Tiếng Việt, một ngôn ngữ rất tự do
ĐỊNH NGHĨA CỦA MỆNH ĐỀ VÀ CÂU
Văn phạm định nghĩa như sau:
- Mệnh đề (clause) là một tập hợp chữ, có một và chỉ một, động từ.
Mệnh đề là một tập hợp (set) của các phần tử chủ từ, động từ, và túc từ, hay chỉ có chủ từ, và động từ.
- Câu (sentence) là một tập hợp (set) của các mệnh đề; mệnh đề là một tập hợp nhỏ (subset) của một câu.
Trong Tiếng Anh và Tiếng Pháp, một mệnh đề hay một câu phải được viết theo một chiều cố định. Tiếng Việt không cần thiết phải được viết như thế.
Trước hết, quy ước chiều của ngôn ngữ, như sau.
- chiều xuôi: chủ từ => động từ => túc từ, hay chủ từ => động từ.
- chiều ngược: động từ => chủ từ => túc từ, hay động từ => chủ từ, hay túc từ => động từ
Trong khi Tiếng Anh và Tiếng Pháp phải được viết theo một chiều cố định, là chiều xuôi, Tiếng Việt không bị bắt buộc viết theo một chiều cố định. Nghĩa là, Tiếng Việt được tự do viết theo bất cứ chiều nào chúng ta muốn: xuôi hay ngược, đều được.
1
Túc từ có thể đứng trước động từ
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng.
Nguyễn Bính
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Em uống rượu hồng cho say
uống = động từ;
Rượu hồng = túc từ của động từ uống.
Túc từ đứng trước động từ.
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Huy Cận
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Nắng nhuộm mình cây, bóng chiều không đi.
nhuộm = động từ;
Mình cây = túc từ của động từ nhuộm.
Túc từ đứng trước động từ.
Đêm qua anh đến chơi đây
Giầy chân anh dận, ô tay anh cầm.
Tú Xương
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Đêm qua anh đến chơi đây
Chân anh dận giầy; tay anh cầm ô.
dận, cầm = các động từ;
Giầy = túc từ của động từ dận;
ô = túc từ của động từ cầm.
Túc từ đứng trước động từ.
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.
Ca dao
Có thể chấm câu lại cho rõ, như sau:
Áo anh sứt chỉ đường tà.
Vợ, anh chưa có; mẹ già chưa khâu.
(Anh chưa có vợ; mẹ già chưa khâu.)
chưa có = động từ;
Vợ = túc từ của động từ chưa có.
Túc từ đứng trước động từ.
Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày.
Tú Xương
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Nghĩ cái thú cô đầu cũng hay.
nghĩ = động từ;
Cái thú cô đầu = túc từ của động từ nghĩ.
Túc từ đứng trước động từ.
2
Động từ có thể đứng trước chủ từ
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương.
Hữu Loan
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Nhưng người trai khói lửa không chết
Mà người gái nhỏ hậu phương chết.
chết = động từ;
người trai khói lửa = chủ từ của động từ không chết;
người gái nhỏ hậu phương = chủ từ của động từ chết
Động từ đứng trước chủ từ.
Ánh xuân lướt cỏ xanh tươi
Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng.
Thế Lữ
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Một hai kim đồng thổi sáo bên rừng.
thổi sáo = động từ;
một hai kim đồng = chủ từ của động từ thổi sáo.
Động từ đứng trước chủ từ.
Ngòai song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay sang láng giềng.
Nguyễn Du
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Oanh vàng thỏ thẻ ngòai song
thỏ thẻ = động từ;
oanh vàng = chủ từ của động từ thỏ thẻ.
Động từ đứng trước chủ từ.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương.
Nguyễn Du
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Cành thiên hương thoắt gảy nửa chừng xuân.
thoắt gảy = động từ;
cành thiên hương = chủ từ của động từ thoắt gảy.
Động từ đứng trước chủ từ.
Bên thì mấy ả mày ngài
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Nguyễn Du
Viết theo chiều xuôi, sẽ là:
Bên thì bốn năm người làng chơi ngồi.
ngồi = động từ;
bốn năm người làng chơi = chủ từ của động từ ngồi.
Động từ đứng trước chủ từ.
Các ví dụ trích dẫn cho thấy, trước khi chịu ảnh hưởng của Tiếng Pháp, các nhà thơ thuộc Văn Học Chữ Nôm, mặc dầu bị gò bó trong khuôn khổ của thơ xưa, đã viết xuôi, viết ngược, một cách rất tự do. Kể cả dân gian không tên tuổi, cũng đã làm ca dao như vậy.
Một vài người nghiên cứu Tiếng Việt, đã không dựa vào những gì dân gian đã nói và đã viết, cho rằng Tiếng Việt phải "viết theo chiều xuôi." Những người nầy cũng cho rằng, Tiếng Việt chỉ có thể tác động (active voice), và không có thể thụ động (passive voice). Theo quan niệm riêng của họ, viết theo thể thụ động là "bắt chước" Tiếng Pháp; thậm chí, viết theo thể thụ động thì "không phải Tiếng Việt."
Nếu không có thể thụ động, Tiếng Việt đã không có các chữ, như được, bị, bởi . . . Ai có thể chứng minh rằng, các chữ nầy chỉ mới có mặt, sau khi chịu ảnh hưởng của Tiếng Pháp?
Lúc nào cũng dùng cách viết theo chiều xuôi, và chỉ theo thể tác động, ngôn ngữ sẽ trở nên cứng ngắc, giống như một người mặc áo thụng quanh năm, bất kể bốn mùa xuân hạ thu đông.
SKlang