Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

MAYA ANGELOU (1928 - 2014)
tienmacdoa
#1 Posted : Wednesday, November 10, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

MAYA ANGELOU (1928 - 2014) NỮ THI HÀO DA ĐEN CỦA HOA KỲ

Tác giả hc
Gởi: Fri May 14, 2004 10:57 am
Tiêu đề: MAYA ANGELOU (1928 - ) NỮ THI HÀO DA ĐEN CỦA HOA KỲ

MAYA ANGELOU (1928 - ) NỮ THI HÀO DA ĐEN CỦA HOA KỲ

Phạm Văn Tuấn.

Maya Angelou là một ngôi sao sáng nhiều mặt, bà là một nhà thơ nữ, nhà văn, người viết tiểu sử, nhà sử học, giảng sư, nhà báo, nhà làm phim, ca sĩ , diễn viên, người kể chuyện. Do là một người đa tài và nhiều năng lực, Maya Angelou đã vượt qua nhiều hàng rào ngôn ngữ, biết nói các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập, Serbo-Croatian, Fanti và đây là một thổ ngữ của xứ Ghana. Các tác phẩm của bà Maya Angelou thuộc loại bán chạy nhất (bestseller) và đã được dịch sang 10 ngôn ngữ quan trọng của Thế Giới.


1/ Vào đời.

Maya Angelou chào đời vào ngày 4 tháng 4 năm 1928 tại thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, với tên thật là Marguerite Ann Johnson. Cô bé Marguerite này là người con thứ hai của ông Bailey Johnson, một nhân viên chuyên về thực phẩm (dietician) của Hải Quân, và bà mẹ Vivian Baxter Johnson, một y tá, nhưng cặp cha mẹ này đã ly dị nhau vào năm 1931. Anh trai của Marguerite tên là Bailey Jr. khi còn thơ ấu, đã gọi em gái bằng tên "Maya" do phát âm sai hai từ "my sister". Với anh trai lên 4 tuổi, Marguerite đã bị cha mẹ gửi đi xa bằng xe lửa, từ Long Beach thuộc tiểu bang California, tới thị trấn Stamps thuộc tiểu bang Arkansas, và hai đứa trẻ thơ ngây chỉ có trên cổ tay hàng chữ ghi câu "Gửi người nào quan tâm" (To Whom It May Concern).

Tại thị trấn Stamps, Marguerite và Bailey được chăm sóc do bà nội Momma và bởi người chú Willie đã bị liệt nửa người. Bà Momma, tên thật là Annie Henderson, sinh sống nhờ cửa tiệm thực phẩm, hoạt động tại một địa phương mà người da đen vẫn còn bị kỳ thị và đe dọa. Tại nơi này, các hội viên của đảng Cu Klux Klan thường đốt cây thánh giá lớn, hành hạ và treo cổ vài người da đen trong khi ngoài xã hội, mọi người da đen phải uống nước tại vòi nước dành riêng, phải ngồi phía sau xe buýt và phải vào rạp hát bằng cửa sau. Trong hoàn cảnh xã hội như thế, cô bé Marguerite mơ mộng có được mái tóc vàng, đôi mắt xanh và cô bé buồn tủi vì thân phận của kẻ da đen tóc quăn, cẳng chân lớn, hàm răng thưa mà "khoảng cách có thể gắn được cây viết chì số 2". Bailey và Marguerite theo học ngôi trường Lafayette nghèo khó, ngoài giờ học còn phải phụ giúp vào cửa tiệm thực phẩm, nuôi gà và chăm sóc mấy con heo.

Khi lên 8 tuổi, Margerite trở về thành phố St. Louis, sống với mẹ và bà Vivian hay say sưa này có một người bạn trai gọi tên là Mr. Freeman, đã đe dọa và hãm hiếp cô bé thơ dại Marguerite. Sau khi kẻ hung bạo này bị người chú của Marguerite giết chết, cô bé Marguerite đã chìm vào trong một thứ thế giới của sợ hãi và tội lỗi, rồi được trả về sống với bà nội Momma tại thị trấn Stamps khi trước. Dưới sự hướng dẫn của bà nội, Marguerite lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và nhờ sự giúp đỡ của bà giáo cao tuổi Bertha Flowers, Marguerite Johnson đã đọc các tác phẩm của nhiều tác giả da trắng như Shakespeare, Kipling, Poe, Thackeray, James Weldon Butler và một số nhà văn da đen như Paul Dunbar, Langston Hughes, W.E.B. Du Bois, James Weldon Johnson

Học xong lớp 8 với hạng danh dự, Marguerite được bà nội đưa về sống với mẹ tại Oakland, tiểu bang California, sau khi bà này kết hôn với ông Clidell Jackson. Từ năm 1941 tới năm 1945, cô Marguerite theo học lớp đêm tại trường California Labor School, tốt nghiệp rồi làm nữ tài xế da đen lái xe điện đầu tiên của thành phố San Francisco. Vào thời gian này, Marguerite có một đứa con tư sinh với chàng thanh niên hàng xóm, đặt tên là Clyde Bailey "Guy" Johnson.

Từ khi phải nuôi con nhỏ, cô Marguerite đã làm nhiều nghề : vũ nữ tại các hộp đêm, thợ nấu ăn trong nhà hàng, thợ sơn và theo ban kịch Porgy & Bess của Bộ Ngoại Giao đi trình diễn tại các nước thuộc châu Âu và châu Phi trong hai năm 1954 và 1955.

Trong thập niên 1950, Marguerite Johnson theo học múa và đóng kịch với các danh tài như Martha Graham, Pearl Primus và Ann Halprin, đã nhẩy và ca hát loại nhạc calypso và blues tại các rạp Purple Onion của thành phố San Francisco, rạp Village Vanguard của thành phố New York và rạp hát của ông Kelly tại thành phố Chicago. Qua thập niên 1960, cô Marguerite ca hát tại rạp hát Apollo trong khu Harlem và xuất hiện trên sân khấu trong một số vở kịch danh tiếng như Heatwave và The Blacks.

Do quen biết ông Vusumi Make, một nhà lãnh đạo phong trào chống kỳ thị Apartheid từ Johannesburg, xứ Nam Phi, Marguerite đã chung sống với ông này tại Ai Cập rồi xa lánh ông Make vì thất vọng trước các thái độ thiếu thủy chung, cách quản lý tài chính gia đình của ông ta. Tại thành phố Cairo, bà Marguerite là nhà biên tập da đen đầu tiên của tờ tuần báo Arab Observer trong hai năm, sau đó dọn qua thành phố Accra, thủ đô của nước Ghana vì người con trai "Guy" theo học tại trường đại học của nơi này. Do người con trai gặp tai nạn xe hơi, bà Marguerite phải làm nhiều nghề để kiếm sống : đánh máy mướn, thư ký, nhân viên bán vé rạp hát, đóng kịch, viết báo cho tờ báo Ghanaian Times, làm biên tập của tờ báo The African Review, một tạp chí chính trị. Khi người cha qua đời, Marguerite Johnson trở về thành phố Los Angeles và làm quen với nhiều nhân vật da đen danh tiếng, kể cả hoạt động trong phong trào tranh đấu Dân Quyền dành cho người da màu.

2/ Sáng Tác.

Các người bạn của bà Marguerite Johnson như tiểu thuyết gia James Baldwin, nhà biên tập Robert Loomis của Công Ty Xuất Bản Random House, họa sĩ hoạt hình Jules Feiffer và bà vợ Judy đã nhận ra các khả năng đặc biệt của bà Marguerite và khuyến khích bà viết ra các giai thoại, các quãng đời sóng gió của bà, thành một cuốn truyện tự thuật và đây là một khó khăn, một thử thách mà bà Marguerite đã chấp nhận trước các bạn bè.

Vào năm 1970, bà Marguerite Johnson với bút hiệu là Maya Angelou cho xuất hiện cuốn truyện đầu tiên có tên là "Tôi biết tại sao con chim trong lồng hót" (I Know Why the Caged Bird Sings), gọi tắt là "Chim Hót trong Lồng". Tên của cuốn truyện bắt nguồn từ bài thơ "Tình Cảm" (Sympathy) của Paul Laurence Dunbar, một thi sĩ mà Maya Angelou đã yêu thích từ thuở nhỏ. Chủ đề của tác phẩm kể trên là một con người có thể sống còn trong một thế giới thù nghịch và vươn lên nhờ lòng can đảm và nhân cách, và tác giả Angelou đã cắt nghĩa về điều này như sau : "đầu tiên người đời phải học cách chăm sóc chính mình để rồi có thể chăm sóc người khác. Đó là lý do làm cho con chim trong lồng hót". Ngay sau khi xuất bản, cuốn truyện "Chim Hót trong Lồng" đã trở thành loại bán chạy nhất (a bestseller) và nhà văn nữ 42 tuổi Maya Angelou được mời diễn thuyết tại nhiều trường Đại Học trong nước và được tặng học bổng của trường Đại Học Yale.

Cũng vào năm 1970 này, vài nhà văn nữ da đen đã đóng góp trên Văn Đàn Hoa Kỳ như Alice Walker với tác phẩm "Cuộc đời thứ ba của Grange Copeland" (the Third Life of Grange Copeland), Toni Morrison với cuốn truyện "Mắt Xanh Nhất" (The Bluest Eye), Mari Evan với sáng tác "Tôi là một Phụ Nữ Da Đen" ( I Am A Black Woman) và Nikki Giovanni với cuốn truyện "Ego Tripping".

Vào năm 1973, Maya Angelou kết hôn với ông Paul de Feu, một nhà văn kiêm họa sĩ hoạt hình. Họ định cư tại Sonoma, thuộc tiểu bang California. Nhiều chương trình làm việc đã tới với nhà văn Maya Angelou : sáng tác âm nhạc cho cuốn phim "For the Love of Ivy", viết các bài báo, truyện ngắn và thơ dành cho các tạp chí Harper' S, Black Scholar, Redbook, Mademoiselle, Life, Playgirl, Ebony, Cosmopolitan, Ladies' Home Journal Maya Angelou còn được hai Tổng Thống Ford và Carter giao cho chức vụ danh dự thuộc Ủy Ban tổ chức kỷ niệm 200 Năm Độc Lập (the Bicentennial Commission) và Ủy Ban Quốc Gia tổ chức Năm Phụ Nữ Quốc Tế (the National Commission on the Observance of the International Women ' s Year).

Năm 1974, Maya Angelou cho xuất hiện tác phẩm tự thuật thứ hai, có tên là "Thu Lượm" (Gather Together in My Name). Tác phẩm này đã chứa đựng các quãng thời gian đau đớn trong quá khứ của tác giả và nhà văn nữ này đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan tới người mẹ, người con, người anh, người chồng của mình Maya Angelou đã nói rằng "Tôi muốn nói với giới trẻ rằng các bạn có thể gặp nhiều thất bại nhưng các bạn không thể bị đánh bại".

Cuốn truyện thứ ba của Maya Angelou là tác phẩm "Hát và Vui như Lễ Giáng Sinh" (Singin' and Swingin' and Gettin' Merry Like Chrismas), kể lại thời ban đầu và lần lưu diễn quốc tế với đoàn kịch Porgy & Bess. Trong thập niên 1970, Maya Angelou còn cho xuất bản ba tập thơ, tập thứ nhất có tên là "Hãy cho tôi Nước Lạnh trước khi tôi chết" (Just Give Me a Cool Drink of Water 'Fore I Diie). Tập thơ này được đề nghị dự tranh Giải Thưởng Pulitzer. Hai tập thơ kế tiếp là "Cầu xin cho tôi đôi cánh" (Oh, Pray My Wings Are Gonna Fit Me Well) xuất bản năm 1975 và "Tôi còn vươn lên" (And Still I Rise) xuất bản vào năm 1978. Tờ tuần báo Publishers Weekly đã khen ngợi các bài thơ của Maya Angelou mang các tính chất "lương thiện, sự ấm áp tình người, sức mạnh và niềm kiêu hãnh cá nhân đã ăn sâu".

Nữ Thi Hào Maya Angelou đã nhận được nhiều văn bằng danh dự của các trường Đại Học Mills, Smith, Lawrence, Oberlin, Mt. Holyoke, Boston, Spelman, Brown, Rollins, North Carolina School of the Arts và Đại Học Arkansas. Năm 1976, tạp chí Ladies' Home Journal chọn Maya Angelou làm "Người Phụ Nữ của Năm 76" (Woman of the Year) về Truyền Thông. Bà Maya Angelou nhận Giải Thưởng Matrix của Hội Women in Communications, Inc., vào năm 1983, Giải Thưởng Văn Chương North Carolina vào năm 1987, Giải Thưởng Candace 1990 của Cơ Quan The National Coalition of Black Women vì các đức tính, phục vụ và thành quả đóng góp.

Vào một ngày tháng 11 năm 1992, vị Tổng Thống tương lai thứ 42 của Hoa Kỳ là ông William Jefferson Clinton đã gửi thư, mời Nữ Thi Hào Maya Angelou sáng tác một bài thơ để đọc vào Buổi Lễ Nhậm Chức Tổng Thống sắp tới. Các tài năng đặc biệt đã khiến Maya Angelou là người da đen đầu tiên và phụ nữ đầu tiên trong Lịch Sử Hoa Kỳ nhận được danh dự kể trên bởi vì đây là lần thứ hai, với Thi Hào thứ nhất là ông Robert Frost, đọc thơ trong Lễ Nhậm Chức của Tổng Thống John F. Kennedy.

Khi sửa soạn bài thơ đặc biệt "Nhịp Đập Bình Minh" (On the Pulse of Morning) với 668 chữ, Maya Angelou đã làm việc trong nhiều tuần lễ với học giả W.E.B. Dubois, với nhà hoạt động bãi bỏ chế độ nô lệ Frederick Douglas, với nhà thơ Frances Ellen Watkins Harper và với vài nhà giảng đạo da đen khác.

Vào buổi sáng Ngày Lễ Tuyên Thệ Nhậm Chức Tổng Thống, 20 tháng 1 năm 1993, bà Maya Angelou đã được giới thiệu là một nhà giáo dục có uy tín kiêm sử gia và tác gia. Bà đã hùng hồn đọc thơ trước hàng ngàn quan khách dự lễ, trước hàng triệu khán giả theo dõi chương trình qua màn ảnh truyền hình. Bài thơ của Nữ Thi Hào Maya Angelou đã "truyền điện cho quốc gia" (electrified the nation), mang lại niềm hy vọng rằng con người sẽ vượt qua được mọi gian nan và bất công, đồng thời nhìn ra Thế Giới với lòng tha thứ và tình yêu.

Phạm Văn Tuấn.
Phượng Các
#2 Posted : Thursday, May 23, 2013 7:52:15 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Thói quen kỳ quái của các nhà văn nổi tiếng
(Trích) http://dantri.com.vn/van...an-noi-tieng-732585.htm


Angelou là một trong những nhà văn nữ nổi bật nhất trong văn học Mỹ đương đại, bà đã nhận được vô số giải thưởng trong suốt sự nghiệp văn chương của mình.

Trong nhiều năm, nữ nhà văn luôn tìm tới những phòng khách sạn hoặc phòng trọ rẻ tiền để làm việc bởi theo bà đối với một nhà văn, càng ít được nhiều người quan tâm càng tốt.

“Tôi thường thuê một phòng trọ hạng xoàng để làm việc, một căn phòng chật chội, nghèo nàn nào đó, chỉ có một chiếc giường nhỏ và đôi khi may mắn thì có thêm một bồn rửa tay.

Tôi mang theo từ điển, Kinh thánh, một bộ bài và một chai rượu. Tôi thường có mặt ở phòng lúc 7h sáng và làm việc tới 2h chiều. Làm việc trong những căn phòng như thế thường có chút cô đơn nhưng cũng vô cùng kỳ diệu.”
Phượng Các
#3 Posted : Monday, March 10, 2014 3:10:26 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Tượng kỷ niệm tại Oakland, CA
Phượng Các
#4 Posted : Wednesday, May 28, 2014 4:24:25 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Maya Angelou, tiếng nói hàng đầu trong văn chương Mỹ qua đời


Nhà thơ, tác giả, kịch tác gia, giáo sư, nhà soạn nhạc và diễn viên Maya Angelou, là một người phụ nữ Phục hưng hiện đại. Cái chết hôm nay của bà tại tư gia ở North Carolina đã làm im một tiếng nói trong văn chương Mỹ. Thông tín viên VOA Faith Lapidus ghi nhận chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp bà Angelou

Sinh ở Saint Louis, trong tiểu bang Missouri, năm 1928, Maya Angelou qua phần lớn thời niên thiếu với bà ở thành phố nhỏ bé Stamps trong tiểu bang Arkansas.

Ðối với những người da đen ở miền nam, những năm đó là một thời của nạn phân biệt chủng tộc và khó khăn kinh tế. Bà nói cái làm cho đời sống có thể chịu đựng được là những chuyện kể, những bài hát và nền văn hóa dân dã truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bà đã có lần mô tả nghệ thuật đã có tác động thần kỳ ra sao tại nhà thờ da đen địa phương của bà.

Bà kể: “Nhà thờ mà tôi theo còn nhỏ hơn bất cứ nơi thờ phượng nào trong thị trấn. Khi tất cả các thành viên đến đó, thì chúng tôi có 32 người trong cả nhà thờ. Tuy nhiên chính ở ngôi nhà thờ này mà tôi học hỏi được nhiều như thế về sức mạnh mà nghệ thuật có thể giúp cho con người vượt qua gần như bất cứ điều gì.”

Sự nghiệp văn chương của bà bắt đầu sau khi nhà văn James Baldwin và các bạn bè khác nghe bà kể những câu chuyện thời thơ ấu và thúc giục bà viết lại những câu chuyện đó. Bà xuất bản tập đầu cuốn tự truyện của bà, mang tựa là, “I Know Why the Caged Bird Sings”- “Tôi biết vì sao con chim trong lồng cất tiếng hót” vào năm 1969. Tiếp theo là 6 tập nữa, cùng với các bài khảo luận, thơ, kịch và truyện phim.

Lời lẽ của bà khích lệ từ học sinh cho đến các vị tổng thống. Bà được mời đọc một bài thơ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993, với những vần thơ sau:

“Nơi đây vào mạch khởi đầu một ngày mới,
Ta có thể ngửng lên và nhìn ra ngoài,
Nhìn vào đôi mắt của người chị em gái,
Nhìn vào gương mặt của người anh em trai
Nhìn vào đất nước và nói một cách đơn thuần, rất đơn thuần với niềm hy vọng
Lời chào buổi sáng”

Ông Nelson Mandela đã đọc bài thơ của bà Angelou, Still I Rise – Tôi vẫn đứng dậy, tại lễ nhậm chức Tổng thống Nam Phi của ông vào năm 1994.

Mặc dù chưa bao giờ vào đại học, bà Angelou đã được trao hơn 30 văn bằng danh dự, cũng như huân chương Nghệ thuật và huân chương Tự do của Tổng thống. Vào cuối tuần này, bà sẽ được trao tăng một giải thưởng của Liên đoàn Bóng chày về công tác dân quyền của bà. Bà cũng đã phải hủy bỏ việc tham dự buổi lễ vì lý do sức khỏe.

Khi xác nhận cái chết của bà, vào tuổi 86, trường Ðại học Wake Forest, nơi bà dạy học 3 thập niên nay, gọi bà là “một kho tàng quốc gia mà đời sống và những lời chỉ dạy khích lệ hàng triệu người trên khắp thế giới.”
28.05.2014
Phượng Các
#5 Posted : Thursday, July 2, 2015 3:28:59 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Tôi học được rằng: con người sẽ quên những gì bạn nói; họ cũng sẽ quên những điều bạn làm; nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn đem lại cho họ.

Maya Angelou.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.