@Lan Huỳnh, Tonka, chị Lan Huỳnh và chị Tonka cho 5 (aka Triển Chiêu, 5 đổi sang nick bên GNOL là 5 để đỡ ngộ kiến với thiền tổ Triệu Châu và bạn Tình Cờ trong diễn đàn này nhé, khi viết tắt hay hết hồn quá
) xin được lạm bàn một ít về các phương pháp thiền học nhé. Nếu có gì sai sót, các anh / chi, cứ thẳng góp ý thêm. Anh chị em chúng ta chỉ tham khảo và học hỏi với nhau về thiền thôi nhá.
Theo ý 5, chị Lan Huỳnh giải thích đúng. Chị Tonka có những câu hỏi cũng đúng luôn.
Chị Tonka đúng ở khía cạnh nào ? Đúng là do khúc đối thoại khó hiểu quá, làm thiền sinh khổ tâm khi học hỏi. Và nhất là ngày nay mình sống ở thời đại mà giá trị khoa học được đặt để cao nhất vì lý do thực dụng và xác thực của nó. Hằng ngày chị Tonka, chị Lan Huỳnh, 5 hay tất cả các bạn ở đây đều va chạm với cuộc sống thực tế và khoa học nên xã hội đã vô hình chung tác dụng lên ta ít nhiều về cách suy nghĩ. Cách suy nghĩ logic. Đặc biệt có học vị càng cao thì cách suy nghĩ logic càng mạnh mẻ. Do đó khi học hỏi về đạo, pháp. Chúng ta không khỏi vô tình bị ràng buộc vào các hướng suy nghĩ logic. Từ đó hình thành các nghi ngờ về Pháp, về Tăng, về Bụt. Ngoài ra, điều lớn lao nhất mà chúng ta dễ vấp phải là dùng đầu óc hiện đại để hiểu những tư tưởng cổ xưa. Ngày xưa các tư tưởng và học thuyết được áp dụng trong hoàn cảnh xưa, phù hợp và dễ dàng. Ngày này ta học các cổ ý, ta dễ bị có sự so sánh và khó hiểu. Tất cả xảy ra ngoài ý ta muốn mà theo 5 gọi là một sự logic hóa ý niệm theo khoa học tự nhiên.
Mỗi một thiền sư có một cách giảng dạy riêng. Và nếu chị Tonka có dịp gặp thiền sư Nhất Hạnh (trụ trì đạo tràng Làng Mai ở Pháp), thì chị nhất định phải xin cho được gặp, đảnh lễ và nghe thầy giảng dạy. Thiền sư Nhất Hạnh có phương pháp giảng dạy, nói pháp, nói thiền hiện đại. Dễ hiểu và có thể chiêm nghiệm với cuộc sống hàng ngày. Từ đó chị sẽ đễ dàng có chánh niệm mỗi khi nghe hoặc đọc pháp.
Chị Lan Huỳnh cũng đúng với giải thích của chị. 5 sẽ đề cập tiếp theo tại sao ý chị Lan Huỳnh là đúng.
5 nói sơ bây giờ về phương pháp thiền học ngày xưa. Những bài kệ, bài thơ, những đoản khúc đối thoại khi chúng ta nghe đâu đó, có khi rất dễ dàng về từ ngữ nhưng sao lại khó hiểu về ý tứ. Những đoạn khúc, những mẩu đối thoại đó. Trong phương pháp học thiền ngày xưa gọi là "Công Án". Phương pháp này nôm na như là những bài tập cho chúng ta học thiền. Phương pháp này có đúng không rất khó nghĩ bàn vì như 5 cũng chỉ trong giai đoạn đầu của học tập về thiền nên chưa có khả năng đánh giá. 5 chỉ nêu lên khía cạnh học thiền theo Công Án (những mẩu đối thoại) để các anh chị có cái nhìn, sự nhận định khác về thiền học.
Hai tập sách có ảnh hưởng lớn nhất trong thiền học sơ khai là hai quyển Bích Nham Lục và Vô Môn Quan. Vì lẽ đó 5 đã có ý post trước bài này một bài viết về tổ thiền Triệu Châu người Trung Hoa. Trong đó cũng có đề cập xuất xứ về Bích Nham Lục. Trong hai tập sách này, thiền sư đã ghi chép những mẩu đối thoại mà trong thiền học gọi là công án như đã trình bày ở trên.
Ngày nay có nhiều cách thức học thiền như tu thiền, trà thiền, nghỉ thiền (nghỉ = ngủ), hành thiền.v.v.v là phương pháp học thiền theo chánh niệm. Thầy Nhất Hạnh dạy thiền sinh theo phương pháp chánh niệm này. Và một bà thiền sư nổi tiếng của Ấn Độ cũng dạy thiền sinh theo phương pháp chánh niệm. Chánh niệm là ý tưởng tập trung vào một sự việc mình làm (đi đứng nằm ngồi, ngủ, học, nấu ăn, quét nhà, rửa xe, hay đang làm trong công ty v.v.v.v) với toàn bộ tâm thức lúc đó. Không nghĩ đến chuyện nào khác ngoài cái hành động mình đang làm trước mắt. Tập trung nhưng trong sự thư thái vui vẻ. Chứ không phải tập trung rồi kỷ luật với bản thân hay cau có với chung quanh. Đó là chánh niệm. Và do đó chánh niệm sẽ là những miếng gạch đi từng bước và liên tục, chánh niệm là sự tập trung một chiều, không có sự trau đổi giữa các phương hướng trong lúc suy nghĩ. Và do đó sự học tập thiền sẽ có hiệu quả. Hiệu quả trước hết là không bị sai lạc do sự tập trung, và dễ dàng đúng đắn hơn.
Về câu trả lời của chị Lan Huỳnh. Thì dễ gây ra một điểm hiểu lầm lớn. Hiểu lầm về tính từ bi trong đạo Bụt. Khi môn sinh, người tập tu học không hiểu, tại sao xin hỏi mà không có sự trả lời xác thực mà lại có những câu trả lời bên Đông bên Tây, hoặc là hỏi ngược lại. Làm người nghe khó hiểu. Khó nghĩ. Vậy là thiếu từ bi, thiếu độ lượng. Nhất là những công án chuyên được viết theo kiểu như vậy. Đó là phương pháp tu học cổ điển. Ngày nay, nếu nói chuyện với các tăng sư, các thiền sư, giáo lý thiền, giáo lý Bụt không khác, nhưng các trình bày có khác. Do các thày, các sư hiểu được sự logic ngày nay trong thế giới hiện đại. Nên những giải thích là cần thiết, nhưng cũng luôn kèm theo là môn sinh phải nên tự học tập, thoát được các chấp ngã thì sẽ dễ dàng giác ngộ được những lời Thầy dạy, Tăng dạy, Pháp dạy và Bụt dạy.
Trở lại công án của chị Lan Huỳnh đã chia sẻ. Theo ý rất riêng của 5. Không phải là nói hoài không hết mà ý nghĩa của công án là sự thực hành để thoát ra vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ dễ làm sai biệt tư tưởng khi truyền đạt, và như chúng ta biết, ngôn ngữ có giới hạn. Nhưng thiền cũng vậy, hay về giáo lý Bụt không có giới hạn. Nên dùng từ ngữ để diễn đạt thì sẽ bị giới hạn. Vì lẽ đó, các thiền sư hay dùng phương pháp chỉ dạy môn sinh nên tu tập thiền bằng hành động. Và khi hành động với chánh niệm mình sẽ tự giác ngộ (một chữ khác là: kiến tánh). Và khi kiến tánh thì thấu triệt được tất cả mà không cần ai giải thích.
Như đã nói ở trên, đây không phải là sự hẹp hòi của giáo lý Bụt, cũng không phải là sự thiếu rộng lượng của các phương pháp học thiền (Thiền học và Bụt giáo trên thực tế cũng không liên quan đến nhau, ngươì ta chỉ áp dụng phương pháp thiền để tu học cho tinh tấn, một phương cách có thể đi đến được sự giác ngộ, kiến tánh trong tu tập đạo Bụt). Mà người ta chỉ muốn nhấn mạnh về sự thực hành để tự ta kiến tánh. Và do đó cũng có thành ngữ "không thể nghĩ bàn" mà các anh chị em chúng ta hay đọc thấy, hoặc nghe. Không thể nghĩ bàn không có nghĩa là bế tắc, là thiếu logic, là không có câu trả lời. Mà không thể nghĩ bàn, theo 5 là cần sự chánh niệm học tập và thực hành để có thể có một đầu óc sáng suốt để hiểu được việc đó, bài giảng đó, giáo lý đó (trong giáo lý Bụt được gọi là "trí tuệ". 5 cũng xin các bạn đừng hiểu lầm chữ trí tuệ, cũng rất dễ tạo sự đố kỵ với đạo Bụt).
Trở lại vấn đề các công án và các giải thích có vẻ không ăn nhập vào đâu, không liên quan đến câu hỏi, không xác thực với nan đề của các môn sinh. Đó chỉ là một phương pháp thiền học ngày xưa. Và chúng ta cũng nên tham khảo và xem nhẹ. Khi anh chị em chúng ta không hiểu, anh chị em chúng ta nên tìm đến thầy bổn sư (thầy quy y cho mình) hoặc các vị sư trong chùa có am hiểu về thiền học, hoặc Bụt học. Và anh chị em chúng ta cứ hỏi. Và câu hỏi trong chánh niệm. Nghĩa là chỉ hỏi câu đó thôi rồi chịu khó ngồi hiểu. Chứ không phải rinh theo một thư viện câu hỏi để cố tình bắt bí ông thầy, hoặc là hỏi cũng lạc đề tá lạ tâm binh. Nghĩa là không có chánh niệm trong câu hỏi.
Không biết là nãy giờ 5 có giúp được cho chị Tonka, chị Lan Huỳnh hoặc các Bạn chung quanh điều gì không. Tất cả chỉ là một hướng suy nghĩ rất riêng của 5 về thiền học và một ít về Bụt học mà thôi.
Xin hết.
PS:
dạ, sẳn đây 5 cũng quảng cáo về Hát Thiền. Dạ, có hành thiền, có trà thiền, thì hát thiền cũng có nha . Phương pháp cằm đùi gà và thực tập, 5 đây có đề cập đến bên khu thu âm giải trí đó, các anh chị em sang bên đó thực tập "hát thiền" nha. Hát trong chánh niệm nha. Tại vì hát không có chánh niệm, không tập trung, rớt nhịp, lỡ phách, là 5 cũng hong có thuốc giải nhanh chóng. Thuốc giải chậm chạp là ngồi cắt ráp lợi cho hết rớt nhịp. Phương pháp đó cũng cần chánh niệm luôn á. Tại vì sai một ly đi một dặm, nhạc ở Sài Gòn mà giọng ta còn đang ngồi ăn hủ tiếu chay ở Chợ Lớn.