Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Lan Ngọc
Chị đã đi hát hơn 30 năm, từ 68 cho đến bây giờ. 30 năm rất nhiều biến đổi, giọng ca ấy vẫn ngày đêm đi về và hát. Có khác chăng là thay vì ngày xưa, người cha mê nhạc chở cô con gái rượu của mình đi hàng đêm thì bây giờ là chồng chị. Lan Ngọc nói:" Từ ấy cho đến nay tôi chỉ có hát, không làm gì ngoài hát, ngay cả những lúc cuộc sống khó khăn, chật vật nhất, khi không được hát hay những lúc thiếu vắng người nghe".
Có một điều gì đó thật lạ lùng, thật bền vững ở giọng ca chị như những bài hát chị thường hát. Giọng ca gợi lại đời sống âm nhạc của một thời. Dòng âm nhạc đó sản sinh ra những giọng ca như chị, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Lê Uyên... Những giọng ca, những bài hát đã tồn tại rất lâu, chính vì tồn tại rất lâu nên cũng đã và đang qua đi, sự bất hủ không biết đến khi nào thì chỉ còn cất vào trong lịch sử ?
Chị như một con chim xanh, tôi nhớ chị trong những tà áo dài xanh khi lên sân khấu hát, đem giọng ca mình như đem hồn mình từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cuộc đời này sang cuộc đời khác. Chị càng ngày càng khiêm tốn hơn, càng nhỏ nhẹ hơn trong cõi riêng của mình, cùng đâu đó với một vài cafe-bar trong Thành phố.
Những quán cafe mang những cái tên khá cổ xưa: Đồng Dao, Phiêu Linh, hay Nhạc Sĩ, Tib. "Chị có hát những bài nhạc mới không?" Tôi hỏi. Chị trả lời:"Có chứ, một số bài của các nhạc sĩ cũng từng sáng tác nhạc tiền chiến, sau chuyển hướng viết nhạc trẻ, nhạc hiện đại. Nhưng rất ít". Với tôi, thế hệ sau vài chục năm, được nghe rất nhiều nhạc tiền chiến, khá tò mò về một không khí nhạc thời đó.
Về Khánh Ly... Chị kể: "Hồi đó thì cũng đi hát thôi. Hát trong các phòng trà. Phòng trà hồi đó lớn hơn các quán cafe-bar bây giờ, khoảng vài trăm chỗ. Người ta đến để nghe hát là chính. Rất im lặng, lịch sự. Mỗi phòng trà có các ca sĩ riêng đặc trưng riêng cho họ. Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu cũng thế. Hồi đó, các chương trình lớn như đại nhạc hội bây giờ chỉ dành cho dạng bình dân, đại trà. Các ca sĩ phòng trà như Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy Quang, Thái Thanh là những ca sĩ cao cấp hát loại nhạc cao cấp, thành ra các ca khúc không phổ biến rộng rãi như bây giờ".
Những ca sĩ như Lan Ngọc ở lại bây giờ chỉ còn vài ba người. Sau giải phóng chị vẫn hát rất nhiều.
Cho đến bây giờ, "Mình đã già đi, nhiều chỗ không còn mời. Giọng ca đã xuống một bậc. Người nghe ngày càng thu hẹp lại. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều niềm vui, hàng đêm hát và vẫn tìm được đồng cảm".
"Chị có nghĩ đến một ngày nào đó, không còn chỗ để hát nhạc tiền chiến ở nơi công cộng?", chị có vẻ lạc quan:"Mình nghĩ đó thực sự là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Người ta vẫn nghe, nghe theo cách bây giờ, ít thời gian hơn. Ngay cả giới trẻ, khi qua đi cái thời thích ồn ào, cuồng nhiệt, họ lại tìm đến nhạc trữ tình lãng mạn tiền chiến". "Như vậy có thể là do chưa có sự thay thế?". "Những bài hát nói lên những chân lý của muôn đời thì sẽ không mất đi. Nó sẽ còn mãi". Có lẽ. Chắc chắn là nó sẽ còn, những bài hát, những tinh hoa của nền âm nhạc trong suốt nửa thế kỷ qua, dù có thể là còn trong nỗi nhớ nhiều hơn trong đời sống. Tuy nhiên, chắc chắn là chưa phải thế, chưa đến lúc ấy! (Nguồn Internet)
|