Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233  Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Thảm họa của phụ nữ Trung Quốc ở nông thôn Friday, October 28, 2005
Lưu Vũ
Lời giới thiệu của tạp chí Ðàn Chim Việt: Góp phần quan trọng vào con số 1.3 tỷ dân khổng lồ của Trung Hoa lục địa phải kể đến công của Mao Trạch Ðông, người đã động viên nhân dân Trung Quốc sinh đẻ thật nhiều để đối phó với một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra. Vào thời điểm ấy, ông ta cho rằng khi có một cuộc chiến tranh nguyên tử với Mỹ, nếu hàng trăm triệu người bị chết vì bom thì Trung Quốc vẫn tồn tại từ con số tỷ.
Chiến tranh nguyên tử không xảy ra. 700 triệu nhân dân Trung Quốc “anh em” là “hậu phương vững chắc của Việt Nam” trong những năm 60 thế kỷ trước trở thành đội quân gần 1 tỷ người đã “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 bằng cuộc xâm lược tàn phá tan tành 6 tỉnh biên giới phía Bắc và giờ đây là 1,3 tỷ người, lại trở thành “hậu phương xã hội chủ nghĩa” cho vương triều cộng sản Ba Ðình củng cố quyền lực đến mức phải cắt đất, nhượng biển.
Năm 1979, trước sự bùng nổ dân số và khó khăn về kinh tế, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bước khởi đầu công cuộc cải cách, Bắc Kinh thực hiện pháp lệnh mỗi gia đình chỉ có một con và cơ quan giám sát và thừa hành là Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Ðình.
Vì vậy, suốt hơn hai mươi năm nay, việc buộc phụ nữ phá thai (thậm chí thai ở tháng thứ 7, thứ 8), triệt sản, giết hại hài nhi hoặc vứt bỏ trẻ sơ sinh, nhất là với bé gái, xảy ra tràn lan và chưa từng có tại Trung Quốc. Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án chính sách vô nhân đạo này của Trung Quốc.
Gần đây Bắc Kinh tuyên bố là việc “có một con” đã thuộc về quá khứ. Nhưng sự thật không như vậy. Trên trang nhất nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 14 Tháng Chín 2005 đã chạy dòng tít lớn: “Thảm kịch của phụ nữ nông thôn Trung Quốc”. Báo cho biết, tại thành phố Linyi thuộc miền Ðông tỉnh Shangdong tình trạng nêu trên vẫn liên tục xảy ra. Cũng theo nhật báo, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Chen Guangchen trong Tháng Ba vừa qua đã trao cho các nhà báo Phương Tây lời khai của các nạn nhân. Một trong những nạn nhân là bà Feng Zhongxia ở làng Maxigou, 36 tuổi có thai 7 tháng. Vì muốn sinh con, bà đã phải bỏ trốn. Nhà cầm quyền địa phương đã bắt giữ, đánh đập và bỏ đói người trong gia đình bà nhằm áp lực để bà phải trình diện. Họ tuyên bố: “Thà cho thân nhân chết chứ không để tuột tay”. Phóng viên của Time cho biết, chỉ trong một huyện, số hài nhi bị giết gần đến 7 ngàn.
Sau cuộc gặp các nhà báo, ông Chen Guangchen bị quản thúc tại gia. Ngày 7 Tháng Chín vừa rồi ông tìm cách lẻn lên được Bắc Kinh gặp các nhà báo nước ngoài, các luật sư Trung Quốc và đại diện sứ quán Mỹ. Ông tuyên bố sẽ có đủ bằng cớ để kiện Bắc Kinh vi phạm thô bạo nhân quyền. Ngay sau đó ông bị công an bắt, trục xuất khỏi Bắc Kinh và đe dọa sẽ đưa ông ra tòa với tội làm tiết lộ bí mật quốc gia với người nước ngoài và phải lãnh án nhiều năm tù.
Gazeta Wyborcza cho hay, phóng viên của Washington Post đã chất vấn Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Ðình về việc ông Chen Guangcheng bị bắt và đánh đập. Một nữ cán bộ đã nhã nhặn cam kết rằng “sẽ gọi điện thoại cho Shangdong và những người có lỗi sẽ bị trừng phạt”. Cho đến nay, chưa biết số phận của Chen Guangchen ra sao.
Ðàn Chim Việt giới thiệu với bạn đọc bài ký sự “Không thể làm ngơ” đăng trên tạp chí quốc tế Marie Claire, ấn bản tại Ba Lan, Tháng Bảy 2003, do Lưu Vũ chuyển ngữ (đã đăng trên báo giấy Ðàn Chim Việt) để chúng ta hiểu thêm về thảm trạng khủng khiếp này tại Trung Quốc và liên hệ với thực tế Việt Nam, nhất là việc vì sao rất nhiều người Trung Quốc qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam tìm vợ.
***
KHÔNG THỂ LÀM NGƠ
7 giờ sáng tại một tỉnh lỵ nông nghiệp Hồ Nam. Trên đường phố tấp nập. Xiaolen, một cô gái Trung Hoa 25 tuổi cũng như bao người khác vội vã đi làm. Chợt nhìn thấy thi thể của một em bé nằm trên rãnh đường, cô dừng lại. Em bé trần truồng, được bọc bằng lớp tã lót bẩn thỉu của bệnh viện. Hàng trăm người trước đó đã đi qua đây. Ngoài cô ra, không một ai dừng lại. Không tin ở mắt mình, Xiaolen nhìn dòng người thờ ơ, lãnh đạm qua lại. Cô cúi xuống đứa bé và xem nó có còn sống hay không. Thân của nó lạnh nhưng vẫn còn cứng. Một giờ trước đó đứa bé vẫn còn sống. Nó đã chết trên đường phố.
Xiaolen đã tới đây quá trễ, giá như 6 giờ, khi em bé còn sống trên rãnh đường, khi mà dòng người đông đúc đã đi qua. Ðây là một trong những đường phố chính của thành phố. Cô đến cửa hàng bên cạnh để gọi điện thoại nhờ báo cho cảnh sát. Chủ cửa hàng không phản đối, bởi vì ông ta chưa hiểu có chuyện gì xảy ra. Nửa giờ sau đó, khi không còn kiên nhẫn để chờ đợi, Xiaolen muốn gọi thêm lần nữa, người bán hàng hốt hoảng cất máy. Ông ta sợ liên lụy. Cũng giống như tất cả mọi người đã đi qua nơi này, bên cạnh em bé.
Không ai ngạc nhiên
Cô gái rút máy ảnh ra khỏi túi xách. Khi cô bắt đầu chụp thì mọi người chỉ trỏ cô. Ai cũng thấy đứa bé bị chết nằm trên đường phố là hình ảnh thường ngày, nhưng con người, phải cảm thấy kinh ngạc thì mới thức tỉnh chú ý. Xiaolen có thói quen mang theo máy ảnh nhỏ trong túi xách. Cô vẫn thường chụp hình những khuôn mặt trên đường. Ngày hôm ấy cô mang theo 3 cuộn phim.
Cô bắt đầu khóc. Khi ống kính cận cảnh cô nhìn thấy đôi tay nhỏ co giật lần cuối, mí mắt siết lại đau đớn. Xung quanh là thức ăn thừa, vung vãi. Có 2 trẻ khác đi trên phố. Cô bé khoảng mười mấy tuổi dường như đi sát hài nhi nhưng vẫn không ngưng cuộc nói chuyện với bạn trai. Còn cậu bé thì cũng chẳng hề tỏ ra chú ý đến hài nhi bị chết.
Ít lâu sau đó, người bán đồ ăn dừng xe đẩy bên cạnh. Một người đàn ông mua thịt viên. Ông ta bắt đầu ăn ngay bên xác em bé. Một giờ đã qua. Cảnh sát vẫn chưa tới. Xiaolen thay phim mới và tiếp tục chụp. Một người mặc đồng phục lấy cây gẫy gẫy vào cái thân bất động. Theo yêu cầu của Xiaolen, người bán hàng lôi tờ giấy nhàu nát từ đống rác che em bé lại. Rồi ngay lập tức ông quay lại với công việc.
- Bà là ai?
Người đàn ông già bỏ xác đứa bé vào hộp các- tông. Cô gái kêu lên: - Ông hãy để yên đấy, không được đụng đến, tý nữa sẽ có cảnh sát! Xe cảnh sát đi tới. 11 giờ 30. Từ khi gọi điện thoại hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua.
Xiaolen bỏ vào máy cuộn phim cuối cùng, cuộn thứ tư. Cô chụp một số hình người đàn ông với cái hộp (các- tông đựng xác hài nhi- ND) cặp nách. Những người cảnh sát chẳng giữ ông ta lại mà giật luôn máy ảnh: - Ai cho cô chụp hình trên đường phố? Cô có phải là nhà báo không? Cuộc nói chuyện được kết thúc tại đồn cảnh sát sau mấy giờ tra khảo: - Cô là ai? Ai cử cô chụp những bức hình này? Cảnh sát ghi tên tuổi, các số liệu thân nhân của cô và giật phim ra khỏi máy. Xiaolen thật may mắn, họ chỉ lục soát túi xách. Nếu họ lục các túi áo khoác thì đã mất luôn những cuộn còn lại. Chúng nó được cứu thoát bằng phép lạ.
Tại sao hàng năm càng ngày càng nhiều trẻ sơ sinh bị chết trên rãnh phố hay trên bãi rác? Năm 1979 ở cái đất nước đông dân nhất thế giới người ta đã ban hành luật điều chỉnh kế hoạch gia đình. Vợ chồng ở thành phố chỉ được quyền có một đứa con, còn ở các vùng nông nghiệp có thể 2 nếu đứa đầu sinh ra là con gái. Con gái ở Trung Hoa được xếp hạng thứ yếu và không ai xem là người nối dõi tông đường. Người Trung Hoa, đặc biệt ở thôn quê xem việc không có con trai là nhục nhã.
Những luật lệ giết người
Thay vì đứa con con trai khao khát ra đời mà lại là con gái, người ta tìm mọi cách để bỏ đi. “Vượt” số con cho phép ở Trung Hoa là tội phạm. Chẳng ai thèm để ý đến những xác chết. Nhất xác chết lại là những bé gái.
Các nhà lãnh đạo Trung Hoa đưa ra luật lệ “một gia đình, một đứa con” và coi đó là thắng lợi vĩ đại. Người ta thừa nhận rằng (bằng cách đó-ND) đã ngăn ngừa được 300 triệu trẻ em ra đời. Ðại đa số người Trung Hoa hiểu được sự cần thiết phải hạn chế sinh đẻ. Nhưng các biện pháp mà họ đang làm vi phạm thô bạo nhân quyền. Wu Hongi, một người làm việc từ thiện giúp đỡ phụ nữ nông thôn nói về thảm họa này: - Bố mẹ sinh ra đứa trẻ được xem là bất hợp pháp thì tự họ phải thủ tiêu con. Các nhà máy và các cơ quan nhà nước đều có những phụ nữ chuyên trách kiểm tra kế hoạch hóa gia đình. Mỗi phụ nữ trước khi muốn sinh đẻ phải xin giấy phép. Những người đã sinh con rồi thì buộc phải nạo thai. Mặc dầu túi cao su và thuốc viên ngừa thai là phương tiện phổ cập, nhưng thông dụng nhất vẫn là phương pháp đặt vòng tránh thai kim loại tại các bệnh viện nhà nước. Kiểm tra định kỳ bằng X-quang sẽ xác định ai là người đã bỏ vòng đi mà không xin phép.
Các nguồn tin chính thống vẫn chỉ trích việc giết hại trẻ em để giữ chỉ số sinh đẻ ở mức tương ứng. Tuy nhiên mỗi địa phương ở Trung Hoa đều được ấn định sẵn con số sinh đẻ cho phép. Lo sợ bị mất chức, các nhân viên nhà nước đã làm những cuộc săn lùng sinh đẻ bất hợp pháp. Những phụ nữ bị nghi ngờ đều bị bắt giữ. Cho đến lúc họ chấp nhận phá thai. Có cả những trường hợp phá thai ở tháng thứ tám, thứ chín, không đếm xỉa gì đến người mẹ.
Phá thai bắt buộc
Gao Xiao Duan làm việc trong một cơ quan kiểm tra sinh đẻ đã phải thừa nhận mình là một “quái vật”.Cách đây 3 năm, bà chạy sang Mỹ và trước Quốc hội (Mỹ) bà đã tường trình việc các bác sĩ đã tiêm chất độc vào trẻ em trong những vụ phá thai ra sao. –Tôi nhìn thấy môi đứa bé mấp máy, các thớ thịt căng rộng. Khi bác sĩ chích thuốc độc vào đầu thì mọi thứ chết hẳn. Sau đó chúng tôi vứt vào thùng rác.
Ðể tránh những điều đó, nhiều phụ nữ phải trốn. Có trường hợp sinh xong trở về, ngôi nhà của họ đã thành đống tro tàn. Những đội quân nạo thai đã thực hiện một cuộc săn đuổi.
Những người có con “bất hợp pháp” phải chịu triệt sản và bị phạt 10 ngàn Yuan (1.500 đô la), tương đương với mức thu nhập trung bình trong 7 năm của một nông dân. Theo luật hiện hành, tài sản của họ cũng bị xóa sổ. Ðối với người nông dân, điều này đồng nghĩa với việc bỏ làng quê ra thành phố và đứng thêm vào hàng ngũ hàng triệu người thất nghiệp. Cũng vì thế chính họ là những kẻ sát hại trẻ em “ngoài cơ số”. Rất nhiều đàn ông bỏ vợ chỉ vì vợ sinh con gái. Ly dị và cưới vợ tiếp là biện pháp tạo cơ hội kiếm được một con trai hợp pháp. Rẻ hơn rất nhiều hình phạt cho việc “sinh ngoài cơ số”.
Ðể tránh những cư xử tàn nhẫn của chồng và chính quyền, những người phụ nữ có tiền thường khám nghiệm trước và “xử lý” ngay đứa con không mong muốn. Họ tự phá thai hoặc hủy thai bằng phương pháp “gia truyền”. Những phụ nữ không có điều kiện thì đành hoặc chờ mong một đứa con trai hoặc là sẽ vứt đứa trẻ ra thùng rác nếu là con gái.
Cũng có những trường hợp những bé trai bị bắt cóc để bán cho các gia đình không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi để có con trai.
Hành tinh của đàn ông
Chính sách chỉ có một con đã làm chênh lệch khủng khiếp tỷ lệ dân số giữa đàn ông và đàn bà. Nhất là ở nông thôn. Hiện nay đang có hàng triệu đàn ông nông thôn không tìm được vợ. Những cô gái trẻ bỏ nhà đi tìm việc hay bị bắt cóc bán đi những tỉnh xa.
Mười năm trước đây, cứ hai đứa con trai đẻ ra thì có một con gái. Tỷ lệ bây giờ là 6/1. 97% những trường hợp nạo thai hợp pháp là bào nhi bé gái. Những em bé gái không mong muốn, như xác em bé mà Xiaolen gặp trên rãnh phố ấy, ở Trung Hoa lục địa như “tấm trong thúng gạo”.
Các tổ chức quốc tế đã ước tính rằng từ năm 1979 bằng những phương pháp giống nhau, có đến 17 triệu trẻ em bị sát hại.
Chúng tôi sẽ còn nhớ bà
Sau nhiều giờ tra khảo Xiaolen được thả ra khỏi đồn cảnh sát. Một cảnh sát còn nói với theo: - Chúng tôi sẽ còn nhớ bà. Ngày hôm ấy họ đã cho cô trở về nhà. Cô đi qua thành phố cùng với ba cuộn phim. Cô suy nghĩ có nên hủy nó đi hay không. Cô đã không làm việc đó.
Chấp nhận có thể bị truy bức và hình phạt tù đày cô quyết định công bố những hình ảnh này cho thế giới biết. Cô đã gửi phim đến một hãng thông tấn nước ngoài. Nhờ đó mà tấm thảm kịch hàng ngàn trẻ thơ bị giết vứt xác ra đường ở Trung Hoa lục địa đã chấn động toàn thế giới.
nguoiviet
|