Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

sách nhiễu tình dục
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, March 2, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sách Nhiễu Tình Dục, Sao Rắc rối Vậy?
Ðông Duy

Sách Nhiễu Tình Dục, Sao Rắc rối Vậy?
Ðông Duy

Ba mươi mấy năm trước, trong thời chiến tranh, ở một sở Mỹ vùng Đà Nẵng, một ông xếp trần như nhộng từ nhà tắm bước ra, vừa giả bộ lau người, vừa chỉ bảo một nữ nhân viên Việt Nam làm chuyện này chuyện nọ. Đây là một vụ sách nhiễu tình dục thô bỉ và trắng trợn, nhưng thời kỳ đó người ta chỉ nhao nhao cười ồ lên, hoặc ngượng tím mặt cúi đầu. Rồi mọi chuyện qua đi như chuyện khôi hài khó tin, nhưng có thật vì đồng lương sở Mỹ quá to, nó là an sinh hạnh phúc của cả một gia đình nên thủ phạm chỉ bị một bản án rất nhẹ là lời bàn tán của những nhân viên Việt Nam: “Thằng dịch vật... thằng dâm ô đạo lộ”...

VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ LÚC NÀO?
Thời đó người ta chỉ có danh từ quấy rối (harassing shelling) nhưng chưa có danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục).
Ngay ở nước Mỹ, danh từ sexual harassment chỉ mới có gần đây thôi, mặc dù các vụ sách nhiễu tình dục đã bắt đầu xẩy ra từ hơn nửa thế kỷ qua, từ những ngày chớm nở đệ nhị thế chiến khi người phụ nữ Hoa Kỳ phải bước vào xưởng máy của những đại công ty kỹ nghệ để vận chuyển guồng máy phục vụ chiến tranh khổng lồ của Hoa Kỳ dưới mỹ danh TT Roosevelt gọi: “Kho vũ khí của Dân Chủ và Tự Do”.
Kể từ ngày đó, những vụ sách nhiễu tình dục cũng cứ thế lớn dần theo những bộ y phục ngày một ngắn hơn, khiêu khích hơn của cuộc cách mạng tình dục và phong trào “phụ nữ đòi quyền sống”. Người ta nói rằng người phụ nữ được giải phóng nhưng thực ra họ tự mang trên cổ gông cùm mới, trong đó người đàn bà trở thành món đồ chơi, đồ trang sức của đàn ông để bầy biện trong các công xưởng, trong các Corporations. Ý niệm tôn trọng người đàn bà “lady” mảnh mai mà người đàn ông phải nương nhẹ, phải tôn trọng, phải nhường nhịn để xứng đáng là “gentleman” (nguyên nghĩa chiết tự là “người đàn ông dịu dàng”) mất dần đi và thay vào đó là một khát khao chiếm đoạt để thỏa mãn rất thú vật, để giải tỏa những căng thẳng, những áp lực trên thương trường ngày một khó khăn và phức tạp hơn.
Thống kê cho thấy những vụ ngoại tình thuộc loại “tao ngộ chiến” xẩy ra ngày một nhiều hơn trong các Corporations Hoa Kỳ, nhất là ở giai cấp chỉ huy. Ở ngoại diện nó chỉ được quan niệm như lối sống tình dục chủ yếu rất Hoa Kỳ, nhưng chiếu rọi vào chi tiết, hầu hết những vụ ngoại tình hoặc “trao đổi dâm tình” này đều ít nhiều mang tính cách của một vụ sách nhiễu tình dục, trong đó người đàn bà, kể cả đàn bà Mỹ chỉ là những con mồi mang ảo tưởng là mình tự do chủ động nhưng thực ra họ đã bị sa bẫy hoặc bị dồn vào thế kẹt trong thế giới vốn độc quyền cho đàn ông của các Corporations.
Những khảo cứu mới nhất cho thấy sách nhiễu tình dục không phải là chuyện hiếm có, trái lại nó là chuyện xẩy ra thường ngày và ảnh hưởng tới đời sống của 60% phụ nữ trong guồng máy lao động. Một tỷ lệ tương tự cũng được ghi nhận tại các trường trung học và đại học.

NGHIÊM TRỌNG
Sách nhiễu tình dục hiện nay là viên thuốc độc bọc đường, vì những cuộc nghiên cứu cho thấy không như những chuyện tán tỉnh bình thường giữa nam và nữ, phát xuất từ bản năng tình dục và được giới hạn trong những quy ước đạo đức và bản năng hướng thượng của con người. Trái lại đây là một sỉ nhục cho phụ nữ và đôi khi tạo nên những hậu quả nguy hiểm không chỉ cho cá nhân các đương sự mà còn “di lụy cho nhiều người liên hệ”... (nền tảng gia đình, trật tự xã hội).
Nhiều nạn nhân của các vụ sách nhiễu tình dục đã bị khủng hoảng trầm trọng, bị dầy vò trong hối hận và tủi nhục vì đã không có gan chống cự, bởi yếu lòng, khiến gia đình, hạnh phúc tan nát nên đã bỏ sở làm, bỏ học. Phần lớn những nạn nhân đều trải qua những cuộc khủng hoảng tâm thần trầm trọng mang theo những căn bệnh thực sự.
Vấn đề sách nhiễu tình dục hiện cũng là một vấn đề lớn của nước Mỹ vì không chỉ nạn nhân đau khổ mà trong một số trường hợp, chính thủ phạm cũng trở thành nạn nhân. Họ đã phạm tội vô tình vì đã coi nhẹ vấn đề khi cho rằng những hành động của họ chỉ là chuyện thường tình, chuyện đương nhiên. Đàn bà là để đàn ông săn đuổi và thống trị nếu họ gia nhập trong thế giới của đàn ông. Nhiều người đàn ông có uy thế và địa vị xã hội đã kẹt vào những vụ rắc rối như vậy. Gần đây và cao tầng nhất là ông Tổng Thống kiêm nhạc sỹ saxo Clinton; nổi tiếng như cháu Tổng Thống Kennedy; quan quyền như Phụ tá Cảnh sát Trưởng quận Cam, vô danh như mấy cậu bé Việt Nam trong vụ hiếp dâm ở vườn Cam.
Quan niệm vô tội nếu có đồng tình không còn được nhìn đơn giản như ngày trước nữa.
Dirty joke (chuyện tiếu lâm) vốn là một sinh hoạt thường tình trong các party hoặc trong nơi làm việc dù chỉ xẩy ra trong kín đáo giữa hai người, không còn là chuyện thường tình nữa mà có thể được coi là một vụ sách nhiễu tình dục vì người nghe bất thần không đồng tình, hoặc người nói không dự đoán đúng mức phản ứng của người nghe.
Chuyện này đã xẩy ra cho một ông thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ khi ông ta nói đùa với một nữ cộng sự viên: “Không biết lông của ai lẫn vào ly cà phê của tôi...”
Cách đây không lâu, ở Orange County có xẩy ra một vụ án hiếp dâm ở vườn Cam, trong đó một vài thiếu niên Việt Nam đã bị án tù lên đến vài trăm năm, mặc dù người con gái trong nội vụ xác nhận trước tòa rằng cô ta là gái “đi khách bán thời gian” (nhẩy dù). Dù là gái điếm nhưng khi người con gái nói “thôi”, hoặc “stop” mà đối tượng vẫn tiếp tục là bắt đầu bước vào lãnh vực harassment.

BIÊN GIỚI
Trong thực tế, biên giới của vấn đề sexual harassment hoặc discrimination (kỳ thị) rất mù mờ, bao quát, muôn hình vạn trạng, thay đổi tùy chủng tộc, hoặc di sản văn hóa của từng cá thể nhưng định nghĩa chính là “những hành động, lời nói, cung cách, chủ trương của một người, một công ty đã đưa đến những tổn hại tinh thần và vật chất cho một con người”. Sự đánh giá mức tổn hại này rất chủ quan, tùy khả năng chịu đựng hoặc cảm nhận của từng cá thể.
Người ta cố gắng đưa ra một số định nghĩa pháp định cho về vấn đề này, nhưng cho đến nay mọi vụ thưa kiện đều phải được tranh luận trên căn bản từng vụ một và được soi sáng qua những án lệnh.
Để có một ý niệm dẫn nhập trong vấn đề này người ta có thể mô tả các hành động “sách nhiễu tình dục tương tự với một hành động kỳ thị, miệt thị giữa giống đực và giống cái hoặc quan điểm tình dục” (sex discrimination, sexual preference...)
Nói chung, sex discrimination (kỳ thị tình dục) ở nơi làm việc, (bao gồm cả sách nhiễu tình dục) là chuyện mà cả luật pháp Liên Bang lẫn Tiểu Bang đều cấm đoán. Luật chống kỳ thị của Liên Bang được các tòa án tham chiếu và được biết đến dưới điều khoản “Tile VII”. Đạo luật này tương tự như đạo luật chống kỳ thị của Tiểu Bang California còn gọi là “FEHA” tức là Fair Employment and Housing ACT (luật bảo vệ công bằng lao động và nhà cửa).
Ở California, nhân viên nếu bị sách nhiễu tình dục có thể thưa trước tòa dựa vào nền tảng của luật FEHA (Tiểu Bang) hoặc Title VII (Liên Bang).
Theo quy định của luật FEHA, người chủ của một công ty sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường, trả lương truy lãnh (pay back) hoặc ngay cả những khoản tiền lương sau khi thôi việc (pay front) ngay cả có thể sẽ bị cưỡng bách tái thu dụng những nạn nhân trong các vụ sách nhiễu hay kỳ thị tình dục.
Hơn thế nữa, chủ nhân còn phải bồi thường những thiệt hại tinh thần vì bị khủng hoảng hoặc những bồi hoàn mang tính cách trừng phạt cho nạn nhân (Punitive Dammage). Cả luật Liên Bang lẫn Tiểu Bang đều cho đòi bồi thường thiệt hại hoặc tiền luật sư cho người thắng kiện.

PHÂN LOẠI TỔNG QUÁT CÁC VỤ SÁCH NHIỄU TÌNH DỤC
Chiếu chi những án lệ về sách nhiễu tình dục người ta thấy luật Liên Bang lẫn Tiểu Bang chia các vụ sách nhiễu ra làm hai loại chính.
a/ Loại “quit pro quo” (có đi có lại)
b/ Loại “Envionmental Sexual Harassment” (sách nhiễu môi sinh hay khung cảnh sinh sống làm việc)
Những danh từ pháp lý này thật khó, có thể hiểu nhầm nghĩa, thường chỉ có thể hiểu được qua những định nghĩa thật phức tạp hoặc sự tranh luận của luật sư và phán quyết của tòa án nhưng đại khái “quit pro quo harassment” là dùng áp lực đòi hỏi tình dục, tán tỉnh một đối tượng mà không có sự đồng tình (Unwelcome Sexual Advance), hoặc đòi ân ái để đổi lấy ơn huệ hoặc che chở biệt đãi một người.
Bên cạnh sách nhiễu tình dục, người ta còn trù liệu một khoản là “làm việc trong một khung cảnh thù nghịch” (Hostile work Environment). Như một công ty tạo nên, hoặc bao che, khuyến dụ một khung cảnh làm việc mang tính cách thù nghịch, đe dọa, khiêu khích, căng thẳng.

VÀI ĐIỂN HÍNH VỀ SÁCH NHIỄU LOẠI “CÓ ĐI CÓ LẠI”
1. Ông supervisor đe dọa nữ nhân viên dưới quyền là sẽ giáng cấp, bớt lương, sa thải nếu kháng cự lại sự tán tỉnh của ông ta.
2. Nữ nhân viên cự tuyệt sự tán tỉnh của ông xếp sau đó bị ông manager đuổi việc vì xin nghỉ bệnh.
3. Thư ký từ chối không ngủ với khách hàng dù người chủ qua lời nói, đòi hỏi, cách cư xử đòi hỏi người làm phải thuận theo như một điều kiện để giữ job.
4. Thượng cấp nói chuyện với nhân viên về những điều kiện của chức vụ hoặc tiêu chuẩn thăng thưởng ngay sau khi ngỏ ý muốn cô ta làm tình bằng miệng (oral sex).
Tòa án cho rằng đây là một vụ quấy rối tình dục thuộc dạng “có đi có lại mới toại lòng nhau”.
Tương tự, nhưng nguy hiểm hơn là những trường hợp ban ân huệ, biệt đãi nhân viên mà thượng cấp đòi trả bằng sex. Trường hợp này trầm trọng hơn vì “chuyện đã thực sự xẩy ra”, đã có bằng chứng, không chỉ là một điều kiện hoặc một đề nghị.
Nhân viên có thể khiếu nại là họ đã không được đối xử công bằng, đã bị ngược đãi khi nhân viên khác trong những điều kiện tương tự lại được hưởng vì có quan hệ xác thịt với thượng cấp.
Trong trường hợp này, người ta quan niệm rằng chủ nhân hoặc các cấp chỉ huy trong công ty hàm ý rằng các nhân viên khác nếu không thuận theo những đòi hỏi tình dục sẽ không được hưởng các quyền lợi.
Trong trường hợp này người chủ có thể bị nhân viên hoặc nhiều nhân viên hay toàn thể các nhân viên trong hãng đưa ra tòa.
Quan điểm này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng xét kỹ nó không những mang tính cách kỳ thị (discrimination) mà còn là một sự áp đặt mang tính chất sách nhiễu tình dục. Ở đây là sự đối xử kỳ thị giữa một phía là những nhân viên bán thân cung cấp sex và những người ngay thẳng còn lại. Tình trạng kỳ thị này tuy là chuyện cá nhân nhưng ám thị ngầm như một điều kiện để khuyến dụ các nhân viên khác phải hành động tương tư, tức là dâng sex cho xếp để đổi lấy ân huệ. Điều này được quan niệm như sự nhục mạ đối với những nhân viên công chính và đặt họ trong một tình trạng bất ổn vì lo sợ bị trù yểm.

ĐIỂN HÌNH VỀ SÁCH NHIỄU VÌ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC THÙ NGHỊCH
Sách nhiễu trong trường hợp này bao gồm cả chủ nhân, Ban Giám Đốc hoặc các đồng nghiệp trong việc tạo nên, hoặc chủ trương, hoặc cổ võ hoặc bao che những hành động đe dọa một hay nhiều nhân viên, để tạo không khí làm việc căng thẳng, thù nghịch, mang lại lợi nhuận cho công ty hoặc đơn giản chỉ vì sự lơ là bất cẩn hoặc vô trách nhiệm.
Hội đồng quản trị của công ty có thể ngụy tạo một tình trạng căng thẳng về tài chính không ngoài mục đích ngừng tăng lương, gián tiếp khiến nhân viên phải làm việc nhiều hơn vì lo sợ lúc nào cũng bị sa thải.
Thí dụ Ban Giám Đốc lơ là, không giải quyết, coi thường những vụ tấn công tình dục, tán tỉnh không được thuận tình, đòi hỏi sex, hoặc nói, hoặc hành động có nội dung mang tính chất tình dục.
Khác với trường hợp sách nhiễu kiểu “có đi có lại” là trường hợp những vụ sách nhiễu liên quan đến môi sinh, người khiếu nại không cần phải chứng minh về những thiệt hại vật chất hoặc ảnh hưởng tới sự thăng tiến nghề nghiệp.
Chỉ cần có lý do hợp lý là không khí làm việc quá khắt khe hoặc có nhiều trở ngại mà nhân viên vẫn phải chịu đựng vì ràng buộc kinh tế.
Khiếu nại về không khí làm việc khắt khe thù nghịch, nhân viên cần viện dẫn những lý do sau đây.
1. Họ phải làm việc trong môi trường mà những vụ sách nhiễu tình dục diễn ra một cách đương nhiên, thường xuyên.
2. Có những vụ tán tỉnh gạ gẫm ngoài ý muốn, không được sự thuận tình của đối tượng.
3. Những vụ sách nhiễu xẩy ra mang tính cách nghiêm trọng (ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống nhân viên và không nhất thiết liên quan trực tiếp tới người đứng ra khiếu nại).
Những vụ sách nhiễu này xẩy ra thường xuyên gây bất lợi đến công việc của người khiếu nại và tạo nên một không khí lạm dụng và áp đảo.

VÀI ĐIỂN HÌNH ĐỂ SO SÁNH TRƯỜNG HỢP SÁCH NHIỄU TRONG MÔI SINH LÀM VIỆC
1. Áp đảo bằng lời nói (Verbal Harassment) kể cả việc đặt những tên gọi, biệt hiệu có tính cách chế nhạo, châm chọc.
2. Bình phẩm làm mất tiếng nhân phẩm, ăn nói tục tĩu, khiêu dâm.
3. Bạo hành bằng võ lực, tấn công, chặn đường, hoặc mọi hành động nhằm ngăn chặn cản trở công việc bình thường của cá nhân nhất là khi hành động này có căn bản là một sự kỳ thị nam nữ.
4. Cũng được kể là sách nhiễu bằng thị giác khi treo, dán những hình ảnh hí họa có tính cách thóa mạ cá nhân dựa vào sự khác biệt nam nữ.
- Treo hình bà thật mập, na ná một người làm cùng sở với hàng chữ: “Đố biết ai đây”. Vẽ hình người đàn bà hở hang, dán hình tượng người đàn bà phục dưới chân đàn ông với hàng chữ: “... Chúa tạo ra đàn ông trước nhưng từ sau đó các đấng đàn ông đều từ cửa này mà ra...”
Đài truyền hình số 4 gần đây đã làm một cuộc thăm dò cho thấy là chỉ cần để ảnh bồ hay vợ mặc bikini, để hình cởi truồng trong báo playboy trên bàn làm việc cũng có thể bị kể là sách nhiễu tình dục “bằng mắt”.
Nên nhớ là những hành động không hề mang căn bản tình dục vẫn bị kể là sách nhiễu tình dục nếu những hành động này dựa trên hoặc phát khởi từ sự kỳ thị mang tính miệt thị, phân biệt nam nữ.
Vụ án tại California năm 1993, nữ cảnh sát viên thưa sở cảnh sát sách nhiễu tình dục không phải vì cô ta bị đồng nghiệp hoặc thượng cấp làm ẩu mà vì cô thường xuyên bị đồng nghiệp châm chọc, đe dọa, hất hủi vì làm một công việc mạnh bạo chỉ dành riêng cho đàn ông.
Trong trường hợp này lời khiếu nại dựa vào sự kỳ thị hoặc sách nhiễu trên căn bản khác biệt phái tính nam nữ.
Thí dụ khi điều tra một vụ hiếp dâm, nam cảnh sát có thể nói đùa là coi chừng cô sẽ biến thành nạn nhân... Câu đùa này hàm ý miệt thị là đàn bà không đủ khả năng làm cảnh sát...
Một điều cần nhấn mạnh là “yếu tố thuận tình” không phải là chuyện quan trọng vì phán quyết của tối cao pháp viện đã nói rằng ngay cả hành động đồng tình có thể trở thành không đồng tình bất cứ lúc nào, do đó người ta thường phải nhìn vào toàn bộ của sự việc để tìm hiểu những gì xẩy ra trong khoảng xám giữa mầu trắng và mầu đen, giữa thật và giả.

VỚI VỢ
Nói quá đáng ra, người đàn ông ngủ với vợ có thể phạm tội sách nhiễu (nói nôm na là tội mè nheo) hoặc nặng hơn tội hiếp dâm người hôn phối (marital rape) nếu vào một lúc nào đó giữa cuộc mây mưa người đàn bà không thuận tình và bắt “thôi” (stop) mà người chồng không chịu thôi. Chưa có vụ nào ngược lại trong đó người đàn ông nửa chừng la “thôi”.
Vụ điển hình mới nhất cách đây không lâu là chuyện anh phóng viên thể thao Marv Albert bị người tình 10 năm thưa ra tòa về tội sách nhiễu tình dục.
Người đàn bà tố cáo là Albert bắt cô ta làm tình tay ba (hai ông một bà) không được, nên đã nổi sùng cắn nát lưng cô và bắt ép làm tình bằng miệng. Albert khai là trong suốt 10 năm quen biết chuyện cắn cấu hay làm tình bộ ba là chuyện vẫn được người đàn bà chấp nhận và thuận tình... Tuy nhiên như đã nói, dựa vào phán quyết của tối cao pháp viện, phút trước OK, phút sau không OK vẫn là phạm tội như thường.
Chuyện vợ thưa chồng cưỡng hiếp là chuyện quá đáng nhưng đã xẩy ra (Statutory rape hoặc marital rape), tương tự như làm tình với gái vị thành niên. Nhưng trong thực tế ở khoảng xám của các vụ sách nhiễu tình dục thường rất phức tạp khiến khó có thể phân định thế nào là đồng tình hoặc không đồng tình. Chính vì thế mà thống kê cho biết là 80% những vụ sách nhiễu tình dục đã không bị mang ra ánh sáng hoặc bị thưa kiện.
Tại sao vậy?
Lý do là đằng sau những vụ sách nhiễu tình dục có nhiều yếu tố hệ lụy khiến sự phân định đúng sai, OK hay không OK, khó có thể khẳng định hoặc giới hạn trong không gian hoặc thời gian.
Người ta sợ bị mất việc, muốn kiếm thêm tiền, lưỡng lự trong việc phản đối quyết liệt ngay từ đầu, khiến tình trạng ngày một trở nên tồi tệ và sau đó lỡ trớn luôn vì cảm thấy hổ thẹn nên tự quy trách vào mình. (CÒN TIẾP)

NGẠI NGÙNG
Phụ nữ Á châu thường rơi vào trường hợp này khi những ông xếp người da trắng gọi họ là những exotic doll (búp bê hiếm lạ). Giáo dục và nền tảng văn hóa của những người đàn bà Á châu vốn bị động, chịu đựng, phản ứng tiêu cực nhất là có mặc cảm phạm tội về sex. Họ thường giấu kín những hổ thẹn khi bị xâm phạm phẩm hành thay vì ồn ào phản đối.
Trong một cuốn phim về sexual harassment có đoạn một anh chàng người Nhật là CEO, nhân viên cao cấp trong hội đồng quản trị một hãng ở Tokyo. Trên một chuyến xe điện chật cứng người, bữa đó, anh ta ngồi ở đìa ghế và đứng sát cạnh ngay anh ta là một thiếu nữ xinh đẹp mặc váy ngắn. Bỗng nhiên bị kích thích, anh chàng bèn thò tay vào trong váy cô ta và sờ soạng. Cô gái đứng im chịu trận cho đến lúc đạt khoái cảm tột đỉnh và sau đó ngượng ngùng vội vã rời khỏi xe.
Một người bạn đặt câu hỏi là anh ta không sợ cô gái la lên hay sao?...
Câu trả lời là:
- Là phụ nữ Nhật, cô ta sẽ quá thẹn thùng và xấu hổ để la lên.
Nhìn lại diễn tiến của vụ sách nhiễu tình dục này, quan điểm của người ta có thể khác nhau. Người ta có thể cho rằng cô gái thích thú chuyện này nên đứng yên thụ hưởng khoái cảm nhưng nếu nhìn vào tâm lý của người đàn bà Á châu, đây là hành động bị làm nhục, bị ô uế. Lịch sử và dã sử cho thấy nhiều người đàn bà Á châu đã tuẫn tiết sau khi bị cưỡng hiếp. Họ không gọi đó là cưỡng hiếp mà gọi là thất tiết.
Một người đàn bà bị cưỡng hiếp vốn không có tội, họ là nạn nhân, lạ thay họ lại tự quy trách vào mình và mặc cảm phạm tội này thể hiện bằng hành động tự tử. Những danh từ như thất tiết, ô nhục, cho thấy người đàn bà Á châu vẫn nghĩ rằng họ có nhiệm vụ phải tự bảo vệï phẩm hạnh trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy khi vì bất cứ lý do nào không hoàn tất được nghĩa vụ này, họ tự quy trách vào mình và cách giải quyết là tuẫn tiết.
Hiện nay phản ứng của người phụ nữ Á châu không quá khích như ngày xưa nhưng bản thể thụ động và mặc cảm phạm tội trong vấn đề tình dục này vẫn còn. Chính vì thế mà các vụ sách nhiễu tình dục nhắm vào đàn bà Á châu đã và đang diễn ra hàng ngày mà hiếm khi có vụ khiếu nại ồn ào. Phản ứng mạnh mẽ nhất là một phản ứng thụ động coi như không nghe, không thấy hoặc xin nghỉ việc nếu hoàn cảnh cho phép.

Năm 1975, một người Mỹ vào trại tỵ nạn xin bảo trợ một thiếu nữ độc thân đi tỵ nạn một mình. Ngày đầu tiên khi đón cô ta về nhà, hắn ta nghễu nghện mặc quần lót đi lại trong nhà hoặc ngang nhiên vào phòng tắm khi cô này đang tắm, lấy cớ đưa cục xà bông hoặc chiếc khăn. Hắn ta làm bộ như đó là chuyện thường tình của đời sống Hoa Kỳ. Cuối cùng cô gái phải trở lại trại tỵ nạn để xin sponsor khác, lý do rất đơn giản và hiền lành: “Không hợp với người bảo trợ”. Vậy thôi.
Cũng vào khoảng 1975, một người Mỹ vào một tiệm phở của một người Việt Nam ở đường First tán tỉnh bà chủ quán, dù bà ta cho biết đã có gia đình. Gã đàn ông nham nhở và lịch sự một cách lỳ lợm nói: “Tôi say mê bà và xin công khai tán bà”...
Cách giải quyết vẫn rất êm đềm kín đáo trong hai chữ: “I am sory...”
Phụ nữ Hoa Kỳ tuy tích cực, chủ động hơn trong vấn đề tình dục nhưng phần lớn những vụ sách nhiễu tình dục cũng không được đưa ra ánh sáng nhiều vì người ta không thể ấn định rõ giới hạn thời gian và không gian của một vụ sách nhiễu tình dục. Câu hỏi đặt ra là từ lúc nào và ở đâu được kể là một vụ sách nhiễu.
Trong trường hợp cô gái trên xe diện, không ai cấm cản là trong giây phút đầu cô ta cũng cảm thấy thích thú bị sờ mó lén lút. Những thú tính trong con người có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào nhưng luật về sách nhiễu cho rằng “Tôi có quyền quyết định bất cứ lúc nào sự sổng cương dục tính của con thú dục này”. Chính vì thế mà yếu tố thuận tình hay không thuận tình trong một vụ sách nhiễu không phải là một yếu tố quyết định. Người ta có thể khiếu nại, thưa kiện bất cứ lúc nào và ngay cả có thể khai ngược lại một cách dễ dàng.
Tại sao luật pháp lại có vẻ lỏng lẻo hoặc quá dễ dãi trong những vụ sách nhiễu tình dục như vậy. Lý do vì phần lớn những vụ sách nhiễu tình dục đã không xẩy ra một cách minh bạch hoặc trắng trợn như trường hợp một ông chủ hoặc ông xếp tán tỉnh, nói tục tĩu trước mặt cô thư ký... hoặc thò tay bóp đại...
KHÓ PHÂN ĐỊNH
Rất nhiều vụ sách nhiễu đã diễn ra trong những điều kiện hoặc bối cảnh mà người ta khó phân định. Thí dụ một ông bác sĩ đỡ đẻ khi khám “tiền sản khoa” có thể sờ mó nặn bóp nữ thân chủ tùy thích hoặc quá đáng ngay cả nói những chuyện tục tĩu nguy ẩn dưới hình thức những lời khuyên có tính cách y khoa, đặt những câu hỏi liên quan đến sinh hoạt tình dục rất thầm kín riêng tư của người sản phụ.
Vì không mấy ai có kinh nghiệm hoặc dự liệu hết mọi trường hợp nên người phụ nữ có thể đã trả lời hoặc không trả lời hoặc đặt ngược lại câu hỏi là những thắc mắc của ông bác sĩ đỡ đẻ có cần thiết hay không, hoặc tham khảo với một bác sĩ khác.
Vì thế mà luật có định nghĩa là: “Ngay cả khi một người hành xử có tính cách xúc phạm không dụng tâm làm khó chịu hoặc tổn thương người khác, tội danh “sách nhiễu tình dục” vẫn hiện hữu”. Yếu tố quyết định là những hành động, lời nói có bị đối tượng cảm nhận một cách hợp tình là xúc phạm hay không.
Sự cảm nhận này có thể tức thời hoặc qua một thời gian suy nghiệm.
Người sản phụ trả lời những câu hỏi của ông bác sĩ có thể chỉ phát hiện ra những xúc phạm, những lạm dụng rất lâu sau đó khi đọc báo, khi nói chuyện với bác sĩ sản khoa khác...
Tính xúc phạm cũng thay đổi với tập quán và văn hóa. Người Tây Phương nếu thân tình có thể ôm vợ bạn hôn lên má hoặc ngay cả hôn nhẹ lên môi (khác với điều mà người ta gọi là deep kiss) nhưng hành động này là một xúc phạm mạnh đối với người Á châu.
Tất nhiên khó có thể kết tội một người Âu châu làm chuyện ôm hôn vợ bạn vì khi phán xét về một vụ sách nhiễu tình dục người ta phải nhìn vào toàn bộ diễn tiến của sự việc.
Luật nói rằng: “Nếu một người tiếp tục cách hành xử của mình sau khi đã nhận được những tín hiệu cự tuyệt, rõ ràng đây là một vụ sách nhiễu”...
Trường hợp dưới đây xẩy ra cho một phụ nữ Mỹ nhưng hãy thử tưởng tượng nội vụ sẽ diễn tiến thế nào nếu là một phụ nữ Á châu:
Cô thư ký xinh đẹp đã có chồng được ông xếp say mê. Mới đầu là khen tặng, nâng đỡ, sau đó tán tỉnh một cách trực tiếp hơn. Ông xếp tìm mọi cách để có những va chạm có vẻ vô tình nhưng mang tính khích động... Cô thư ký không phản đối vì nghĩ không có gì tai hại hoặc mất thể diện vì mọi chuyện diễn ra trong kín đáo giữa hai người trong những lần ông xếp tìm cách giữ cô thư ký ở lại làm overtime hoặc đi công tác xa. Cho đến một lần đi công tác xa, sau khi đi ăn và uống chút rượu với xếp, cô yếu lòng để ông xếp ôm ấp sờ mó...
Đối với phụ nữ Tây Phương, câu chuyện đến đây có thể tiếp tục hoặc có thể chấm dứt nhẹ nhàng sau khi cô ta nói thẳng “that’s enough” hoặc cô ta có thể thưa ông xếp sách nhiễu tình dục.
Đối với phụ nữ Á châu, vấn đề không đơn giản như vậy. Phụ nữ Á châu sẽ cho rằng chuyện xẩy ra hoàn toàn lỗi tại họ. Chính mặc cảm phạm tội này khiến người phụ nữ Á châu không mấy khi dám mang nội vụ ra phản đối và tệ hại hơn là đối với họ “đã bị rồi là cho bị luôn”. Chính ý nghĩ này đã đưa đến những đổ vỡ trầm trọng hơn trong hạnh phúc gia đình và khiến họ không còn sáng suốt để nhận diện thủ phạm.

Số tới: Nhận diện chi tiết các yếu tố sách nhiễu tình dục. Làm sao ngăn cản... làm sao phản đối.


vietweekly.com
6/9/2005
http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw3n24/congDong/sachNhieuTinhDuc.html
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.