ĐỨA EM DÂU.
Những ngày còn bé, anh chị em tôi sống quấn quít với nhau. Sáng, trưa, chiều, tối nhà tôi đầy tiếng cười đùa. ngoài giờ học chúng tôi tha hồ tắm sông, thả diều, lội ruộng bắt cuavề nướng, tối tối lấy khăn lông làm áo khoác ca vọng cổ, đóng vai hoàng tử liều mình cứu công chúa...Tuổi thơ vèo một cái, các anh các chị tôi lần lượt lập gia đình, trong nhà chỉ còn Út nhứt (thứ 11), Út nhì (thứ 12), Út 13 và Út chót (thứ 14). Mẽ tôi đâm lo cho viễn ảnh tương lai nên phán một câu:
Thằng Út lớn rồi cưới vợ đi. Còn ba đứa con gái rồi cũng đi, Mẹ ở với ai và lấy ai đở đần?
Thế là đám cưới thằng Út tưng bừng với sự chúc mừng vui vẻ của 13 anh chị em trong nhà. Em dâu út của tôi bước chân vào cái "đại gia đình" trong sự thích thú của "ba cô chị chồng". Nó nhỏ thó, tóc chấm ngang vai, đi kế bên thằng em út của tôi to kềnh như cái cột đình.
Thỉnh thoảng tôi hay nhìn lén nó và hỏi Mẹ tôi:
- Sao Mẹ chọn nó làm dâu vậy?
- Mẹ đi về Cồn Ốc ăn giỗ nhà nó, thấy nó "trong ngoài" vén khéo và một tay nó làm đám giỗ phụ với Má nó nên Mẹ "chấm" nó chứ sao! Thì ra thế!
Nhớ những ngày nơi em dâu tôi ở bị giặc tràn về, ở không yên. Ba má nó lên xin cô Năm tôi cho "tản cư" và Nó đã ở trong mảnh vườn của cô tôi (nằm kế sau mảnh đất nhà của tôi). Cái con nhỏ nhà quê, ở Cồn Ốc mới lên, mỗi ngày xách cặp đi học nó đều phải đi ngang nhà tôi. Nó sợ chó lắm, nên mỗi lúc đi ngang nhà tôi, nó phải đi thật nhanh, mắt thì láo liên canh chừng con chó, chân thì chạy thình thịch cho thật lẹ...Nào có yên với thằng em Út nhà tôi. Nó càng sợ thì chó càng sũa, thằng em tôi hay đựợc là y như là thằng Út nói:
- Ki...ki.., Nô..Nô.. đừng có sũa mày, có cắn thì cắn đại chứ đừng có sũa nha mậy!
Nó nhìn thằng em tôi với "cặp mắt hình viên đạn". Chúng tôi không phản ứng gì với trò đùa tai quái của thằng Út, vì biết nó đang "ghẹo con người ta", mà chỉ nói:
- Coi chừng ông Mười Cồn Ốc cho mầy ăn"ba ton" nha mậy!
...Thời gian sau, Nó lớn và về Cồn Ốc ở luôn, nên chúng tôi không còn gặp nó nữa.
Vậy mà nay, Nó lại là con em dâu nhà tôi. Có cô em dâu về nhà tôi, thói thường thì bao nhiêu công việc trong nhà chúng tôi đều chia làm ba, nay có Nó về hi..hi ..được chia làm bốn rồi...
Sáng, sáng thức dậy, thay vì Út Nhứt, Út Nhì quết chuối cho gà vịt ăn, còn tôi cho heo ăn rồi mới đi học. Từ ngày có em dâu, tôi bắt đầu "nằm nướng". Chờ Mẹ réo, mới tất tả ngồi dậy chạy xuống bảo nhỏ với em dâu:
- " Út cho heo ăn dùm chị nhe, chị bị trể học rồi"
Tôi vèo đi học, không đợi cho nó có đồng ý không. Từ lúc có con em dâu bé nhỏ trong nhà, tôi thấy hình như Mẹ tôi bận rộn hơn. Bà xem nó như một cô con gái cưng của mình, chỉ bảo nó từng li từng tí, từ cách ăn ở và mọi nếp nhà. Nó làm gì sai Mẹ tôi cũng nhỏ nhẹ chỉ bảo lại. Ngạc nhiên tôi hỏi:
- " Sao lúc trước Mẹ khó với tụi con lắm mà, Kho nồi thịt kho tàu mà không đúng ý Mẹ, Mẹ la rân trời, nay nó kho có ra gì đâu sao Mẹ vẫn ăn ngon lành mà hỏng nói gì vậy?"
Mẹ tôi giải thích cặn kẽ, nhưng tôi vẫn cố không chịu hiểu và tỏ ra "ganh" với nó ra mặt. Tôi cảm thấy hụt hẫng vì tình cảm của Mẹ tôi dành cho Nó nhiều hơn tôi, tôi trở nên là người thừa trong chính căn nhà của mình, Mẹ tôi đã bị Nó chia sớt với tôi phân nửa rồi...Tôi vẫn thầm nghĩ như thế mà không nói ra.
Nhớ lúc trước, tôi là con gái út, nên cái gì Mẹ cũng dành cho tôi, Mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi yêu cầu của tôi. thế mà nay, may sắm gì Mẹ cũng sắm hai cái, ăn cái gì ngon Mẹ cũng bảo nhường phần em. Một hôm tôi đi học về, vừa bước xuống nhà ngang, tôi bỗng lặng người khi nghe Mẹ tôi trò chuyện với Nó;
- Con ráng chịu đựng nhe con, mấy chị mầy tuy khó tính, bộc trực nhưng không có ác ý gì đâu, tụi nó có nói gì con cũng đừng buồn. Con gái ấy mà! Rồi nay mai cũng đi lấy chồng, chỉ còn có vợ chồng con là ở với ba mẹ..."
Tôi hoang mang ôm mặt khóc và chạy về phòng mình. Mẹ tôi thương nó hơn tôi sao? Sau này Nó ở trong nhà thân yêu này và tụi tôi sẽ ra rìa sao? Tôi giận Mẹ tôi, bỏ cơm, bắt đầu viết nhật kí. Tôi không ăn những món nó nấu, tôi tự dậy sớm cho heo ăn mà không cần nhờ nó. Cả nhà không ai để ý đến tình cảm của tôi. Vì buồn tủi và vì nhịn đói nên cuối cùng tôi lăn ra đau một trận. Ba Mẹ tôi quýnh quáng cả lên, tìm mãi không ra bịnh, cuối cùng bác sĩ kê toa: - Suy dinh dưỡng, cần tẩm bổ.
Những ngày tôi nằm bệnh viện, em dâu tôi ngày hai buổi đem cơm vào. Những lúc đó tôi vờ thiếp đi để tránh nói chuyện. Có hôm nó giành ngủ lại để Mẹ tôi được về nhà ngủ. Đêm đó, qua ánh đèn của bệnh viện, tôi len lén mở mắt ra để nhìn nó, thì thấy nó đang ngủ say dưới chân tôi. Hai bàn chân khẳng khiu của nó đầy vết nứt (kết quả của mấy ngày lam lũ đi chân đất) nên tôi thấy thương thương, tội tội. Thế nhưng, nghĩ đến sự hiện diện của nó trong nhà làm đảo lộn hết tình thương của Mẹ tôi, là tôi không chịu được. Tôi kéo cao chiếc mền tự đắp lên ngực mình rồi ngủ tiếp, dù trong lòng tôi cũng muốn ngồi dậy lấy chăn đắp cho nó..
Thời gian qua đi..."Ba cô yếm thắm" đi lấy chồng. Bao công việc "chia bốn", chúng tôi nhường hết cho em dâu tôi. Chân nó lại nhiều vết nứt hơn. Những ngày giỗ quãy trong nhà, lúc trước thì có Út nhứt phụ với Mẹ. Nay chị ấy về tay bế tay bồng...Nhìn quanh quẩn lại chỉ có một mình con em dâu tôi phụ với Mẹ. Ngày Tết, bao giờ nhà tôi cũng đầy mấy giàn lạp xưởng đỏ hỏn treo ngoài sân, bánh tét thì cả hai chảo to đùng đang nấu sôi sùng sục sau hè. Rồi hai cái "nồi nhất" thịt kho tàu với nước dừa xiêm vàng ươm béo ngậy, chuối già, chuối cao phơi nguyên trái. Chuối xiêm ép mỏng phơi khô, rồi xắt nhỏ ngào với đường, bỏ chút đậu phọng rang, cái vị cay cay của gừng, cái thơm thơm của mè...quyện lai với chút bạch nha...Ôi! ngon tuyệt.
Chúng tôi, những ngày ấy kéo nhau về, xe pháo đầy nhà. Gặp lại Mẹ Cha, hưởng chút dư vị của quê nhà, hít thật sâu cái không khí trong lành vào buồng phổi. Tất cả nhập tiệc, ăn uống, cười nói no say, rồi lăn kềnh ra ngủ để lấy sức chiều về Sài gòn. Tuy lúc này thì Mẹ tôi có mướn thêm người làm, nhưng trong ngoài gì thì em dâu tôi phải trông coi cả. Trong lúc tụi tôi ngủ, thì nó thúc hối người làm nạo dừa làm bánh chuối nướng, nấu chè bà ba để anh chị ngủ dậy ăn và có cái mà đem về...
Ngày nay, Ba Mẹ tôi đã qua đời, em dâu tôi trở thành "bà chủ" trong gia đình. Mỗi lúc tôi về thăm nhà, tôi cũng hay nhìn lén nó, nhưng cái "ganh" ngày xưa nay không còn nữa. Mọi chìa khóa trong nhà của Mẹ tôi nay nó giữ, chúng tôi về như khách. Thấy con cháu gái của tôi đang chơi đồ chơi bằng những vật dụng của chúng tôi dùng khi xưa, như cái bóp đầm, những con búp bê bằng nhựa đã sức càng gãy gọng...Bất giác tôi cầm lên:
- Ồ! mấy cái này của bà mười khi xưa nè! Bây giờ tụi bây còn giữ hả? Con cháu gái của tôi giương cặp mắt ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi và hỏi Mẹ nó: - Sao của con mà bà Mười nói của bà Mười vậy Mẹ? em dâu tôi giải thích:
- Thì hồi đó, hồi con chưa sinh ra, thì bà mười ở nhà này, giờ bà mười ra ở riêng, mấy thứ con chơi là ngày xưa là của bà mười chứ sao!
Con cháu tôi vẫn chưa hết thắc mắc, nó cứ đưa mắt nhìn tôi như là:- Hình như bà mười ngộ nhận chăng???Của con mà!!!
Tôi sống độc lập, không làm dâu, nên ngày tư ngày tết tôi mặc sức về ăn tết với Cha Mẹ mình. Còn em dâu tôi phải túc trực lo toan cúng quãy, rước ông bà của tôi và nấu nướng để phục vụ cho anh chị chồng ở xa về. Tuy nay, tôi không còn cha mẹ, nhưng mỗi lúc tôi về rồi lại đi, thức dậy thì trong xe tôi đã đầy dừa, chuối và một góc tư cái bánh chuối nướng thơm lừng đã gói sẳn rồi, một nải chuối sáp đã luộc chín, vài trái ổi, một quả mít nghệ vừa mới bẻ xuống còn mủ chảy ròng ròng...đang chờ tôi đem về Saigòn.
Tôi thầm cám ơn đời, khi đã ban tặng cho gia đình tôi một đứa em dâu như thế.
Võ Thị Bình Nguyên
Sài gòn 14/4/2008