Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,044 Points: 3,390  Location: Lục điạ hình trái táo Thanks: 340 times Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
|
Dạ, hi hi, cười quá là cười với mấy dấu chấm hỏi của anh Nguyen...
Con "đường phượng bay mù không lối vào" này em cũng có thắc mắc một lần gần đây với một người bạn, nên bây giờ thấy thú vị lắm, muốn tìm hiểu ngọn ngành.
Bài dưới đây của ông Võ Hương An thấy cũng hay nhưng... bù trớt! Võ Hương An viết nhiều bài về Huế hay.
MƯA HỒNG và ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY
Gần đến ngày giỗ thứ 10 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ugno có một trao đổi quanh một bài hát của người nhạc sĩ tài hoa đa tình này. Mong các bạn đọc và cho ý kiến.
Tôi tiếp cận bài hát “Mưa Hồng” từ tập nhạc “Tình Khúc Trịnh Công Sơn” chung với các bài Tình Sầu, Tình Nhớ, Tình Xa, Cuối cùng cho một tình yêu... Dấu chân địa đàng, Vết lăn trầm, Tuổi đá buồn… vào khoản năm 1966-1967, từ người bạn rất thích chơi bài này bằng đàn măng đô lin. Những năm ấy tiếng tăm Trịnh Công Sơn (TCS) đã vang xa qua các bài hát từ “Ca khúc da vàng” và phong trào “Hát cho dân tôi nghe” của học sinh, sinh viên trước đó. Người bạn tôi mỗi khi chuyện trò, chỉ thích hát với tôi câu cuối của Mưa Hồng “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” gây cho tôi nhiều băn khoăn. Tôi thì cứ suy nghĩ về hình tượng mưa hồng. Mưa hồng là mưa những cánh phượng hồng lả tả khi mỗi cơn gió bay qua.
Ai đã ở Huế, đã sống đời học trò, mỗi dịp hè chia tay không thể không có ít nhiều kỷ niệm về hoa phượng vĩ. Hoa đỏ rực một màu chói chang rợp tán cây. Loại hoa mà thời trai trẻ, cậu học sinh trường Quốc Học Xuân Diệu đã gọi là Hoa Học Trò trong một bài viết rất sớm của của nhà thơ đăng trong tập Phấn Thông Vàng. Đi bên nhau dưới tán phượng, đạp lên xác phượng rơi, một cơn gió thoảng qua, hoa phượng rơi lả tả làm dày thêm tấm thảm đõ ghi dấu bước sóng đôi. Vài cánh phượng vương mái tóc thề xỏa vai mượt mà. Kỷ niệm của những hẹn hò, chia ly!. Thế mà trong “Mưa Hồng” còn hình ảnh “Em đi về cầu mưa ướt áo” trước hình ảnh “Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau” làm tôi hoang mang. Quả thật có cơn mưa em mới ướt áo khi qua cầu. Vậy thì mưa hồng có phải là mưa cánh phượng? Hay có một con đường tình của riêng mình mà tác giả đã gọi tên “Đường Phượng Bay” và mưa mù trên con đường em đi về đó?
Những năm gần đây, nhiều người cất công tìm xem con“đường phượng bay mù không lối vào” trong kỷ niệm của người nhạc sĩ tài hoa là con đường nào. Một việc làm xuất phát từ tình yêu nhạc Trịnh và người nhạc sĩ mảnh mai như nét đẹp thần kinh cách điệu ấy. Nhiều con đường đã vào tầm nhắm với nhiều lý lẻ, chứng cứ “đầy thuyết phục” (!)
Phải kể đầu tiên là đường Đoàn Thị Điểm, con đường chạy dọc bờ đông Đại Nội, đến hồ Tịnh Tâm, song song đường Đinh Tiên Hoàng. Trước năm 1956, người Huế gọi là đường Hiển Nhơn, theo tên một cửa hướng đông, dành cho quan lại và đàn ông vào ra Đại Nội. Đây là con đường đẹp, nhiều cây xanh trong đó “muối” và “phượng” chiếm đa số. Đường hẹp, ít xe cộ và người đi, tán cây hai bên đường kết vòm che kín mặt đường. Những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, dọc theo con đường này, một bên là trường Trung học Hàm Nghi (Quốc Tử Giám cũ), Nhà Bảo Tàng, Tôn Nhân Phủ, Sân bóng Lửa Hồng, Công đường quận Thành Nội (Trước kia là công đường Bộ Lại), Viện Bảo Anh (Trước kia là công đường các Thị Lang – Đường Bộ Thị), Trường Thiếu Sinh Quân (Trước kia là trường Anh Danh Giáo Dưỡng)…, bên kia là bãi cỏ sát hào thành*. Từ ngày có nhạc Trịnh, người Huế cứ gọi đây là đường phượng bay. Phải nói đây là con đường rất hợp cho những đôi tình nhân dạo bước đón đưa, tâm tình, nhưng nói đây là con đường của “Mưa hồng” còn thiếu cơ sở. Trong nhiều câu chuyện về những người tình của Trịnh, không có người đẹp nào ở khu vực phải đi qua con đường này để người nhạc sĩ phải ca “Em đi về cầu mưa ướt áo” cả. Và cũng không có chiếc cầu nào trong khu vực quanh con đường này.
Gần đây, nhiều người cho con đường phượng bay là đường Lê Duẩn đoạn từ Cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ. Con đường này hiện nay rất nhiều phượng, có vài cây đã cổ thụ chen với hầu hết những cây còn tơ. Ý kiến này dựa theo lời khẳng định của ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Công Ty cây xanh thành phố trước đây, nay đã ngoài 70 tuổi và một câu thơ đã có từ năm 1966 của Anh Phan
Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ Đi trên con đường phượng bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ…” (Theo Diên Thống-Thừa Thiên Huế Online)
Nhớ lại Huế những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, giai đoạn TCS viết “Mưa Hồng”, nói con đường này là hình tượng TCS đưa vào ca khúc ít có sức thuyết phục, nhất là với những người Huế sống thời gian đó và qua lại nhiều lần trên con đường đó.
Thời đó chưa có cầu Phú Xuân. Con đường này có tên là đường Nguyễn Hoàng, sau đổi tên đường Trịnh Minh Thế. Xe Bắc-Nam trên quốc lộ 1 phải theo đường này, qua cầu Trường Tiền, thẳng đường Duy Tân qua An Cựu. Cầu Bạch Hổ dành cho xe tải lớn và tàu hỏa. Xe nhỏ ít sử dụng cầu này vì những thanh gỗ gác ngang mặt cầu xốc xếch, thiếu an tòan, dễ gây nguy hiểm. Người đi bộ thì có phà Đập Đá, đò Thừa Phủ và vài bến đò ngang tự phát khác. Trước năm 1956, đường có hai làn xe, có dãi phân cách ở giữa khá rộng, đủ trồng một dãy phượng. Hai bên đường có phượng nhưng không nhiều. Từ cửa sập lên cầu Bạch Hổ có nhiều nhà dân tự phát trong giai đoạn chiến tranh, mấy năm sau, chính quyền giải tỏa đưa số dân này tái định cư ở Tây Lộc, chỉnh trang lại khu vực, xây hào thành, khôi phục lại bộ mặt phía trước kinh thành nhìn ra sông Hương. Sau đó chính quyền phá dãi phân cách để mở rộng đường. Cùng thời đó, nhà Hậu bổ cũng bị phá để xây nhà hát Hưng Đạo, phía dưới đường Thượng Tứ.
Nói rằng đọan đường này đi vào nhạc Trịnh với hình tượng“đường phượng bay mù không lối vào” tôi không tưởng tượng được. “Mưa hồng” được Trịnh viết năm 1964, trước đó vài năm, con đường này đã được mở rộng, không còn nhiều phượng. Một vài cây phượng còn lại khẳng khiu không thể có“hàng cây lá xanh gần với nhau” được . Hơn nữa đây là một đọan của quốc lô 1, đường nườm nượp xe cộ, thơ mộng gì để lôi cuốn bước chân các cặp tình nhân và tâm hồn nghệ sĩ. Tuổi thanh niên nhìn lại, thử hỏi đã có ai hẹn hò người tình trên đọan đường đó?
Nguyễn Trường Uy, trên báo Tuổi trẻ ngày 25/01/2006 công bố bức thư và ý kiến của một người con gái tên N.V.D.A kể lại mối tình của chị và TCS. Theo đó thì đường phượng bay là con đường tình của hai người
“A. nhớ Huế. Nơi ấy, mấy chục năm trước, đêm đêm chị trốn cậu (ba của chị) rời nhà đi qua cầu Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn, rồi anh tiễn chị về, đi theo con đường bên kia sông có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau. Anh gọi đó là đường phượng bay, con đường tình yêu của anh, con đường nhớ nhung một đời của chị. Con đường mà bắt đầu từ đó, trong hơn một nửa sáng tác của anh để cho đời đều có hình bóng chị, người mà anh chỉ gọi bằng một từ lúc nào cũng được viết hoa trong nhạc của anh: Em.”
Trong bức thư này N.V.D.A tự nhận là em của Diễm. Con đường này là một đoạn đường Phan Chu Trinh, nơi ở của hai chị em Diễm-A. (có nhiều bài viết cho là đường Phan Đình Phùng), bên kia cầu Phủ Cam, đối diện với đường Nguyễn Trường Tộ, bên này cầu, nơi ở của TCS.
N.V.D.A còn viết: “Đã có nhiều người phụ nữ muốn cho mọi người biết họ từng là một phần đời của Trịnh Công Sơn. A. không muốn vậy. Chị muốn chỉ là chị, là em gái ruột của Diễm - người con gái đi qua con đường có hàng hoa long não li ti ở Huế và đi qua một phần ký ức ngắn của anh.” Cuộc tình của TCS và Diễm đã nhiều người nói đến. Đó là cuộc tình đẹp, ấp ủ tâm tình người nhạc sĩ để bật lên những nốt nhạc đẹp để đời, nhưng với người con gái, nhân vật trữ tình trong bản nhạc, như chỉ thoáng qua. Chuyện kể về cuộc tình “TCS-Diễm” của người em gái cưng của TCS có nói đến việc Diễm tặng TCS một nhánh hoa làm người nhạc sĩ trẻ bần thần mấy hôm sau. Trong bài viết “Diễm của ngày xưa” TCS đã thổ lộ: “Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. (…). Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu”.
Mấy năm sau khi TCS mất, một lần Bích Diễm về quê, gặp mặt một số thân hữu của TCS, nhiều tờ báo săn đón đưa tin, người đọc biết nhiều hơn về nhân vật trong “Diễm xưa”, nhưng người trong cuộc không tiết lộ thêm điều gì mới ngoài những điều dư luận đã biết.
Từ những mách bảo trên, ý kiến cho “Đường Phượng Bay” là đoạn đường Phan Chu Trinh ( hoặc Phan Đình Phùng) gần cầu Phủ Cam là có cơ sở. “Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào” rất hợp tâm trạng người đang yêu nhìn người yêu tung tăng qua cầu dưới cơn mưa rào đầu mùa, loáng thoáng cánh phượngrơi. Cũng có thể TCS đã gọi đoạn đường này là đường Phượng Bay trong mối tình anh dành cho người con gái qua lại con đường ấy, như lời của N.V.D.A. Tuy nhiên nếu nhìn dưới con mắt mỹ cảm, người yêu nhạc Trịnh chưa thật dám tin. Đúng là đoạn đường này có vài cây phượng. Đường nhỏ, sát bờ sông nên phượng tỏa bóng tụm vòm vào nhau. Nhà một bên đường khá nhiều, san sát. Nhìn người yêu đi học về thì được nhưng cùng sánh bước với người yêu thì không ai dám đi vào những con đường chật chội, nhiều người qua lại, nhất là với người con gái Huế.
Gần đây, Kiều Nhi trong Khám phá Huế đã có một ý nhỏ về“Đường phượng bay” “Mưa Hồng có câu: “đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”. Đã có nhiều người yêu Huế thắc mắc “đường phượng bay” là con đường nào của xứ Huế mộng mơ. Đó có phải là đường Lê Lợi, con đường được xem là đẹp nhất ở Huế? Với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, phượng Huế đã tạo nên một sắc màu đặc trưng riêng mà không phải thành phố nào của Việt Nam cũng có được”.
Đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Tràng Tiền lên gần cầu Ga rợp bóng cây xanh, nhiều nhất là phượng và long não. Trên đường này có hai trường nổi tiếng là Quốc Học và Đồng Khánh, một số công sở, bệnh viện, trường học, trường Đại học. Công viên ven sông Hương có bến đò Thừa Phủ phất phơ áo trắng nữ sinh khi tan trường. Đây là con đường của học sinh, sinh viên và những cuộc tình. Thuở ấy chưa có cầu Phú Xuân. Thành phố Huế chỉ có hai trường Quốc Học và Đồng Khánh có các lớp Đệ Nhị cấp công lập (10-11-12). Mỗi sáng học sinh từ Tả ngạn qua cầu Tràng Tiền, xuôi theo đường Lê Lợi đến trườngĐồng Khánh, Quốc Học hay các trường Đại học. Ngoài giờ học sinh đến trường, con đường trở lại vắng vẻ, tình tứ. Trong một số bài viết của TCS và HPNT có nhắc đến những kỷ niệm trên đoạn đường này.
Ý kiến của Kiều Nhi chỉ vẻn vẹn mấy dòng, chưa có nhiều người đề cập đến nhưng ai đã có một thời học sinh, sinh viên qua lại trên con đường này đều có nhiều suy nghĩ và hoài niệm một thời đã lưu lại nhiều kỷ niệm tuổi thanh xuân đầu đời mang hình bóng hàng phượng, long não trên con đường này.
Tôi nghĩ có cần tìm một con đường cụ thể để gọi tên là đường phượng bay không nhỉ? Nghệ thuật là cái thực trong cái không thực và ngược lại. Không riêng một con đường nào là đường phượng bay mà đường nào cũng là “đường phượng bay mờ không lối vào” và “hàng cây lá xanh gần với nhau” trong cảm hứng sáng tác của Trịnh về những con đường mà anh và tình nhân đã đi qua. Trong bài viết “Diễm của những ngày xưa”, TCS đã thổ lộ: “Long não, bàng, phượng đỏ, mù u, muối và một dòng sông Hương chảy qua thành phố đã phủ vào tâm hồn người con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng” (...) “Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực. Nhưng sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của cái kia. Và với những ảo ảnh đó, đã có một thời khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình...”
Thiết nghĩ những tâm tình kia của TCS cho phép tôi khép lại bài viết này. Một vài ký ức vụn vặt, không đầu không cuối, góp thêm với những người yêu Trịnh và thích hát nhạc Trịnh.
* Huế của một thời - Võ Hương An 25/12/2012
|