Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
Chôm Chôm
#1 Posted : Wednesday, March 29, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Cha Tôi Trong Tâm Tưởng

Một sự tình cờ đặc biệt, qua điện thoại giới thiệu từ một người bạn quen biết lâu ngày ở Santa Ana, tôi nhận được tập san Tiếng Sông Hương, số mới vừa phát hành do Chủ nhiệm Chủ bút Nguyễn Cúc ở Dallas gửi tặng.
Thật cảm động, trong tờ báo Sông Hương - Núi Ngự, nhà biên khảo Phương Anh Trang Nguyễn Cúc viết thêm về áo Lemur do bố tôi, họa sĩ Nguyễn Cát Tường, vẽ kiểu. Viết thêm, vì theo tờ báo giới thiệu, trước đó khá lâu, Tiếng Sông Hương đã có lần viết về lịch sử áo dài, mười mấy trang, trong đó có áo Lemur. Như thoảng hương xưa còn vương đọng, lần này tác giả viết lại, viết dài hơn về áo Lemur, về họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tưởng như tác giả là người đương thời đang sống thật với phong trào áo Lemur từ Hà Thành hoa lệ đến Hòn Ngọc Viễn Đông.
" ... Kiểu áo Lemur ngắn, gọn gàng uyển chuyển nhờ những đường eo, thắt nhẹ nhàng mỹ thuật làm nổi bật nét nở nang thân thể người phụ nữ là điều cấm kỵ trước nay.
Cấm kỵ, cấm cách ngày trước ngược lại là đặc tính, đặc sắc nhìn thấy rõ ràng qua kiểu áo cải cách, đổi mới là áo Lemur thướt tha và gợi cảm, biểu hiện vẻ đẹp quốc hồn quốc túy của phụ nữ Việt Nam.
Từ khác biệt cổ điển tân thời trong cách ăn mặc, có thể suy diễn thêm rằng phong trào áo Lemur Nguyễn Cát Tường xuất hiện như một cố gắng vươn lên giải thoát khỏi ràng buộc cổ tục (.....) Áo Lemur Nguyễn Cát Tường bỗng nhiên đã mở rộng tầm nhìn của quần chúng trước đối tượng phụ nữ ; nói rõ hơn cái nhìn thẩm mỹ đối với phụ nữ thanh lịch (une vision élégante de la femme), đồng thời giữ được cốt cách mềm mại, duyên dáng (féminité) là bản chất, cá tính phụ nữ từ thuở đời đời ..... (TSH, trang 90)
Trước nay thỉnh thoảng tôi có dịp đọc những bài báo về áo Lemur, nhưng ít có bài đi sâu vào đề tài với cái nhìn nhân văn xã hội vừa tổng hợp vừa phân tích đầy đủ rõ ràng bối cảnh lịch sử áo Lemur, về họa sĩ Nguyễn Cát Tường trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn qua trào lưu văn học một thời rộng mở Phong Hóa Ngày Nay.
Xin cám ơn Tiếng Sông Hương, cám ơn nhà biên khảo Phương Anh Trang Nguyễn Cúc đã giúp tôi vun đắp quá khứ viết về bố tôi. Tờ Tiếng Sông Hương còn đó, tôi vừa đặt lên ghế dài bên cạnh, trang trọng thân tình như một người bạn quen lâu ngày vừa gặp lại. Tấm hình bìa Sông Hương mầu xanh lơ, lướt thướt như gợi lại niềm thương cảm nhớ nhung một thời, nửa thế kỷ qua rồi... Tâm tư xúc động nhớ lại kỷ niệm người cha thân yêu, tôi ngẩn ngơ nhìn trời, khung cửa sổ đục màu vì mây mờ đang phủ kín. Thẫn thờ nhớ lại ngày qua, cả một dĩ vãng đang hiện về, rõ ràng từng nét một. Những ngày thơ ấu hạnh phúc tuyệt vời bên cạnh bố tôi, mẹ tôi nơi ngôi nhà số 14 phố Hàng Da.
Những giọt nước lung linh còn thấm đọng. Từng giọt, từng giọt, nhưng thừa đủ để khơi lại dòng sông quê hương, sông Nhị Hà "nước đỏ như son". Những ý nghĩ thơ ngây tầm thường như những viên sỏi nơi công viên trước mặt nhà. Nhỏ, nhưng thừa sức hút mãnh liệt chứa chất thành núi, núi Tản sừng sững trên nền trời Hà Nội một thuở nào trong đời tôi.
Những cái nho nhỏ, chút chút như giọt sương sớm cũng như những viên đá cuội màu xanh, màu nâu nơi công viên lặng buồn đã làm sống lại trong tôi niềm hạnh phúc lớn lao khi nhớ lại bố tôi. Thêm một lần nữa để cám ơn Tiếng Sông Hương đã cho tôi cảm hứng hồi tưởng lại hình ảnh bố tôi, niềm tự hào của đời tôi (the pride of my life) và con cháu tôi sau này.
Mùa Thu đang chập chờn trên vùng đồi Anaheim Hills. Màu thời gian vời vợi in sâu, bàng bạc trên những lối đi quanh nhà đường Big Sky, ngày thường đã vắng vẻ hôm nay càng vắng vẻ hơn. Đồi phong hiu hắt, gió heo may se lạnh. Từng cánh lá lìa cành, lửng lơ lạc lõng cuối đường như tâm hồn tôi đang thổn thức mơ về bóng dáng quê hương xưa, góc trời cũ.
Hà Nội với "Áo mơ phai dệt lá vàng" năm 1945, tôi mới lên sáu. Sáu tuổi, nhỏ dại ngây ngô nhưng nhờ được theo bố đi nơi này nơi khác, ít nhiều tôi biết Hà Nội cho đến ngày di cư. Là con gái đầu lòng, tôi được bố mẹ nuông chiều ; nhất là bố đi đâu cũng "cõng" con gái bố theo cùng.
Đi xe đạp, tôi ngồi sau yên xe, ngày xa xưa ấy gọi là bót-ba-ga (porte-bagages), hai tay nắm chặt phía sau bố. Có khi lơ đễnh nhìn mây trời chung quanh, lạ lùng bỡ ngỡ như từ cung trăng vừa rơi xuống trần với chú Cuội.
Đây đó nhiều nơi, nhiều lần tôi được ngắm cảnh đồng quê. Xa xa khỏi vùng ngoại ô thành phố, tò mò ngạc nhiên nhìn cảnh trâu cày, người cấy, mạ xanh mơn mởn hay lúa trổ đòng đòng. Những làng xã xa lạ đối với tôi như Thanh Trì, Thanh Oai, Khương Thượng, Thụy Khê, Nam Đồng, Vân Hương...
Có lần tôi theo bố đi thật xa tận Hà Đông, thăm lò làm mật mía. Những lần như vậy, tôi thường được chủ lò tặng cho chén nước mía, thứ nước mật xái nhì, nhưng cũng đã quá đê mê tuyệt diệu đối với tôi.
Theo bố về vùng ngoại ô tôi được biết thế nào là cốm, cốm Vòng, cốm Lũ hương thơm thanh khiết nhẹ nhàng, của quý Trời cho hoa đồng cỏ nội quê hương mình.
Trên cánh đồng xanh đong đưa theo gió, những bông lúa nếp căng tròn, bên ngoài vỏ xanh nhưng bên trong chứa một chất nước mượt mà như giọt sữa bà mẹ Việt Nam.
Cùng với thời tiết giao mùa, cây lúa nếp lên cao, chất sữa bên trong cô đọng. Đến một lúc nào đó, bông lúa non vừa chín đủ, đã đến lúc cô thôn nữ làng Vòng, làng Lũ gặt hái đem về chế biến thành một thứ cốm, vừa dẻo vừa mềm, vừa thơm vừa mát.
Đành rằng thôn quê miền Bắc nhiều nơi sản xuất cốm, nhưng chỉ có nơi đây, làng Vòng, làng Lũ theo nghệ thuật bí quyết gia truyền riêng, mới có thể chế biến được loại cốm màu xanh như ngọc thạch, thơm ngon tinh khiết lạ lùng.
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì hay chè Lam bông cốm làng Lũ, hai loại cốm nổi tiếng, gói trong lá sen bên trong thơm mát, bên ngoài xanh mướt gợi cảm gợi tình. Sau này lớn lên tôi thường thấy bán ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Mấy cô hàng cốm xinh xinh đôi má đỏ, trên vai lủng lẳng chiếc đòn gánh đặc biệt, đầu đòn gánh phía sau cong cong như mũi thuyền.
Hỏi về làng Vòng, làng Lũ ngày xưa, mẹ tôi kể lại rành rẽ :"Cốm Vòng là làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm ; cốm Lũ, làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì nghe nói là quê ngoại của "Chúa Chổm", vua Lê Trang Tôn sau này."
Không biết ngày xưa "Kẻ Vòng làm cốm tiến vua" ăn ngon như thế nào, nhưng từ những ngày lang thang theo bố, tôi đã được ăn chuối tiêu trứng cuốc chấm với cốm Vòng. Hai bố con cùng thưởng thức, cùng khen ngon, mỗi người một cách. Mà ngon thật là ngon !
Nhớ lại năm ấy, bố đưa cả gia đình về thăm nông trại cụ Đỗ Đình Ruật, làng La Ngạn, cách thị xã Nam Định chừng 20 cây số. Gọi là đi nghỉ hè, nhưng cũng là cơ hội để gia đình bố gặp bác Đỗ Đình Đạo, bác Loan, bác Phụng, bác Toại, chú Thiều, chú Tố, cô Diên, cô Minh Đỗ... Đồn điền rộng lớn, cò bay thẳng cánh tha hồ thỏa thích. Trong lúc người lớn rủ nhau đi bắn vịt trời, săn cu-cu-gáy, riêng tôi tà tà với mấy đứa trẻ cùng lứa tuổi rong chơi khắp cùng nông trại, hết xem tát ao bắt cá, coi thợ gặt lúa, lại chơi thả diều hay đuổi bắt bươm bướm, chuồn chuồn đốm xanh đốm vàng nhởn nhơ trên bụi cây đám cỏ.
Mùa Hè, thích thú nhất những ngày hai bố con lên bờ đê sông Hồng hóng mát, ngắm cảnh hồ Trúc Bạch xong lại bơi thuyền Hồ Tây. Ai xa Hà Nội mà không nhớ giàn hoa thiên lý, sen đầm Hồ Tây, cái hồ lịch sử có tên Lãng Bạc, Dâm Đàm được hiểu với nghĩa đẹp là sương mù bóng mát.
Đi đây đi đó, bố thường hay kể chuyện, thần thoại Hồ Tây là một.
Chuyện người kể rằng : "Ngày xưa thầy Khổng Lộ đức chuông vàng, đánh lên nghe vang dội khắp nơi. Con trâu vàng, có lẽ cũng đang lang thang đâu đó như bố con tôi, nghe chuông dộng rầm vang tưởng trâu mẹ đang gọi, vội vã hấp tấp chạy về. Chẳng thấy mẹ đâu, "trâu he he bằng trăm bò rống", rồi trâu đầm, trâu mẹp, và trâu vùng vẫy... Không mấy chốc, cả vùng đất to rộng biến thành hồ, cái hồ lớn ở phía tây Hà Nội gọi là Hồ Tây."
Họa phẩm "Đố ai kéo được trâu vàng Hồ Tây" bố treo nơi phòng khách làm mẹ tôi tưởng tượng một câu chuyện khác. Cũng chuyện Hồ Tây, nhưng gần gũi tâm hồn phụ nữ hơn : Thần thoại Rắn Báo Oán -Lệ Chi Viên.
Là hoa khôi Bắc Ninh một thời, có lẽ bị ảnh hưởng nhiều về không khí văn nghệ Quan Họ, một hôm mẹ tôi ngâm vừa đủ cho bố tôi nghe :

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi anh (ông) hỏi hết hay còn...

Hồ Tây của Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi mẹ vừa kể gần hồ Trúc Bạch, không xa lắm, cách nhau đúng một con đường, đường Cổ Ngư, từ đền Quan Thánh đến đê Yên Phụ. Con đường đặc biệt trước năm 1945, hai bên trồng phượng vỹ. Mùa Hè hoa nở đẹp, trai thanh gái lịch rủ nhau đến đây hóng mát. Đi xa thêm một đoạn đến Quảng Bá, Nghi Tàm có rặng ổi, có quán bán bánh tôm. Qua đây mỗi lần tôi thường được bố cho dừng lại năm mười phút.
Hà Nội ngày xưa sao lắm ao nhiều hồ thế ! Hết hồ Trúc Bạch lại hồ Hoàn Kiếm, người Pháp gọi là Hồ Nhỏ (Petit Lac) để phân biệt với Hồ Lớn (Grand Lac) là Hồ Tây. Xuôi về hướng Nam, có hồ Thuyền Quang, hồ Bảy Mẫu, cũng gọi là hồ Ha-Le vì ở đây có con đường mới mở sát bên hồ, Rue Hallais. Đường Halais đi một quãng không xa là đường Lê Lợi, nơi bố mẹ tôi có hiệu may áo dài Lemur.
Với tuổi trẻ non nớt, tâm hồn rộng mở giống bố, đối với tôi hồ nào cũng đẹp, hồ nào cũng đầy ắp hương thơm. Mơ màng thả hồn theo tiếng chim hót hay cánh bướm tung tăng hoa lá cành, tôi mê man quên cả đất trời. Chiều tới lâu rồi, tôi còn muốn ở lại, bố phải giục giã mấy lần : "Thôi ... về con... ngày mai mình trở lại... "
Những lần đi với bố mẹ, có hai con đường tôi thích lui tới : phố Hàng Bồ và phố Hàng Buồm, đông người qua lại "Hiệu buôn chú khách, cửa hàng người Nam."
Hà Nội 36 phố phường là chuyện ngày xưa thành phố còn nhỏ hẹp. Thời bố mẹ tôi, Hà Nội đã không còn nét đặc biệt đường phố xếp đặt theo phường, theo nghề nghiệp như trước : phố Hàng Đồng bán đồ đồng, Hàng Chiếu bán chiếu, Hàng Than bán than, mà tên cũ, tên mới, tên Tây, tên Ta lẫn lộn lung tung.
Thế hệ tôi lớn lên, đường phố còn đổi khác nhiều hơn. Hàng Trống chẳng thấy trống cơm, trống bổi nào, chỉ thấy cái bót Cảnh Sát to lớn, Hà Nội ngày ấy gọi là Sở Cẩm. Hàng Cót không có tấm cót nào, chỉ thấy đầu đường, cuối đường tấm biển tên đường Ta-Cu (Rue Takou.) Hàng Bồ, Hàng Buồm còn đặc biệt hơn. Chẳng có bồ bịch thúng mủng, cũng chẳng có buồm mành buồm lái, mà chỉ thấy người Tàu với chú Khách, những bảng hiệu nửa Tây nửa Tàu như mẹ tôi một lần vui đùa kể chuyện :
"Nơi phố Hàng Bồ (Rue des Paniers), một hiệu buôn người Tàu bán đồ sành, đồ sứ, vài ba thứ lẩm cẩm, bên ngoài bảng hiệu to tướng Marchand des Chinoiseries. Ông Tây Hà Nội đi qua chắc sẽ nghĩ thầm ông Tàu Thăng Long đang chơi chữ mình đây !"
Ba chuyện lẩm cẩm ấy nhiều lắm. Phố Hàng Buồm còn gọi là phố Mã Mây, con đường tôi thích nhất, vì ở đây có nhiều hiệu ăn người Tàu, nổi tiếng như Siêu Nhiên với món bồ câu quay, Đông Hưng Viên với bánh Trung Thu.
Tết Trung Thu, ngày rằm tháng Tám, ngày đại lễ của trẻ con, bạn bè tôi thời xa xưa. Bao nhiêu đồ chơi thật đẹp, con poupée cao lớn, chiếc xe ô-tô, xe lửa chạy "pin" (pile) bố mua cho từ nhà hàng Go-Đa, đến thời gian này đều phải nhường chỗ cho những đồ chơi khác rẻ tiền hơn nhưng lạ mắt, màu sắc thích hợp hơn với tâm hồn cô bé Việt Nam như tôi : Những con giống bằng bột tô màu, những đèn ông sao, đèn cá chép và nhất là đèn kéo quân.
Mê nhất là bánh trung thu nặn hình những chú lợn con ngoan ngoãn nằm yên trong rọ đan bằng sợi lạt, sợi giang nhuộm đỏ, nhuộm hồng. Trông dễ thương, nhưng không lâu sau đó về đến nhà, mấy chú đã nhẹ nhàng chui vào miệng, vào mồm chị em chúng tôi không thương tiếc.
Qua tết Trung Thu, lại đến Tết Tây, rồi Tết Ta. Tết Tây không vui mặc dù thời xa xưa ấy, như nhiều nơi khác, Hà Nội rất sính Tây : Nào là bánh Tây (trong Nam, Huế, Sàigòn gọi là bánh mì). rượu Tây. cơm Tây, nhà Tây... Tết Ta vui hơn vì trẻ con được bố mẹ cho dự phần vào sinh hoạt ngày Tết. Cảnh tượng đẹp mắt vào dịp này vẫn là chợ hoa, trại Hàng Hoa.
Công thự lớn nhất ở Bắc Kỳ là Phủ Toàn Quyền phía tây-bắc thành phố ; trước mặt là đường Brière de l'Isle, phía sau Đường Thành (vòng ngoài thành Hà Nội ngày xưa.) Từ Đường Thành, đê Yên Phụ (digue Parreau), vườn Bách Thảo, đi xa xa về phía Bắc, làng Thụy Khê, là vùng đất mới chỉnh trang, chung quanh đây còn có hai trường Trung học nổi tiếng, trường Albert Sarraut và trường Bảo Hộ (trường Bưởi.)
Rộn ràng, rộn rịp trong khu vực này, nhiều người lui tới là vườn Bách Thảo, dân chúng có khi gọi Trại Hàng Hoa.
Vườn Bách Thảo từ ngày mới thành lập có vườn ươm cây giống, hoa giống, nhất là các loại hoa từ Âu Châu đem về. Cũng từ ngày ấy dân chúng các làng lân cận như Hữu Tiệp, Ngọc Hà học được thêm nghề mới, bắt đầu trồng hoa, bán hoa rất phát đạt. Trại Hàng Hoa, Vườn Bách Thảo, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, tên gọi khác nhau, cuối cùng đồng nghĩa đồng thời với dân Hà Nội.
Trước khi nhập học trường Mỹ Thuật Đông Dương, bố tôi học trường Albert Sarraut từ nhỏ. Cả vùng đất này, Phủ Toàn Quyền, Vườn Bách Thảo, Cổ Ngư, Làng Bưởi, Ngọc Hà, bố biết rất nhiều. Năm nào cũng vậy, trước Tết mấy hôm là tôi được bố cho đi theo lên Trại Hàng Hoa, đem về nhà một cành hoa đào đẹp nhất. Đi Ngọc Hà, Vườn Bách Thảo xem hoa với bố, tôi còn được theo mẹ đi chợ Đồng Xuân mua bánh mứt. Thích thú hơn cả là đêm 29 hay 30, chờ nồi bánh chưng chín rục, mẹ vớt ra hai ba chiếc bánh nhỏ phần riêng của con gái mẹ, xong xuôi rồi tôi mới chịu đi ngủ.
Sáng Mồng Một, tôi dậy thật sớm, mặc áo mới cho bố mẹ ngắm, áo Lemur nhung hồng, cổ áo tròn, tay phồng, hai hàng khuy ở hai vai.
Áo Lemur bố vẽ kiểu, mẹ vẫn thường mặc. Cái áo đẹp nhất, tôi còn nhớ mãi, hôm ấy ngày sinh nhật của mẹ. Bố mẹ, cả hai người đều ăn mặc thật diện, bố complet cravaté ; mẹ áo màu hoa đào nhạt, đi giầy mule, choàng khăn voile cùng màu, thời trang Hà Nội cuối thập niên 30.
Trông mẹ đẹp hẳn lên, còn đẹp hơn hoa hậu Bắc Ninh ngày nào ! Lời bố "nịnh" mẹ. Ngày vui của mẹ, bố đưa cả nhà đến một nơi nổi tiếng thanh lịch, nhà hàng Métropole trên phố Trường tiền (Rue Paul Bert), không xa thương xá Gô-Đa. Nhà hàng sang trọng, cửa ra vào quay vòng tròn quá mới lạ làm cô bé nhà quê là tôi vừa lạ lùng, vừa sợ sệt, ngẩn ngơ đứng khóc một hồi, bố phải bế lên vai đưa vào.
Ăn cơm ở Métropole đối với tôi thật sang trọng, lần đầu tiên trong đời, nhưng không vui bằng buổi tiệc thết đãi bạn bè của bố, những thực khác chưa bao giờ bố mẹ quen gặp. Ngạc nhiên hơn cả vẫn là mẹ tôi.
Hôm ấy mẹ cùng người nhà sửa soạn những mâm cỗ thịnh soạn, toàn những món ngon của lạ để bố mời khách. Đến trưa bố đưa về nhà gần 20 ông bà hành khất, tươi cười giới thiệu với mẹ : "Mấy ông bà bạn, anh tìm mãi thật xa, gần cầu Long Biên, bãi Phúc Xá... "
Gần một tiếng đồng hồ, chờ mọi người tắm rửa xong sạch sẽ, bố mời họ lên nhà cùng vào tiệc. Vừa ăn vừa hỏi chuyện mỗi người, chủ khách nói cười tự nhiên như những người bạn quen biết lâu ngày. Bố vui và mẹ cũng vui !
Hôm sau, thêm ba, bốn người hành khất đến thăm. Bố mẹ đi vắng. Tôi chạy xuống nhà bếp, xúc mấy bơ gạo, mỗi người một bơ đầy ắp. Đón những hạt gạo thơm từ từ rớt vào bị, người hành khất lớn tuổi, có lẽ chừng 50, nhìn tôi cảm động : "Già cám ơn con... cầu mong con sau này cả đời sung sướng... "
Tôi thầm cám ơn, sau này nhiều lần nhiều lúc sực nhớ đến ông già hành khất có chòm râu bạc ngắn, nắng mưa phong trần kham khổ, vẻ mặt rắn rỏi chịu đựng.

*

Áo Lemur phổ biến trên tạp chí Phong Hóa - Ngày Nay, gây thành phong trào cải cách áo dài Lemur lan rộng từ Hà Nội, vô Huế đến Sàigòn. Tên tuổi họa sĩ Nguyễn Cát Tường được nhiều người biết, tìm đến làm quen, giao thiệp thân tình từ đó về sau.
Là một nhà kinh doanh lớn có xưởng may thêu tại thị xã Bắc Ninh, ông ngoại tôi vừa bán hàng nội địa, vừa xuất cảng hàng thêu sang Pháp.
Nhân dịp có thư đặt hàng từ Marseille và Bordeaux, các loại thêu cần phẩm chất nghệ thuật cao, ông ngoại tôi viết thư mời họa sĩ Nguyễn Cát Tường về Bắc Ninh.
Công việc vẽ mẫu thêu xong xuôi hoàn mỹ và cũng thêm cơ duyên gặp gỡ tốt đẹp. Kể từ đó, bố quen biết cô Nội, ái nữ cụ trưởng Cầm, chủ nhân.
Gần một năm sau, cô thiếu nữ kiều diễm xứ Bắc Ninh trở thành bà Cát Tường, chủ nhân hiệu may áo dài Lemur phố Lê Lợi, gần hồ Halais - Bảy Mẫu. Sau dọn về Hàng Da, hai căn nhà thuê của cụ Phạm Quỳnh, bố mẹ tôi mở hiệu Cắt Tóc và phòng trà Thiên Hương đối diện.
Phòng trà Thiên Hương nổi tiếng vì có dì Nga vẻ đẹp liêu trai, em gái mẹ tôi. Văn nhân nghệ sĩ, khách thưởng ngoạn mỗi ngày thêm đông. Dì Nga được khách hàng phong tặng danh hiệu Nga Thiên Hương Hoa khôi Hà Nội, để phân biệt với cô Nga khác, cô Nga nhà in Tân Dân, chủ nhân Vũ Đình Long, phố Hàng Bông.
Đào hoa mệnh bạc ! Hôm ấy buổi trưa đi làm về, dì Nga bị Việt Minh ám sát chết, họ nghi ngờ dì thân Nhật. Dì Nga làm thông dịch viên vì dì nói giỏi tiếng Pháp, tiếng Nhật. Chỉ có thế thôi ! Mới 19 tuổi năm 1945, trong gia đình tôi dì là nạn nhân đầu tiên của bạo lực khủng bố hung tàn. Từ đó đến vụ Ôn Như Hầu tàn sát tận diệt đảng viên Quốc Dân Đảng.
Mặc dù hiệu may áo dài đường Lê Lợi đã đóng cửa, rất nhiều khách hàng quen vẫn thường lui tới giao thiệp. Họ nhờ bố tôi chọn giùm màu sắc hợp thời trang hay các loại hàng thích hợp. Tôi còn nhớ một vài vị nữ lưu Hà Nội nổi tiếng một thời như cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc áo Lemur mà tập san Tiếng Sông Hương trích đăng hình với chú thích : Trang 90, cô Nguyễn Thị Hậu báo Ngày Nay số 1, tháng 1 năm 1935.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, sau này tại Đà Lạt, tôi gặp lại cô Hậu, bấy giờ là bà Thị trưởng thành phố Hoa Anh Đào. Giản dị hồn nhiên như thời còn ở Hà Nội, cô mời tôi về nhà, ân cần nhắn nhủ : "... Con có cần gì đến gặp cô." Còn nhỏ, tôi thấy chẳng cần gì ngoài tình cảm tốt đẹp nơi người bạn quen của bố một thời.
Một hoa khôi Hà Nội khác với tà áo Lemur, mỗi ngày một màu sắc làm nhiều người ngẩn ngơ là cô Mộng Điệp, sau này là thứ phi Quốc trưởng Bảo Đại.
Tài tử nghệ sĩ Cải lương nổi tiếng ở miền Nam, cô Phùng Há, những lần ra trình diễn ở Hà Nội thường mặc áo Lemur đến thăm bố. Một lần cô mời bố vào Nam viếng thăm Hòn Ngọc Viễn Đông. Di cư tị nạn ở Sàigòn sau Hiệp định Genève, tôi gặp lại cô Phùng Há. Vẫn vui tươi cởi mở như độ nào, cô mời tôi về nhà cô, và tôi ở đây một thời gian ngắn.
Hợp tác với Tự Lực Văn Đoàn, bạn bè của bố hầu hết là các bác, các chú báo Phong Hóa và Ngày Nay, cùng với một số đồng nghiệp dạy học trường Thăng Long như Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp...
Mẹ tôi kể lại, một hôm Võ Nguyên Giáp hớn hở đến nhà báo tin :
-Chị Cát Tường, chị trúng số Tombola độc đắc 2,000. đồng, chị biết chưa ? Vé số kỳ trước anh chị mua ở Hội Khai Trí Tiến Đức đấy...
Mẹ tôi không tin, hỏi lại :
-Thật không anh ?
-Thật chứ... Vé số anh chị mua, hôm ấy nhiều người biết...
Rồi ông nói qua chuyện khác.
-Chị cho tôi mượn 50 đồng... Được không ?
Nghe trúng số độc đắc, mẹ tôi mừng quá. Không suy nghĩ, mẹ trả lời :
-Nếu trúng số độc đắc, tôi biếu anh năm mươi đồng.
Quả thật, mẹ tôi trúng số Tombola, lô độc đắc và mẹ giữ lời hứa, tặng Võ Nguyên Giáp năm mươi đồng.
Mùa Thu 1945, Việt Minh cướp chính quyền. Rồi chính phủ Liên Hiệp năm 1946. Không tham dự Hội Nghị Fontainebleau, bác Tam (Nguyễn Tường) lưu vong sang Tàu. Trước khi đi bác có khuyên bố tôi nên rời Việt Nam lánh nạn, nhưng bố tôi không đi. Rồi gia đình tôi tản cư về làng Tràng Cát, ngoại ô Hà Nội. Cả mấy gia đình cùng tản cư về đây, tạm trú nhà cụ Cửu (có lẽ hàng Cửu phẩm, Bát phẩm ngày trước, tôi không biết rõ) : gia đình con cháu cụ Phạm Quỳnh là ông Phạm Giao và bà quả phụ Tôn Thất Bình.
Trong giới làm văn làm báo ngày trước, Nam - Trung - Bắc nhiều người quen biết ông Tôn Thất Bình, con rể cụ Phạm Quỳnh, chủ bút tuần báo La Patrie Annamite cùng với ông Phạm Lê Bổng. Vừa cướp được chính quyền, Việt Minh cho người ám sát ông Tôn thất Bình ; cũng thời gian đó tại Huế, họ bắt giam và thủ tiêu Thượng thư Phạm Quỳnh.
Bên cạnh bố trong công việc hàng ngày, mẹ tôi biết nhiều về bạn bè của bố trong giới văn nghệ sĩ Hà Nội.
Hồi còn ở Sàigòn, mẹ thường kể chuyện. Mẹ thích nói, muốn nói hết cho con cháu nghe những điều bố mẹ đã trải qua. Nhưng con cái của mẹ vì bận việc gia đình, vì này vì nọ, chỉ loáng thoáng nghe qua mà không để tâm chú ý. Ngày nay tị nạn cộng sản, sống ở nước người, nhiều khi muốn biết, muốn nghe thì mẹ không còn nữa !
Nhớ mẹ, nhớ bức tranh lụa chân dung mẹ, ngày ấy mẹ ngồi làm mẫu cho bố vẽ. Họa phẩm bố thích không những vì màu sắc hợp với tâm hồn mẹ, mà qua nét bút lãng mạn, bố đang sáng tạo mẫu người của bố, mộng mơ và lý tưởng. Bố đang gặp mẹ nơi nào đó trong tâm tưởng, trong hiện thực, những giờ phút đẹp nhất đời họa sĩ đam mê của bố.
Trước ngày di cư vào Nam, bức tranh vẫn còn đó, trong góc phòng, trước ghế bành bố thường ngồi đọc sách. Mẹ còn đó, đôi mắt xa xa mơ màng. Mẹ chưa nỡ rời xa Hà Nội vì vẫn còn hy vọng, ngóng trông chờ đợi tin tức bố.
Nhớ bố mẹ những ngày tản cư xa Hà Nội, năm 1946 tản cư nhưng vẫn chưa yên tâm, bố mẹ thường lo nghĩ nhiều, việc này việc nọ. Hà Nội bấy giờ đang sôi sục vì sự có mặt của quân đội Pháp do những người đang nắm chính quyền rước về qua Hiệp Định Sơ Bộ tháng 3 năm 1946.
Tản cư về quê được mấy ngày, bố lại cùng với bác Phạm Giao và chú Tôn Thất Định ra Hà Nội tìm mấy người bạn quen, cũng vừa để dò xem tình hình. Vừa đến phố Hàng Bông, ba người bị công an bộ đội chặn lại, sau đó cả ba bị bắt, đưa đi biệt tích luôn kể từ ngày ấy, ngày 17 tháng 12 năm 1946.
Hàng Bông, con đường không dài lắm nhưng mang nhiều tên, nhiều mặt, lá mặt lá trái, mặt nổi mặt chìm. Đoạn trên là phố Hàng Bông Lờ, một đoạn khác Hàng Bông Thợ Nhuộm.
Hàng Bông, con đường oan nghiệt, còn ám ảnh mãi tâm trí tôi đến ngày nay ! Hàng Bông, hồi nhỏ tôi sợ nhất mỗi lần bố đưa đến bác Minh Sinh nhổ răng. Tôi sợ quá, khóc thét lên mỗi lần như vậy.
Hàng Bông, con đường tử biệt sinh ly ngày 17 tháng 12 năm 1946, bố tôi bị bắt, chú Tôn Thất Định và bác Phạm Giao bị bắt. Còn lại trên cuộc đời bất hạnh, ba bà quả phụ với ba đàn con mồ côi cha, nheo nhóc nhỏ dại.
Ở lại Tràng Cát chờ đợi, tìm kiếm tin tức bố lâu ngày không được, vào giữa năm 1947 mẹ tôi đem con cái "dinh tê." Về lại Hà Nội, gia đình tôi ở nhờ nhà bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đang bỏ trống, số 47 phố Lò Sũ, gần trường Hàng Vôi.
Mẹ đến thăm bác Tam gái ở hiệu bán cau khô Cẩm Lợi số 15 phố Hàng Bè, hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác trai vẫn còn lưu lạc bên Tàu, còn bố tôi bị bắt, bị giam không biết ở đâu.
Qua người bạn thân gia đình, mẹ tôi nhờ người gặp Võ Nguyên Giáp hỏi về trường hợp bố tôi. Theo người bạn trung gian nói lại, Võ Nguyên Giáp vắn tắt trả lời : "Rất tiếc ... Cách Mạng đã làm sai đường lối... "
Thế là hết, hết còn hy vọng ngày về của bố. Mặc dù vậy, sau Hiệp Định Genève năm 1954, mẹ còn nấn ná ở lại, cố gắng chờ đợi tin tức. Một chút hy vọng trong tuyệt vọng, may ra ! Cuối cùng mẹ đành ra đi trên chuyến máy bay cuối cùng di cư vào Nam.
Tại Hà Nội trước ngày di cư, gặp lại cô Diên, vợ tài tử Đoàn Châu Mậu, mẹ tôi có được vài tin tức về bố, có lẽ những ngày cuối cùng của bố tại trại tù Việt Bắc. Là tài tử lúc bấy giờ đang được "trọng dụng" trong đoàn văn công Việt Bắc, có một lần cô chú Mậu được vào trại tù Sơn La gặp bố tôi.
Chỉ có mấy năm xa cách, trông bố gầy yếu thảm đạm, vẻ mặt thoáng buồn, nhưng trong ánh mắt vẫn còn gợi chút gì đó con người nghệ sĩ trước đây, tâm hồn phóng khoáng tự do. Tạm biệt nhau, rời trại tù Sơn La, cô chú Đoàn Châu Mậu biếu bố tôi bao thuốc lá.
Cô Diên, chú Đoàn Châu Mậu, hai người duy nhất gặp bố tôi vài ba phút ngắn ngủi mấy năm sau cái ngày tang tóc buồn thảm ấy, ngày 17 tháng 12 năm 1946. Từ đó mẹ lấy ngày này làm ngày giỗ bố.
Tang thương dâu bể, cuộc đời chìm nổi đa đoan. Hết Hà Nội đến Sàigòn rồi Đà Lạt. Có điều an ủi là khi ra đi với gần như hai bàn tay trắng, mất hết cả rồi, mẹ tôi còn gặp lại người bạn cũ ngày xưa, bác Nguyễn Tường Tam.
Không còn bố, nhưng chúng tôi hãnh diện và cảm động được hai bác Tam bạn thân của bố làm chủ hôn đám cưới vợ chồng tôi tại Đà Lạt ngày 28-4-1956. Chiếc nhẫn cưới tôi đang trân trọng gìn giữ là quà tặng của hai bác, kỷ niệm đẹp vô ngần đối với thế hệ tôi và con cái tôi sau này.
Bác Tam qua đời năm 1963 và bố cũng biền biệt ra đi kể từ trận cuồng phong chính trị tang tóc năm 1946.
Bố ơi ! Con nhớ lắm, nhớ mãi, một thời nào trong ký ức con.
Cùng với tiếng reo hò vui mừng tự do, độc lập vừa chớm nở, hình như thoang thoảng nơi nơi tiếng hờn lịch sử khi những dấu hiệu bạo lực hung tàn của nhóm người vừa cướp được chính quyền bắt đầu xuất hiện.
Bố ơi ! Bố hiền từ, nhân hậu, bố sinh ra là nghệ sĩ và suốt đời là người nghệ sĩ. Tình yêu nghệ thuật đã gắn liền bố với tình yêu gia đình và tổ quốc. Con biết rõ và càng ngày càng hiểu rõ thêm, làm đẹp quê hương Việt Nam trước sau vẫn là ước vọng của bố, của các bác, các chú đồng hành, đồng chí hướng.
Bố đi rồi từ năm ấy. Sau 1975, mẹ can đảm ở lại, ở lại chờ ngày ra đi cùng với bố, ngày 21 tháng 12 năm 1979. Suốt đời làm vợ, làm mẹ, cô Nội hoa khôi Bắc Ninh ngày nào chỉ có được 10 năm ngắn ngủi hạnh phúc bên chồng. Riêng con chỉ được sống với bố, được nhìn thấy bố 7 năm trời tuổi ấu thơ bé bỏng.
Còn nhỏ, nhưng sau này con được nghe mẹ kể, và mẹ kể nhiều lần, mỗi lần nhớ thương bố. Có những đêm đi chơi về, bố lặng lẽ, rón rén vào phòng con gái bố đang nằm trong nôi, hai tay buông thả, hơi thở đều đều. Sờ lên má, lên tóc lưa thưa vừa chớm đen trên đỉnh đầu, bố khẽ hôn lên má, lên trán, chỉ sợ động đậy làm mất giấc ngủ con gái bố.
Bố ơi ! Như giòng huyết lệ chảy qua tim, huyết thống giòng họ Nguyễn Cát con mang trong người, ngôn từ nào nói được hết tình thương bố dành cho con; văn chương bút mực nào diễn tả được đầy đủ tâm tình con, lòng nhớ mong kính yêu bố mẹ muôn đời mãi mãi.
Mẹ ơi ! Mẹ đi rồi, mẹ để lại cho chúng con một gia tài vô giá : Sự hy sinh quý báu, lòng can đảm tận tụy phi thường, một thân một mình nuôi nấng dạy dỗ đàn con, nhờ đó chúng con có được như ngày nay.
Bố ơi ! Mẹ ơi ! Lưu lạc quê người, đã bao mùa lá đổ, bụi thời gian mờ phủ mái tóc, nhưng trái tim con vẫn mầu xanh cẩm thạch nước Hồ Gươm, vẫn là trái tim của bố, của mẹ.
Con nhớ mãi lời bố mẹ : "Con ơi ! Gắng học cho giỏi để mai sau dù làm nghề gì cũng giữ lòng dạ thẳng ngay, biết yêu thương người, yêu thương gia đình để có lúc, có ngày phụng sự đất nước quê hương."

Mùa Thu Cali 2005
Nguyễn Cát Minh Nguyệt

Nguồn: Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới
Chôm Chôm
#2 Posted : Thursday, March 30, 2006 12:51:33 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
HOÀI NIỆM

Dĩ vãng chôn vùi trong nhớ thương,
Hoàng hôn ngả bóng tóc pha sương.
Canh trường thao thức trăng mờ khuyết.
Gối chiếc khuê phòng lệ vấn vương.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
Chôm Chôm
#3 Posted : Thursday, March 30, 2006 12:54:57 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
XUÂN CẢM

Khai bút đầu Xuân nhấp chén say,
Nhớ người tri kỷ cuối trời mây.
Khói hương vọng tưởng đêm trừ tịch.
Từng cánh hoa lòng thổn thức bay.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt

Chôm Chôm
#4 Posted : Thursday, March 30, 2006 12:58:03 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
MƯA XUÂN

Cảm người sơ ngộ gặp hôm nao,
Tầm tã mưa Xuân ướt má đào.
Thầm hỏi tơ duyên từ kiếp trước ?
Cho hồn vương vấn buổi sơ giao.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt

Chôm Chôm
#5 Posted : Thursday, March 30, 2006 1:01:29 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
TƠ VƯƠNG

Gặp nhau mái tóc đã hoa râm,
Trăm mối tơ vương cũng lặng thầm.
Ánh mắt nhìn nhau, lòng nuối tiếc.
Thôi đành chôn dấu ở trong tâm !

Cali 2006
Nguyễn Cát Minh Nguyệt
Chôm Chôm
#6 Posted : Thursday, March 30, 2006 1:04:15 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
CHIỀU XUÂN

Mưa bụi chiều Xuân thấm mạch sầu,
Khơi nguồn nhung nhớ chảy về đâu ?
Phương trời xa thẳm vì sao lạc,
Mơ bóng quê xưa tóc điểm mầu.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
Chôm Chôm
#7 Posted : Thursday, March 30, 2006 1:07:19 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
ĐÊM XUÂN

Trên đỉnh mùa Xuân đêm pháo hoa,
Không gian tan loãng ánh trăng tà.
Sương lam buông phủ mờ nhân ảnh.
Đâu bóng anh và đâu bóng ta ?

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
linhvang
#8 Posted : Sunday, April 2, 2006 8:49:33 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
BIỂN CHIỀU


Trùng dương nhuộm ánh chiều tà,
Hồn theo mây nước biết là về đâu !
Mênh mông sóng vỗ thành sầu,
Hải âu viễn xứ bên cầu hoài hương.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
linhvang
#9 Posted : Sunday, April 16, 2006 1:22:57 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
PHIÊU LÃNG

Cỏ lạ hoa thơm thoảng gió bay,
Cho tình phiêu lãng đến nơi này.
Cho hồn tan biến lan vào mộng,
Cho ngất ngây đời mỗi phút giây.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt
linhvang
#10 Posted : Sunday, April 16, 2006 1:32:21 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
MẦU PHƯỢNG VĨ

Nhớ ngày tháng Hạ đã trôi qua,
Tình đến rồi đi nắng nhạt nhòa.
Tình ngỡ như quen mà thật lạ,
Thẹn thùng phượng đỏ thắm hồn ta.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt

linhvang
#11 Posted : Sunday, April 16, 2006 1:34:50 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
THU CẢM


Trời đã vào thu anh có hay ?
Sương thu lác đác gió heo may.
Hồ nghiêng bóng liễu buồn hiu hắt,
Vương mối tình thơ hoa bướm say.

Nguyễn Cát Minh Nguyệt

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.