Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Phật Giáo, Nữ Quyền và Quan Âm Bồ Tát - Sandy Boucher
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, June 1, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sandy Boucher, Thái Thị Ngọc Dư dịch Việt
PHẬT GIÁO, NỮ QUYỀN VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
Tác giả: Sandy Boucher
(phỏng theo bài thuyết trình tại Đại hội UUA năm 1999, Salt Lake City, Utah, Hoa Kỳ)
Thái Thị Ngọc Dư dịch


Lời giới thiệu

Để hiểu sự phát triển của đạo Phật tại Mỹ, một trong những vấn đề quan trọng nhất là xem các phong trào nữ quyền ở đấy đã đón nhận tôn giáo mới như thế nào. Trong các tôn giáo độc thần, người phụ nữ có một vị thế thứ yếu so với đàn ông. Dưới mắt các phong trào nữ quyền, tôn giáo thánh hóa sự bất bình đẳng mà người phụ nữ là nạn nhân trong xã hội. Cần phải nói ngay rằng « nữ quyền » ở đây không phải chỉ có nghĩa là quyền bình đẳng nam nữ. Quyền ấy đã được công nhận từ lâu. Nhưng công nhận trên lý thuyết là một chuyện, mà thực hiện rốt ráo trên thực tế là chuyện khác. Bởi vậy, các phong trào nữ quyền tranh đấu để xóa bỏ tất cả những biểu hiện hàm ý trọng nam khinh nữ trên mọi lĩnh vực, và nhất là xóa bỏ ý nghĩ nam tôn nữ ty trong chính đầu óc của người đàn bà. Nhưng có phong trào lại đi quá xa, đến mức quá khích, biến « nữ quyền » thành « nữ quyền chủ nghĩa », đối nghịch nam với nữ như hai kẻ thù trong một cuộc đấu tranh ý thức hệ, đưa căm thù vào trong tim, viết khẩu hiệu « Giết đàn ông ! » trong tận thâm sâu của tiềm thức.

Trong môi trường trắc trở như vậy, lạ thay, đạo Phật được phần đông đón nhận như tôn giáo đưa bình đẳng nam nữ lên mức cao nhất. Ngay cả Rita Gross, tiền phong trong phong trào nữ quyền, cũng xác nhận trong tác phẩm nổi tiếng của bà « Buddhism After Patriarchy » (Phật Giáo sau thời đại gia trưởng) rằng Phật Giáo và nữ quyền tương hợp với nhau từ trong tâm khảm. Tất nhiên tác giả cũng muốn thích nghi Phật Giáo trong môi trường mới, nhưng nếu một tôn giáo chứa đựng những yếu tố căn bản bất thích nghi thì làm sao thích nghi được ?

Một trong những thành tựu của khả năng thích nghi đó là nhiều « Zen master » ở Mỹ là phụ nữ. Nhờ vậy mà đạo Phật thấm dần trong xã hội Mỹ. Tác giả của bài viết mà chị Thái Thị Ngọc Dư dịch đăng dưới đây, Sandy Boucher, là một « Zen master », một thiền sư, như vậy. Là phụ nữ, lại là phụ nữ Mỹ, lại đã từng tranh đấu cho nữ quyền, chống chiến tranh và chống bất công, bà đã trực cảm với Bồ Tát Quán Thế Âm một cách tích cực, như một phụ nữ hiểu một phụ nữ, vừa dịu dàng, vừa cương quyết, dịu dàng trong hạnh nguyện từ bi, cương quyết trong hành động cứu khổ. Nơi tác giả, rõ ràng Phật Giáo với nữ quyền tụ lại với nhau như một tổng thể hài hòa, với đức từ bi soi sáng tâm linh.

Môi trường Mỹ không phải là môi trường Việt Nam, mỗi nơi có một dáng đẹp riêng, không ai bắt chước ai. Nhưng sự việc những chiến sĩ của nữ quyền trở thành những thiền sư là một nét độc đáo thú vị trong bước phát triển của Phật Giáo ở phương Tây. Dường như Bồ Tát đã linh cảm hóa thân tự ngàn xưa để đi vào xã hội Mỹ ngày nay Bài viết giúp độc giả hiểu sắc thái đặc biệt của Phật giáo ở bên kia Thái Bình Dương, mới, tích cực, thiết thực.

Cao Huy Thuần


Phật giáo tại Mỹ đang trên đường trở thành Phật giáo mang đặc trưng của Mỹ. Thật là thú vị khi được chứng kiến sự khởi đầu của quá trình thâm nhập của một tôn giáo vào một nền văn hóa và được tham gia vào những biến đổi tất yếu của quá trình thâm nhập này. Môt phần của diễn biến này là sự gặp gỡ giữa Phật giáo và các quan điểm nữ quyền, đưa đến một sự giao thoa văn hóa rất phong phú.
Trong hai mươi năm liền, tôi đã thực hành một hình thức thiền định mà đạo Phật gọi là Thiền minh sát (Vipassana, được thực hành trong Phật giáo nguyên thủy), đã học tập trong một Viện Nghiên cứu Phật học Tây Tạng, và đã “tọa thiền” tại các trung tâm Thiền định. Tôi đến với Phật giáo trong những năm 1980, sau mười năm hoạt động tích cực trong phong trào giải phóng phụ nữ và phong trào chống hạt nhân, tôi thấy không có gì mâu thuẫn giữa việc thực hành đạo Phật và hoạt động chính trị - xã hội. Dường như hai lĩnh vực này tạo thành một vòng tròn, một bên đưa tôi nhập thế để thiết thực góp phần thay đổi thế giới, và một bên đưa tôi trở về với nội tâm để tự lắng lòng mình trong thiền định và học tập, hai hướng vận động này hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau. Tôi đã có dịp đi du lịch ở Đông Nam Á và đã biết tín đồ tại các nước truyền thống Phật giáo thực hành đạo Phật như thế nào, tôi cũng đã xuất gia theo Đạo Phật tiểu thừa tại Sri Lanka trong một thời gian ngắn. Giờ đây tại Mỹ, tôi giúp tổ chức nhiều hội nghị quốc gia về Phụ nữ và Phật giáo, và viết nhiều sách về chủ đề này. Tác phẩm “Chuyển pháp luân: Phụ nữ Mỹ đang sáng tạo Đạo Phật mới “ (“Turning the Wheel: American Women Creating the New Buddhism”) trình bày tổng quan toàn bộ hiện tượng phụ nữ Mỹ tham gia thực hành đạo Phật, trong đó có cả 80 cuộc phỏng vấn và các hình ảnh. “Mở Đóa Sen” (“Opening the Lotus”) là một quyển sách viết về những khái niệm cơ bản của Đạo Phật, với những thảo luận về các câu hỏi của phụ nữ đặt ra, và vài hướng dẫn cho những người bắt đầu thực hành đạo Phật. Đó là con đường đi của cá nhân tôi trong một quá trình rộng lớn hơn, đó là sự du nhập của đạo Phật vào nền văn hóa của chúng ta.

Đạo Phật đã đến Phương Tây như thế nào

Trong những thập niên 70 và 80, đạo Phật được đưa đến phương Tây thông qua các thiền sư Nhật Bản, Lạt ma Tây Tạng, thiền sư Hàn Quốc, Việt Nam, các Phật tử Trung Hoa và giảng viên từ các nước châu Á khác (cùng với một số Phật tử châu Âu theo phái tiểu thừa đã học tập tại châu Á trước đây). Các giảng viên châu Á đã biết đến kinh nghiệm trong hai lĩnh vực mà đạo Phật chưa hề gặp trước đó, đó là tâm lý học và phụ nữ học. Do sự kết hợp này, đạo Phật ở Mỹ có những tính chất và đặc điểm rất riêng mà chúng ta không tìm thấy ở các nước châu Á.

Khía cạnh tâm lý học
Nữ giáo sư phương Tây Tsultrim Allione đã đưa một hình ảnh mà tôi rất thích, hình ảnh ấy nói rằng chúng ta mặc áo giáp che chắn trái tim chúng ta, và chúng ta treo trên áo giáp ấy việc thực hành đạo Phật như một tấm huy chương. Theo bà, tâm lý trị liệu có thể là một cách làm tan biến chiếc áo giáp để đạo Phật có thể thâm nhập vào trái tim của chúng ta. Các giáo sư phương Tây thường khuyến khích sinh viên đi vào tâm lý trị liệu nếu cần, song song với thực hành đạo Phật; hai phương thức này có thể hỗ trợ cho nhau. Không nhất thiết chúng ta phải chấp nhận quan điểm cho rằng chỉ có thực hành đạo Phật mới dẫn đến giải thoát hoàn toàn. Có khá nhiều giáo sư theo đạo Phật nổi tiếng sống bằng nghề tâm lý trị liệu, nổi bật nhất là các giáo sư Jack Kornfield và Sylvia Boorstein thuộc trung tâm Thiền Spirit Rock Meditation, và sự tập huấn về tâm lý được xem là trợ thủ đắc lực của một giáo sư tâm lý.


Sự gặp gỡ giữa đạo Phật và Nữ quyền

Nhà nghiên cứu Phật giáo Rita Gross đã cho rằng sự gặp gỡ giữa Phật giáo và nữ quyền là một « điềm lành ». Nghĩa là: cuộc sống được phong phú hơn nhờ có thêm điều kiện thuận lợi, đưa đến nhiều chuyện tốt lành. Và thực tế đang diễn ra như vậy. Tôi nghĩ, điều này giống như một cuộc hôn nhân: hai người kết hợp cùng nhau, có những hiểu lầm và xung đột, thậm chí có cả những khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng họ vẫn sống cùng nhau và qua thời gian cả hai đều trưởng thành theo những chiều hướng thuận lợi cho nhau. Điều này cũng đúng cho sự kết hợp giữa đạo Phật và nữ quyền : trong sự kết hợp này, cả hai lĩnh vực đều được cung cấp thông tin và nghiên cứu sâu hơn. Nhưng ở đây tôi muốn trình bày ảnh hưởng của nữ quyền đối với đạo Phật.

Trước tiên, phụ nữ phương Tây vấp phải ý niệm đẳng cấp và phải đối phó với vấn đề này dưới nhiều khía cạnh.

a/ Vì đạo Phật đã được đưa vào Mỹ từ những định chế có tính chất gia trưởng của châu Á nên cơ cấu của những trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Mỹ có tính chất tôn ti trật tự rất cao. Những nhà nữ quyền đã phải vận động trong hàng chục năm để xây dựng những cơ cấu bình đẳng hơn. Ảnh hưởng của họ đối với các trung tâm Phật giáo đã mang lại kết quả là hình thành những cơ cấu nặng về chiều ngang hơn chiều dọc, có sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn, mở rộng hơn những phương thức hợp tác trong việc lấy quyết định.

b/ Hệ thống đẳng cấp trước đây chỉ gồm toàn nam giới. Có một chuyện chưa quên liên quan đến nữ giáo sư Thiền nổi tiếng Yvonne Rand. Trong nhiều năm, bà đã theo học với thiền sư người Nhật Suzuki Roshi ở trung tâm Thiền San Francisco. Bà là một trong những người học trò tận tụy và tài năng nhất của thiền sư, nhưng khi chỉ định người kế vị, Suzuki Roshi chỉ tuyển chọn toàn nam giới mà không chọn Yvonne. Trên giường bệnh, trong lúc Yvonne chăm sóc ông, ông xin lỗi Yvonne và nói rằng : « Lẽ ra con phải được truyền y bát, nhưng thầy không biết phải đào tạo một phụ nữ như thế nào ». Tất cả những điều đó bây giờ đã thay đổi. Ngày nay, trong hầu hết các cơ sở Phật giáo tại Mỹ, phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng trong việc đào tạo cũng như trong lĩnh vực quyền hạn. Một số phụ nữ lãnh đạo những trung tâm Phật giáo do chính họ thành lập. (Xem « Chuyển pháp luân » để biết thêm nhiều ví dụ về các nữ giảng viên xuất chúng và để thảo luận sâu hơn về các vấn đề này)

c/ Trong tình hình có phân chia đẳng cấp, nguồn thông tin bị kiểm soát từ trên, và như vậy quyền hạn được nắm giữ tận trên cao, sự bí mật bao phủ chung quanh mọi hành vi đáng ngờ của người lãnh đạo. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho những lạm dụng. Trong thập niên 80, có cơ sở Phật giáo đã mang tiếng vì những hành vi lạm dụng tình dục dựa trên quyền hành và những hành vi sai trái khác của các giảng viên. Ngày nay, nhờ có những người bênh vực nữ quyền, nam có nữ có, nhóm người bị xâm phạm đã yêu cầu đưa những vấn đề này ra ánh sáng để thảo luận và giải quyết. Một nhóm giảng viên về Thiền đã xây dựng bảng hướng dẫn và đề nghị các trung tâm thiền trên toàn Liên bang chấp nhận nhằm mục đích phòng ngừa những lạm dụng tương tự trong tương lai.


Xuất gia trong tu viện hay cư sĩ tại gia

Vị trí trung tâm của phụ nữ và nữ quyền tại các trung tâm Phật giáo, cũng như những mối quan tâm về gia đình và cộng đồng, đã làm cho các trung tâm ở Mỹ chuyển biến theo hướng cư sĩ hóa. Đạo Phật ở châu Á chủ yếu dựa trên tự viện và tăng chúng; cư sĩ tham gia tích cực thật, nhưng lý tưởng vẫn là nếp sống tu hành của các vị xuất gia. Trong thời kỳ đầu của sự phát triển Phật giáo tại Mỹ, có những người Mỹ trẻ xuất gia trở thành tu sĩ, mặc áo nhà sư, trải qua quá trình tu tập rất nghiêm khắc và sống một cuộc đời xuất gia. Nhưng tại các trung tâm học Thiền có cả nam lẫn nữ, họ cũng yêu đương, lập gia đình và sinh con, và họ đã phải đối diện với một hướng đi rất khó khăn: làm sao chúng ta có thể sống đời xuất gia trong lúc phải làm việc để sống, duy trì những mối quan hệ và hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình ? Vấn đề nan giải này đã làm cho các trung tâm Phật học phải tổ chức lại để thích ứng những yêu cầu của thiền định và những hoạt động tu học với đời sống của một người chủ gia đình. Nhiều trung tâm đã tổ chức thực hành thiền định cho cả gia đình, trẻ em cũng được tiếp nhận.

(Ghi chú : Trong tất cả những nhận xét của tôi, tôi không đề cập đến những nhóm Phật tử nhập cư từ châu Á, họ cũng có những thử thách riêng trên đất Mỹ).

Nói chung, trong đạo Phật ở Mỹ, xu hướng sống đời cư sĩ là khá thịnh hành, và người ta chú trọng đến đạo Phật trong đời sống hàng ngày: làm thế nào để hành xử với tinh thần từ bi và trách nhiệm đối với những người thân quen, để áp dụng những nguyên tắc của đạo Phật ở nơi làm việc, để thực hành đạo Phật trong lúc chăm sóc con cái v.v...

Người ta nói rằng cần 300 năm để đạo Phật có thể hòa nhập vào một nền văn hóa khác và tạo ra những nét đặc sắc của đạo Phật trong nền văn hóa ấy. Ở Mỹ, chúng ta đang ở trong tiến trình tạo ra một đạo Phật với những đặc điểm chưa hề có trước đây, đạo Phật liên kết được với những giá trị dân chủ, những nhận thức sâu sắc của tâm lý và nữ quyền với những truyền thống hành đạo xưa hàng nghìn thế kỷ được truyền lại từ thời của đức Phật.


Gặp Bồ Tát Quan Âm

Trên đây là bối cảnh của đề tài mà tôi sắp đi vào trọng tâm, tức là, thật bất ngờ cho tôi, Quan Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát của Từ bi cứu khổ cứu nạn. Bất ngờ, vì hành trình của tôi đến nơi gặp gỡ khởi đầu bằng một mối hoài nghi vô cùng sâu sắc.Trở lại năm 1980, một trong những yếu tố đầu tiên thu hút tôi đến với đạo Phật là vì trong đó không có thần linh, không có một đấng siêu nhiên nào để con người phải sùng bái và phục tùng. Thiền minh sát (Vipassana) hay Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada), con đường mà tôi đã chọn, rất giản dị, thanh bần, là một quá trình rèn luyện để đạt đến “sự chú tâm chẳng có gì khác ngoài chú tâm”. Chắc chắn là không có thần linh gì can thiệp vào cả.

Đạo Phật Đại thừa và Kim Cương thừa có nhiều biểu tượng siêu nhiên (divine emanations), nhưng khi tôi tu học tại một viện Phật học Tây Tạng, tôi đã nghiên cứu A-tì đạt-ma (Abhidharma) thường được xem là cao nhất, đúc kết từ lời dạy của chính Đức Phật. Ở đây chẳng có gì liên quan đến bái phục thần linh cả !

Sau đó vào năm 1982, lần đầu tiên tôi gặp Bồ Tát Quan Âm. Lúc đó tôi đang đi qua thành phố Kansas, và một người bạn nói với tôi : « Tôi muốn đưa chị vào thành phố, tôi muốn chị gặp một người ». Chúng tôi đến bảo tàng Nelson Atkins và đi vào một căn phòng trong đó chỉ có một bức tượng đẹp tuyệt vời. Bức tượng có kích thước như người thật, bằng gỗ khắc chạm từ thế kỷ 12 hoặc 13 ở Trung Hoa. Đó là một phụ nữ đẹp với y phục thanh lịch, trong tư thế ngồi với một chân co chân duỗi, dáng mạnh mẽ, uy nghi. Đứng trước Ngài, tôi đã trải nghiệm nhiều cảm xúc mạnh mẽ, từ sầu khổ đến an vui và tất cả những tình cảm vô ký khác, như thể Ngài giúp tôi thể nghiệm trọn vẹn con người là như thế. Và hình tướng của Ngài đã làm tôi cảm thấy vô cùng thanh thản. Tôi đã mua một tấm bưu ảnh có hình của đức Quan Âm và tôi đã đặt tầm hình trên ghế xe gần chỗ tôi ngồi trong khi tôi lái xe từ thành phố Kansas đi về phía đông. Từ đây Quan Âm đã trở thành một phần của đời tôi.

Vậy thì Quan Âm là ai ? Trước hết Ngài là vị nữ bồ tát được sùng bái nhất ở châu Á. Chúng ta gặp Ngài ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan và ở nhiều nước khác. Và trong truyền thống đạo Phật, Ngài là vị Bồ tát của lòng Từ bi. Thế nào là một vị Bồ tát ? Đó là người tu học nhằm mục đích đạt giác ngộ hoàn toàn, nhưng ngay trước khi đạt giác ngộ hoàn toàn, Bồ tát lại quay trở về với trần thế và nói rằng : « Không, ta sẽ không thành Phật chừng nào chúng sinh chưa được giải thoát », và ngài quay trở lại trần thế để làm giảm bớt nỗi thống khổ của chúng sinh và thức tỉnh chúng sinh nhận biết Phật tính của mình.

Trong những năm sau đó, Quan Âm lại xuất hiện nhiều lần trong đời tôi. Tôi đã cố công tìm hiểu về Ngài và được biết rằng Ngài mang danh hiệu là « Đấng nghe được tiếng kêu thống khổ của chúng sinh » và hình ảnh của Ngài thường được gắn với những hành động từ thiện xã hội. Năm 1983, khi nhóm thân hữu của chúng tôi chuẩn bị đến hãng Lawrence-Livermore Laboratories để phản đối việc thiết kế vũ khí hạt nhân đang được tiến hành ở đó, chúng tôi thiền định và quán về tình thương. Rất giống với tinh thần của Quán Thế Âm, chúng tôi đã khơi dậy trong lòng những tình cảm từ bi đối với muôn loài, kể cả đối với cảnh sát của đại học California đã bắt chúng tôi, kể cả đối với nhân viên của hãng là những người mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc sản xuất vũ khí. Chúng tôi đã dựa vào thiền định để giữ được thái độ bất bạo động trong một tình hình rất hỗn loạn và thậm chí bạo động của một cuộc biểu tình có hàng trăm người.

Quan Âm còn đi vào đời tôi bằng những cách khác. Tôi đã đọc tác phẩm « Bồ Tát của lòng Từ Bi » do John Blofeld viết về Ngài. Cùng với một người bạn, tôi đã trang hoàng thiệp chúc mừng mang hình ảnh của Ngài.

Sau đó vào năm 1995, trên đường đến Trung Hoa để dự hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ tư do Liên Hợp Quốc tổ chức, tôi đã gặp Quan Âm tại nơi sinh trưởng của Ngài. Tôi đã phát hiện một hòn đảo ở bên ngoài Thượng Hải nằm trong Nam Hải mang tên Phổ Đà sơn (Putuo Shan), tương truyền rằng Quan Âm đã sống ở đó, và trong hàng trăm năm nay bao nhiêu người đã hành hương đến đó để cầu nguyện Ngài. Tôi đã sống sáu ngày tại đảo Phổ Đà sơn cùng với một người bạn Mỹ gốc Hoa. Ở đó, tôi đã chứng nghiệm được Ngài hiện diện mạnh mẽ như thế nào trong thiên nhiên, trong hải triều âm, âm vang của tiếng sóng trên bãi biển, trong gió biển, trong hơi ấm của mặt trời, trong tiếng ve kêu râm ran trên cành cây. Bạn tôi và tôi đã trải qua những kinh nghiệm rất mạnh mẽ về sự tiếp xúc với sức mạnh từ bi của Quan Âm.

Một tháng sau khi trở về từ Trung Hoa, tôi được chẩn đoán bị ung thư và bác sĩ nói rằng tôi phải chịu đại phẫu thuật trong vòng một tuần lễ, và có thể phải theo hóa trị liệu trong nhiều tháng sau đó. Trong cơn chấn động và mất tinh thần của tôi, tôi bỗng thấy mình được trò chuyện với Quan Âm. Tôi đi trong một nghĩa trang gần nhà, cầu nguyện Ngài và nói rằng « Xin Ngài hãy giúp con ». Tất nhiên là tôi mong Ngài xuất hiện, thấp thoáng trên cành của một trong những cây cổ thụ đẹp nhất, và đang trìu mến nhìn xuống tôi. Điều đó đã không xảy ra. Nhưng đã có hồi đáp cho lời khẩn cầu của tôi. Câu trả lời ấy đã đến từ thâm sâu trong lòng tôi, và nó đã nâng đỡ tôi trong những thử thách tiếp theo. Tôi chợt hiểu ra rằng Quan Âm không phải là cách thức tập trung hướng ra bên ngoài, mà là hướng toàn vẹn tâm của mình vào hình ảnh của Ngài, và đó là cách để đi sâu vào tận tâm hồn chúng ta.

Sau khi lành bệnh, tôi đã nghiên cứu về Quan Âm một cách nghiêm túc, đọc một số sách hiếm hoi viết về Ngài – tác phẩm của Blofeld và quyển « Quan Âm : huyền thoại và tiên tri của vị Bồ tát Từ Bi » ( « KwanYin : Myths and Prophecies of the Chinese Goddess of Compassion » do Martin Palmer và Jay Ramsay viết cùng với Man Ho Kwok, cùng với nhiều bài nghiên cứu khác, nhất là của Chun Fang Yu. Rồi cách đây mấy năm, trong một lớp dạy của tôi về « Viết về hành trình tâm linh của bạn », một sinh viên hỏi tôi : « Sao không có tác giả nữ nào viết về Quan Âm ? ». Một câu hỏi hóc búa ! Từ đó tôi chợt hiểu rằng cần phải viết một quyển sách như thế, mặc dù tôi chưa biết phải viết như thế nào. Lòng từ bi rất được chú trọng trong đạo Phật. Quan Âm, tượng trưng cho lòng từ bi, đã nâng lên hàng đầu điều vô cùng cần thiết đó cho cuộc sống hiện nay. Ngài biểu hiện những đức tính có thể khiến ta mềm hoặc cứng, nhắc nhở chúng ta rằng lòng từ bi vừa hiền dịu vừa cương quyết.

Để viết quyển sách « Tìm được Quan Âm » ( « Discovering Kwan Yin » ), tôi nghiên cứu sự hiện diện và ảnh hưởng của Quan Âm trong đời sống của phụ nữ ở Bắc Mỹ, bao gồm phụ nữ gốc châu Á và những phụ nữ khác. Một trong những điểm lý thú nhất của lịch sử cuộc đời của Bồ tát là Ngài đã biến đổi từ hình tượng một nam giới thành nữ giới như thế nào. Ngài được đưa vào Trung Hoa vào thế kỷ thứ năm dưới danh hiệu bồ tát Avaloktesvara là nam giới; và trong ba thế kỷ tiếp theo, vị Bồ tát ấy đã biến thành nữ Bồ tát Quán Thế Âm hay là Quan Âm. Điều ấy đã xảy ra như thế nào ? Vâng, Ngài đã đến trong thế giới này với hình tướng của một người phụ nữ bằng xương bằng thịt. Có thể đó là một đứa trẻ đặc biệt dễ thương và hiền dịu, em gái ấy đã lớn lên, trở thành một phụ nữ với lòng từ tâm rộng lớn và đã làm nhiều việc thiện; đôi khi còn hy sinh đời mình để cứu những người khác. Sau khi người phụ nữ ấy qua đời, dựa vào những phép mầu, người ta hiểu rằng ngài không phải là một người phụ nữ bình thường mà là một đấng linh thiêng, là Quan Âm Bồ tát. Nhiều cốt truyện ở Trung Hoa đã đề cập đến câu chuyện này, đó là lý do tại sao có nhiều hình tượng Quan Âm hay Quán Thế Âm ở Trung Hoa. Quan Âm tham gia rất mạnh mẽ vào đời sống của con người. Ngài cứu người khỏi những tai họa, giúp họ thực hiện những mong ước, và luôn dõi mắt theo họ. Ngài không phải là một vị thánh xa cách mà rất gần gũi với chúng ta, sống giữa chúng ta và dạy chúng ta lòng từ bi. Vì Quan Âm có xu hướng hiện diện trong đời sống hàng ngày, tôi đã muốn tìm hiểu sự hiện diện của Ngài trong đời sống của phụ nữ đương đại, đồng thời cung cấp cho họ những phương thức hành đạo để có thể giữ liên lạc với Quan Âm và duy trì sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của mình. Tất cả những điều nêu trên đã trở thành nội dung của quyển sách « Tìm được Quan Âm, Bồ tát của Từ Bi », sách do nhà xuất bản Beacon Press xuất bản vào tháng tư năm nay.


Nhập thất với Quan Âm

Từ khi quyển sách được xuất bản, nhiều nơi đã đề nghị tôi hướng dẫn những buổi nhập thất dựa trên những tài liệu về Quan Âm.Trong những tháng qua, tôi đã hướng dẫn những buổi nhập thất một ngày tại Sacramento, Tucson, Berkeley, và Fort Bragg. Tôi cũng đã hướng dẫn một khóa nhập thất ba ngày tại trung tâm Thiền Cloud Mountain ở tiểu bang Washington. Trong tất cả những buổi gặp gỡ ấy, việc nhập thất rất được hoan nghênh và người tham dự rất đông. Qua kinh nghiêm giảng dạy ở các khóa nhập thất đó, tôi mới hiểu rằng con người cần tu dưỡng biết bao ! Trong số người tham dự, có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, tư vấn - trị liệu, nhân viên xã hội, bộ trưởng, các bà mẹ, nhà giáo, diều dưỡng viên; mà ít khi những nhu cầu của họ được đáp ứng, những cảm xúc được tôn vinh, những suy tư sâu xa được bày tỏ. Những học viên phụ nữ và nam giới có vẻ đã hưởng được nhiều lợi lạc trong một ngày hoặc ba ngày cùng tu học với tôi, đó là khoảng thời gian tu dưỡng hạnh từ bi dựa vào năng lực thần thông của Quan Âm Bồ tát.

Một ngày thường trải qua trong thiền định, lúc ngồi lẫn lúc đi, dưới sự hướng dẫn của tôi. Những người mới đến rất thích áp dụng thiền trong lúc đi vì cách đó giúp họ dễ tập trung hơn. Rồi chúng tôi hành thiền để suy nghĩ về hạnh từ bi, tôi khuyến khích mỗi thành viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cùng với nhóm. Mỗi thành viên cũng được yêu cầu đem một vật gì đó để đặt trên bàn thờ (một bảo vật, ảnh của Quan Âm, ảnh của một người thân đang gặp khó khăn, một bông hoa hoặc một vật liên quan đến thiên nhiên), và chúng tôi thảo luận về ý nghĩa của các vật ấy. Những cuộc thảo luận này thường khá sâu sắc, mọi người có thể chia sẻ những tình cảm riêng tư, những mối âu lo cùng những niềm hy vọng.

Cùng với diễn tiến của lớp học, tôi chia sẻ với nhóm về những kinh nghiệm gặp gỡ của tôi với Quan Âm, hướng dẫn thực hành thiền định và quán tưởng về Quan Âm. Trong khi thiền, tôi cho nghe băng nhạc “Người đã nâng đỡ tôi”, do ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jennifer Berezan trình bày. Vào cuối ngày, sau một buổi tọa thiền và hành thiền, tôi định nghĩa và thảo luận về khái niệm “đức từ bi được tăng cường thêm dũng mãnh” (khác với truyền thống hy sinh mà người ta thường chờ đợi ở phụ nữ), và nêu những ví dụ về cho và nhận lòng từ bi như vậy. Sau đó chúng tôi viết về những hoàn cảnh của chính bản thân trong đó chính mình đã có thể hành động với lòng từ bi dũng mãnh hoặc đã nhận được từ bi dũng mãnh. Tiếp theo, chúng tôi trao đổi kinh nghiệm với nhau trong nhóm nhỏ. Tôi đã nói về cuộc hành trình của tôi trên đảo Phổ Đà, và chúng tôi thiền định ở ngoài trời.

Ngày học tập của chúng tôi kết thúc bằng một hồi kinh về Quan Âm theo kiểu Trung Hoa - nam mô Quán Thế Âm Bồ tát - cách tụng kinh có cải biên cho thích hợp. Cuối cùng, chúng tôi ngồi thành vòng tròn, các thành viên có dịp trình bày một khía cạnh của kinh nghiệm của họ trong ngày tu học vừa qua, và chúng tôi kết thúc ngày học.

(Khóa nhập thất ba ngày bao gồm nhiều nội dung hơn nhưng tinh thần thực hiện cũng tương tự. Khóa học dài ngày này tạo điều kiện cho học viên phân tích sâu hơn những kinh nghiêm của họ. Thời gian thực hiện được học viên ưa thích là từ tối thứ sáu đến trưa chủ nhật, tại một khu nhà ở nào đó).

Học viên đa phần là phụ nữ, nhưng những học viên nam tham dự các khóa học đều học được nhiều điều rất lý thú. Tôi có cảm tưởng những nam giới thuộc phái Vũ trụ nhất thể (Unitarian Universalist) có thể cởi mở hơn những người khác đối với tinh thần từ bi của Quan Âm. Các khóa nhập thất quy tụ nhiều người lần đầu đến với thiền Phật giáo - tín đồ Tin lành, một phụ nữ Hồi, những người thuộc truyền thống Du già Thành tựu (Yoga Siddha), sinh viên đang học về ngành phụ nữ và tôn giáo, v.v. - cùng một ít Phật tử vãng lai. (Khóa học thiền được tổ chức tại nhiều nơi: một trung tâm thiền trong thành phố, phòng tiệc của tiệm ăn, một trung tâm thiền ở nông thôn, và một đại sảnh). Trong những khóa học này, tôi muốn bảo đảm rằng không ai bị bỏ sót, rằng không cần có kiến thức vế thiền trước đó, rằng mọi người đều thấy hòa nhập và thoải mái.

Tại đại hội được tổ chức trong nhà hàng của một khách sạn sang trọng, tôi trình bày khóa nhập thất cho một người bạn là bộ trưởng, ông này nói: các bộ trưởng thật cần được tu dưỡng nhu thế này, trong cuộc sống bận rộn vì những công việc phục vụ người khác, họ cần được bồi dưỡng và quan tâm đến bản thân. Những người trong các nhóm tu học cũng cần tìm thư giãn và tĩnh tâm trong một ngày với Quan Âm. Đối với tôi, kinh nghiệm tham thiền luôn đem lại cho tôi những lợi ích cho nội tâm và mở rộng tầm nhìn của tôi. Mỗi lần tôi hướng dẫn một khóa nhập thất như vậy, tôi lại càng thấu hiểu sâu sắc hạnh từ bi được thể hiện trong hình ảnh của vị bồ tát châu Á. Quan Âm tuyệt vời biết bao!

khuongviet.net
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.