Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Huệ Thu
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, October 9, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


nguồn: Hoa Thi
Phượng Các
#2 Posted : Monday, June 5, 2006 3:17:20 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Huệ Thu
Phượng Các
#3 Posted : Monday, June 5, 2006 3:19:19 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
NÓI CHUYỆN VỚI BÀ HỒ XUÂN HƯƠNG

HUỆ THU


Cháu cũng làm thơ hệt giống bà *
Giống Bà, cháu cũng lụy tài hoa
Liếc ngang khó kiếm người thanh nhãn
Ngó tới sao tìm bạn Bá Nha
Cũng muốn cười cho tàn tuổi trẻ
Chỉ lo khóc mãi mệt thân già
Thơ bà cháu đọc thâu đêm vắng
Thơ cháu ai người sẽ thiết tha

Thơ cháu ai người sẽ thiết tha
Cuộc đời chìm nổi lắm phong ba
Mong vui sáng sớm vài nương cải
Thích tưới chiều hôm mấy luống cà
Cứ nghĩ nương nhờ nơi thảo dã
Nào ngờ vướng mắc chốn phồn hoa
Muôn trùng xa cách nơi quê mẹ
Mỗi độ Xuân về lệ nhỏ sa

Mỗi độ Xuân về lệ nhỏ sa
Tại sao mình lại phận quần thoa ?
Là trai họ cứ nhờ danh bố
Làm gái ai qua nổi mặt Bà
Một Ván Cờ Người thành đại tỷ
Cái Hang Cắc Cớ nổi sơn hà !
Thơ Nôm đến cụ là sư tổ
Ðánh hết Ðông, Ðoài cụ chẳng tha !

* Giống đây là giống Sở Thích làm thơ chứ không phải thơ giống hệt như thơ Bà

HUỆ THU
oc huong
#4 Posted : Sunday, August 24, 2008 8:45:23 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0




HUỆ THU

Tiếng ru của mẹ thuở nào thẩm thấu, lắng đọng sâu tiềm thức trẻ thơ, để - khi lớn lên, khoác chiếc áo dài đồng phục màu xanh biển của trường Trung học Bùi thị Xuân Đà Lạt, Huệ Thu đi vào ảo thực thi ca bằng những cảm nghĩ đầu đời thiết tha, trong sáng, nồng nàn tình tự ca dao... Thành phố sương mù, nơi chị sinh ra, và cho đến lúc trưởng thành, đã trao gửi cho Huệ Thu thiên nhiên, vạn vật, trăm màu, trăm vẻ, qua đó Huệ Thu hình thành thi tập SƯƠNG CHIỀU THU ĐỌNG 1994. Tiếp theo những năm sau đó, các thi phẩm khác lần lượt được ấn hành tại thành phố Thung Lũng San Jose, nơi Huệ Thu chọn làm quê hương tỵ nạn:
Mở Ngõ Phù Vân 1995 - Lục Bát Huệ Thu 1997 - Đầu Non Mây Trắng 1998 v-Tứ Tuyệt Huệ Thu 1998.

Qua các thi tập vừa kể của chị, người đọc có thể nhận diện chân dung thơ Huệ Thu từ bối cảnh cõi sống, từ nguồn ngọn tâm tình riêng tư và sự thôi thúc giải bày, trang trải.
Nhập vào dòng chảy của đoàn người lưu xứ, nhà thơ nữ này đã từng trăn trở nhiều về nỗi buồn ly hương, sau khi đành đoạn phải ra đi vì không thể tìm thấy an bình như đã từng mơ ước. Cuộc vượt thoát, qua những lần đi hiểm nguy, một còn, một mất, với tâm nguyện thà đi, dù rủi ro không đến còn hơn chịu chôn chặt giữa trùng trùng vây hãm ngay trong lòng sông núi quê nhà.

Cuộc sống vốn dĩ là một phạm trù triết lý phức hợp, với nhiều nan đề, vấn nạn. Khi ước muốn đã đạt, ngẩng nhìn vòm trời cao rộng, hít thở không khí tự do, cũng là lúc người thơ lại bắt đầu một cuộc trở về bằng tâm thức:

Gọi quê hương, gọi hoài trên đất Mỹ
Việt Nam ơi! Đà lạt của tôi ơi!

Thúy Kiều của Nguyễn Du, mười lăm năm luân lạc, kết thúc bằng một tương phùng, với Huệ Thu, mười lăm năm – thời gian còn mãi lênh đênh vô định, chưa thấy cuộc tương phùng thì đã mất mát máu thịt thân yêu:

Mười lăm năm mỗi ngày thêm
Quê hương mây phủ, trắng thềm Ca Dao
Mẹ chờ nước mắt chao chao
Cha mong, thất vọng đã vào huyệt sâu
(Lục Bát Tha Hương)

Và cứ thế, con người phải dấn bước theo bóng thời gian, đi về phía trước, nhìn lại phía sau, từng đường nét đậm nhạt, quê hương mờ khuất cuối trời mây:

Đường đi - một bước - dặm dài
Quê hương - nhìn lại - xa ngoài chân mây!

Thơ là nguồn tái tạo hy vọng, phác họa ước mơ, cứu rỗi lỡ lầm, nhưng Thơ cũng gieo vào tâm trạng con người ảo giác của quá khứ, âm vọng khô khốc, bẽ bàng... Dù đang thênh thang dưới vòm trời tự do, dĩ vãng khắc nghiệt vẫn bám theo ám ảnh con người. Tiếng kẻng răn đe, thôi thúc trong một xã hội rập khuôn theo hệ thống trại tù, trại lính một thời chưa phai nhạt trong tâm trí, khiến nhà thơ băn khoăn tình chung riêng, thắc mắc, u-hoài, nghi hoặc, cô đơn:

Tình riêng - con cá lặng lờ
Tình chung - con nhện giăng tơ... một mình!
Còn gì để gọi là tin
Quê hương - tiếng kẻng cầm canh, chắc còn?
(Nửa Đêm Trong Vườn Riêng Một Cõi)

Ký ức nhà thơ lại hằn lên nỗi nhớ từng con đường thân thuộc của thủ đô miền Nam, Công Lý, Lê Lợi của Sài Gòn. Quên sao được những tất tả, lận đận với kế sinh nhai giữa buổi giao thời, nhiễu nhương, bất ổn ấy, ngồi bán sách “xôn” lề đường, qua ngày đoạn tháng giữa Sài Gòn đổi màu, đổi chủ:

Sài Gòn
Công Lý băng ngang
Lê Lợi xẻ dọc những hàng sách xôn
Nhớ hoài một thuở kiếm cơm
Ngồi bên đống sách, nhai sờn gáy da.
( Sài Gòn Ơi)

Với quê hương hôm nay – quê hương hoài niệm, với Sài Gòn – biết bao nỗi nhớ thương, Huệ Thu đã đi tìm quê hương trên đất Mỹ, giữa dòng hiện thực mà lui vào siêu thực, mộng mị. Lời độc thoại chất nặng ưu tư, ẩn ức:

Sài Gòn
Ôi nhớ, ôi thương
Sao đây cũng nắng, đâu đường lá me
Sài Gòn nỡ bỏ ra đi
Mười năm chưa có buổi về là sao?

Sài Gòn
Ai đến với tôi
Ru cho nghe với những lời Ca Dao
Đèn xanh, đèn đỏ, xôn xao
Ở đây nước Mỹ, chỗ nào quê hương?
(Sài Gòn Ơi)

Thơ Huệ Thu, tình và cảnh đều mang ấn tượng. Một bông hoa, lá cỏ, cành cây, gió nắng, sương mưa, thiên nhiên, vạn vật... đều được tác giả gửi gắm nhiều tình ý âm sắc đầy cảm xúc:
Tôi từ Lũng Nắng lên đây
Ngắm sương vùng Vịnh, ngắm cây bạc đầu
Thấy mình như ở đời sau
Hồn bay lãng đãng chỗ nào vu vơ...
......
Sương mù... ơi sương mông mênh
Xe qua Gold’ Gate tôi chìm trong sương
Sương mờ. Đèn mở - Xe nương
Tưởng đâu ánh mắt ai buồn dõi theo.
(Sương Mù Ở San Francisco)

Tâm trạng của kẻ tha phương khắc khoải, trăn trở đều khắp trong thơ Huệ Thu. Không chỉ tình chung sông núi, mà ngay cả tình riêng thi sĩ . Tình yêu của Huệ Thu - mối tình Thơ nặng khối đá tảng, mà thanh thoát vút cao, nhẹ như tơ trời, ảo mờ trong hiện hữu...

Giữa cơn lốc, đôi khi nghiệt ngã của tình yêu, mịt mờ ngày tới, con nguời đồng điệu thi ca không nản lòng sờn chí, vẫn tin đối tượng của con tim: “Tôi còn yêu! Dẫu tương lai mù mịt. Bởi tình anh là ánh sáng nhiệm màu”. Niềm tin ấy làm lấp lánh nhân sinh quan của nhà thơ nữ này, càng thêm yêu cuộc sống và cuộc sống thật đáng yêu:
Khi xưa, của những người hiền
Khi nay, của những người quên chuyện đời
Khi nao trong cõi con người
Đời cay đắng mấy, nụ cười vẫn thơm.

Huệ Thu có nhiều câu thơ hay. Nhiều câu xứng đáng là những câu thơ tuyệt cú của chị.
Thơ Huệ Thu phong phú ngôn từ, ý tưởng gợi cảm. Âm điệu Lục bát mang nét đẹp Nguyễn Du. Tập Tứ Tuyệt Huệ Thu với 118 bài thơ là 118 bông hoa đẹp hài hòa thanh sắc, đan kết giữa ý và từ. Lục Bát, Tứ Tuyệt là cái rất riêng của Huệ Thu, một Huệ Thu tinh tế từng cảm xúc của những nỗi đau thế sự, tình yêu, và thân phận.





oc huong
#5 Posted : Sunday, August 24, 2008 9:19:44 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

NHỮNG PHÁ CÁCH TÀI TÌNH TRONG THƠ

Huệ Thu




1. NHỮNG PHÁ CÁCH TÀI TÌNH TRONG THƠ

Thuở Sơ Ðường người ta làm thơ không chú trọng nhiều về luật. Thật ra luật chỉ làm cho người thơ dễ đạt được ý thơ. Thơ hay không hẳn vì niêm luật. Những bài thơ của các vị Tam Khôi (Tam Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) hẳn là rất đúng niêm luật. Nhưng những bài thơ ấy vị tất là những bài thơ hay ! Chứng cớ là sau những lần yết bảng, vua thường thiết yến đãi các quan tân khoa. các vị tam khôi đều có làm thơ lưu niệm. Nhưng cho đến nay thứ thơ lưu niệm ấy ít ai còn nhớ lấy dù chỉ một bài ! Vậy thì thơ hay không phải vì đúng luật.... Chẳng qua chỉ là một lối thơ trong trường ốc thì phải câu nệ vào luật . Không thế thì làm sao mà chấm ? Luật để làm tiêu chuẩn cho mọi sự phê phán. Nhưng những người làm thơ hẳn là phải đồng ý với nhau rằng thơ muốn hay trước hết phải có hồn. Hồn thơ là cái duyên của thơ. Thơ không có hồn như người không có duyên. Vô duyên thì đẹp mấy cũng không ai chuộng ! Hồn thơ xuất phát từ sự chân thành, sự giản dị. Hít thở làm nên sự sống, nhưng hít thở phải không cầu kỳ, phải thật tự nhiên thật giản dị. Nằm có cách hít thở của lúc nằm, ngồi có cách hít thở của ngồi, đứng cũng thế. Ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, cho đến lục bát, song thất... mỗi thứ đều có một lối luật riêng... Lối thở của lúc đứng khác lối thở của lúc nằm. Luật thơ Lục Bát khác xa luật thơ Ðường. Nhưng vẫn là luật nghĩa là những phép tắc riêng giúp cho người thơ đạt được ý thơ. Cho nên cái tài tình của người thơ là biết phối hợp các thể thơ. Tôi xin mượn một bài thơ của Tản Ðà làm ví dụ. Tôi nghĩ Tản Ðà là một thi sĩ thượng thặng của Việt Nam. Ông là người thông thạo thập bát ban võ nghệ. Có nghĩa là lối thơ nào ông cũng rành cả. Cho nên trong một bài thơ ông phối hợp nhiều thể thơ, phối hợp một cánh rất tài tình, rất tự nhiên, đó là bài Cảm Thu, Tiễn Thu, Ông mở đầu bằng:
Từ vào thu đến nay:
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh
Trăng thu bạnh
Khói thu xây thành.
Lá thu rơi tụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về én lại bay đi,
Ðêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.
Lá sen tàn tạ trong đầm,
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Sắc đậu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương.
Nào người cố lí tha phương,
Cảm thu ai có tư lường hỡi ai?
Nào những ai:
Bảy thước thân nam tử,
Bốn bể chí tang bồng
Ðường mây chưa bổng cánh hồng,
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu mi.

Nào những ai:
Sinh trưởng nơi khuê các,
Khuya sớm phận nữ nhi,
Song the ngày tháng thoi đi,
Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa.
Nào những ai:
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha,
Ruột tằm héo, tóc sương pha,
Góc phần trạnh tưởng quê nhà đòi cơn.
Nào những ai:
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn,
Giàu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!
Nào những ai:
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ hoa ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông trăng dãi con thuyền chơi vơi!
Nào những ai:
Dọc ngang trời rộng,
Vùng vẫy bể khơi
Ðội trời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân.
Nào những ai:
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
Thôi nghĩ cho:
Thu tự trời,
Cảm tự người.
Người đời ai cảm ta không biết!
Ta cảm thay ai viết mấy lời.
Thôi thời:
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui,
Chỉ để khách đa tình đa cảm,
Một mình thay cảm những ai ai!

Bài thơ bắt đầu bằng câu ngũ ngôn, rồi xuống câu tam ngôn, tứ ngôn, rồi tiếp theo là lục bát. Không ai băn khoăn hỏi đây là thể thơ gì ? Bởi nó rất thơ, ngũ ngôn thì ra ngũ ngôn, rồi chuyển đến tam tứ ngôn, đều tự nhiên như thế cả.

Bài Tống Biệt :
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một phút trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn rêu nhạt
Nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi..

Bài này không thể nói là thể thơ gì nhưng có ai bảo nó không phải là thơ ?

Tôi nhớ đến một bài thơ khác của ông Hà Thượng Nhân trên báo Tựợ Do viết gởi ông Kémoularia đạii diện liên Hiệp Quốc. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1959, Ủy ban Quốc Gia Việt Nam trước sự hiện diện của ông Kémoularia, đại diện đặc biệt của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về năm những người tỵ nạn trên thế giới đã nhóm họp tại Sài Gòn.

Bài thơ dưới đây mà ông HTN đã viết để chào mừng vị sứ giả của tình thương ấy. Bài thơ tuy dài nhưng vẫn có tính chất thời sự, vì thế tôi xin chép lại nguyên văn:

Kính chào Kémoularia

Kính chào Kémoularia
Sứ giả tự do
Tiếng nói của con người đau khổ.
Chúng tôi ra đi
Vượt Trường Sơn hiểm trở,
Lấy tay yếu cản đè sóng dữ,
Không cần sống, chỉ cần dân chủ,
Tìm về thế giới tự do
Ở đâu áo ấm cơm no ?
Trăng Thu rung mãi tiếng hò nhặt khoan.
Chúng tôi khinh nguy nan,
Tìm tấm lòng cởi mở.
Lúc gặp nhau vui mừng hớn hở,
Dù mới quen như biết từ lâu.
Mời nhau này một miếng trầu,
Chuyền tay vê điếu thuốc lào cũng vui.
Chúng tôi đổ mồ hôi,
Nâng niu từng tấc đất,
Mỗi tấc đất là tấc lòng tấc ruột,
Là máu xương, là sự nghiệp ông cha.
Mà nay lìa cửa, lìa nhà,
Bởi say ánh sáng, chẳng thà thiêu thân.
Năm châu triệu triệu bước chân,
Của chúng tôi : Những người dân cần cù.
Ơi Tây Ðức mịt mù thăm thẳm,
Ơi Nam Dương ngàn dặm, héo hon !
Bốn phương giang mắc núi non,
Lưới nào bủa được cánh con chim trời ?
Ơi Tây Tạng, những lời nói ngọt,
Tại làm sao chẳng lọt vào tai ?
Ơi Hung Gia Lợi anh tài,
Nắm tay thành bức tường dài : chúng ta,
Kính chào Kémoularia,

Kính chào Liên Hiệp Quốc.
Phẩm giá con người từ lâu nhơ nhuốc,
Chúng tôi đi để chuộc lấy linh hồn.
Rồi những bình minh, rồi những hoàng hôn,
Chợt tỉnh lại ngoảnh về đất Bắc,
Thương cha mẹ đày trong gót giặc,
Nhớ từng lối cỏ bờ tre,
Mùa nào lúa chín đỏ hoe,
Mùa nào gió trở se se, hỡi mình ?
Nếu lấy sống làm vinh,
Chúng tôi không sống nhục.
Chỉ có một cực hình,
Là cúi đầu gục mặt.
Chúng tôi đi, bởi không cam què quặt,
Không học theo lang sói sủa quân thù,
Rạch Cái Sắn thành khoai, thành đỗ,
Rừng cao nguyên thành lúa, thành cơm,
Ðánh tranh gìn giữ cọng rơm,
Ở đây tưởng thấy mùi thơm quê nhà.

Ơi Kémoularia !
Biết lấy chi làm quà,
Trao vào tay sứ giả ?
Xin cho gửi niềm thống khổ,
Mồ hôi nước mắt tin yêu.
Xin cho gửi lời chào,
Những ai cùng cảnh ngộ,
Tiếng nói chúng tôi dù rằng bé nhỏ
Nhưng là tiếng nói can trường.
Nhờ tình yêu dẫn lối đưa đường
Hòa trong tiếng những người “đồng chí”.
Chúng tôi viết giữa không gian hùng vĩ,

Giữa lòng thế kỷ hai mươi :
“Chúng tôi là người,
Chúng tôi muốn làm người.”

Hỡi Kémoularia,

(trích trong tập thơ CHÂN TÂM do Ðỗ Kế Hoàn sưu tập trang 23)

Bài thơ này không viết theo một thể thơ nhất định nào. Nó là phối hợp nhiều thể thơ nhưng là một bài thơ.
Và sau đây là một bài Thất ngôn bát cú :

NGÔNG
Quay ngựa xích thố buộc khóm trúc
Ném gươm long tuyền về non Tây
Chí thôi đã lỡ, kệ binh lửa,
Danh vốn không màng, mặc cỏ cây.
Gà chó đôi con năm tháng rộng
Ruộng vườn dăm khoảnh gió trăng đầy
Buông câu, xốc áo quay nhìn vợ:
Trời đã chiều chưa? Ta đã say!
H TN

Câu đầu toàn vần trắc đến câu hai toàn vần bằng, bài thơ thật hay phá cách thật tài tình. Ông cũng đáng danh là một “đại gia thơ” trong làng thơ Việt Nam.
Như vậy thì thể thơ là một cách nói. Gần đây Bà Vi Khuê có viết một bài thơ. Mới đọc qua tưởng là luật Ðường. Nhưng theo tôi, đó là bài thơ “có vẻ” là luật thế thôi. Bài thơ như sau :

Bà Huyện Thanh Quan
Một tấm lòng hoa nặng nỗi niềm
Niềm non nỗi nước, mảnh tình riêng
Trong cơn gió bụi chìm hương lửa
Giữa cảnh phong ba lạnh mối giềng
Cung báo quốc não nùng điệu quốc
Giọng thuyền quyên khắc khoải lời quyên
Dừng chân đứng lại, ngùi trông lại
Ðể lại lời thơ vạn cổ truyền

Câu 5 có vẻ không đúng luật, nhưng nhịp của hai câu thơ ấy rõ ràng không còn là nhịp thơ của luật thơ nữa. Cho nên ta vẫn thấy thuận tai. Câu thơ vẫn đứng vững bởi nó đã chuyển qua nhịp thơ Song Thất (nhịp ba).Muốn phá được như thế, trước hết phải nắm vững luật thơ nói chung và dĩ nhiên tài năng phải vào bậc thượng thừa.

Lý Bạch, Thôi Hiệu, Ðỗ Phủ, Nguyễn Du... là những thi sĩ thượng đẳng, những đại gia trong làng thơ. Nhưng bài Anh Vũ Châu của Lý bạch, bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bài Khúc Giang của Ðỗ Phủ thất niêm và Ðộc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du cũng thất niêm :

Chưa ai làm thơ nhiều bằng Lý bạch, Thơ đối với ông là không khí. Ông xử dụng nó tự nhiên như hít thở khí trời.

Lý Bạch, tổ sư của thơ, người đời thường gọi ông là Trích Tiên, ông cũng có những bài thơ không chú trọng tới niêm luật :

Anh Vũ Châu
Anh Vũ lai quá Ngô giang thủy
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh
Anh Vũ tây phi lũng sơn khứ
Phương châu chi thụ hà thanh thanh
Yên khai lan điệp hương phong noãn
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh
Thiên khách thử thời đồ cực mục
Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh

Dịch Nghĩa:
Chim Anh vũ xưa bay đến sông Ngô
Bãi trên sông mới truyền lại tên Anh Vũ
Chim anh vũ đã bay về Tây qua núi Lũng
Bãi thơm cây xanh biếc làm sao !
Khói toả ra từ lá cây lan làm gió thơm nổi dậy
Bờ liền với hoa đào, sóng gấm sinh
Lúc ấy người đi đày trông hoài cõi xa
Trên bãi dài mảnh trăng cô đơn còn soi sáng cho ai

Dịch Thơ:
Bãi Anh Vũ
Sông Ngô anh vũ xưa qua đó
Anh vũ thành tên gọi đến giờ
Anh vũ về đây qua núi Lũng
Bãi thơm cây cối những xanh mờ !
Mùi hương lan diệp lừng trong khói
Sóng gấm đào hoa gợn sát bờ
Thiên khách trông vời thôi cũng uổng
Ðợi ai trăng bãi luống bơ vơ !...

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Hay :
Nhãn tiền hữu ảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
Hay là :
Ðộng Ðình Hồ tây thu nguyệt huy
Tiêu tương giang bắc tải hồng phi
Túy khách mãn tiền ca Bạch Tử
Bất tri sương lệ nhạn thu y
Và :
Cố nhân tây hồ Hoàng Hạc lâu
Yên ba tam nguyệt há Dương Châu
Những câu trích ra trên đây, thất niêm, thất luật lung tung ! Lý Bạch lại không biết luật ư ? Biết mà vẫn không sửa, không cần sửa, bởi nếu ông ta sửa, câu thơ sẽ mất hay !

Những câu thơ hay của Hàn Mặc Tử, của Quang Dũng của Thâm Tâm cũng cần có luật đâu ? Vậy thì niêm luật không cần thiết ư ? ố Không cần thiết thì đặt ra làm gì, nghiên cứu làm gì ?

Xin thưa : niêm luật cần lắm chứ ! Nó giúp người ta rất nhiều để làm những bài thơ “khả thủ”, những tay đại bút thì không cần. Họ chính là luật, họ tạo ra luật. Muốn sáng tạo đương nhiên phải thông thạo nó. Chưa biết mà tấp tểnh phá luật là một điều buồn cười. Người phá luật phải rất thông thạo luật, cũng như người giỏi võ phải thông thạo mọi thế võ, khi đã thạo võ, xuất chiêu là thành võ đâu cần phải câu nệ ? Không một võ sĩ nào khi lên đấu mới nghĩ đến những miếng võ mình cần xử dụng. Lầu thông rồi, nó biến thành những cử chỉ tự nhiên như hơi thở , đi đứng.

Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, là một trong những bài thơ hay trong hàng trăm hàng vạn bài thơ Ðường . Hoàng Hạc lâu, hay đến nỗi nhà thơ như Lý Bạch, bước đến Lầu Hoàng Hạc thấy thơ của Thôi Hiệu đề trên vách, liền quăng bút, không dám đề thơ nữa . Giai thoại là thế, Lý Bạch là thi tiên của đời Ðường, là người uống một đấu rượu làm một nghìn bài thơ (Lý Bạch, đấu tửu thi bách thiên). Theo giáo sư Nguyễn Xuân Vinh thì ông làm gần hai vạn bài thơ.

Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu như sau :

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Tản Ðà đã dịch và cho đến nay vẫn được coi là bài dịch hay nhất :

Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Tản Ðà

Huệ Thu cũng có bài dịch :
(trong tập SCTÐ)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Biết chăng Hoàng Hạc đây lầu trống trơn
Hạc bay rồi, đã bay luôn
Tầng cao mây trắng cứ vờn thiên thu
Hán Dương cây đứng gục đầu
Châu Anh bờ cỏ xanh màu nhớ thương
Sớm chiều nhắc mãi quê hương
Trên sông khói sóng giăng buồn trời ơi !
Và bài Khúc Giang của Ðỗ Phủ:
Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương tống mạc tương vi

Tản Ðà Dịch :
Sông Khúc
Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế ?
Sống bảy mươi năm đã mấy người ?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.
Bản dịch của Tản Ðà
Câu thứ bảy thất niêm, chữ lưu phải là chữ trắc. Dĩ nhiên Ðỗ Phủ thừa biết như vậy. Ông thất niêm cố ý ! Hỏi tại sao ông lại cố ý thì lại là vấn đề khác.
Bài Ðộc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du cũng vậy :
Tây Hồ mai uyển tẩn thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

Bài thơ viết theo luật bằng :
Tây Hồ mai uyển tẩn thành khư

Ðến câu thứ 7 tự nhiên tác giả chuyển qua luật trắc :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

Trong làng thơ Quốc Âm, thơ thất niêm còn để lại cũng khá nhiều, thí dụ bài Vịnh Dế Duỗi của Tú Qui:
Kiến chẳng kiến voi chẳng voi
Ðời sanh dế duỗi cũng loi choi
Ngắn cánh lên trời không đủ sức
Có tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi
Quân tử có thương thời chớ phụ
Ðể cho bay nhảy thử mà coi

Bà Hồ Xuân Hương trong bài Ðèo Ba Dội câu đầu Hồ nữ sĩ đã phá luật:
Một đèo, một đèo, lại một đèo !
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Ðầm đìa lá liễu hạt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng cứ trèo

Trong bài Xướng họa với Chiêu Hổ :
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay !
Hay trong bài Khóc Tổng Cóc :
Chàng cóc ơi ! Chàng Cóc ơi !
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi !

Câu đầu của hai bài thơ Tứ Tuyệt mỗi câu chỉ có 6 chữ, theo luật vừa phá cách vừa thất niêm, không nhất tứ (theo niêm thơ tứ tuyệt : nhất tứ, nhị tam). Những phá cách của nữ sĩ họ Hồ khó ai bắt bẻ được, bởi thơ bà chữ nghĩa dùng quá hay và quá tài tình.

Những người còn quá câu nệ vào luật thơ thì nên nhớ câu này :
Tận tín thư bất như vô thư = tin hết vào sách thà đừng có sách còn hơn.
Học nhưng phải có sáng tạo nhưng muốn sáng tạo phải biết cho tường tận trước đã.
Bất kể cái gì cũng cần phải học, phải có nguyên tắc. Và cũng phải hiểu, chưa có một nguyên tắc nào là vẹn toàn ! Học như thế mới là học.
Như vậy những bài thơ thất niêm, thất luật còn được truyền tụng phần nhiều là của các bậc danh gia. Vậy thì: “Ðại gia văn chương bất câu niêm luật”ư ?

Sự thật, niêm luật đối với người đã thạo nghề chẳng khác những võ sĩ khi thượng đài không còn phải nhẩm lại các đường quyền phải múa thế nào cho đúng, chân tấn thế nào cho vững! Xuất chiêu dĩ nhiên là có thế võ rồi.

Thiết tưởng sự thất niêm thất luật kia là cố tình chứ không phải sơ ý .

Rất nhiều bài thơ nổi tiếng ở nước ta của Hàn mặc Tử, của Quang Dũng ... vừa thất niêm lại thất luật !( xin đọc phần phụ). Cho nên rõ ràng niêm luật chưa phải là thơ. Cứ câu nệ ở niêm luật chưa chừng thơ không còn là thơ nữa !

* Phần phụ Thêm :
Tôi nhớ trước đây tôi có trả lời chị NTND về một câu thơ của tôi chị cho là sai luật, trong bài :
Nhớ Quê Hương
Quê Hương. Trời ! Thao thức không tên
Một tiếng rao quà mới cất lên
Ðà Lạt mây xưa mờ trước cửa
Trại Hầm mận ngọt lịm nhà bên
Chép thơ trong lớp lòng ngơ ngẩn
Cởi áo qua cầu nổi nhớ quên !
Một chút nắng vàng trên lộ vắng
Rưng rưng ngày ấy thác Prenn .
Câu đầu chị NTND muốn tôi sửa lại vì bị “trật niêm luật” - Nhưng tôi trả lời câu thơ đó tôi viết như thế vì muốn chuyển nhịp...
- Nếu hiểu theo cách học của nhà trường lúc mới vỡ lòng về thơ thì câu ấy sai luật chứ không sai liêm. Muốn sai niêm phải sánh với câu dưới. Còn nếu muốn nói đã sai luật là kéo thêm niêm thì cũng không sao.

Tôi xin kể ra đây một số thơ của những thi sĩ lớn của Việt Nam cũng như của Trung Hoa viết sai luật, cả niêm nữa (Nói đúng hơn là phá niêm luật).

Như trên, trong bài Khúc Giang , Ðỗ Phủ viết :
Truyền ngữ xuân quang cộng lưu chuyển
Trong câu này chữ lưu phải là thanh trắc
Trong bài Hoàng Hạc Lâu Thôi Hiệu viết :
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Chữ thừa thất luật .

Thơ Việt Nam thì Hàn Mặc Tử viết :
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Chữ về thất luật.

Quang Dũng thì viết :
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Chữ luông thất luật.

Trong bài Tống Biệt Hành, Thâm Tâm viết:
Ðưa người ta không đưa qua sông
Cả một câu bảy chữ đều là thanh bằng.

Trong bài Ðộc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du viết :
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
rồi hạ xuống hai câu kết:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như
như thế là thất niêm.

Thật ra, người ta làm thơ trước khi biết luật; Nói được Việt ngữ chẳng hạn trước khi học ngữ phạm Việt Nam. Luật không phải do người sáng chế ra mà chỉ do người khám phá ra luật . Vậy thì luật do đâu mà có ? Luật là quy tắc chung của muôn loài muôn vật : như nước chảy xuống chỗ trũng ... Con người quan sát thiên nhiên, khám phá những quy luật của thiên nhiên, rồi quy củ hóa nó, điển chế nó để áp dụng vào thi ca, âm nhạc v... v...

Cái luật cốt tử của nó là luật điều hòa âm dương. Trong thơ, tiếng bằng là âm, tiếng trắc là dương. Mỗi câu thơ dù dài, dù ngắn, phải chia ra thành từng nhịp.

Người hơi có ý thức về thơ, đọc một câu thơ tất phải ngắt nhịp. Thường mỗi câu thơ chia ra làm ba nhịp.

Bây giờ hãy xin nói đến luật thơ Ðường Thi bát cú :
Mỗi bài có tám (8) câu, năm (5) vần, hoặc bốn (4) vần. Có hai thể : thể bằng và thể trắc.
Xin đơn cử một bài theo thể bằng :
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
v... v...

Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh.
Vậy thì chỉ có những chữ thứ 2, 4 , 6 phải theo luật bằng trắc như đã ấn định.
Luật ấy nếu viết tắt ra thì như thế này:
Thể bằng:
Chữ thứ Chữ thứ Chữ thứ
2 4 6
B T B
T B T
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B T B
Thể Trắc :
Chữ thứ 2 Chữ thứ 4 Chữ thứ 6
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B B B
B T B
T T T
Nhìn vào đó ta thấy, đếm theo hàng dọc :
B + TT + BB + TT + B
Vì bài thơ là thể bằng nên chữ thứ 2 của câu đầu là thanh bằng.
Nếu đếm theo hàng ngang thì :
B + T + B
Hễ giữa mà trắc, hai bên bằng là đúng luật. Còn đếm theo hàng dọc chữ thứ 2 của câu 1 + 8 giống nhau, chữ 2 của câu 2 + 3 giống nhau, chữ 2 của câu 4 + 5 giống nhau, chữ 2 của câu 6 + 7 giống nhau là đúng niêm.
Niêm luật ấy là chỉ dùng cho việc thi cử (để dễ có tiêu chuẩn mà chấm bài). Những bài thơ đúng luật nhất là những bài thơ của các vị đại khoa (các cụ Trạng, cụ Bảng, cụ Thám, cụ Nghè) khi làm để lưu niệm lúc ngồi ăn với vua. Những bài thơ ấy ngày nay có còn ai nhớ nữa đâu ! Nó chỉ đúng luật chứ chưa phải là thơ.
Những bài thơ mà tôi vừa nêu trên (như bài của Ðỗ Phủ là một bài luật thi hẳn hoi) mà vẫn thất niêm, thất luật. đâu có phải vì những người ấy không hiểu niêm luật.
Nếu chúng ta để ý nhận xét thì thấy thế này; từ tứ tuyệt đến song thất, đến luật thi, đến ca trù, đến thơ mới 8, 9 chữ.., tất cả chỉ có một luật, tất cả các luật đều giống nhau. Sở dĩ trong các sách giáo khoa người ta dạy thơ lục bát khác luật song thất v... v... để cho học trò dễ nhớ. Các thể thơ mà khác nhau là do nhịp thơ. Chính nhịp thơ (chữ cuối mỗi nhịp thơ là luật thơ, bắt buộc (nói bắt buộc là nói tương đối thôi) phải theo đúng bằng trắc còn tất cả tùy tiện muốn viết là bằng hay trắc cũng được. Ðây là tôi chỉ nói một cách sơ lược.

Vì thế trong câu thơ mà chị bảo là sai luật là tôi muốn chuyển nhịp câu thơ đang 2 + 2 + 3 thành 3 + 2 + 2 . Không phải là tôi bảo rằng có thể dùng thể thơ trộn lẫn song thất vào thể thơ thất ngôn. Ấy là tôi nhìn vào cái lý cuối cùng của luật : tạo ra quân bình thoải mái cho câu thơ. Mong sẽ còn lãnh thêm ý kiến của chị và các bạn thơ .

Ở trên tôi đã viết tất cả các thể thơ đều chung một luật : ấy là luật quân bình âm dương. Luật ấy là căn cứ ở những chữ cuối nhịp cửa mỗi câu thơ mà định. Chỉ có 3 chữ ở cuối các nhịp là chữ Luật nghĩa là phải viết đúng theo công thức T (nhịp 1) bằng (nhịp 2) T (nhịp 3) hoặc ngược lại: B (nhịp 1) Trắc (nhịp 2) B (nhịp 3) nghĩa là hễ chữ cuối ở nhịp thứ 2 là trắc thì chữ cuối của nhịp 1 và 3 phải bằng.

Tôi xin chứng minh :
Thể Lục Bát
Trăm năm (B) trong cõi (T) người ta (B)
Chữ tài (B) chữ mệnh (T) khéo là (B) ghét nhau (B)
Bởi câu 8 có 4 nhịp, 2 nhịp 3 và 4 cùng là bằng nên 2 chữ bằng 1 phải có dấu huyền (là) và một chữ không có dấu. Nhịp thơ của thơ lục bát là nhịp 2 - Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có luật lệ như câu :
Mai cốt cách (T) / tuyết tinh thần (B)
Câu thơ này nhịp 3 . Ðã vậy thì cuối nhịp 1 phải là trắc. Thơ lục bát có những biến thể :
Biến thể 1 :
ví dụ ta viết (đây chỉ là ví dụ):
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ mệnh khéo là ghét bỏ chữ duyên
Vần đáng lẽ ở chữ thứ 6 ở câu 2 thì ở đây lại gieo vào chữ thứ 4 . Khi ấy chữ cuối của các nhịp thơ sẽ đổi là nhịp 1 (chữ thứ 2) T, chữ thứ 4 (B), chữ thứ 6 (T) và chữ thứ cùng là bằng thì chữ vần phải có dấu huyền và chữ thứ 8 thì không .

Biến thể 2:
ví dụ :
Nước trong xanh lơ lửng cái con cá vàng
Cây ngô, bây giờ mà cành bích con chim phụng hoàng nó đậu cành trên .
Dù số chữ trong câu có dài hơn nhưng đọc lên câu trên vẫn có 3 nhịp và câu dưới có 4 nhịp . Ðó là 1 kiểu thơ của dân gian cho nên số chữ có thể linh động thêm bớt. Tuy nhịp thơ thì vẫn y nguyên . Nhịp thơ căn cứ vào đâu mà biết ? Thưa: - do linh tính. Ðọc lên là biết liền. Nếu đọc không đúng nhịp thì sẽ thấy trúc trắc .

Luật thơ song thất lục bát :
ví dụ :
Trải vách quế (T)gió vàng (B) hiu hắt (T)
Mảnh vũ y (B) lạnh ngắt (T) như đồng (B)
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má hồng
Luật thơ là : T (quế) B (vàng) T (hắt)
B (y) T (ngắt) B (đồng)
Chữ bằng ở cuối nhịp 1 không có dấu huyền thì chữ thứ 7 bắt buộc phải có. Ta nhìn rõ thì câu thơ theo đúng luật âm dương: giữa bằng thì hai bên trắc và ngược lại.

Thơ mới:
ví dụ :
Ðây là quán / tha hồ / muôn khách đến /
Ðây là bình / thu hợp / trí muôn hương /
Đây là vườn / chim nhả hạt / mười phương
Hoa mật ngọt / chen giao / cùng trái độc /
Ðôi giếng mắt / đã chứa trời / vạn hộc /
(Xuân Diệu)

Nhịp của các câu thơ 8 chữ có thể là (theo các câu trên)
3 + 2 + 3
3 + 2 + 3
3 + 3 + 2
3 + 2 + 3
3 + 3 + 2
(nghĩa là có thể linh động)

Luật thơ : căn cứ vào các chữ cuối nhịp, ta có :
Câu 1 Quán (T) hồ (B) đến (T)
Câu 2 hình (B) hợp (T) hương (B)
Câu 3 vườn (B) hạt (T) phương (B)
Câu 4 ngọt (T) giao (B) độc (T)
câu 5 mắt (T) trời (B) hộc (T)

Nó đã đi vào luật ban đầu :
Giữa Bằng 2 bên trắc
Giữa Trắc 2 bên bằng

Hát nói:
Ví dụ :
Mới ngày nào / đã biết / cái chi chi
Mười lăm năm / thấm thoát / có ra gì /
Ngoảnh mặt lại / đã tới kỳ / tơ liễu .
Căn cứ vào những chữ cuối nhịp ta có :
nào (B) biết (T) chi (B)
năm ( B) thoát (T) gì (B)
lại (T) kỳ (B) liễu (T)

Cũng vẫn luật : giữa Trắc 2 bên Bằng và ngược lại câu 2, chữ cuối nhịp 3 cũng bằng nhưng không dấu .

Ðây là những hiểu biết thô thiển của tôi về phá cách trong luật thi , xin các quý vị cao minh cho thêm ý kiến để học hỏi thêm.

Huệ Thu
Ngày10 tháng 3 năm 2008



Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.