Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

4 Pages«<234
Võ Thị Điềm Đạm
PC
#61 Posted : Wednesday, August 27, 2008 10:11:12 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Đã cập nhật phần tiểu sử ở post đầu tiên.

PC
#62 Posted : Wednesday, August 27, 2008 10:12:34 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
linhvang
#63 Posted : Saturday, October 11, 2008 11:52:06 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi oc huong

http://i271.photobucket....ONG-CHANH-bia-truoc2.gif[/img]
[img]http://i271.photobucket.com/albums/jj126/diemvo/HC-bia-sau.gif" alt=""/>
Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc với tác giả: diemvost@yahoo.no



Hương Chanh, tác giả Võ Thị Điềm Đạm (Na Uy), trúng Giải Văn Học kỳ III năm 2008 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do, bộ môn Sáng Tác, đồng hạng với tác phẩm Nhất Linh cha tôi, tác giả Nguyễn Tường Thiết (Hoa Kỳ).
Lời bình của Ban Giám Khảo/ Ban Tổ Chức về tác phẩm Hương Chanh:
Đề tài 30 tháng tư, di tản, tỵ nạn...là đề tài đã được nhiều nhà văn hải ngoại triệt để khai thác suốt từ sau 1975 đến bây giờ. Thế nhưng với nghệ thuật cấu trúc chặt chẽ và bút pháp sáng sủa với nhiều chỗ dí dỏm khiến cho tác phấm Hương Chanh vẫn lôi cuốn người đọc đến chữ cuối cùng.
Một câu chuyện tình lồng trong hoàn cảnh tang thương của đất nước sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, tác giả đã khéo lột tả một cách linh động được cái không khí ngột ngạt bất ổn của miền Nam trong thời kỳ này.
Hư cấu và thực tế đan vào nhau khéo léo...đã đưa cuốn tiểu thuyết Hương Chanh lên một địa vị đáng kể.


Chúc mừng nhà văn Võ Thị Điềm Đạm, một thành viên của Phụ Nữ Việt. Cooling beerchugRose
oc huong
#64 Posted : Saturday, October 11, 2008 7:59:00 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Cám ơn Linh Vang nha. OH khoe nữa nèTongue

Trích trong bài viết Tác Phẩm và Tác Giả của Chu Vương Miện
Hương Chanh, tác phẩm truyện dài của nữ sĩ Võ Thị Điềm Đạm, xuất bản đầu năm 2008, sách dầy 308 trang. Đây là cách viết của một nhà văn nữ có trình độ nhận thức, và viết về một cuộc tình bình thường. Những nhận vật trong tác phẩm Hương Chanh cũng có những suy nghĩ và cũng có cuộc sống bình thương, đọc rất dễ hiểu và rất dễ cảm thông, không có mầu mè làm dáng triết lý lẩm cà lẩm cẩm rẻ tiền bệnh hoạn. Những nhân vật rất khỏe mạnh, rất hiện đại, rất gần gũi với chúng ta, có chung một niềm suy nghĩ về cùng một hoàn cảnh lịch sử, một hoàn cảnh biến đổi, cảnh đời dâu biển


PC
#65 Posted : Sunday, October 12, 2008 6:32:16 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi oc huong


mầu mè làm dáng triết lý lẩm cà lẩm cẩm rẻ tiền bệnh hoạn.





Có chị nào trong đây bị dính "chấu" vụ này không ta? Big Smile

oc huong
#66 Posted : Friday, March 6, 2009 7:15:09 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0



HỒ TRƯỜNG AN
Vào vườn văn chương của Võ Thị Điềm Đạm
qua tuyển tập THIÊN THANH













Tôi được biết nhà văn nữ Võ Thị Điềm Đạm chừng hai năm qua một vài truyện ngắn đã đăng đâu đó. Bởi tôi đọc gấp rút và lơ đễnh nên không nắm ý tình của văn chương chị bao nhiêu. Nhưng được tin chị chiếm giải văn chương do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do năm 2008 và tình cờ đọc một bài phỏng vấn chị do nhà báo Tô Vũ thực hiện, bài này đã đăng trên website Nam Kỳ Lục Tỉnh (www.namkyluctinh.org), tôi nghĩ rằng đây là nhà văn gốc Nam Kỳ nên tôi gởi vi thư chúc mừng chị.
Mối giao tình do văn chương kết hợp khởi đầu từ đó. Cho tới tiết sơ thu trên đất Pháp thì nó đã ngót nghét vài tháng rồi. Và chị ngỏ ý nhờ tôi viết BẠT cho tập truyện ”Thiên Thanh” của chị. Vậy là tôi có dịp đi vào khu vườn văn chương của một nhà văn nữ gốc Phan Thiết đã từng sống ở Sài Gòn từ năm mười sáu tuổi.

Các bạn độc giả có thể lầm tưởng rằng Võ Thị Điềm Đạm là cây bút Nam Kỳ vì giọng văn của chị rất là Nam Kỳ còn hơn là giọng văn của các nhà văn gốc Nam Kỳ chính cống như Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Thị Kim Lan ở hải ngoại và xa hơn như Nguyễn thị Thụy Vũ vào thời chiến tranh Quốc Cộng, trước năm 1975. Điều ấy có gì lạ đâu. Tỉnh Phan Thiết ở vào vị thế cánh cổng đi vào cuộc đất Nam Kỳ Lục Tỉnh cho nên ngôn ngữ và cách phát âm dân Phan Thiết giống ngôn ngữ và cách phát âm dân Nam Kỳ 100%. Bởi thế cho nên vào thập niên ba mươi, nữ nghệ sĩ nền ca kịch cải lương là cô Sáu Ngọc Sương ca cổ nhạc Nam Kỳ rất rựa ràng, diễn những vai lẳng hay vai thương cảm có kém gì hai nữ nghệ sĩ Ngọc Hải hay Kim Cúc trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu và có thể chen lấn vào hàng ngũ Năm Phi, Phùng Há, Bảy Nam, Thanh Tùng, Kim Toa, Thanh Loan, Sáu Nết, Kim Cúc, Kim Lan, Ngọc Hải...

Văn phong của Võ Thị Điềm Đạm chẳng những giống y chang người Nam Kỳ mà cái phong thái trong văn lại hiện lồ lộ trạng thái tinh thần (la mentalité) người Nam Kỳ một cách đậm đà duyên dáng. Có thể ở ngoài đời chị là một nhân vật điềm đạm, ôn nhu. Nhưng trong văn chương, dù không suồng sã, lả lơi, bộc tệch, nhưng bút pháp chị biểu hiệu một giọng điệu nghịch ngợm, dí dỏm, rạng ngời một tâm hồn lạc quan trong đa số truyện ngắn. Văn phong của Võ Thị Điềm Đạm không thể tượng trưng cho nét thêu tỉ mỉ trên lụa, trên nhung, cũng không gợi nên nét bút khải thư (chân phương) ở vẻ chăm chút và xương kính. Nó cũng không gợi nét phóng bút hoành tráng trên bức đại tự. Đây là biểu tượng nét chử thảo cực kỳ uyển nhuyển, bay bướm và lả lướt mà không mạnh bạo đến độ phóng cuồng, ngạo mạn.

Tập truyện ”Thiên Thanh” gồm có mười lăm truyện ngắn :
Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau
Lãng Đãng Thức Mây
Mùa Russ
Hai Người mẹ Nhỏ
Đời Tôi Là Thế Đó!
Cà Ty Tự Khúc
Mãi Mãi...
Nỗi Đau Này Biết Nói Đến Bao Giờ?
Thiên Thanh
Tết Phan Thiết
Em
Hồi Đó...
Căn Bệnh Hiểm Nghèo
Trong Con Hẻm Cụt
Tình Xuân Cuối Đời


”Thiên Thanh” không quy tụ những truyện ngắn chung một đề tài thuần nhất. Rất nhiều đề tài được tác giả khai thác một cách chi ly tỉ mẫn nhưng vô cùng hào hứng. Chị có kinh nghiệm sống phong phú, có sự quan sát tinh nhuệ, có tư duy sâu sắc và có sự cảm ứng bén nhạy. Thế giới văn chương của chị nhờ vậy mà đa dạng đa sắc, tình người của chị thêm bát ngát mênh mông và ăm ắp niềm thông cảm.

Trong tập truyện ”Thiên Thanh” có truyện mô tả nghịch cảnh với các nhân vật sống trong góc kẹt tối tăm dẫy đầy ngang trái đau lòng, giữa lòng xã hội phức tạp. Xin hãy xem hoàn cảnh thằng bé mồ côi Rune trong truyện ngắn Đời Tôi Là Thế Đó! ”. Ở đây, thân phận trẻ em mồ côi được các cơ quan từ thiện do đạo Gia-Tô sáng lập mà kẻ thừa sai lãnh phần chăm sóc những trẻ bất hạnh không do lòng bác ái do Chúa Ki-Tô xiển dương mà do sự trói buột lỏng lẻo của bổn phận đúng hơn. Chúng ta còn chứng kiến qua ngòi bút phanh phui sắc bén của nhà văn họ Võ cảnh hai cô bé nghèo nàn săc sóc đứa em trai, một trong gia đình li dị bên Na Uy, một trong gia đình mẹ chết sớm chỉ còn cha và bà ngoại già yếu trên đất nước Việt Nam qua truyện ngắn ”Hai Người mẹ Nhỏ”. Chúng ta còn được tác giả mời dự khán hoàn cảnh những nàng chinh phụ trong cuộc chiến Đông Dương giữa Pháp và Việt Pháp và trong cuộc nội chiến Quốc Cộng qua truyện ngắn đậm đà sắc thái tùy bút ”Nỗi Đau Này Biết Nói Đến Bao Giờ ?” Những đề tài này không phải chẳng có ai khai thác; nhưng những chi tiết đặc thù và cực kỳ sống động làm cho chúng trội hẳn những cây bút tả chân hiện thực vốn chỉ là chân tháp ngà hóng chuyện hoặc đọc báo rồi tưởng tượng vẽ vời thành một câu chuyện hẳn hoi.

Chi tiết trong các tác phẩm càng nhiều bao nhiêu càng nâng giá trị của tác phẩm, càng nhen nhúm thêm sự sống động lẫn sống thực cho tác phẩm, càng tô thêm cái đẹp của bút trình tác giả bấy nhiêu. Những truyện vừa kể trên đượm đà tính chất tả chân hiện thực, luôn cà truyện ngắn ”Cà Ty Tự Khúc”. Truyện này dù tác giả nhân cách hóa con sông thành một nhân chứng lịch sử, đã từng chứng kiến hoàn cảnh và tâm tình một gia đình trong cuộc chiến chống Pháp. Tới ngày tàn cuộc chiến, sau hiệp định Geneva, người chồng theo cánh Việt Minh Cộng Sản tập kết ra Bắc, rồi kẹt luôn ngoài ấy suốt hai mươi năm sau. Người vợ ở miền Nam thủ tiết nuôi đứa con gái cho tới khi nó trở thành thiếu nữ lấy chồng là một sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi người chồng tập kết trở về thì người vợ đã quá tuổi thanh xuân, còn ông thì đã có vợ khác. Muốn chuộc lỗi lầm của mình, ông giúp vợ con mình vượt biên. Dòng sông Cà Ty đưa hai mẹ con ra biển, thầm chúc cho cả hai được đến bến bờ tự do. Câu chuyện dù có khoác nếp áo hòa hoa thơ mộng nhưng nội dung và tình tiết câu chuyện vẫn là chuyện hiện thực.

Còn truyện ”Căn Bệnh Hiểm Nghèo” Nói tới xã hội đỏ đen lậu của người Hoa Kiều trên nước Na Uy. Người con trai thua bạc liên miên, nợ nần chồng chất. Bà mẹ vì thương con, muốn giúp đỡ con, nhưng e ngại bố dượng của đương sự eo sèo nên toan li dị người chồng chắp nối của mình để giúp tiền bạc cho con mà không bị chồng trách móc. Sự hy sinh cua mẹ làm người con trai hồi tâm, quyết định bỏ thói ham mê cờ bạc để làm lại cuộc đời. Ở đây, sự hy sinh vô điều kiện của bà mẹ làm loãng nhạt tính chất hiện thực ít nhiều, nhưng nó hiển lộ lòng mẹ sáng lộng lẫy như bóng trăng rằm .


Như tôi đã nói, tập truyện ”Thiên Thanh” có nhiều đề tài đa dạng. Nó lại còn có nhiều chất liệu phong phú, có nhiều khía cạnh xã hội phồn tạp. Điều ấy chứng tỏ tác giả đã đi và sống nhiều nơi, thu thập nhiều kinh nghiệm sống quý báu rất cần thiết cho một cây bút tả chân hiện thực.

Trong tập truyện có vài hình bóng của người đàn bà tị nạn Việt Nam sống êm đềm hạnh phúc bên người chồng bản xứ và những đứa con mà nhận thức về quê ngoại còn mơ hồ. Nhưng người đàn bà lấy chồng dị chủng lại không quên cái truyền thống dân tộc mình. Đó là bà Minh, vợ ông Lars-Erik, mẹ cô nữ sinh Stella trong truyện « Mùa Russ ». Bà thấy bọn học sinh chơi giỡn quá luông tuồng nên sợ con gái mình lơ là chuyện đèn sách nên muốn cho con giữ sự quân bình giữa hai vấn đề ăn chơi và học hành. Bà thường khuyên răn con gái bằng câu: « Học mà không chơi uổng đời tuổi trẻ. Chơi mà không học bàn rẻ tương lai. »

Trong truyện ”Mãi Mãi” cô bé nữ sinh cũng có bà mẹ Việt Nam. Bà ta dù đã an cư lạc nghiệp bên người chồng Na Uy và có đứa con gái ngoan chăm chỉ học hành, nhưng bà làm sao quên được cơn ác mộng trải dài suốt một chặng đường lịch sử trên đất nước quê hương của mình. Bà cũng không thể quên nỗi khó khăn trong việc hội nhập vào nước Na Uy để đất nước ấy trở thành quê hương thứ hai của bà sau này. Cho nên bà giúp con gái mình làm một bài luận văn trải rộng tâm tình cùng hoàn cảnh của mình. Có vậy Stella mới phóng bút làm một bài luận xuất sắc nhất trong lớp.

Trừ truyện thứ nhất trong tập truyện với cái tựa: ”Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau”, hình ảnh quê hương Phan Thiết nếu không xen kẻ hoặc rỉ rả len lỏi vào cuộc sinh hoạt cùa kiều bào trên đất Na Uy. Tuy nhiên cùng với ba truyện ngắn: ”Cà Ty Ca Khúc”, ”Tết Phan Thiết”, ”Hồi Đó” được tác giả vạch lên những nét tạo hình rất thân thương. Đây là cái Tết ở làng Đại Nẫm quê nội lẫn quê ngoại của tác giả, một làng trù phú ở vùng phụ cận thành phố Phan Thiết. Những nét cổ truyền, một vài phong vị trong những ngày đón xuân ở Phan Thiết phản ảnh 95% được hình bóng cái Tết ở đất nước Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhưng có khác chăng là nhờ vào đất đai trù phú, nên dân Nam Kỳ Lục Tỉnh từ bậc trung lưu trở lên sắm sửa nhiều món ăn ngon hơn như canh hầm, bì gói, nem chua, dưa hấu...? Dân Phan Thiết đa số dư ăn dư để cũng có thể hiện được những món trân cam giai nhục như thế, nhưng có phải chăng tác giả kể qua loa vài món tiêu biểu nên bò sót vài món cổ truyền đi? Hoặc là có phải thuở chị còn ăn Tết ở tại quê nhà, óc quan sát của chị vì bị ám ảnh bởi chiến tranh nên không được tinh nhuệ nên chị quên đi vài món ăn hâm đi hâm lại nhiều ngày để ăn tới hôm cúng tất (người Bắc gọi là cúng hóa vàng)? Không đâu. Tết Phan Thiết có những món ngon vật lạ khác mà Tết Nam Kỳ không có như rượu nếp than, cơm rượu, cốm, thịt bò ướp sả ớt cuốn từng lọn, măng kho... Cái Tết Phan Thiết trong văn chương Võ Thị Điềm Đạm chúng ta không biết có phải vào thuở thanh bình hay vào thời chiến tranh, nên độc giả không nghe được một tiếng pháo nào hoặc tiếng súng nào.

Còn truyện ngắn ”Hồi Đó...” tuy tác giả nhắc lại chuyện ăn trầu xỉa thuốc của bà nội và của mẹ mình cùng chuyện đi xem hát bội thuở ấu thơ của mình, nhưng đây không phải là truyện phong tục đơn giản mà nó trói buộc vào thời khói lửa giữa hai phe Quốc Cộng tương tranh. Chuyện trầu cau vôi thuốc, chuyện hát bội theo dòng biến chuyển sinh diệt dần dần rút lui ra khỏi đất nước chúng ta khi thế hệ dân chúng sinh trưởng vào đầu thập niên bốn mươi lần lượt trưởng thành. Tới thập niên bảy mươi, chúng còn tồn tại chăng thì cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ hoặc sinh hoạt yếu ớt. Đọc ”Hồi Đó... ”, chúng ta mới thấm thía hai mặt trái và thật của nghệ sĩ sân khấu. Các diễn viên vốn là những kẻ tầm thường về sắc vóc, thân thế, cách sinh hoạt ở ngoài đời. Nhưng khi họ xuất hiện trên sân khấu, nhờ ánh đèn rọi, phấn son, y trang, hia mảo, nghệ thuật ca diễn biến đổi họ thành những nhân vật xuất chúng làm người xem ngưỡng mộ say mê. Đó là hai bản mặt của một đồng tiền, hai nhân vật của một con người. Hoặc nói theo kinh Phật, đó là hai Tướng (hiện tượng) cùng một Tánh (bản thể).

Truyện ngắn ”Trong Con Hẻm Cụt” không phải chỉ là truyện hiện thực suông trơn đâu, mà là bức tranh buồn thảm về cuộc đời một thiếu nữ bị người đời bỏ quên thuở cô ta còn là nữ sinh, sống nghèo nàn trong hẻm cụt. Cô cố gắng ăn học để khi ra đời có công ăn việc làm đỡ cực nhọc khác hơn mẹ và chị của mình. Trong lớp cô không tham gia vào sinh hoạt của bạn bè nên thét rồi chẳng ai thèm chú ý đến cô. Khi ra trường, cô dạy học ở một tỉnh lỵ khuất lánh. Sau khi đất nước bị Cộng quân cưỡng chiếm, cô vẫn sống thui thủi. Nhưng sau khi cha mẹ chết, cô về căn nhà cũ mở lớp dạy học, tìm lại được ánh mắt và nụ cười thân thương của học trò .


Võ Thị Điềm Đạm đâu có quên độc giả thích ngược dòng dĩ vãng để trở về tuổi trẻ. Có nghĩa là chị vẫn cống hiến cho họ nhiều chuyện tình. Không phải chỉ toàn là những chuyện tình suông trơn mà đa số là chuyện tình có gắn bó vào mệnh nước nổi trôi và vào những sóng lớp phế hưng của lịch sử.

Qua truyện ngắn ”Em”, chúng ta gặp gỡ bà Thư cựu nữ sinh Sài Gòn đã từng yêu Hải, được hãnh diện và hạnh phúc khi được xưng em với chàng. Khi đất nước đổi cờ, cả hai vĩnh viễn xa nhau. Thư vượt biên và định cư bên Na Uy, lấy chồng bản xứ. Trong cơn ân ái mặn nồng Harald, chồng Thư mong Thư nói những câu âu yếm yêu đương bằng tiếng Việt cho chàng nghe, nhưng Thư chỉ siết chặt chồng, hôn chồng thắm thiết hơn. Nàng không muốn xưng ”em” với chồng và nói những câu âu yếm bằng tiếng Việt. Sau ba mươi năm xa Hải, sau hai mươi năm làm vợ Harald, nàng chỉ muốn dành những câu ân tình xa xưa mãi mãi cho Hải.

Truyện ngắn ”Thiên Thanh” là một câu chuyện tình giữa anh tiền tuyến và em hậu phương. Sau khi miền Nam Việt Nam bị thất thủ, tác giả buông lửng ở đây, không cho chàng ngã gục trong cuộc đụng độ cuối cùng. Chị cũng không tiếp tay Việt Cộng thảy chàng vào trại tù cải tạo. Tuy nhiên, Sương, cô em nữ sinh viên vẫn triền miên phân vân lo lắng số phận người bại binh sẽ ra sao.

Đây là hai đề tài hấp dẫn cho đa số nhà văn nữ lẫn nữ độc giả. Đề tài nàng cô phụ khi kết hôn vẫn còn mang theo hình bóng cố nhân. Thảo nào mà quyển ”Dứt Tình” của Vũ Trọng Phụng hồi tiền chiến bán chạy như tôm! Thảo nào mà quyển ”Sống Chỉ Một Lần” của Mai Thảo hồi còn trong nước tái bản sáu lần, mỗi lần năm nghìn ấn bản! Thảo nào mà hai bài thơ ”Hai Sắc Hoa Ty-gôn” và ”Bài Thơ Đan Áo” của T.T.Kh được hàng triệu độc giả yên thơ ngưỡng mộ! Dân tộc nào mà chẳng có đa số độc giả hâm mộ văn chương suy tôn tình yêu? Nhà văn Đức với E. M. Remarque trong truyện dài ”Le Temps D’Aimer et le Temps de Mourir” đã gặt hái cả sông cả biển nước mắt khán giả trên toàn cầu; đến khi điện ảnh gia Douglas Sirk chuyển thể tác phẩm thành phim đã nâng cao tên tuổi đôi tài tử John Gavin và Lisolette Pulver trong bóng tối lờ mờ nhảy ra thành minh tinh. Nữ sĩ Hàn Tố Anh (Han Suyin) vốn cha Tàu mẹ Bỉ viết mấy cuốn sách đầu bằng chữ Anh không mấy ăn khách. Nhưng đến khi bà tung ra quyển tiểu thuyết tự truyện ”A Many Splendored Thing” thì hàng triệu con tim các độc giả trên thế giới phải rung động bàng hoàng. Điện ảnh gia Henry King chuyển thể nó thành cuốc phim ”Love is a Many Splendored Thing” (”Tình Yêu Lộng Lẫy”) làm cho đôi minh tinh William Hodden và Jennifer Jones leo lên tuyệt đỉnh danh vọng. Đã vậy tiếng hát truyền cảm của Andy Williams qua ca khúc cùng tựa với quyển tiểu thuyết và cuốn phim nhờ thế mà đi sâu vào vào cõi thưởng ngoạn của thính giả sành điệu quốc tế từ thập niên năm mươi đến giờ.

Truyện ngắn ”Lãng Đãng Thức Mây” nói lên tình yêu của một cặp vợ chồng tuổi bước vào mùa thu cuộc đời. Minh, người chồng thường chat qua internet với cô tình nhân Tím Tím. Thu, người vợ không biết xài internet, nhưng nghi ngờ chồng mình thường trò chuyện bằng chat với người đàn bà khác nên nàng âm thầm khổ sở vì ghen tuông. Tuy nhiên Minh còn yêu vợ nhà. Màn chat chót, chàng chuyện trò mùi mẫn, âu yếu du dương với Tim Tím, nhưng chàng thổ lộ với cô ta rằng chàng vẫn yêu Thu trước sau như vậy. Cử chỉ hồi ”chánh” là rủ vợ đi du lịch bên Luân Đôn và xem ca kịch. Chắc có lẽ Minh muốn tái diễn tuần trăng mật để chuộc tội với người vợ tào khang của mình chăng? Tuy nhiên, dù cuộc du lịch kia có tái, có nạm, có gầu chăng nữa thì tô phở ”Lãng Đãng Thức Mây” vẫn là một đề tài phổ thông. Tuy nhiên, nhờ văn phong nồng mặn thơm tho những gia vị mà nước lèo của tô phở vẫn hợp khẩu vị với mọi tầng lớp độc giả, vẫn quyết rũ đượm đà khó tả.

Đã viết về tình yêu, Võ Thị Điềm Đạm không nỡ bỏ rơi mấy ông già có cái trái tim mảnh mai nên dễ mẫn cảm trước cái vỗ nhẹ của những đợt sóng tình. Truyện ngắn ”Tình Xuân Cuối Đời” được diễn tả bằng những lời đối thoại thuần túy; tác giả thuật không cần thuật chuyện hay miêu tả. Đây là những lời đối thoại rặc ròng giọng điệu Nam Kỳ, tía lia một cách mặn nồng, véo von một cách duyên dáng. Nam nhân vật chỉ xuất hiện trong cuộc đàm đạo giữa bà vợ và cô cháu gái của ông ta; giữa cô cháu gái và người cô phụ tên Xuân Thảo mà ông chỉ gặp một lần nhưng ông đã yêu nàng bằng mối tình đơn phương. Đó là một ông già bảy mươi tuổi mắc bịnh ung thư, người nhà đoán chừng trong vòng hai năm là ông sẽ nhắm mắt buông xuôi. Nhưng mà không! Sau hai năm, ông lại có vẻ khỏe mạnh hơn, ăn mặc chải chuốc hơn, lại làm thơ và cho xuất bản hai tập thơ, lấy bút hiệu là Vĩnh Thường. Riêng thi tập có cái tựa ”Tình Xuân Cuối Đời” ông ta có đề giòng trang tặng: ”Trao về em thương yêu cuối đời” Qua cái tựa của thi tập, bà vợ và cô cháu tưởng là ông tặng thơ cho vợ vì bà tên Ngọc Xuân. Nhưng khi cô cháu viếng thăm cô bạn tên Xuân Thảo thì cô bạn cho biết rằng nhà thơ Vĩnh Thường thích điện đàm với cô và chỉ xin cô chấp nhận tình yêu đơn phương của ông ta. Những cuộc điện đạm ấy mới có thể tiếp sức sống cho ông ta. Bởi đó mà thi tập mới có cái tựa ”Tình Xuân Cuối Đời”. Và độc giả chúng ta chắc cũng thừa biết lời trang tặng ở trang đầu tập thơ dành cho Xuân Thảo chớ không phải cho bà vợ luống tuổi Ngọc Xuân.



Truyện ngắn ” Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau” không hẳn thuần túy là chuyện tình yêu của chàng nhạc sĩ Johann Strauss, người đã khai sinh ra thể loại vals (luân vũ) nhịp ba, mà là mối giao cảm giữa thơ, nhạc, hội họa và vũ điệu. Hai nhạc phẩm bất hủ của Johann Strauss được phổ thông trong trường nhạc giới Việt Nam là ”Le Beau Danube Bleu” (Phạm Duy phổ lời Việt với cái tựa ”Dòng Sông Xanh”) và ”One day, When You Were Young”. Sự sáng chế điệu vũ vals thật giản dị: Johann Strauss dạo dọc theo sông Danube (Người Đan Mạch thì gọi Danau) gặp những cô thiếu nữ giặt áo bên bờ sông. Các cô ấy lấy chiếc chày đập trên chiếc áo đã nhúng ướt nước, cứ hai cái đập nhẹ thì xen vào một cái đập mạnh. Điệu luân vũ thế là được chào đời qua bài ”Le Beau Danube Bleu”. Nhưng âm hưởng tuyệt phẩm âm nhạc ấy một khi chui vào cõi rung cảm và cõi thưởng ngoạn của Võ Thị Điềm Đạm rồi thì nó trở thành một câu chuyện truyền kỳ cực kỳ diễm lệ. Chị cho Johann Strauss sáng tác bài ”Le Beau Danube Bleu” có cái gì không ổn cho nên trong đêm mười bốn âm lịch chàng mơ thấy thần nữ Giáng Tiên trong giấc chiêm bao cho biết rằng xưa kia Johann Strauss là vua Lê Thánh Tôn, nguyên soái của tao đàn Nhị Thập Bát Tú đã từng gặp nàng tại chùa Ngọc Liên. Vua mời nàng về cung cấm, nàng nhận lời bước lên kiệu, buông rèm theo đoàn hành hương trở về Đế Đô. Nhưng khi tới nơi thì nàng biến mất. Huyền thoại đẹp ấy đã được đấng quân vương lỗi lạc về thi ca kia sáng tác bài thơ có hai câu: ”Gió thông đưa kệ tan niềm tục - Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời. Giáng Tiên còn cho nhạc sĩ biết: ”Thiếp muốn lấy khúc luân vũ gợi lên hồn nhạc trong hồn tiên đế.” Và nàng múa một điệu nhịp nhàng, xiêm y tha thướt bay tung theo từng bước nhảy. Hôm sau, vào đêm rằm thì có một mỹ nhân khác hiện đến trong giấc mơ của nhạc sĩ cho chàng biết tiền thân của chàng là họa sĩ Tú Uyên cư ngụ tại phường Bích Câu, còn nàng là tiên nữa Giáng Kiều đã được chàng thể dung nhan tuyệt trần của nàng trong bức tranh bất hủ của chàng. Nàng bảo Johann Strauss: ”Cung nhạc đêm qua chưa trọn, phiến nhạc đêm qua còn nhiều vấn vương. Nét nhạc đêm qua còn nhiều trống không. Điệu vũ đêm nay còn chờ bước chân thiếp...” Và Giáng Kiều nhảy theo điệu luân vũ, rót thêm nguồn cảm hứng vào hồn nhạc của Johann Strauss. Đêm mười sáu âm lịch, tiên nga Giáng Ngân lại hiện đến, bảo: ”Vâng, thiếp là nối tiếp của vầng trăng mười bốn ngập ngừng. Thiếp là nối tiếp của vầng trăng mười lăm hân hoan. Giáng Ngân là kết tinh của vòm trời xanh ngát với dòng Danau ngời xanh biếc trong giây phút đất trời giao hoan.” Nàng lại... múa để cho dòng nhạc trong cảm hứng chàng nghệ sĩ dập dìu nhún nhẩy thành điệu luân vũ bất hủ, để rồi bản ”Le Beau Danube Bleu” chào đời. Võ Thị Điềm Đạm đã nhờ ba nàng tiên nữ giúp Johann Strauss khai sinh một điệu nhạc phổ thông hơn loại nhạc cổ điển hay bán cổ điển Tây phương, cho chào đời một ca khúc theo thể điệu luân vũ mà ngày nay chúng ta có thể thưởng thức trong thính phòng hay vũ trường. Tác giả nhận chìm các cô thợ giặt xinh như mộng. Và các cô cũng không biết tiếng chày đập áo giặt của mình đã lóe trong óc sáng kiến của chàng Strauss một tia sáng kỳ diệu để sáng tạo điệu luân vũ như bài hoan ca hạnh phúc vĩnh cửu”Le Beau Danube Bleu”. Có vậy độc giả kiều bào chúng ta mới đọc được một truyện thần thoại diễm lệ dưới ngòi bút lưu loát của Võ Thị Điềm Đạm. Nhưng riêng với nhạc sĩ Phạm Duy, trong điệp khúc bài ”Dòng Sông Xanh”, anh vẫn có hai câu: ”Những cô em tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui - Thả ý thắm mơ hồ chờ gió về xuôi” để hoài niệm các cô thợ giặt đã gợi hứng cho chàng nghệ sĩ hào hoa thành Vienne thuở trước. Và cũng để hoài niệm chàng nên vào năm 1938, điện ảnh gia Julien Duvivier thực hiện cuốn phim ”Toute la Ville Danse” (Tất Cả Thành Phố Khiêu Vũ) với đôi danh tài Fernand Gravey và Luise Rainier.
Truyện ” Điệu Luân Vũ Bên Bờ Donau” trình bày cho độc giả chúng ta cái óc tưởng tượng phì nhiêu và nguồn rung cảm phong phú bao la của tác giả.



Phan Thiết là một thị trấn khó quên đối với người bình dân miền Nam qua thứ nước mắm ngon nhất toàn cõi Việt Nam, món mắm cá thu độc đáo không thua các món mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm thái đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đối với kẻ yêu nghệ thuật thì địa danh Lầu Ông Hoàng trở nên bất tử khi đi vào ca khúc”Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh nhằm vinh danh cuộc kỳ ngộ trong đêm trăng thanh giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và người đẹp Mộng Cầm. Lại còn tiếng hát của Nhật Trường, Thanh Thúy, Anh Khoa và Trang Mỹ Dung há không làm ngây ngất bàng hoàng thính giả trên miền Nam Việt Nam, suốt một giai đoạn lịch sử nước nhà, suốt một thế hệ trưởng thành vào hai thập niên sáu mươi, bảy mươi hay sao? Lại còn nữ nghệ sĩ Sáu Ngọc Sương trên các sân khấu đại ban như Phụng Hảo, Việt Kịch Năm Châu, Nam Lân, thường thủ vai đào nhì; nhan sắc nồng mặn, nét lẳng lơ tuyệt xảo, tài diễn xuất trào lộng đã làm cô nổi bật không kém các nữ nghệ sĩ thủ vai chính. Và tôi không quên Phan Thiết còn có các nhà thơ Phan Bá Thụy Dương, Lê Khắc Anh Hào gắn bó tha thiết với thi ca. Tôi càng không quên nhà báo quân đội Anh Thuần (Phan Bá Thuần Hậu, bạn tôi) với tấm lòng bền sắc tươi son trong lập trường chống Cộng, trong niềm yêu tha thiết nghề phóng viên; anh đã từng thức những đêm dài tâm sự với tôi cùng các phóng viên quân đội tại căn cứ Lai Khê vào Mùa Hè Đỏ Lửa (1971-1972).

Giờ đây, nơi chốn cùng thôn tuyệt tái ở vùng Champagne trên đất Pháp, tôi lại được đọc văn chương của Võ Thị Điềm Đạm, một cây bút phụ nữ gốc người Phan Thiết. Tôi tưởng chừng đây là một dân Nam kỳ chính cống với một bút pháp liếng thoắng, xôn xao, phóng túng. Tập truyện ”Thiên Thanh” là một hợp tác các bức tranh xã hội, những khía cạnh tâm tình. Nhưng bất cứ mọi bức tranh nào, mọi khía cạnh nào cũng được tác giả thu hình một cách chăm chút kỹ lưỡng: chọn một góc cạnh nổi bật, rọi ánh sáng sao cho những điều muốn diễn tả nổi bật lên như các chuyên viên thu hình thạo nghề trong bộ môn điện ảnh
.
viethoaiphuong
#67 Posted : Sunday, May 13, 2012 11:05:14 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

CON GÁI THÀY GIÁO LÀNG ĐẠI NẪM

Võ Thị Điềm Đạm

Mến tặng chị em nhân ngày Mẹ

Lời người chị kể sau chuyến về thăm Việt Nam: "Má yếu lắm rồi nhưng đầu óc má vẫn còn nhanh nhẹn như xưa." Chị dùng chữ "nhanh nhẹn" làm tôi vừa buồn cười vừa thấm thía cách dùng chữ của bà chị một thời nổi tiếng nàng thơ ở trường Sư Phạm Sài Gòn. Không ai dùng chữ "nhanh nhẹn" để diễn tả khả năng làm việc của bộ óc con người. Bà chị này đã từng nổi tiếng (chỉ trong gia đình thôi!) về tài dùng chữ vừa mỉa mai vừa thật lòng, vừa bóng vừa thực, vừa diễu vừa nghiêm... Mà ngay chính chị cũng không có dụng ý, đến chừng thấy chị em cười nghiêng ngữa, chị mới vỡ lẽ... chị này hơi chậm tiêu!




Chữ "nhanh nhẹn" trong trường hợp này rất thích hợp. Má chúng tôi. Chúng tôi đã từng đi từ ngạc nhiên đến giật mình vì cách suy diễn nhanh chóng, cách làm bài toán cộng trừ nhân chia trong đầu thật nhanh và chính xác của một người đàn bà chỉ học hết bằng sơ lược tại gia. Bà Tư Bê, vợ ông chồng thông thái, má của lũ con bảy đứa, lũ con thường tự hào mình là cây toán trong lớp dù trai hay gái, đã từng cho chúng tôi đo ván về tài tính nhẩm.

Là con gái lớn của một thày giáo làng Đại Nẫm, Phan Thiết, người thày dạy chữ quốc ngữ đầu tiên của làng. Sau cậu Ba là má tôi, thứ Tư, tên Bê, dì Năm tên Xê và tiếp theo đó... hai dì út lại có tên thật mỹ miều so với những người nhà quê thời đó: Xuân Lan và Thu Cúc (Làn thu thủy, nét thanh sơn, Xuân Lan Thu Cúc mặn mà cả hai). Người con cả của ông bà ngoại đã mất từ nhỏ, không thờ cúng gì cả và cũng là đề tài cho chúng tôi tò mò bàn cãi:
- Không biết mình có cậu Hai hay dì Hai ha.

- Chị không logic chút nào hết.

- Hả?

- Tui chắc chắn là dì Hai.

- Ngon há, mi hỏi bà ngoại hả?

- Cần gì hỏi. Ông ngoại là thày giáo dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở làng. Để làm gương, ông ngoại đặt tên cho ba người con gái đầu lòng là A, Bê. Xê. Suy diễn ngắn đường cũng hiểu là mình có dì Hai và chắc chắn tên A chứ không phải cậu Hai.

- Thông minh! Có nghĩa là ông ngoại còn làm một cuộc cách mạng nhằm nâng cao kiến thức phụ nữ nước nhà. Đặt tên ba người con gái là A,B,C là có dụng ý chứ đâu phải ông ngoại quê mùa, nghĩ sao thì đặt tên cho con như vậy.

- Quê mùa sao được. Các cậu đều mang tên ngon lành, ai cũng Nguyễn Chánh...

- Má biết đọc biết viết là ngon hơn đa số phụ nữ thời đó.

- Má còn biết làm thơ nữa chớ bộ.

- Không những biết làm thơ mà còn thuộc nhiều thơ nữa.

- Ông ngoại ngâm thơ, đọc thơ cả ngày, không muốn cũng thâm vô từ từ. Tụi mình còn được thâm, huống hồ chi má.

- Mê hát bộ, mê cải lương, mê phim Ấn Độ, mê phim tình cảm Tàu.

- Có mộng cải tổ xã hội.

- Nếu mùa lúa năm đó ở Dinh Điền không bị "mấy ổng" tịch thu thì má đã thực hiện được lý tưởng nâng cao kiến thức cho đồng bào thiểu số ở một buôn Thượng. Má dự định sau mùa lúa là má sẽ cho xây một trường học rồi vận động ông quận trưởng quận Tánh Linh bổ giáo viên về dạy học cho người Thượng.
- Ưa thương vay, mang cực nhọc về nhà cho con cái. Có nhớ chuyện thằng Minh Teo không?

- Ừ, thấy con người ta èo uột, tám tuổi mà nhỏ như đứa trẻ lên bốn, cả ngày không nói một tiếng, má quyết định đem về nuôi một thời gian, bắt tụi mình đút cơm, chuyện trò với nó, chơi với nó, đi chơi đâu cũng phải dắt nó theo....

- Coi vậy mà cũng có kết quả chớ bộ. Má sư phạm lắm, cho con nít chơi với con nít thì con nít mới phát triển bình thường. Nửa năm sau là nó chạy giỡn có thua gì tụi mình đâu, còn la to hơn nữa chớ. Chừng ba má nó xin nó về, nó khóc, nó la... Vậy mà bây giờ học lớp đệ thất trường Phan Bội Châu, ngon lành như ai chứ bộ.

- Nhớ cái áo ấm màu nâu đẹp thiệt đẹp dì Bảy tỉ mỉ đan cho tui trước khi dì theo dượng Đệ đi tập kết không?

- Ờ, bữa tối đó tui cũng run gần chết. Đang đi, bả ngồi bệt trước nhà mình, máu me tùm lum. May mà có má ở nhà. Má đem vô nhà, cắt nhao, tắm rửa, cho em bé bú sữa, rồi lấy cái áo ấm kỷ niệm của dì Bảy, bọc thằng nhỏ, cho nó luôn cái áo.

- Cái áo ấm đẹp thiệt là đẹp.

- Đến giờ mi còn tiếc sao?

- Tui có tiếc bao giờ đâu, tui phục má lanh trí cứu người, thương người.

- Má còn bao bọc nuôi dưỡng bà Hai Mù vì bà không có con cháu, cho đến khi bà chết.

- Tui là chuyên viên tiếp tế gạo, nước mắm, than củi ... cho bà Hai Mù đây chớ ai.

- Có máu làm cách mạng.

- Tại mê ba, ba bỏ về thành, làm má phải theo, nhưng trong bụng còn ấm ức lắm, kể chuyện trong chiến khu hoài.

- Bởi vậy mới bị "mấy ổng" lừa cho một trận, thâu mua hết trơn mùa gặt năm đầu ở dinh điền Tánh Linh rồi chỉ trả bằng tờ giấy chứng nhận.

- Bao nhiêu vốn liếng tiêu tan, nợ nần chất đống. Tụi mình cũng lao đao nghiêng ngửa theo. Có khi nhà ăn cơm với cá nục kho và canh bí rợ suốt mùa, ngán tận cổ.

- Nếu không vì ba chị là má đi tập kết hồi năm năm mươi tư mất tiêu rồi.

- Thì tui được bú sữa Gi-Gô

- Ở đó mà bú sữa Gi-Gô. Bú nước cháo pha đường cho lớn không nổi luôn. Một mình ba làm sao nuôi nổi ba đứa con thơ con dại.

- Thì đâu có thằng con trai đầu to lưng bự, tay chưn thòng lòng.

- Ba ém tài má.

- Hay là ba có khả năng dung hòa được cái máu làm cách mạng và máu nghệ sĩ của nhà ngoại trong má, biến thành máu kinh doanh, máu cầu tiến.

- Lý thuyết này nghe sao mơ hồ, không có căn.

- Má có máu kinh doanh nhưng không có máu bà nội trợ đảm đang như dì Năm, dì Bảy, dì Chín .

- Quần áo chồng thì bỏ tiệm giặt ủi.

- Nấu ăn cũng không điêu luyện.

- Không biết thêu thùa đan may như mấy dì.

- Cần gì làm bà nội trợ đảm đang. Có người làm, có thì giờ dẫn con đi coi xi nê, đi coi cải lương... và có thì giờ làm thơ... bắt con cháu học thuộc. Đứa nào thuộc một bài thì cho tiền.

- Có thì giờ mê đánh bài tứ sắc nữa chớ.

- Cũng lạ há! Ba với má mỗi người một tánh, một đam mê, thế mà sống thiệt là thuận hòa. Người thì cầu an sống đời công chức, chỉ biết vui thú với sách báo, bàn cờ. Người thì xông xáo ngoài thương trường, không bao giờ chịu bằng lòng với công ăn chuyện làm đang có. Lúc nào cũng tìm cách cải tiến, đổi mới.

- Bởi vậy nhịp sống kinh tế nhà mình lên dốc xuống dốc đều đều, làm cuộc sống tụi mình cũng lao đao theo mà má là chủ chốt.

- Nhưng có khi nào mi xin tiền mua sách, mua truyện, đóng tiền học thêm, đi xi nê... mà má không cho chưa? Dầu cho nhà đang hồi thất bại. Má chịu chơi ở chỗ đó.

- Má còn có mộng cho con học cao nữa chớ.

- Ba học cao hơn má nhưng không có mộng cao bằng má. Đứa thì má muốn cho học dược sĩ để mở tiệm thuốc tây, đứa thì học bác sĩ để mở phòng mạch, đứa thì học làm giáo sư để mở trường học... bất kể gái hay trai.

- Má có ý định đầu tư vô lũ con mà. Không biết ai sẽ đạt được ước nguyện cho má đây, không phải tui à nhen.

- Tui thấy má tiến bộ lắm về phương diện nam nữ bình quyền.

- Cái này ta nghĩ má bị ảnh hưởng ông ngoại, ba mình. Con gái nhà ngoại ai cũng được cho đi học đâu có thua gì con trai.

- Ngoại trừ má vì má là con gái lớn, phải phụ bà ngoại buôn bán.

- Còn chủ trương của ba là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", dù trai hay gái đều phải có một nghề để tự nuôi thân, nhất là con gái, sẽ không bị lệ thuộc vào chồng. Mình có bao giờ nghe ba hay má nói "con trai của mình...." lần nào đâu.

- Bởi vậy ông Hoàng, con trai trưởng mà không được ưu tiên cái gì hết. Nhóc Hưng nhà mình cũng đâu có được cưng chiều hơn ai.

- Mà lạ lắm nghen. Tui để ý thấy ba không bao giờ chở má đi dạo trên cái xe mô-bi-lếch cà bịch cà tang của ba há!

- Không đi chung chớ nói chi đi dạo chung.

- Vậy chớ mi có thấy vợ chồng bác Chỉnh, vợ chồng chú Sáu Sang, vợ chồng cô Ba, có ai đi chung nhau ra đường lần nào chưa?
- Hi... hi... chắc thời đó còn mắc cỡ.

Má chúng tôi đại khái là như vậy đó, người đàn bà phong phú đa tài đa dạng, nhất là óc tổ chức và tài suy diễn, tính nhẩm. Cái tài tính nhẩm thần khốc, đã từng cho lũ con giỏi toán, ông chồng thông thái đo ván.

Công việc mua lúa từ xe này đến xe kia ("Xe" là đơn vị để chỉ số lượng lúa, chừng một trăm giạ thì phải, khoảng tám bao bố), trữ lúa ở nhà máy để xay gạo bán dần quanh năm, tính toán lời lãi để định giá lúa, giá gạo... thế mà bà không hề dùng bút giấy.

Đong lúa xong, nhà một nông dân ở Ngã Hai, bà bắt đầu tính cho nhà nông:
- Một xe giá ba ngàn sáu, năm nay nhà chú được hai xe bốn chục giạ, vị chi là... ba ngàn sáu, ba ngàn sáu, ba trăm sáu, ba trăm sáu, ba trăm sáu, ba trăm sáu...

Trong khi anh con trai của chú thím nhà nông tìm giấy viết, chưa kịp ghi thì bà nói:
- Tám ngàn sáu trăm bốn chục. Chú thím mượn trước hai ngàn rưỡi, còn lại sáu ngàn một trăm bốn chục.
Chú thím nhà nông nhìn, chờ cậu con trai thông thái loay hoay tính, mười phút sau, gật đầu.

Mỗi tối, chị em chúng tôi thường quây quần ở nhà trong vì phòng này rộng, thoáng mát, đủ chỗ cho bộ ván ngựa, cái giường, cái bàn ăn, cái võng vải bố... cả chỗ giặt đồ và hồ nước. Người nằm trên bộ ván gõ đọc truyện, người đu đưa chiếc võng hát vu vơ, người ngồi co rút chân ở góc gường đọc truyện hình, vài ba người chơi cờ cá ngựa... Ba ngồi dựa lưng ở cái ghế bố đọc báo, má ngồi bệt ra nền nhà xi măng soạn vá mấy cái bao bố để ngày mai xay gạo ở nhà máy lớn. Chị Hai Cao đang bớt lửa nồi chè đậu xanh hột nấu với đường tán ở phía sau bếp. Con Tư ngưng đọc truyện hình, nói trống không:
- Lạ há, má với chị Ba cùng tuổi con rồng, cách đây mười hai năm, hồi má mới sanh chị ba, tuổi má gấp tuổi chị Ba hai mươi bốn lần. Bây giờ mười hai năm sau, tuổi má chỉ gấp ba lần tuổi chị Ba.

Chưa ai kịp nuốt trôi ý tưởng bất chợt khá rắc rối của con Tư thì má lên tiếng:
- Mười hai năm sau, tuổi má chỉ gấp hai tuổi con Ba thôi.

- Hở ?

- Hả ?

- Ờ há !
Ba cười cười, tiếp chuyện:
- Theo cái đà này, mười hai năm sau nữa, má mày bằng tuổi con Ba.

- Ông nói sai bét. Chừng đó tuổi tui gấp năm tuổi con của nó.

- Trời ! ! !

Và óc tổ chức thì cho đến nay tôi vẫn tự phụ là tháo vát những lúc gia đình có tiệc tùng, những lúc nhận chịu trách nhiệm tổ chức này nọ ở sở làm..., nhưng so với má tôi, trong thời buổi không có điện thoại, không tự lái xe, không có chuyện đặt hàng, bà có bảy đứa con, tôi chỉ có hai nhóc tì..., tôi thua xa Bà. Cứ mỗi dịp Tết, đám giỗ ông nội bà nội là chúng tôi phải phục má, ba tôi cũng vậy. Từ khi bà nội mất, ba tôi lãnh phần cúng giỗ. Tiếng là ba tôi nhưng má tôi lãnh trọn bộ, hình như ba không đụng tới móng tay, chỉ tiếp trà các ông các bác từ Đại Nẫm xách dù xuống ăn giỗ nhà tôi và trong bụng bao giờ cũng chờ một gói xôi vị nếp than đặc biệt do má tôi nhét vô giỏ làm quà buổi chiều trước khi về. Mỗi lần có giỗ, giỗ ông nội, giỗ bà nội là má tôi chuẩn bị một cách âm thầm đủ mọi thứ, nếp, rượu nếp, đậu, mượn người nuôi heo chia đôi từ sáu tháng trước, gà vịt mua về nuôi cho mập cả mười ngày. Trước ngày cúng tiên, mấy người mối lúa của má tôi từ Ngã Hai, Phú Hội mang trái cây, rau cải, bông hoa... để từng rổ ở nhà sau, như má đã đặt từ lâu. Tiệc giỗ năm nào, bà con nội ngoại từ Đại Nẫm, láng giềng hàng xóm làm đầy dãy bàn ngoài phòng khách, hai bộ ván và bàn ăn nhà sau.

Còn Tết thì khỏi nói. Mọi sự được chuẩn bị chu đáo, bánh tráng, nếp nổ, rượu nếp than, heo nuôi chia, gà vịt... rộn rịp từ giữa tháng chạp... cho tới những phong bì lì xì lớn nhỏ theo tuổi cũng đã được nằm sẵn trong túi áo má tôi trước ngày mồng một. Quần áo mới cho chúng tôi cũng được đặt may cùng lúc, cất trong tủ, từ tháng mười một. Cúng giao thừa xong thì coi như chỉ việc ngã lưng ăn tết. Bánh, mứt, cốm, măng kho, thịt kho, bánh tét, củ cải chua, củ kiệu chua, rượu nếp than, cơm rượu, cây mai, chậu cúc, chậu vạn thọ... đâu ra đó, tươm tất cho đến mười giờ khuya đêm ba mươi bà mới yên tâm ngủ để chờ cúng giao thừa. Không những sắp xếp từ trong ra ngoài cho cái gia đình với lũ con bảy đứa, cộng thêm vài đứa cháu, má tôi còn chu cấp cho nhà nội, nhà ngoại món này thứ kia để ăn Tết. Ngay cả tiền cho ông ngoại đánh bài mấy ngày Tết, năm nào cứ đến trưa ba mươi là má tôi sai chị Ba đạp xe đem lên cho ông có mà vui chơi.

Trước ngày khai trường mỗi năm chừng nửa tháng là tập vở đã được chất từng chồng cao trên bàn học chung. Mỗi đứa hai bộ quần áo mới để đi học, một bộ để bận ở nhà đã được đặt may cùng lúc.

Mùa Tết Trung Thu thì dây sóng lá, hồ, giấy màu... một chiều nào đó được má bày trên bàn học, thế là cả tuần đó tụi tôi mặc sức mà trổ tài làm lồng đèn. Năm nào má tôi cũng hợp tác với gia đình chú sáu Sang, bác Sắc để lũ con nít chúng tôi gần hai chục đứa cứ đến đêm Trung Thu sau khi đi diễn hành lồng đèn với trường ở vườn bông lớn, tụ họp lại để được chia bánh kẹo và một màn văn nghệ bỏ túi do lũ nhỏ chúng tôi tự biên tự diễn với sự khuyết khích của người lớn đang ngồi uống trà ăn bánh trung thu, loại bánh đắt tiền nên chúng tôi mỗi đứa chỉ được một góc tư cái bánh.

Đó là những chuyện lớn. Còn biết bao chuyện nhỏ hàng ngày trong gia đình mà má tôi, một người rất bận rộn ngoài thương trường, đều được má chuẩn bị đâu ra đó. Không biết má tôi có hiểu thấu đáo chữ "tập thể" hay không nhưng mọi sinh hoạt gia đình tôi đều mang bóng dáng tập thể, có lẽ vì con đông, má tôi bận rộn mà lại rất chu đáo, nên phải làm chung được cái gì thì làm. Ngay cả chuyện đánh đòn, tụi tui cũng bị ăn đòn tập thể, lũ con nhớ đời. Nghĩa là một ngày đẹp trời nào đó, má kêu sáu đứa con lên nằm xếp hàng trên bộ ván gõ ngoài phòng khách, mặt úp xuống. Má bắt đầu nhịp nhịp cái roi, với giọng thật bình tĩnh ngọt ngào, bà kể tội từng đứa, răn dạy kèm theo vài cái roi làm đứa nào đứa nấy nước mắt ròng ròng mà tai thì vễnh nghe lời kể tội hấp dẫn cho "nạn nhân" kế tiếp, ngay cả "nạn nhân" cũng không nhớ là mình bị tội gì. Đánh đòn chung cho đỡ mất thì giờ và chắc cũng để nhắc nhở lũ con cái quyền lực của bà, vì công ăn việc làm, bà phải giao hết chuyện ăn học, giáo dục lũ con cho ba tôi. Biết bao nhiêu chuyện.... Khả năng tổ chức của bà được thi thố từ ngày thường cho tới ngày giỗ, ngày Tết, lễ hội...


Có một điều làm tôi bận tâm nhất khi tôi đã làm mẹ, biết chăm sóc cái gia đình nhỏ bé của tôi, là nhớ lại những lần ba dẫn chúng tôi đi chơi hoặc ở Đá Ông Địa, hoặc ở Rạng, không bao giờ có mặt má tôi. Lúc đó chúng tôi coi đó là một điều tự nhiên.

Sáng chủ nhật đẹp trời nào đó, ba tuyên bố buổi nay cho mấy đứa nhỏ đi tắm biển ở Đá Ông Địa. Thế là chúng tôi rộn rã thay cái quần phồng, hai chị lớn thì mặc thêm áo cánh ở trong. Má tôi mướn xe lam từ lúc nào không biết, xịch xịch đậu trước nhà, chúng tôi dành nhau ngồi ngoài, không ai quan tâm là má có đi hay không. Buổi trưa, tắm, chơi, rượt bắt cua bắt còng đã đời, chị Hao Cao dọn cơm vắt ăn với muối mè hay thịt ram mặn.

Món cơm vắt của má tôi lúc bấy giờ ngon không thể tưởng. Món này bao giờ cũng tự tay bà làm. Cơm gạo dẻo có trộn chút muối, một cái khăn trắng mỏng đủ ướt. Bà trải khăn ra mâm, đổ cơm nóng lên khăn, cuốn nhanh lại, dằn, bóp chặt cho đến khi ổ cơm vắt tròn đều dài độ gang tay, đường kính độ sáu centimet. Mỗi ổ bánh được gói chặt bằng lá chuối đã được hơ nhanh qua bếp nóng. Đến chừng ăn thì cắt ra từng lát như bánh tét. Đôi lúc, bà nổi hứng, bà vắt cho mỗi đứa con một vắt, gói riêng cho từng đứa. Đó là lúc chúng tôi sung sướng nhất khi được chị Hai Cao đưa chia những ổ cơm vắt nho nhỏ xinh xinh, chỉ của riêng mình.

Ăn ngon, tắm mát, đùa giỡn thỏa mãn nhưng không ai trong chúng tôi thắc mắc là: Má đâu? Sao má không ra đây nghỉ ngơi như chị em mình, như ba? Má không cần những ngày nghỉ ngơi sao? Mặc dù mọi việc đều do bàn tay sắp xếp của má! Âm Thầm! Làm sao má chúng tôi có thì giờ tham gia vào những giây phút vui chơi của các con? Cả ngày! Nhưng mọi điều kiện để cuộc vui được toàn mỹ đã do má tôi chuẩn bị chu toàn. "Lòng Mẹ" của bà là thế đó! Một đề nghị của ba tôi dành cho lũ con là bà nhanh chóng chuẩn bị, hưởng ứng hết lòng... chỉ cần giúp lũ con học giỏi thêm, tẩm bổ đầy đủ hơn, vui chơi thoải mái hơn, phát triển toàn diện hơn là bà không ngại khó nhọc, không ngại tốn kém.

***

Sau năm bảy mươi lăm, chỉ là một công chức nhỏ, ba chúng tôi không phải đi ở tù như những người khác, nhưng ông xin nghỉ việc, không muốn cộng tác với chính quyền mới. Với ông chồng chán thời, với lũ con học hành bấp bênh, má chúng tôi một mình lèo lái nhịp sống gia đình trong cơn sóng gió chung của toàn miền Nam. Mặc cho ông chồng mang nặng tư tưởng “phản động” tránh né chính quyền, tránh né hội họp. Mặc cho lũ con bất bình ngấm ngầm chống đối, tưởng không thể đội trời chung với quan thày Cộng Sản. Một mình má tôi bắt tay làm hòa với những hống hách theo thời của người hàng xóm bỗng chốc trở thành tổ trưởng, tổ phó. Một mình bà thu xếp trả công cho hàng xóm đi làm thủy lợi thay lũ con sáu đứa. Một mình chạy chọt cho thằng con trai út không bị đi nghĩa vụ qua Campuchia...

Má chúng tôi âm thầm ôm nỗi buồn thế sự của ông chồng đã một mình về quê dùng bàn tay thư sinh biến ruộng hoang thành mảnh vườn làm căn bản cho lũ con tìm đến nương thân khi tình thế đi vào đường cùng. Âm thầm cưu mang những ý tưởng phản động ngấm ngầm của lũ con trước bao bất bình. Âm thầm tìm mọi phương cách chống đỡ, xoay trở, bao che để chồng mình, con mình không phải trực tiếp đối đầu với chính quyền mới.

Sống với Cộng Sản, sống với bất bình, gây gổ với cấp trên, chống đối, cứng đầu,... chẳng làm được gì, chẳng dám có ước mơ vượt biên như mọi người vì lũ con hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế gia đình. Để rồi một cuối tuần, lũ con như thường lệ, về nhà để được tẩm bổ, bà tuyên bố: "Má lo được một chỗ đi vượt biên, các con ai muốn đi trước? Đi được một đứa là lần lượt đứa này lo cho đứa kế."

Chuyến đó không thành, nhưng ý tưởng vượt biên tìm đường thoát đã mở đầu cho chục chuyến về sau, bao nhiêu vốn liếng làm ăn của bà mất hết đợt này sang đợt khác. Cuối cùng thì lũ con trốn thoát. Lũ con ra đi, không một quay lưng nhìn lại để nhận mang theo hình ảnh má mình đứng dựa gốc cây me nhà ngoại, cố nhón chân nhìn theo bóng ba đứa con gái mất dần mất dần trên đường xuống bãi chiều hôm đó, mất và không bao giờ còn gặp được nữa. Lũ con ra đi không một vấn vương về sự mất mát đớn đau mà ba má mình sẽ nhận chịu.

Bây giờ, trong những lần quay quần bên nhau đốt lò hương cũ, nhìn lại những sinh hoạt trong cái tiểu gia đình của chính mình, chị em chúng tôi thường lắc đầu bái phục má chúng tôi, thắc mắc không hiểu làm sao bà có thể đảm đương nhiều chức vụ cùng một lúc: Bộ trưởng bộ Kinh Tế, bộ trưởng bộ Ngoại Vụ, bộ trưởng bộ Nội Vụ, bộ trưởng bộ An Sinh, bộ trưởng bộ Y Tế, bộ trưởng bộ Xã Hội.... Ba tôi tiếng là thủ tướng nhưng chỉ được tài đề ứng, tài bàn... sau đó là má tôi lãnh hết, thu xếp hết, không cần bàn tới bàn lui, trong sự tin tưởng tuyệt đối của thủ tướng và toàn dân. Hai cánh tay vươn những ngón thon dài của bà vẫn mãi mãi cố gắng thu xếp mọi ước muốn nhỏ lớn của lũ con đã thành gia thất, sống xa bà ngàn dặm, cho đến ngày hôm nay, mọi sự. Thế mà chúng tôi, không ai thực hiện nổi, không ai cố gắng tận lòng để những ước mơ của bà được hoàn mỹ, không ai thành bác sĩ, dược sĩ, giáo sư để bà mở phòng mạch, tiệm thuốc tây, trường học.

Sống trong ngành giáo dục lâu năm, tôi mới nhìn nhận rằng má chúng tôi là một nhà giáo dục thật là thực tiễn, không cần tốt nghiệp một trường Sư Phạm nào, không cần nghiên cứu, không cần tham khảo một quyển sách nào. Cùng với chồng, bà biết tạo đủ mọi điều kiện để lũ con được lớn lên trong không khí gia đình thuận hoà êm ấm, tuổi trẻ phát triển vững bền và tự tin, một nền tảng căn bản cho mọi đứa trẻ bất cứ giàu nghèo.

Bà không giỏi đan thêu, bánh mứt, nhưng chúng tôi, bốn người con gái của bà khéo léo chuyện nội trợ không kém một người bạn nào. Học nữ công ở trường, học lóm bạn bè, học qua dì Chín, chúng tôi muốn làm món bánh, đan cái áo, thêu cái khăn bàn, móc cái màn cửa, may cái áo kiểu mới... chỉ cần xin tiền là bà sốt sắng cho, không hỏi tới hỏi lui. Tôi nhớ hồi năm học lớp chín, tôi mới học may trong những giờ nữ công với cô Nhan, tôi tìm lục trong tủ ra một sấp vải má tôi mua để dành may áo Tết. Tôi loay hoay cắt may một cái áo bà ba cho má, vạt áo dỉnh ra ngoài, cổ áo chật phải sửa tới sửa lui thành rộng tênh... vậy mà bà mua thêm hai xấp vải nữa biểu tôi may cho bà. Quả thật, đến cái áo thứ ba thì áo đẹp không thua gì đưa tiệm may. Và tôi trở thành thợ may của gia đình, đồ bộ, áo dài, quần tây, pyjama... cỡ nào tôi cũng thử tài, xấu có, đẹp có, nhưng ai ai cũng thỏa mãn. Kinh tế gia đình có xuống dốc đến độ nào đi nữa thì cái máy may hiệu Singer bao giờ cũng hiện diện trong gia đình chúng tôi. Sau năm bảy mươi lăm, tình hình kinh tế cả nước xuống tận cùng, nhờ cái khéo léo may vá tự học và cái máy may Singer, có lần tôi dự định mở tiệm may kiếm sống qua ngày. Cái khéo léo của chị em chúng tôi không do má dạy bảo nhưng do má tạo điều kiện tốt để phát huy và phát triển.

Có một lần, tôi và người chị kế than với nhau:
- Bác Chỉnh gái ở nhà, tụi Minh Thảo, Minh Thu, có chuyện gì cũng hỏi ý má nó. Bà Minh Thảo rả đám với bồ, bác Chỉnh gái dỗ dành. Má mình đâu có thì giờ như vậy.

- Còn Thím Sáu Sang thì đan thêu thiệt đẹp. Ước gì mình cũng có một người mẹ khéo léo, thân mật lo cho con như vậy.

Thật bất công với má tôi! Chúng tôi không biết rằng thím Sáu Sang khéo léo đan thêu nhưng hai người con gái của thím chẳng quan tâm gì đến chuyện nữ công gia chánh, vua diện của phố Ba Mươi Căn. Thím khéo nhưng thím không tạo điều kiện cho con cái học hỏi, tập tành. Chúng tôi không quan tâm đến cảnh vợ chồng bác Chỉnh gây gổ nhau ngày này qua ngày kia đến nỗi tụi con bác phải qua chơi lì nhà tôi, không muốn về nhà. Tụi nó đâu được má nó dẫn đi xi nê, đi coi cải lương. Đâu được má nó cho đi Sài Gòn chơi, lên dinh điền Tánh Linh nghỉ hè, lên Ma Lâm nghỉ hè,... hưởng những mùa hè tràn ngập tiếng cười trong tình thương gia đình, khi ở núi rừng Núi Ông Tánh Linh, khi ở miền biển ngọt Hòa Đa. Đâu được má tìm đủ mọi cơ hội để lũ con có một tuổi thơ hoa mộng bình an... ngay cả những khi nền kinh tế gia đình đang xuống dốc trầm trọng. Tôi tin là những người con của chú thím Chỉnh không ai học hành tới nơi tới chốn, người bỏ đi tu, người uống thuốc độc tự tử hụt, người thất tình bỏ nhà ra đi, vợ chồng đổ vỡ vì tuổi thơ của họ không được lót bằng hoa thơm, bằng sự bình an tâm tư.

Như thế đó, hợp tâm với chồng, má tôi đã cho chúng tôi một tuổi thơ an bình, chúng tôi được nuôi dưỡng bằng tình thương chân thật và tận tụy. Chúng tôi tin tưởng rằng tình thương chân thật và tận tụy chúng tôi được thừa hưởng đó, là một gia tài to lớn vô hình, vô giá, làm hành trang cho cuộc đời chúng tôi. Những người con của Ông Bà đang cố gắng san sẻ cái diễm phúc đó với cái gia đình nhỏ bé của mình để tuổi thơ của các con cũng được lót bằng hoa thơm. Thật đúng như Sidney Harris đã nói: "Ngoài những lề lối, nề nếp sống ra, kỷ niệm đẹp (tốt) là những gì tốt nhất, ta có thể truyền đạt cho con cháu". Và thành ngữ "đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn" cũng rất đúng trong nhịp sống gia đình chúng tôi. Vợ chồng đâu cần phải có chung sở thích, học vấn đâu cần phải ngang ngửa nhau... chỉ cần đồng tâm đồng lực, đi cùng hướng thì khó khăn nào cũng vượt qua được.

Võ Thị Điềm Đạm


Users browsing this topic
Guest
4 Pages«<234
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.