Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ngọc Bầy
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, September 4, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nghệ sĩ hát bội Ngọc Bầy với tuồng Hoàng Diệu ‘tự biên tự diễn’

Friday, September 02, 2005



Nghệ sĩ Ngọc Bầy đang tập tuồng “Hoàng Diệu Tuẫn Tiết” tại nhà riêng.


Phạm Phú Minh/Người Việt

Ảnh: Nguyễn Trung Tín


Chiều Chủ Nhật 28 tháng 8, 2005, nghệ sĩ Ngọc Bầy đã trình diễn thử một trích đoạn trong vở tuồng “Hoàng Diệu Tuẫn Tiết” để chuẩn bị cho Ngày Quảng Nam Ðà Nẵng được tổ chức vào 4 tháng 9 sắp tới. Với giọng ca và bộ điệu rất điêu luyện của một diễn viên và một giảng viên lâu năm trong bộ môn Hát Bội, nghệ sĩ Ngọc Bầy đã làm cho tất cả những người thuộc Hội Ðồng Hương Quảng Nam Ðà Nẵng tham dự buổi tổng dợt xúc động với màn diễn xuất những giây phút cuối cùng của Tổng đốc Hoàng Diệu khi thành Hà Nội thất thủ vào tay quân Pháp.

Nghệ sĩ Ngọc Bầy đã theo học khóa 1 dành cho Chèo, Hát Bội (bà theo riêng ngành này) Cải lương và Thoại kịch của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ (QGAN và KN) Sài Gòn trong bốn năm (1960-1964). Sau khi tốt nghiệp bà đã theo đoàn hát Công Thành Ban của ông bầu Chín Mót đi trình diễn nhiều nơi, và một số buổi hát do sự bảo trợ của Phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa của cụ Mai Thọ Truyền và hội Khuyến Lệ Cổ Ca của cụ Ðốc Phủ sứ Ðỗ Văn Rỡ. Tài năng của người nghệ sĩ trẻ đã được khẳng định trong ba năm lăn lộn với sân khấu Hát Bội, và đã đạt được mức chín muồi.

Năm 1967, giáo sư Vũ Khắc Khoan thuộc bộ môn Kịch Nghệ của trường QGAN và KN đã chính thức mời nghệ sĩ Ngọc Bầy về làm giảng viên cho bộ môn Hát Bội của trường. Từ đó bà ít có dịp đi trình diễn, mà lo đào tạo diễn viên lớp trẻ. Từ năm 1975 đến năm 1980 chính quyền cộng sản đã dần dần tách Âm nhạc và Kịch nghệ ra làm hai phần riêng biệt. Trường Âm nhạc vẫn ở tại trường sở cũ trên đường Nguyễn Du, còn phần Kịch nghệ thì dời qua trường Hưng Ðạo ở đường Cống Quỳnh. Bà Ngọc Bầy vẫn tiếp tục là giảng viên của bộ môn Hát Bội. Nhưng kể từ năm 1980 thì bộ phận này lại chuyển qua Sở Thông Tin thành phố, lúc bấy giờ nghệ sĩ Ngọc Bầy vừa giảng dạy vừa làm diễn viên đi trình diễn thường xuyên.

Năm 1992, nghệ sĩ Ngọc Bầy cùng gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Trong cuộc sống mới bà Ngọc Bầy dĩ nhiên phải có một “Job” mới để nuôi sống mình và gia đình, và công việc ấy dĩ nhiên chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam mà bà đã theo đuổi gần suốt đời mình cả. Suốt trong 32 năm qua bà chỉ học tập rồi sinh hoạt trong một ngành duy nhất là Sân khấu Hát Bội, nay bỗng dưng qua một môi trường văn hóa khác, phải lo đi “cày” để sống và có thể coi là vĩnh viễn từ giã một bộ môn mà bà những tưởng mình sẽ gắn bó suốt đời, bà đã cảm thấy một nỗi hụt hẫng lớn lao trong tinh thần và tình cảm. Nhưng dần dần cộng đồng người Việt tị nạn cũng “phác giác” ra bà là một vốn quý của một bộ môn văn hóa đặc biệt của Việt Nam, và bà được mời trình diễn nơi này nơi khác trong một số dịp đặc biệt, như Viện Việt Học, Majestic, Emerald Bay Restaurant, San Diego University, San Jose, và gần đây nhất, tại UCLA. Một nữ giáo sư người Nhật Bản tại Ðại học này muốn tìm một người biết diễn xuất tuồng cổ của sân khấu Việt Nam, bèn hỏi giáo sư Nguyễn Thuyết Phong nhờ kiếm giùm.

Giáo sư Phong nhớ là có được Giáo sư Trần Văn Khê cho nghe một cuộn băng ghi âm Hát Bội mà ông đã thu được tại Sài Gòn sau 1975, và người trình diễn là nghệ sĩ Ngọc Bầy, bèn khuyến khích bà giáo sư Nhật Bản về Sài Gòn để kiếm người nghệ sĩ này. Ông không biết rằng thời gian này nghệ sĩ Ngọc Bầy đã qua Mỹ, và đang sống ngay trong vùng phía nam Los Angeles! Nhưng rồi cơ duyên cũng tới, bà giáo sư Nhật Bản đã tìm được nghệ sĩ Ngọc Bầy, và tổ chức nên cuộc thuyết trình và biểu diễn về ngành sân khấu Hát Bội tại UCLA vào tháng Hai, 2005. Trong những tháng sắp tới nghệ sĩ Ngọc Bầy sẽ còn nhiều lần tái ngộ với vị nữ giáo sư người Nhật Bản này, trong chương trình nghiên cứu sân khấu cổ Việt Nam của giáo sư.

Hội Ðồng Hương Quảng Nam Ðà Nẵng khi chuẩn bị cho Ngày Văn Hóa của tỉnh mình rất mong muốn có được màn trình diễn Hát Bội, vốn là một nét đặc thù truyền thống của sinh hoạt văn hóa Quảng Nam, nhưng không biết tìm đâu ra người phụ trách. Nhưng rồi cũng do duyên may, nghệ sĩ Ngọc Bầy đã được giới thiệu chỉ ba tuần trước thời gian tổ chức, và đã nhận lời trình diễn giúp. Nhưng giá mà có một tuồng tích liên quan đến lịch sử Quảng Nam, như sự kiện Hoàng Diệu tuẫn tiết khi thành Hà Nội bị mất vào tay quân Pháp chẳng hạn, thì sẽ có ý nghĩa biết bao trong Ngày Văn Hóa Quảng Nam!



Không ngờ nghệ sĩ Ngọc Bầy nhận lời ngay: “Xin quý ông cung cấp cho chúng tôi tiểu sử và văn thơ liên quan đến quan Tổng Ðốc Hoàng Diệu và vụ thành Hà Nội thất thủ, chúng tôi sẽ tự viết thành văn bản tuồng để trình diễn.” Anh em trong Hội vội vàng sưu tầm cấp tốc nào là Hà Thành Chính Khí Ca, nào là thơ văn Hoàng Diệu và thơ văn của bao người khác về biến cố này, cung cấp ngay cho nghệ sĩ Ngọc Bầy. Hai ngày sau, bản tuồng đã xong, và đã được diễn thử rất thành công chiều ngày 28 tháng 8, 2005 tại nhà một thân hữu của Hội.

Ngày 4 tháng Chín, 2005 sẽ là “Ngày Quảng Nam Ðà Nẵng,” vở tuồng sẽ được công diễn với một trích đoạn. Hát Bội, một nét văn hóa vô cùng đặc thù của xứ Quảng sẽ được người nghệ sĩ lão luyện trình diễn, giúp cho người tị nạn xa xứ gặp lại một không khí xưa tại tỉnh nhà, đồng thời giúp cho lớp trẻ hiểu biết thêm về một mảng quá khứ của xứ sở.

Phạm Phú Minh



....Các tỉnh miền Bắc có hát Chèo, hát Quan Họ, miền Nam có Cải Lương, Hồ Quảng, kinh đô Huế có ca Huế và hò Mái Ðẩy, còn hai tỉnh Quảng Nam và Bình Ðịnh tự hào có Hát Bội, một nghệ thuật sân khấu đã có thành tích trình diễn cho các vua nhà Nguyễn và triều đình Huế thưởng lãm.

Hát Bội là một nghệ thuật sân khấu xây dựng trên luân lý Khổng, Mạnh, rút cốt truyện trong các tiểu thuyết của lịch sử Trung Quốc. Hát Bội là nghệ thuật diễn tả các trái ngang mà con người phải gặp trong xã hội hằng ngày. Vì vậy, tuồng Hát Bội thường là một câu chuyện dài dòng trong một khúc quanh lịch sử, không thể chấm dứt trong một đêm diễn được, mà có thể kéo dài, mà khán giả thường gọi là hát kế tức sẽ tiếp tục hát trong nhiều đêm, và chính những tuồng kế nầy sẽ đánh vào chỗ nôn nao của khán giả muốn biết vở tuồng sẽ kết thúc như thế nào?

Ðiểm đặc biệt Hát Bội là khi hát có đánh chầu. Trống chầu là một loại trống lớn, dùng trong các lễ hội, các đình chùa, đám rước, phát ra âm thanh ầm ĩ, lấn át cả tiếng các nhạc cụ khác. Trong trường hát, trống chầu được đặt trên một giá gỗ ba chân, đặt phía trước sát sân khấu, và trên một chân, có treo một ống tre đựng các thẻ dùng để thưởng con hát.

Trống chầu là nhịp cầu thông cảm giữa nghệ sĩ và khán giả. Trong những buổi trình diễn văn nghệ ngày nay, nếu nghệ sĩ diễn xuất hay thì khán giả vỗ tay, hoặc hát dở thì bị la ó, huýt sáo, nhưng trong trình diễn Hát Bội, người cầm chầu với “roi chầu” trong tay, đóng vai trò đại diện cho toàn thể khán giả trong hội trường để thưởng hay phạt các nghệ sĩ trình diễn qua từng câu hát, từng bộ tịch hay cử chỉ và đi vào cả từng chi tiết khác của buổi diễn xuất.

Lý Trường Trân

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.