Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tôn Nữ Lệ Ba
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, February 26, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

LỆ BA, SỰ HÌNH THÀNH CỦA MỘT OPERA VIỆT NAM

Nguyễn Phương Minh

15 năm phong trần, 15 năm đưa Kiều qua cuộc lữ thời tính hóa, 15 năm đưa Kiều thăng trầm qua những kinh nghiệm đau thương nhất của kiếp người, 15 năm ấy, cho dẫu có được cho tạm dừng bằng bây giờ là đây, cũng chỉ là lời quê hay sao?




LTS: Hong-Lac Vietnamese Music & Dance Ensemble vừa phát hành CD-KIỀU với giọng ngâm Dr. Tôn Nữ Lệ Ba. CD-Kiều gồm hai đĩa CD và một booklet dày 32 trang bổ túc cho hai CD về hai mặt (1) tìm hiểu thân thế và sự nghiệp Nguyễn Du bằng cả ba tiếng Việt, Anh và Pháp; (2) các câu thơ tuyển trong CD kèm theo với làn điệu diễn ngâm. Mọi chi tiết về CD-Kiều, xin quý vị liên lạc về địa chỉ: 772A Dundas St. West, 2nd Fl., Toronto, Ontario M6J 1V1 Canada. Tel: (416) 603-6060; Fax: (905) 566-5219; e-mail:honglac@canada.com. Chị Lệ Ba đã co' nhiều buổi trình diễn ở Canada, Úc, Texas, và mới đây nhất hai buổi ở Nam Cali.



******



Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh

Lời quê sao?

15 năm phong trần, 15 năm đưa Kiều qua cuộc lữ thời tính hóa, 15 năm đưa Kiều thăng trầm qua những kinh nghiệm đau thương nhất của kiếp người, 15 năm ấy, cho dẫu có được cho tạm dừng bằng bây giờ là đây, cũng chỉ là lời quê hay sao?

Mà nào phải đâu điều đó không có lời đồng vọng, Hơn 200 năm sau, có người cũng lời quê không kém:

Dồn trăm năm lệ điệu cười hôm nay
(Bùi Giáng)

Không lời quê sao được, là vì có ai lại đem trăm năm lệ đổi lấy cuộc cười bao giờ. Có chăng?

Và cả hai đều chỉ lấy cái vui để biện minh cho sự góp nhặt. Trên những vỉa hè Sài Gòn, sau những cuộc tỉnh mê, sau những cơn phóng bút ghi lại những đỉnh xúc cảm có được từ những kinh và nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, từ những từ cổ lục tới tân thanh lẩy bẩy, được hỏi tại sao làm thế, nhà thơ họ Bùi chỉ lãng đãng nói - như trong cơn mộng du - chỉ vui thôi mà!.


Gần 30 năm đã qua. Nhìn lại, tất cả như một giấc mơ, mà không được là một giấc mơ quay chậm. Nhìn lại tất cả như một chuỗi những có-không chen chúc nhau, và càng soi lại, càng thấy hình như cái không, cái vô hình càng lúc càng khẳng định vị thế ưu thắng của nó. Nhìn lại một cuộc tập họp bạn bè đông đảo ngày nào, cố moi trí nhớ, cố sống lại cái cảm giác của lúc đó, cố diễn tả lại cái xúc động của một lúc chung quanh vui vầy, cố lắm thì chỉ buông được vui, vui lắm !!!. Thế thôi. Ta có thể ghi được lại những khuôn mặt của ngày hôm đó, có thể kể lại ngay cả những mẩu chuyện tiếu lâm làm nền cho những cơn cười rộ, có thể thuật lại nhiều thứ lắm; nhưng ngày đó ta sống như thế nào, cảm giác ta ra sao, ta có vui thật đấy, nhưng có vui liên tục không, và cường độ của cái vui đó ra sao - ngoài cái biết là vui - thì không mấy ai ghi nhận được. Vui vầy cơ mà. Vầy cuộc hội để mà vui, ấy thế mà khi tàn cuộc, mục tiêu chính tìm vui của cuộc hội lại không được ghi nhận rõ ràng. Hóa ra ta chỉ sống chung chung sao !? Hình như tất cả tưởng chừng như là hư sự. Điều vui đã thế còn nói chi đến sầu khổ. Điều đau buồn ta càng tránh không dám sống. Ta để cái sầu khổ lôi kéo ta đi, ta không dám đối diện với nó, ta chỉ thấy cái sau lưng của nó. Vì thế, khi nó trở lại ám ảnh ta, bủa vây ta, đánh thức ta dậy bằng những cơn mộng mị làm chín kiếp người, ta bất lực trước nó, vì ta không nhận chân được nó, vì ta không dám - một lần cho tất cả - giáp mặt với nó.

Vì thế khi có người sau hơn 3000 câu lục bát - dầy hơn bất cứ cuộc vui vầy nào, dài hơn bất cứ nỗi đau nào - mà vẫn còn ghi nhận được điều vui; khi mà có người sau những cuộc lang thang những tưởng đầu đường thương xó chợ / nào ngờ xó chợ chẳng thương nhau mà vẫn buông được chỉ vui thôi mà, ta chợt hiểu đã có người không để cho cái buồn-vui lôi mình đi; đã có người - không những dám nhìn thẳng vào nỗi đau-buồn làm nền Cõi Mình - mà còn đủ trầm tĩnh để ghi nhận nỗi xúc cảm dấy lên từ kinh nghiệm sống đó qua ... thơ! Và như thế, họ được/bị sống gấp ba; một lần khi sống trải, một lần khi ghi nhận và một lần khi pha-la-hóa cảm xúc đó bàng thơ. Được là vì họ sống niềm vui gấp ba, và bị là vì họ sẽ phải trải cái buồn cũng gấp ba.

Thiên tài Nguyễn Du không chỉ dừng ở đó. Ông không chỉ ghi nhận và cô động cảm xúc qua thơ, ông không chỉ dầy đặc tác phẩm Kiều với những những đỉnh cảm xúc, dầy đặc đến độ gần như mỗi câu thơ có đời sống riêng của nó và đủ sức cất cánh bay bổng khẳng định sự độc lập so với toàn khối, ông còn đẩy những cảm xúc đó đi mãi trên cuộc lữ truy tầm khắc khoải sâu thẳm nhất của kiếp người: ta tự do đến mức nào? đâu là bến-bờ-tự-do của Cõi Riêng của ta?

Tự do là tiền đề của Kiều, Nguyễn Du khởi đi từ tự do, Có trời mà cũng tại ta. Nhưng ông cũng đồng thời ghi nhận những bờ chắn của sự tự do đó. Giới hạn - rất hiển nhiên - bởi môi trường xã hội ta sống, bởi hoàn cảnh kinh tế, bởi tông tộc, bởi vốn/nợ tiền kiếp ta mang vào đời ... Ngoài chiều kích rất thực đó, Nguyễn Du đưa vào một chiều kích không kém thực khác, nhưng rất khó nắm bắt, đó là cái giới hạn do chính mình tạo ra và tự mình buộc mình vào. Với Kiều đó là Lại mang lấy một chữ tình / Khư khư mình buộc lấy mình vào trong; với Kim Trọng, đó là Bao nhiêu của, mấy ngày đàng / Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi !. Ở mỗi chúng ta, sư bám viứ đó có thể là một mùi hương, một bóng hình, một món ăn, một bổng lộc, một áo xiêm, một dự án phải thực hiện cho bằng được, một toan tính phải sắp xếp cho xong ... Chính phản ứng của ta trong chừng mực của những giới hạn đó làm nên cõi riêng của ta, vạch ra cuộc lữ thòi tính hóa của ta; và sự tương tác giữa các cõi riêng làm nên trùng trùng gắn bó trong cuộc sống. Mỗi tương tác qua lại - theo lối hồi âm kép (feedback loop) - làm dầy thêm mỗi cõi riêng và cùng lúc làm cho mỗi cõi bớt riêng.

Chính từ sụ truy tầm cái chừng mực tự do trên tiến trình lữ thứ thời tình hóa làm nên một kiếp người mà Nguyễn Du đưa tâm thức Việt - tâm thức chim Lạc mà mãi mãi trời xanh là nơi vỗ cánh - tiếp cận tâm thức nhân loại; đưa Đoạn Trường Tân Thanh vượt ra khỏi giới hạn của một tộc người, của biên cương một nước. Vì thế, Kiều là một tác phẩm cổ điển.

Sự truy tầm này cùng lúc mãi mãi mở ra khung trường Cánh hồng bay bổng tuyệt vời, nhưng lại đặt để thử thách to lớn cho những ai muốn diễn Kiều. Vì mọi cố gắng diễn Kiều phải một mặt thể nhập được tiến trình lữ thứ thời tính hóa Nguyễn Du, mặt khác đưa người nghe thể nhập tiến trình đó. Lệ Ba với CD-Kiều là một giáp mặt với thử thách đó.

CD-Kiều gồm hai đĩa CD, và một tập sách nhỏ (booklet) dày 32 trang. Hai đĩa CD chuyên chở 330 câu, rút ra từ 3254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều. Tập sách nhỏ trình bày (1) thân thế và sự nghiệp Nguyễn Du, (2) văn bản các câu thơ tuyển, không những chỉ bằng tiếng Việt, mà còn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, (3) ghi chú về 14 làn điệu dân ca, sân khấu từ suốt ba miền của đất nước về hội ngộ trong CD-Kiều, đoạn nào được diễn ngâm theo thể loại nào; từ Sa Mạc, Lẩy Kiều, Ru Bắc, Ca Trù, Ngâm Hà Tĩnh, Ngâm Huế, Tụng Huế, sang đến Hò Mái Nhị, Nam Ai, Nam Xuân, Hát Bội, Ru Nam, Con Sáo Nam, Tao Đàn. Ngay lập tức, tập hợp của hai đĩa CD và tập sách nhỏ, thúc đẩy người nghe tra vấn về hai vấn đề:

Liệu 330 câu rút ra từ Truyện Kiều có đủ lực để diễn tả trọn vẹn cuộc lữ thứ thời tính hóa mà Nguyễn Du đã trải ra, và liệu cách diễn ngâm Kiều qua các làn điệu dân ca, sân khấu từ suốt ba miền của đất nước, có đưa người nghe thể nhập vào cuộc lữ thời tính hóa đó hay không?

Sự kết hợp giữa làn điệu ngâm với cảm xúc của nhân vật trên từng chặng của cuộc lữ thời tính hóa có đủ hài hòa và gắn bó để khả dĩ trở thành qui luật từ đó định hình cung cách riêng cho một opera Việt Nam ?
I.) Cắt và Giãn:

Đây không phải là lần đầu tiên mà Lệ Ba ngâm thơ. 15 năm trước chị đã trình làng tape thơ Chính Khí Việt, mà tựa là tên của một bài thơ của lý thuyết gia và đồng thời cũng là sáng lập viên của đảng Duy Dân, Lý Đông A. Gần đây chị lại trình làng CD Thơ mà cung cách xuất hiện - không những chỉ so với tape thơ đầu Chính Khí Việt, mà cả với cung cách tape thơ của Sài Gòn một dạo - đã là một tách biệt . Ở CD-Thơ, không hề có lời giới thiệu, không hề có nhạc dạo, người nghe được cho thể nhập ngay vào hồn thơ; và các bài thơ được chọn xứng đáng được kể là bài thơ hay nhất của nhà thơ.

Với Bùi Giáng, chị ngâm trọn bài Ly Tao. Với Tô Thùy Yên, chị tuyển những câu thơ lấp lánh nhất từ không gian thơ Tô Thùy Yên, thôi-xao những đoạn tự sự, dồn những đỉnh cảm xúc lại gần với nhau, như thế đẩy cảm xúc đến cao độ, và qua đó hình thành công trình pha-lê-hóa thơ Tô Thùy Yên. Với Đinh Hùng, chị làm một việc hết sức bất ngờ. Thay vì chọn ngâm bài Sâm Thương Sầu Nhạc mà hầu hết đều công nhận là bài thơ hay nhất của Đinh Hùng; Lệ Ba rút 20 câu từ 64 câu của hai bài thơ Gặp Em Huyền Diệu; qua đó vượt qua những đoạn trữ tình ước lệ , đẩy sát lại những đỉnh cảm xúc, vốn đã rất gần trong bài thơ, và đưa người nghe vào không gian thơ Đinh Hùng, một không gian viễn ảo mà ở đó những cảm xúc rất thật được xây dựng trên một nền ảo.

Cung cách xuất hiện trong CD-Thơ được Lệ Ba giữ trong CD-Kiều. Người nghe được đưa thẳng vào hồn thơ Nguyễn Du, không một lời giới thiệu, không một nhạc dạo nào, không một sắp xếp khả dĩ có thể kênh người nghe theo một hướng nào đó. Hoàn toàn phiêu bồng, hoàn toàn canh hồng bay bổng. Nhưng khi cắt, Lệ Ba gặp phải thử thách lớn lao hơn nhiều. Biết chọn câu nào, bỏ câu nào từ 3254 câu lấp lánh cảm xúc. Những đỉnh cảm xúc trong Truyện Kiều vốn đã gần gũi đến dộ dầy đặc, thêm lời để giải thích còn sợ chưa đủ, chứ đừng nói là cắt. Không thể nào dồn sát thêm được nữa, chỉ có thể giãn những đỉnh cảm xúc đó, để giúp người nghe có đủ nội lực để lên đỉnh cảm xúc kế tiếp; như một vĩ thanh và tự mộ của bi kịch giúp chuyển người xem về lại nhịp sống bình thường. Chưa kịp cắt, thì Lệ Ba đã phải giáp mặt với một thử thách khác, giãn. Và cả hai thử thách đều phải được đối mặt từ vốn sống riêng của mình, vì chưa hề có tiền lệ.

Vốn riêng đó là từ những ngày xưa thơ ấu, ngay từ khi lên năm, đã trả bài thuộc lòng 108 câu thơ đầu của Truyện Kiều từ Trăm năm trong cõi người ta cho đến khi Kiều viếng mộ và gặp Đạm Tiên (xem Dòng Sống Quá Giang, Thế Kỷ 21, số tháng 11, 2002 ). Với vốn liếng thời thơ ấu đó, sẽ không lạ, khi mà mãi đến lần thử thứ 9, Lệ Ba mới định hình được những ràng buộc và những gặp gỡ làm nên Cõi Riêng của Kiều ở những ngày đầu. Chỉ cần nhìn vào mười bản thâu thử CD-Kiều; từ bản đầu chỉ có giọng ngâm mộc, không có nhạc đệm, và thu bằng tape; cho đến lần thứ 10, thâu bằng đĩa CD; người nghe cảm được tiến trình Lệ Ba thể nhập cuộc lữ thới tính hóa Nguyễn Du. Trong cuộc phỏng vấn ở Melbourne, Úc, chị Lệ Ba cho biết đã thử đi và thâu lại tất cả là 47 lần!

Phải sống trải nhiều lần, phải thăng trầm mấy độ, kỷ niệm thời thơ ấu mới lần lần lắng dịu, để rồi 108 câu ngày nào, chỉ còn 29 câu mở đầu cho CD-Kiều; khởi đi từ:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

rồi chuyển sang ngay:

Ngày xuân con én đưa thoi

và dừng ở:

Kiều rằng: Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Dễ hay tình lại gặp tình ...

Có lẽ, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi với thể thơ lục bát, khi mà người ngâm dừng ở câu sáu, và qua đó treo lơ lửng cái bất ngờ không đoán định được, cái khả thể đầy mời gọi và thách đố của một Cõi Riêng trong cuộc lữ bể dâu. Nó mở ra với những lựa chọn, và xin hiểu cho rằng, sự lựa chọn - cho dù trong những điều kiện o ép nhất - vẫn là một sự lựa chọn, và không-lựa-chọn cũng là một lựa chọn; vì thế định mệnh không là một nét đậm lắm trong cuộc lữ thời tính hóa Nguyễn Du. Là vì nếu là định mệnh thì là đã là, mà khi đã là thì không còn gì để nói cả. Chính cái đang là là điều Nguyễn Du muốn lời quê chắp nhặt. Chính cái đang là mới cho ta cảm được sự tương tác giữa cái kinh và nghiệm trong sự hình thành cõi riêng của ta, mới cho ta dõi được cái sinh-động-mở làm nên cõi Thúy Kiều, cõi Kim Trọng, cõi Từ Hải, cõi Hoạn Thư ... ; mới cho ta bắt mạch được cái ảnh hưởng của các cõi riêng khác trong sự hình thành cái cõi riêng của ta; và qua đó cho ta thấm được một phần - không nhỏ - của cái chung, lừng lững hiện diện ngay trong cái riêng của ta.

Lệ Ba cảm nhận được điều đó. Cách lựa câu, cách dứt câu, cách gom câu, cách nối câu của Lệ Ba nói lên điều đó. Vì thế, CD-Kiều mở ra với bốn câu đầu của Truyện Kiều và dừng ở Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, thay vì lấn sang đến-định-sẵn ở Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh; vì thế mà cuộc gặp gỡ Đạm Tiên dừng ở chỗ rất lơ lưng Dễã hay tình lại gặp tình, qua đó mở ra cái khả thể phóng về tương lai không-đoán-định được của một lần gặp gỡ hữu hình-vô hình; vì thế mà ở Trao Duyên, điệu Nam Ai cố-giữ-mà-không-được đến xé lòng đã dừng ở Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi! , thay vì trải dài khắc- khoải-than-vãn đến Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây... .

Lệ Ba cảm được những tương tác nào làm nên trọn vẹn Cõi Riêng Kiều, và từ đó phác lên những nét hoành tráng, đủ đậm để cho ta dõi theo được cuộc phiêu bồng của Kiều trong cuộc lữ bể dâu; nhưng không quá chi tiết để có thể làm mất đi cái thực ảo của những lựa-chọn-Kiều do bởi ma dẫn lối quỷ đưa đường.

II.) Làn Điệu Ngâm với Cảm Xúc & Qui Luật

Làm thế nào để người nghe thể nhập Cõi Riêng đó của Kiều? và qua đó cảm nhận được cuộc lữ Nguyễn Du?

Ở đây, ngâm và chỉ ngâm mà thôi, đã được sử dụng như phương tiện trình diễn duy nhất, đưa người nghe qua những thác ghềnh cảm xúc Nguyễn Du, trên một lộ trình trùng trùng duyên khởi, mà những lúc chậm lại để chuẩn bị cho một vượt-đỉnh-cảm-xúc kế tiếp, đơn thuần chỉ là những ngân dài, những ngắt quãng, những dừng lại, những đẩy đưa nội tại của làn điệu ngâm. Không láy, không thêm lời, cho dù chỉ là hai tiếng à ơi định hình cho bất cứ thể loại ru nào. Ở đây, sự hôn phối giữa làn điệu ngâm và các câu thơ được ngâm với làn điệu đó đã được Lệ Ba sống trải nhiều lần, cho đến khi mà, tiếng ngâm cất lên - không còn hoài nghi gì nữa - trên nẻo ấy, những cảm xúc, một thời những tưởng xa lạ, bỗng chốc về trổi dậy trong ta, đến độ có những mảng rất riêng của ta được tìm thấy nơi Cõi-Riêng-Kiều. Vì thế, hai câu:

Kiều rằng: Những đấng tài hoa.
Thác là thể phách, còn là tinh anh.

Ở lần thử đầu tiên, đã được ngâm:

Những đấng tài hoa ... Kiều rằng ... những đấng tài hoa
Thác là thể phách ... còn là tinh anh

Ở lần thứ hai, bốn từ láy Những đấng tài hoa được bỏ đi, sang lần thứ ba, lại được giữ lại, để rồi không còn hiện diện nữa kể từ lần thứ tư trở đi. Sau nhiều dùng dằng, cái bỏ đó trở thành tiền lệ cho cả CD; và được tuôn thủ triệt để, để rồi cái láy là rất ít và chỉ có xuôi theo, chứ không thêm từ cho câu thơ.

Ở đoạn trao duyên, khởi từ Cậy em, em có chịu lời cho đến Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai, ỏ lần thử đầu, cả đoạn được ngâm theo thể Ru Bắc, với những a` ơi đi kèm. Đến lần thử thứ hai, à ơi chỉ được nghe có hai lần, một ở lúc vào đoạn Trao Duyên, và lần thứ hai ở trước câu Mai sau dù có bao giờ. Ở lần thử thứ hai, à ơi - ngoài cái gợi nhớ của làn điệu dân ca - còn giữa vai trò báo hiệu một sự chuyển tiếp; cái chuyển của tâm thức Kiều từ lúc khẩn nài Thúy Vân Duyên này thì giữ vật này của chung, sang đến soi lại chính mình Hồn còn mang nặng lời thề. Nhưng đến lần thử thứ tư, và được giữ luôn cho đến bản chính thức, sự chuyển tiếp đó được báo đẹp hơn nhiều, bằng các thể điệu ngâm khác nhau.

Đoạn đầu của Trao Duyên từ Cậy em, em có chịu lời cho đến Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa được ngâm với thể Tao Đàn. Ở đây, điệu Tao Đàn rất phù hợp với lối tự sự, kể lể, khẩn nài. Khi đã biết chắc rằng duyên đã trao, rằng Thúy Vân bằng lòng kết hôn với Kim Trọng, lúc đó Kiều mới yên tâm nhìn lại chính mình. Lúc này, có nhiều rất ấp-ủ-thân-thương, pha lẫn với nỗi tuyệt vọng về ngày mai không còn ở trong tầm tay mình nữa. Điệu Ru diễn tả tâm trạng này một cách trọn vẹn, cái tâm trạng pha trộn giữa hiện-tại-bế-tắc và ước-mơ-vuột-khỏi. Điệu Nam Ai xé lòng tiếp theo đẩy cảm xúc đến cùng, và nhịp dừng ở chữ thứ hai và chữ thứ sáu diễn tả ở độ sâu thẳm nhất những thác ghềnh tình cảm Kiều trước những nốc ao của cảm xúc, những nấc nghẹn đứt quãng của lời than.

Ở đây, sự phối hợp giữa làn điệu ngâm với các câu thơ không hề có tính logic, mà thuần bằng cảm nhận; có được từ chính nỗ lực của Lệ Ba sống trọn vẹn kinh và nghiệm trong Cõi-Riêng-Kiều. Chính sự thể nhập này đẩy đưa đến làn điệu ngâm; sự thể nhập càng sâu, làn điệu ngâm càng gắn bó với câu thơ, đến độ sự gắn bó đó trở thành gần như qui luật, hiểu theo nghĩa làn điệu ngâm sử dụng là làn điệu tối ưu để diễn tả tâm trạng của Kiều trong lúc sống trải kinh và nghiệm làm nên cõi riêng của mình. Đến độ - nếu với Hát Bội, mà sự cách điệu hóa đã được đẩy đến cao độ, đến nỗi mỗi điệu bộ, mỗi vẽ mặt, mỗi cử động đều nói lên được tâm tình, nhân cách của nhân vật - thì với Lệ Ba, mỗi làn điệu ngâm cất lên là kinh và nghiệm sống trải của nhân vật được cảm nhận.

Ỏ lầu Ngưng Bích, sau điệu ngâm Sa Mạc rất hợp với lối tự tình, là điệu Ru Bắc dìu người nghe vào cái mâu thuẫn nội tại của điệu Ru, một bên là hiện tại bế tắc, và bên kia là nỗi khát khao ngoài-tầm-tay được ở bên song thân. Sáu câu kết của đoạn ở lầu Ngưng Bích từ Buồn trông cửa bề chiều hôm đến Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi được diễn với thể Ca Trù, làn điệu tuyệt vời cho những lúc yếu đuối nhất của lòng mình, cho những lúc chỉ mong được mời gọi, được nâng niư chắt chiu.

Lần đầu tiên Ca Trù được sử dụng để ngâm thơ kiểu như thế. Khai phá nối tiếp khai phá, và hát Bội được đưa vào, và rồi tiếng trống được nổi lên. Tất cả đều tạo tiền lệ. Từ Hải đón Kiều với làn điệu Hát Bội, làn điệu tuyệt vời cho đoạn thơ có tính anh hùng ca, cho ốc đảo sử thi (epic) trong bể cả trữ tình Nguyễn Du. Tiếp ngay sau đó là đoạn Từ Hải độc thoại, một độc thoại điển hình của bi kịch cổ điển Tây Phương. Và ở đây, nét trữ tình được nâng lên với điệu ngâm Nam Xuân, độc đáo cho những đoạn độc thoại còn nhuốm nét sử thi; và tính anh hùng ca vẫn được nâng giữ với tiếng trống điểm, đánh động tâm thức người nghe với lời tra vấn Từ Hải: vì sao phải chịu Áo xiêm ràng buộc lấy nhau khi mà Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!.

Cái chết của Từ Hải chặn đứng tất cả. Và nhịp mau của làn thơ anh hùng ca chết sững và tái sinh trong làn điệu Ngâm Hà Tĩnh với Một cung gió thảm mưa sầu, làn điệu khơi dậy cái gió thê lương trên bãi chiến trường, làn điệu của chiêu hồn tử sĩ; nhưng cũng là làn điệu của một trở về nguồn cội, của một thăm lại quê hương Nguyễn Du.

*
* *

Ở nguồn cội, là tâm thức tự-do-Việt mà Nguyễn Du chất vấn dến độ hóa thơ, đâu là bến bờ tự do trong sự hình thành cõi riêng của ta, và cõi-riêng-người giới hạn cõi-riêng-ta đến mức nào. Từ miền đất được sống và nghĩ tự do, Lệ Ba đưa ta về giáp mặt với chất vấn trải dài suốt lữ thứ phiêu bồng làm nên cõi-riêng-Kiều, cõi-riêng-Kim-Trọng, cõi-riêng-Từ-Hải, ..., và sự giao thoa giữa các cõi riêng đó trong cuộc khóc-cười nhân sinh.

Lời quê, và chỉ vui thôi !

Điều tưởng chừng mâu thuẫn, lại rất thực trong cuộc sống, thực đến độ - khi nhìn lại -không thể ngờ được thời gian lại nhanh như thế, nhanh đến độ có thể đem trăm năm vào chung cuộc một khắc; không thể ngờ được trùng trùng diễn biến trong cuộc sống, một lúc nhìn lại, bỗng nhẹ tênh, ấy thế mà đã có lúc tưởng chừng vô cùng nặng. Mà có nhẹ thật không? Hay là nhẹ quá đến độ không kham nổi! Mà có qua thật không ? Là vì nếu đã thật sự quá giang thì sao đã điêu tàn mà còn vọng mãi dư vang. Tưởng chừng như ở mỗi giây phút trong cuộc sống, điều đang sống trải, chưa kịp ghi nhận đã qua đi. Tưởng chừng như trong mỗi giây phút sống đã phục sẵn mầm hoại diệt, sống chết từng bước chen nhau, xô đẩy nhau, và xô đẩy ta theo nhịp đi loang loáng của thời gian; mỗi kinh nghiệm sống chưa kịp chụp-ghi-nhận đã qua đi, nhoáng đi, đến độ dấu ấn của kinh nghiệm đó trên dòng sống ta ra sao, ta cũng không ghi nhận kịp.

Ngẫm mà xem!



Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.