Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Golda Meir
Huệ
#1 Posted : Sunday, October 12, 2008 4:00:00 PM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

Golda Meir
Nữ Thủ Tướng Do Thái

(1898 - 1978)

Huệ
#2 Posted : Monday, October 13, 2008 7:10:52 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

Golda Meir
Nữ Thủ Tướng Do Thái


Bà Golda Meir là thủ tướng thứ tư của Do Thái và là người phụ nữ thứ ba của thế giới được nắm giữ chức vụ đứng đầu nội các của một quốc gia, sau nữ thủ tướng Sirimavo Bandaranaike của Tích Lan (Sri Lanka) và nữ thủ tướng Indira Gandhi của Ấn Độ. Có lẽ vì bà là công dân Hoa Kỳ đầu tiên trở thành thủ tướng của một quốc gia khác và có một quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ, nên tại thư viện Tổng Thống Nixon ở Yorba Linda, California, tượng của bà vẫn được trưng bầy.

Bà Golda Meyer sinh ngày 3 tháng 5 năm 1898 tại cảng Kiev của vùng Ukraine, nước Nga, trong một gia đình gốc Do Thái. Khi mới sinh, tên bà là Goldie Mabovitch, con ông Moshe Mabovitch và bà Bluma Mabovitch. Thân phụ bà làm nghề xẻ gỗ. Thời bấy giờ, nước Nga vẫn còn đang được cai trị bởi Nga Hoàng, 19 năm sau mới bị lật đổ bởi cuộc Cách Mạng Tháng Mười. Bà lớn lên khi các cuộc nổi dậy bạo động của người Nga gốc Do Thái và sự hà khắc, đàn áp, khủng bố của Nga Hoàng Alexander Đệ Tam thay nhau diễn ra trên đường phố. Đời sống của người Do Thái rất khốn khổ. Vào năm 1900, số người Do Thái phải sống nhờ sống cậy vào các đoàn thể của cộng đồng là 40%. Đây cũng là khoảng thời gian ý chí thành lập một quốc gia Do Thái trở nên mãnh liệt nhất và Hội Zion được chính thức thành lập để quy tụ tất cả những người con dân Do Thái lưu lạc trên khắp nơi trên thế giới lại, hoạt động tìm một con đường đoàn kết để tồn vong.

Kể lại trong hồi ký, bà Golda Meir còn nhớ mãi những ngày thân phụ bà phải đóng ván kín cửa lại để ngăn chống sự khủng bố người Do Thái lúc bấy giờ. Nhà có tám anh chị em thì năm người chết khi còn thơ bé. Ba chị em còn lại thường chịu cảnh đói và lạnh thường xuyên, mùa đông nước Nga rất khắc nghiệt. Năm 1903, gia đình bà dọn về thành phố nhỏ Pinsk. Thân phụ bà tìm cách sang Hoa Kỳ để mưu sinh, hẹn sẽ thu xếp cho gia đình sang sau. Mới năm tuổi, nhưng Golda vẫn biết chị Sheyna lớn của mình tham gia hoạt động cho nhóm Zion và cô bé rất ngưỡng mộ chị mình.

Năm 1906, thân phụ bà đón cả gia đình sang Hoa Kỳ. Gia đình bà định cư ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Thân phụ bà hành nghề thợ mộc, thân mẫu mở một tiệm tạp hóa. Mới tám tuổi, nhưng cô bé Golda đã biết giúp mẹ trông cửa hàng mỗi sáng sớm, trước khi đi học, khi mẹ phải chạy cất hàng cho một ngày mới. Golda theo học trường Fourth Street School (sau này đổi tên thành trường Golda Meir) từ năm 1906 cho đến năm 1912. Chính tại nơi đây, cô bé Golda đã bắt đầu làm công việc lãnh đạo đầu tiên bằng thành lập Hội American Young Sisters Society. Golda thuê một hành lang của trường để làm chỗ hội họp và gây quỹ mua sách giáo khoa cho các bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn. Là một cô bé di dân, năm đầu tiên một chữ Anh cũng mù tịt, thế mà sáu năm sau, Golda đã ra trường với hạng danh dự toàn trường (valedictorian).

Mười bốn tuổi, Golda sang học trường North Division High School và làm việc bán thời gian để kiếm tiền. Cô muốn trở thành cô giáo, nhưng mẹ cô chỉ muốn cô nghỉ học, đi làm, rồi lấy chồng. Golda nổi loạn, bỏ nhà trốn sang Denver, Colorado, sống với chị Sheyna. Golda đi học ở đó và gặp chàng thanh niên Morris Meyerson, chuyên sơn bảng hiệu và sau này trở thành chồng của cô. Thời gian ở Denver với Sheyna, ảnh hưởng của người chị trưởng thành lại càng sâu đậm hơn trong cô.

Nhưng năm sau, hòa hoãn với mẹ, Golda trở về đi học tại trường North Division High School. Cô rất hoạt bát, bắt đầu tham gia các hoạt động của thanh niên Zion, thuyết trình tại các buổi họp, cổ võ cho tinh thần Socialist Zionism và tổ chức tiếp đón các đoàn viên khi họ từ Palestine qua. Mười bảy tuổi, Golda tốt nghiệp, bắt đầu đi dạy học và cũng chính thức gia nhập tổ chức Labour Zionist Organization.

Mười chín tuổi, ngày 24 tháng 12 năm 1917, Golda làm lễ cưới với Morris Meyer ngay tại nhà cha mẹ mình. Họ hẹn sẽ cùng nhau quay về tìm miền đất hứa. Thế là năm 1921, đôi vợ chồng trẻ, cùng với chị Sheyna và cháu gái lên đường về Palestine để gây dựng một quê hương Do Thái. Đôi vợ chồng trẻ muốn gia nhập nông trường (kibbutz) và nộp đơn cho nông trường Kibbutz Merhavia. Ban đầu họ bị từ chối, nhưng cuối cùng cũng được nhận đơn. Golda giữ nhiệm vụ thu hoạch hạt hạnh nhân, trồng cây mới, nuôi gà và trông nom ẩm thực cho cả nông trường. Việc lớn, việc nhỏ, việc nào cũng hoàn thành chu đáo, một lần nữa, khả năng lãnh đạo của Golda lại tỏ lộ. Nông trường chọn Golda làm đại diện cho họ tại các phiên họp của Hội Đồng Công Đoàn Lao Động Do Thái. Khi Morris mỏi mệt với nông trường và muốn ra đi, đôi vợ chồng trẻ rời nông trường và về sống ở Tel Aviv. Nơi đây, Menahem, đứa con đầu lòng của họ ra đời. Ngay sau đó, họ dọn về Jerusalem và sinh con gái, Sarah, hai năm sau.

Lại hai năm sau, 1928, Golda đắc cử Tổng Thư Ký của Hội Đồng Phụ Nữ Công Đoàn Lao Động Do Thái. Điều này bắt buộc bà phải trở lại Tel Aviv. Bà đem theo hai con nhỏ. Morris Meyer ở lại Jerusalem. Họ không bao giờ ly dị, nhưng ly thân từ đó. Họ công bố cuộc hôn nhân chấm dứt năm 1940, nhưng vẫn không chính thức ly dị. Ông mất năm 1951 tại Jerusalem.

Tổng Thư Ký của Hội Đồng Phụ Nữ Công Đoàn Lao Động là chức vụ đầu tiên của bà với cộng đồng Do Thái, lúc bấy giờ vẫn chưa là một quốc gia tại Palestine. Năm 1930, bà cùng với nhiều người cùng chí hướng lập ra Đảng Lao Động Do Thái.

Năm 1932, bà Golda Meir trở lại Hoa Kỳ vì con gái bị bệnh thận cần thuốc men và lương y. Bà cũng lợi dụng thời gian này ở Hoa Kỳ để đi khắp nơi, diễn thuyết và ráo riết gây quỹ cho Tổ Chức Phụ Nữ Tiền Phong Hoa Kỳ (Pioneer Women's Organization of America), một tổ chức hổ trợ cho Do Thái tìm một miền đất quê hương. Sau khi trở về Palestine năm 1934, bà được chọn là một trong những người trong hội đồng quản trị của Công Đoàn Đoàn Kết Zion (Zionist Labor Union).

Năm 1938, bà đại diện Do Thái trong vai trò quan sát viên của Hội Nghị Tị Nạn Thế Giới, tổ chức tại Evian-les-Bains, Pháp. Chính tại nơi đây, bà đã nhận ra sự thờ ơ của châu Âu, nhất là Anh, trong vấn đề cứu người tị nạn. Bất chấp làn sóng kỳ thị người Do Thái tăng lên tới mức đáng báo động ở châu Âu, người Anh đóng cửa Palestine, không cho người Do Thái đến đó nữa.

Năm 1939, thế chiến thứ hai bùng nổ. Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt. Trong khoảng thời gian này, hàng triệu người Do Thái bị bức hại ở châu Âu, hơn 6 triệu người chết thảm trong các trại tù và lò thiêu của Đức Quốc Xã. Người Do Thái ngoài xứ Palestine vẫn không có lấy một chỗ dung thân. Trước thế chiến thứ hai, ở Palestine đã có hơn 100,000 (22%) người Do Thái từ khắp nơi đổ về trong nhiều đợt, sau những cơn bức hại từ thời Thiên Chúa Giáo đến thời Hồi Giáo và thời cận đại. Ngay sau thế chiến thứ hai, người Do Thái ở Palestine chiếm 33% dân số, và cứ thế mà tăng lên khi người Do Thái lũ lượt tìm về miền đất hứa, khi biết rằng châu Âu kỳ thị họ. Tuy nhiên, tại Palestine, Do Thái vẫn không phải là một quốc gia và người Do Thái vẫn chỉ là một nhóm người không tổ quốc.

Những người Do Thái vẫn nhất định tìm cho dân tộc mình một lối thoát và một chỗ đứng. Trong lúc nhà lãnh tụ quân sự David Ben-Gurion nắm vai trò chủ chốt trong Công Đồng Lao Động Do Thái, bà Golda Meir được ủy nhiệm xử lý thường vụ và chẳng mấy chốc được ủy nhiệm luôn chức vụ Thủ Trưởng vủa Bộ Chính Trị Cộng Đồng Do Thái, một hình thức chính phủ lưu vong năm 1946. Chính quyền Anh năm 1946 đã săn lùng và bắt giữ rất nhiều lãnh tụ Do Thái hoạt động tại Palestine. Bà Golda Meir, tuy thế, vẫn không bị bắt. Bà từ từ gây thế mạnh cho tổ chức của mình, một mặt thương lượng với chính quyền Anh, một mặt giữ liên lạc với những phong trào du kích Do Thái khác.

Bà đã mạnh dạn và cương quyết phản đối việc bắt giữ và tạm giam những người Do Thái lên tàu ở Ý để tìm đường về Palestine. Vào ngày 29 tháng 11 năm 1947, khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chia Palestine thành hai khu vực Ả Rập và Do Thái, bà Golda Meir giả trang để bí mật đến gặp vua Abdullah của Jordan lần đầu tiên. Năm sau, bà lại bí mật đến gặp nhà vua một lần nữa. Jordan là nước láng giềng của xứ Palestine và luôn luôn có ảnh hưởng chính trị đến vùng Trung Đông. Thật ra, người Do Thái đã vui mừng với quyết định này, chia đất sống cho hai giống dân cùng giành Palestine, nhưng giữ lại thành phố cổ Jerusalem làm một thành phố quốc tế do Liên Hiệp Quốc kiểm soát. Nhưng người Ả Rập lại phản đối vì họ vẫn cho rằng đất Palestine thuộc về người Ả Rập mà thôi.

Dẫu vậy, trong sáu tháng kế tiếp, những nổ lực của người Do Thái đã đem lại kết quả. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, quốc gia Do Thái được thành lập. Tướng David Ben-Gurion trở thành thủ tướng đầu tiên của nước Do Thái.

Bà Golda Meir là một trong 24 người đặt tay ký vào Bản Tuyên Ngôn Thành Lập Quốc Gia Do Thái (Declaration of the Establishment of the State of Israel) tại thủ đô Tel Aviv. Sau này, khi nhớ lại, bà viết:"Sau khi ký xong, tôi bật khóc. Khi học lịch sử Hoa Kỳ ở bậc trung học, tôi đọc về những người ký Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Tôi không hề thấy những người này là có thật và những việc đó là có thật. Thế mà nay tôi lại ký tay vào bản tuyên ngôn này của Do Thái." Sau đó, bà là người được cấp giấy thông hành đầu tiên của quốc gia Do Thái để sang Hoa Kỳ vận động gây quỹ giúp quốc gia trẻ của mình. Là công dân cũ của Hoa kỳ, cộng thêm những hoạt động của ước mơ chuẩn bị từ trước, bà đã thành công vượt bực và gây quỹ được khoảng $50 triệu Mỹ kim, một số tiền khổng lồ vào lúc bấy giờ.

Nhưng trở lại với đất nước Do Thái ngay hôm sau ngày thành lập, năm nước láng giềng hợp nhau lại cùng tấn công Do Thái bằng quân sự. Đó là Ai Cập, Syria, Jordan, Lebanon và Iraq. Khói lửa lại ngút trời trên miền đất Palestine. Tới lượt người Ả Rập phải chạy tị nạn. Theo thống kê của Liên HIệp Quốc, tổng số người Ả Rập phải bỏ chạy khỏi xứ để làm người tị nạn là 711,000 hay 80% dân số lúc bấy giờ. Cuộc chiến tranh diễn ra mãi một năm sau các phe lâm chiến mới chịu ký kết tạm ngừng bắn, tạm chia lại ranh giới các khu vực.

Ngày 11 tháng 5 năm 1949, Do Thái được chấp nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Những người Ả Rập chạy ra, thì những người Do Thái lại chạy vào. Dân số Do Thái cứ thế mà tăng lên. Những làn sóng người sống sót sau Holocaust tiếp tục tuôn về, những người Do Thái bị người Ả Rập lấn áp ở các nước láng giềng cũng tuôn về. Đa số trở về như người tị nạn, không chút của cải nào. Họ sống trong các lều vải, có lúc số đầu người sống trong lều lên tới 200,000 người. Chính phủ mới lại phải tìm cách giúp cho họ sống.

Gây quỹ ở Hoa Kỳ về, bà được bổ nhiệm làm Đại Sứ Do Thái tại Liên Xô. Bà chỉ ở Liên Xô vài tháng trong vai trò này, nhưng chiếm được cảm tình của mọi giới. Thủ tướng Liên Xô Stalin vẫn lo ngại khuynh hướng bài Do Thái trong lòng người Nga. Nhưng ngạc nhiên thay, bà đi đến đâu đều được hoan hô đến đó, dân chúng bao quanh bà và rập ràng hô tên bà để ca tụng.

Ở Liên Xô về, bà được bầu vào Nghị Viện của đảng Lao Động Do Thái. Ben Gurion còn mời bà làm Phó Thủ Tướng Do Thái, nhưng bà xin tù khước và bằng long giữ vai trò Bộ Trưởng Lao Động và An Sinh Xã Hội từ năm 1949 đến năm 1956 .

Là bộ trưởng Lao Động và An Sinh Xã Hội, bà đã làm việc rất có hiệu quả để giải quyết vấn đề chỗ ở và công ăn việc làm cho làn sóng người Do Thái trở về đất hứa. Bà tự phác thảo và lập ra chương trình định cư Meyerson. Chương trình này đã cho phép xây cất 30,000 ngôi nhà một phòng. Bà cũng tự đứng ra cai quản việc xây cất 200,000 căn hộ chung cư để cấp nơi ăn chốn ở cho những gia đình mới về định cư. Chính vì thành quả vượt bực này, thủ tướng Ben Gurion đã khen tặng bà là “đấng giỏi giang nhất của nội các” (“the best man”). Kèm theo lời khen tặng là việc bổ nhiệm bà làm Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Năm 1956, thủ tướng David Ben Gurion bổ nhiệm bà làm Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trước đó, khi bộ trưởng Ngoại Giao cũ là Moshe Sharett ra lệnh cho tất cả nhân viên ngành ngoại giao phải đổi họ thành họ Do Thái (vì đa số lấy họ tên nơi xứ mình tha hương, Đức, Hòa Lan, Nga…), bà Golda Meir có thể làm lơ vì không phải là nhân viên Bộ Ngoại Giao, nhưng đến khi chính bà là bộ trưởng Ngoại Giao, bà đổi họ Meyerson lấy theo họ chồng thành Meir, tiếng Hebrew có nghĩa là Tỏa Sáng (tiếng Anh là illuminate).

Là bộ trưởng Ngoại Giao từ 1956 đến 1966, mười năm trời bà đã ứng xử một cách khôn ngoan và cứng rắn để đặt quyền lợi của quốc gia Do Thái lên trên hết. Hai biến cố lớn trong mười năm này là vụ kênh đào Suez năm 1956 ở đất Ai Cập và vụ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc năm 1960 lên án Do Thái vi phạm lãnh thổ của Argentina khi đội biệt kích của Do Thái lẻn vào bắt cóc tên tội phạm đao phủ thủ Đức Quốc Xã Adolph Eichmann và đem ra khỏi Argentina một cách ngon lành để đem về Do Thái đòi công lý cho hàng triệu người Do Thái bị thiêu sống vì tay hắn trong thế chiến thứ hai.

Trong vụ kênh đào Suez, bà là người phụ nữ đại diện Do Thái để tham dự cuộc thương lượng giữa những lãnh tụ những cường quốc của thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Hoa…) khi thủ tướng Ai Cập, Abdul Nasser, quyết định quốc hữu hóa kinh đào Suez năm 1956 để trả đũa cuộc tấn công quân sự của Pháp và Anh vào lãnh thổ của Ai Cập. Kinh đào Suez dài 192 cây số, là đường giao thông cho tàu bè quốc tế đi từ Á sang Âu và từ Âu sang Á mà không phải lái vòng bán đảo lục địa châu Phi. Vụ khủng hoảng kinh đào Suez là một trong những biến cố lịch sử thế giới của thế kỷ, có thể dẫn tới một cuộc thế chiến nữa không chừng. Bà Golda Meir đã đại diện Do Thái trong giai đoạn đó.

Về vụ Aldolph Eichmann, khi thành viên mới Do Thái bị buộc tội trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về tội vi phạm lãnh thổ của Argentina, bà Golda Meir đã hùng hồn lên tiếng thay cho hàng triệu mạng người Do Thái bị mất trong các lò thiêu. Bài diễn văn hùng hồn đã làm cảm động các nước tham dự Liên Hiệp Quốc. Kết quả, tình đã thắng lý, công lý đã được phơi bày với sự thật bắt đầu từ hàng chục năm trước khi Eichmann thay đổi lý lịch trốn từ Đức sang Argentina để quịt món nợ của hàng triệu gia đình Do Thái vô tội. Kết quả, Do Thái được quyền giữ Eichmann và xử tên tội phạm chiến tranh này tại quốc gia Do Thái. Chẳng những vậy, bà Golda Meir đã dùng diễn đàn này để đem ra trước công luận quốc tế tội ác chiến tranh của Đức Quốc Xã và Holocaust nói chung.

Trong thời gian làm bộ trưởng Ngoại Giao, bà Golda Meir đã thành công trong việc thiết lập các quan hệ chính trị và kinh tế với các nước châu Phi. Năm 1965, bà biết mình có bệnh lymphoma, một chứng ung thư, và mệt mỏi vì bị chỉ trích về đường lối cực đoan, nhất định không chịu hòa hoãn với Palestine, bà từ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, những mong được ngơi nghỉ khỏi chính trường. Lúc này bà đã 67 tuổi.

Bà nghỉ ngơi bằng cách gom những tổ chức hoạt động cho Zion về thành một mối, thành lập đảng Lao Động. Trong ba năm này, bà đứng ngoài cuộc chiến tranh 6 ngày với Ả Rập năm 1967 và cuộc tranh chấp với Ai Cập năm 1968.

Khi thủ tướng Levi Eshkol bất thình lình qua đời năm 1969, để tránh sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa Yigal Allon và tướng độc nhãn Moshe Dayan, đảng Lao Động mời bà ra làm thủ tướng Do Thái.

Lúc này bà đã 71 tuổi. Bà đã thành công trong 9 tháng đầu tiên, đưa đến sự thắng cử của đảng Lao Động một lần nữa và bà tiếp tục làm thủ tướng Do Thái thêm bốn năm. Là thủ tướng Do Thái, bà đã được tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon ủng hộ tối đa về viện trợ quân sự cũng như viện trợ kinh tế. Cuộc chiến tranh trường kỳ với người Ả Rập vẫn tiếp diễn.

Bà từ chức thủ tướng Do Thái và về hưu ngày 10 tháng 4 năm 1974, ở tuổi 76.

Hồi ký Đời Tôi (My Life) của bà được xuất bản năm 1975.

Bà mất ngày 8 tháng 12 năm 1978 tại Jerusalem.
Huệ
#3 Posted : Monday, October 13, 2008 7:14:40 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Cuộc đời của bà Golda Meir đã là nguồn cảm hứng của nhiều phim ảnh và kịch bản trong nhiều năm qua.

1997: Nhà soạn kịch William Gibson đưa lên sân khấu Broadway vở kịch Golda, vai chính do Anna Bancroft thủ diễn.

1982: Phim A Woman Called Golda được nữ tài tử Thụy Điển Ingrid Bergman và nữ tài tử Úc Judy Davis thủ diễn. Judy Davis cũng thủ vai Golda trong vở kịch Broadway Jewish-American Tovah Feldshuh và phim O Jerusalem.

2005: Nữ tài tử Lynn Cohen thủ vai Golda trong phim Munich, do Steven Spielberg đạo diễn. Phim Munich kể lại vụ thảm sát tại Thế Vận Hội Mùa hè 1972 tại thành phố Munich, miền nam nước Đức và những phản ứng sau đó của Do Thái. Nữ kịch sĩ Valerie Harper thủ vai Golda trong một vở kịch khác của William Gibson, vở Golda's Balcony. Vở kịch này được diễn tại nhiều thành phố lớn ở Bắc Mỹ trong những năm 2005 - 2006.

Huệ
#4 Posted : Monday, October 13, 2008 7:16:17 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0



Mộ nữ thủ tướng Do Thái Golda Meir ở Jerusalem.

Những người thăm mộ thường đặt nhẹ một viên đá lên mộ người đã khuất để tỏ lòng kính trọng. Đây là phong tục của người Do Thái, như chúng ta đã thấy ở cảnh cuối của phim Schindler's List.



PC
#5 Posted : Tuesday, October 14, 2008 3:45:54 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Chính vì thành quả vượt bực này, thủ tướng Ben Gurion đã khen tặng bà là “người đàn ông giỏi ginag nhất của nội các” (“the best man”)

Có đùa không đây, chị Huệ? Mình phải dịch là "người giỏi giang nhất...", chớ làm sao là "người đàn ông... "được.


Huệ
#6 Posted : Tuesday, October 14, 2008 6:33:36 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Không đùa. Thủ tướng Ben Gurion cố ý nói như vậy, gọi bà Golda Meir là "người đàn ông giỏi nhất" để nhấn mạnh bà giỏi không khác gì người đàn ông và còn giỏi trội hơn nữa, chẳng có công tác nào mà đàn ông có thể làm mà bà không hoàn tất xuất sắc. Có những công tác các ông có thể làm, chẳng ông nào chịu khó lăn lưng ra làm, chỉ có một mình bà xông ra gánh vác hết. Vì thế, Huệ phải dịch như thế để khỏi phản cái nghĩa của người nói.

Bà Meir là người đàn bà bàn tay sắt khỏi cần bọc nhung. Khi quân khủng bố Ả Rập gây ra vụ thảm sát mười một vận động viên Do Thái và một cảnh sát Tây Đức tại Thế Vận Hội Mùa Hè, đầu tháng 9 năm 1972 tại Munich, là thủ tướng bà ra lệnh trả đũa. Ba hôm sau khi vụ thảm sát kết thúc, bà ra lệnh cho phi cơ Do Thái thả bom vào Syria và Lebanon, hai nước Ả Rập có nhúng tay vào vụ thảm sát chấn động thế giới này. Khi thấy thế giới lên án bọn khủng bố chưa đủ, bà và bộ trưởng Quốc Phòng Do Thái còn bí mật cho tổ chức đoàn biệt kích cảm tử Mossad (đội đã bắt cóc Aldolph Eichmann từ Argentina đem về Do Thái) đi càn quét bọn chủ mưu và thủ phạm Ả Rập để tỉa từng tên theo luật giang hồ, không cần tòa án nào hết! Sự càn quét này, mắt đền mắt, răng đền răng, thẳng tay tới mức được mệnh danh là Chiến Dịch Đất Trời Thịnh Nộ (Operation Wrath of God).

Các bạn nào muốn tìm hiểu thêm về các biến cố này, có thể tìm xem phim Munich do Steven Spielberg (gốc Do Thái, đạo diễn phim Schindler's List) đạo diễn năm 2005, và phim truyền hình Sword of Gideon (1986) dựa trên tác phẩm Vengence: The True Story of an Israel Counter-Terrorist Team của George Jonas.

PC
#7 Posted : Tuesday, October 14, 2008 6:46:08 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi Huệ


Không đùa. Thủ tướng Ben Gurion cố ý nói như vậy, gọi bà Golda Meir là "người đàn ông giỏi nhất" để nhấn mạnh bà giỏi không khác gì người đàn ông và còn giỏi trội hơn nữa, chẳng có công tác nào mà đàn ông có thể làm mà bà không hoàn tất xuất sắc. Có những công tác các ông có thể làm, chẳng ông nào chịu khó lăn lưng ra làm, chỉ có một mình bà xông ra gánh vác hết. Vì thế, Huệ phải dịch như thế để khỏi phản cái nghĩa của người nói.


Hừm, chị nói thế thì PC nghe nhưng chịu thì chưa đâu nha. Vì đây là một bài viết hoàn chỉnh cho nên có thể trong tương lai bài này sẽ được lan truyền rộng rãi. Và PC e ngại độc giả họ sẽ đặt vấn đề về cách dịch từ MAN. PC thì tiếng Anh còn quờ quạng cho nên không hiểu hết các sắc thái ý nghĩa của từ MAN.
Chúng ta còn cần một xác định đâu đó của thủ tướng Ben Gurion về ý định của ông khi ca tụng bà Golda Meir kiểu này. Giả như ý ông chỉ muốn nói là bà là người giỏi nhất chớ không phải bà giỏi như đàn ông (bộ đàn ông mới giỏi thôi sao ta?).

Huệ
#8 Posted : Wednesday, October 15, 2008 12:02:29 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Huệ đổi lại là "đấng giỏi nhất" nhưng vẫn nhất định là Ben Gurion ngụ ý khen bà giỏi nhất trong những "ông" của nội các Do Thái. Nên nhớ thế giới Trung Đông tới giờ vẫn coi phụ nữ là đứng sau nam giới, nên ông khen vậy như một bằng cớ xóa bỏ thành kiến thâm căn cố đế của họ, chứ khen bà là người giỏi nhất thì cũng bằng thừa mà thôi. Dịch là "đàn ông" quả có hơi nghịch nhĩ vì không có chữ nào để nói cái ý "man" cho một hình ảnh phụ nữ. Và nên nhớ bà Golda Meir khi giả trang đi gặp vua Jordan, bà giả trang làm một người đàn ông (các ông đâu rồi ta). Những bài viết của Huệ không phải là bài dịch từ một nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp mà là tổng hợp của những sách (kể cả hồi ký của bà Meir và sách của con trai bà viết về bà) và tài liệu đã đọc, viết lại cho dễ tiêu, kiểm chứng lại một lần nữa trước khi dán lên. Thật ra, Huệ có bỏ ngoặc đơn chữ "the best man" theo tài liệu tiếng Anh đã đọc. Người dịch có thể chọn chữ "the best person" hay "the best secretary" nếu muốn nói "người giỏi nhất" hay "vị bộ trưởng giỏi nhất". Vì cái ngụ ý của Ben Gurion nên câu này mới được truyền tụng, chứ khen một người là giỏi nhất thì không có gì phải nhắc đi nhắc lại hoài. Nhưng muốn chứng minh thì cũng khó, có lẽ phải đem ra bản tiếng Hebrew (mà Huệ không hiểu gì cả).

Đọc tiểu sử và cuộc đời của ba người phụ nữ làm thủ tướng đầu tiên của thế giới (thủ tướng Do Thái, Tích Lan và Ấn Độ) mà thấy hơi ngộ. Do Thái có văn hóa và phong tục khác hẳn Ả Rập thì cho qua đi, nhưng tại Tích Lan và Ấn Độ, nơi người phụ nữ bị coi là hạng nhì thì có hai bà lại đứng hạng nhất. Bà Indira Gandhi, thủ tướng Ấn Độ, nếu có đứng hạng nhì là hạng nhì sau nữ thủ tướng hàng đầu tiên của thế giới là bà Sirimavo Bandaranaike của Tích lan mà thôi.
xv05
#9 Posted : Wednesday, October 15, 2008 8:37:36 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Em đoán là lúc đó trong nội các Do Thái chắc chẳng có mấy bà, không chừng chỉ có mỗi một bà Thủ tướng mà thôi. Cho nên khen là "người đàn bà giỏi nhất" thì không make sense gì hết (?)
xv05
#10 Posted : Wednesday, October 15, 2008 8:56:47 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Em đoán trật lất rồi!
Vì em tìm được ở đây:

http://goliath.ecnext.co...Meir-1946-1949-Ben.html

có nói như chị Huệ nói:

"Ben-Gurion, when Prime Minister, once referred to her as being the best man in his Cabinet, meaning that she had more strength than her male colleagues to follow through with what was necessary to meet objectives."
Huệ
#11 Posted : Wednesday, October 15, 2008 11:09:59 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Cảm ơn XV rất nhiều. Hôm nay cả ngày chị chỉ nghĩ tới bà Golda Meir. Cooling

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.