WESTMINSTER, Calif (NV) - Ngày Đại Hội và Bầu cử của Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Gia Long Nam California, tổ chức tại Westminster sáng 13 tháng Tư, diễn ra trong khung cảnh hỗn loạn; và việc bầu ban chấp hành mới cho nhiệm kỳ 2014-2016, mục đích chính của đại hội, đã không thành.
Không những thế, dư âm của đại hội là biết bao cảm xúc lẫn lộn, buồn, giận, xót xa, thất vọng, mệt mỏi, kinh ngạc, và cả chán ngán, vẫn còn trĩu nặng trong lòng mọi người, từ cựu nữ sinh Gia Long, chức sắc trong hội, thân hữu, và nhiều người trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, ra trường niên khóa 1969-1970, than thở: “Tôi không sinh hoạt thường, nghe bạn bè nói hôm nay đại hội quan trọng lắm, phải đến, ai ngờ kinh hoàng quá.”
Bà Trần Thị Mai, ra trường niên khóa 1973-1974, không tham dự đại hội, nhưng xem video thu lại buổi họp trên trang mạng FreeVN.Net, gửi email tâm sự với bạn cùng trường: “Đau lòng quá, ôi Gia Long của tụi mình giờ sao đến nỗi này?”
Trường nữ Trung Học Gia Long, trước kia được mệnh danh “Trường Áo Tím,” là trung học lớn nhất Việt Nam, nơi đào tạo bao thế hệ anh thư nước Việt, là niềm hãnh diện của bao nữ sinh mang trên nẹp áo dài phù hiệu Mai Vàng, và nhiều thế hệ tiếp nối của các vị trong ngành giáo dục.
Trường Gia Long được xây từ năm 1913, dưới thời Pháp, dạy chương trình Pháp cho nữ sinh Việt Nam. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Pháp, trường Gia Long đổi hoàn toàn qua chương trình Việt ngữ. Năm 1953, đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu đóa mai vàng. Sau đó trường được đổi tên là Trường Nữ Trung Học Gia Long (tên của vị vua đầu tiên triều Nguyễn). Sau biến cố 30 tháng Tư, trường nữ Trung Học Gia Long được đổi tên thành trường Nguyễn Thị Minh Khai (tên một cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam), và không còn là một trường trung học chỉ dành riêng cho học sinh nữ.
Không khí hỗn loạn
Đa số người tham dự Đại Hội ngạc nhiên ngay từ khi bước chân vào bên trong. Gần bàn chủ tọa là hai tấm bích chương lớn, đặt cao lên hai giá vẽ. Một tấm là phóng ảnh bài viết “Kiều bào rộn ràng đón Tết tại TP. HCM” của tờ báo mạng Tuổi Trẻ Online, với hình của bà Phan Thị Sách, ứng cử viên chức vụ Phó Tổng Thư Ký trong liên danh “Hài Hòa,” một trong hai liên danh ra ứng cử.
Tấm bích chương thứ hai là phóng ảnh của bà Nguyễn Trần Ngọc Long, ứng cử viên chức vụ Hội Trưởng của liên danh “Hài Hòa,” cùng với bà Phan Thị Sách, và Nguyễn Quế Hương, trên sân khấu, đàng sau là băng rôn lớn, ghi rõ “Họp Mặt Tất Niên Ba Thế Hệ ÁO TÍM – GIA LONG- MINH KHAI Mừng Xuân Mậu Tý.”
Đến giờ khai mạc, bà Trần Kim Thoàn, trưởng ban tổ chức bầu cử, vừa cất tiếng nhưng chưa dứt câu, cử tọa phía dưới đã có tiếng phản đối. Một số hội viên khác, áo dài tím tha thướt, nhưng nét mặt căng thẳng, đăm chiêu, đi lại gần bàn chủ tọa, tay cầm microphone, tranh nhau đòi phát biểu, và mỗi khi có ai nói được một hai câu, thì vài ba áo dài tím khác đến ghé tai dặn dò, thầm thì.
Trong khi trưởng ban tổ chức bầu cử, Trần Kim Thoàn, cố gắng vãn hồi trật tự trong vô vọng, một nữ sinh Gia Long đột nhiên tiến lên cầm microphone đề nghị hủy bỏ cuộc bầu cử, với lý do: “Liên Danh Hài Hòa bất hợp lệ vì có chị Phan Thị Sách có những hành động đi ngược với đường lối của hội, vì đã tham dự buổi họp Kiều Bào Xuân Mậu Tý năm 2008, do ủy ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức, và chị được đảng Cộng Sản Việt Nam mời trong danh sách những Kiều Bào đặc biệt, tặng hoa, tuyên dương và đưa lên báo Tuổi Trẻ Online, một cơ quan truyền thông đắc lực của đoàn thanh niên Cộng Sản thành phố Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ chị Phan Thị Sách có liên hệ với đảng Cộng Sản Việt Nam, một điều hoàn toàn ngược với đường lối của hội.”
Đề nghị hủy bỏ cuộc bầu cử được nhiều người vỗ tay tán đồng. Tiếp đó là lời đề nghị Liên Danh Hài Hòa bất hợp lệ vì đi ngược lập trường quốc gia của hội, cũng được đa số tán đồng.
'Gia Long' không là 'Minh Khai'
Một liên danh bị cho là bất hợp lệ, cuộc bầu cử được đa số đề nghị hủy bỏ, thì lẽ ra đại hội có thể kết thúc sớm, nhưng sự việc không đơn giản như thế.
Một số cựu nữ sinh trong ban quản trị đòi ứng cử viên Phan Thị Sách giải thích lý do có mặt trong buổi họp mặt Kiều Bào, và lý do được tuyên dương tại Việt Nam.
Vừa khóc vừa trả lời, bà Phan Thị Sách cho biết, năm 2000, sau một cơn bạo bệnh, bà bắt đầu để ý đến đời sống tâm linh, và về Việt Nam làm việc từ thiện ở những vùng hẻo lánh. Qua những lần đi về, bà biết có ngôi làng mà người lái đò chở học sinh bị lật đò làm 5 học sinh thiệt mạng, thấy thương tâm nên bà bỏ tiền ra xây mấy cây cầu.
Trả lời một chất vấn là tại sao nhiều người khác cũng về Việt Nam làm việc từ thiện mà không được gọi lên "vinh danh," bà Sách giải thích: “Thật sự tôi cũng không biết, có lẽ vì cây cầu được xây ở nơi có phà chở học sinh bị lật chết nên được chú ý.”
Bà cho biết thêm khi nhận được thư mời bà cũng “phân vân lắm” nhưng tại tôi còn một đứa con ở Việt Nam đang bảo lãnh nên tôi nghĩ là thôi đến tham dự vì...”
Đáp lời một nữ sinh trách là tại sao việc nội bộ mà lại mang ra công chúng giải quyết, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ tịch tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, phát biểu: “Cho dù đây là sinh hoạt bầu cử của Hội Ái Hữu Gia Long, nhưng khi liên quan đến căn cước tị nạn của cộng đồng chúng ta, thì không còn là chuyện riêng của Gia Long nữa, mà là của cả cộng đồng.”
Không riêng bà Phan Thị Sách bị chất vấn, bà Nguyễn Trần Ngọc Long, ứng cử viên chức vụ Hội Trưởng của liên danh “Hài Hòa” cũng bị hỏi là tại sao lại tham dự buổi họp mặt có tên “Họp Mặt Tất Niên Ba Thế Hệ ÁO TÍM – GIA LONG- MINH KHAI Mừng Xuân Mậu Tý năm 2008.” trong lúc đang là hội trưởng của hội.
Bà Ngọc Long trả lời rằng bà bị “tình ngay lý gian,” khẳng định bà không phải là người thân Cộng, và mọi người đã hiểu lầm ý nghĩa của tấm hình, và giải thích rằng Đại Hội Gia Long Thế Giới năm 2007 quyên được rất nhiều tiền, nên bà, trong tư cách hội trưởng lúc ấy, đại diện hội mang tiền về Việt Nam ủy lạo thầy cô như hội vẫn làm mỗi năm.
“Khi về đến nơi thì tôi được biết có một cuộc họp mặt chúc Tết thầy cô nên đã đến, hy vọng gặp thêm một số thầy cô nữa, rồi vô tình được mời lên phát biểu.”
Phần phát biểu của những cựu nữ sinh còn lại có nội dung tương tự là phải trì hoãn cuộc bầu cử, vì liên danh Hài Hòa bất hợp lệ do các thành viên có liên hệ với Cộng Sản, lại còn đứng chụp hình dưới băng rôn có tên trường Minh Khai.
Nhiều nữ sinh mạnh mẽ khẳng định: “Gia Long không phải là Minh Khai, Gia Long không bao giờ là Minh Khai.”
Cử tọa xúc động khi một cựu nữ sinh Gia Long lớn tuổi lên phát biểu trong tiếng thở nặng nhọc, cho biết bà đang nằm nhà thương dưỡng bệnh, nhưng nghe nói hội “có biến” nên phải nhờ người đưa đến đây góp ý. Nữ sinh này trách Trưởng Ban Tổ Chức Bầu Cử Trần Kim Thoàn: “Chị Thoàn làm việc quá nguyên tắc, quá chủ quan, và quá tự tin, nếu chị chịu họp mọi người ngồi lại khi có người đặt vấn đề với liên danh Hài Hòa, thì mọi việc đã được giải quyết trong nội bộ, đâu đến nỗi để cho hội mình ra như thế này.”
Giáo sư cố vấn Huệ Khanh biểu đồng tình: “Khi sự việc xảy ra, tôi thấy mỗi lần ban Quản Trị họp đều không có chị Kim Thoàn, tình thế nguy rồi, Ban Quản Trị đã kêu gọi nhiều lần mà chị không hợp tác giải quyết, Ban Quản Trị phải họp khẩn cấp bãi nhiệm chức vụ trưởng ban tổ chức bầu cử của chị, mà chị vẫn cứ nhất định tổ chức bầu cử.”
Giáo sư cố vấn Hàn Huyên thì phát biểu nhẹ nhàng nhưng đầy hàm ý: “Tôi thấy có một cái gì đó. Tôi theo dõi mọi diễn tiến từ đầu. Cả hai bên đều có lỗi, một bên thì mang mâu thuẫn nội bộ ra công chúng, một bên thì âm thầm tiến tới với đầy gian ý.”
Xen lẫn trong phần phát biểu của gần 30 thành viên của hội ái hữu Gia Long là những lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong khi một số đề nghị của ông phần nào giữ trật tự cho buổi họp, nhưng thói quen thích cầm mircrophone nói hoài, nói hoài khiến ông bị một vài người trong giới truyền thông lên tiếng cự nự là xen vào nội bộ của Gia Long quá nhiều, “không cần thiết" và làm "phí thời giờ.”
Rốt cuộc, sau gần ba giờ đồng hồ, đại hội kết thúc. Không ai biết là bao giờ lại có cuộc bầu cử, trong khi đó, theo đúng nội quy, ban chấp hành đương thời đã mãn nhiệm từ cuối tháng Ba, 2014.
Vì đâu nên nỗi?
Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Gia Long Nam California được thành lập năm 1986. Nội quy của hội ghi rõ, hội viên chính thức phải là học sinh của trường Nữ Trung Học Gia Long (trước năm 1975). Mục đích chính của Hội là thắt chặt tình đoàn kết thân hữu, thực hiện tình tương thân tương ái giữa các cựu giáo sư, cựu nhân viên và cựu nữ sinh của trường Nữ Trung Học Gia Long, Sài Gòn. Một trong những sinh hoạt chính của hội là họp mặt sinh hoạt và gây quỹ, hàng năm mang tiền về Việt Nam ủy lạo các cựu giáo sư của trường. Đa số hội viên là nữ sinh của trường thời VNCH.
Tương tự nhiều hội ái hữu khác, vì ít ai có thì giờ “ăn cơm nhà vác ngà voi,” các lần bầu cử của hội thường chỉ có một liên danh ra ứng cử, và đi bầu chỉ là thủ tục, không có sinh hoạt ứng cử hay vận động tranh cử đúng nghĩa.
Nhưng lần này Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Gia Long Nam California có hai liên danh ứng cử, một sự kiện mà bà Trần Kim Thoàn cho là một niềm vui lớn, một "bước dài" của hội trong sinh hoạt dân chủ.
Hai liên danh ra ứng cử kỳ này gồm: Liên danh “Minh Tâm” do đương kim Hội Trưởng Vương Hồng Loan và đa số các thành viên trong ban chấp hành đương thời gồm Đinh Minh Thu, Nguyễn Bửu Trâm, Từ Ngọc Lệ, Nguyễn Thị Hạnh, Phạm Liễu Chi và Trần Tuyết Nga.
Liên Danh Hài Hòa gồm cựu Hội Trưởng Nguyễn Trần Ngọc Long và các các thành viên: Phạm Bùi Hà, Đặng Thị Yến, Âu Dương Phương Anh, Phan Thị Sách, Triệu Kim Dung và Huỳnh Thị Mỹ Dung.
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, bà Kim Thoàn nói: “Đây là lần đầu tiên hội có hai liên danh ra ứng cử, tôi vui lắm, tôi theo đúng nội quy, xét tình trạng hợp lệ của cả hai liên danh, với công tâm, cố sức giữ sự trung dung để làm tròn bổn phận của mình. Nhưng chẳng may ra kết quả như thế này."
"Niềm vui đang nằm trong thiên tai"
Chỉ vài ngày sau khi hai liên danh được công bố, và trưởng ban tổ chức bầu cử gửi thư mời hội viên tham dự đại hội để đi bầu, ban quản trị nhận được thư nặc danh, mà một số người cho là của một hội viên muốn dấu tên, với hình ảnh và tài liệu nói rằng hai thành viên Phan Thị Sách và Nguyễn Trần Ngọc Long "giao du với Cộng Sản," đòi ban quản trị phải liệt liên danh Hài Hòa vào tình trạng bất hợp lệ, nếu không sẽ mang sự việc ra công chúng.
Theo lời của nhiều thành viên trong ban quản trị, họ nhiều lần yêu cầu Trưởng Ban Tổ Chức Bầu Cử Kim Thoàn triệu tập buổi họp, làm sáng tỏ vấn đề, phòng ngờ trường hợp "Cộng Sản cho người len lỏi vào hội." Cả thầy cô cố vấn cũng khuyên nội bộ nên họp nhau lại giải quyết vấn đề, nhưng đề nghị này hoàn toàn không được bà Kim Thoàn đáp ứng.
Với tâm trạng lo lắng là Cộng Sản đang cho người ứng cử để đoạt lấy hội, sự phớt lờ của bà Kim Thoàn bị nhiều người cho là bà cố tình làm thế để giúp liên danh Hài Hòa đắc cử. Ngày bầu cử càng gần thì sự lo lắng càng tăng. Hai ngày trước đại hội, ban quản trị gửi thư khẩn mời truyền thông báo chí và đại diện các tổ chức bạn, tổ chức đấu tranh và cộng đồng đến đại hội, tạo ra tình trạng hỗn loạn nói trên.
Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt về lý do không triệu tập phiên họp để mọi việc được thảo luận trong nội bộ, bà Kim Thoàn nói rằng bà "muốn giữ vai trò trung dung," và muốn mang mọi việc ra đại hội trình bày.
“Tôi thực ra rất hào hứng với viễn tượng có hai liên danh ra tranh cử, trong một thể chế dân chủ thực sự. Tôi biết rằng ban quản trị muốn loại bỏ liên danh Hài Hòa để trở lại tình trạng có một liên danh thôi. Tôi cũng không nghĩ các thành viên của liên danh Hài Hòa thân Cộng, vì tất cả các chị em chúng tôi đã sinh hoạt với nhau rất lâu, rất hiểu nhau.” Bà Thoàn giải thích.
“Có thể tôi đã quá chủ quan, cho rằng sự cáo buộc của lá thư nặc danh không biết do ai gửi đến chỉ là là kỹ thuật tranh cử. Cũng có người đòi bác liên danh Minh Tâm và cáo buộc là hội trưởng Vương Hồng Loan lem nhem tiền bạc, mà tôi cũng phớt lờ chỉ cho đó là kỹ thuật tranh cử.”
Được hỏi về kinh nghiệm rút tỉa được trong sự kiện này, đương kim Hội Trưởng Vương Hồng Loan trả lời: “Chúng tôi cố gắng cập nhật hóa nội quy, nhưng vẫn còn thiếu sót, nên có mâu thuẫn xảy ra giữa Ban Quản Trị và Uỷ Ban Bầu Cử. Ban Quản Trị không chấp nhận sự hợp lệ của Liên Danh "Hài Hoà," trong khi chị Trưởng Uỷ Ban Bầu Cử với vài chị trong Uỷ Ban Bầu Cử vẫn xem Liên Danh "Hài Hoà" hợp lệ tuy có những chứng cớ do Hội Viên gởi về, báo động hoạt động của ứng cử viên trong Liên Danh "Hài Hoà" không thích hợp với đường lối hoạt động của Hội.”
Bà Nguyễn Trần Ngọc Long từ chối trả lời phỏng vấn, chỉ nói: “Tưởng rằng sẽ có một cuộc bầu cử công bình, nhưng chúng tôi đã bị mang ra đấu tố. Chuyện Gia Long thì chỉ có người Gia Long biết thôi. Nói ra thì rất buồn. Tôi mệt mỏi lắm, chưa bao giờ trong lịch sử của Gia Long có việc này.”
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, cô cố vấn Huệ Khanh nhận định: “Đưa mọi việc ra cộng đồng là việc bất khả kháng thôi, nhưng tình hình nguy lắm không thể không đưa ra được. Nếu hôm đó không có cộng đồng đến, truyền thông đến, thì hội đã bị Cộng Sản cướp mất rồi. Họ quỷ ma lắm, mà mấy em thì hiền lắm, làm sao mà chống đỡ cho được.”
“Đây là một tiếng chuông cảnh báo cho tất cả những hội ái hữu và các hội đoàn khác, là nếu không đề cao cảnh giác thì Cộng Sản sẽ len lỏi vào.” Cựu giáo sư Huệ Khanh kết luận.
Bà Kim Thoàn thì tâm sự: “Tôi buồn lắm, bây giờ thì tôi tự hỏi là có phải mình đã sai trong việc quá nguyên tắc trong thủ tục hành chánh không? Tôi cứ nghĩ mình mang mọi việc ra thảo luận minh bạch trước đại hội, rồi mọi người sẽ bình tĩnh, sáng suốt nghe các bên trình bày. Nhưng không ngờ...”
Bà Thoàn nói thêm: “Chúng ta là những người tị nạn chống Cộng Sản chứ không phải là những người chống nhau, nếu không khéo thì chúng ta làm cho các hội tan nát, làm cho cộng đồng tan nát, vì mình phải bình tĩnh suy xét thì mới biết ai là Việt Cộng, ai bị nghi là Việt Cộng chứ. Cứ loạn lên thì biết đâu mà lần, cứ người nhà mà đánh thì làm sao mà chống Cộng cho có hữu hiệu?”
Bày tỏ nhận định về tình hình của hội, cựu nữ sinh Phạm Kim Dung than: “Còn gì nữa đâu? Hội bây giờ nếu không chia thành hai thành ba thì cũng tanh bành hết rồi.”
***
Liên lạc tác giả:
Hagiang@nguoi-viet.com