Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Francoise Sagan
PC
#1 Posted : Thursday, November 11, 2004 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Nhà văn Francoise Sagan qua đời


Francoise Sagan: nổi tiếng từ năm 18 tuổi
Nhà văn nữ Francoise Sagan vừa từ trần tại thị trấn Hornfleur, Tây Bắc nước Pháp, thọ 69 tuổi.
Bà đã nhập viện vài ngày trước đó vì đau tim và viêm phổi.

Tác phẩm đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất của Francoise Sagan ra đời khi bà mới có 18 tuổi - "Bonjour Tristesse" ("Buồn ơi, chào nhé") được xuất bản năm 1954.

Trong cuộc đời mình Sagan đã viết hơn 40 cuốn truyện và kịch bản.

Sức khỏe của bà đã khá yếu trong mấy năm gần đây và vào cuối đời bà sống tại thị trấn Hornfleur vùng Normandie.

Francoise Sagan sinh ra trong một gia đình khá giả vào năm 1935. Bà đã bị đuổi khỏi trường dòng vào năm 1953 và do đó đã dành thời gian một vài tháng mùa hè để viết cuốn "Boinjour Tristesse".

Cuốn này kể về một cô gái trẻ vì buồn chán và cảm thấy đời mình trống rỗng đã làm đủ mọi cách để phá hoại quan hệ của cha mình với một người tình mới.

Giống như Sagan, đây là hiện thân cho lớp trẻ Paris thời hậu chiến, bị ảnh hưởng của nhạc jazz và chủ nghĩa hiện sinh.

Cuốn "Bonjour Tristesse" đã được dịch ra 22 thứ tiếng và in 5 triệu bản trên toàn thế giới.

Về già, Francoise Sagan đã gây ra khá nhiều tai tiếng, với một số cáo buộc về trốn thuế và lạm dụng ma túy.

Tuy nhiên, trong lời chia buồn của mình, Tổng thống Jacques Chirac đã gọi Sagan là "nhân vật tiên phong của thế hệ mình" và rằng bà đã giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ Pháp.

nguồn: BBC
Phượng Các
#2 Posted : Friday, November 26, 2004 7:06:37 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Gần Xa, Sagan

Đặng Tiến




Nữ văn hào Pháp Françoise Sagan, tên thật là Quoirez, đã qua đời ngày 24 tháng 9-2004, tại bệnh viện Honfleur, hưởng thọ 69 tuổi, sau mấy ngày nhập viện vì nghẹt đường hô hấp. Nguồn tin, không đáng ngạc nhiên, vẫn gây bất ngờ và xao xuyến trong dư luận Pháp và giới văn học thế giới. Báo giới Pháp, nhất là các tạp chí, đã dành cho bà nhiều trang tưởng niệm thắm thiết, chứng tỏ tình cảm thiết tha của quần chúng đối với một nhà văn, không thuộc vào hàng chủ đạo hoặc thời thượng. Nhiệt tình quần chúng là do cuộc đời sôi nổi của Françoise Sagan, lúc nào cũng chân thành và trong sáng.

Bà sinh trong một gia đình trưởng giả, ngày " đoan ngọ " 21.6.1935, tại làng Cajarc, tỉnh Lot, và đã được đưa về an táng gần đấy. Bà đã thành danh rất sớm với tiểu thuyết ngắn Buồn Ơi Bắt Tay (Bonjour Tristesse) viết năm 17 tuổi, trong bảy tuần lễ, được nhà Julliard xuất bản giữa tháng ba năm 1954, in lần đầu 5.000 bản. Tác phẩm gây chấn động, và cuối năm, nhà xuất bản đã bán được nửa triệu cuốn, dịch ra 20 thứ tiếng. Chân dung cô bé xuất hiện thường xuyên trên báo chí, phì phèo điếu thuốc, đôi mắt sắc sảo và thách thức, thân xác cân nặng 46 kí lô và cao 1,66 mét.

Sách được giới thiệu và ca ngợi tại Miền Nam Việt Nam. Những người viết sớm nhất và nhiệt tình nhất có lẽ là các giáo sư Nguyễn văn Trung, dưới bút danh Hoàng thái Linh, trên báo Sáng Tạo, Sài Gòn, và Nguyễn Nam Châu, trong tác phẩm Những Nhà Văn Hóa Mới, 1959. Ngoài ra trên báo Bách Khoa 1958, có bài giới thiệu của Vũ Đình Lưu, dưới bút danh Cô Liêu.

Truyện phổ biến nhanh và rộng nhờ có Nguyễn Vỹ dịch đăng nhiều kỳ trên báo nguyệt san Phổ Thông, 1959, với tựa đề Buồn Ơi Chào Mi, và Lê Huy Oanh dịch Buồn Ơi Xin Chào ; có người khác gọi Buồn Ơi Bắt Tay. Hai chữ " Buồn Ơi " mang âm vang thơ Thế Lữ " buồn ơi xa vắng, mênh mông là buồn ", trong khi chính tựa đề tiếng Pháp, Sagan lấy từ thơ Eluard.

Truyện Un Certain Sourire được Nguyễn Minh Hoàng dịch Có Một Nụ Cười ; ai đó dịch thành Nụ Cười Xuân. Năm 1973, Bửu Ý dịch truyện Dans un mois dans un an, tên sách mượn từ kịch Racine, Một Tháng nữa Một Năm nữa ; Đinh Bá Kha dịch Les Merveilleux Nuages, tên sách lấy từ thơ văn xuôi của Baudelaire, Những đám Mây huyền diệu. Ngoài ra còn : Aimez-vous Brahms ? Có thích nhạc Brahms ? ; Un peu de soleil dans l'eau froide, Một ít mặt trời trong giá lạnh, Kiều Diễm Hồng dịch.

Về âm vang của Bonjour Tristesse đã có nhiều người viết và phân tích những lý do văn học, đạo lý và xã hội. Nhưng chính xác nhất vẫn là Francoise Sagan tự giải thích " hiện tượng " của bản thân :

" Năm 1953, tôi viết Bonjour Tristesse, ra mắt tại Pháp năm 1954 và đã gây xì căng đan. Xì căng đan mà lúc đầu, tôi không hiểu nguyên do, bây giờ thì tôi có thể đưa ra hai nguyên nhân phi lý. Người ta không chấp nhận được một cô gái mười bảy mười tám tuổi làm tình, mà không yêu đương gì với một cậu trai đồng lứa, mà không bị trừng phạt. Điều không chấp nhận được là cô gái không yêu đương say đắm và cũng không thụ thai vào cuối mùa hè. Tóm lại một cô gái thời đó có thể làm chủ thân xác, hưởng thụ khoái lạc, mà không bị một trừng phạt nào. Đó là chuyện bất khả. Điều thứ hai không thể tất được là chuyện cô gái (mồ côi mẹ) biết rõ những nhân tình, nhân ngãi lăng nhăng của bố, và trò chuyện với bố và như vậy là đồng lõa trong những đề tài được xem như là cấm kỵ giữa cha mẹ và con cái. Phần còn lại, theo tôi, không có gì đáng chê trách " .

Nhưng ngay sau khi sách xuất bản và bị phê phán, thì Francois Mauriac đã lên tiếng bênh vực, gọi Sagan là một " tiểu quỷ diễm kiều " (charmant petit monstre), một thành ngữ sau này sẽ lừng danh. Mauriac, Nobel 1952, là một nhà văn lỗi lạc, sâu sắc, có uy tín lớn về mặt văn chương, đạo đức, tôn giáo và chính trị. Trên trang 1 báo Figaro, ngày 1.6.1954, Mauriac đã gọi Sagan là " cô phù thủy tí hon đang cầm cán chổi đúc bằng vàng mười ", và viết lời bình phẩm sau đây, có giá trị không những cho Bonjour Tristesse của Françoise Sagan mà cho bất cứ một tác phẩm, tác giả nào :

" Điều làm nên một tác phẩm độc đáo, là giọng nói nào đó, một rung động nào đó, nghệ thuật làm cho người ta nghe mà không cần phải lên giọng, mà cũng chẳng cần xuống giọng " .

Người đọc trân trọng tư cách và độ lượng của một nhà văn lớn, uy thế lớn, đối với một đàn em mới chập chững bước vào nghề, một cô bé ngơ ngơ ngáo ngáo. Mà Mauriac cũng không làm việc " hạ cố " : câu nói của ông đã trở thành kinh điển cho giới văn chương nói chung - chẳng hạn cho các văn hào Việt Nam, vốn thường to tiếng để nói lên những điều không lấy gì làm to tát.

* *

*

1954… nên gọi là năm mươi bốn, hay năm tư ? Tính đến hôm nay, giờ đây, là tròn nửa thế kỷ. Một khúc quành của nước Pháp. Của Việt Nam. Điện Biên, Genève, Di Cư, …

Cộng Hòa Pháp, 1954, bốn khuôn mặt lớn trấn át thời sự : Linh mục (abbé) Pierre thống thiết kêu gọi cứu trợ người nghèo vô gia cư chết cóng trên hè phố ; thủ tướng Mendès France chấp chính để tìm giải pháp cho chiến tranh Đông Dương đang sa lầy thành thảm kịch quốc gia ; cô Geneviève de Galard, thiên thần Điện Biên Phủ, nữ y tá trên trận địa bùn lửa với bàn tay tiên nữ đã băng bó vết thương thể xác và tâm thần cho những chiến sĩ cùng đồ ; và Francoise Sagan, cô học trò 18 tuổi, thắm tươi và tinh nghịch phất phơ tà áo, vô tư lự đi băng qua thảm kịch của thời đại. Buồn ơi chào mi… Vu vơ khói thuốc buồn ghê lắm...Nhẹ nhàng như một áng mây bay - les Merveilleux Nuages.

Vô tư, lặng lẽ, không nổi loạn, không phá phách, không tham vọng, không lý tưởng và ảo tưởng, với nụ cười nào đó (un certain sourire) Sagan đã tham dự vào cuộc hóa thân của xã hội. Xuất hiện vài năm sau cuốn Phái Thứ Hai (Le Deuxieme Sexe) của Simone de Beauvoir, Bonjour Tristesse báo hiệu cho Brigitte Bardot, qua những phim của Roger Vadim, quay ở Saint Tropez, trở nên thời thượng, và các phong trào giải phóng phụ nữ, qua những tự do cụ thể : sử dụng thuốc ngừa thai, quyền phá thai…

Quốc gia Việt Nam 1954 : lúc đó chưa có Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam trở thành một thực thể chính trị độc lập, thật sự mở cửa đón nhận ảnh hưởng văn hóa Phương Tây. Sách báo phương Tây du nhập ồ ạt : sách tiếng Anh (của Usis), tiếng Đức (của viện Goethe) và nhất là sách tiếng Pháp nhập khẩu với giá rẻ nhờ có tài trợ (sách AC, Action Culturelle) cước phí rẻ, giá ân huệ, tràn ngập các hiệu sách Xuân Thu, Lê Phan và các nhà sách trên đường Lê Lợi. Tại Sài gòn, 1954 người đọc tiếp nhận Bonjour Tristesse cùng một lúc với Paris, mà giá rẻ hơn (tương đối với ngoại tệ). Và cùng một lúc với sách báo, quần chúng Việt Nam tiếp xúc với âm nhạc, điện ảnh Tây Phương. Bản thân tôi đã xem vở kịch Château en Suède (Lâu đài Thụy Điển), 1960, của Sagan tại Sài gòn, một lần với Paris, do Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) hay Trung Tâm văn hóa Pháp gì đó, tổ chức. Tại Paris, Philippe Noiret thủ vai chính, tại Sài gòn là Eric Robin, cố vấn văn hóa Tòa Đại Sứ Pháp.

Do đó, với quần chúng Việt Nam thời đó, Sagan là gương mặt thân thuộc, thậm chí thân thương. Trong văn học Pháp trước đó, chúng tôi chỉ biết có Racine, Molière và những tác giả kinh điển, mới nhất cũng chỉ là Gide, Valéry, những bậc thầy lụ khụ.

Với Françoise Sagan, chúng tôi có thể hát nhảm và hát nhẩm : Ngày đó có em đi nhẹ vào đời, và mang theo trăng sao… Gặp nhau bên hè phố, chúng tôi có thể chào nhau, snob, dỏm dáng : Bonjour Tristesse theo Sagan ; hay nhại theo Bùi Giáng Xin chào nhau giữa con đường / Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau… Một Sagan trẻ trung hiện đại, gần gụi : thuốc hút liên tu, rượu uống lu bù, xe lái vù vù, xem ba sinh nhẹ tựa hồng mao.

Về văn học, Sagan - đồng thời với nhiều tác gia khác - góp phần, không nhiều thì ít, vào phong trào văn học nữ lưu trong đề tài tự do luyến ái, bắt đầu là Vòng tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng, cũng đã từng gây chấn động. Sau đó là tác phẩm của Nhã Ca, Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng, Trần thị NgH, mà độc giả gọi đùa là các " nữ quái " không biết có dây dưa gì đến tên " tiểu quái diễm kiều " mà Mauriac đã đặt cho Sagan, năm 1954. Đây là thời kỳ Nguyễn văn Trung viết Ca Tụng Thân Xác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn văn Lục, vào đời lúc đó, đã viết rất hay, đầy đủ và chính xác về thời kỳ này : " Françoise Sagan là một hiện tượng trong văn học dịch của miền Nam thời bấy giờ. Lối viết thật ngắn, lối sống, lối nghĩ thẳng băng đến thản nhiên, đến vô tình. Quan hệ tình dục ngang trái, khác đời thường của một nữ sinh còn trên ghế nhà trường, trực tiếp tác động trên đời sống thanh thiếu niên thành thị miền nam. Nó quyến rũ lạ thường, vì nó mới quá, điều mà trước đây không ai nghĩ tới, mà nghĩ tới được thì cũng cho là những liên hệ ngang trái hay bất thường. Các nhà văn trong nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, cộng lại cũng không có được một ảnh hưởng đậm nét như thế. Những nhân vật truyện của Sagan như Dominique, nữ sinh còn trẻ, Luc người đàn ông đã bốn mươi tuổi, là những nhân vật sống động, quyến rũ giới trẻ ", anh còn tinh tế nhận xét : truyện Yêu thời thượng lúc đó của Chu Tử cũng " có cái gì hao hao giống với những nhân vật truyện của Sagan " . Khác nhau ở chỗ : Sagan không làm dáng trí thức.

Họa sĩ Đinh Cường sau khi đọc sơ thảo bài này có nhắc thêm : " nhạc Trịnh Công Sơn cũng mang hơi hướm Françoise Sagan : Từng người tình bỏ ta đi, như những giòng sông nhỏ… "

* *

*

Sau Bonjour Tristesse, Sagan đã sáng tác khoảng 40 tác phẩm : truyện, kịch, kịch bản phim, bút ký, hồi ký.

Cuộc đời Françoise Sagan sôi nổi : lái xe bạt mạng, tiêu thụ ma túy, cờ bạc rượu chè, vi phạm luật pháp vì chuyện nọ chuyện kia. Tuy nhiên, công luận ái mộ, bênh vực bà, một phụ nữ được số phận ưu đãi, nhưng dám sống hết mình, dám liều lĩnh, xem phú quý, danh vọng như phù vân, les merveilleux nuages…

Bà nổi danh về tội lái xe nhanh, lái xe ẩu. Năm 1957 tưởng đã chết trong một tai nạn thập tử nhất sinh do chính bà gây ra. Nhưng bà vẫn sống còn và qua đời đúng ngày khai mạc cuộc triển lãm xe hơi quốc tế tại Paris. Cuộc đời nó khỉ thế.

Vĩnh Biệt Buồn Ơi,

Adieu Tristesse.


Đặng Tiến

Orléans, 17.10.2004
Phượng Các
#3 Posted : Saturday, December 4, 2004 1:29:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Phỏng Vấn Francois Sagan, Tác Giả Buồn Ơi Chào Mi,

do tờ Điểm Sách Paris thực hiện [1956]

Francoise Sagan, tên khai sinh là Francoise Quoirez, sinh ngày 21 tháng Sáu, 1935; mất ngày 24 tháng Chín, 2004.
Mất theo cùng với cái chết của bà, thọ 69 tuổi, là mối nối cuối cùng của trí thức Pháp, với một không gian văn chương có tên là Saint Germain-des-Prés, một thứ Quán Chùa của Tây, nơi đám trí thức của thập niên 1950 thường tụ họp, trong có Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, nữ ca sĩ Juliette Gréco [một thứ Khánh Ly của thời đó, với bản nhạc lừng danh, Mùa Thu Chết, Les Feuilles Mortes, phỏng thơ Prévert, tay chơi nhạc jazz và còn là tiểu thuyết gia, Boris Vian, và một chính trị gia trẻ có tên là Francois Mitterand sau trở thành Tổng Thống Pháp.

Người phỏng vấn:
-Làm sao mà muời tám tuổi cô nẩy ra viết Chào Buồn?
Sagan:
Tôi viết nó, đơn giản là như vậy. Tôi rất ước ao viết nó, và có thời giờ rảnh. Tôi nói với mình, đây là một thứ công chuyện mà rất, rất ít cô gái vào tuổi tôi, ôm lấy; Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc nó. Tôi không hề nghĩ đến “văn chương”, và những vấn đề văn chương, nhưng về chính tôi, và liệu tôi có đủ ý chí cần thiết không.
-Cô có lúc nào bỏ ngang, rồi lại tiếp tục?
Không, tôi muốn hoàn tất nó, kết thúc nó, thật là si mê, thật là cuồng nhiệt. Chưa bao giờ tôi si mê một thứ nào tới mức đó. Trong lúc viết, tôi nghĩ, có thể nó có cơ may được in ra. Sau cùng, khi viết xong, tôi cho rằng, thật vô phương. Tôi bị ngạc nhiên, bởi cuốn sách, và bởi chính tôi.
-Cô đã hằng mong nó? Tôi muốn nói, trước đó, cô đã muốn viết nó?
Vâng. Tôi đã đọc rất nhiều chuyện. Có vẻ như đối với tôi, không thể không viết ra một câu chuyện. Thay vì đi Chile với một đám găng tơ, thì người đó ở lại Paris và viết một cuốn tiểu thuyết. Đúng là một cuộc phiêu lưu lớn đối với tôi.
-Chuyện xẩy ra mau lẹ như thế nào? Cô đã nghĩ ra câu chuyện nó phải như thế nào, trước đó?
Tất cả đối với Chào Buồn là như vầy: Tôi khởi sự với một ý tưởng về một nhân vật, một cô gái, nhưng chỉ có vậy, cho tới khi tôi cầm lên cây viết. Tôi phải bắt đầu viết để có ý tưởng. [I have to start to write to have ideas]. Tôi viết Chào Buồn trong hai hay ba tháng, mỗi ngày làm việc hai hay ba tiếng. Với cuốn Un Certain Sourire, Có Một Nụ Cười, thì khác hẳn. Tôi làm một số ghi chú, và nghĩ về cuốn sách đó trong vòng hai năm. Khi đã bắt đầu, cũng lại hai giờ một ngày, thì viết thật là nhanh. Khi bạn quyết định viết, lại có sẵn một cái sườn, và quyết tâm bám dính cứng lấy nó, bạn thấy mình viết nhanh vô cùng. Ít ra là vậy, đối với tôi.
-Cô có mất nhiều thời gian coi lại văn phong của mình?
Ít lắm.
-Như vậy là việc viết hai cuốn sách chỉ mất chừng năm hay sáu tháng?
Vâng, đúng là một cách tốt để kiếm sống.
-Cô nói, vấn đề quan trọng ở lúc khởi đầu, là một nhân vật?
Một, hay vài nhân vật, và có thể, một ý tưởng, ý nghĩ, về một vài xen khi tới lưng chừng cuốn sách, nhưng trong khi viết, mọi chuyện thay đổi. Với tôi, viết là tìm ra một giọng điệu nào đó. Tôi so sánh nó với những giọng điệu của nhạc jazz. Cuộc đời, trong tất cả những thời gian của nó, giống như sự tiến triển nhịp nhàng của ba nhân vật. Nếu con người tự nhủ, rằng đời là như vậy, nó sẽ cảm thấy cuộc đời đỡ khô khan.
-Cô tạo nhân vật bằng cách dựa vào người này, người nọ?
Tôi đã cực khổ với việc này, và cảm thấy chẳng có gì tương tự, giữa những người ở ngoài đời và nhân vật ở trong những cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi không tìm kiếm sự chính xác, khi miêu tả những con người. Tôi cố đem lại cho những con người tưởng tượng một thứ chân thực [veracity]. Với tôi, hình như có hai thứ mánh khoé: một gọi là “the fronts” [mặt tiền, bề mặt…] mà con người “múa may quay cuồng” [assume: đảm nhiệm, xử sự… ] trước mắt người nào khác, và một, “the front” mà nhà văn để lên mặt thực tại.
-Như vậy là cô cho rằng đây là một hình thức đánh lừa, lấy thẳng từ thực tại.
Đúng như vậy. Nghệ thuật phải nắm bắt thực tại, theo kiểu bất thình lình tóm lấy nó. Nghệ thuật tóm những khoảnh khắc mà đối với chúng ta, chỉ là… một khoảnh khắc, một khoảnh khắc, rồi một khoảnh khắc nữa, và nó, theo một cách ngẫu hứng nào đó, chuyển hoá những khoảnh khắc trên thành những chuỗi đặc biệt, tất cả những chuỗi như thế quấn quit lấy nhau thành một chuyển động lớn [a major motion]. Theo tôi, nghệ thuật không nên coi “thực tại” như là một lo toan, một mối bận tâm của nó [Art should not pose reality as a preoccupation]. Chẳng có gì không thực hơn là mấy thứ tiểu thuyết được gọi là “hiện thực”, “realist” – chúng là những cơn ác mộng. Có thể thực hiện một thứ sự thực cảm nhận nào đó, theo kiểu có vẻ đó là sự thực, ở trong tiểu thuyết - cảm nhận thực của một nhân vật - vậy là quá đủ rồi.
Lẽ dĩ nhiên ảo tưởng lớn lao nhất về nghệ thuật, là nó làm cho người ta cảm thấy văn chương lớn thì ở xém ngay bên cuộc đời [that great literature is very close to life], nhưng, cái ngược lại, thì mới đúng. Đời là vô hình vô dạng, văn chương là… cái áo khoác lên nó, tức là cái có hình dạng, formal.
-Có một số hoạt động ở trong đời sống, chúng là những hình dạng được phát triển cao, high developed activies in life, thí dụ như đua ngựa, horse racing. Không lẽ bởi vì vậy, mà mấy anh nài trở thành ảo ra, nghĩa là bớt thực đi, less real?
-Những đam mê mãnh liệt làm cho con người bị cuốn hút, như mấy anh nài có vẻ như vậy, nhưng đừng nói với tôi rằng như thế con người trở nên thực hơn nhiều. Họ có vẻ giống như những nhân vật ở trong những cuốn tiểu thuyết, mà ‘không có” tiểu thuyết, but “without” novels, như The Flying Dutchman.
-Liệu những nhân vật cứ ở hoài trong đầu cô, mặc dù cuốn tiểu thuyết đã viết xong từ lâu?
Khi xong cuốn sách là tôi không còn quan tâm đến những nhân vật ở trong đó. Và tôi “không bao giờ” đưa ra những phán đoán đạo đức. Tất cả những gì mà tôi có thể nói, là, nhân vật này thì kỳ cục, hay vui nhộn, hay trên tất cả, nhân vật gì mà chán quá. Làm Thượng Đế phán đoán đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo, cho những nhân vật của mình, là một điều nản vô cùng, với bất cứ một tác giả nào, theo tôi. Tôi chẳng hề quan tâm tới việc đó. Tính đạo đức độc nhất của một tiểu thuyết gia, là, tính đạo đức về mỹ học của người đó, the morality of his esthétique. Tôi viết những cuốn sách, chúng đi tới những kết cục, vậy là đủ cho tôi.
-Khi viết xong Chào Buồn, nó có bị bầm dập bởi mấy tay biên tập?
Có một số đề xuất, đối với cuốn đầu. Thí dụ, có một số kết cục, và một trong số đó, là, [nhân vật] Ann không chết. Sau cùng, là quyết định, cuốn sách sẽ mạnh hơn, trong bản văn đầu tiên mà nó được viết.
-Cô có học được tí gì không từ ba lời bình phẩm cuốn sách?
Với những bài viết dễ chịu, thì tôi đọc hết. Tôi chẳng học được gì từ tất cả những bài viết đó, nhưng tôi ngạc nhiên, về sự tưởng tượng và sự dư dả của họ. Họ nhìn thấy những ý hướng, những toan tính mà tôi chẳng hề có.
-Bây giờ, cô cảm thấy thế nào, về Chào Buồn?
Tôi thích Có Một Nụ Cười hơn. Bởi vì nó khó khăn hơn. Nhưng tôi nhận thấy Chào Buồn có vẻ thú vị, amusing, vì nó làm nhớ một đoạn đời của tôi. Và tôi chẳng hề muốn sửa một từ nào ở trong đó. Cái gì xong, là đã xong.
[còn tiếp]

NQT
tanvien.net


Phượng Các
#4 Posted : Thursday, March 22, 2007 1:11:04 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Adieu tristesse
Bonjour tristesse
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
Tu n’es pas tout à fait la misère
Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent
Par un sourire

Buồn ơi vĩnh biệt
Buồn ơi xin chào [1]
Tên mi viết ở trần cao
Viết trong đôi mắt dạt dào ta yêu
Mi đâu hẳn nỗi khốn nghèo
Khi môi cằn ấy tố trêu
Nụ cười



Dùng câu thơ thứ nhì của Paul Eluard (bài À peine défigurée*, Hơi biến ảnh) làm tựa quyển tiểu thuyết đầu tay, Françoise Sagan bất ngờ bước vào văn học làm sững sờ thế giới, đã đi vào truyền thuyết và nửa sau thế kỷ XX chưa bao giờ ra khỏi vinh quang. Sagan thường phàn nàn «Ngán chút thành công nhỏ nhoi này mà thành điệp khúc suốt đời».
Sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935 với tên Francoise Quoirez, tác giả Buồn Ơi Chào Mi [2] chọn bút hiệu Sagan, từ nhân vật của Proust trong À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) - một trong những nhà văn tác giả ái mộ. Buồn ơi chào mi được hoàn tất trong bảy tuần lễ, đánh máy với hai ngón, trong quán cà phê - chào đời trung tuần tháng ba năm 1954 buộc giải băng mang giòng chữ «Quỷ trong tim » [3], tức khắc trở thành một trong những best-sellers quan trọng sau chiến tranh[4]. Sagan không kịp ước mơ, vinh quang đã ào đến. Tháng 5 được giải Critiques. Và quyển tiểu thuyết mỏng manh chưa tới hai trăm trang được dịch ra 22 thứ tiếng - trong đó có Việt Nam, Nguyễn Vỹ dịch năm 1959.

Mở đầu, truyện giới thiệu trực tiếp tâm trạng nhân vật chính ngôi thứ nhất: «Thứ tình cảm xa lạ này mà sự phiền muộn, sự êm dịu không ngừng ám ảnh, tôi ngần ngại đặt lên nó cái tên vừa đẹp vừa nghiêm trọng, là buồn. Đó là thứ tình cảm trọn vẹn quá, ích kỷ quá đến nỗi tôi hầu như hổ thẹn, trong khi nỗi buồn đối với tôi luôn luôn đáng kính. Tôi chưa hề biết buồn, chỉ biết chán nản, hối tiếc, hiếm hoi hơn nữa là lòng ân hận. Hôm nay có gì lắng xuống trong tôi như lụa, bải hoải dịu dàng, chia cách tôi với người khác.
Hè năm đó, tôi mười bảy hoàn toàn sung sướng. « Người khác » là bố và Elsa, nhân tình của bố… » cùng với Anne đoan trang đứng đắn, bạn người mẹ quá cố. Tôi - Cécile phóng khoáng tự do không chịu nổi Anne muốn hướng dẫn mình vào con đường nghiêm chỉnh. Biết bố có thể tính chuyện trăm năm với Anne, Cécile sắp đặt cho Anne thấy bố đang âu yếm Elsa. Anne thất vọng phẫn nộ lao xe, tai nạn, chết. Từ đó Cécile bắt đầu biết buồn, và Sagan bắt đầu thác loạn.
Vào Couvent des Oiseaux năm 1947, bị đuổi vì Sagan ngấy phải cố gắng, nhà trường thì cho bà thiếu tâm linh. Hỏng tú tài năm 1951 sau khi đã tiêu trọn một năm thưởng thức nhạc jazz ở Saint Germain des Prés, nơi sau này Sagan gặp Jean Paul Sartre (hơn Sagan 30 tuổi) và gắn bó tình bạn bền bỉ. Sau đó ghi tên học văn chương ở Sorbonne nhưng bỏ dở dang. Sagan mê văn, 13 tuổi đọc Les Nourritures terrestres (Thực phẩm trần gian) của André Gide, 14 tuổi đọc Albertine disparue (Albertine biến mất) của Proust, 16 tuổi đọc Les Illuminations (Những bản khắc màu) của Rimbaud, Sagan cho văn chương là tất cả. Rồi đọc Camus, Sartre, Faulkner… và hiểu mình sẽ thiên về văn nghiệp.
1954 Sagan là quả bom văn chương nữ. Sau thế chiến thứ hai, các cô muốn thoát khỏi ảnh hưởng gia đình, khỏi ảnh hưởng bà nội bà ngoại luôn áp đặt mọi chuyện, ngay cả phải bận áo hoa xanh hoa hồng. Các cô bắt chước goá phụ chiến tranh, bận màu đen. Sagan tung đúng lúc những gì trong thâm tâm các cô chờ đợi, rao giảng bài học tự do, cao ngạo vượt khỏi mọi rào cản, trực diện số phận. Buồn ơi chào mi là một cú bất ngờ đối với xã hội thời ấy bám riết truyền thống xưa, quan niệm phải lập gia đình rồi mới luyến ái. Thuốc ngừa thai chưa phát minh. Chuyện phá thai chỉ dành cho gia đình giàu có chạy qua Thụy Sĩ giải quyết. Trai gái chỉ tán tỉnh nhau bằng mắt bằng lời. Tìm khoái lạc là cái gì lạ lùng, Pétain cũng chống và De Gaule cũng chống. Thời De Gaulle học trò còn bị cô thầy khẻ tay, trai muốn dụ được gái phải rất mưu mẹo khôn ngoan, đừng hòng các cô dễ dàng quên đức hạnh. 1954 cũng là thời nước Pháp mỏi mệt vì hai cuộc chiến tranh thuộc địa, Đông Dương và Algérie, dân chúng chán nản hững hờ, luân lý chẳng ảnh hưởng gì tới nền chính trị bận rộn. Về phương diện văn chương, Sagan là hiện tượng độc đáo lúc bấy giờ, vừa ra khỏi hiện thực xã hội nhưng chưa có gì mới mẻ khác. Buồn ơi chào mi là « vũ điệu trần truồng giữa căn nhà ngủ người lớn », đẩy sức sống thanh xuân vừa vô luân vừa quyến rũ không cưỡng đuợc. Và cái quyến rũ này đã đưa văn học Pháp cũng như thế giới ra khỏi cằn cỗi không mầm sinh mới, nó khiến cái vô luân càng đáng yêu đáng tha thứ và khiến người muốn chỉ trích cũng phải lựa lời. Vậy mà 3 năm trước đó Sagan đã viết hài kịch thất bại, vất sọt rác.


Người:

Khoảng 50 tác phẩm phần lớn là tiểu thuyết, nhân vật Sagan mang dáng vẻ bè bạn chung quanh hoặc chính tác giả: giàu có, tự do, tìm vui trốn tránh nỗi buồn, có thể giao du được, không đến nỗi táo bạo điên khùng, nhưng không nhân vật nào của Sagan là huyền thoại. Ngược lại, cuộc đời tác giả là một huyền thoại, ngoại hạng. Sinh trưởng trong gia đình giàu có và giáo dục tốt, Sagan ngoan ngoãn nghe lời khuyên của bố « xài hết đi » số nhuận bút khổng lồ đối với cây bút chưa tròn mười chín tuổi. Gì chớ tiêu xài thì Sagan đã quá quen trong gia đình trưởng giả, và đó là điều Sagan áp dụng suốt đời.
Tóc vàng ngắn, mái xô lệch phủ trán, dáng yếu đuối, thuốc trên tay, nói nhanh ngắt quãng, luôn luôn ánh mắt ngạc nhiên trẻ con, bất định… vẻ mong manh bên ngoài ấy chứa đựng một đầu óc tự do, táo bạo, cực kỳ thông minh, năng động, nổi loạn, bất chấp, độc đáo và được hầu hết mọi người yêu quý. Thân thể dong dỏng đó cũng bền bỉ với cách sống bạt mạng: Sagan suốt đời ham xe thể thao, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy, yêu cuồng sống vội, đủ món tứ đổ tường, thích cười đùa, thích yêu, thích ái mộ, nói tốt người khác - nhất là những người kiêu ngạo cô đơn không cần ai… Liều lĩnh phóng túng, thích cảm giác mạnh, Sagan nói Những gì luôn luôn quyến rũ tôi là đốt cháy đời tôi, say sưa, choáng váng. Sagan quan niệm trò may rủi giống như tốc độ, thắng thua không quan trọng bằng cảm giác. Đó là nỗi đam mê có thể đưa mình đi thật xa, là khoái lạc, là trò giải trí điên cuồng. Không gì giống tài năng bằng may mắn. Sagan may mắn. Ngày 8 tháng 8 năm 1958, Sagan chơi bàn quay đặt số 8, thắng 80 000 quan Pháp, đúng số tiền cần mua căn nhà đang thuê vùng biển bắc. Rời sòng bạc, bà mang ngay đến chủ nhà, lúc đó 8 giờ sáng- rồi vội vã ra về, dưỡng sức cho buổi tối. Bà sở hữu nhiều năm căn nhà này, sau bán đấu giá qua cơn thiếu hụt, và cũng là nơi bạn cưu mang bà những năm cuối đời, bịnh hoạn. Bà bị cấm tới lui những ổ chơi đen đỏ. Đã nhiều lần tai nạn, và dù suýt chết nhiều lần nhất là năm 1957, Sagan vẫn thích lái xe thể thao bất kể hiểm nguy, bà cùng một số ít bạn bè thân thiết rất gần gũi tử thần.
Giữa quyển này quyển khác, giữa trang trước trang sau là những đêm trác táng khói cần sa ma túy, là rượu ngon, là những đoạn đường rút ngắn xe thể thao vun vút, sống chết đều vội vã hết mình. Sagan không chỉ là một nhà văn, mà là một con người - một con người dám sống, đam mê mọi thói tật. Sinh trưởng và sống trong của cải, Sagan tự cho mình có may mắn, nhưng không vì vậy mà ôm giữ cẩn thận cái may mắn đó. Sagan sống tận cùng, phung phí sức lực và tiền bạc có được, coi thường cái “liệu cơm gắp mắm” nên nhiều lúc đảo điên vì túng bấn. Người ta không cần biết Sagan của Proust nữa dù là công chúa, họ đã có một Sagan xương thịt, nhạy cảm sinh động, sôi nổi điên cuồng, hoang đàng khả ái, hiện thân thời đại. Luôn luôn ham sống và ham viết, luôn luôn yêu văn chương. Bà chẳng lưu tâm gì đến chính trị khiến Sartre tự hỏi mình có quá chính trị không! Sagan đã giúp những năm cuối đời của Sartre vui vẻ, bà chở Sartre trên xe phóng đi ăn đi chơi, và họ cười đùa vô tư như học trò. Quyển Avec mon meilleur souvenir (Kỷ niệm đẹp nhất của tôi) ra năm 1984, Sagan viết về Sartre lời lẽ trân trọng yêu qúy, kể lại những thông đồng giữa hai tài danh thế kỷ XX, không khoe khoang, chỉ khiến người đọc thích thú say mê trước đầu óc, tâm hồn và chữ nghĩa riêng của mỗi người.
Sagan là một Star thực sự, một hiện thân huy hoàng cho văn học Pháp, nẩy lửa và u hoài. Là người trí tuệ, lễ độ, tế nhị, Sagan đưa ta vào căn phòng tưởng tượng, hào phóng thảnh thơi. Mọi sinh hoạt của bà đã nuôi nhiều cột báo. Người ta viết về bà hình ảnh tiểu thuyết gia ăn chơi, đi chân trần, phóng xe, nhậu nhẹt. Nhưng Sagan bất cần những tò mò kiểu đó, và luôn luôn trả lời minh bạch, thẳng thắn không gian lận về chính mình và thời mình sống.
Sagan có hai đời chồng, năm 1958 với éditeur Guy Schoeller lớn hơn 20 tuổi, 2 năm sau ly dị; 1962 bà tái giá và có con trai tên Denis, với Robert Westhoff điêu khắc gia người Mỹ. Năm sau ly dị. Từ đó bà sống độc thân tới khi chết.



Văn:

Sagan quan trọng hơn tác phẩm, nổi tiếng hơn các nhân vật của bà. Sagan tiêu hao sức lực trong cái trái nghịch đời mình: sinh hoạt nhộn nhàng với xã hội thượng lưu bên ngoài và nỗi cô đơn không cùng bên trong… Bernard Frank (nhà văn, bạn thân của Sagan) cho rằng Sagan đẩy nhục cảm vào triết lý hiện sinh, người khác bảo Sagan đặt “một chút mặt trời trong nước lạnh” (Tên quyển tiểu thuyết khác của Sagan. Khi phim này chiếu ở miền Nam, dân VN thêm “một chút mặt trời trong ly nước lạnh!). Thường những cuộc tình tay ba, người tình tìm cách tự đày ải như chỉ có mình mới biết yêu thực sự. Nhân vật cô đơn nhưng không om sòm về sự hiện hữu đáng lo âu của mình. Con người sống qua ngày, chán chường, không mục đích, giải quyết nhàn cư bằng những mưu mẹo tình trường, những hành vi táo bạo, lao mình vào cuộc truy hoan. Có lẽ Sagan quen sống giàu sang, nhân vật bà chẳng quan tâm đến vật chất. Bà tô hoạ tình cảm nhân vật như giới đàn anh tô hoạ cá tính. Sagan không phải tiểu thuyết gia của cái sống bần hàn cực nhọc mỗi ngày, bà diễn tả nếp sống phơi phới tự do khiến phát thèm ngỡ là tưởng tượng. Bà rất riêng lẻ trong thời ấy. Những người quan niệm nhà văn phải im lặng đau khổ, viết nhưng đừng sống, thì không ưa bà, cho văn bà là âm nhạc nhỏ “petite musique”, lối mỉa mai loại văn không có gì đáng kể. Dĩ nhiên bị chê thì chẳng ai vui, ngay cả Sagan xem đời là một cuộc chơi, bà tuyên bố Cứ nghe nói mãi về « âm nhạc nhỏ », tôi tự nhủ « mang một ít Wagner vào đấy » . Bù lại, nhà văn Francois Mauriac, (1885-1970: năm 1926 được giải nhất về tiểu thuyết Viện Hàn Lâm Pháp; 1933 được bầu vào Viện Hàn Lâm; 1952 được Nobel văn chương), được mệnh danh và cũng tự nhận mình là « nhà văn Công giáo », gọi Sagan là “tiểu quỷ duyên dáng”. Và Emile Henriot (1889-1961, nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn, được bầu vào viện Hàn Lâm năm 1945) gọi Buồn ơi chào mi là “kiệt tác nhỏ vô sĩ tàn ác”.
Văn Sagan thuộc loại cổ điển, câu ngắn, dễ dãi không trau chuốt bóng bẩy, thẳng thắn, hờ hững bất cần, cá tính mạnh, nhẹ nhàng lịch lãm, chuyển tải trực tiếp rung cảm của tác giả sang độc giả. Nhẹ như khói thuốc, khói cần sa ma túy. Sagan chẳng tha thiết cái mới mẻ. Viết vì thích viết. Không phân vân ba trăm năm sau có ai dư nước mắt khóc mình không, cái đó không ám ảnh bà. Các nhà đạo đức lớn quan niệm viết là vẽ lại quang cảnh tinh thần, nhất là tâm hồn mình. Sagan càng lúc càng đi vào hướng đó, có tài miêu tả những tiểu tiết ít ai để ý với giọng phơn phớt, chủ yếu luôn luôn giải phóng ràng buộc đạo lý. Sagan thành công phát hoạ thế giới nho nhỏ một nhóm người với giọng châm chọc nhẹ nhàng luôn luôn chính xác, cùng lúc hư hư thực thực có chất thơ, vui buồn lẫn lộn, nhiều khi khiến cuộc đời thành phi lý.
Sagan sống đời phong phú, xa hoa, trụy lạc, liều lĩnh, khi mạo hiểm cuộc đời, mình tin chắc sẽ không mất nó, chính quan niệm sống này đã tạo huyền thoại Sagan, là một trong số ít nhân vật gây được tĩnh từ do tên mình, saganien, những kẻ theo Sagan, và saganesque, phong cách Sagan. Nhiều khi bà viết theo đơn đặt hàng vì tiền nhuận bút đã lấy tiêu trước hết rồi. Có phải nhà văn nào mỗi lần viết cũng nặn ra một tác phẩm lớn đâu, nên nhiều quyển bị cho là hời hợt và về sau này người ta hầu như chẳng đọc Sagan, nhưng mỗi quyển mới ra hay tái bản đều được báo chí và công chúng lưu tâm và bán chạy. Có phải để trả giá cho tăm tiếng của bà?
Những năm 60 Sagan bước vào lĩnh vực sân khấu, vở Château en Suède (Lâu đài ở Thụy Sĩ) nổi tiếng tương đương Buồn ơi chào mi trong tiểu thuyết. Thập niên sau bà thử đạo diễn điện ảnh nhưng hoàn toàn thất bại. Thập niên 80, để chứng tỏ cho người nói bà chỉ giam mình trong một môi trường, một thời đại ngắn ngủi, là sai, Sagan cho ra đời tác phẩm dài hơi, như La femme fardée (Người đàn bà dồi phấn), chuyến du thuyền sang trọng nhóm khoảng chục người. Khi gặp cuồng phong, mỗi người lộ rõ chân tướng, cái nhỏ nhặt bủn xỉn cũng như lòng bao dung vị tha… Hay De guerre lasse (Cuộc chiến chán chường), bối cảnh 1942 tổ chức trốn Nazis… Chuyện tình tay ba sôi nổi nghịch cảnh.
Ba mươi năm sau Bonjour Tristesse, Sagan nói về văn bà: “Tôi hiểu rõ tiểu thuyết của mình. Tôi chẳng có gì phải xấu hổ cả, đó không phải loại văn chương tồi mà là việc làm lương thiện. Nhưng tôi biết đọc. Đã đọc Proust, Stendhal... Những người như vậy sẽ làm bạn thôi khoác lác”.
Không biết những người không ưa thích Sagan vì bà khuynh tả, ủng hộ phe Xã Hội dù không vào đảng, và là bạn thân của Tổng Thống François Mitterrand (Sagan cho Mitterrand là người bạn lý tưởng, duyên dáng. Giữa nhà văn và Tổng thống tình cảm nảy nở như cú sét, nuôi dưỡng bởi sự thông minh tuyệt vời của mỗi người), hay vì thói hút sách. Bà đã nhiều lần bị án tù treo và phạt vạ vì tiêu thụ và tàng trữ bạch phiến. Bà nói bà có quyền hủy hoại đời mình miễn không hại ai, rằng pháp luật đặt ra là để thích ứng với con người chứ không ngược lại… Bạn bà hầu hết tiếng tăm, đã ký tuyên ngôn ủng hộ Hãy kết án chúng tôi cùng với Sagan. Bà quỵt thuế bị phạt 1 năm tù treo, bạn bè và kẻ ái mộ phản đối: Sagan thiếu tiền nhà nước, nhưng nhà nước thiếu Sagan nhiếu hơn nữa!
Về phần Sagan, với bản tính tự do bất khuất, năm 1960 đã ký Manifeste des 121 bảo vệ quyền không phục tùng, trong chiến tranh Algérie; năm 1971 ký Manifeste des 343 ủng hộ nữ quyền tự do phá thai.
Ngoài giải Critiques tháng 5 năm 1954, năm 1985 Sagan được giải Prince-Pierre-de-Monaco cho toàn bộ tác phẩm. Không được giải lớn lao nào khác.




Sagan và Việt Nam:

Theo Nguyễn Văn Lục, HL 79, “Cuốn sách của Nguyễn Nam Châu, Những Nhà Văn Hoá Mới đã mở cửa chào đón Sagan vào VN, từ đó mà Sagan nổi tiếng”. Với bản dịch của Nguyễn Vỹ và nhiều bài báo viết về Sagan. Thời đó báo thường đăng truyện mấy cậu ấm phóng xe “phom phom”, hút thuốc phì phèo, vẻ cố tình lãng tử. Ảnh hưởng Sagan. Thật ra Sagan cũng chỉ nổi tiếng trong phạm vi nhất định thế giới văn chương, trí thức và sinh viên. Nhưng chính nhờ phim Bonjour tristesse,Otto Preminger thực hiện với các tài tử Deborah Kerr, Mylène Demongeot và Jean Seberg, Sagan mới thực sự đi vào đông đảo quần chúng. Vốn quen và yêu văn hoá Pháp, dân Việt Nam hân hoan ngỡ ngàng đón nhận bầu không khí cực kỳ mới mẻ quyến rũ của Sagan. Quen với giáo dục Khổng giáo, tinh thần tự do của Cécile gây thèm muốn nơi giới trẻ, các cô muốn được cái bản lĩnh Sagan gợi ra mà không dám nói, cũng chẳng theo được. Đó là những năm Hippy, những năm chiến tranh bắt đầu leo thang, sinh viên kẻ còn nhà trường, kẻ ra chiến địa… Giới trẻ bị bế tắc. Sau lưng hãy còn cụ Khổng, trước mặt là chiến tranh, họ lo “chạy trốn về phía trước”. Hippy thì chỉ một số ít đua theo thời, cùng lắm cũng chỉ là ăn bận hoa hoè kệch kỡm, tóc phủ vai, lê thê tụm năm tụm ba rồ xe máy ồn ào. Cái mới mẻ Sagan bày ra cao cả hơn, lặng lẽ mãnh liệt, là một ước ao không dễ thực hiện, kéo giới trẻ lên một cấp tư duy mới, suy nghĩ về mình, về người và về chuyện sống còn. Và từ đó, Sagan nhập vào xương thịt, không nhắc và có thể có người không biết Sagan, vẫn rất thường dùng tiếng “buồn ơi chào mi” trong cả hai nghĩa: đón tiếp và từ giã nỗi buồn.
x
Mất ngày 24 tháng 9 năm 2004 vì nghẹt đường hô hấp, ngày 28 Sagan được chôn cất trong nghĩa trang nhỏ gần làng sinh trưởng, nhiều nhân vật chính quyền đưa tiễn tuyên bố ca ngợi tiếc thương. Nữ tài tử điện ảnh Brigitte Bardot mỉa mai “vậy mà khi Sagan còn sống trong khó khăn thì chẳng ai cục cựa ngón tay giúp đỡ!”.
Trong bài Gần xa, Sagan, nhà phê bình Đặng Tiến viết tại Việt Nam đối với thế hệ thời 1954 thì “Sagan là gương mặt thân thuộc, thậm chí thân thương”. Bởi vì dân Việt Nam đọc và sững sờ ái mộ. Bên Pháp giới phê bình và bảo thủ sững sờ kết án. Giới trẻ hai nơi tôn bà thần tượng. Nhưng cũng như tại Việt Nam, thế hệ sinh thập niên 60 -70 chẳng mấy ai đọc Sagan, dù vậy họ đều nhắc đến Sagan với lòng trân trọng. Nếu người ta không đọc hay đã quên tác phẩm viết của Sagan, không ai quên truyền thuyết về bà - người biết tạo nghệ thuật sống cho riêng mình, trước hết là mình, thoát khỏi khung thời đại.
Dù những năm cuối đời túng thiếu bịnh hoạn, không bao giờ Sagan tỏ ý hối tiếc về cách sống phóng đãng của mình, vẫn luôn luôn ham sống. Sagan đã tự giới thiệu trong Tự Điển Văn học Hiện Đại Pháp như sau: “Chào đời năm 1954, quyển tiểu thuyết mỏng Buồn ơi chào mi gây công phẫn cả thế giới. Sau một đời và một tác phẩm vừa dễ chịu vừa cẩu thả như nhau, sự ra đi của tác giả chỉ gây công phẫn cho chính bản thân tác giả thôi”.
Sự ra đi của Sagan gây công phẫn cho chính bà vì đến giây phút cuối cùng bà vẫn không muốn chết. Người con gái trẻ tiền vô nhiều triệu dễ dàng và sợ bóng đêm. Người đàn bà luống tuổi không xu dính túi đối diện với âm u huyệt mộ. Dân Pháp xúc động ngẩn ngơ. Báo chí đã đổ bao nhiêu mực khi bà sống, thì ngày bà nằm xuống mực cũng tốn rất nhiều thay nước mắt tiếc thương một con người tài hoa, một con người rất thật.


Buồn ơi chào mi !



* À peine défigurée (trong tuyển tập La Vie Immédiate, 1935), nguyên văn và dịch sát nghĩa

Adieu tristesse
Bonjour tristesse
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
Tu n’es pas tout à fait la misère
Car Ales lèvres les plus pauvres te dénoncent
Par un sourire
Bonjour tristesse
Amour des corps aimables
Puissance de l’amour dont l’amabilité surgit comme un monstre sans corps
Tête désappointée
Tristesse beau visage




Paul Eluard






Buồn ơi vĩnh biệt
Buồn ơi chào mi
Mi được viết trong các đường trên trần nhà
Mi được viết trong đôi mắt ta yêu
Mi không hoàn toàn là sự khốn cùng
Bởi đôi môi cằn cỗi nhất tố giác mi
Bằng một nụ cười
Buồn ơi chào mi
Mối tình của những thân thể đáng yêu
Mãnh lực của tình mà sự khả ái hiện ra
Như quái vật không thân thể
Với cái đầu chán nản
Và khuôn mặt đẹp nỗi buồn



__________________________________________________________________

[1] Tên bản dịch của Lê Huy Anh, 20 năm Văn học dịch, Nguyễn Văn Lục, HL79
[2] Tên bản dịch 1959 của Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Lục đã dẫn
[3] Có nhiều tên sách Quỷ Trong Tim, Diable au Coeur. Ở đây nxb muốn đồng hoá trường hợp Sagan với nhà văn chết trẻ Raymond Radiguet (1903-1923), đã xuất bản quyển Diable au corps, Quỷ Trong Thân vào năm 17 tuổi, chuyện tình giữa cậu con trai và người đàn bà có chồng, lớn hơn cả chục tuổi. Quỷ Trong Thân cũng gây sửng sốt hồi đầu thế kỷ, nằm trong Collection Les Grandes Classiques.
[4] 8000 bản tháng 5-1954; 45.000 bản tháng 9; 100.000 bản tháng 10; 200.000 bản tháng 12 (1954). Năm năm sau, Bonjour Tristesse đã bán 4 triệu rưởi quyển trên khắp thế giới (tại Hoa Kỳ 1 triệu). Hiện nay vẫn còn bán.





Các tác phẩm :
Bonjour tristesse (1954)
Un certain sourire (1955)
Dans un mois, dans un an (1957)
Aimez-vous Brahms ? (1959)
Les Merveilleux Nuages (1961)
Toxique (1964)
La Chamade (1965)
Le Garde du cœur (1955)
Un peu de soleil dans l'eau froide (1969)
Des bleus à l'âme (1972)
Il est des parfums (1973, cộng tác với Guillaume Hanoteau)
Un profil perdu (1974)
Réponses (1975)
Des yeux de soie (nouvelles 1975)
Brigitte Bardot (1975)
Le Lit défait (1977)
Le Chien couchant (1980)
Musiques de scène (nouvelles, 1981)
La Femme fardée (1981)
Un orage immobile (1983)
Avec mon meilleur souvenir (1984)
De guerre lasse (1985)
La Maison de Raquel Vega (1985)
Sarah Bernhardt, ou le rire incassable (1987)
Un sang d'aquarelle (1987)
La Laisse (1989)
Les Faux-Fuyants (1991)
Répliques (1992)
...Et toute ma sympathie (1993)
Chagrin de passage (1994)
Le Miroir égaré (1996)
Derrière l'épaule (1998, biographie)


Kịch sân khấu
1960 - Château en Suède,
1961 - Violons parfois,
1963 - la Robe mauve de Valentine,
1978 - Il fait beau jour et nuit,
1987 - l'Excès contraire,

Phim ảnh

1961 : Aimez-vous Brahms ?
1963 : Landru
1970 : le Bal du comte d'Orgel
1977 : les Borgia ou le Sang doré
1977 : Les Fougères bleues
1985 :le Deuxième Couteau

© http://vietsciences.nethttp://vietsciences.free.fr Võ Thị Xuân Sương
PC
#5 Posted : Thursday, November 13, 2008 6:25:52 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nhân 5 năm ngày qua đời của nữ văn sĩ Francoise Sagan

Buồn ơi vĩnh biệt

Ra đời trung tuần tháng ba năm 1954, Bonjour tristesse (Buồn ơi chào mi) trở thành một trong những tác phẩm best-seller quan trọng sau thời chiến. Được nữ văn sĩ Françoise Sagan đánh máy với hai ngón tay trong quán cà phê và hoàn tất trong bảy tuần, Bonjour tristesse bước vào văn học như một tuyệt tác làm sững sờ thế giới...


Bìa sách Buồn ơi chào mi

Mở đầu, truyện giới thiệu tâm trạng nhân vật chính ở ngôi thứ nhất: "Thứ tình cảm xa lạ này mà sự phiền muộn, sự êm dịu không ngừng ám ảnh, tôi ngần ngại đặt lên nó cái tên vừa đẹp vừa nghiêm trọng, là buồn. Đó là thứ tình cảm trọn vẹn quá, ích kỷ quá đến nỗi tôi hầu như hổ thẹn, trong khi nỗi buồn đối với tôi luôn luôn đáng kính. Tôi chưa hề biết buồn, chỉ biết chán nản, hối tiếc, hiếm hoi hơn nữa là lòng ân hận. Hôm nay có gì lắng xuống trong tôi như lụa, bải hoải dịu dàng, chia cách tôi với người khác". Trong truyện, khi "tôi" bắt đầu biết buồn là lúc Sagan ngoài đời bắt đầu thác loạn.

1954, Sagan là quả bom văn chương nữ. Sau thế chiến thứ hai, các cô muốn thoát khỏi ảnh hưởng gia đình áp đặt mọi chuyện, Sagan tung đúng lúc những gì trong thâm tâm các cô chờ đợi, rao giảng bài học tự do, cao ngạo vượt khỏi mọi rào cản, trực diện số phận. Buồn ơi chào mi là một cú bất ngờ đối với xã hội thời ấy bám riết truyền thống xưa, quan niệm phải lập gia đình rồi mới luyến ái. Thuốc ngừa thai chưa phát minh. Chuyện phá thai chỉ dành cho gia đình giàu có chạy qua Thụy Sĩ giải quyết. Trai gái chỉ tán tỉnh nhau bằng mắt bằng lời. Tìm khoái lạc là cái gì lạ lùng, Pétain cũng chống và De Gaule cũng chống. Về phương diện văn chương, Sagan là hiện tượng độc đáo lúc bấy giờ, vừa ra khỏi hiện thực xã hội nhưng chưa có gì mới mẻ khác. Buồn ơi chào mi đẩy sức sống thanh xuân vừa vô luân vừa quyến rũ không cưỡng đuợc. Và cái quyến rũ này đã đưa văn học Pháp cũng như thế giới ra khỏi cằn cỗi không mầm sinh mới, nó khiến cái vô luân càng đáng yêu đáng tha thứ và khiến người muốn chỉ trích cũng phải lựa lời.

Khoảng 50 tác phẩm phần lớn là tiểu thuyết, nhưng không nhân vật nào của Sagan là huyền thoại. Ngược lại, cuộc đời tác giả là một huyền thoại, ngoại hạng. Sinh trưởng trong gia đình giàu có và giáo dục tốt, Sagan ngoan ngoãn nghe lời khuyên của bố "xài hết đi" số nhuận bút khổng lồ đối với cây bút chưa tròn mười chín tuổi, và đó là điều Sagan áp dụng suốt đời.

Tóc vàng ngắn, dáng yếu đuối, thuốc trên tay, nói nhanh ngắt quãng, ánh mắt ngạc nhiên trẻ con, bất định… vẻ mong manh bên ngoài ấy chứa đựng một đầu óc tự do, táo bạo, cực kỳ thông minh, năng động, nổi loạn, bất chấp, độc đáo và được hầu hết mọi người yêu quý.

Sagan suốt đời ham xe thể thao, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy, yêu cuồng sống vội, đủ món tứ đổ tường, thích cười đùa, thích yêu, thích ái mộ, liều lĩnh phóng túng, thích cảm giác mạnh. Bà có vẻ hạp với số 8. Ngày 8 tháng 8 năm 1958, Sagan chơi bàn quay đặt số 8, thắng 80 000 quan Pháp, đúng số tiền cần mua căn nhà đang thuê vùng biển bắc.

Sagan nhạy cảm sinh động, sôi nổi điên cuồng. Hai lần lập gia đình rồi chỉ một thời gian 1, 2 năm là ly dị, sau đó bà sống độc thân tới khi chết.

Sagan là một hiện thân huy hoàng cho văn học Pháp, nẩy lửa và u hoài. Mọi sinh hoạt của bà đã nuôi nhiều cột báo. Người ta viết về bà hình ảnh tiểu thuyết gia ăn chơi, đi chân trần, phóng xe, nhậu nhẹt. Bà bị cấm tới lui những nơi chơi trò đen đỏ. Đã nhiều lần tai nạn, và dù suýt chết nhiều lần nhất là năm 1957, Sagan vẫn thích lái xe thể thao bất kể hiểm nguy.

Bernard Frank (nhà văn) cho rằng Sagan đẩy nhục cảm vào triết lý hiện sinh, người khác bảo Sagan đặt “một chút mặt trời trong nước lạnh” (Tên quyển tiểu thuyết khác của Sagan). Có lẽ Sagan quen sống giàu sang, nhân vật bà chẳng quan tâm đến vật chất. Bà rất riêng lẻ trong thời ấy. Những người quan niệm nhà văn phải im lặng đau khổ, viết nhưng đừng sống, thì không ưa bà, cho văn bà là âm nhạc nhỏ “petite musique”, lối mỉa mai loại văn không có gì đáng kể. Bù lại, nhà văn Francois Mauriac, gọi Sagan là “tiểu quỷ duyên dáng”. Và Emile Henriot gọi Buồn ơi chào mi là “kiệt tác nhỏ vô sĩ tàn ác”.

Những năm 60 Sagan bước vào lĩnh vực sân khấu, vở Château en Suède nổi tiếng tương đương Buồn ơi chào mi trong tiểu thuyết. Thập niên sau bà thử đạo diễn điện ảnh nhưng thất bại. Thập niên 80, để chứng tỏ cho người nói bà chỉ giam mình trong một môi trường, một thời đại ngắn ngủi, là sai, Sagan cho ra đời tác phẩm dài hơi, như La femme fardée, hay De guerre lasse...

Ngoài giải Critiques tháng 5.1954, năm 1985 Sagan được giải Prince-Pierre-de-Monaco cho toàn bộ tác phẩm.

Xuân Sương, Paris, Sept. 2008
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.