Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Lá thư Luân Đôn Sunday, December 17, 2006 Sáng sớm ngày 31 Tháng Tám, 1997 cả thế giới bỗng được nghe tin Diana, vương phi xứ Wales đã tử nạn trong một tai nạn xe hơi tại Paris mà nguyên nhân là ông tài xế lái xe cho bà đã lái xe quá nhanh trong lúc say rượu. Tuần này, hơn 9 năm sau, sau khi tiêu phí 3.69 triệu bảng Anh tiền thuế của nhân dân Anh, 12 thám tử hàng đầu do huân tước Lord Stevens cầm đầu đã đưa ra kết luận trong một phúc trình dài đến 832 trang rằng vương phi Diana tử nạn vì ông tài xế lái xe cho bà đã lái xe quá nhanh trong lúc say rượu. Cuộc điều tra do huân tước Lord Stevens cầm đầu đã được đưa ra sau một cuộc điều tra khác của cảnh sát Pháp mà phúc trình đưa ra dầy đến 6,000 trong mà kết luận cũng là vương phi Diana tử nạn vì ông tài xế lái xe cho bà đã lái xe quá nhanh trong lúc say rượu.
Vì sao chính phủ Anh lại đưa ra một cuộc điều tra như vậy? Bất kể kết luận của cuộc điều tra là gì, nguyên việc nó được tổ chức đã khiến cho những lời đồn đại về một cuộc thanh toán chính trị có được một tính khả tín nào đó. Dù sao chăng nữa, nếu “nhà điều tra hàng đầu” của Anh được trao trách nhiệm làm việc điều tra này thì chắc chắn phải có chuyện gì đó có phải không? Ðó chắc chắn là lý luận của những người tin tưởng vào một sự âm mưu (Conspiracy theory) nào đó.
Niềm tin của nhiều người rằng cái chết của vương phi Diana có nhiều điều bí ẩn không dựa gì trên những dữ kiện cả. Nó là hậu quả của một sự nghi ngờ sâu đậm của quần chúng đối với những người cầm quyền vào lúc mà những gì nhà nước nói ra thông thường có những điểm che đậy giấu giếm. Những gì người viết đồn đại trên mạng Internet được tin hơn là những tuyên bố chính thức của nhà nước. Thành ra nếu huân tước Lord Stevens có hỏi thăm đến cơ quan tình báo MI 6 thì chắc chắn là phải có một sự che dấu nào đó. Dù sao chăng nữa hầu hết ai đều đã coi chương trình Spooks của đài BBC.
Thành ra quyết định mở cuộc điều tra Stevens đã để người ta thấy rằng vấn đề không phải là người ta không biết chuyện gì xảy ra hôm đó trong đường hầm xe hơi tại Paris mà là một sự mất tự tin bên trong giới lãnh đạo Anh quốc. Cố nhiên là từ trước tới nay, những lý thuyết về âm mưu không thiếu. Hầu hết mọi chuyện đều có thể dẫn một số người đặt ra một âm mưu nào đó để giải thích. Nhưng cho đến nay ít khi mà chính giới các nước coi nặng những chuyện đó cả. Thành ra việc chính phủ Anh thành lập một ủy ban điều tra như vậy cũng tựa như là Quốc Hội Hoa Kỳ lập một ủy ban điều tra có phải thật chính phủ Mỹ đã giả mạo việc hạ cánh lên mặt trăng vậy.
Trong cuộc họp báo hôm thứ năm vừa qua, huân tước Lord Stevens đã nhắc đến một sự kiện “kỳ lạ là “ngay cả một số bạn tôi đã đặt câu hỏi rằng nếu tôi kiếm ra một chuyện gì, thì liệu tôi có nói ra không” Khi mà những mối hồ nghi như thế đã lan đến tận các tầng lớp thượng lưu của xã hội như vậy thì khó lòng mà bất kỳ một cuộc điều tra nào có thể làm chấm dứt những lời đồn đại về cái chết của vương phi Diana.
Những lời đồn đại này lại còn được phổ biến thêm nữa bởi báo chí và các phương tiện truyền thông. Và nó không phải chỉ giới hạn ở những tờ báo lá cải, sống được nhờ vào việc tung ra những tin tức giật gân. Ngay cả đài BBC cũng nhảy vào. Hôm thứ năm, trong trang web của đài BBC ta thấy có một nút bấm với lời giới thiệu, hãy chỉ con chuột bấm vào nút đó để “coi diễn lại tai nạn của vương phi Diana”. Việc chạy theo thị hiếu của giới bình dân của đài BBC mỗi khi nhắc đến tên Diana là một chuyện đã xảy ra từ nhiều năm nay và là một bằng chứng của sự suy thoái trong văn hóa Anh quốc.
Trong những năm gần đây, lối nhìn đâu cũng thấy những âm mưu đã chuyển từ một chuyện làm cho những người thức giả phải buồn cười sang trở thành một trong những yếu tố nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính trị quốc tế. Những lời đồn đại rằng chính những người Do Thái đứng chủ mưu đằng sau vụ 9/11 tại Mỹ chẳng hạn đã được rất nhiều người tại những nước Arab tin là đúng.
Thành ra khi Mohamed Fayed ông chủ nhà hàng Harrod, và là bố chàng Dodi Fayed nhân tình của vương phi Diana và cùng chết với bà trong tai nạn trên nhất định khẳng định rằng Diana bị Hoàng Gia Anh, giới thượng lưu Anh và các cơ quan an ninh thanh toán để ngăn chặn bà không cho lấy một người Hồi giáo thì ông ta được hàng triệu người Hồi giáo ở Trung Ðông tin rằng đúng và thù hận cùng những nghi ngờ của họ đối với phương Tây lại gia tăng thêm nữa đúng vào trong lúc nguy hiểm này.
Hiện vẫn còn có nhiều người tin rằng Tổng Thống Roosevelt cố ý để Trân Châu Cảng bị tấn công; rằng Winston Churchill là thủ phạm vụ đánh chìm chiếc tầu Lusitania để kéo Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống Ðức; rằng Rudolf Hess bay sang Anh mang theo một đề nghị hòa bình của Hitler; rằng tổng thống Kennedy bị ám sát bởi một âm mưu lớn bao gồm cơ quan CIA, J.Edgar Hoover Giám Ðốc Cơ Quan FBI, các băng đảng tội phạm Mafia và các quan chức cao cấp trong chính quyền Johnson; rằng martin Luther King tự tổ chức cho người ám sát mình để được trở thành người tử đạo. Tất cả những lý thuyết này, mới nghe thì có vẻ gió dẫn, nhưng khi được phổ biến rộng rãi chúng đã phá hoại niềm tin của người ta vào những định chế công cộng.
Ðặc tính chung của tất cả những lý thuyết âm mưu trên là chúng không thể nào chứng minh là không đúng được, vì bất cứ ai tìm cách giải thích vì sao những lý thuyét này lại không đúng thì đều bị tố cáo là một phần của âm mưu che dấu trên. Thành ra dù chníh phủ Anh có tốn đến mấy chăng nữa chứ không phải chỉ gần bốn triệu bảng Anh để chứng minh rằng không hề có một âm mưu sát hại vương phi Diana thì cũng vô ích, vì như ta thấy quan phản ứng của ông Mohammed Fayed, đây là một niềm tin mú quáng không thể lý luận chống lại được. Tốt nhất là cứ để cho cái chết của vương phi Diana được chìm dần trong lãng quên.
Lê Mạnh Hùng
17 Tháng Mười Hai 2006
|