Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Phạm Thị Anh Nga
PC
#1 Posted : Sunday, October 19, 2008 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
PC
#2 Posted : Sunday, October 19, 2008 7:58:10 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Một thuở Paris

* gởi hương hồn bạn cũ

Tôi qua đến Pháp ngày hôm trước thì hôm sau ba tôi mất. Cái tin khủng khiếp đó đối với tôi vẫn không đột ngột chút nào, bởi từ những ngày hè về thăm nhà, tôi đã biết trước ba tôi sẽ sớm ra đi.

Tháng sáu, khi các thực tập sinh Việt Nam bắt đầu thu xếp hành lý để trở về quê nhà, tôi vẫn còn bộn bề với các trang bản thảo cuốn sách đang biên soạn. Công việc dự định hoàn thành vào thời điểm đó vẫn chưa đâu vào đâu. Trong nhóm cùng biên soạn có hai người Việt Nam, thì người kia đã quyết định không tiếp tục công việc nữa. Thời gian sống xa nhà với ông ấy như thế là quá đủ, thêm vào đó, những bất đồng nhỏ nhặt nhưng liên tục diễn ra giữa Tây và Ta khiến ông trở nên cay đắng, chán chường, mệt mỏi, đi đến thái độ dứt khoát : về hẳn, khi thời gian hợp đồng vừa chấm dứt. Tôi mím môi ở lại, ký tiếp mấy tháng hợp đồng, tiếp tục đương đầu với thử thách, bởi không đành lòng khi đứa con tinh thần bấy lâu thai nghén vẫn chưa sẵn sàng cất tiếng khóc chào đời. Tôi hơi nản lòng vì người bạn đồng hành đứng tuổi mà tôi hằng kính trọng, thương mến, đã đành đoạn bỏ tôi giữa dòng. Tôi giận ông, giận người đồng nghiệp mà tôi vẫn tôn kính gọi là Thầy, mà tôi luôn thân thương xem như bố, như anh. Giận đến ứa nước mắt mà không nói năng gì được nữa, sau khi cố hết sức thuyết phục ông ở lại. Phải đến lúc chỉ còn vài ngày nữa là ông trở về Việt Nam thì chẳng hiểu vì sao một hôm ông đột ngột ngã sóng soài trên nền nhà, bất tỉnh, tôi nghe tin vội vã đến thăm, mới cảm thấy nguôi đi phần nào giận hờn.

Thời gian tôi sống ở đất người vậy là kéo dài thêm vài tháng. Mùa hè, Trung tâm nơi tôi đang làm việc theo thông lệ sẽ đóng cửa vào tháng tám, đến đầu tháng chín mới mở cửa hoạt động trở lại. Tôi nhen nhúm ý định về thăm nhà. Anh tôi và cả gia đình chị tôi ở nước ngoài hết sức can ngăn vì số tiền phải tự chi ra cho hai chuyến máy bay quá lớn, mà cuộc sống của tôi lại không dư dã gì, nhưng tôi đã nhất quyết. Ruột gan cồn cào không chịu nổi. Không chỉ do cảm giác cô độc, thiếu vắng, nỗi nhớ chồng con, gia đình, quê hương xứ sở, nhưng còn vì cái gì thôi thúc nữa thì thật tình tôi chẳng hiểu. Tôi tẩn mẩn tính giá vé máy bay và số tiền ít ỏi sẽ nhận được hàng tháng ở xứ người, tức là những tháng học bổng, và quyết định mua vé khứ hồi để về nhà.

Về đến Sài gòn, tôi bay ngay ra Huế. Khi đến thăm ba mạ tôi, thoạt nhin thấy ba tôi hốc hác, yếu ớt trên giường bệnh, tôi chợt hiểu vì sao tôi đã nóng ruột muốn về đến thế. Ba tôi trở bệnh đã vài tháng. Tuổi già và căn bệnh phổi quái ác vẫn không buông tha ông, và ông muốn đấu tranh cho đến cùng với số mạng, khi quyết tâm uống thuốc với liều lượng cao. Nhưng chút sức khoẻ còn lại không đủ giúp ông chịu nổi thử thách, và thế là ông đột quỵ. Cả nhà không ai dám báo tin cho tôi, vì ông cấm tiệt chuyện đó, để tôi được an tâm ở nơi xa. Thư từ gửi qua chỉ mơ hồ cho biết ba tôi trở bệnh, không được khoẻ. May mà tôi đã về. Và khi đến bên chiếc giường nơi ông đang nằm, nghe ông thều thào hỏi han, dặn dò, tôi đã hiểu đó là những ngày cuối của ông. Hoặc là ba tôi sẽ rời bỏ cuộc đời này trước khi tôi trở sang Pháp, hoặc là tôi sẽ ra đi một hai hôm trước ngày ông nhắm mắt.

Tôi dành trọn thời gian về thăm nhà cho ba tôi. Mạ tôi bị bệnh liệt giường từ nhiều năm nay, nhưng ít ra tình trạng của bà cũng không có gì nguy cấp. Nói là dành trọn thời gian cho ba tôi, nhưng thật ra, những công việc chăm nom cực nhọc nhất đã có các em tôi thay nhau lo chu toàn, tôi chỉ còn nhiệm vụ mỗi ngày đến ngồi bên ông, trả lời các câu ông hỏi, và nghe ông dặn dò. Và hơn ai hết, tôi hiểu đó là những lời cuối. Vì vậy suốt thời gian đó tôi không đi đâu khác, người duy nhất tôi ghé đến thăm là cô bạn đồng nghiệp cũng đang lâm bệnh nặng, bệnh viện ở Huế và Hà Nội đều đã bó tay. Tôi năn nỉ gia đình tìm mọi cách đưa ba tôi nhập viện để cố gắng còn nước còn tát. Nhưng mọi nỗ lực chẳng đi đến đâu, khi cuối cùng ở bệnh viện, sau khi khám nghiệm kỹ càng, các bác sĩ đã lắc đầu khuyên chúng tôi nên đưa ba tôi về nhà. Tôi rời Huế với nỗi lòng đầy trĩu nước mắt.

Khi tôi qua đến sân bay Charles de Gaulle, anh tôi ra đón, khốn khổ vì phải liên tục điện thoại từ sân bay về nhà bệnh nhân để lùi dần các cuộc hẹn do máy bay thông báo đến trễ. Anh tôi là bác sĩ nha khoa có phòng khám chữa răng ở vùng ngoại ô Paris. Nhưng nhìn thấy tôi bước ra, mặt mày thất thần và nước mắt đầm đìa, anh tôi đã không một lời trách móc. Trên đường đưa tôi về cư xá, anh chỉ nhỏ nhẹ nói : Dù sao em cũng đã về thăm được ba ... Tôi không nói gì, chỉ biết khóc, và càng khóc to hơn. Không nhắc, nhưng chắc anh nhớ tôi đã quyết tâm thế nào khi đòi về thăm nhà. Chắc anh cũng nhớ đã đến ngày tôi hết phép, phải trở lại công việc ở Paris. Và vé máy bay, nếu hồi lại một vài ngày, thì sẽ phải trả thêm một khoản tiền chênh lệch không nhỏ, điều mà vào thời điểm khó khăn của những năm đó tôi không tự cho phép mình làm thêm nữa, sau khi bấm bụng mua vé khứ hồi về thăm nhà.

Tin ba tôi mất, tôi nhận được đúng ngày hôm sau. Chị tôi điện thoại từ Anh sang, sau cú điện thoại của em kế tôi gọi từ Huế. Tôi run rẫy lắng nghe những nội dung đã biết trước. Mọi việc diễn tiến đúng như dự trù, đúng như dự đoán. Chỉ không biết chính xác sẽ là ngày nào giờ nào. Thì đây, giờ thì tôi đã biết. Nhưng tại sao mọi thứ cứ chao đảo thế này, tại sao tôi không còn biết mình phải làm cái gì nữa thế này.

Từ hành lang cư xá nơi đặt máy điện thoại chung cho cả dãy phòng, tôi trở về phòng mình. Theo linh cảm tôi mường tượng hiểu ra vì thương tôi nên ba tôi đã cố tình đợi tôi qua đến nơi mới an tâm ra đi. Chỉ mới hôm kia đây thôi, từ Sài gòn gọi điện thoại về Huế, tôi còn nói chuyện được với ba tôi, và ông hỏi : Không phải là con qua đến Pháp rồi à ? Tôi đã trả lời : Dạ chưa, con đang ở Sài gòn, mai mới qua lại Pháp. Ba tôi còn dặn dò : Ừ, con đi mạnh giỏi, nhớ giữ gìn sức khoẻ. Tôi cũng nói : Ba ơi, ba ở nhà cũng cố gắng cho được mạnh khoẻ nghe ba. Miệng thì nói vậy, nhưng tôi biết mình không nói thật suy nghĩ của mình. Câu ba tôi dặn tôi giữ gìn sức khoẻ cũng là lời cuối ông dành cho tôi. Và bây giờ, tôi đã qua đến Pháp, không còn có thể dùng dằng nửa ở nửa đi nữa, không thể vì chữ hiếu, vì "nghĩa tử là nghĩa tận" mà nấn ná, tần ngần, khiến lở dở công việc, thì ba tôi mới an lòng mà nhắm mắt.

Tôi ngồi thừ người rất lâu như thế. Những hạt nước mắt tức bờ đã khiến mọi vật quanh tôi như xoay tròn, lung linh, nhạt nhoà hư ảo. Lâu lắm, tôi mới đi tìm một mảnh vải trắng, lục lọi kiếm nén hương, cái cốc, nhúm gạo, để lặng lẽ bắt đầu cho cái tang lớn nhất của đời mình.

Hôm đó, nhiều lần tôi có cảm giác có người đang gọi cửa, nhưng thử ra nhìn thì chẳng thấy ai. Rồi tôi bỗng cảm thấy lạnh ở sống lưng. Có phải hồn ba tôi đang thấp thoáng ở ngoài kia, qua làn hương khói mong manh hư ảo, để thực hiện chuyến phiêu du trên quê hương của Victor Hugo, của Napoléon Bonaparte, của Cách Mạng 1789, điều mà ngày còn sống ba tôi đã từng ước mơ nhưng chưa một lần thoả nguyện ?

* * *

Tôi gặp Vinh ở Trung tâm, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc, và những thanh âm líu ríu từ sân trước vọng vào thật quen khiến tôi ngước nhìn ra. Tôi nhận ra ngay, bên cạnh những đám cây bắt đầu rụng lá trồng dọc lối đi men sát bờ thành, có một nhóm người Việt Nam. Họ đang rạng rỡ vui đùa, cười nói. Có lẽ là những thực tập sinh năm nay mới qua. Và tôi nhận ra một vài khuôn mặt quen, trong đó có Vinh.

Tôi đã khóc khi Vinh kể về những ngày tang lễ của ba tôi ở nhà, trong khi tôi đang ở xa. Một ông cụ già nua, không chức vụ, quyền bính, chưa hề được phong tặng một danh hiệu, chức danh cao quý nào, nhưng để đến thắp hương tiễn đưa ông khi ông nhắm mắt thì học trò nhiều thế hệ, các đồng nghiệp, bạn bè... đã phải đến từ sớm và xếp hàng thật dài đợi đến lượt mình.

Đúng hôm năm mươi ngày mất của ba tôi, cái cốc đổ đầy gạo tôi dùng làm bát hương trên bàn thờ đã đầy cứng chân hương. Tôi vẫn đều đặn thắp huơng cho ba tôi ngày hai lần, mỗi sáng sớm và chiều tối. Buổi sáng, tôi nấu nước sôi pha trà, rót cúng và thầm thì khấn vái. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi cầu nguyện lâu hơn, như để tâm sự, tỉ tê với ba tôi về những vui buồn, những cay cực của tháng ngày xa xứ khó lòng kể lể qua thư gởi về nhà. Lọ hoa đặt trên bàn thờ hầu như lúc nào cũng có hoa tươi, thường là hoa cúc trắng, thỉnh thoảng lại có những cánh hoa màu tím thẫm. Và một dĩa nhỏ trái cây nhiều màu. Dường như từ trong ảnh thờ có lúc ba tôi đã mỉm cười mãn nguyện, chiếc ảnh thờ có hình chân dung ba tôi trích từ ảnh cưới ngày nào của tôi và phóng to, đặt trong khung ảnh tôi vừa mang từ nhà sang. Khung ảnh tưởng chỉ mang sang để trang trí phòng ở, đã được sử dụng vào một việc hết sức thiêng liêng và đặc biệt, như thể mọi việc đã được xếp đặt đâu từ trước. Tôi chuẩn bị mâm cơm cúng, và mời các bạn bè từng là học trò của ba tôi đến dự. Tôi không làm cơm chay, bởi tôi nhớ ngày còn sống, ba tôi chẳng đã từng nói với chúng tôi, nửa đùa nửa thật : Ba thuộc loại thú ăn thịt, không phải là thú ăn cỏ. Khi nào ba mất, cúng cơm cho ba thì đừng quên... Ăn toàn rau ngán lắm, không hợp với tạng của ba.

Học trò cũ của ba tôi đến dự đông đủ. Họ đã lần lượt thắp hương trước bàn thờ. Những làn khói mỏng, hoà quyện lấy nhau trong căn phòng nhỏ khiến tôi thấy ấm lòng, với cảm giác phần nào được chia sẻ trong nỗi đau mất mát quá lớn đang phải âm thầm nhận chịu một mình trên xứ người.

* * *

Tôi theo Vinh đi dạo vườn hoa Luxembourg, kịp đón mùa thu với biết bao các kiểu sắc màu của lá vàng, ở các cành cây hay trên các thảm lá, từ vàng non, vàng tươi đến vàng thẫm, vàng nâu, vàng úa, thôi thì đủ các dạng vàng. Tổng hợp tất cả các sắc thái vàng đó tạo nên một cảm giác gì đó buồn buồn, sâu lắng, nhưng nó cũng đồng thời mang một vẻ đẹp quyền uy, cao sang, rực rỡ. Tôi lịm người đi trước sức quyến rũ của mùa thu Paris, rùng mình như vừa bừng tỉnh. Quanh tôi, cuộc sống muôn màu vẫn đang diễn ra từng giờ, từng phút, trưng bày mọi góc cạnh riêng của nó, từ êm ả dịu dàng đến tưng bừng nhộn nhịp. Mọi người chung quanh vẫn đang vui hay đang buồn, đang rộn ràng hay đang ưu tư, nhưng tất cả bọn họ đều đang thật sự sống. Duy chỉ có tôi là vẫn chìm ngập trong khói hương, vẫn đăm chiêu xa vắng. Vinh nói, đầy vẻ quyền uy và thân thuộc, về ba tôi và cuộc sống hiện tại của tôi, khiến tôi bỗng chau mày. Đã đành anh là học trò cũ của ba tôi, cũng có thể là bạn tôi, nhưng... Tôi mơ hồ cảm thấy có cái gì đó không thật bình thường.

Nhưng tôi vẫn hồn nhiên nhận những chăm sóc nhỏ của Vinh, cố không nghĩ ngợi sâu xa thêm để khỏi mệt đầu. Tôi cũng dần quen thêm với các bạn Việt Nam mới qua, và tìm cách hoà mình trong những vui buồn của họ. Một đôi khi tôi còn cảm thấy mình có ích, vui khi ai đó cần ở tôi một lời khuyên, một kinh nghiệm nhỏ trong bước đầu xa xứ. Hay thậm chí cần sợi chỉ, cây kim găm, cái soong, lon gạo hay ít muối, nhúm đường, chút mì chính, nước mắm... Rõ ràng sự hiện diện đa chiều của họ đã giúp tôi tự giải toả phần nào khỏi những ý tưởng nặng nề, u ám. Hơn nữa, trong nhóm còn có những người tôi quen từ trước : Thu, bạn cùng lớp của tôi thời học Đại học, và Lan, sinh viên cũ của tôi.

Tôi cũng nhận được một cái thư ngắn của Ngân, thuộc nhóm thực tập sinh năm ngoái, đã về nhà hồi hè. Trong thư Ngân bàng bạc những nuối tiếc, vì như Ngân giải thích, "ở bên kia sao cứ lóng ngóng mong về, không biết tận dụng cơ hội để mở mang tầm nhìn, vui chơi thoả thích, giờ về nhà mới nhớ tiếc". Ngân dặn tôi lưu ý giúp đỡ Quý, là người cầm thư của Ngân sang cho tôi. "Quý như một người anh cả của bọn Ngân, hiền lành tốt bụng, dù ít nói. Chắc Nghi sẽ nhận ra anh ấy cần giúp đỡ cái gì..." Tôi cố nhớ người vừa đưa cho mình cái thư, cố hết sức vận dụng trí nhớ, bởi anh đã không tạo cho tôi ấn tượng nào đáng kể khi tiếp xúc. Lúc nãy hình như anh lầm bầm gì đó tôi nghe không rõ, chỉ nhớ loáng thoáng vì anh nói cứ lắp ba lắp bắp. Nhưng qua những gì nghe được, tôi hiểu anh mang thư Ngân cho tôi, và vì trước đây chưa biết tôi là ai nên mãi đến hôm ấy anh mới hỏi ra để đưa thư. Về sau, quen thân nhau, anh giải thích : Tui cứ tưởng Nghi phải là một cái bà nào quan trọng lắm. Gặp Nghi gần như mỗi ngày, mà tui không nghĩ đó là người cần tìm gặp. Tôi hỏi Quý : Vậy hồi đó anh thấy Nghi như thế nào ? Anh cười, nói lững lơ bằng tiếng Pháp, cứ như anh đang tự nói với anh chứ không phải trả lời câu tôi hỏi : Ce petit bout de femme... Và rồi tôi hiểu điều Ngân dặn tôi về Quý khi nhìn ra cánh tay trái của anh buông thỏng, vô hồn, ngắn hơn tay phải đến gần một tấc.

* * *

Tôi vẫn vùi đầu vào công việc, trong khi mùa đông với cái lạnh buốt cóng và bầu trời xám xịt đã dần dần thay chỗ cho mùa thu úa vàng nhưng êm đềm thơ mộng.

Dù biết rõ những tháng ngày kéo dài thêm sẽ là thời gian cuối cùng của mình ở Paris, tôi vẫn cố gạt khỏi đầu mọi ý tưởng vui chơi vì công việc càng về sau càng hết sức căng thẳng. Trách nhiệm thì trĩu nặng hai vai, và những điều kiện khách quan lại có vẻ chẳng thuận lợi chút nào. Tôi không nghĩ sẽ có ngày tôi phải đối đầu với ngần ấy mối lo và những quan hệ khó xử đến nhường ấy giữa người và người. Sau hè, đội ngũ biên soạn có nhiều thay đổi, ngoài người đồng nghiệp đứng tuổi đã về hẳn Việt Nam, một người khác là đồng sự chính của tôi, một anh chàng người Pháp, thông thái, lịch thiệp, dễ thương, cũng chuyển đi công tác dài ngày ở Đài Loan. Nhóm được bổ sung về nhân sự khi ở Trung tâm xuất hiện một cô nàng người Pháp tóc đen, bố Pháp mẹ Việt Nam, trạc năm mươi tuổi, tính tình sáng nắng chiều mưa và không hề hài lòng chút nào về những gì đã được cả nhóm thực hiện trước khi cô nàng xuất hiện, và cô tỏ ý muốn thay đổi tất cả. Nói là nhóm, nhưng trước nay hầu như lúc nào cũng chỉ có ba người thường xuyên làm việc, và bây giờ thì chỉ còn mình tôi với nhân vật mới đến. Tôi vuốt giận, vừa cố bảo vệ cho thành quả của những người vắng mặt và của cả tôi, vừa ra sức thuyết phục người thành viên mới của nhóm, người mà từ nay, theo sự phân công mới, sẽ là "người đỡ đầu" của tôi trong công việc ở Trung tâm.

Nhưng mối quan hệ oái oăm trong công việc đó không khiến tôi khốn khổ cho bằng những quan hệ tinh tế khác gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Ở Trung tâm cũng như ở cư xá, càng ngày Vinh càng tỏ ra chăm sóc tôi nhiều hơn, nhưng chỉ trong những lúc không có ai khác, và anh không giấu được nỗi bực dọc khi tôi hồn nhiên kể cho Thu nghe những điều đó. Còn hơn thế nữa, Vinh tự xem có cái quyền đến phòng tôi bất cứ lúc nào để thắp hương cho ba tôi là thầy giáo cũ của Vinh. Trước mặt bao nhiêu người khác, không bao giờ anh có biểu hiện gì lạ, nhưng vừa tách khỏi đám đông là Vinh tìm gặp tôi ngay, thường là để trách móc, căn vặn về những điều không biết tưởng tượng hay moi móc từ đâu ra, mà tôi không tài nào lường trước được. Tại sao thế này, tại sao không thế kia... luôn là những câu hỏi Vinh cay cú bắt tôi phải giải thích khi không có ai khác, trong lúc tôi vẫn còn ngạc nhiên tự hỏi với tư cách gì mà anh truy hỏi tôi gắt gao và cay cú như thế.

Quan hệ giữa Vinh và tôi ngày càng xấu đi. Một hôm Vinh nói gần như khóc rằng anh thương tôi, tại sao tôi cố tình làm như không biết. Tôi lặng lẽ gỡ tay Vinh ra bởi anh nắm chặt tay tôi không chịu buông, và khẻ thở dài. Hoàn cảnh sống xa nhà lâu ngày khiến con người dễ dàng hụt hẫng, tìm cách bám víu vào nhau và từ đó nẩy sinh những tình cảm trái mùa, điều đó tôi rất hiểu. Nhưng tôi không muốn nhìn thấy Vinh vì tôi mà vướng vào những sợi tơ quái ác đã từng quấn chằng chịt những người Việt Nam xa xứ những năm trước, và rồi chính Vinh cũng sẽ lặp lại những gì mà tôi đã tuần tự chứng kiến trước đây. Tôi muốn tìm cách cứu Vinh thoát khỏi ma trận đó, nhưng càng cố cứu anh thì anh càng tỏ ra hung hãn, càng làm liều.

Giữa tháng mười hai, Quý gửi giấy đến từng thành viên trong nhóm thực tập sinh để mời dự buổi khai trương triển lãm tranh của anh. Triển lãm tranh... Rõ ràng Quý đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thu kể với tôi, khi Quý tận tay mang giấy mời đến cho tôi, là Quý đã mất gần cả đêm trắng để bỏ giấy mời vào từng phong bì, với cái tay duy nhất lành lặn. Tôi nhìn Quý. Anh cười hiền hoà, và tôi bỗng tự thẹn. Dường như những gì tôi phải nhận chịu lâu nay và cho là khốn khổ không gì bằng đó vẫn quá vô nghĩa so với những thiệt thòi mà Quý vẫn âm thầm, vui vẻ và dũng cảm đối đầu trong cuộc sống. Sự cảm phục đó lại càng nhân lên gấp bội hôm tôi may mắn được chứng kiến niềm đam mê của Quý trước những khung vải, những toan màu ở gian trưng bày tranh của Trung tâm văn hoá Pháp-Việt, phố Rue des Écoles, một tuần trước ngày khai trương triển lãm. Hôm đó cả nhóm chúng tôi được tổ chức đi tham quan Bảo tàng Trung cổ Cluny. Ở bảo tàng bước ra, Quý rủ tôi cùng đến chỗ chuẩn bị triển lãm. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn vui vẻ đồng ý. Không ngờ hôm đó tôi đã bấm được nhiều bức ảnh tuyệt đẹp, khi theo anh vào gian phòng ngổn ngang những khung, những giá, những tranh. Tôi lẻo đẻo theo anh như một đứa bé lần đầu được theo mẹ ra phố, cứ lần theo những bước chân của mẹ để khám phá một thế giới mới đang dần mở ra. Chỉ có một tấm ảnh duy nhất là tôi đề nghị Quý ngồi bên bức tranh yêu thích nhất của anh để chụp (và Quý đã "tham lam" ngồi giữa hai bức tranh, vì cả hai bức ấy Quý đều rất ưng ý), còn tất cả các tấm ảnh khác đều do tôi tình cờ "chộp" khi anh đang mải mê trong thế giới tranh của mình. Những bức ảnh rất có "thần" mà về sau Quý thường mang ra ngắm nghía với vẻ hài lòng.

Nếu với Vinh, ngôn từ ngày càng là phương tiện để trách móc, giận dỗi thì với Quý, ngôn từ không đóng vai trò nào đặc biệt, thậm chí nó thường thừa thãi bởi chúng tôi gần như không nói gì với nhau. Ngoài tính thâm trầm ít lời, còn một lý do khác khiến Quý cười nhiều hơn là nói, lý do này mãi về sau tôi mới biết. Quý sinh trưởng ở Miên, dù ba mẹ của anh đều là người Việt Nam. Ngôn ngữ đầu tiên anh tiếp xúc thời thơ ấu là tiếng Miên và sau đó là tiếng Pháp, mãi đến khi về Việt Nam anh mới thật sự làm quen với tiếng Việt. Cũng vì vậy, trong câu chuyện giữa tôi và Quý, ngôn ngữ thường dùng là tiếng Pháp. Anh sử dụng tiếng Pháp tự nhiên, gọn ghẽ, mỗi âm phát ra đều rõ và hay, không điệu bộ mà vẫn duyên dáng, ấn tượng, khác hẳn với tiếng Việt của Anh, nếu không xen lẫn vài từ tiếng Pháp thì cũng ậm ừ hay lắp bắp, nghe thật buồn cười.

* * *

Cách vài ngày trước hôm kỷ niệm một trăm ngày mất của ba tôi, Vinh đi tham quan ở một tỉnh xa. Trước khi đi, anh khẩn khoản đề nghị tôi dời ngày cúng để anh kịp về dự, nhưng tôi ngần ngại bởi thật tình cờ và may mắn nó lại rơi đúng vào một ngày chủ nhật, rất thuận tiện để bạn bè của tôi và học trò cũ của ba tôi dễ dàng đến dự. Sau đó ít ngày, tôi lại có hẹn đi thăm cô bạn thân ở Thuỵ sĩ. Tôi hứa sẽ gửi lại chìa khoá phòng để Vinh có thể đến thắp hương cho ba tôi vì anh tỏ ra quá tha thiết với việc thắp hương cho ông thầy đã khuất. Nhưng Vinh không hài lòng. Không có Nghi thì anh đến thắp hương làm gì, Vinh nói với giọng hờn dỗi. Cuối cùng, tôi vẫn tổ chức một trăm ngày mất của ba tôi đúng ngày và mời thêm Quý. Quý đến, lặng lẽ nhìn những người khác thắp hương. Riêng anh chỉ đứng im lặng, đôi mắt vô hồn ngước lên nhìn bức ảnh của ba tôi. Ít hôm sau, tôi đi Thuỵ sĩ, không gửi lại chìa khoá phòng. Tôi biết Vinh sẽ rất bực, nhưng tôi không thể cứ mãi chiều theo những yêu sách vô lý của Vinh.

Từ hôm ở Thuỵ sĩ về, tôi tránh Vinh, và càng tránh thì anh càng khó chịu những lúc tìm gặp tôi. Tâm trạng thất thường của anh làm tôi thấy thương nhưng đồng thời cũng khiến tôi không tài nào chịu nổi. Một hôm, trên đường đi làm về, tôi ghé đến anh có chút việc. Trông anh tội nghiệp như một con mèo ốm. Nhưng tôi đã không kịp phản ứng khi anh cầm tay tôi, ôm vai tôi, và suýt nữa là ôm chầm lấy tôi. Tôi hoảng hồn chạy ra cửa. Anh cố níu tôi lại, van nài những gì tôi cũng không hiểu. Bằng tất cả sức mạnh của hai tay, tôi bật cửa và vùng thoát ra ngoài. Người tôi run lên, một cảm giác hừng hực lửa dấy lên trong tôi như viên pháo vừa được châm ngòi, sắp nổ tung. Tôi chạy dọc theo hành lang, và ngừng lại trước phòng của Quý, gõ mạnh cửa.

Quý bình thản mời tôi ngồi, khép cửa và tiếp tục phết bơ và mứt lên lát bánh mì biscotte đặt trên bàn, khi tôi run rẫy kể lại những gì vừa xảy ra. Có thể Quý chỉ hiểu lờ mờ vì tôi run đến độ nói chữ được chữ mất. Nhưng anh chỉ hỏi : Có ăn không, và đưa cho tôi lát bánh vừa phết xong bơ và mứt. Rồi anh nói : Đừng lo, chẳng có gì đáng sợ đâu. Tôi khóc. Và cứ thế, Quý cứ tiếp tục phết bơ và mứt vào bánh, nhai lạo rạo, và tôi cứ ngồi tấm tức khóc. Một lúc, Quý bảo : Thôi khóc vậy đủ rồi, ăn đi không lại đói. Như một đứa trẻ con, tôi cầm lát bánh, bắt đầu ăn.

Từ đó chúng tôi không rời nhau nữa.

* * *

Trong cuốn sổ tay của Quý có ảnh một cô gái trẻ, xinh xắn, lưng tựa vào thành một chiếc cầu và miệng cười chúm chím. Quý giải thích : Ma petite amie, nhưng đang kẹt... Tôi đoán chừng cô gái ấy đã có gia đình, nhưng không tiện hỏi. Điều đó không ảnh hưởng gì đến tình thân giữa Quý và tôi, cũng như việc tôi đã có chồng con ở bên nhà. Quý và tôi quen và thân nhau hoàn toàn trong sáng. Chính Vinh đã đẩy tôi vào cái thế phải tìm lấy một chỗ dựa vững chắc, một vệ sĩ đáng tin, sẵn sàng mọi nơi mọi lúc giang tay che chở cho tôi, mặc dù đó chỉ là cánh tay mạnh khoẻ duy nhất còn lại của anh.

Chúng tôi thân với nhau, hồn nhiên và nghịch ngợm như hai tên bạn trai thực sự thương mến nhau. Buổi chiều, tôi thường về muộn hơn Quý, nhưng chúng tôi hẹn nhau để cùng đi xem phim ngoài phố. Đó là những giây phút nghỉ ngơi vô cùng lý thú : chúng tôi đón métro, chui lên trạm Pasteur hay Montparnasse-Bienvenue, đi một vòng xem có phim gì hay không, rồi nếu chưa tìm thấy phim nào vừa ý thì lại chui xuống métro đi tìm tiếp. Thú nhất là xem phim ở đại lộ Champs-Élysées. Ở đại lộ lớn nhất Paris đó, mọi thứ đều đắt hơn nơi khác, duy chỉ có vé xem phim là đồng một giá khắp nơi. Chúng tôi tận hưởng niềm vui nhỏ đó khi cùng nhau chui vào một rạp chiếu bóng nào đó ở Champs-Élysées, ngồi gặm bánh mì kẹp xúc xích hay dăm bông và uống nước khoáng Évian, trong bóng tối lờ nhờ của rạp.

Đặc biệt một hôm về đến cư xá đã gần nửa đêm, Quý la lên khi vừa đến trước phòng anh : Chìa khoá phòng của tui đâu mất... Tôi đang đi về phòng mình liền dừng lại, ngoái nhìn lui. Quý nói với giọng đau khổ : Nghi đã dặn bao nhiêu lần, tui vẫn không nhớ... Anh lục lọi khắp các túi rồi lắc đầu : Có lẽ rơi trong rạp lúc nãy. Nhìn thấy nét mặt đầy vẻ nhận lỗi của Quý tôi không nỡ trách anh. Tôi nhìn đồng hồ. Còn bốn mươi lăm phút nữa là hết métro. Và quyết định : Đi. Quý ngơ ngác : Đi đâu ? Tôi nói : Trở lại rạp, hy vọng còn kịp. Quý ngần ngừ nhưng cũng theo tôi. Chúng tôi chạy ra bến métro, bươn nhanh trong đêm mặc cho gió lạnh quất vào mặt, đón métro quay trở ngược con đường cũ và đến rạp chiếu bóng. Tôi chẳng còn nhớ hôm đó chiếu phim gì, hình như Pulp fiction, một phim Mỹ có nhiều tiếng súng, và có một tiếng động bất ngờ vang lên từ chiếc máy nướng bánh mì khiến nhân vật chính giật mình bóp cò, may mà chẳng trúng ai... Chúng tôi cố gắng giải thích với người gác rạp về lý do chúng tôi muốn vào trong rạp giữa lúc đang chiếu xuất cuối, nhưng anh ta có vẻ bất cần lý do, khoát tay ra hiệu cho chúng tôi vào. Phòng chiếu tối om. Quý và tôi hơi chùn bước, lò mò đi trong đêm tối. Một lúc Quý nói : Nghi đến đó chắc tiện hơn tui, Nghi là đàn bà con gái, không ai nỡ... Tôi sờ soạng đi trong bóng tối, lom khom cố tiến đến gần hàng ghế lúc nãy tôi và Quý ngồi. Có tiếng ai đó hỏi : Vous cherchez quelque chose ? (Anh chị tìm gì phải không ?) Tôi trả lời tôi tìm cái chìa khoá. Cũng tiếng nói đó : Có phải cái này không ? Không thể tin được. Trong bóng tối lờ nhờ người phụ nữ đưa cho tôi chiếc chìa khoá, và tôi nhận ra kích cở và hình dạng quen quen của chìa khoá cư xá, cũng như miếng nhựa dùng để ghi số phòng. Tôi rối rít cám ơn, cố không va vào những người đang ngồi trên cả lối đi và bò dần ra phía sau, gọi Quý. Ra đến bên ngoài, tôi mới vênh mặt kể cho Quý nghe thành tích của mình, và chúng tôi kịp đón chuyến métro cuối để về cư xá. Tôi nói đùa lâu nay tôi đã quá phục Quý, thì ít ra cũng phải có một chút gì ở tôi để Quý "phục" lại chứ. Quý chỉ cười. Và quả thật, nhiều tháng sau, Quý vẫn còn cảm động khi nhắc lại câu chuyện khó tin đó.

Nhưng có một người không hề vui chút nào khi tôi được vui như thế, đó là Vinh. Những lần tôi đi chơi tối về, hôm sau thể nào Vinh cũng gặp tôi để trách móc. Vinh nói : Nghi về lúc nào, anh biết lúc ấy. Ngày Nghi đi Thuỵ sĩ về, anh là người biết đầu tiên. Nghi đi chơi về mấy giờ, anh đều biết... Mỗi bước chân Nghi đi, cứ như nện lên đầu anh. Tôi biết làm sao được, khi phòng của tôi ở tầng trên, và lại ngay trên phòng anh, sàn nhà lại bằng gỗ. Có nhẹ bước thế nào Vinh cũng không hài lòng. Không lẽ tôi phải dọn phòng đi nơi khác. Anh không thể không nghĩ đến Nghi được. Ngày cũng như đêm... Tôi tự nhủ vậy là chẳng còn gì để nói và từ nay có lẽ tôi sẽ không thể gặp Vinh nữa. Mặc anh luôn tìm cách phân trần, giải thích.

Một hôm tôi sốt cao, trong khi Quý đi Hà Lan cùng vài người bạn chưa về. Tôi nằm lì trong phòng, sau khi điện thoại đến Trung tâm xin nghỉ. Ba ngày nằm vùi, may có Thu và Lan thay nhau đến nấu cho tôi nhúm cháo, và khoấy sữa cho tôi uống. Thuốc kháng sinh và giảm sốt mang từ nhà qua đã uống nhưng vẫn không đâu vào đâu. Thu đè tôi ra cạo gió, la oai oái vì gió lên thành những vệt vằn vện đỏ thẫm cả lưng. Nhưng sốt vẫn không dứt, thậm chí còn cao hơn vì tôi mê man, đầu óc lùng bùng và bắt đầu mộng mị. Quý về đúng lúc tôi đang vùi đầu trong chăn khóc. Khói hương thôi không bay trong phòng tôi đã hai ngày, các tách trà trên bàn thờ cũng khô cạn, đã nổi váng đục. Hoa cũng dần dần rủ tàn. Trái cây trong dĩa héo khô. Quý đến bên tôi, rót nước cho tôi uống và khoấy cho tôi cốc sữa, vẻ dỗ dành vì tôi đang tủi thân khóc nấc. Rồi thật bất ngờ và nhẹ nhàng anh hôn lên mắt tôi, và lên môi tôi. Tôi thiếp dần đi trong cảm giác êm ái dịu dàng đó.

Một đợt thuốc liều cao theo toa bác sĩ và cơn sốt lui dần. Khi tôi tỉnh dậy, cư xá vắng hoe, tưởng như cả thế giới đã rủ nhau đi đâu vắng hết thảy. Tôi lò mò với chai nước, uống một ngụm, và nhiều ngụm, vì cổ vô cùng đắng rát... Tôi lờ mờ nhớ lại những gì đã nếm trải trong mấy ngày qua, trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Trên đầu giường tôi là một bức tranh của Quý, bức tranh lớn với hai màu đỏ đen, và những nốt nhạc với đủ thứ hình thù li ti những núi đồi, mặt nước, vỏ ốc và hoa, Quý đặt tên là Jazz, không còn nhớ tôi đã treo ở đó lúc nào. Đã có điều gì xảy ra giữa Quý và tôi, và anh hiện đang ở đâu ?

Chiều tối, Quý ghé tôi, người còn ướt sũng vì cơn mưa chợt trút xuống bất ngờ trên đường từ Trung tâm về. Anh bình thản hỏi tôi : Tỉnh rồi hả ? Tôi cố cười, muốn nói một điều gì đó nhưng chẳng biết nói gì, và có muốn thì nói cũng không thành tiếng vì còn quá mệt. Quý lôi từ trong túi áo khoác ra quả cam, đặt trên bàn. Rồi anh đi.

Nhắm mắt, tôi lại hình dung ra Quý đang hôn tôi, nụ hôn thanh tân mật ngọt và cảm giác đê mê chạy dọc suốt sống lưng tôi khi tôi tưởng như đang bừng sống lại với từng cử chỉ dịu dàng đằm thắm của anh. Tôi hoảng hốt khi bắt gặp ở chính mình điều hình như đã xảy đến cho bao người, mà tôi từng cho mình là ngoại lệ. Nhưng mọi việc vẫn thực thực hư hư, nửa mộng mơ nửa sự thật. Đã có gì đâu mà tôi vội vàng hoảng hốt ? Nụ hôn dịu ngọt tưởng vẫn còn âm vang đó đã thực sự xảy ra chưa hay chỉ là kết quả mê sảng của cơn sốt bốn mươi ba độ vừa đi qua cơ thể và tâm trí tôi, tưởng có thể cướp mất sinh mạng của tôi và khiến tôi vẫn còn váng vất ? Tôi không biết tìm lời giải đáp ở đâu. Quý vẫn ân cần, nhưng ít nói, vẫn xưng hô lừng khừng là tui và Nghi. Nhưng tuyệt nhiên không có gì khác.

Ngoại trừ một điều : tôi đã nhạy cảm hơn với những khoảnh khắc buồn mà Quý thoáng để lộ ra. Thật lạ là ít khi Quý buồn, nhưng mỗi lúc có chuyện gì ưu tư là hình như anh tìm đến tôi hay có thể do một run rủi nào đó mà tôi lại là người chứng kiến. Hôm chuẩn bị tổ chức mừng Tết Việt Nam ở Trung tâm, Quý được phân công cùng với Đan chịu trách nhiệm trang trí phòng. Hai người cùng ra phố để mua giấy màu, nhưng khi về anh không được vui. Anh không kể gì nhiều, nhưng chỉ vài lời là tôi hiểu. Và sau đó, lúc tôi đang loay hoay thu dọn bàn ghế thì nghe Đan gọi anh đến để cùng bê cái bình hoa to ra đặt ở góc phòng. Anh đứng im, không trả lời, cũng không tỏ thái độ gì rõ rệt. Tôi chạy ngay lại, nói nhỏ với Đan : Để Nghi bưng với Đan. Tay anh Quý như vậy... Tôi cảm thấy từ sau lưng tôi cái nhìn của anh, hiền từ nhưng ấm áp. Một lúc sau, anh gọi tôi : Tui về cư xá, Nghi có cùng về hay không ? Tôi về cùng với anh. Suốt đường đi, không ai nói với ai lời nào. Nhưng tôi biết nỗi buồn đang thấm đẫm trong anh.

Rồi một hôm tôi bắt gặp Quý khóc. Có thể đó chẳng phải là những hạt nước mắt, mà chỉ do tôi tưởng tượng ra khi nhìn thấy ánh mắt anh long lanh những điều sâu kín bỗng dưng bộc bạch nên lời. Buổi trưa hôm đó, anh ghé tôi, nói chiều anh có hẹn, và sẽ về khuya. Có một người bạn của anh là bác sĩ hiện đang công tác tại một bệnh viện lớn ở Paris, muốn đề nghị anh đến để bệnh viện khám nghiệm cánh tay và bàn tay, để thử tìm cách phục hồi chúng. Có vẻ như trong anh bắt đầu loé lên một tia hy vọng về việc này, sau bao năm cam chịu sống với cánh tay và bàn tay tật nguyền. Anh bị mảnh pháo năm 1975, trong những ngày biến loạn ở Sài gòn, và vị bác sĩ đang chữa chạy cho anh đã đột ngột vượt biên, bỏ anh lại với cái tay ngày càng bại xuội, và những biến động sau đó trong buổi giao thời đã không cho phép anh tiếp tục chạy chữa như mong muốn.

Tối đó anh về muộn, và ngồi rất lâu chỉ để hỏi ý tôi có nên tiến hành phẫu thuật hay không. Hy vọng phục hồi là rất thấp, chi phí thì vô cùng cao, quá trình chữa chạy sẽ rất dài, rất tốn công tốn của. Tôi cũng ngồi thừ người như anh, không biết gì để có thể có ý kiến. Nhưng tôi tin tôi đã có thể phần nào chia sẻ với anh về nỗi niềm nhức nhối của hai mươi năm tật nguyền, hai mươi năm vui vẻ và dũng cảm đối đầu với thực tại và rồi trong một chốc, bỗng hoang mang với niềm hy vọng sẽ có thể đổi thay vận mạng.

Một tuần sau, tôi hỏi anh về việc chữa chạy đó thì anh cười, bình thản cười mà nói : Thôi đừng nhắc đến nữa. Và tôi không bao giờ còn nhắc đến câu chuyện đó của anh, nhưng mỗi lần đến rủ anh đi chơi hay đi xem phim, nhìn anh loay hoay buộc dây giày bằng bàn tay duy nhất lành lặn, tôi không khỏi chao lòng và thực sự muốn ứa nước mắt.

* * *

Công việc soạn thảo sách dẫu cam go nặng nề nhưng rốt cuộc cũng kết thúc khi những tháng cuối cùng của tôi cũng lần lượt trôi qua. Mãi đến khi chúng tôi chia tay nhau trước lúc tôi về quê nhà, và Quý còn hai tháng nữa trên xứ người, tôi vẫn còn tự hỏi những phút giây êm ái nửa thực nửa mơ giữa Quý và tôi đó có thật đã xảy ra hay không. Nhưng chẳng có dịp nào để tôi hỏi Quý, và có lẽ như vậy là tốt hơn cho cả hai chúng tôi. Cả đôi mắt sáng ngời của ba tôi từ trên bàn thờ nhân từ ngó xuống cũng không soi rọi cho tôi chút nào về câu hỏi tôi đau đáu tự đặt cho mình. Sau cơn sốt khiến tôi khó lòng phân biệt thực và mơ đó, thi thoảng tôi vẫn còn những giấc mơ khác, những giấc mơ hoang tưởng trong khuya khoắc. Và trong những giấc mơ về sau đó tôi nhìn thấy chúng tôi còn đi xa hơn trong tình cảm quyến luyến lẫn nhau, Quý đã tình hơn và tôi cũng đã tình hơn. Chúng tôi đã hồn nhiên đến với nhau bằng tình cảm thật sự quyến luyến nhưng lạ lùng thay vẫn vô cùng trong sáng. Trong sáng như những lần (những lần hoàn toàn có thật chứ không phải là trong giấc mơ) tôi ngồi trên băng ghế métro, đầu tựa vào vai Quý và thiếp ngủ đi trên suốt đoạn đường dài. Và Quý vẫn ngồi im, tuyệt nhiên không có thái độ nào khác lạ, chỉ lay nhẹ tay tôi khi tôi ngủ say suýt gục hẳn xuống.

Dường như chúng tôi quá thương nhau đến mức không thể nào phá huỷ bất cứ cái gì thuộc về đời riêng của nhau. Ấn tượng cuối cùng của tôi về Quý là hình ảnh anh đứng trơ trọi trước cổng cư xá, ngày chia tay, khi tôi bước lên xe của anh tôi, với tay đóng sầm cửa xe và ngoái nhìn lại. Bóng Quý như xiêu đi vì một nỗi niềm gì đó, nhưng môi vẫn nở nụ cười. Một nụ cười buồn hiu và xa xăm, trong lúc mùa xuân đã bắt đầu khoe những chồi non lúp búp trên những táng cây cao cạnh cổng cư xá.

Tôi vẫn chưa biết rõ ràng những điều hư thực ngày nào là hư nhiều hơn hay thực nhiều hơn. Nhưng điều tôi biết chắc chắn, và mãi về sau khi thủ thỉ kể cho chồng tôi nghe về những ngày tháng lênh đênh trên xứ người thì anh cũng đã thừa nhận, là nếu như tôi gặp Quý trong một hoàn cảnh nào khác, nếu tôi chưa có gia đình và Quý cũng chưa có cô bạn gái dễ thuơng lưng tựa thành cầu và miệng cười chúm chím trong ảnh, thì có thể mọi việc sẽ diễn biến khác đi, và chúng tôi đã có thể thực sự đến với nhau.

Ba năm sau khi tôi về Việt Nam (và sau đó ít lâu Quý cũng trở về nhà), một căn bệnh quái ác đã mang Quý ra đi vĩnh viễn. Tôi đã bật khóc nức nở khi nghe tin. Tôi không nhớ đã có lúc nào, trong mơ hay trong cuộc sống thật, tôi đã nói với Quý về một kiếp sau và một lời hứa hẹn nào hay chưa. Nhưng lẫn trong những ấn tượng khi đậm khi nhạt tôi còn lưu...
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.