Quan điểm sống của giáo sư 82 tuổi lấy vợ 28 tuổi
22/11/2008
Nhân dịp tới Singapore giữa tháng 10/2008 để nhận bằng tiến sĩ danh dự trường Đại học Nanyang, nhà khoa học Dương Chấn Ninh, một trong hai người Hoa đầu tiên nhận giải Nobel khoa học (giải Vật lý 1957, cùng Lý Chính Đạo) đã chia sẻ với công luận suy nghĩ của ông về cuộc sống của người già.
Món quà cuối cùng của Thượng Đế
Người Trung Quốc (TQ) rất tự hào về Dương Chấn Ninh, vì ông là người Hoa được tặng giải Nobel danh giá và cũng vì ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với đất nước TQ.

Vợ chồng Dương Chấn Ninh - Ông Phàn
Dương Chấn Ninh cho rằng rất ít người được may mắn như ông, tại mỗi bước ngoặt đều chọn được con đường đúng đắn; và rốt cuộc Thượng Đế đã tặng ông món quà cuối cùng – đó là cô vợ mới cưới. Người vợ trước đó là bà Đỗ Chí Lễ, từng chung sống với ông hơn nửa thế kỷ (1950-2003).
Ngày 24/12/2004, Dương Chấn Ninh, 82 tuổi, kết hôn với cô Ông Phàn, nữ nghiên cứu sinh thạc sĩ người huyện Sán Đầu (Quảng Đông) 28 xuân xanh, kém Dương 54 tuổi và còn kém con gái út của ông 15 tuổi. Nay giáo sư Dương 86 tuổi còn vợ 32.
Cuộc hôn nhân này gây xôn xao dư luận TQ, khiến đôi tình nhân phải chịu sức ép rất lớn, đi đâu cũng được các nhà báo "chăm sóc".
Dương an ủi Phàn: sau đây ba bốn chục năm nữa, nhất định mọi người sẽ nói sự kết hợp của chúng mình là một mối tình lãng mạn đẹp. Ông cho rằng Phàn yêu quý tính ngay thẳng chân thành của ông.
Nhiều người lo Dương Chấn Ninh bị Phàn lừa, vì ông có danh vọng cao lại giàu có (từng tặng trường Đại học Thanh Hoa 10 triệu USD). Ngược lại, ông cho rằng có lẽ thiên hạ đều nghĩ ông đã làm một việc thiếu đạo đức là lừa bịp cô gái trẻ. "Thực ra hai chúng tôi đã suy nghĩ rất chín chắn về cuộc hôn nhân này" – ông nói.
Lễ mừng sinh nhật tuổi 85 của GS Dương Chấn Ninh có sự xuất hiện của người vợ Ông Phàn
Ông cho rằng cuộc hôn nhân đó trên một cách nào đấy sẽ kéo dài cuộc sống của mình. "Nếu không lấy Phàn thì tôi sẽ cảm thấy các sự việc trong ba bốn chục năm tới chẳng can hệ gì đến mình; còn bây giờ tôi biết rằng qua cuộc sống của Phàn, những sự việc ấy sẽ liên quan khăng khít với tôi. Một cách bản năng, suy nghĩ ấy đã ảnh hưởng rất quan trọng tới tôi".
Và ông bảo cô vợ trẻ: "Một số việc tôi sẽ không được thấy, nhưng sau đây ba bốn chục năm em sẽ thấy thay cho tôi".
Dương Chấn Ninh cho rằng cuộc hôn nhân này rất ý nghĩa đối với ông; và hiện nay ông còn khỏe, có thể chăm sóc vợ. Vì học chuyên ngành tiếng Anh nên Phàn dễ dàng trò chuyện với các con và bạn của ông. Rất may là gia đình hai bên đều đồng thuận. Các bạn của Dương cho rằng đây là việc ông nên làm.
Năm nay 86 tuổi, Dương Chấn Ninh đến Singapore trong bộ dạng nhanh nhẹn, vui tươi khỏe mạnh hơn trước; điều đó chứng tỏ quyết định của ông là đúng. Gần đây dư luận TQ lại có tin đồn cô Phàn đã to bụng!
Sau đây là nội dung trả lời phỏng vấn "Báo Buổi sáng" (Singapore) của Dương Chấn Ninh.
"Tâm lý chịu trách nhiệm là một khâu quan trọng trong đời sống hôn nhân"
Mười năm trước tôi cùng Đỗ Chí Lễ đến thăm một làng người già ở bang Florida, nơi có hơn 1000 hộ đều là người hưu trí, trong đó có một số giáo sư của phân hiệu Stony Brook thuộc trường Đại học bang New York.
Dương Chấn Ninh: "Trong việc kết hôn thời nay, bất cứ ai cũng chịu tác động của xúc động tình cảm"
Tại đây chúng tôi thấy nhiều bạn tôi từng mất vợ hoặc chồng nay đã tái hôn. Tôi nghĩ, nếu không gặp Phàn thì có lẽ tôi cũng dọn đến đây ở, sau một thời gian tôi sẽ tái hôn với bà góa nào đấy. Điều này hoàn toàn có khả năng. Tóm lại tôi chẳng muốn sống cô đơn – điều đó không hợp với cá tính của tôi.
Trước đây tôi có quen một nhà vật lý rất nổi tiếng người Anh là Rudolf Ernst Peierls (1907 - 1995), hơn tôi mười tuổi. Ông này từng có cuộc hôn nhân hạnh phúc với vợ. Sau khi bà ấy mất, ông sống thêm được mười mấy năm, hầu hết thời gian là ở nhà một mình cô đơn vò võ.
Tôi không muốn sống như thế. Sau khi Đỗ Chí Lễ qua đời, tôi quyết định sẽ tái hôn. Giá như không gặp cô Phàn thì tôi cũng lấy người khác thôi. Chẳng phải vì tôi đã có đối tượng, mà là do cá tính của tôi.
Tôi đã tra cứu thấy bình quân người 82 tuổi có thể sống thêm 6 năm nữa. Đấy chỉ là con số đổ đồng, có người có thể sống thêm 10 năm. Tôi đã tái hôn được 4 năm nay với Phàn, tình hình rất tốt. Tôi lại tra cứu lần nữa, thấy người 86 tuổi bình quân có thể sống thêm 5 năm nữa. Như vậy khả năng tôi thọ hơn 90 tuổi là khá lớn.
Ở tuổi 82 lấy vợ, rất ít người có thêm được cuộc sống vợ chồng lâu tới trên 10 năm. Ngày xưa, bà Trần Hương Mai lấy thiếu tướng không quân Mỹ Chennault (*) hơn bà 33 tuổi. Hai người chung sống được 10 năm thì ông ốm chết, lúc ấy bà Trần mới 32 tuổi.
Về sau bà có viết cuốn hồi ký "Một nghìn ngày xuân" kể lại 11 mùa xuân chung sống, ngày nào cũng là mùa xuân, cho nên tổng cộng là 1000 ngày. Thời gian như vậy là quá ngắn, thật tiếc.
Tôi gặp Phàn lần đầu năm 1995 tại Đại học Sán Đầu (Quảng Đông); năm 2004 thì chính thức quen nhau. Dịp Tết năm ấy Phàn gửi thiếp chúc Tết cho tôi. Sau đó tôi có gọi điện thoại mời cô đến chơi với tôi ở Hong Kong. Từ đó tôi hiểu cô nhiều hơn. Nhưng chênh lệch tuổi quá lớn làm tôi băn khoăn mãi.
Tôi không ngại người đời chê cười cho tôi lấy vợ trẻ là mất đạo đức. Tôi sợ nhất là khi tôi chết thì Phàn không có ai chăm sóc, dù cô còn rất trẻ. Khi quyết định lấy Phàn, điều tôi băn khoăn nhất là tôi sẽ không thể cùng Phàn chung sống được lâu.
Tôi suy nghĩ mãi cuối cùng mới thông. Tôi bảo Phàn, khi tôi không còn trên đời nữa thì em có thể tái hôn. Phàn nói, anh không thể nói như thế. Tôi đáp: Dương Chấn Ninh khi trẻ thì không nói thế đâu, già rồi mới nói vậy. Tôi nghĩ, tâm lý chịu trách nhiệm là một khâu quan trọng trong đời sống hôn nhân.
Được chung sống với Phàn thật là một sự khéo trùng hợp. Tôi luôn nghĩ mình là kẻ gặp may; ngoài Phàn ra tôi khó có thể chọn được một người vợ nào như cô, mọi việc đều rất thuận lợi.
Trong việc kết hôn thời nay, bất cứ ai cũng chịu tác động của xúc động tình cảm. Thời trước việc dựng vợ gả chồng ở TQ 100% do cha mẹ xếp đặt; ở nước ngoài cũng gần như thế.
Ngày nay, cha mẹ không còn ràng buộc được con cái nữa, thanh niên thế giới nhiều khi chưa suy nghĩ kỹ đã lấy nhau, điều đó phản ánh trên tỷ lệ ly hôn tăng không ngừng. Nhưng ở Mỹ thì tỷ lệ ly hôn đã đến giới hạn, không còn tiếp tục tăng nữa.
Tôi nghĩ đó là do thanh niên Mỹ đã rút ra được quá nhiều bài học tiêu cực từ ly dị, họ trở nên thận trọng khi xử lý việc hôn nhân. So với nhiều nam giới khác, tôi coi trọng bạn đời hơn. Điều đó liên quan tới hoàn cảnh gia đình.
Tôi cùng cha mẹ và các em mình có quan hệ rất khăng khít; khiến tôi rất coi trọng quan hệ với người trong nhà. Tôi chịu ảnh hưởng mạnh của cha tôi.
Hồi ấy những người cùng đi du học nước ngoài với cha tôi khi về TQ thường hay bỏ vợ. Cha tôi không làm thế; ông có thái độ gánh chịu trách nhiệm với gia đình. Có lẽ cái gien ấy đã lưu lại trên người tôi. Đời sống của cha mẹ tôi khi về già đã chứng minh quyết định của cha tôi là sáng suốt.
Tiên sinh Hồ Thích (**) thì khác. Trước khi du học nước ngoài, ông mới đính hôn mà chưa cưới. Chỉ vì không dám đi ngược ý muốn của mẹ mà ông đành lấy bà Giang Đông Tú ông vốn không có cảm tình. Ông có nhiều bạn gái; về sau tuy có ngoại tình nhưng không dám ly dị vợ. Đời sống vợ chồng của ông không vui vẻ. Tôi có đến thăm nhà ông ở New York, bà vợ ông suốt ngày chơi mạt chược.
Nguyên Hải
Ghi chú:
1. Claire Lee Chennault (1890-1958), người chỉ huy Phi đội Hổ Bay gồm các phi công tình nguyện Mỹ giúp TQ kháng chiến chống Nhật hồi thập niên 40, lập chiến công lừng lẫy; được người Mỹ chọn là một trong hai tướng Mỹ nổi tiếng nhất trong đại chiến II.
2. Hồ Thích (1891-1962), người An Huy, năm 1910 du học Mỹ, học trò triết gia chủ nghĩa thực dụng Dewey. Về dạy ĐH Bắc Kinh, đề xướng cải cách văn học, rất có ảnh hưởng ở TQ. Từng làm đại sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Mỹ. Sau 1949 sống ở Đài Loan.