Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
CHO VỪA LÒNG NHAU GS Đàm Trung Pháp 01 tháng 01 năm 2009 Khoahoc.net
Một mục đích quan trọng của ngôn ngữ là để giao hảo. Muốn đạt được mục đích ấy, ngôn ngữ phải ngọt ngào, phải lễ độ để đẹp lòng người nghe. Đồng nghĩa với động từ “nói ngọt” của tiếng Việt, động từ “sweet-talk” trong tiếng Mỹ cho thấy rằng sự khôn khéo trong lời ăn tiếng nói rất có hiệu nghiệm trong việc thuyết phục người khác làm những chuyện có lợi cho mình, chẳng hạn như “She just sweet-talked them into giving her a pay raise and they did!” Người Mỹ cũng có khuynh hướng dùng uyển ngữ để làm nhẹ bớt đi những ý nghĩ tiêu cực của ngôn từ. Thí dụ, thay vì dùng chữ “garbage collector” để diễn tả một công việc làm không được trọng vọng cho lắm, người Mỹ sử dụng chữ “sanitation engineer” nghe dễ thương hơn nhiều. Họ cũng rất mặc cảm với tuổi già, cho nên khi áp dụng để tả một người tuổi đã cao, tính từ “old” làm người nghe buồn lòng không ít. Vì vậy các bậc cao niên tại Mỹ được gọi là “senior citizens” một cách trịnh trọng. Người Mỹ da đen không thích người khác gọi mình bằng màu da, nên ngày nay các chính trị gia khôn khéo gọi họ là “African Americans.” Không ngôn ngữ nào khác có thể so với Việt ngữ về bản chất đa dạng, đa năng của đại danh từ xưng hô ngôi thứ nhất số ít. Quả thực, trong khi đại đa số ngôn ngữ chỉ sử dụng một dạng cho ngôi này, như “je” trong Pháp ngữ, “I” trong Anh ngữ, “ich” trong Đức ngữ, và “wo” trong Hoa ngữ quan thoại, Việt ngữ chúng ta có cả một kho tàng xưng hô cho ngôi thứ nhất số ít ngoài đại danh từ “tôi” thông thường. Mỗi dạng khác nhau của đại danh từ “tôi” nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Con cái chẳng bao giờ dám xưng “tôi” với cha mẹ, cũng như học trò chẳng hề xưng “tôi” với thầy giáo. “Tao” chỉ có thể thay thế cho “tôi” giữa các bạn bè thân nhất hoặc trong các cuộc chửi bới lẫn nhau. Tất cả các danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng như “bố, mẹ, chú, bác, cô, cậu, ông nội, bà ngoại” vân vân đều có thể được dùng làm đại danh từ xưng hô ngôi thứ nhất. Và một nét rất đặc thù của tiếng Việt là tên người đang nói có thể được dùng làm đại danh từ xưng hô thay cho “tôi.” Còn ngôi thứ hai số ít của đại danh từ xưng hô trong tiếng Việt thì sao? Nhiều ngôn ngữ trên thế giới có ít nhất là hai dạng cho ngôi này, một dạng thân mật và một dạng trang trọng. Tiếng Pháp có “tu” và “vous”, tiếng Đức có “du” và “Sie”, tiếng Tây ban nha có “tú” và “usted”, và tiếng Trung Hoa quan thoại có “ni” và “nin.” Các động từ “mày tao chi tớ” trong tiếng Việt, “tutoyer” trong tiếng Pháp, và “tutear” trong tiếng Tây ban nha đều diễn tả hành động dùng các dạng thân mật để xưng hô giữa bạn bè hoặc bà con thân thích. Cũng giống như trường hợp ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai của đại danh từ trong tiếng Việt đa diện, đa năng hơn hẳn nhiều ngôn ngữ khác. Mỗi dạng của ngôi này nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Những danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng (bác, chú), những tước vị (bác sĩ, đại úy), cũng như tên người (Lan, Tuấn) đều có thể dùng làm đại danh từ xưng hô ngôi thứ hai. Hiển nhiên, muốn đẹp lòng người nghe, người nói phải lựa chọn đại danh từ xưng hô cho phù hợp. Khi một người trẻ nói chuyện với những người lớn tuổi bằng cha mẹ, bằng ông bà mình mà xưng hô “tôi” với họ thì người trẻ ấy hoặc quả thực quá kém tiếng Việt hoặc cố tình cư xử vô lễ. Người viết bài này đã nhiều lần vô cùng bực tức khi thấy một người còn trẻ trên bục thuyết trình mở đầu cuộc nói chuyện với đủ mọi lứa tuổi từ rất trẻ đến rất già với câu mở đầu hỗn xược “Thưa toàn thể anh, chị, em”! Người trẻ ấy có tước vị gì đi chăng nữa cũng chỉ là một kẻ vô giáo dục. Trong lãnh vực thương mại và hành chánh, cách xưng hô trang trọng lại càng cần thiết. Người Pháp thường kết thúc một lá thư thương mại hoặc hành chánh bằng câu “Veuillez agreer, Monsieur, l’expression de mes sentiments chaleureux” (“Xin ông nhận cho sự biểu lộ những cảm tình nồng hậu của tôi”). Người làm thương mại tại các nơi sử dụng tiếng Tây Ban Nha còn lễ độ hơn nữa. Trước khi họ ký tên vào lá thư cho thân chủ, họ tự nhận họ là những “atentos seguros servidores” (“tôi đòi trung kiên và đầy quan tâm”) của các thân chủ của họ! Văn hóa nào cũng biết nói lên lòng tri ân đối với ân huệ. Người Đức dùng động từ “danken” và người Mỹ dùng động từ “thank.” Hai động từ này từa tựa âm thanh như hai động từ “denken” và “think” có nghĩa là “suy nghĩ.” Phải chăng các dân tộc ấy nghĩ ngợi nhiều mỗi khi họ tri ân những ai đã ban ân huệ cho họ? Từ ngữ “arigato” để cám ơn của người Nhật nghĩa đen là “có khó khăn.” Hiển nhiên “khó khăn” ở đây mô tả nỗi nhọc nhằn của người mình mang ơn khi làm ân huệ cho mình. Người Việt chúng ta bầy tỏ lòng tri ân cũng mặn nồng không kém, chẳng hạn, “Tôi đội ơn ông đời đời!” Câu nói đó chắc sẽ làm vừa lòng người nghe lâu dài. Chúng ta không những chỉ “biết” mà còn “mang” trong người hoặc “đội” trên đầu cái ơn ấy! Cách thức đáp lại lời tri ân cũng có thể làm người nghe yên dạ. Nhiều người Tây phương cũng như người Việt đáp “Không có chi!” Và để trấn an người nhận ân huệ hơn thế nữa, người Tây phương có thể dùng những lời nói ngoại giao như “Niềm vui đó là của tôi!” Chúng ta cũng có một lời đáp lại sự “đội ơn” một cách rất khiêm cung là “Tôi không dám!” Trong mối tương quan giữa khách và chủ, người Trung Hoa vô cùng thận trọng. Tiếng quan thoại dùng từ ngữ “kechi” (tức là “khách khí” nếu phát âm kiểu Hán Việt) để nói lên cách cư xử của người khách: lễ độ, lịch duyệt, khiêm cung, đầy cảm thông, và để tâm đến người khác. Để người khách được thoải mái hơn, người chủ dùng thành ngữ phủ định “bukechi” (“bất khách khí”), tương đương với câu “Xin đừng làm khách” của người Việt. Trong văn hóa Trung Hoa, “kechi” liên hệ mật thiết với “lijiao” (“lễ giáo”), và nguồn gốc của “li” (“lễ”) xuất phát từ đời nhà Chu cách đây hơn ba ngàn năm rồi. Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, người Việt chúng ta ưa dùng những thành ngữ Hán Việt khiêm tốn như “tệ xá, tiện nội, thiển ý” vân vân khi chúng ta nói về chúng ta, và những thành ngữ Hán Việt trang trọng như “quý quyến, lệnh ái, tôn ý” vân vân khi chúng ta nói với khách của chúng ta. Người Tây phương cũng muốn cho khách của họ cảm thấy thoải mái trong cuộc giao tiếp, nhưng ngôn từ của họ ít khách sáo hơn ngôn từ Đông phương. Nếu người Mỹ nói thẳng ra “Xin cứ coi như ở nhà” (“Please make yourself at home”) thì người Tây Ban Nha còn nói rõ hơn thế nữa: “Nhà của tôi là nhà của ông” (“Mi casa es su casa”). Các cụ ngày xưa khi thấy con cháu nói năng bừa bãi làm phật lòng người nghe một cách vô tích sự đã có lời khuyên răn họ rằng “Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Một lời khuyên chí lý biết bao!
|