KyotoDo câu nói "nếu chỉ có thể đi một thành phố ở Nhật thì nên đi Kyoto" nên ngày kế đó là ngày chúng tôi "phải" đi Kyoto. Tất nhiên là đi bằng Shinkansen. Loại tàu cao tốc này có nhiều hãng, người sở hữu loại vé Japan Rail Pass có thể bước lên bất cứ tàu nào trừ hai ba hãng như Nozomi là không được dùng. Hãng Nozomi lại nhiều chuyến hơn, nhanh hơn và ít dừng trạm hơn. Có người chỉ mánh lới dùng ẩu loại này theo kiểu khôn vặt, qua mặt hãng tàu. Chưa kể đám đi sang Nhật làm việc hay du học sinh còn dạy nhau cách "đá" tàu, khỏi trả tiền vé luôn. Rồi thì ăn cắp ở các cửa hàng cũng làm xấu hổ con dân nước Việt. "Đói ăn vụng, túng làm liều", "bần cùng sinh đạo tặc" là các biện minh cho hành động nhục quốc thể này.
Theo góp ý của anh nguyen thì nên giữ chỗ trước cho chắc ăn có chỗ ngồi, nhưng kẹt một điều là không biết mình sẽ đi chuyến mấy giờ. Việc đi lại không thể nào đúng giờ được nên đành chọn giải pháp là cứ đụng chuyến nào đi chuyến nấy, đành đi các toa không giữ chỗ trước.
Đường đi nhìn thấy hai bên nhà cửa đẹp đẽ, sạch sẽ, núi nhiều, mưa nhiều nên phong cảnh tốt tươi. Nhớ lại thì mái ngói của VN ta màu đỏ, mà ngói Nhật hay có màu đen. Vậy là Nhật không có đất đỏ. Thỉnh thoảng thấy những mái ngói có sắc xanh màu ngọc thạch thật mỹ miều, không biết họ pha cái chi vào gạch ngói? Màu sắc nhà cửa đa phần là trắng, lam, nâu. Thấy nhiều ruộng lúa nước hơn là các nông trại. Các luống trồng rau rải rác. Thú vật như trâu bò cừu cũng ít thấy. Tuy cũng là đồng quê nhưng nhìn là biết dân chúng giàu hơn dân ở vùng quê VN, Thái Lan, Miên.
Ga Kyoto khá hiện đại, không cổ kính như tôi tưởng tượng, thành phố cũng thế, nhưng lẫn lộn trong các con đường nhà cửa hiện đại là các đền chùa cổ kính. Cách tổ chức của thành phố dành cho du khách khá chu đáo và tiện lợi. Nhân viên Phòng chỉ dẫn du khách rất tận tâm, nhiệt tình. Tiếng Anh được dùng phổ biến. Lúc đứng đợi xe bus để đi chùa Vàng, có một nhóm tới sau mà chen lên trước đứng thì có một nhân viên xuất hiện, bảo họ phải đứng sau chúng tôi. Nhìn lại thì đám này là du khách Tàu, một kiểu sống quen thuộc của quốc gia đang hãnh diện vì là xưởng thợ vĩ đại của thế giới. Không biết tại vì họ là dân của một nước bị ám ảnh kinh niên vì cái đói mà phải vậy; hay đây là sản phẩm của chế độ cộng sản. Về mặt lý thuyết thì chế độ cộng sản rất hấp dẫn, nhưng rốt cuộc con người dưới chế độ này lại kém cỏi về cung cách đối xử với nhau.
Tôi rất tiếc là đi không được nhiều - tình trạng phải tự đi bằng xe công cộng thì phải thế.
Khi vào xem chùa Vàng thì kỷ niệm một thời tuổi trẻ lại hiện về chớp nhoáng trong tâm trí. Tôi đã mua quyển Kim Các Tự tặng cho một người bạn thân trước khi đọc nó. Hồi xưa ít ai đọc cuốn sách trước khi trao cho bạn mình làm quà tặng, vì có khi sách phải được rọc ra rồi mới đọc được. Bạn tôi nói cuốn sách nặng nề quá. Sau đó tôi đọc thì đồng ý như thế. Chả biết ông nào lại bỏ công đi dịch một cuốn sách nặng nề như thế! Kim các tự khi đó chỉ là một hình ảnh trong mơ, không bao giờ tôi nghĩ có ngày mình được đứng ngó tận mắt ngôi chùa dát vàng này. Nhiều lúc tôi bâng khuâng tự hỏi, tất cả những gì xảy ra trong đời mình đã được đun đẩy bằng thứ lực nào bởi nhiều khi thấy sức mình không sao đẩy mình đi được tới nhiều nơi như đã từng tới, sức đó hẳn phải mạnh như sức của chiếc ...shinkansen mới làm nổi!
Thấy đông người chen nhau chụp hình, vậy mà người ta còn bảo là hiện tại du khách ít đi lắm rồi, nếu tới mùa anh đào hay mùa lá đổi màu thì không có chỗ chen chân. Thật ra thì tôi đã thấy khó chịu vì tình trạng lúc nào cũng có người đứng vào các điểm lý tưởng để bấm máy rồi. Nghĩ tới các mùa đông du khách mà mệt.
Khi nhìn ngôi chùa Nhật tôi bỗng liên tưởng tới Chùa Một Cột của Hà Nội. Làm sao mà không nhận ra ảnh hưởng của các ngôi chùa này với nhau. Phật giáo Đại thừa đi từ Trung quốc lan toả ra các nước chung quanh như Đại Hàn, Nhật, Việt Nam ...Tất nhiên kiến trúc chùa chiền cũng ảnh hưởng từ quốc gia này. Giống nhưng cũng có cái khác. So sánh đê tìm các điểm dị đồng này cũng là một công trình thú vị!
Ban tổ chức không đặt băng ghế cho du khách ngồi ngắm công trình tuyệt tác này. Họ sắp xếp lối đi theo đường một chiều. Thỉnh thoảng trên lối có vài điểm có tượng với cái hũ bên cạnh để thiên hạ thảy tiền coi có trúng vô hũ không. Mọi người cứ đi theo lối đi cho tới lúc ra tới nơi có các cửa hàng, một đền thờ Thần đạo nho nhỏ.

Kim các tự