Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Khi một vì thiên thạch mang tên người con gái Việt Nam-Jane Lưu
hc
#1 Posted : Saturday, September 3, 2005 4:00:00 PM(UTC)
hc

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 261
Points: 0

Khi một vì thiên thạch trên dãy Kuiper nằm bên mép rìa Thái Dương Hệ mang tên người con gái Việt Nam
Nguyễn Ninh Hòa, Sep 02, 2005


Thiên thạch là gì?


Khi nghe nói tới chuyện một vì thiên thạch mang tên cô gái Việt Nam, có lẽ chúng ta tò mò muốn biết: thiên thạch là gì? Chiết tự ra, thiên thạch là tảng đá trên trời, trong vũ trụ.

Theo Bách Khoa Từ Điển Wikipedia thì thiên thạch là một thiên thể nhỏ nằm trong Thái Dương Hệ, quay xung quanh mặt trời, giống như một hành tinh nhỏ (planetoid). Hầu hết thiên thạch được quan niệm là những mảnh vụn vỡ ra trong thời kỳ hình thành thái dương hệ. Một số thiên thạch còn có cả mặt trăng quay xung quanh nó và hầu hết thiên thạch nằm trong vùng vành đai thiên thạch asteroid belt có quỹ đạo hình bầu dục nằm ở khu vực giữa sao Hoả Tinh và Jupiter.

Khám phá độc đáo và quá quan trọng của Tiến sĩ Jane Lưu

Jane Lưu là một nhà thiên văn người Mỹ gốc Việt. Cô đến Hoa Kỳ với tư cách là người tỵ nạn khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam. Cô học tại Đại Học Stanford và tốt nghiệp vào năm 1984.

Cô ta đồng khám phá, phát hiện một thiên thạch đầu tiên trong dãi Kuiper huyền thoại (có ký hiệu là (15760) 1992 QB) cùng với người hướng dẫn của cô là David C. Jewitt. Hai người đồng khám phá chung một số vì thiên thạch.

Mỗi năm, vào muà hè, và trong cả chục năm như thế, cô Jane Lưu bay về Hawaii 3 tuần lễ và không giống như những người đi nghỉ mát đâu, vì bạn không bao giờ nhìn thấy cô ngồi trên bờ biển nhăm nhi mai-tais đâu. Mỗi đêm, cô leo lên đỉnh núi lữa đã tắt, ở độ cao 14,000 bộ trên mực nước biển, để quan sát các vì sao, tìm kiếm các vì sao trên trời, qua thiên văn kính cực mạnh trên đỉnh ngọn núi lữa đã tắt. Và khi mặt trời thức dậy ở phía Đông, thì cô xuống núi và trở về trại, và tại đó, cô phân tích các dữ kiện được khám phá trong đêm qua và rồi chìm vào giấc ngủ, để khi mặt trời lặn, lại tiếp tục leo lên núi tìm kiếm những ngôi sao, những vì thiên thạch trên thế giới vũ trụ còn quá nhiều điều kỳ bí.

Cô thật nhẫn nại và đam mê công việc. 10 năm liên tiếp, cô làm như thế. Và cuối cùng, một phần thưởng lớn đã đến với cô vào năm 1992, khi cô khám phá ra một thiên thạch, đầy đá và băng đá quay xung quanh mặt trời ở ngay bờ mép của thái dương hệ, nơi tiếp xúc giữa thái dương hệ của chúng ta và vũ trụ bên ngoài.

Khám phá này rất quan trọng vì nó không chỉ là kết thúc chuyện huyền thoại về dãy Kuiper Belt mà còn tạo ra một hướng mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành thái dương hệ của chúng ta.

Thiên thạch mà cô Jane Lưu phát hiện là thiên thạch đầu tiên trong dãy Kuiper (Kuiper Belt) – một vùng không gian chứa đầy những mảnh vụn thiên thể được xem là những mảnh vụn khi thái dương hệ của chúng ta hình thành.

Vào năm 1951, một nhà thiên văn người Mỹ gốc Hoà Lan đã đưa ra một gỉa thuyết rất quan trọng là có một dãy vật chất nằm bên ngoài hành tinh xa nhất trong thái dương hệ của chúng ta. Giả thuyết này có tên của ông ta là Kuiper Belt. Thế nhưng, trong vài năm, chẳng có mấy ai quan tâm đến giả thuyết Kuiper Belt này.

Thế nhưng, giả thuyết Kuiper Belt này lại hấp dẫn cô gái Việt Nam vào năm 1987, lúc đó là sinh viên năm thứ nhất cao học tại viện đại học MIT. Cô Jane Lưu kể lại: “Lúc ấy, mọi người nói với chúng tôi là Kuiper Belt là một ý tưởng hoang đường (hokey idea), và chính vì thế, chúng tôi không được hỗ trợ, giúp đỡ cho việc tìm kiếm Kuiper Belt”. Cô ta và vị cố vấn của cô ta là David Jewitt đã tự bỏ tiền túi ra để đài thọ cho công việc nghiên cứu này trong thời kỳ khởi đầu.

Và họ, Jane Lưu và David Jewitt, đã chúng minh cho những kẻ hoài nghi đối với giả thuyết Kuiper Belt là sai lầm. Sau khi hai nhà thiên văn trên, trong đó có người con gái Việt Jane Lưu, đồng khám phá ra thiên thạch đầu tiên trong dãy Kuiper Belt thì các nhà thiên văn khác và những nhà khoa học khác bắt đầu lao vào công cuộc săn tìm các thiên thể và sự hình thành của Kuiper Belt, mà từ đó, tạo ra những ý tưởng mới giải thích sự hình thành của thái dương hệ của chúng ta. Cho đến nay, trên 60 thiên thạch đã được khám phá trong dãi Kuiper Belt, nhưng các nhà thiên văn và khoa học gia ước đoán có tới khoảng 70 ngàn thiên thạch trong dãy Kuiper Belt này.

Cuộc săn tìm những bí ẩn trong dãy Kuiper Belt trở thành một cuộc săn tìm kho báu trong vũ trụ mà trong đó tên tuổi của người “thợ săn” tiền phong Jane Lưu là một tên tuổi lớn, bởi vì Kuiper Belt đang ẩn chứa những dấu vết bí mật của nguồn gốc hình thành thái dương hệ của chúng ta. Một ví dụ cho nhận xét này là hành tinh Pluto (Diêm Vương Tinh, hành tinh thứ 9 tính từ mặt trời) thật nhỏ và được cấu trúc bằng đá và nó hoàn toàn khác hẳn với những hành tinh lân cận, to đùng và bằng khí hơi như Neptune (Hải Vương tinh, hành tinh thứ 8 tính từ mặt trời) và Jupiter (Mộc Tinh, hành tinh thứ 5 tính từ mặt trời). Chính vì thế, hiện nay, các nhà thiên văn tin là thật ra Pluto có thể cũng chỉ là một vì thiên thạch quá khổ trong dãy Kuiper Belt mà thôi. Cô Jane Lưu nói: “Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rià thái dương hệ, trong dãy Kuiper Belt, giống như hành tinh Pluto vậy.” Cô Jane Lưu nói thêm: “Khám phá này hoàn toàn thay đổi nhận thức của chúng ta định nghĩa hành tinh là gì…”

Khám phá của cô Jane Lưu về sự hiện hữu của Kuiper Belt mà trước đó bị hoài nghi là rất quan trọng, mang tính chất cách mạng, bởi nó làm thay đổi nhận thức về: Thế nào là hành tinh, về sự hình thành thái dương hệ, về thế giới vật chất xung quanh và ngoại vi thái dương hệ,…

Khám phá của cô gái Việt thật là tuyệt vời, đi vào lịch sử của những phát hiện lớn cuả nhân loại.

Như trên đã nói, ngoài những phát hiện chung với đồng nghiệp, Jane Lưu còn phát hiện riêng cho mình, chỉ mình cô thôi vì thiên thạch khác trong dãy Kuiper, và chính vì thế vì thiên thạch đó mang tên cô, tên “5430 Lưu” (The asteroid 5430 Luu is named in her honour). Và cô ta đã được tặng danh hiệu Annie J. Cannon Award in Astronomy vào năm 1991,

Cô là một giáo sư đại học, nhưng nay đã bỏ nghề, và hiện đang làm việc tại Lincoln Laboratory (Phòng thí nghiệm Lincoln) tại viện đại học MIT.

Ngoài sức hấp dẫn của vũ trụ, cô Jane Lưu còn bị một sức thu hút khác là du lịch đến các vùng xa đất lạ trên hành tinh của chúng ta (xin đọc bài phỏng vấn cũng trong số báo này của Cali Today) như cô từng đi trên những con đường đất đến Tây Tạng, Nepal, Mongolia (Mông Cổ), Madagasca,…

Và vào ngày 15 tháng 10 tới, cô gái Việt huyền thoại ấy, cô gái có cái tên được đặt cho vì thiên thạch, cô gái đã chứng minh dãy Kuiper Belt là có thật chứ không phải là ý tưởng hoang đường, cô gái góp phần quan trọng cho thế giới nhận thức lại sự hình thành thái dương hệ, sẽ có mặt trong đêm Đại Nhạc hội Đêm Cali 2005 và trong chuyến đi Tình Ấm Muà Đông 2 vào ngày sau đó tại San Jose. Cô rất bận rộn, cũng như Lê Duy Loan, nhưng cố gắng để đến San Jose để cùng các bạn trẻ San Jose thắp lên ngọn lữa thương yêu và tôn kính thế hệ cha anh, vì nếu không có tình yêu vô bờ bến, sự hy sinh vô bờ bến của thế hệ phụ huynh, thì những đóa hoa trẻ người Việt tại hải ngoại sẽ khó thể trổ hoa, kết trái, thành danh,… như ngày hôm nay.

Trong ý nghĩ đó, khoa học gia Lê Duy Loan, thiên văn gia Jane Lưu, và nữ đại úy bác sĩ Cẩm Vân từ hạm đội Kitty Hawk Thái Bình Dương, nữ xướng ngôn viên CBS Leyna Nguyễn,… sẽ bay về San Jose để cùng những người trẻ khác tri ân thế hệ sinh thành vì không có mồ hôi, tình yêu và sự hy sinh của thế hệ trước,… thì khó thể nào có được một thế hệ tuyệt vời của người Việt trẻ hải ngoại như hiện nay…

Jane Lưu như một vì sao lạ sẽ bay về San Jose trong suy tưởng và tình cảm ấy.

Nguyễn Ninh Hòa(Cali Today)

20 câu hỏi dành cho Jane Lưu: Tôi thích nhất là câu châm ngôn này “Vĩ nhân là do 1 phần trăm thiên phú và 99% là do đổ mồ hôi!”

Cali Today News – Tòa soạn Cali Today giới thiệu đến quý độc giả một bài phỏng vấn trên báo Mỹ về thiên văn gia Jane Lưu như dưới đây.

1. Là một nhà thiên văn học, công việc của cô là gì?

- Tôi là nhà thiên văn chuyên về quan sát và thu thập các dữ kiện với một kính viễn vọng. Có hai loại nhà khoa học về thiên văn, loại đề ra các lý thuyết và loại đi điền dã với các dụng cụ, như kính viễn vọng. Cả hai đều cho phân tích các dữ kiện và cho in các thành tựu của mình thành sách sau đó. Tôi thuộc vào loại thứ hai.

2. Như vậy thì cô phải luôn luôn nhìn lên các vì sao?

- Cũng nhiều, nhưng không nhiều hơn một người bình thường đâu. Hồi nhỏ tôi cũng hay ngắm sao trời, nhưng nào có dụng cụ gì đâu. Sau này khi thăm viếng Viện Jet Propulsion Laboratory, tôi tình cờ thấy các bức ảnh do phi thuyền Voyager chụp, tôi nói: “Wow, có người đi làm chuyện chụp ảnh, nghiên cứu như thế này như một nghề sao?”. Thế là từ đó tôi… bước chân vào nghề đó.

3. Tuổi thơ của cô ở đâu và cô thích làm gì lúc còn nhỏ?

- Tôi lớn lên ở miền Nam VN và làm những chuyện như mọi đứa bé gái khác. Tôi vui đùa cùng chúng bạn. Tôi thích đi học lắm, được làm bài tập là niềm vui lớn.
Cha tôi dạy chúng tôi tiếng Pháp và tôi cũng thích tiếng Pháp lắm. Trong một thời gian dài, VN là thuộc địa của Pháp vì thế mà cha tôi thông thạo Pháp văn. Tôi được gửi đi học ở một trường Tây với sự nâng đỡ của cha mình. Tôi thích mấy bài học ở trường Tây lắm, cũng như mấy bài tập ở nhà vậy.

4. Gia đình cô có mấy anh chị em?

- Tôi có 2 người em và 1 bà chị. Tất cả chúng tôi đều được sinh ra ở miền Nam VN.

5. Tại sao gia đình cô rời khỏi VN? Lúc đó cô bao nhiêu tuổi?

- Khi chiến tranh chấm dứt tôi được 12 tuổi và lúc đó cha tôi là thông dịch viên của quân đội Hoa Kỳ, nghĩa là giúp đỡ cho các người quân nhân Mỹ và VN hiểu nhau. Vì cái nghề của cha tôi, nếu chúng tôi mà không tìm cách thoát ra khỏi nước sau năm 1975 là có rắc rối to. Ai cũng tìm cách thoát thân. Cha tôi biết là chúng tôi phải ra đi. Một hôm, ông về bảo: “Chúng ta phải ra phi trường”. Trong lúc chúng tôi ngồi đợi trong nhiều ngày liền thì cha tôi đi tìm người quen để tìm cách di tản. Cuối cùng sau vài ngày, cha tôi biết có một chiếc vận tải cơ sắp ra đi. Chúng tôi cố gắng lên chuyến bay đó. Thật là may, vài bữa sau chúng tôi đi được. Ban đêm chúng tôi phải lang thang đâu đó ở phi trường vì đâu có được về nhà.

6. Cảm giác bỏ lại quê nhà lúc đó ra sao?

- Cũng buồn, nhưng rất vui. Hồi đó còn nhỏ nào có biết nguy hiểm là gì đâu. Cha mẹ chúng tôi cũng có nói gì đâu. Bỏ lại bạn bè và người thân thì cũng đâu vui gì. Mỗi đứa có cái túi nhỏ đựng quần áo. Tôi cố nhét vào cái hộp viết chì màu mà tôi thích nhất mà không dám nói cho mẹ biết, sợ bị la. Tôi thích hộp viết chì màu đó lắm!

7. Cô phải sống trong trại tị nạn bao lâu? Cả nhà có sống chung với nhau không?

- Khoảng 1 tháng hay 1 tháng rưỡi gì đó. Cũng khá lạ và đặc biêït vì… chả có chuyện gì làm ngoài chuyện chờ đợi. Không có trường học gì hết. Tôi cảm thấy sống trong trại rất an toàn nhưng kỳ cục là không có làm gì hết. Có nhiều người tìm cách ra trại nhưng khó lắm, vì đa số họ không nói được tiếng Anh và không có nghề nghiệp gì. Dì của tôi sống ở Kentucky vì dì lấy một ngưới lính Mỹ. Nghe chúng tôi thoát được, dì bèn tìm cách đến thăm. Có chương trình là ai có thân nhân sẽ được bảo lãnh ra đi. Chúng tôi khá may mắn là sống chung với nhau cho đến ngày đi Mỹ, có người phải bị tách ra đó.

8. Học tiếng Anh có khó không? Cô có bạn bè không?

- Cũng dễ thôi vì tôi đã có vốn tiếng Pháp nên tôi cũng học nhanh lắm, nhưng chúng tôi quả thật là mấy đứa nhóc đầu tiên đi học ở Kentucky mà lại không sinh đẻ ở đây. Mấy đứa nhóc khác toàn là dân Mỹ, chỉ có chị em chúng tôi là con nít ngoại quốc mà thôi.

9. Môn nào cô thích trong trường? Môn nào chuẩn bị cho nghề nghiệp của cô?

- Tôi học khá giỏi. Có lẽ tôi thích toán và môn viết nhất. Giỏi toán có lợi lắm, nhất là sau này nếu bạn muốn đi vào ngành khoa học. Nhưng nếu làm việc trong phòng thí nghiệm thì bạn cũng không cần giỏi toán làm chi. Toán chỉ giúp ích cho nhà khoa học thuần lý mà thôi, chứ không giúp nhiều cho nhà khoa học thực nghiệm. Nếu bạn là một nhà khoa hoc kiểu như địa chất học hay sinh học thực nghiệm thì toán không cần đâu. Bạn biết không, không cần giỏi toán bạn vẫn có thể là một nhà khoa học giỏi mà.

10. Môn nào có vẻ khó nhất? Có giống như ở VN không?

- Không có môn nào khó lắm đâu. Ở Mỹ môn nào cũng dễ. Hệ thống giáo dục ở VN khắc nghiệt hơn vì dựa vào của người Pháp nên chuyện học thuộc lòng là quan trọng. Ngay từ tiểu học hay mẫu giáo là đã có một đống bài tập về nhà làm rồi! Học ở trường Mỹ dễ hơn nhiều, vì chỉ yêu cầu học sinh hiểu chứ không phải nhớ thuộc lòng. Vì thế tôi nghĩ giáo dục kiểu Mỹ hay hơn.

11. Cô đã làm được cái gì mà cô cho là lớn lao nhất?

- Có thể là khi cùng với Dave Jewitt, tôi và các bạn khám phá ra vành đai Kuiper Belt, phải mất tới 5 năm! Ai cũng hỏi tôi là làm sao khám phá ra được vành đai này, chỉ hoài công thôi, vì nó đâu có thực! Vậy mà cuối cùng cũng tìm ra. Đó là thành tựu khá nhất của tôi, nếu tính theo kiểu nói thuần tuý khoa học. Tôi nghĩ là mình có nhiều may mắn, tôi đã du lịch ở nhiều nơi và “đáp xuống trúng ngay chỗ mà mình thích”. Cùng với sự kiên trì và nhiều may mắn, bạn có thể làm được nhiều chuyện đó. Chúng tôi đến Mỹ như những người tị nạn. Chúng tôi đâu có tiền của gì đâu, nhưng tôi cũng cố gắng làm được nhiều chuyện. Tôi chưa có cái passport vậy mà tôi đi du ngoạn được đấy.

Tôi thích phiêu lưu, như đi Nepal chẳng hạn. Tôi không có một đồng xu nhưng gặp một phụ nữ đang làm việc cho USAID (Cơ Quan giúp Phát Triển Quốc Tế). Cô ta nói: “Nếu tình cờ cô có đi trong khu vực của tôi thì nhớ ghé thăm tôi nhé. Cô có thể ở lại với tôi đấy.” Tôi nói: “OK” và tìm cách có tiền. Tôi nghĩ chỉ có tiền máy bay là quan trọng thôi rồi sau đó là tự lo được. Khi đến nơi, tôi tìm các công việc tình nguyện và tìm ra Viện “Save the Children”. Họ nói: “OK, cô dạy học được không? Chúng tôi sẽ chỡ cô đến làng chúng tôi, cô có thể tá túc ở đó và có thể dạy học.” Tôi bằng lòng. Tôi dạy ở đó được đâu 1 tháng rồi cơ hội chợt đến là do Tây Tạng mở cửa biên giới giữa Tây Tạng và Nepal. Bạn phải chộp ngay cơ hội này vì không có nhiều đâu. Các tình nguyện viên của Peace Corps được lắm. Họ nói, khi tôi tìm tới họ: “Ô chúng tôi sắp đi đây…” Tôi nói: “Chà, tôi đi theo quý vị được không?” Họ nói “được là cái chắc”. Tôi đâu phải là thành viên của họ đâu, vậy mà tôi đi bất cứ nơi nào mà họ đi và trong suốt mùa hè đó tôi đi khắp Tây Tạng và Nepal.

Tôi chỉ có may mắn thôi, nhiều may mắn. Thí dụ như “đáp xuống” nghề thiên văn học chỉ từ một lần đi thăm Jet Propulsion Laboratory là đủ. Tôi đâu có biết người ta có thể kiếm sống như một nghề là thiên văn học. Hết xẩy, tôi nhào vô liền. Suốt đời đúng là tôi gặp may.

Tôi nghĩ nhẫn nại sẽ đưa bạn đi xa. Có may mắn và nhẫn nại, bạn sẽ tiến bộ ghê lắm. Tôi thu xếp có được một cuộc sống hấp dẫn, tôi đi nhiều, tính tôi vốn thích như thế và tôi cũng làm được chuyện tốt đẹp ở môn thiên văn.

12. Gia đình cô nghĩ sao về việc làm của cô?

- Cha mẹ tôi có biết gì về khoa học đâu, vì thế khi tôi có bằng tiến sĩ, họ rất hãnh diện, họ nghĩ là tôi đã thành danh rồi, nhất là khi tên tôi xuất hiện trên các tạp chí, báo chí và đôi khi cả trên TV nữa. Họ không hiểu nhiều về chuyện tôi làm nhưng họ nghĩ chuyện tôi làm chắc phải “good” lắm!

13. Cô đã đi thăm nước nào? Cô thích nơi nào nhất?

- Tôi du lịch nhiều lắm, đến Nepal và Tây Tạng, đi khắp nơi ở châu Âu, có qua Đức nữa, Đông Đức đấy, trước khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Có khi đi du lịch mà lại không có passport, thật đấy, khi đó, bạn phải đối phó với đủ mọi thứ. Người Đông Đức đâu có ưa chuyện này. Chúng tôi đi du lịch theo trường học từ Tây Đức sang Đông Đức, nhiều lần lắm. Đối với người khác thì không sao, nhưng đối với tôi là “có sao” đấy. Lúc đó tôi đang học ở Đại Học Stanford. Đi theo thầy cô sang Đông Đức. Thầy cô thường để tôi sau cùng, vì hễ tới phiên tôi trình giấy tờ là có chuyện. Không sao, tôi lo được mà. Tôi làm sao ư? Đi về Mỹ ư? Hỏng có chuyện đó đâu!

14. Cô gặp chồng cô ở đâu vậy?

- Chồng tôi, anh Ronnie là một nhà thiên văn. Ảnh chuyên nghiên cứu các thiên hà. Chúng tôi gặp nhau ở một đại học ở Hòa Lan gọi là Đại học Leiden, vốn hết sức nổi tiếng, ở đó có phân khoa về thiên văn cổ nhất Châu Âu.

15. Cô làm gì ở Hòa Lan?

- Người Hòa Lan nổi tiếng là những nhà khoa học về thiên văn. Công trình nghiên cứu của họ tốt đẹp lắm. Tôi nạp đơn xin dạy ở đó và được nhận. Tôi dạy bằng Anh ngữ vì tiếng Hòa Lan của tôi không giỏi. Sinh viên hỏi tôi bằng tiếng Hòa Lan và tôi trả lời bằng tiếng Anh. Thu xếp như thế cũng ổn thỏa cho đôi bên. Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế bắt buộc cho ngành thiên văn nên các nhà thiên văn Hòa Lan đều biết Anh ngữ.

16. Cô thích làm cái gì ngoài thiên nhiên?

- Tôi thích chạy, đạp xe và bơi lội. Trong một ngày mà chơi 3 môn phối hợp như thế thì thích lắm.

17. Hiện nay cô đang làm gì?

-Tôi đang chế tạo dụng cụ cho một Lab tên là “Lincoln Labs”, một chi nhánh nghiên cứu của Viện MIT. Tôi làm việc trong ngành chế tạo dụng cụ cho vệ tinh. Tôi không còn quan sát bầu trời nữa, nhưng nếu sau này có dịp, tôi sẽ quay lại ngành thiên văn. Tôi hết dạy học rồi. Tôi muốn quay về Mỹ sống. Đó là lý do chính đấy. Tôi không muốn ganh đua nữa đâu. Làm việc khoa học hàn lâm mệt lắm vì phải có tài chính cung cấp mới đi đây đi đó được. Không có học bổng là chả có làm gì được. Bây giờ tôi thảnh thơi hơn, không còn trách nhiệm lớn nữa. Tôi không muốn leo lên nấc thang danh vọng. Làm việc như hiện nay cũng thú lắm rồi. Nhiều người tưởng tôi “khùng” khi bỏ chức giáo sư, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc.

18. Cô có hobbies gì không?

-Tôi thích âm nhạc, nhất là đàn cello khi còn ở trung học, hiện tôi vẫõn chơi đàn cello. Hồi xưa tôi đã thích đàn này, nhưng nhà tôi nghèo, tiền đâu mua đàn. Phải đi dạy đại học mới có tiền chơi đàn này đấy. Tôi cũng thích đọc sách, nhất là sách việc thật và người thật, thú vị lắm! Trong cuộc sống luôn luôn có chuyện hay ho để làm. Tôi không còn đi du lịch nhiều nữa, nhưng sau này tôi sẽ đi trở lại. Tôi không bao giờ nghĩ là mình ngưng việc khám phá những mới lạ của thế gian đâu!

19. Cô có nghĩ là giỏi ngoại ngữ đã giúp cho cô nhiều không?

- Nhiều lắm, nó giúp tôi vào được các đại học lừng danh. Khi mới đến Mỹ, nhờ giỏi ngoại ngữ, tôi mới học nhảy lớp được. Rồi tôi vào Stanford. Đặc biệt khi du lịch, giỏi nhiều thứ tiếng có lợi lắm, nhưng nên học ngoại ngữ khi còn nhỏ vì tụi nhỏ học dễ biết bao! Khi đã là người lớn, bạn cũng có thể còn học được, nhưng học được bao nhiêu là do trình độ ngoại ngữ của bạn đấy. Có người học ngoại ngữ giỏi hơn người kia.

20. Cô có lời khuyên nào cho giới trẻ?

- Hãy nhẫn nại, đó là bước đầu chắc chắn đưa tới thành công. Thông minh thì tốt nhưng đâu phải ai cũng thông minh đâu, nhưng nếu bạn kiên nhẫn, bạn sẽ tiến rất xa. Khi bạn đã chú tâm vào cái gì rồi, thích cái gì rồi là bạn không “buông ra” được nữa đâu. Và thình lình sáng kiến sẽ bật ra. Có người có sáng kiến thường xuyên, còn bạn, khi nẩy sinh ra ý gì, bạn có thể lựa chọn tiến tới luôn hay đợi ở đó.

- Ông đồng nghiệp Dave Jewitt chỉ cho tôi thấy: “Cô biết đấy thiên hạ thích chữ “xuất sắc” lắm. Họ thích tôn thờ anh hùng và nói “Ô, cái ông nhà thiên văn này là xuất sắc đó nghe. Không phải, ông ta chỉ yêu thích cái ông ta đang làm. Tất cả chỉ có thế.”

- Nếu bạn thích cái gì, bạn sẽ nghĩ ngợi thường xuyên tới nó, ân cần với nó, rồi một ngày ý nghĩ thiên tài sẽ bật ra trong óc bạn. Bạn mà nhẫn nại và kiên trì với công trình của mình, bạn sẽ sáng tạo ra cái gì đó. Bạn mà mê say là bạn đã đi được nữa đoạn đường rồi đó. Tôi thích nhất là câu châm ngôn này “vĩ nhân là do 1 phần trăm thiên phú và 99% là do đổ mồ hôi!”

(Theo Cali Today)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.