Chời ơi, ngâm cái này không biết thành... cái gì rồi... chắc phải chuyển thành... truyện cực ngắn!
Chuyến Đi Mt. Whitney Thứ HaiĐó là vào tháng Sáu 2010. Chuyến "vacation" cuối cùng của dtqa trước khi bước vào "những ngày khốc liệt" chuẩn bị cho E-Day của tháng 11. Trước đó, chúng tôi thử sức ở núi Baldy hai lần. Núi Baldy, như tên gọi, quang cảnh không mấy gì đẹp, khô khan như vùng đồi trọc, có lẽ vì thế nên thường được dùng làm nơi tập luyện cho Mt. Whitney. Mt. Baldy cao 10,064 ft, là đỉnh cao nhất của vùng Los Angeles, đường đi dài 13.6 miles cả lượt đi lẫn về. Tuy cảnh trên đường đi không có gì hấp dẫn, cảnh trên đỉnh nhìn ra 360 độ xuống thung lũng và vùng núi đồi xung quanh rất ngoạn mục.
Rút kinh nghiệm chuyến đi lần đầu, chúng tôi chọn đi ngày rằm và may mắn được chấp thuận. Nhóm có 4 người: "Thần núi" Thân Trọng Quang, dtqa và người học trò lâu năm của ĐT. "Thần núi" Thân Trọng Quang trong độ tuổi năm mươi mấy là người đã từng thử sức với Mt. Everest, thì Mt. Whitney chỉ là một chàng tí hon, trong khi người học trò của ĐT tên Dũng trong độ tuổi hai mươi mấy là một anh chàng khá ngộ nghĩnh, dáng người roi roi, rất ít đi hiking, rất thích mang nhiều hành trang, nhưng lại luôn bức lên đi trước.
Như thường lệ chúng tôi đến đất trại từ ngày hôm trước để chuẩn bị. Hành trang lần này nặng hơn vì mỗi người cần chuẩn bị mang theo crampons và ice axe để có thể đi trên tuyết. Crampons có những chấu nhọn được gắn vào đế giày để có thể bám vào tuyết dễ hơn. Ice axe cũng để dùng bám vào tuyết ở những đọan dốc.
DTQA và Dũng bắt đầu đặt chân lên đường mòn khoảng nửa đêm, trăng sáng lặng lẽ đồng hành, mông lung huyền dịu như thần thoại. Cứ cắm cúi bước đều, tiếng gậy khua lóc cóc như tiếng mõ trong đêm thiền định. Vài chú nai ngơ ngác trên triền đồi rồi vụt biến vào bóng đêm. Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng rào rào của suối, biết đã đến đoạn vượt ghềnh đầu tiên. Tháng Sáu nước đổ xuống nhiều hơn nên vượt qua đoạn suốt này khó hơn hai năm về trước khá nhiều, và trên đường còn phải qua nhiều đoạn suối như thế.
Băng qua thảo nguyên, chúng tôi bắt đầu băng rừng, có nhiều chỗ tuyết phủ che mất đường mòn chỉ có thể lần theo những dấu giày in trên tuyết của người đi trước để tìm đường. Có những đoạn phải băng ngang một triền tuyết khá dốc, đường đi chỉ hẹp bằng khổ ngang của tờ giấy in, đôi khi khá trơn, cần phải bước những bước thật chắc trước khi nhấc chân còn lại khỏi tuyết. Ở những đoạn này gậy chống vô cùng hữu ích vì có thể dùng làm thước thăm dò độ sâu của tuyết. Chúng tôi chưa dùng đến crampons và ice axe vì tuyết chỉ đóng từng mảng, khi không có tuyết thì không thể đi crampons trên đá được xe lam hỏng crampons.
Chúng tôi mải miết đi cho đến trời phía đông bắt đầu nhuốm một chút hồng thì chúng tôi đã ở khá cao trong vùng núi đá. Quang cảnh xung quanh hùng vĩ khó tả và cũng khó thu lại trong ống kính. Có thể nói, cảnh đẹp của Mt. Whitney thay đổi theo mỗi khúc quanh. Đứng ở bên đây có thể ngắm mặt trời mọc, bình minh le lói như đang được kéo lên bằng tiếng chim ríu rít. Những tia nắng đầu ngày vàng vọt nhuốm lên những ngọn thông một màu cam phơn phớt êm đềm, hay phủ lên mặt hồ xanh ngắt một lớp lấm tấm vàng lấp lánh. Thế mà qua một khúc quanh, phía bên kia đồi là một vùng băng tuyết trắng xóa, mặt hồ đóng băng lạnh lẽo như còn đang say giấc ngủ mùa đông. Lạch suối len lỏi giữa những mảng băng đang tan và bờ cỏ vừa nhú mang một màu mượt mà khó tả. Khung cảnh thật khác biệt, ngỡ như đang ở một chốn thiên thai nào đó.
Khi đã sáng rõ, ánh nắng ấm áp chiếu vào triền băng ánh lên loang loáng, nhìn xuống dưới xa thấy một nhóm người đang băng tuyết nhỏ li ti chỉ bằng ngón tay. Chúng tôi đi thêm một đoạn nữa thì đến Trail Camp, nơi đây có một hồ nước nhỏ là một trong những nơi dựng lều của những người đi Mt. Whitney trong hai ngày. Chúng tôi nghỉ mệt ở đây và ăn sáng. Cả ba người đều thấm mệt, và khúc bánh mì mua từ ngày hôm trước bỗng nhiên thành một bữa sáng thịnh soạn. "Thần Núi" cũng bắt kịp chúng tôi ở đọan này mặc dù "ông thần" đi sau chúng tôi đến cả hơn hai tiếng đồng hồ. Không khí loãng của núi cao gây ra cảm giác nhức đầu và hơi choáng. Xung quanh chúng tôi là nhiều nhóm hiking khác, hình như chỉ có nhóm chúng tôi là Á Châu.
Nhìn ra triền núi trước mặt thấy rõ có hai hướng đi. Nhóm nào trang bị đầy đủ đồ nghề và có kinh nghiệm sẽ mang crampons vào ở đọan này và thử sức trên triền núi tuyết, có lẽ nghiêng chừng 45 độ, nhưng nhìn từ xa trông như dốc thẳng đứng. Nếu cố nhìn xa hơn vào vách núi vẫn sẽ thấy có những "con kiến" đang dần dần leo lên, chứng tỏ rằng con đường đó vẫn có thể chinh phục được. Nếu cảm thấy chưa sẵn sàng, có thể chọn đi con đường chính, vượt qua một khoảng tuyết khá rộng và tiếp tục leo núi đá, khoảng 100 khúc quanh (switchback) khá gắt để lên cao nữa. Tuy nhiên, theo những người ở trên đi xuống cho biết thì lên cao, con đường này cũng đóng đầy tuyết và phải vượt qua bằng crampons và ice axe. Tuy nhiên, đến hơn 50% số người đi ngày hôm đó phải quay trở lại vì đường đi quá nguy hiểm.
Chúng tôi hội ý "Thần Núi" và ông khuyên không nên tiếp tục đi nữa vì tình trạng thời tiết không đựoc thuận tiện. Ngay cả Thần Núi cũng không chắc rằng ông muốn leo đến đỉnh ngày hôm nay. Một điều quan trọng hơn nữa là nếu cả nhóm cố gắng hết sức vẫn có thể lên đến đỉnh, nhưng có xuống được hay không mới là điều cần phải lo tới. Khi đi tuyết, đi lên dễ hơn đi xuống rất nhiều, đó là chưa kể nếu tốn quá nhiều thời gian đi lên thì khi đi xuống phải đi trong tối ngay cả ở những đoạn vượt tuyết khó nhất. Tuy nhiên, nhìn thấy đoạn switchback nổi tiếng của Mt. Whitney ngay trước mặt mà không thử sức thì thật quá tiếc. Và thế là chúng tôi quyết định tiếp tục đi cho đến khi nào không đi được nữa thì trở xuống.
Ở đoạn này Dũng dẫn đầu, kế là QA, đến ĐT và Thần Núi đi sau chót... bảo hộ. Đến khoảng 1/3 của đoạn leo núi đá thì ...

... chúng tôi quyết định trở xuống. Điều đầu tiên là vấn đề thời gian. Có thể nói chúng tôi vẫn có đủ thời gian để lên đến đỉnh trước 3 giờ chiều, nhưng đường xuống sẽ vô cùng hiểm trở và không lọai trừ khả năng chúng tôi KHÔNG THỂ vượt qua những đoạn khó để đi xuống, mà chúng tôi thì không chuẩn bị hành trang để ngủ đêm giữa vùng núi tuyết. Ý muốn chinh phục núi cao và vượt qua sự thử thách về thể lực cũng không thể quan trọng bằng mạng sống trân quý. Trò chơi mạo hiểm nào mà không có những rủi ro chết người, và đâu ai biết được rằng hôm nay có phải là ngày Thần Chết viếng thăm mình hay không. Thế cho nên cần phải nhủ thầm rằng "Not Today!" (Game of Thrones)
Lý do thứ hai cũng liên quan đến thời gian. Giả như chúng tôi có thể lên đến đỉnh, thì không biết khi nào mới quay lại Mt. Whitney. Vậy mà đường đi lên đã đi trong đêm, đường đi xuống lại cũng đi trong đêm thì... được ích gì? Sau này ai có hỏi cảnh Mt. Whitney thế nào, chẳng biết! Do đó, chúng tôi quyết định cùng nhau đi xuống, kể cả Thần Núi. Mục đích của ông đi theo phần lớn là để bảo hộ chúng tôi, chứ còn lên đến đỉnh thì ông đã lên nhiều lần rồi, bốn mùa có đủ.
Thời gian đi xuống rộng rãi, tha hồ dừng lại ngắm cảnh chụp hình. Lúc đó mới thấy có quá nhiều cảnh đẹp. Trời xanh ngăn ngắt đượm một cụm mây trắng và một bóng cây lẻ lo, quả đúng là "kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà vui". Có những khúc cây hình thù kỳ dị nằm trơ trọi trên đá, những bụi hoa dại bông bé tíu xíu nhưng rực rỡ như những đóm lửa trên vách đá. Dòng nước có nơi đổ xuống thành thác, có khi len qua đá rêu xinh xắn. Thảo nguyên là một vùng nước cạn với những bụi cây thấp xanh tươi, phong cảnh khác biệt với trên núi cao hay trong rừng thông. Chúng tôi cũng nghỉ chân bên bờ hồ có rất nhiều cá trout ngũ sắc, lọai cá rất phổ biến ở vùng này, khung cảnh yên tĩnh và lãng mạng.
Chúng tôi trở về lòng không khỏi nuối tiếc nhưng không buồn, lại phải hẹn Mt. Whitney một dịp khác vậy.
[hết]
Bây giờ lo tìm cách "dán" hình
