng xin đạo diễn cho thêm một vài câu vọng cổ. Khán giả cổ vũ nồng nhiệt, lòng tôi vui như Tết. Từ sự việc nhớ sàn diễn cải lương mà tôi quyết định thực hiện đêm diễn “Hồng Nga: Tạ tình tri ân” tại rạp Nam Quang tối 1-2.
*Bôn ba bao năm, điều gì giúp Hồng Nga hãnh diện nhất khi nói về nghề diễn của mình?
- Tôi không dựa dẫm một ai để đi lên. Cha là người Hà Nội, mẹ là dân Quảng Ninh, tôi vào nghề từ khi còn là một cô bé gánh nước mướn ở quận 4, TPHCM. Nhịp sống hối hả nơi đây đã nhào nặn tôi trở nên bản lĩnh có thể đối đầu với cam go. Tôi hãnh diện nhất là đến giờ mình không sợ bất cứ điều gì. Thực tế, tôi không sợ điều gì, bản thân mình sống ngay thẳng chẳng hại ai nên đêm ngủ rất ngon.
*Năm qua, chị diễn ở Mỹ, Úc khá nhiều, những chuyến đi đó đã để lại cảm xúc, kỷ niệm gì trong trong chị?
- Bà con kiều bào rất mến mộ tôi, có lẽ nhờ lối sống gần gũi, hòa đồng, không xa cách với bất cứ ai. Những chuyến đi có thêm nhiều kỷ niệm đẹp vì tôi vận động bà con kiều bào làm công tác từ thiện. Tôi nhớ có suất diễn xin được 8.000 USD để gửi về quê nhà giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật. Tôi thấy mình hạnh phúc khi được làm điều tốt.
*Hồng Nga được xem là nghệ sĩ “gạo cội” bởi kinh nghiệm nhiều năm trên sân khấu, chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ yêu thích nghề diễn?
- Tôi nhớ lời cậu mười Út Trà Ôn dạy: “Nghề này thiên bẩm chiếm 80%, có buộc cũng không trói được chân ai”. Tôi chỉ dạy cho các em thấy có khả năng, còn lại không dám khuyên nhũ ai. Tôi thường nhắc nhở, chị dạy đàn em trong cánh gà chứ không có khiếu đứng trên bục giảng, làm công tác sư phạm.
Hồng Nga không có duyên với đường... “đệ tử”, nên cũng hiếm có ai ca, diễn giống Hồng Nga. Tôi hạnh phúc khi lứa diễn viên trẻ đã có em đạt đến trình độ diễn xuất hoàn chỉnh, có điều họ cần tiết chế và biết lắng nghe. Nghề này ngộ lắm, tự mãn là tự giết chết mình.
Đã chu tất việc gia đình
*Nhiều nghệ sĩ nhận xét chị có phước ở tuổi về chiều, nói như NSND Kim Cương: “Cuộc đời Hồng Nga nở hậu”...
- Chị hai Kim Cương nói đùa mà đúng, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Sau nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi nguyện sống đơn độc bên cạnh các con, không bước thêm bước nào nữa. Dẫu có nhiều bạn bè mai mối, nhiều người đàn ông ngỏ lời chắp nối hôn nhân. Nhưng tất cả đã qua, giờ đây niềm vui của tôi là được nghe cháu nội, cháu ngoại hát líu lo mỗi ngày.
*Nhưng đôi lúc con tim mạnh hơn lý trí, chị phải làm thế nào để vượt qua những cảm xúc yêu, hận trong đời?
- Khi còn trẻ, mới chớm yêu, tôi đã gặp phải người đàn ông lợi dụng. Tôi mang thai, anh ấy bỏ đi, tôi sinh xong anh ấy lại về và vòi tiền. Một lần, tôi biết trong túi anh ấy còn tiền nhưng vẫn giả vờ hết để buộc tôi phải đưa. Từ đó, tôi mất niềm tin hoàn toàn, chỉ còn biết lo cho các con. Mối tình sau này cũng vậy, tôi chung sống nhiều năm với một soạn giả tên tuổi, đến một ngày ông ấy dứt áo ra đi, chở hết vật dụng trong căn phòng tập thể của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cấp cho tôi ở, chỉ còn để lại đúng chiếc chiếu.
Tôi chết lặng, sụp đổ hoàn toàn. Nhưng tôi nhanh chóng vượt qua nỗi đau, để tiếp tục sống và đem nước mắt đời mình trút vào vai diễn. Số tôi không có duyên với hôn nhân nên chưa một lần mặc áo cưới và cũng chẳng bao giờ có hình ảnh một Hồng Nga đội tang chồng.
Hồng Nga đã quá nhiều khổ đau nên hiểu biết thế nào là chữ “ngộ”. Bạn phải biết yêu con tim của bạn, đừng phí phạm và làm cho nó tổn thương. Tôi đã khổ lụy vì tình quá đủ và thấy đủ khả năng biến sự hiu quạnh thành niềm vui để sống bên con cháu. Tôi ngộ ra điều đó nên chẳng có gì phải ngậm ngùi khi nghĩ về duyên phận.
*So với các nghệ sĩ khác, dường như Hồng Nga đã chuẩn bị chu đáo cho tuổi xế chiều của mình?
- Tôi đã bán ngôi nhà ở Bình Dương. Đó là một miếng đất rộng lớn – nơi mà trước đây NSND Bạch Tuyết dự định mua để xây một ngôi chùa nhưng vì nhiều lý do chị đã bán trả góp lại cho tôi. Ngôi nhà này gắn liền với chiếc xe gắn máy đầy kỷ niệm mà tôi đang đi. Ngày trước nghèo, vừa lo trả góp tiền đất, vừa lo gom góp tiền xây, nên từ vai nhỏ, vai lớn của sân khấu cải lương rồi hài kịch, phim truyện tôi đều làm.
Cả ngày rong ruổi ngoài đường, cuối tuần lại về Bình Dương, chở từng viên gạch, từng bao xi măng. Do vậy, tôi cưng chiếc xe gắn máy của mình, cho tới bây giờ tôi không bán, vẫn để làm kỷ niệm.
Tôi bán ngôi nhà để chia đều cho các con, số còn lại gửi tiết kiệm lo cho cuộc sống và bệnh tật sau này. Thú thật, khi Kim Ngọc – bạn của tôi qua đời đột ngột, tôi hoang mang lắm. Sợ mình sẽ qua đời bất ngờ, các con lại bơ vơ, do đó tôi đã làm di chúc, chia đều cho các con, hoàn thành bổn phận để có một cuộc sống xế chiều thanh thản.
Nguồn: báo Người Lao Động