Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Những "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn
Phượng Các
#1 Posted : Friday, February 24, 2006 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Những "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn

Trích từ SGTT


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Ca khúc của anh người ta vẫn hát, vẫn thưởng thức nhưng không phải ai cũng biết được xuất xứ của chúng. Dưới đây là nguồn cội, ý nghĩa của một số bài hát viết về tình yêu của anh.

"Cuối cùng cho một tình yêu''

Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy có cô Trần Thị Nh. H.



Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài tím, có dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ. Họa sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh. H. Vì tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần 40 năm qua. Một điều thú vị là: ''Cho đến nay, Nh. H. đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình" (lời thú nhận của Trịnh Cung).

Tương tự, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph.Th. - em ruột ca sĩ Hà Thanh. Sau này, anh kể lại: ''Hà Thanh có đến bốn, năm người em gái, nhưng mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng là mình biết ngay bởi mùi hương rất đặc trưng". Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng không có một cử chỉ nào khiến người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng. Thế mà nhạc sĩ họ Trịnh đã si tình, và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện ''em đứng lên gọi mưa vào hạ'' ấy của Ph.Th., anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thuỷ tinh và Gọi tên bốn mùa. Ph.Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, ''tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi''. Sau đó, vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, vẫn thấy hai chị em này không sợ thời gian, vẫn đẹp như nắng thủy tinh thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là kỷ niệm của giai đoạn đẹp nhất đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là mối tình đầu của anh.

''Hai mươi năm xin trả nợ dài''

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn về kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một, dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phú Cam. Hàng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phú Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm, con gái thầy Ngô Đốc Kh. - người Hà Nội. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.



Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua, anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà ''dài hun hút cho mắt thêm sâu'' (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết, gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.

Thầy Ngô Đốc Kh. - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì liền liều mình qua thăm. Những lần liều mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp.

Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa. Nhưng sự việc không dừng ở đó, bởi mấy năm sau, khi Diễm vào học ở Sài Gòn, em gái cô cũng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường ''Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...''.

Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại ''hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi'' (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên hết ''phụ tình'' Trịnh Công Sơn.

Đinh Cường đã viết: ''Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm suốt tuần, sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà''. Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới ''nhận'' được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận trong một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

''Coi như phút đó tình cờ''

Gặp người đẹp, Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh ''chán tình'', vì cho rằng mình yêu nhầm. Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, thuộc phường Vĩ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai ''vì anh ấy lai Tây''.

Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ lệch lạc đến thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi trăng là Nguyệt. Nhưng khi anh phát hiện ra từ trăng thôi là Nguyệt, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt coi như phút đó tình cờ và về sau anh không nhắc đến cô nữa.

Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bích Kh., có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ còn ai nữa... và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc đã có được cái địa vị người sáng tác nhạc tình hay nhất thế kỷ.














































































Back to Top

Phượng Các
#2 Posted : Saturday, February 25, 2006 7:14:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Vài Người Bạn Gái Của Sơn Mà Tôi Biết ...

Đinh Cường



Trở thành bạn thân thiết chung của chúng tôi sau đó, cho đến nay, Tôn Nữ Bích Kh. trong "Biển Nhớ", còn ở Nha Trang, tôi có lần ghé thăm. Hai chị em Bích D. và Dao A., ở California, trong "Diễm Xưa" và "Xin Trả Nợ Người". Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà. Chúng tôi thường đùa với Sơn: "D. xưa, A. nay". Dạo đó, nhà Sơn dọn về ở khu nhà mới xây của Dòng Chúa Cứu Thế, 11/3 Nguyễn Trường Tộ. Địa chỉ của Sơn cho đến sau 75. Hiện nay gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ở: "... Hình như trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn viết gỗ mục của Sơn để lại, và trong chiếc ghế bằng sợi mây hèo to của Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi." (HPNT - Căn Nhà của Những Gã Lang Thang - Thanh Niên, xuân 2001).

Căn nhà mang nhiều kỷ niệm của Sơn, nhất là tháng ngày sau giải phóng. Khi cả gia đình Sơn đã ở tại căn nhà mới xây không lâu trước 75, 47C Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, Sơn trở lại Huế một mình với bạn bè, sống những ngày đầu giải phóng, còn biết bao khó khăn, nghi kị. Sơn vào sinh hoạt tại hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường đi lao động chung với Bửu Chỉ, khi tại Huế, khi tại Quảng Trị.

Mỗi đêm, chúng tôi vẫn đến nhà cùng Sơn uống rượu, Lữ Quỳnh và tôi ở trong Thành Nội, đạp xe qua Sơn, Quỳnh thường lấy chai đi mua rượu đế (chai mua hôm trước, hôm sau đến đổi lấy chai mới về). Phần lớn là rượu dỏm, vì khan hiếm gạo nếp... còn nghe nói bỏ cả thuốc rầy vào trong. Ôi, một thời của những buổi rượu độc hại như thế, mà quây quần và nói cười, vẽ chân dung bạn bè treo đầy tường, nhất là Bửu Chỉ. Phải kể đến người bạn mới quen sau 75 mà chúng tôi rất qúy mến: Thái Bá Vân, người viết phê bình nghệ thuật được các họa sĩ nể trọng. Vân mất trước Sơn hai năm, cũng vào tháng 4. Vân đã viết: "... Riêng tôi, mãi sau ...75, nhờ những chuyến dạy học ở Huế, 1987-1981, tôi mới được gần Trịnh Công Sơn, trên căn nhà nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ, đầy kỷ niệm với bạn bè trong đó. Niềm an ủi ấy là của hàng triệu người đã khuất, dành cho chúng tôi, và mỗi lần nhớ lại, chúng tôi đều thầm rơi nước mắt." (TBV - Tiếp Xúc Với Nghệ Thuật, Viện MTVN 1997).

Chính tại căn nhà này Sơn đã viết bài "Diễm Xưa", ghi một dấu mốc cho ca từ đầy chất huyền thoại của Sơn "... Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Có lần Sơn bắt gặp một nhánh hoa sầu đông tím cắm trước cửa sổ nhà. Mà còn ai, ngoài cô gái mỗi ngày vẫn đi học ngang qua đó. Tất nhiên là Sơn kể cho tôi ngay với nhiều xúc động. Và, Sơn đã bạo dạn một lần, nhờ tôi đi cùng, qua thăm D., nhà bên kia sông, qua cầu Phú Cam, rẽ mặt, đi một đoạn đường Phan Chu Trinh... Lúc này, tôi cũng đã thuê phòng trọ trong con hẻm đá gần nhà D. và nhà Túy Hồng (chị dạy Việt Văn trường trung học Hàm Nghi, đã viết truyện ngắn đăng ở Bách Khoa, gây chú ý nhiều độc giả). Tường về đó ở chung cùng tôi để đi dạy gần hơn. Tôi còn nhớ nét mặt nghiêm của ông cụ D., giáo sư Pháp văn trường Đồng Khánh. Ông cụ đã nhìn chúng tôi bằng đôi mắt nghi kị, nhất là Sơn, tóc dài, có râu lưa thưa dưới cằm. Nhưng đã liều thì phải chịu trận. Lúc D. đưa chúng tôi ra cổng, cổng sân là hai liếp cửa gỗ thấp. Còn nhớ rõ là lúc đó, em gái D. còn nhỏ lắm, chạy theo ra nhìn Sơn. Ai ngờ sau này Sơn đã da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của A., để rồi, thất vọng, để rồi ... hai mươi năm sau mới được: " ... Hai mươi năm em trả lại rồi. Trả nợ một đời xa vắng vòng tay...".

"Biển Nhớ", hay bóng dáng của Bích Kh. là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Quy Nhơn nấp duới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích Kh. cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích Kh. từ Nha Trang ra Quy Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn. Dạo ấy chỉ thấy lúc nào Sơn cũng mặc chiếc áo chemise kaki vàng. Kh. thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. "Biển Nhớ" là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn "trời cao níu bước Sơn Khê...". Thời Quy Nhơn này của Sơn phải kể đến "Trường Ca Tiếng Hát Dã Tràng", mà hè 1964, trong lễ ra trường, Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi mấy trang bản trường ca nàỵ Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được.

Nhắc đến Sơn-Khê, Sơn hay ghép tên bạn gái vào lời nhạc của mình một cách hồn nhiên như vậy. Như sau này, một cô gái bình thường, có sắc đẹp quyến rũ, ở cạnh nhà Tôn Thất Văn, làng Báo Chí, Thủ Đức. Tôn Thất Văn là họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng, bạn thân của chúng tôi. Tuần nào chúng tôi cũng về nhà Văn uống rượu. Sơn đi chiếc xe PC màu vàng cam... "Cây sẽ cho Lộc và cây sẽ cho hoa". Lộc là cô láng giềng của Văn mà Sơn đã si tình.

Cũng như "Bống Bồng Ơi" sau này của Sơn. Bống là tên gọi ở nhà của Hồng Nhung:

"Ngày Bống mẹ bồng
Nhẹ qúa tơ tằm
Lay nhẹ bống bồng bông
lay nhẹ đóa Hồng Nhung."

Và còn nữa, Quỳnh H. của "nụ cười khúc khích trên lưng", Chu Nguyệt Ng. mà chúng tôi đã sửa soạn đi ăn cưới, Michiko, cô gái Nhật rất thương Sơn, chơi bóng rổ giỏi, đã làm luận án về nhạc Sơn tại đại học Sorbonne, Paris ...

Đinh Cường

(Trích từ "Tình Bạn, Hồi Sinh Cơn Hôn Mê", nhà xuất bản Văn Nghệ, 2001)

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.