Trò chuyện với Ðoàn Quế Anh: Vài nét phác họa chân dung công dân trẻ Little Sài GònWednesday, January 11, 2006
Ðoàn Quế Anh. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt)
Khôi Nguyên/Thực hiện
Ba mươi năm, sau khi những người Việt Nam tỵ nạn đầu tiên (trong số khoảng 130,000 người Việt đến Hoa Kỳ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975) đặt chân đến vùng đất mà hôm nay mang tên Little Saigon, một thế hệ người Việt thứ hai đã trưởng thành ngay trên chính mảnh đất mà cha anh họ đã dày công khai phá và tạo dựng nên sự phồn thịnh. Trong số báo đầu tiên của năm 2006, phóng viên nhật báo Người Việt đã có dịp trò chuyện cùng thi sĩ Ðoàn Quế Anh, một trong những người thuộc thế hệ thứ hai về vài nét chấm phá chân dung của những công dân trẻ ở Little Saigon.
* Xin chào Quế Anh, nhiều người biết về chị không hẳn là một thi sĩ mà với tư cách là một người hoạt động trong nhiều công việc của cộng đồng, đặc biệt là “phu quân” của chị, anh Tạ Ðức Trí (Chủ tịch cộng đồng Việt Nam miền Nam California, nhiệm kỳ 2002-2005). Chị có thể cho biết đôi nét về mình?
- Quế Anh sang Mỹ năm 1990 diện HO4, khi đó tròn 16 tuổi. Mình học trung học 2 năm, sau đó học đại học cộng đồng rồi tốt nghiệp đại học UCI về ngành sinh vật học. Sau vài năm đi làm, Quế Anh quay lại trường tiếp tục học để lấy bằng dược sĩ và sẽ tốt nghiệp vào năm 2007. Quế Anh bắt đầu làm thơ, viết văn từ khi còn là nữ sinh lớp 10 ở trường trung học Lê Quý Ðôn, quận 3, Sài Gòn.
Việc tham gia các hoạt động cộng đồng, nếu tính từ năm 1998 trở đi thì lúc đầu tham gia vào ban báo chí, biên tập tạp chí “Non Sông” của Tổng hội sinh viên miền Nam California. Sau đó tham gia các sinh hoạt khác của Tổng Hội như cùng với Tạ Ðức Trí tổ chức giải Hoa Khôi liên trường trong hội chợ Tết... Sau khi thôi không tham gia Tổng Hội cả Quế Anh và Ðức Trí làm những công việc hơi riêng rẽ như phụ trách chương trình Tuổi Trẻ và Ðời Sống trên Radio Bolsa, tham gia hội chợ Á Châu, viết báo trên internet tạp chí Suối Nguồn một thời gian rồi cộng tác với tuần báo Việt Weekly trang Anh ngữ.... Cùng với Ðức Trí xuất bản 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Tập đầu tiên “Thiên Nhiên Thi Cảm” (1999) khoảng 100 bài. Tập thứ 2 “Thiên Nhiên Cuồng Niệm,” và tập truyện ngắn. Năm 2001 ra tập thơ chung với các nhà thơ khác, có 5 tác giả trẻ tuổi và 5 tác giả thế hệ trước.
* Kinh nghiệm của Quế Anh khi đến định cư cách đây 15 năm là gì?
- Khi đến Mỹ, Quế Anh cùng gia đình định cư tại Garden Grove và hiện nay ở Westminster, nhìn chung 15 năm nay là ở Little Saigon. Theo Quế Anh, sự hội nhập vào xã hội Mỹ khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ và tài chính. Mình phải học nhiều hơn và phải chịu khó hơn. Hơn nữa bạn bè qua cùng thời gian với Quế Anh thông thường là họ học chậm lại 1-2 năm, chẳng hạn ở Việt Nam đang học lớp 9 sang Mỹ vào lớp 10 nhưng họ xin học lớp 9 hay lớp 8, còn Quế Anh vào thẳng lớp 11. Bởi Quế Anh muốn ra trường sớm hơn nên trong vòng 2 năm lớp 11 và 12 phải học gấp hết chương trình của ESL và toán.
Thời gian đầu cuộc sống của gia đình khó khăn nhất là vấn đề tài chánh và khó khăn thứ hai là vấn đề việc làm, bởi kinh nghiệm và ngôn ngữ mình chưa có. Thời kỳ khó khăn này kéo dài ít nhất là hai năm. Thời gian đầu mẹ của Quế Anh phải làm việc trong shop may nhưng lại không biết may nên thời gian đầu là làm công việc cắt chỉ. Bà chị lớn của Quế Anh thì biết may từ bên Việt Nam nhưng đó là may trong gia đình bên này may máy công nghiệp nên cũng mất thời gian. Chị phải làm công việc ấy một thời gian trước khi vào học đại học.
* Hỏi: Có bề dày gắn liền với cộng đồng người Việt ở Little Saigon 15 năm, và sự nhạy cảm của một nhà thơ, chị có nhận xét gì về hệ trẻ ở đây?
- Nếu so sánh với những năm 1990 thì giới trẻ hiện nay đa dạng hơn và họ có những bước tiến rất vững vàng trong tất cả mọi lãnh vực từ chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật... và ngay cả tôn giáo cũng có nhiều gương mặt trẻ. Từ năm 1990 đến 2005 là một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng. Bắt đầu từ 1990 khi “làn sóng” các gia đình đến Mỹ theo diện HO mang theo rất nhiều các bạn trẻ ở tuổi thanh thiếu niên. Thành thử ra những người trẻ tuổi mà cha mẹ qua đây từ năm 1975 hay trong thập niên 1980 họ không có khái niệm so sánh giữa việc nếu mình không nói tiếng Việt thì làm sao. Nhưng từ thời điểm 1990 họ mới có sự so sánh và từ đó mới xuất hiện những câu hỏi là văn hóa Việt có những cái gì và có sự khác nhau thế nào. Trước đó thì có thể có nhưng mà chưa nhìn thấy rõ lắm. Hay là việc không biết nói tiếng Việt thì nó có ảnh hưởng ra sao nhất là sau này khi trong công việc khả năng biết tiếng Việt giúp ích được nhiều hơn là trước đây. Trước đó không biết tiếng Việt cũng không sao.
Khi Quế Anh tới đây, đa số những người trẻ thường là chưa có ý thức nhiều về vấn đề sinh hoạt cộng đồng. Những người trẻ tham gia vào sinh hoạt cộng đồng thì đa số chịu ảnh hưởng về nền văn hóa xã hội trước 1975, họ biết nhiều về lịch sử Việt Nam về văn hóa Việt Nam hơn là lớp sau. Còn sau này khi mà thế hệ trẻ lớn lên đủ để tiếp tục công việc đó thì khả năng tiếng Anh của họ giỏi hơn nhưng sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam và tiếng mẹ đẻ lại có giới hạn.
Hiện nay thì các bạn trẻ đó trưởng thành và có bắt đầu thành công nhiều hơn và làm những công việc và giữ những chức vụ quan trọng trong cộng đồng. Các lĩnh vực như văn học nghệ thuật bắt đầu có những nhà văn có tên tuổi trong dòng chính cũng như cộng đồng. Chúng ta có rất nhiều bác sĩ, luật sư trẻ và trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo... đã có những tiếng nói rất có trọng lượng với chính quyền thành phố và cả tiểu bang.
* Thế còn những mặt mà theo chị là chưa được?
- Như đã nói ở trên, ngoài những mặt nổi bật thì giới trẻ trong cộng đồng chúng ta còn có rất nhiều mặt chưa tốt. Những cái xấu chẳng hạn, trước đây những vụ tội phạm là người Việt Nam rất là hiếm, có thể lúc đó cộng đồng chúng ta chưa đông, chưa mạnh đủ để xảy ra mặt tiêu cực như thế. Còn bây giờ đã có những vụ vi phạm pháp luật trên phạm vi lớn như các vụ gian lận về vấn đề y tế, bảo hiểm sức khỏe, kết hôn giả... và ngay cả vấn đề băng đảng. Tất nhiên khi cộng đồng chúng ta lớn mạnh cả về mặt tốt thì nó cũng nảy sinh nhiều mặt xấu. Nhưng Quế Anh nghĩ là nó đừng quá đáng vượt qua những giới hạn. Thiết nghĩ đó cũng là quy luật tự nhiên. Cái xấu luôn đi song song với cái tốt.
* Chị có thấy sự khác biệt giữa những người trẻ cùng lứa tuổi đã sinh ra và lớn lên tại Việt Nam rồi mới sang Mỹ định cư và những người sinh ra lớn lên tại đây?
- Tôi nghĩ rằng sự giống nhau ở bất cứ gia đình nào khi mới đến đây đều giống nhau là chưa có ngôn ngữ bản xứ và vấn đề tài chánh. Những gia đình qua đây vào năm 1975 và thập niên 1980, tức là họ qua đây lâu cho nên giới trẻ có lợi thế hơn các bạn trẻ đến Mỹ sau này. Họ có lợi thế hơn thứ nhất là ngôn ngữ và về vấn đề tài chánh. Khi các bạn trẻ ấy đi học thì thông thường có được sự giúp đỡ của gia đình nhiều hơn. Trong khi đó lớp trẻ đến Mỹ sau năm 1990 khi lớn lên thường có mục đích là mình đi học và sau này làm ra tiền là lại giúp đỡ lại bố mẹ vì bố mẹ đa số đã lớn tuổi và không giúp mình được nhiều nữa.
Ða số các bạn trong số này phải đi làm để trang trải việc học hành. Ðôi khi những người trẻ hơn khi đi học trong trường thường có sự so sánh với những người sang đây sớm hơn như họ có nhà, có xe và đầy đủ hơn về mặt vật chất... Sự so sánh ấy tùy vào môi trường trường học khác nhau hay nền nếp và văn hóa của mỗi gia đình.
* Có sự khác biệt nào giữa các bạn trẻ qua trước và qua sau trong các sinh hoạt văn hóa hay cộng đồng?
- Cái đó tùy vào từng lãnh vực và tùy từng môi trường. Quế Anh biết rất nhiều các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở đây tham gia vào sinh hoạt cộng đồng chứ không chỉ riêng những người đã ảnh hưởng nhiều về văn hóa Việt Nam đâu. Quế Anh thấy tỷ lệ đó khá cao. Nhóm các bạn sinh năm 1980 chẳng hạn thì có ảnh hưởng cả hai. Lấy ví dụ như Phú Nguyễn, hiện đang là chủ tịch Cộng đồng Việt Nam miền Nam California lúc mới tham gia vào Tổng Hội Sinh Viên thì tiếng Việt không rành nhưng bây giờ đã khá lên rất nhiều. Còn Yến Khanh, bạn gái và là cộng sự của Phú lại rất giỏi tiếng Việt. Hai anh chị đó là điển hình của sự kết hợp của lớp trẻ của cả hai bên. Thành thử ra tỷ lệ đó cũng cân bằng một thời gian. Còn bây giờ nhóm sinh ra và lớn lên ở đây thì chiếm đa số nhiều hơn.
* Vấn đề văn hóa và tập quán sống có phải là trở ngại khi các bạn trẻ gặp nhau không?
- Theo Quế Anh nghĩ những người mới qua đây so với thế hệ của Quế Anh cũng không có gì khác biệt nhiều lắm. Bởi vì vẫn chia sẻ được với nhau về những kỷ niệm ở quê nhà. Vì thế vấn đề là tùy theo mình nói chuyện với ai. Ngoài ra, nói chuyện với những người sang sau mình mà mình có sự cởi mở, tiếp thu những điều họ biết mà mình không biết thì mình dễ dàng thông cảm với nhau. Do đó vấn đề tùy thuộc vào từng cá nhân, có thể vài người không may mắn khi họ không gặp được những người đồng cảm với mình.
* Nếu có hai bạn trẻ cùng đến Mỹ định cư, một ở Little Saigon và một người ở vùng khác thì theo Quế Anh, ai là người có lợi thế hơn và có cơ hội nhiều hơn?
- Thực sự ra ở đây người Việt Nam thì nhiều nhưng mà khi nhiều như vậy nên người dễ thương cũng nhiều mà người “dễ ghét” thì cũng không ít. Cho nên những người ở những vùng xa Little Saigon và người Việt ít hơn, có thể là họ đến với nhau thật tình hơn. Nhiều người nhận xét là người Việt ở nơi khác thì “hiền” hơn người Việt ở Little Saigon. Chẳng hạn Quế Anh đi đến các tiểu bang bên miền Ðông thăm bạn bè thì những người bên đó rất dễ thương vì thiếu và vì ít người Việt Nam nên họ có tinh thần giúp đỡ nhau nhiều hơn. Còn ở đây thì mình dễ có quan niệm “không có mợ thì chợ vẫn đông” thành thử ra chưa chắc gì những người trẻ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Không còn bàn cãi gì nữa khi nhận xét rằng, Little Saigon hôm nay là vùng đất phồn vinh. Tuy nhiên cơ hội thăng tiến ở đây lại tùy theo từng lãnh vực mà mình muốn phát triển. Chẳng hạn muốn thăng tiến và thành công trong lĩnh vực giải trí, văn học nghệ thuật hay báo chí (cho người Việt)... thì phải về đây. Nếu Little Saigon biết đến thì các vùng khác cũng biết đến nhiều hơn. Ngay cả lĩnh vực chính trị cũng vậy, nếu muốn thắng cử nhanh và được nhiều phiếu hơn thì phải tranh cử ở đây. Nhưng nếu như các lĩnh vực khác như mở văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư... mà muốn vào cộng đồng thì chưa chắc đã thành công vì các ngành nghề đó ở đây quá nhiều và cạnh tranh rất gay gắt. Cho nên mình chịu khó đến các vùng đất khác, xa hơn một chút thì cơ hội thành công cao hơn. Tóm lại cộng đồng này sẽ mở ra những cơ hội nếu như mình nhìn thấy nó phù hợp với mình.
* Nhà văn Phan Nhiên Hạo trong một bài trả lời phỏng vấn của Ðặng Thơ Thơ và Nguyễn Hương trên tạp chí Thế Kỷ 21 (số 198, tháng 10 năm 2005) có nói rằng: “Khi mới sang Mỹ, tôi muốn trở thành Mỹ, sau vài năm thì muốn trở thành công dân toàn cầu. Nhưng 14 năm sau, khi dường như đã Mỹ hơn, một cách nghịch lý, tôi chỉ muốn là tôi, một người Việt Nam di dân, bất luận điều đó có được người khác tán thưởng hay không.” Chị nghĩ sao về câu nói đó?
- Ðó là điều rất điển hình đối với những người Việt Nam sống bên ngoài đất nước Việt Nam. Giống như người xưa nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” hay “học càng nhiều thì biết càng ít.” Khi mình biết càng nhiều thì mình lại càng muốn trở về với bản chất thật sự của mình. Quế Anh cũng nghĩ rằng đó là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ sau khi đạt được những thành công nhất định trong dòng chính lại muốn quay trở về với cộng đồng. Bản chất họ là người Việt Nam và khi họ tìm về với chính cộng đồng của mình thì đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên.
* Xin cảm ơn Quế Anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
(K.N.)
http://www.nguoi-viet.co...viewer.asp?a=38257&z=56