Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Võ Thị Xuân Hà
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, October 26, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Võ Thị Xuân Hà

Sinh ngày 20.4.1959 tại Hà Nội
Quê gốc Vỹ Dạ - Huế
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội
Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm (khoa Toán - Lý)
Tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 trường viết văn Nguyễn Du
Hội viên
- Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội Nhà văn Hà Nội
- Hội nhà báo Việt Nam
- Hội Điện ảnh Việt Nam

Tác phẩm đã xuất bản:

- Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào (1992)
- Bầy hươu nhảy múa (1994)
- Cổ tích cho tuổi học trò (1994)
- Chiếc hộp gia bảo (1997)
- Kẻ đối đầu (1998)
- Chuyện ở rừng sồi (1998)
- Giá nhang đèn và những truyện khác (1999)

nguồn: bìa sau cuốn Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà (nhà xuất bản Phụ nữ)

Phượng Các
#2 Posted : Wednesday, November 9, 2005 10:44:07 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thứ bảy, 9/8/2003, 09:01 GMT+7

Võ Thị Xuân Hà: 'Viết để đỡ đau đớn hơn khi nhìn thực tế'


Đôi mắt to với cái nhìn vừa cay nghiệt vừa dịu dàng, vừa trần trụi vừa mơ mộng, Võ Thị Xuân Hà biến ảo và khó nắm bắt như màu sắc một hạt cườm dưới ánh mặt trời. Những trang viết của chị cũng lóng lánh y hệt một thứ nhà gương mà người ta có thể nhận diện đủ loại gương mặt của mình, để rồi lúc thì bật cười, lúc lại sợ hãi.

Thế giới nhân vật của chị chủ yếu là những người đàn bà. Đó là một cô Diễm biệt danh cáo Ecmơlin, thường gọi bố chồng là đồ tể, thích nghiền ngẫm khoái cảm xác thịt và thường mơ những giấc mơ quái gở. Thế giới của Diễm là sự pha trộn giữa cõi sống và cõi chết, giữa cõi âm và cõi dương và có vẻ gì đó không bình thường. Nhưng hình như cũng nhờ thế mà người ta có thể hiểu nhau hơn (Đàn sẻ ri bay ngang rừng). Đó là một cô gái theo đuổi nghề viết văn với tâm trạng nửa bụi bặm, nửa thánh thiện, nửa muốn phá phách, nửa muốn xây dựng, nửa muốn sống theo bản năng, nửa lại bị khuôn vào những phép tắc, những quy ước xã giao, những định kiến xã hội (Người đàn bà và những con rối). Và nữa, một người đàn bà tên Linh. Nàng không bao giờ thoả mãn với tình yêu và luôn muốn tìm cảm giác mới. Nàng đã tự đánh giá mình quá cao và rồi chợt tỉnh ra khi nhìn thấy những nốt mụn đỏ dưới chân mình (Mùa biển)... Những người đàn bà của Võ Thị Xuân Hà dù ngoan ngoãn hay vụng trộm, phá phách cũng đều có một đặc điểm giống nhau: mặc kệ cuộc sống nghèo khó hay sung túc, họ luôn bị trộn lẫn giữa thực tại và mộng tưởng. Họ xáo trộn giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỷ, rất tự tin nhưng cũng dễ bị cám dỗ. Bởi họ bị ám ảnh bởi một quá khứ mông lung, một tương lai đầy bất trắc.

Chị kể, có một nhà phê bình bảo rằng những nhà văn nữ như chị chỉ giỏi sáng tác các truyện "vặt vãnh" đời thường như ngoại tình, ghen tuông hoặc than thân trách phận, tóm lại là rất không "có tầm" và khó đi xa được. Thế là chị đỏ mặt phản kháng. "Thú thực, tôi không hề có ý định chia thế giới làm 2 phần và xác định phải viết để tranh đấu cho một nửa thế giới đàn bà như mình. Ngòi bút của tôi viết về những con người, và vì con người. Nhưng bởi tôi là đàn bà nên việc thể hiện cảm xúc nội tại sẽ thiên về giọng nữ hơn. Còn nếu như tác phẩm của tôi góp phần đấu tranh cho một hay hàng vạn chị em thì đơn giản chỉ vì tôi là nhà văn. Nhà văn là người đấu tranh cho quyền con người, là lương tâm nhân loại..." - chị vẫn thường say sưa nói về nghề và hăng hái với những phát ngôn như vậy. Bởi trong chị, khát khao "phải nói một cái gì đó" với chính mình, với thế giới xung quanh đã trở thành nhu cầu nội tại, thành mục đích sống.

Và bởi vậy, cũng không có gì lạ khi Võ Thị Xuân Hà bộc lộ rằng từ bé chị đã nuôi ý định trở thành nhà văn chỉ để "phát ngôn một cái gì đó". Và chị đã nuôi văn chương bằng tất cả phương cách mà một người đàn bà bình thường có thể làm được. Chị miệt mài viết báo, viết hàng chục tờ báo đủ loại với gần một tá bút danh. Rồi mở quán cà phê. Hệt như nuôi con mọn, vất vả, cực nhọc, nhưng không sao bỏ được.

Một gia đình có cha mẹ trốn theo cách mạng, nhưng 3 người chú và 3 người cậu lại phải cầm súng cho chính quyền Sài Gòn, trong đó một người bị đạn lạc của lính cộng hoà bắn chết hồi Tết Mậu Thân ở Huế. Giải phóng đất nước, một nửa ở lại VN xây dựng cuộc sống, một nửa lang thang phiêu bạt nơi quê người và vì vĩnh viễn mang trong lòng sự hoài nghi, mặc cảm. Thỉnh thoảng, họ gặp nhau nơi quê nhà, bàn chuyện đời, chuyện Phật. Nhưng chẳng ai dám nhắc tới quá khứ đau lòng, vì biết đâu đã có lần anh và em hướng họng súng vào nhau mà không biết... Đấy là hình ảnh của gia đình Võ Thị Xuân Hà, của ba mẹ chị. Bởi vậy, ngoài những thiên truyện về cuộc sống thường nhật, phần lớn trang viết của Võ Thị Xuân Hà đều ám ảnh nỗi đau chiến tranh. "Nếu bảo rằng tôi không bị ảnh hưởng hoặc không đau đớn vì cuộc chiến tranh mình không trực tiếp tham gia, thì đó chỉ là một cách cố che giấu đi những mất mát của mình mà thôi", chị nói.

Vậy mà nhiều lúc Võ Thị Xuân Hà đã tưởng mình cạn vốn rồi, chẳng còn gì để đeo đuổi cái nghề nhọc nhằn, thậm chí quá nhọc nhằn đối với một phụ nữ muốn giữ nếp sống bình lặng của gia đình. Chị cảm thấy ghen tỵ với những "bộ mặt dửng dưng và khinh khỉnh", để rồi than trách "từng đêm, ta ngồi khổ sở bên ngọn đèn, vắt kiệt trí não viết ra những trang bản thảo chẳng nơi nào nhận in" và nảy ra ý nghĩ "hay là ta quay về với cuộc đời thường? Sẽ dốc những đồng vốn cuối cùng sắm một cái tủ hàng. Ngày ngày ta ngồi nhìn lướt trên đầu thiên hạ" (Những trang bản thảo).

Nhưng rồi cái "bệnh Đan Thiềm" lại dày vò chị. Chị kể: "Tôi từng cùng bạn đi lễ chùa. Đã cùng nhau chen chân, ngồi xệp trước khán đài Nhà hát Tuổi Trẻ để xem hết vở Vũ Như Tô. Và đêm đó, tôi đã ngủ một giấc rất ngon và nghiệm ra rằng không phải chỉ riêng mình khóc khi người ta cười, thương khi người ta ghét, buồn khi người ta vui". Thế là chị lại bật dậy và viết...

Trung bình một năm chị viết hơn 100 bài báo, 2 kịch bản phim, 1 tập truyện thiếu nhi và 6 truyện ngắn. Võ Thị Xuân Hà lao động chăm chỉ và có tiềm lực theo kiểu của nhà thơ Xuân Diệu "cục ta cục tác, hết trứng này tôi còn trứng khác". Thế mà chị vẫn chưa hài lòng. Chị nói: "Người ta bảo Lúa hát của tôi giống Giamylya của Aimatova, Bên đống lửa giống phong cách Sucsin, Con đường đi qua sườn đồi hay Bầy hươu nhảy múa thì giống truyện Pautovski, Đàn sẻ ri bay ngang rừng thì mang hơi hướng Tchekhov. Có thể người ta nghĩ rằng, so sánh tôi với một nhà văn nổi tiếng tức là đánh giá cao tôi. Và nếu như tôi kiên quyết phủ nhận sự so sánh đó thì chẳng qua là do thói đỏng đảnh của phụ nữ. Nhưng thực tình, tôi chỉ mong người đọc nhìn nhận tôi như một Võ Thị Xuân Hà biết tưởng tượng chứ không phải ông X, ông Y nào hết. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ đóng cửa để viết tiểu thuyết. Tôi đã đăng ký viết một cuốn tiểu thuyết trong kế hoạch của Hội Nhà văn. Chẳng biết tôi có hoàn thành được không. Nhưng vẫn phải cố. Nhiều khi cứ phải huyễn hoặc mình để viết, nếu không thì tôi đến... cắt tóc đi tu mất...".

Thèm khát một cuộc sống yên ổn nhưng không được, và cũng không thể sống nổi với đồng lương 1 triệu đồng ở NXB Văn Học, Võ Thị Xuân Hà phải xê dịch với đủ loại nghề. Hiện, chị mở một quán cà phê nhỏ để sinh sống. Và chị vẫn lao động không ngừng. Bởi chị sợ rằng một ngày nào đó linh hồn mình sẽ mòn mỏi vì cơm áo như nhân vật Đoá trong truyện Cô gái đúc Thánh. Chị tâm sự: "Tôi viết để nhận ra rằng mình Phải Lớn. Và để đỡ đau đớn hơn khi nhìn vào thực tế... Dự định trước mắt của tôi là xây lại căn nhà cho rộng rãi hơn".

http://www.vnexpress.net...n-hoa/2003/08/3B9CA728/
Phượng Các
#3 Posted : Wednesday, September 6, 2006 5:47:40 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
'Tôi làm gì cũng chỉ vì đam mê viết'
Hà Linh

"Nếu không để các nhà văn trực tiếp tham gia làm kinh tế thì làm sao họ có được những trang viết hay về chuyện đó? Mà cái câu chuyện làm kinh tế này muôn thuở sẽ là đề tài nóng bỏng của mọi thời đại", nhà văn Võ Thị Xuân Hà tâm sự.

- Công ty Truyền thông Hà Thế của vợ chồng chị kinh doanh những mặt hàng gì?

- Công ty Truyền thông Hà Thế được thành lập từ tháng 10/2005. Khi đó tôi vẫn còn đang đi công tác ở Hàn Quốc. Anh Thế Anh ở nhà lo mọi việc, trong đó có việc quyết định thôi công việc làm giám đốc khu vực miền Bắc cho công ty Việt Thành để về gây dựng công ty riêng. Cho mãi đến đầu năm nay mới chính thức đi vào hoạt động. Chúng tôi sẽ tập trung trong giai đoạn đầu để làm sách. Sau đó chiến lược lâu dài nghiêng về truyền thông, phim ảnh. Nhưng thực tế ra sao thì chúng tôi sẽ vừa làm vừa cân đối lại cho phù hợp tình hình.

Về sách thì bước đầu cũng đã làm được một số cuốn như bộ 4 tập Xứ Hàn, giới thiệu với bạn đọc Việt Nam về đất nước xã hội con người Hàn Quốc, những số phận người Việt lưu vong, cô dâu Việt trên đất Hàn; bộ nhiều tập Những trang viết lạ, liên kết với Tổng công ty Sách Việt Nam, bộ sách này trước đây tôi đã làm với một Nhà sách, nay xin họ rút về làm, tập hợp được khá nhiều cây bút nổi tiếng và những cây bút trẻ, với những trang viết rất lạ và mang dấu ấn trẻ trung hiện đại nhất của từng tác giả. Rồi làm một số bộ sách ghi chép và phóng sự dài hơi như bộ sách Kỳ án & Những chuyện bí ẩn (đã ra được tập đầu lấy tên Bí mật những ngôi mộ cổ), bộ sách phóng sự Đằng sau những kỳ án (đã ra được một số tập). Làm được một số cuốn sách lẻ của chính tôi như tập truyện ngắn Chuyện của con gái người hát rong, sắp in Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí. Ngoài ra còn có sách của các tác giả khác như Tình yêu gia đình sự nghiệp (tự truyện của nhà doanh nghiệp Nguyễn Thị Sơn rồi cuốn 1.000 nhà thơ Huế đương thời (dày hơn 400 trang), Đá của trăm năm (tập truyện ngắn của tác giả trẻ Trang Thanh)...

- Tại sao chị lại chọn sách trong thời buổi mà người ta vẫn cho rằng văn hóa đọc không còn thịnh như trước?

- Tôi lại cho rằng đây mới là thời điểm người ta lại quay về với sách. Vì sách vẫn là món ăn tinh thần tinh tuý nhất. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan cho rằng ai cũng cần sách, và trên thực tế đúng là ngày xưa người đọc sách nhiều hơn, vì không đọc sách thì biết làm gì trong lúc nhàn rỗi. Còn bây giờ thì nào tivi, nào rạp chiếu hiện đại, nào Internet... Vậy mà tôi vẫn lạc quan chọn sách để làm chiến lược dài hơi đầu tiên. Vì tôi nhận ra rằng văn hoá đọc không phải không thịnh như trước, mà nó chuyển sang những hình thức đọc kiểu mới, không khu biệt bằng “con mắt đọc”, mà nhân bản bằng tất cả các giác quan, các quan niệm, các phương tiện thông tin. Chính các phương tiện thông tin ngày nay đã giúp độc giả đọc được rất nhiều sách mà chúng ta thì có lẽ cứ mải lo lắng nên đã không nhận ra.


- Công việc kinh doanh sách hấp dẫn chị ở những điểm nào?

- Nói thật nhé, vì tôi là người viết, nên về mặt tâm linh, tôi tin sách sẽ giúp tôi không nghèo, để tôi không hèn không kém. Tôi chán mấy cái thứ quan niệm rằng nhà văn phải khổ phải thế này thế nọ lắm rồi. Nếu đã là nhà văn thực thụ thì cái gì mình gặp trên đời này chẳng là một thực tế? Riêng nỗi cô đơn bất tận của một người viết đã đủ mệt đủ khổ lắm rồi, cần gì cứ phải nghèo phải khó nữa?

Điều nữa là, vì chính là nhà văn nên khi làm kinh doanh văn hoá, thứ đầu tiên tôi nghĩ đến đương nhiên sẽ là sách, để đỡ bị mang cảm giác mình đang mạo hiểm.

Vì vậy tôi muốn nói với độc giả của tôi: độc giả kính yêu ơi, hãy ủng hộ chúng tôi trong những chiến lược kinh doanh văn hoá, nhất là với sách, vì chúng tôi có làm gì thì cũng là để cho việc viết được tốt hơn thôi. Và điều quan trọng là chúng tôi sẽ biết cách giới thiệu cho độc giả những cuốn sách nên đọc, kể cả những loại sách mà người “nhiều chữ” hay chê là “lá cải”, “ba xu”...

- Hiện tại, có rất nhiều công ty truyền thông đã ra đời và bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định. Vậy đâu là chiến lược và thế mạnh của riêng chị trong thương trường đầy cạnh tranh này?

- Trong làng văn cũng có khá nhiều nhà văn tên tuổi trước, sau và cùng thời với tôi. Tôi chưa bao giờ có ý mình sẽ phải làm thế nào đó để vượt danh hơn người. Chỉ mong mình viết hay hơn để không phụ lòng bạn đọc yêu quý mình. Nhưng đúng là “trong thương trường đầy cạnh tranh”, nếu nói không chiến lược, không gì cả, thì chẳng ai tin. Chiến lược và thế mạnh của tôi là “hiện tại, phía trước & phía sau”. Nói ra có vẻ lãng mạn quá, nhưng tôi rất yêu câu thơ của Trần Tử Ngang: Ai người trước đã qua/ Ai người sau chưa đến/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Một mình tuôn giọt lệ...

- Rất nhiều văn nghệ sĩ đã gặp thất bại khi va chạm với sự khốc liệt của thương trường. Vậy theo chị, những điểm yếu của văn nghệ sĩ khi làm kinh tế là gì?

- Là chủ quan, lãng mạn, là sự yếu mềm và thiếu hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh mà cứ tưởng là mình nhân hậu. Thế thì các nhà thuần làm kinh tế không nhân hậu ư? Vậy nên ngược lại, tôi mong đừng đối tác nào của Công ty Hà Thế lách vào cái điểm yếu này của Phó giám đốc Công ty để giành chỗ của Hà Thế trên thương trường. Mà ngược lại, hãy nhích một chân cho chúng tôi đứng. Chúng tôi đứng vững rồi thì bạn cũng đứng vững hơn.

- Một trong những nguyên nhân khiến văn học Việt Nam hiện nay chưa có được những tên tuổi lớn là vì nhà văn VN chưa có ý thức chuyên nghiệp hóa nghề cầm bút, họ còn kiêm nhiệm thêm nhiều nghề “tay trái, tay phải”. Bản thân chị nghĩ gì về ý kiến trên?

- Theo tôi, nhìn nhận này quá phiến diện. Một tên tuổi lớn của một dân tộc là phải trải qua bao nhiêu tu nhân tích đức, bao nhiêu biến cố và sự được mất, bao nhiêu cõi sống văn nhân mới có thể có được một vài anh hùng, một vài nhà văn hoá lớn. Loài chim có thế giới quan của chim. Loài hổ có thế giới quan của hổ. Đừng thất vọng ở nỗi không có các nhà văn lớn. Thế nào là lớn và thế nào là nhà văn chuyên nghiệp? Chính tôi cũng là nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa chính xác của cụm từ này đấy chứ, vì tôi ăn lương của nhà nước để làm ở Ban Sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam, hoạt động xã hội từ Hội nhà văn, viết và viết... Tách ra một tí tẹo để kinh doanh thôi, mà kinh doanh cũng chỉ để viết thôi... Vậy thế có nghĩa rằng chẳng bao giờ tôi “lớn” nổi được ư? “lớn” với đúng nghĩa nhân văn ấy. Chứ không phải “lớn danh”. Tôi mà nghĩ như thế, thà quẳng bút đi cho nhẹ nợ.

- Duyên nợ với văn chương và những dự định mới của chị?

- Như trên tôi vừa nói, tôi làm gì cũng chỉ vì ba chữ “đam mê viết”, nên nhiều dự định viết lắm. Năm nay thì tôi dự định viết tiếp một cuốn tiểu thuyết nữa, và sẽ hoàn thành kịch bản phim truyền hình Tường thành (chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tôi) dài khoảng 20 tập, để giao cho Nguyễn Thị Thu Huệ “dao kéo” làm bà đỡ. Hy vọng mọi dự định của tôi sẽ hoàn thành. Còn năm sau năm sau nữa thì... tôi vẫn viết tiếp và sống yên bình với cái gia đình nhỏ của mình, trong đó có việc lo toan cho Công ty truyền thông Hà Thế phát triển.

Hà Linh thực hiện
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.