Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trang Vành Khuyên : Gánh Xiếc Cuộc Đời
VanhKhuyen
#1 Posted : Sunday, November 7, 2004 4:00:00 PM(UTC)
VanhKhuyen

Rank: Newbie

Groups:
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 465
Points: 0

Gánh Xiếc Cuộc Đời

Anh yêu em ,

Ba tiếng đó nghe dịu dàng làm sao, xóa đi bao cảm giác khó chịu , bực bội mà trở về với thiên đàng tình ái. Tôi nhớ thời son trẻ của mình, tôi chưa nghe ba tiếng đó từ một người đàn ông mà đã muốn chết trong vòng tay ông ta rồi, huống chi mà nghe rồi chắc là tôi chìm trong đó luôn khỏi ra.

À đúng đó. Ba tiếng anh yêu em kỳ diệu lắm, biến tôi từ thành thật ra dối trá , từ hiền lành ra dữ dằn, từ chân chất ra thâm độc.

Không, là cuộc đời thôi , chả phải tại ba cái tiếng êm đềm đó đâu.

Uk Sally là người học cùng lớp thư viện với tôi tại Trung Học Văn Hóa năm đó. Chị chắc người Miên hay sao mà đen đen, giọng Việt cũng không chuẩn lắm. Tôi là dân trung trung trong lớp. Trung trung hiểu theo cái nghĩa không nhỏ hơn mấy ai cũng không lớn hơn bao nhiêu người. Ai tôi cũng hỏi tên, gọi tên cho quen thuộc, khỏi chị em gì cho mệt. Bà Uk có lẽ nghĩ tôi hơi hổn, cho bà ấy ngang hàng, kêu bằng tên nên ít nói chuyện với tôi lắm.

Tôi khấn trời, kệ , ghét tôi kệ , đừng hại tôi được à, cho tôi học qua mấy năm ở đây , ra kiếm đủ tiền sống thôị.

Vậy mà đâu có , hễ tôi ngồi đâu chi. Uk ngồi chung đó. Năm đó đám con trai không thích chơi với tôi mấy, vì nhỏ hơn không, họ vui vẻ hoạt bát , tôi chỉ nghiêm nghị , cái nào trúng ý cười ké, không tham gia , không bày trò thì không chung băng với họ rồi.

Lạ , vậy lấy gì cho Uk thích ngồi chung với tui chớ.

" Em có thấy Nhơn nó thích em không? " Uk nhìn tôi thành thật.

Tui hết hồn , bụng thầm chửi UK nhiều chuyện , tỉnh bơ " Nhơn là thằng nào Uk? "

" Bên kia kìa ,nhìn qua mà xem , nó đang nhìn em kìa ". Theo phản ứng tự nhiên , tôi nhìn qua thì bên kia có cha nội đang ngó tôi thật , Uk ma quỷ thiệt , cái gì cũng để ý.

Tôi lãng với Uk " Kệ nó chớ , chưa đụng , chưa biết !".

Uk người lớn với tôi " Chờ đó mà coi nha !"

Tôi hơi khựng , ý Uk là sao đây , kỳ lạ , coi cái gì chớ...

Vậy mà...


Cũng chẳng còn nhớ tôi và Nhơn đã quen nhau ra sao. Nhưng nghĩ mà coi, tôi, con nhà đàng hoàng, cũng đâu tới nổi tệ về nhan sắc và tính tình, vậy mà bị người yêu đầu đời đá lên đá xuống , on off hoài trong 4 năm. Tôi chán cái cảnh ngồi chờ anh ta đến làm hòa tận cổ , chưa bắt gặp anh ta đi với cô khác thôi chứ còn là với tôi thì tệ vô cùng rồi. Tôi đã từng ước chi tôi yêu được người khác , vậy là Nhơn ngang xương nhảy vô.

Nhơn cho tôi cái cảm giác yêu súc vật tôi chưa từng có. Tôi lớn lên trong gia đình không chó , mèo gì trong nhà. Con chó của Nhơn như một người bạn , quấn quít tôi như chủ nó làm tôi thấy mình quan trọng trong cuộc đời hơn.

Tôi đã quên Uk và lời nói của chị ta , tôi đến với Nhơn bằng tấm lòng và tình yêu chân thật.

Năm thứ nhất trôi qua , tôi bỏ trường VH để thi lại đại học cho có tương lai hơn. Những ngày học thi , tôi nhớ Nhơn và lớp cũ vô kể , mỗi lần lại thăm lớp , tôi ngạc nhiên khi thấy Uk bao giờ cũng chung bàn với Nhơn.

Tôi ghen hỏi Nhơn hậm hực " Làm gì ngồi gần bà Uk hoài vậỷ "

Nhơn tỉnh bơ " Bả thích thì bả ngồi , ai cấm , à mà bả cho bao nhiêu đứa mượn tiền lấy lời đó nha , đứa nào không làm gì bả muốn là bả đòi lại liền á "
Tôi ngớ người , Uk ngon vậy sao , hèn gì mỗi lần Uk nói gì tôi khựng tôi đều thấy xung quanh một sự ngượng ngập , im ắng..

Tôi vẫn vô tư , nghĩ câu trả lời của Nhơn đủ rồi , đâu có biết gì khác nữa .


Từ ngày không có tôi trong lớp , có lẽ Nhơn tự do hơn nhiều dù vẫn đúng hẹn với tôi. Bạn bè tự nhiên như không nhìn thấy tôi , hay lãng đi khi tôi hỏi. Tôi thắc mắc lắm nhưng cứ cho đó là chuyện bình thường cho qua ngày qua tháng.

Tôi quan sát Uk kỹ hơn , Nhơn kỹ hơn cũng chẳng tìm ra cái gì liên quan giữa hai hình ảnh đó.

Tôi vẫn vui bên Nhơn , vẫn nhận những lời dịu ngọt , những mơn trớn của Nhơn mà vui sống dù chưa bao giờ nghe Nhơn nói ba tiếng Anh yêu em..

Tự tôi cho giữa tôi với Nhơn là tình yêu thì nó là tình yêu rồi , cần gì , tôi cần Nhơn như cá cần nước, nước trong nước đục , tôi chưa đủ sức màng tới , chỉ biết tôi đang bơi trong cái vũng tôi tự cho là nước.

Ngày họ ra trường , tôi mắc thi chẳng dự , tôi không thân với ai ngoài Nhơn và còn nhớ Uk như một người quen thôi.

Thư viện quốc gia chiều hôm đó thật vắng người , tôi không hẹn với Nhơn chiều đó vì phải vào đọc sách viết bài luận thi chính trị cuối khóa. Ngồi bên cầu thang đi lên cửa chính , gió mát rượi, tôi sảng khoái , đọc chữ nào vô chữ đó.

Khi bài đã gần xong , tôi ngoáy đại thêm vài hàng rồi ra sớm hơn dự định đi tìm Nhơn, muốn làm Nhơn ngạc nhiên về sự có mặt của tôi trong ngày ra trường.

Nhìn lại đã 5h , họ đã tan hơn nữa tiếng rồi , tôi vẫn theo thói quen về con đường vẫn hẹn.

Bên kia đường, Nhơn , Uk và nhóm bạn cũ cười nói , tôi giật mình khi thấy Nhơn và Uk nắm tay thân thiết lắm. Tôi quay xe lại chạy nhanh tới hớt hải thì họ buông tay ra ngay. Tôi á khẩu , không nói gì , đạp xe như con điên theo chiều ngược lại , cả đám bạn bè cũng không ai cần gọị..


Trâm ,

Xin lỗi em, Uk và anh rất yêu nhau , Uk nói gia đình em giàu , may ra anh chơi với em sẽ có lợi hơn , nhưng anh không nghĩ vậy , cuối cùng quyết định nói với em về anh và Uk để em thấy dễ chịu hơn. Đừng trách anh. Cuối cùng anh đâu có dối gạt gì đâu.

Chỉ là xin lỗi em phải mất 2 năm anh mới nhận ra anh không thể thiếu Uk và chấm dứt với em sớm hơn.

Tha lỗi cho anh , chúc em may mắn.

Nhơn..


Từ sau ngày đọc lá thư ấy , tôi không còn biết gì về Nhơn và Uk. Thế cũng xong một chuyện tình.

Đời với tôi từ đó là một gánh xiếc. Xiếc thiệt đó. Người này bảo người kia đu, leo, làm theo ý họ muốn , có những người chưa từng biết mình phải làm gì cứ làm y chang như người khác nói rồi có ngày lại hối hận và cho là còn kịp.

Không, ai muốn ra sao thì ra.

Tôi , tuyên bố không tham gia gánh xiếc nào trong đời thường nữa.

Tôi vẫn thật với mình , tin mình , dù biết rằng lòng tin của tôi có khi lại đẩy tôi vào gánh xiếc khác.

Không , đừng làm xiếc , đừng nhé , đừng nhé.


6/04

VK




Vũ Thị Thiên Thư
#2 Posted : Thursday, November 12, 2009 9:50:11 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Đây có thể được xem như chia xẻ về đời sống hiện tại của em với hai chị cũng như với các chị trong diễn đàn nhé.
Em chân thành chúc các chị những điều an lành.
Con Gái Tôi
Vành Khuyên

Bạn ơi, khi bạn 6 tuổi bạn đã đạt những thành tích gì trong cuộc đời.
Với tôi thì cùng lắm là tự ăn bát cơm một mình, không trốn đi chơi khi phải đi ngủ trưa cho mọi người khỏi lo lắng để còn được nghỉ ngơi trước khi đi làm lại vào buổi chiều ( Việt Nam sướng bạn nhỉ ). Với tôi hồi nhỏ, làm một đứa con ngoan cũng còn hơi kho khó vì tôi cũng ngang bướng. Nên làm một đứa con giỏi còn khó gấp bội với tôi. Cha mẹ tôi chắc cũng không lấy thế làm buồn để tôi còn trong nhà tới hai mươi bốn tuổi đấy thây. Tôi không có một khái niệm gì về chuyện phải làm cho cha mẹ hãnh diện về mình cả. Với tôi không bị cha mẹ đánh vì những trò nghịch quái quỷ khi còn bé là tôi hay lắm rồi.

Tôi có thai con gái khi con trai chỉ mới 11 tháng. Bạn bè trong sở tôi trêu hoài " ủa chưa đẻ nữa hả ? ". Ý họ là mang thai một lần sao lâu thế. Tôi chỉ cười. Ngày dự đoán sanh của con gái tôi nằm trong tháng 7 ta, dân gian kỵ tháng này lắm vì là tháng cô hồn. Anh bảo tôi " em ráng qua khỏi tháng 7 ta mới sanh được không " . Tôi mở tròn mắt " ráng được em ráng liền á, nhưng không phải quyền em anh à ". Anh hiểu ý tôi nói, nhưng cũng phải nói với tôi như thế. Anh và ông nội cháu đã ngồi cả buổi chiều chọn ngày mổ cho tôi lấy cháu ra vì tôi đã hai lần mổ và không thể sanh thường được. Trong suốt ba tháng sau của thai kỳ, tôi vào nhà thương không nhớ lần đếm vì đau bụng như muốn sanh kéo dài liên tục. Trước ngày mổ, tôi đau không chịu nổi và nghĩ lần đau này chắc phải sanh quá. Ngày đó tôi nghĩ chắc cũng phải ráng đợi cho tới ngày mai. Không ngờ bà bác sĩ mổ cho tôi vừa hoàn tất xong ca mổ ngày hôm đó đề nghị nếu tôi muốn xong luôn hôm đó bà mổ luôn cho tiện.

Tôi đồng ý ngay vì đau quá mà không thiết tới ngày đã được chọn, phần sợ đau quá con có chuyện không hay trong bụng.

Thế là con gái tôi sanh một ngày trước ngày dự tính. Tôi muốn cháu tên Nam Trân nhưng chồng tôi không chịu bảo tốt hơn cho cháu anh đặt nó tên Tường Vân. Tôi buồn vô tả , mang nặng đẻ đau 9 tháng, cái tên con cũng không được đặt, anh nói cho tôi đặt tên tiếng Anh, tôi gọi cháu Juliana.

Tôi là con gái của lính. Ít nhiều gì cũng mang tác phong quân đội từ ba tôi, tránh làm sao được. Tôi nhìn vào mục tiêu công việc nhiều hơn là tình cảm mặc dù tôi là con người rất tình cảm. Hai đứa con còn quá nhỏ. Phần đi làm, phần cơm nước cho gia đình có tôi và chồng. Nhiều khi tôi mệt mỏi không có thì giờ nựng con, thương con, tôi cũng buồn lắm.

Tôi nuôi cháu tới tuần thứ 11 thì trở lại làm việc vì đã hết phép. Bác giữ dùm tôi nuôi con trai tôi từ khi nó 9 tháng, lần này bác giữ luôn dùm con gái tôi cho tôi yên lòng dù không còn khoẻ như trước. Mỗi sáng tôi đưa hai con tới nhà bác gửi. Chiều chồng tôi đón hai đứa về cho nó đồng đều trách nhiệm. Hai đứa nhỏ thấy rất vui mỗi khi ba đón. Chồng tôi yêu con gái vô cùng nựng nó mãi trước khi bế ra xe.

Khi đã lớn và nói được, mỗi lần về tới nhà, tôi mừng hai đứa nhỏ vô cùng. Tôi chận chúng lại hôn cho đỡ nhớ, con trai thì chào mẹ, còn con gái tôi đi ngang qua tôi nói " hi Barney ". Tôi cũng thấy vui vì nghĩ chắc Barney dễ thương và tôi dễ thương như thế mặc dù hiểu tôi làm sao giống Barney được và chữ mẹ có một âm cũng dễ hơn là Barney hai âm chứ. Có lần tôi nói với con gái " không con chào mẹ, mẹ không phải Barney " con gái tôi chẳng thèm trả lời.

Một ngày, chị tôi tới chơi, gia đình tôi đang chuẩn bị đi chợ, chị tôi ra đùa với cháu. Chị tôi gọi tôi lại và bảo " mày phải mang con gái mày đi test vì tao nói chuyện với nó nó không nhìn vào tao, nhìn đâu đâu á ". Tin này làm tôi không ngủ cả đêm. Tôi tin chị tôi vì chị có tới hai đứa con tự kỷ. Bận rộn vậy tôi vẫn dành thời gian xin đơn và hẹn cho cháu gặp những người chuyên môn.

Ngày hẹn, cả chồng tôi và tôi đều đi. Họ thử cháu và kết luận với chúng tôi cháu bị tự kỷ nhẹ. Tôi còn chưa hiểu hết cái từ tự kỷ là như thế nào và sẽ đối đầu ra sao nhưng về nhà tôi quan tâm tới cháu hơn. Tôi thấy cháu chỉ muốn một mình, trốn vào một chỗ, xé giấy, ăn tạp. Tôi buồn vô cùng. Làm sao lôi con ra khỏi chốn tự kỷ đây.

Vì tự kỷ cháu phải đi học khi chưa ba tuổi. Cháu học chung với các trẻ chậm phát triển và các cháu bị Down nhẹ. Tôi đưa cháu tới trường một thời gian rồi cho cháu được đưa đón bằng school bus cho đỡ mất giờ làm.
Có ngày nhớ và thương cháu quá, tôi tới trường đợi, khi ra cháu gặp tôi say Hi rồi cháu lại bước lên xe bus. Cuộc đời như vậy cũng còn vui vì tôi còn có chồng bên cạnh nhưng lúc đó tôi cũng đã buồn lắm rồi vì tình trạng tinh thần của con.

Khi chồng tôi mất đột ngột vì heart attack, con gái tôi vừa qua ba tuổi mới ba tháng. Nhìn hai con chạy lòng vòng bên quan tài của anh, tôi đau đớn vô cùng, tôi không còn khóc được vì không biết sau ngày thiêu anh xong mình sẽ sống ra sao với hai con đây khi không còn có anh.

"Thưa bà, thứ bảy này bà cho Juliana đi thi lên đai vàng " người thầy dạy võ vui mừng nói với tôi. Tôi tròn mắt " ông đùa tôi hả, ông chắc chứ ? " Người thầy gật đầu " Juliana làm được, bà tin tôi đi ". Tôi chuẩn bị tiền cho cháu đi thi. Tôi về nhà bắt anh cháu dợt bài cho cháu để thêm tự tin. Khi nhìn hai đứa học với nhau, tôi thấy con gái tôi đá ngang đá dọc mà té lên té xuống. Tôi vào bảo thầy dạy " này ông, tôi hỏi ông lần nữa con gái tôi thi được không? Tôi thấy anh nó với nó dợt với nhau mà nó té ông ạ ". Ông thầy trấn an tôi " bà muốn có 1/2 giờ luyện riêng trước khi thi thì chúng tôi giúp, sẽ giúp cháu ôn lại các thế của đai trắng ". Tôi đồng ý liền, ít nhiều gì tôi nhất định giúp con gái tôi thành công bằng mọi giá.

Ngày ông thầy luyện riêng cho cháu trước mặt tôi, tôi thấy cháu nghe lời thầy mà rớm nước mắt. Cháu răm rắp nghe thầy còn hơn tôi, tôi học ở ông thầy sự kiên nhẫn vô song của người võ sư. Khi nửa giờ học dứt, tôi đứng ngay cửa giơ tay ý là muốn bắt tay ông thầy " your success, Sir. Thank you so much for believing in Juliana ". Ông thầy hớn hở " you are welcome, I am glad to help ".

Nhớ lại bốn tháng trước đó con gái tôi vào học hai ngày đầu chỉ khóc rồi bỏ ra xe. Ông thầy bảo tôi cứ cho vào đi rồi sẽ đâu vào đó. Tôi hỏi cháu cháu nhất định không vào. Tôi đem cháu lại trước mặt thầy hỏi cháu muốn học không, cháu bảo không rõ ràng. Ông thầy không nói gì cả. Nhưng sau đó tôi vào năn nỉ thầy " ông Thầy quan tâm tới Juliana một chút dùm tôi được không, cháu bị tự kỷ, tôi hứa động viên nó, phần thầy khi nó khóc đi ra, thầy quan tâm chút nha ". Ông thầy bắt tay tôi " Deal ".

Có những ngày đón cháu, cháu khóc khi ra xe ngồi. Tôi vào hỏi thầy thầy nói khóc là chuyện thường vì nó tập không được nhưng sẽ qua. Tôi mặc cháu cho ông Thầy luôn. Thấy ông nói chuyện chắc ăn quá mà.

Ngày cháu đi thi từ đai trắng lên đai vàng, tim tôi như muốn ngưng đập vì rất nhiều thí sinh còn bé khóc giữa kỳ thi và đòi ra. Ngày đó tôi chận ông thầy ngay phòng thi và nhờ " nếu nó khóc ông nhớ động viên nó dùm tôi nghe " . Ông thầy chạy lại Hi 5 con gái tôi liền.

Một tiếng trôi qua, phần thi chấm dứt, con gái tôi đậu lên đai khi mới 6 tuổi, chúng tôi ra đứng xếp hàng cho ông Giám đốc của cả là bao nhiêu Studio trong thành phố Salem ký vào cái đai mới mới nhận. Ông Giám đốc nói với tôi cháu hơi shy nhưng rồi sẽ khá hơn nếu tôi tiếp tục động viên cháu. Ông nhận xét được như vậy vì trong thời gian thi ông là người đi lòng vòng chấm tất cả các thí sinh.

Khi tôi và con gái tôi đi ra khỏi phòng chỗ thi, tôi nói với con " I am so proud of you. Thank you for making me proud of you, Juliana ". Cháu cười rất tươi và vô cùng tự tin, một nụ cười tôi chưa từng bao giờ thấy trên đôi môi cháu, nụ cười vui lắm là vui từ trong tận cùng tâm lòng của cháu " you are welcome, Mom ".

Ngày đó là ngày vui nhất trong đời tôi từ ngày ba cháu mất. Tôi nhìn lên trời như muốn cùng anh chia xẻ thành công của con gái.

Cháu còn học đàn piano, có ngày cháu không được vui chính tôi cũng không hiểu tại sao nhưng bà giáo vô cùng tốt và rất kiên nhẫn với cháu. Có ngày cháu bực cháu dẫm đạp lên giáo án piano của bà và khóc. Tôi đau lòng vô cùng xin lỗi bà mà buồn vì không biết cháu có còn tiếp tục được hay không.

Tôi đem cháu ra xe ngồi hỏi cháu tại sao để giải thích lại với bà giáo cho bà đỡ đau lòng. Ngày mới xin cho cháu học, bà nói bà chỉ thử độ 15 phút mỗi tuần nếu thấy tiến triển bà mới tăng lên 1/2 tiếng hay có thể từ chối không dạy cháu nữa thì tôi đừng buồn.

Giờ thì cháu vừa đàn, vừa hát những bài đàn piano rất đơn giản nhưng tôi thấy cháu rất enjoy thời gian với đàn và bắt đầu có những ý hướng đơn giản phải làm gì trong cuộc sống. Cháu hát rất hay, tôi đã từng suy nghĩ nếu cháu tiếp tục học văn hóa không được tôi cho cháu đi học luyện giọng và cho cháu được tiếp tục ý thích cháu có và niềm vui vô cùng khi cháu cất tiếng hát.

Hiện tại trong trường học mỗi ngày, cháu vẫn theo chương trình đặc biệt. Cháu đọc rất giỏi nhưng làm việc theo cảm tính nên cần có sự quan tâm đặc biệt hơn các trẻ em bình thường.

Có ngày cô giáo viết cho tôi một lá thư thật dài kể về những xúc cảm của cháu cô không lường được và hỏi tôi nếu cháu như vậy thì tôi có cách nào giúp cháu trở lại vui vẻ nhanh hơn không chỉ cho cô vì cô cần cháu tham gia các hoạt động trong lớp.

Tôi khẳng định ở nhà tôi cũng chỉ biết khoảng 80% các trường hợp cháu không vui thôi, còn 20% trường hợp còn lại nhiều khi do cơ thể cháu không khoẻ và một chút quan tâm đặc biệt có khi dễ dàng đưa cháu trở lại vui vẻ và hoà nhập hiện tại nhanh hơn.

Tôi không lường được nếu còn ở Việt nam tôi sẽ xoay xở ra sao. Cũng khó mà hình dung được nếu tôi không còn ở tại Việt nam. Nhưng thật lòng, rất thật lòng, tôi luôn cám ơn đời sống cho tôi gặp những con người thật tốt bụng, thật kiên trì, thật bao dung, thật độ lượng và giàu lòng yêu trẻ, luôn muốn cải thiện đời sống của một đứa trẻ đặc biệt theo hướng tốt hơn như ông Thầy dạy võ, bà Cô dạy đàn và cô giáo trường công của Juliana mà tôi đang tiếp xúc ngày hôm nay.

Họ quá tốt, họ thay đổi Juliana, thay đổi tôi biết tin vào con nhiều hơn, tìm kiếm cơ hội và góp tiếng nói để giúp Juliana tin vào bản thân nó mà vươn lên như bao đứa trẻ bình thường khác.

Con hay sai tôi " I need a blanket" khi nó nằm xem ti vi và bú sữa. Tôi nghĩ vai trò người mẹ là chạy đi lấy chăn thôi chứ chẳng nghĩ gì. Một bữa tôi năm chèo queo, Juliana hỏi tôi bị gì , tôi bảo " mẹ bịnh " con bé lăn xăn chạy đi lấy chăn đắp cho tôi. Tôi rớm nước mắt và hiểu ngay ra hạt nào tôi trồng, trước sau gì cũng nẩy mầm nếu tôi biết chăm sóc.

Khi tôi ngồi trong nhà hàng, con ngồi ngay bên cạnh, khi vừa lấy đồ ăn về, Juliana lấy cái ống hút, bóc giấy ra và cắm vào ly nước của tôi rồi nói " let me take care of you, Mom "

Bạn ơi, bạn có hiểu là tôi cảm nhận được hạnh phúc ngay lúc đó như thế nào không?

Từ con bé Hi Barney của tôi, nó trở thành con bé như vậy đó.

Tôi vô cùng cảm ơn những gì tôi đang có, đang nhận và đang từng ngày biết mình không thể nào quên và tri ân những điều tốt đẹp đang đến với tôi từ đất nước này bạn ạ.

Cho con gái thân yêu Juliana.

Vành Khuyên
ductriqueanh
#3 Posted : Monday, December 7, 2009 1:40:58 AM(UTC)
ductriqueanh

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,295
Points: 345
Location: Westminster, CA

Was thanked: 10 time(s) in 9 post(s)

Xin phép chị VK cho em "rinh" cái bài này về đây nhé
(Nguồn: Việt Báo, loạt bài "Viết Về Nước Mỹ")


Con Đường Tình Tôi Đi

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 2801-1628871- vb6120409

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Bài viết mới của cô là một tự truyện, vẫn với cách viết trực tiếp và mạnh mẽ.

***

Thế là tôi đi một mình đã đúng ba năm. Mới đầu khi đối diện với cái chết đột ngột của chồng, tôi đã bắt đầu nghe những lời rất lộn xộn từ mọi phía tới tôi từ người dưng, gia đình cũng như người lạ. Họ thấy tôi còn quá trẻ, phần thì yếu đuối chắc chẳng gánh vác nổi chuyện gia đình nên độ vài năm nữa là tái giá ngay ấy mà. Khi họ nghĩ vậy, tôi nghĩ họ hay hơn tôi quá nhiều. Ngay lúc đó tôi còn chưa biết tình trạng tài chánh của mình ra sao vì lúc sinh thời anh lo hết. Thời gian đó là thời gian trả tiền thuế đất cho căn nhà chúng tôi đang ở, tôi biết tìm đâu ra số tiền không nhỏ như vậy mà trả một lần đây. Vậy mà họ còn nỡ lòng nào. Tôi chán ngấy cái cách suy nghĩ vô nhân đạo của con người, thích bàn chuyện chưa có hơn là chuyện đang xảy ra trước mắt. Điều đó vô tình làm giảm đi nghị lực của một người phụ nữ mà lẽ ra họ nên động viên hơn là làm cho người ta sợ thêm.
Thời gian đó chúng tôi có mua để dành một miếng đất cùng với ông anh chồng. Trong hoàn cảnh này thì phải bán chứ bản thân tôi còn lo cho hai con chưa biết xong chưa nói chi tới lo thêm một khoảng đất khác. Vì chuyện mua bán đất có nhiều mâu thuẫn ông anh chồng không nhìn mặt tôi sau khi bán xong. Tôi cũng không thanh minh thanh nga mọi chuyện làm chi vì nghĩ có nói chắc cũng chẳng ai hiểu dùm. Tôi nghĩ tôi hèn với chồng thì có thể, anh nói gì tôi cũng có thể chấp nhận dù biết có khi không đúng nhưng với gia đình chồng thì tôi có sống với họ đâu mà nói thêm làm chi cho phiền.
Số là chồng tôi cũng thuộc loại gia trưởng dù chẳng phải con đầu lòng. Đàn ông Việt Nam đa số là như thế, có thay đổi khi sang một đất nước tự do cũng sợ không đâu là cha mẹ và anh em mình nói mình sợ vợ nên cuộc đời cá nhân cứ thế mà rối tung lên. Tôi là con người tự do, ai đúng tôi theo, ai không phải tôi nói, tính khí thế mà đôi khi muốn giữ hạnh phúc và an lành cho chính mình tôi phải tập im lặng. Thật ra khi bạn im lặng thì điều mâu thuẫn bạn nghĩ tới nó còn quanh đâu đó trong con người bạn đợi lúc nào đó nổ ra chuyện khác nếu tiện lúc hay nó sẽ biến bạn thành con người lạnh nhạt và biết chịu đựng. Điều đó đưa bạn tới đâu, hoặc là không còn tình cảm chỉ biết sống với bổn phận hai là vui được lúc nào thì vui lúc nào không vui cũng kệ vì còn thì giờ đâu mà nghĩ tới.
Vợ chồng nào chả có lúc vui, lúc buồn. Tôi tập quý cái vui, quên cái buồn đi để mà sống. Ông nhà thương thì nhờ, ông không thương và coi mình như không có trong nhà cũng tập quen cho nó khoẻ. Có lẽ tình cảm vợ chồng là điều mà tôi phủ phục và không có ý hướng quyết liệt như những chuyện tôi muốn làm trong cuộc đời nếu thấy mình đúng.
Tôi lại là người thích viết nên nhiều lúc tôi chia xẻ những vui buồn trong bài viết của mình thẩy lên mạng. Điều đó làm gia đình tôi và gia đình chồng tôi không vui vì họ nghĩ tôi không đàng hoàng và muốn đi tìm người khác.
Đời ngộ thật, đời sống không vui có đi tìm người khác thì cũng còn tỉnh mới nghĩ tới điều đó. Mà tôi chỉ viết để vơi đi bao nhiêu điều trăn trở, họ có đọc đâu mà biết tôi nói gì nên cứ nghĩ lên mạng là không đàng hoàng theo ý họ thì ai họ cũng treo cổ kiểu đó chứ đừng nói treo cổ mình tôi.
Nên cái chuyện tôi bị dèm pha không thể sống một mình xem ra cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng phải phó mặc cho thiên hạ nói mà sống cho mình và hai con mà thôi.
Vào sở, trước đây tôi cũng không nói chuyện với ai, vì nói với ai bây giờ, có ai hiểu đâu. Chính tôi còn không hiểu tôi lúc đó nghĩ gì chứ đừng nói nói với ai. Nhìn quanh tôi, tôi thấy ai cũng khổ. Một tuần tôi thấy người đồng nghiệp ngồi bên cạnh tôi khóc những ba ngày. Tôi xót xa dùm bà ấy nhưng vì vô tư và nghĩ ai cũng như mình, tôi ngồi lại tâm sự với chị. Nào ngờ chuyện ra chuyện, sau ngày chồng tôi mất bao nhiêu thứ phải đối đầu có lúc tôi muốn gục ngã nên nói với chị nhiều lần tôi đã muốn tự tử. Chị nghe sao lại là một điều đáng lưu ý. Chị chạy lên báo cáo với người quản lý văn phòng tôi đang làm việc về chuyện đó. Thế là họ gọi tôi lên, chẳng nói chẳng rằng là tại sao tôi nói vậy, chỉ nói tôi nên đi counseling. Tôi hết ý kiến, nói thẳng với bà Boss. Bà à, nghĩ mà coi, tôi còn hai đứa con còn quá nhỏ, có muốn chết cũng chưa được, nghĩ mà coi, lúc làm đám chồng tôi, hai đứa con tôi chạy lòng vòng quanh quan tài, chồng tôi biết có thể đã muốn đứng dậy lắm đưa mẹ con tôi về nhà mà làm không được. Tôi hiểu ổng nghĩ thế thì bụng dạ nào tôi lại ngu si đi làm vậy hả bà. Đúng là tôi có muốn tự tử khi đời bế tắc, tôi đố bà tìm ra ai không bao giờ nghĩ tới cái chết khi cuộc đời bế tắc, nhưng người ta có làm hay không mới đáng nói. Thưa bà, bà nên tin tôi tôi không làm đâu.
Người Á đông và người Mỹ khác nhau xa, bà bảo bà nghe thấy tôi nói bà phải xử lý, còn đúng là bà tin tôi không làm nhưng ai biết được. Chiều hôm đó tôi về nhà sợ hãi vô cùng, tôi sợ sở tôi báo với văn phòng bảo vệ trẻ em và bắt hai con tôi đi vào foster home vì tôi có ý định tự tử và đưa tôi vào nhà thương tâm thần dù tôi đang là một nhân viên xã hội rất được tín nhiệm và từ ngày chồng tôi mất tôi chưa hề có một cử chỉ giận dữ nào với khách hàng hay có thái độ khiếm nhã nào với ai cả.
Thế mới biết họa vô đơn chí, trên đời này chính mình không gây chuyện thì chuyện cũng tới. Tôi chỉ còn biết im lặng mà sống.
Có những lúc cuộc đời cũng nhiều nỗi chua cay. Tôi hay chia xẻ với người đồng nghiệp nam bên cạnh. Anh ta hơn tôi 9 tuổi và hiểu đời nhiều, người Mỹ, đã từng ra vào trại nghiện rượu và mới làm lại cuộc đời đây thôi. Anh ta chứng kiến tôi bị chủ xử kỳ thị khá nhiều và rất phục tôi biết chịu đựng. Tuy nhiên tôi nói tôi im lặng khi họ chỉnh vì tôi hiểu tại sao người ta chỉnh tôi chứ không phải vì tôi đồng ý điều người ta chỉnh. Ít nhiều gì anh ta cũng công nhận tôi là con người đàng hoàng, chân thật và không hai ba mặt là tôi vui rồi. Tôi nghĩ người Mỹ nào cũng được dạy honest nhưng có hay không lại phụ thuộc vào đời sống dạy cho người ta. Sau đó tôi xin đổi chỗ không ngồi gần anh ta nữa vì thấy anh hay nhìn lấm lét và soi mói tôi. Cái nhìn rất kỳ dù không gian dối. Tôi lại còn nghe người ta đồn tôi có tình ý với người đồng nghiệp này nên tôi tức tối vô cùng vì ít nhiều gì chồng tôi cũng mới mất, họ chắc không có trái tim hay sao mà đổ vạ cho tôi thế. Sau này từ một người đồng nghiệp khác tôi biết anh đồng nghiệp này là người đồng tính nam. Tôi cũng chẳng nói chẳng rằng, tôi biết phần tôi được rồi, luôn thành thật và quý trọng tất cả mọi người không phân biệt vì tính cách của đời sống cá nhân ai cả.
Những người quản lý văn phòng tôi làm việc sau một thời gian suy xét và cân nhắc vì sợ dư luận cho rằng họ thiên vị tôi vì tôi đòi gì được nấy nhưng sau một tuần họ chấp thuận cho tôi đổi chỗ vì thông cảm với những tâm tư tôi có và không muốn làm khó khăn thêm những suy nghĩ rối bời của tôi trong hoàn cảnh đơn độc.
Làm một người phụ nữ độc thân đi tìm bạn đời đã khổ, làm một người góa phụ đối với tôi còn khổ trăm lần. Tôi bao giờ cũng muốn nhìn đời theo cách tôi nhìn nhưng những gì xảy ra đã bắt tôi nhìn theo hướng khác.
Những ngày ấy tôi không ăn diện mà cũng chẳng có đầu óc đâu mà ăn diện. Nhưng sau khi nhận dạng được trong đời sống họ nhìn bề ngoài và cách cư xử mà đánh giá mình tôi đã thay đổi để được đối xử khác đi thay vì phải nhận cách cư xử chẳng ra gì với những người chỉ biết tới bề ngoài.
Thế là từ đó tôi để ý tới bên ngoài của mình nhiều hơn, chăm chút đầu tóc, dáng vẻ của mình vì ngoài giờ từ sở ra tôi còn phải là một người chỉnh tề khi đi họp cho hai con tại trường hay những lần tiếp xúc với họ vì bất cứ lý do gì tôi được triệu tới trường.
Người hàng xóm có nhà ngay bên cạnh nhà tôi biết tôi ba bốn năm trước khi chồng tôi mất. Ông giúp đỡ chúng tôi rất nhiều và nhìn ông tôi hiểu ông thương xót cái cảnh của tôi thôi mà giúp đỡ tiếp chứ chẳng suy nghĩ thêm gì. Ông từng nói với tôi ông nghĩ rằng tôi hạnh phúc vì thấy tôi bận rộn và vì phụ nữ Á đông như tôi luôn phủ phục chồng.
Tôi chỉ cười và chia xẻ với ông, ông à, tôi đi qua Mỹ để tìm tự do và sự bình đẳng, nhưng thưa ông qua tới Mỹ rồi thì con đường đi tìm tự do và bình đẳng của tôi vẫn đang tiếp tục chứ không dừng lại như tôi nghĩ. Khi có chồng tôi nghe lời chồng, giờ không chồng thì cha và anh trai vẫn kiềm chế tôi nhiều lắm. Tôi học làm người phụ nữ độc lập từ xã hội này, vẫn còn đang học mà cũng còn chưa tin không biết mình có hoàn thành nổi hay không. Ít nhiều gì tôi vẫn còn tin mình làm được để vui vẻ mà đi tới, tôi không sao đâu.
Có những ngày hè, tôi mang hai con ra trước sân, nhớ lại cái cảnh đầm ấm trước kia khi chồng tôi cắt cỏ, tôi và hai con ra nhìn anh làm việc và phụ được gì thì phụ mà buồn không còn chỗ nào nói. Còn ngay lúc đó chỉ có tôi và hai con, tôi ngồi bất động trong khi hai đứa vẽ lò cò chơi. Ông hàng xóm hay đi ngang rồi lại đi đâu đó mang về kem trong hộp mời chúng tôi. Tôi hiểu tâm lòng nhân đạo của người bản xứ, họ làm vậy vì tình con người, hiểu hoàn cảnh tôi thôi. Hai đứa trẻ cũng không dám nhận kem vì sự thật thời gian lớn lên ngần ấy nhưng ăn cơm uống sữa là chính.
Ít nhất là tại một xứ sở xa lạ, hàng xóm nhìn mình không quen từ bấy đến giờ, có một dù chỉ một trong số đông những người hàng xóm còn quan tâm đến đời sống của mẹ con tôi tôi cũng thấy an tâm phần nào và thấy con đường mình đi cũng có chút an toàn hơn là không có.
Có ngày con tôi khóa trái cửa phòng ngủ tôi không vào được tôi cũng phải chạy qua nhờ ông. Có những lần cửa xe tôi đóng không được cũng phải nhờ đến ông.
Tôi thì chẳng biết người Mỹ họ hay ăn gì nhưng thấy đồ tráng miệng là đồ dễ mời nhất. Tôi hay mua trả lễ bánh pie cho ông hàng xóm và giữ thái độ biết ơn với ông cho phải phép.
Tôi không thuộc lớp người răm rắp theo khuôn phép định sẳn mà không suy nghĩ. Với tôi, đau buồn bao nhiêu mà ngăn cản tôi bước tới phía trước mạnh dạn thì tôi sẽ làm tất cả để bớt đau buồn mà nghĩ tới những điều vui và an lành trước mắt. Còn tôi không tự đi tìm những rắc rối cho cuộc đời mà chi. Cái gì tới sẽ tới.
Tôi nhìn em họ mình và những người phụ nữ khác tôi có điều kiện tiếp xúc rất khó khăn và rất buồn trên con đường đi tìm hạnh phúc mà buồn cho họ lắm. Ai trên đời mà chẳng mong hạnh phúc và cơ hội đến với mình nhưng với tôi tin vào số phận mà để mình bị phụ thuộc vào nó thì quá dở, còn quá rộng rãi và phóng túng khi tuổi xuân đang còn đây thì thật sự lại là sự phung phí. Vậy thì biết sống làm sao đây?
Tôi hiểu tôi có vui vẻ và hạnh phúc thì con tôi mới vui và hạnh phúc. Từ lâu rồi tôi chẳng tiếp xúc với ai, nay vì nhu cầu giao tiếp phải tiếp xúc thấy xa lạ làm sao. Khi họ nói chuyện với tôi mà không tôn trọng tôi có thể buồn tới hai ba ngày vì bị xúc phạm rồi sau đó mới hiểu ra họ là họ, mình là mình, mình không cho phép ai đụng được tới mình chưa mà buồn chi cho mệt. Và từ đó tôi hạn chế tiếp xúc với họ. Nhưng trong sự hạn chế tôi vô tình đã xây cái rào quá chắc để hiểu họ hơn nên cũng không hiểu thêm hay có thêm chút thông cảm nào với họ cả nên cô lập vần cứ cô lập theo ngày tháng.
Do vậy khi bạn bè tôi ai hỏi tới chuyện riêng tư, tôi đều đùa, con đường tình chỉ có mình tôi đi.
Tuy nhiên vấn đề cần phải nhìn nhận ở đây là dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, khi chỉ có một mình người phụ nữ đều có quyền đi tìm cho mình một cơ hội, một hạnh phúc khác mà không ai hay xã hội có quyền lên án. Khi đau buồn vơi đi hãy cho họ cơ hội sống với tuổi xuân còn lại của họ.
Nếu người phụ nữ đơn độc nào theo được nề nếp cũ mà không làm họ đau khổ, phải chịu đựng thì đáng phục. Còn nếu họ bị nghĩ là không đàng hoàng vì đang tìm hạnh phúc mới thì cách suy nghĩ đó không còn xác hợp với lối sống của người phụ nữ năng động tại đất nước mà tư tưởng con người thay đổi tính theo từng giây này nữa.
Đó là tôi nghĩ cho những người phụ nữ khác lòng vòng quanh mình. Nhiều khi thấy họ bị lên án hay bị dèm pha mà buồn dùm. Tuy nhiên họ cũng đáng bị lên án nếu vì động lực đi tìm hạnh phúc mới mà bỏ bê con cái quá độ, không chăm sóc và dạy dỗ cẩn thận cho chính những đứa con mình sinh ra thì thật sự họ đã không làm tròn trách nhiệm chính của họ với xã hội và với người đã mất thì "hạnh phúc" họ có tìm được cũng chỉ là tạm bợ và trong lòng họ sẽ mãi khắc khoải vì họ đã gạt bỏ đi phần đời đáng ghi nhận của họ trong hiện tại, những gì họ đã mang tới mà quên đi là phải chăm sóc và vun bón để nở được cho xã hội những đoá hoa đời có ích.
Còn tôi thuộc loại phụ nữ nào. Thật sự khi cơ hội tới, tôi ngu chi mà nói không nhưng điều chính là tôi không chờ, không đợi, không tìm kiếm thì có tới hay không, có lẽ nằm ngoài dự tính của tôi.
Nhiều khi lễ phép với một ai đó hay nói chuyện nhiều hơn với người nào tôi cũng hiểu đó là thái độ lịch sự của một người phụ nữ độc lập chứ không phải vì muốn đi xa, đi sâu vào mối quan hệ nào cả.
Tôi vẫn còn nhớ khi chồng tôi mới mất, tôi đi chợ cũng sợ, đi ra ngoài đường sợ luôn, chiều lại không dám về nhà một mình khi chưa đón hai con. Cái trống vắng quạnh quẽ mới đau làm sao.
Vâng, tương lai khó ai mà đoán trước ra sao nhưng thật đúng là tôi đang bình thản đi trên con đường chỉ có một mình, con đường của một người phụ nữ Á đông đang sống và làm việc trong một quốc gia với những tư tưởng và cách sống tôi phải tập quen, tập đối phó hàng ngày để làm mới mình cùng phải học hỏi và nổ lực hết mình vun đắp cho tương lai của con mình. Mục tiêu cuối cùng của tôi là mong sao dạy được chúng vượt qua những chông gai và khó khăn trong tư tưởng, trong cuộc sống để đạt được những thành công trên đường đời tại đất nước Hoa Kỳ. Và chính điều đó luôn là động cơ thúc đẩy tôi luôn biết thích nghi mình với mọi hoàn cảnh.
So với ba năm trước đây, tôi cám ơn thời gian và cuộc sống đã rèn được tôi thành một con người khác, biết chấp nhận và biết tận hưởng đời sống hơn.
Ôi, con đường tình tôi đi!

Vành Khuyên

viethoaiphuong
#4 Posted : Sunday, December 27, 2009 4:36:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Ông Mỹ Của Tôi


Ngày còn ở VN, tôi là sinh viên năm thứ hai đại học ngoại ngữ khoa Anh Văn. Tôi có được lòng ham mê học ngoại ngữ vì muốn tiếp cận với văn hóa nước ngoài để thấy cái hay, cái đẹp của họ đồng thời cũng hiểu thêm văn hóa dân tộc mình sâu sắc hơn khi tôi có thêm những hiểu biết khác để mà so sánh. Tôi học ngoại ngữ biết nói thì ít, tôi đọc và viết nhiều hơn vì tôi muốn trở thành dịch giả. Nhìn mấy giáo sư dạy tôi lúc đó tôi vô cùng cảm kích. Mỗi tối họ kêu tên tôi lên phát bài viết và khen tôi nhiều lắm vì tiếng Anh tôi viết rất chính xác dù là chỉ hơn các anh chị cùng lớp chút xíu vì tôi có thời gian hơn và các anh chị do làm ăn, bương chải với đời sống mà không có thì giờ học bằng tôi thôi. Ngày ấy tôi rất thích nghe các bài nhạc của Karen Carpenter hay ABBA. Tôi tự hiểu những ngôn từ có ý nghĩa dù rất đơn giản nhưng chứa đựng những hàm ý thật sâu sắc của những bài học cơ bản và đơn giản từ đời sống thay vì những ý nghĩ ý nhị và thâm thúy trong những gì tôi học từ văn hóa Việt nam.

Ngày đó tôi rất cô đơn, đã cô đơn lắm rồi. Nghe một bài nhạc mà tưởng như họ vừa nói hộ tâm lòng mình.

"The hardest thing I ve ever done is keep believing that someone in this crazy world for me.

The way that people come and go through the temporary life, my chance could come that I might never know.

I used to say no promises let keep it simple.

It s freedom only help you say goodbye.

It took a while for me to learn that nothing comes for free. The price set paid high enough for me.

I know I need to be in love

I know I wasted too much time

I know I ask perfection of quite imperfect world and fool enough to think that what I ll find."

. . .

Bài nhạc của này của ban Carpenter còn một đoạn nữa nhưng chỉ nghe tới đó tôi đã khóc ròng. Tôi nghĩ sau này nếu có ra nước ngoài và thay đổi tên họ cho người ta dễ kêu, tôi sẽ lấy theo tên cô ca sĩ Karen này vì tôi vô cùng cảm kích cô và những bản nhạc gia đình cô sáng tác.

Qua Mỹ rồi tôi mới thấy thật ra mình thích ai hay quý ai thì cứ quý và cứ thích. Còn đổi tên hay không là một vấn đề khác. Ngày tôi đậu quốc tịch Mỹ, bà giám thị hỏi tôi đổi tên không, tôi bảo không đổi chắc ăn lắm. Tôi biết người Mỹ họ đọc âm NG không được và họ hay gọi lộn tôi là Ngọc thay vì Trâm nên thôi tôi để họ gọi tôi trẹo miệng chơi cho họ biết tôi chẳng phải người xứ sở này mà từ một quốc gia khác.

Thật ra qua tới Mỹ rồi thì tôi thấy thành gì cũng khó chứ đừng nói thành dịch giả mà tôi từng mong. Để cho nhanh 4 năm học, tôi dùng lại tất cả nhừng kiến thức mình có được tại VN để tiếp tục nơi đây, đó là hai năm tiếng Pháp và một năm tiếng Nga. Cái mác biết ba thứ tiếng ngoài tiếng Việt nam chẳng làm tôi khá lên chút nào mà còn làm tôi nói tiếng Anh oằn ẹo đi vì cứ lộn lung tung. Khi nhận ra chính tôi tự làm khổ mình và lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả, tôi đành chấp nhận tất cả các công việc từ thầy không ra thầy, thợ không ra thợ để kiếm sống chứ biết làm sao.

Sau hai năm tại trường đại học cộng đồng, tôi chuyển lên trường lớn với chút tiền dành dụm mong sao lập nghiệp được trên thành phố lớn này.

Tôi vào trường đại học Mỹ thì nói thật cũng chẳng ma Mỹ nào thích tôi. Nội nói tiếng Anh phải quơ tay, quơ chân như tôi họ nói khoảng ba lần là phải chạy, thì giờ học còn không có thì lấy thì giờ đâu mà hiểu và thương tôi chứ.

Nếu có ai cứ lẽo đẽo theo tôi, tôi thường bị bạn bè chọc là họ thích cái body của tôi dù tôi biết họ chỉ đùa vì dân sinh ra vùng nhiệt đới như tôi thì suốt năm tháng khoác cái áo lạnh đủ bốn mùa trong năm đi học thì làm sao họ biết body tôi ra sao. Ngành tôi học là ngành Ngôn Ngữ Học chỉ có mình tôi là sinh viên Việt nam thời gian đó. Nhiều khi lên lớp lẻ loi cùng cực vì không có ai muốn nói chuyện với tôi hay có bắt chuyện thì họ cũng chỉ nói chuyện bài học vài câu rồi cũng chẳng cười xã giao với tôi ngày lên lớp tiếp theo thì bạn bè gì trời.

Bạn bè ở Mỹ lúc đó với tôi sao mà khó thế. Chỉ có những người bạn Phillippines và Trung Đông rủ tôi đi ăn phở tại tiệm VN. Chắc họ nghĩ rủ thế tôi dễ đồng ý hơn. Nhưng tôi biết họ đến để du học, nhỡ ra có chuyện gì với họ thì khổ và thế là tôi tránh. Vậy coi như chỗ họ tìm đến mình thì tránh, chỗ mình muốn tìm đến thì người ta tránh. Tôi quyết định chui vào cái vỏ ốc của mình học cho xong xem ra chắc ăn hơn quá.

Hồi tôi sống tạm ở một khu phố nghèo nằm vùng SE của thành phố lớn Portland. Thành phố này, khu nào ra khu đó, khi khai ra ở phía nào của thành phố là người ta biết bạn nghèo hay giàu hay thuộc loại nào. Khu tôi ở nghèo nhất và tập trung dân African American là đa số và phần trăm tệ nạn xã hội nhiều nhất ở đây.

Là sinh viên nghèo, nếu bạn đã ở Việt nam thì sự thật bạn sợ không có chỗ sống hơn là sợ thiếu an ninh. Cứ đi về tới nhà chạy cái ù lên cầu thang mở cửa vào nhà ai dám làm gì mình. Thằng trộm nghèo nhất chắc cũng chẳng nỡ đợi tôi những ngày mưa bão vẫn phải đi làm, đi học tới tối mới về để chẳng lấy được đồng nào vì có đồng nào đã vào tiền nhà, tiền McDonald và sách vở cả rồi.

Tôi không hề và không có thành kiến với bất cứ chủng tộc nào cả. Ai chưa làm gì mình thì coi như vẫn là tờ giấy trắng. Tôi chào tất cả mọi người tôi gặp ngay chỗ ở nhưng họ không bao giờ cười lại làm tôi cũng không dám cười lần nào nữa. Do vậy mà xa lạ hoàn xa lạ, chuyện trò xã giao được lúc nào đâu. Xa lạ thì thôi tôi cũng chẳng có vấn đề gì nhưng cái cô da màu ở ngay dưới lầu nhà tôi hễ có nhà là mở nhạc rất lớn, lớn tới độ tôi nghe nhức cả đầu. Tôi xuống dưới lầu bấm chuông gọi xin cô vặn nhỏ lại mà nhạc lớn quá cũng chẳng ai thèm ra mở cửa. Bực qúa, tôi lấy cái chổi giọng rầm rầm xuống nền cũng chả ăn thua. Đành trùm mền đi ngủ chứ học hành gì nữa. Những ngày kế đó tôi tới trường học đến khuya mới về, lại nguy hiểm thêm một chỗ nữa khi rời trường ra chỗ lấy xe. Chọn đàng nào cũng chết, may mà tôi cũng ra trường.

Khi tôi và chồng mua được căn nhà tại thành phố Salem cũng phải trần ai. Kế nhà tôi là đôi vợ chồng Luật sư người Spanish, vợ nội trợ người Mỹ. Cả đời tôi tôi tránh xa luật sư và bác sĩ không chơi. Bạn bè ai không hiểu nói tôi chảnh vì thứ tôi ai thèm chơi mà không chơi với người ta. Nhưng nghĩ mà coi, khi bạn đến bác sĩ là bạn bịnh, còn tới luật sư là có vấn đề về luật pháp, kiện tụng. Ai dám chơi. Mà thật sự cũng phải cố gắng lắm họ mới đạt tới công việc đó, tôi có chào họ mà họ làm lơ thì có chơi cũng không làm sao chơi được thì tôi đúng là không phải chỗ bị trách.

Sau đó đôi vợ chồng người luật sư này bán nhà cho người hàng xóm độc thân của tôi hiện giờ đây. Người hàng xóm này phải nói là hay, đi làm về vô nhà ở luôn tới tối, mai ra cửa là tới giờ đi làm. Cỡ Valentine Day hay Christmas này nọ thì có quà và đồ treo trước cửa. Vợ chồng tôi ngỏ ý làm mai cho ông với bạn bè tụi tôi mấy lần mà ông cứ nói có bạn gái rồi. Có lẽ ông không muốn nói nhiều hơn về những điều không thể nói.

Vợ chồng tôi không hề biết ông làm nghề gì, hẳn là lao động chân tay thôi vì ít thấy ông bảnh bao như dân văn phòng. Làm gì chung như hàng rào, cửa vô sân sau thì ông cũng bàn với chồng tôi và sau đó không bao giờ chịu chia đôi chi phí. Ông làm vợ chồng tôi rất ngại vì cứ thiếu nợ kiểu này lấy gì trả. Ông bảo mua cho ông nước pop như coke này nọ được rồi cho vợ chồng tôi đỡ ngại chứ chúng tôi hiểu chẳng thấm vào đâu so với cái công và tấm lòng của ông.

Mỗi ngày đổ rác xong, chồng tôi mà về trước thì cất thùng rác dùm ông, ông về trước cũng làm như vậy. Ông kể tôi nghe ông làm điều đó như là niềm vui báo cho chúng tôi ông vẫn ok và khoẻ mạnh. Hai ba tuần liền, tuần nào chúng tôi về trễ mà không thấy thùng rác được cất trước là lo cho ông lắm.

Khi xe 911 đậu trước nhà tôi cái đêm oan nghiệt chồng tôi ngã xuống, hàng xóm một vài người biết và ai cũng mong mọi chuyện xuông xẻ. Sau đó tôi cũng không báo ai chồng tôi đã mất. Cộng đồng VN có vài nhóm tới thăm, chẳng ai hề biết vợ chồng tôi là ai vì chúng tôi rất riêng tư vì chồng tôi từ Cali về đây, còn tôi lại mới trở về từ thành phố lớn chẳng vui chơi và quen biết với ai ở đây cả.

Tôi tránh tất cả mọi người, nói tránh chứ thật sự là tôi sợ. Tôi sợ ai nhắc lại những gì tôi từng có và muốn chia xẻ. Cứ để nó tự qua vậy mà hay.

Bây giờ thì tôi tin, người nào sống một mình thì không khùng hay chưa khùng thì chắc hẳn phải có một đặc điểm hay vũ khí gì đó để mà chống chọi. Với ông hàng xóm này là óc hài hước. Lúc nào gặp chúng tôi ông cũng cười rất tươi. Sau này nói chuyện nhiều hơn với ông tôi mới biết trong nhà ông cũng khóc chứ không phải không.

Nhà ông khi tôi vào không một mảnh đồ đạc nào, một ti vi hai cái ghế da, một cái giường, thế thôi. Vì không đồ đạc gì nên chẳng ai tới chơi, chẳng khách khứa gì. Từ ông tôi học được một bài học rất đáng giá, cuộc đời có đau buồn và cô độc tới đâu cũng cứ cười cái đã, ai sống sao mặc ai, mình sống và biết mình làm tốt công việc mình làm và kiếm đồng tiền chân chính bằng mồ hôi nước mắt mình có được là đủ rồi.

Tôi không ca gì ông hàng xóm. Có lẽ ông cũng có mặt nào xấu chứ không phải không nhưng mỗi con người là một thế giới, không trao đổi, không trò chuyện thì có thấy cả thế giới trước mặt cũng như là chưa thấy và chưa hiểu gì. Chúng tôi chỉ là hàng xóm thì hiểu thêm được chút nào cám ơn đời sống lúc đó đã mở mắt cho mình thôi.

Mà tôi thích nhất cái tính nói thẳng của ông. Nhiều khi thẳng quá khiến tôi bất ngờ nhưng trời ơi còn hơn là không nói. Ông bảo tôi nói tiếng Anh ông còn không hiểu sao tôi làm việc với người Mỹ được. Tôi khựng một hồi chưa biết ông nói với ý gì. Xong tôi giải thích với ông thế này. Thưa ông, ai cũng hiểu tôi hết á vì họ chọn họ phải hiểu. Còn họ mới nghe tôi nói mới có một câu mà đã nói tôi nói khó nghe và tôi nói gì không hiểu là tại họ không muốn hiểu và chọn không hiểu nữa như ông vậy chứ tôi cũng nói những chữ, những ý thường ngày thôi, tôi đâu phải dân biểu để mua lòng, màu mè chữ nghĩa chi. Ông cười ha hả trước mặt tôi. Ông đùa hay không tôi không cần biết nhưng ít nhiều gì tôi cũng giúp ông hiểu đời sống người nhập cư không phải dễ và mỗi khó khăn đã vượt qua với họ là thành tích mà nếu không hỏi, bất cứ người bản xứ nào cũng không thể hiểu và biết được điều đó có tồn tại trong cuộc đời.

Thật ra tôi mắc mưu ông hàng xóm khi ông ghẹo tôi mà hỏi vậy thôi. Tôi biết tôi có nói ra ba câu mà ông hiểu được hai câu là tôi thuộc loại xuất sắc lắm rồi. Ở chung một nhà chưa chắc nói ba câu hiểu hết ba câu chứ đừng nói tới làm hàng xóm. Vậy là từ những buổi trò chuyện không đâu như vậy tôi học thêm một bài học nữa là không mong đợi bất cứ điều gì từ người quen. Hễ có thì tốt, không có thì mình cũng không chết cho nó đỡ mệt.

Một sáng quá lạnh, bình điện xe của tôi chết. Lúc đó đã hơn 9h mà 11h tôi phải đưa hai con đi học võ. Tôi qua nhà gọi ông hàng xóm qua giúp. Gọi mãi chẳng thấy ai, tôi hơi hốt hoảng. Trở về nhà tôi lại đề máy tiếp và hy vọng nó nổ cũng không hoàn không. Tôi trở qua thì đã thấy ông hàng xóm đang cầm bình thử điện đi tới. Ông giải thích cho tôi từng việc làm một dù những gì ông nói tôi hiểu tôi chết liền. Đúng là đàn bà chỉ biết leo lên xe chạy. Sau khi biết chắc là hư bình điện, ông bảo tôi đi mua. Tôi bảo con tôi chưa ăn xong tôi chưa đi được và nhờ ông đi. Ông bảo để ông coi chúng nó và giục nó ăn nhanh tôi cứ đi đi cho biết là công việc không khó như tôi nghĩ. Tôi ghẹo ông, ông quá tốt. Nếu cho tôi vote tôi vote ông lên thiên đàng. Ông hàng xóm cắc cớ hỏi tôi, thế tôi đi đâu. Tôi bảo tôi không mind xuống địa ngục. Ông hỏi tại sao tôi bảo cả đời tôi đi sửa và cắc cớ những người hách dịch, thấy có chút quyền lực hà hiếp người khác thì tôi nghĩ tôi chẳng đi đâu được ngoài địa ngục. Tôi chọc ông vậy thôi chứ tôi thờ cúng ông bà, chết rồi tôi đi về đâu còn ý nghĩa gì nữa. Tôi không quan tâm.

Ông Mỹ của tôi, cũng như bao nhiêu những người bản xứ mà tôi tiếp cận và vô cùng cảm ơn tấm lòng rất con người của họ, muốn người khác đứng được bằng chính đôi chân của họ, thay vì cứ dựa dẫm vào ai đó dù họ có là một người phụ nữ đi nữa.

Tôi rất thích cái nguyên lý đó. Nó giúp cho một người dù có hoảng hốt tới đâu cũng có thể bình tĩnh lại và tin vào bản thân mình hơn để vượt qua được những chuyện nhỏ nhặt rất đời thường, dù chưa bao giờ phải đối đầu hay có thể như người khác không cần phải đối đầu vì đang có ai bên cạnh.

Tôi thật sự muốn viết bài viết này cảm ơn Ông Mỹ Của Tôi, người hàng xóm, người bạn của gia đình tôi mà tôi rất quý.

Forrette, Alan Richard. Thật cảm ơn thời gian vừa qua ông là người hàng xóm tốt vô cùng của chúng tôi, ông ạ.

Vành Khuyên



*bài này vừa chạy vào hộp thư của VHP qua Việt Nam Thi Đàn groups


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.