Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

NHỚ BA
Xuân Yên
#1 Posted : Monday, February 4, 2008 4:00:00 PM(UTC)
Xuân Yên

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 88
Points: 0

Xuân nhớ Ba

Phạm Ðào Nguyên


Người mà tôi kính yêu nhất trong đời là ba tôi. Ba là hiện thân của nhân ái, uy quyền, và bao dung. Chúng tôi đứa nào cũng kính ba, thương ba, và sợ ba. Ngược dòng thời gian để tưởng về ba, nhớ những hạnh phúc không bao giờ còn nữa. Tôi mãi mãi không quên được kỷ niệm êm đềm của những ngày thơ ấu sống bên cạnh ba. Tôi nhớ ba vô cùng. Ba tôi là một nhà nho lỡ thời, ba dùng chất nho để yêu thương và dạy dỗ con cái. Ba là biểu tượng của thân yêu và từ ái. Tết đến ba thường viết vài câu đối đỏ dán trên vách, vài bài thơ ngâm nga với các bác cho vui. Ba tôi là mẹ, là thầy, là cha, là anh và là bạn tôi. Đôi khi ba còn là cố vấn cuộc đời cho chúng tôi.

Lúc còn bé, tôi luôn quanh quẩn bên ba. Ba tôi ngồi trên bàn, thì tôi ngồi dưới chân ba chơi với con chó già hay đàn mèo nhỏ. Đôi khi tôi ngồi hay đứng trên hai bàn chân ba, làm ghế xích đu. Nhiều lúc một mình, tôi lấy sách của ba tìm hình vẽ, có hôm tôi xé mấy chân dung của tác giả trong những hình bầu dục của quyển Quốc Văn Độc Bản gì đó. Lập tức ba tôi bồng tôi lên, lần tay tôi, gở lấy mấy miếng giấy nhàu nát rồi vút nhẹ, đè cho thẳng để dán lại. Tính tình tôi bướng bỉnh, thường giận hờn, thêm bịnh khóc nhè nữa. Lòng kiên nhẫn của ba, tôi chưa từng thấy ở bất cứ người cha nào khác. Ba chưa giận, la hay đánh tôi bao giờ, ba luôn từ tốn, ôn hòa. Ba bồng tôi quay tít một vòng trên không, làm tôi vừa cười vừa sợ.

Mẹ tôi hình như chưa bồng ẳm hay yêu tôi như ba, từ lúc tôi biết. Mẹ bận rộn cả ngày, bà chưa bao giờ để ý tới sự có mặt của tôi trong đời sống của bà. Trái với tôi, chị hai rất mực dể thương, hiền hoà và ngoan ngoãn. Chị được gần gủi và được tình thương yêu cuả mẹ. Rõ ràng nhà tôi có hai phe, phe ba và phe mẹ. Chị để tóc dài, mặc đồ con gái, còn tôi cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai. Chị tôi đi học ở trường về, ba vưà cõng tôi trên vai, vừa dạy thêm cho chị. Tôi giận vì tôi không được đi trường như chị, nên mỗi lần chị tôi học là tôi nhái, hoặc lấy viết chì vẽ bậy trong vở chị. Ba hứa hẹn sang năm ba sẽ dạy tôi, nhưng tôi không để chị tôi yên. Cứ mỗi lần ba tôi dạy cho chị là tôi gây sự, làm ồn, phá đám.

Cuối cùng ba phãi đóng cho tôi hai quyển vở, bằng giấy thừa trong vở cũ của chị. Bắt đầu, mỗi ngày tôi học một chữ cái, ba bỏ công cầm tay dạy tôi viết, tôi đọc. Mỗi chiều tôi ôm vở trình diện ba như chú lính con, trả bài học bài viết cho ba. Được một tháng, tôi bắt đầu học nguyên âm, phụ âm rồi tới ghép vần xuôi, rồi mấy tháng sau ghép vần ngược. Mẹ tôi sinh thêm em bé. Từ ngày có em bé, mẹ không còn làm việc gì nữa. Tôi vẫn chưa được đi trường, tôi giận ba, cứ nghĩ ba bất công vì tôi là con nuôi như lời mẹ nói. Tôi khóc, tôi hờn, nằm vạ, nên Ba phải dẫn tôi tới trường, xin cho tôi được đi theo chị cho quen. Tới giờ chơi thì chú tôi, dạy tôi vần ngược, rồi tập chép, viết và đọc những con số, dần dà tôi làm toán.

Từ nhỏ lớn lên, tôi đâu có thấy mẹ thương tôi, mẹ bồng ẳm như em bé đâu. Mẹ thường nói tôi là con nuôi, không phải con của mẹ. Tôi thường béo em rồi bỏ chạy, cho nên khi thấy tôi đến gần là mẹ đuổi tôi đi chỗ khác. Ba thường bồng em chơi với tôi, nhưng cũng có lúc, tôi bấu một cái, rồi bỏ chạy, vì em được cả ba lẫn mẹ thương. Tôi là con nuôi chỉ có ba thương mà thôi, nên tôi ganh ghét. Tôi chờ khi có dịp là tôi trả thù mẹ. Nhưng khi tôi vừa lên tám, mẹ tôi lâm bệnh qua đời. Ngày qua tháng qua, bốn năm rồi, ba tôi cô đơn làm gà trống nuôi con. Chị tôi nay đã tròn 16 tuổi.

Hằng năm bánh tết được bà ngoại cho người đem đến, năm nay chị tôi làm thêm mứt. Ba tôi khuyến khích, khen tặng, “ Con gái của ba giỏi quá, biết làm bánh, làm mứt, khéo, ngon, và tiện nữa.” Ba tôi khoe với khách khứa, “Trẻ bây giờ tiến bộ hơn chúng ta nhiều, nó dùng me mà làm mứt, nhấm rượu thật tuyệt, gọn và không bị bỏ thừa như bánh thịt ta.” Ba chỉ vào trẹt mứt gừng, mứt dừa rồi trằm trồ, “Mứt gừng uống trà thật tuyệt anh ạ,” Ba nói với các bác tôi, thế rồi ba kêu lấy vài dĩa đem cho bác thử. Có dịp cho chị tôi khoe tài, ba mừng vì chúng tôi trưởng thành.

Vào dịp tết nầy, ba tôi bắt đầu quan tâm đến sự giao thiệp của chị, vì từ ngày 20 chúng tôi nghỉ học. Xe đạp qua lại trước nhà nhiều hơn, có anh vào nhà bác tìm anh họ tôi, có anh vào nhà tôi. Ba vừa cười vừa hỏi chị,

-Mấy chiều nay, hình như xe đạp qua lại ngõ nhà mình hơi nhiều hơn trước hở con? Chị sợ, im lặng không dám trả lời. Sau khi chị đi chợ, ba bưng một cái hộp bánh tròn, màu đỏ, từ trong tủ ra, ngồi đọc. Khi tôi đi chơi về thấy ba coi xong, ba đem để lại chỗ cũ. Tôi hỏi dò ba,

-Hộp bánh ai đi tết hở ba? Ba cười nói, -“Của chị Hai con đó.” Khi chị về, tôi liền méc với chị:

-Em thấy ba đã kiểm duyệt cái hộp đó rồi. Trông mặt chị, tôi biết là chị lo lắng. Nhìn những hồi hộp, lo âu của chị, tôi doạ, “Em thấy ba coi xong, mặt ba nhăn lại,” chị càng sợ thêm. Chờ mãi ba không lên tiếng, chỉ thấy ba hiền hòa, cười nói như thường lệ, chị tôi càng lo lắng hơn. Sau bửa cơm tối, ba con chúng tôi ngồi quanh bếp than. Nhìn chị tôi xên mứt, ba tâm sự,

-Con gái của ba đã lớn rồi, con có nhận thư của mấy anh chàng trẻ, vậy con đã trả lời chưa, thế nào kể ba nghe với. Chị tôi ái ngại nhìn ba, ba cười thông cảm bảo rằng,

-Nếu con còn mẹ, thì mẹ con sẽ nói chuyện này với con, bây giờ không còn mẹ, con đừng sợ ba, có gì lo lắng, hay nghi ngờ, ba sẽ giúp ý kiến cho. Đọc thư mấy anh chàng trẻ, con nghĩ gì về họ. Thư anh chàng nào làm con chú ý hơn. Chị tôi á khẩu cứ ấm ứ, ậm ừ trông thật tội nghiệp. Tôi bạo hơn hỏi giải vây,

-Thư tình hở ba? Có thư nào hay không? Ba cười la tôi,

- Con bé nầy nhiều chuyện, biết gì mà hay với dở. Rồi Ba cười nói,

-“Con cái đã lớn rồi, biết yêu thương là việc bình thường của tuổi trẻ. Có gì mà con sợ, phải dấu ba. Ba đã trải qua cái thời trai trẻ ấy, ba hiểu và cảm thông.” Chị tôi mở lòng giải bày cùng ba, có chàng đã gởi 2, 3 thư, nhưng chị sợ chưa dám trả lời. Ba tôi bảo rằng, các con nhân dịp nghỉ ở nhà ăn tết, vậy thì cứ mời các anh ấy vào nhà, ba gặp mặt thử sao? Thế rồi chị tôi hẹn các anh đến nhà, từng anh một gặp ba. Ba niềm nở, có khi ba còn mời anh ở lại ăn cơm, hoặc ba nhờ chở chị đi cân thuốc cho ba. Tất cả các anh đều khen ba tôi cởi mở, vui vẻ.

Sau một lần hội kiến với ba tôi, các anh đều hy vọng, vì ba tôi luôn thân tình và bao dung. Thái độ của ba làm các anh vừa vui, vừa nể vì, vừa thân lại như vừa sợ. Ba vui vẻ mời các anh đánh cờ, có anh sát phạt ba, có anh nhường ba. Ba đánh có lúc cao có lúc bỏ ngỏ, làm các anh băn khoăn. Có một điều là ba không hề tỏ ra khó chiụ, hay giận ghét, vì ba chưa giận ai bao giờ. Nhưng tôi ghét ai thắng cờ ba tôi. Dù được hay thua cờ, ba tôi vẫn cười thỏa mái khoan dung. Ba bàn bạc cách đánh cờ, thú đánh cờ, vui vẻ như một người cha nhân ái.

Khi các anh ấy về rồi, ba phân tích với chị tôi từng người một, ba bảo ba còn biết coi tướng nữa. Ba nói về tư cách, lối sống, thái độ mỗi con người được thể hiện qua lối đánh cờ. Cuối cùng ba kết luận, vợ chồng là duyên số. Vì chính ba, ba vẫn tìm không ra đáp số của bài toán tình yêu cho chính mình, nhưng những gì ba biết, ba nhắc nhở, giúp đỡ con. Dù đã gần 20 năm sau, gặp lại hay nghe tên người thương, ba vẫn bàng hoàng, về nhà ba cứ lẫn thẫn, mơ màng nghĩ ngợi. Ba cũng cho chị biết cá tính từng người bạn chị, và dặn dò trong cách giao thiệp. Ba bảo rằng khi con biết yêu thì cứ yêu, ba không cấm, vì tình yêu chính nó rất đẹp. Nó vô hình, vô sắc, nên không thể vớ tới, mà chỉ để chiêm nghiệm, và suy tưởng.

-Là con gái, con có thể là bạn của nhiều người, và yêu chỉ có một người. Hãy cẩn trọng trong tình yêu, vì có thể lầm lẫn, hay lạm dụng “chữ yêu” một cách sai lầm. Tôi cho rằng ba tôi cứ tìm cách giải thích rắc rối làm chị tôi sợ, nhưng không phải, vì khi lớn lên tôi mới hiểu hết nghĩa ba nói. Ba tôi dặn dò, làm con gái một việc cần nhất là sống trong sạch, thánh thiện. Con gái và con trai cũng giống như nam châm, cùng tên thì đẫy nhau, khác tên thì hút nhau, nên ngồi đối diện cách bàn để giữ cho tư tưởng trong sạch, lời nói trung thực. Không nên đứng đường. Nếu con quen ai, mời về nhà có dịp nói chuyện, ba không muốn con la cà ngoài đường, ngoài xá.

Người con gái khi đám cưới, đẹp ở chỗ là trong sạch. Những hồi hộp, băn khoăn, e lệ, lo ngại trước bàn thờ gia tiên nhà chồng, “Giá trị” là đó. Chứ dạn dày sương gió, thì dù có đám cưới, nó cũng không còn ý nghĩa gì. Giá trị là ở chính người con gái hãnh diện về sự trong sạch của mình. Hoa có sắc, mà không hương thì còn giá trị gì phải không con! Ba nói như một cảnh cáo, một lo lắng trong trách nhiệm làm cha mẹ.

Trong đời sống hằng ngày, ba bảo từ các bậc tu hành, họ cũng là người như chúng ta, họ biết tránh những cám dỗ, nên họ tu hành được. Là con gái, con phải biết tránh những cám dỗ, giới hạn và đề phòng chính mình. Ba không sợ ai dỗ dành con, ba chỉ sợ con không kiểm soát được chính mình rồi làm hư con mà thôi. Ba tôi vui vẻ kể lại những cuộc tình trong đời ba, không dấu diếm, và bảo đó là kinh nghiệm cho các con, con gái của ba.

Một hôm anh T., một trong số bạn chị, anh đến xin ba cho chị đi chơi với anh. Ba tôi cười vui vẻ, dặn anh rằng,

-“Con nhớ đưa em về đúng gìơ con nhé. Bác giao em cho con thế nào, thì con giao trả nó như thế ấy cho bác là được rồi. Mong cho các con một ngày đi chơi vui vẻ.” Anh T. bảo tôi rằng lời ba rất nhiều nghĩa. Tôi cười và nhắc chị, nhớ nhé, những gì trong lời nói của ba. Chúng tôi có ai dám làm sai lời ba!

Khi về chị kể lại cuộc đi chơi, ba tôi lại giải thích về tình yêu. Với ba, tình yêu là lý tưởng, là tôn giáo, không là khoa học. Khoa học có chứng minh, tình yêu không chứng minh. Tình yêu là cái gì mộng mơ của tâm hồn không mảy may liên hệ với thế gian. Khi yêu, trái tim có lúc miêng mang những cảm giác nhớ mong. Nhưng cũng có lúc đau nhói, rạo rực hay sôi nổi vì yêu. Tình yêu là một tín ngưỡng vì bất kỳ lúc nào mình tưởng đến người mình yêu, lòng lại dâng lên niềm hân hoan, thanh cao, và hạnh phúc.

Tình yêu mãi theo ta như chiếc bóng của chính mình, như nhắc nhở, nỗi nhớ vẫn còn đây. Hình như Ba tôi đang nói với chính ba. Cho nên Hồ Dzếnh, Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa. Cái ngàn sau lơ lững ấy là một trời nhớ nhung, là dật dờ cô đơn, một thời khó phai. Tình yêu của người Việt nam là vậy, là chiều sâu tư tưởng chứ không phải những “Đòi hỏi” nông cạn của Tây phương. Tình yêu là cái gì thanh cao, thoát tục, và lý tưởng để nhớ, để đau, và để tiếc thương một thời.

Ai cũng muốn hôn nhân xuyên qua tình yêu, nhưng mấy ai được, vì có hàng trăm hàng ngàn ngoại cảnh chi li. Hôn nhân được sắp đặt do cha mẹ là lý tưởng, các con tin như vậy đi. Từ sự liên hệ của cha mẹ đôi bên, vợ chồng luôn luôn “Tương kính,” nên bền chặt.

-Ba kết luận vậy chỉ vì ba đã gả chị khi còn bé mà thôi, tôi nói. Với tôi, ba luôn dặn dò,

-“Con phải dùng bộ óc con, lý trí con để kiểm soát trái tim của con.”

-Mà con nào có biết yêu thương là gì đâu. Tình yêu là một kho tàng kỳ bí, và mâu thuẫn đối với tôi lúc bấy giờ. Rồi vào năm tôi tròn 14 tuổi, một trưa thứ bảy tôi đi học về trễ. Vừa thấy tôi vào ngỏ, ba đã đón tôi và lo lắng hỏi,

-Con đã đói bụng chưa? Hơn hai giờ rồi, thứ bảy này sao con về trể vậy?

-Con không đói, con về trễ vì con bị Việt Cộng đón đường bắt. Họ bắt khoảng chừng hai mươi đứa, dồn vào một nhà từ 11:00 đến giờ. Ba ơi, con đi theo VC ba ạ. Ba tôi điềm tỉnh nhìn tôi ôn tồn hỏi,

-Tại sao con theo VC? Tôi kể ba nghe, một ông cán bộ tới nói chuyện, cở tuổi bằng ba. Ông gọi chúng con bằng “con”, ông nói chỉ có CS mới đem lại công bằng cho xã hội. Sứ mạng ấy chỉ có tuổi trẻ của chúng con mới làm được, mới giải phóng đồng bào đang bị bất công, xiềng xích và nô lệ. Con có hỏi, chúng con có thể làm được việc đó sao?

-Có, các con được tổ chức, liên lạc, đưa tin, để lật đổ những bất công này, đem công bằng cho mọi người. Đại khái là như vậy. Một câu mà con cho là hay nhất: “Dù không làm ánh đuốc soi đường, thì các con cũng là tia chớp trong bóng tối.” Tôi thao thao bất tuyệt nói Cộng sản và công bằng xã hội cho ba nghe, ba chỉ mỉm cười mà không nói gì. Ba bảo,

-Bây giờ thì ba biết con đói bụng lắm rồi, đi ăn cơm nghỉ ngơi, ba con mình nói chuyện sau. Con nên ngủ một giấc cho khỏe đã con nhé. Đến chiều ba giải thích Cộng sản cho tôi nghe.

- Công bằng của cộng sản chỉ là cái bánh vẽ. Con không thể ăn được, vì nó không có thật. Sự thật là mọi người trở nên nghèo đói. Dưới chế độ cộng sản chỉ có hai lớp người, lớp cai trị là cán bộ, và lớp bị trị là nhân dân. Nó tóm thâu tất cả tài sản của mọi người, không còn ai có tư hữu nữa. Mọi người bình đẳng là vì mọi người đều nghèo đói như nhau, và phải đi làm thuê cho nhà nước.. Vậy nhà nước là ai? Là tầng lớp cán bộ cai trị. Chúng nó phủ lên một lớp chính trị để mị dân, phỉnh phờ những người nghèo. Rồi thì mọi người đều làm đầy tớ cho chúng cả. Cộng sản là bọn vô thần, không tôn giáo, không ông bà thờ cúng, không cha con anh em, chúng đấu tố dã man. Trường Chinh đấu tố cha nó đến chết.( tôi không biết?) Nếu cộng sản sung sướng sao con Kút séph phải bỏ chạy.( tôi không biết?) Chính trị là gian xảo lọc lừa, là thủ đoạn là độc ác ở những nước nhược tiểu như chúng ta, nhất là đảng cộng sản.

-Tại sao hồi xưa ba theo Đảng? Tôi hỏi ba.

-Lúc còn trẻ ba rất lý tưởng, và bên cạnh là quyền thế và danh lợi. Ba yêu cái Tam dân chủ nghĩa của Tôn Văn. Ba kính phục lòng yêu nước của cụ Nguyễn Thái Học, nhưng ba sợ sự tàn bạo, lợi dụng, và đảng trị. Chính trị là thủ đoạn, không thủ đoạn là thất bại, là ngây thơ, nó mâu thuẩn. Đứng sau bức màng chính trị ấy là chém giết, sắt máu. Đảng nào cũng vậy, thề trung thành, trái lại là phản đảng. Nếu bất tuân là chém đầu, với kẻ thù hay tình nghi cũng vậy. Con còn nhỏ chưa hiểu hết được đâu. Con còn bé, ba chỉ dạy cho con là sau này, bất cứ vì lý do gì, thì các con phải chọn cho mình một đời sống bình thường, an phận của một người đàn bà. Căn bản đời sống từ tu thân, tề gia. Các con chỉ cần thực hiện hai điểm ấy thì gia đình hạnh phúc, thiên hạ thái bình.

Nghề nghiệp thích hợp là giáo dục, y tế. Nếu có điều kiện thì học y tá, cô đở, bác sĩ để giúp đời giúp mình, hay chọn nghề giáo để truyền đạt sự hiểu biết cho thế hệ con em. Đảng của các con là đảng xã hội, là góp sức, góp mặt vào đời sống của xã hội, vậy là đủ rồi. Đừng bao giờ liên hệ đến đảng phái chính trị. Chính trị là thủ đoạn, là tàn bạo. Dù ba có chết thế nào, đừng trả thù. Ba không muốn các con sống trong hận thù. Thù hận làm đau khổ chính các con. Ba mong cho các con có đời sống nhẹ nhàng, vui vẻ, không thù hằn. Thù hận là trực tiếp hay gián tiếp để các con tạo nghiệp. Ba tôi đọc, học và nghiên cứu về đạo Phật, về luân hồi, về vô thường, và nhân qủa.

Ba đối với chúng tôi như thầy, như bạn, như anh em, còn với mẹ, ba tôi là một người anh, một tri âm, một người thầy và một người bạn đời. Mẹ là một người bạn để nghe ba tâm sự và chia xẻ. Mẹ tôi tuy con nhà khá giả nhưng chỉ học đến biết đọc biết viết, dù ông ngoại chú tôi làm thầy giáo. Năm ấy ba dạy mẹ học, mẹ chép kinh Phật. Ba vừa bồng em, vừa giảng kinh cho mẹ, vì ba nói kinh Phật viết bằng chữ Việt nhưng lại tiếng Tàu hay tiếng Phạn, rất khó hiểu. Tôi ôm chân ba chọc mẹ để trả thù:

-“Con tưởng mẹ học giỏi lắm, chứ chữ viết như con chứ có đẹp gì đâu.” Mẹ cười không nói gì, nhưng ba kể câu chuyện vui làm mẹ giận:

-Rằng một hôm, anh gà đi chơi gặp anh bò, hai anh vái chào nhau, và hỏi anh học ở đâu? Anh gà nói, “Học như anh, mà viết như tôi thì hết chỗ chê.” Ôm chân ba, tôi quay tròn một vòng cười và ngước mặt hỏi ba, như vậy nghĩa là gì hở ba? Ba vừa cười vừa giải thích là học dốt như anh bò, còn viết chữ to như anh gà, thì toàn là dân học giỏi hết chứ sao. Mẹ tôi giận ba, mẹ vứt vở không thèm viết nữa. Mẹ bảo rằng cha con ông học giỏi thì học đi, mẹ không thèm học nữa. Trên tay có em, trên bàn chân ba có tôi, ba vừa cười vưà cà nhót, cong lưng lượm vở cho mẹ. Ba chọc cho mẹ cười theo, rồi huề.
Mẹ tôi chỉ sống 13 năm với ba, nhưng mẹ tôi là người đàn bà hạnh phúc nhất đời. Ba tôi là người chồng bao dung, thương yêu và độ lượng. Tôi chưa hề nghe ba mẹ cãi nhau, hay nói nặng lời nhau. Ba chưa bao giờ quay quó nhăn nhó với mẹ bao giờ, ngay cả lúc mẹ bịnh. Những lúc ba buồn vì mẹ chọc ghẹo tôi là con nuôi, Ba khuyên mẹ đừng nói vậy làm cho con hoang mang. Nhưng tôi vẫn cứ khổ sở dằn vặt vì lời mẹ ám ảnh tôi.

Dù ba giải thích và chống chế cho mẹ bao nhiêu lần, tôi vẫn không tin, vì mũi tên kia đã cắm sâu vào tim tôi từ lâu lắm rồi. Sau ngày mẹ chết, rồi ba chết, tôi vẫn còn nghi ngờ mình là đứa con nuôi. Cho đến khi chú tôi giải thích, chỉ vì thương tôi, tuổi tôi khắc mẹ, lúc nhỏ tôi bịnh hoạn khó nuôi, nên mẹ nghe lời ông thầy bói bảo tôi là con nuôi, cho dễ nuôi mà thôi.

Sau ngày mẹ chết ba sống âm thầm cô đơn, đem hết tình thương dồn cho con. Ba vừa là mẹ là cha là thầy là bạn của chúng tôi. Những trò chơi, ba luôn là người thua để chúng tôi được vui. Những lúc chúng tôi buồn, ba đánh trống hát bội, hát hò khoan, hát nhân ngãi, hay làm hề cho chúng tôi cười. Những lần chị thi rớt ba không la, ba viết thơ cho thầy dạy Pháp văn, thầy tình nguyện dạy thêm mỗi ngày một giờ cho chị. Tôi vẫn không biết sự liên hệ giữa ba và thầy như thế nào.

Những năm thái bình ba đặt mua dài hạn báo Cổ học Tinh hoa, và Phổ thông cho chúng tôi đọc. Ba thích Tuấn, chàng trai nước Việt, ba mặc áo dài, đi san đanh, và nón cối như anh chàng Tuấn. Những ngày sống ở thành phố, tối chị đi học thêm Pháp văn, 10:00 đêm ba đi đón dẫn chị về. Nghe chị nói có phim Roméo và Juliet hay lắm, thế là ba dẫn chị em chúng tôi đi coi cho biết vở kịch nỗi tiếng của một văn hào Anh. Ba ơi! Có người cha nào như vậy đâu!

Ngày đó tôi mới 15 tuổi nhưng chuyện như mới xãy ra ngày hôm qua. Cả muà hè chúng tôi về sống ở quê, tới kỳ khai trường tôi bị bệnh đã nghỉ học hơn một tuần, nên ba về thăm tôi. Cộng sản chờ giết ba, một viên đạn xuyên qua tim. Ba chết trong im lặng không một lời giả từ. Tôi ôm xác ba nghẹn ngào mà kêu gào, “Ba ơi, ba nói 99 tuổi, ba mới chết mà.” Trong vô vọng, tôi đứng dậy giở áo bảo nó, “Bắn đi ! bắn đi! bắn cho chết hết đi, chứ tôi sống làm gì khi tôi không còn cha nữa!” Tại sao thượng đế bất công với chúng tôi? Cộng sản độc ác với chúng tôi? Ba chị em chúng tôi đã trở thành những đứa trẻ mồ côi.
Mất ba, tôi mất tất cả, thế giới này toàn màu đen, và tôi như con dều đứt dây. Người hiểu tôi là ba, người thương tôi là ba, vàngười nuôi dạy tôi cũng là ba. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Cả một đêm dài không ngủ, tôi cầu Chúa, cầu Phật cho ba tôi sống lại, tôi sẽ đi tu để đền ơn Ngài. Tôi không cho bác chôn ba, vì tôi tin rằng ba tôi không thể nào chết được. Chúa, Phật thì ở thiên đàng hay niết bàn xa vời vợi, còn ở đây loài người, vô cùng gian ác.

Ba ơi, lời ba là một di huấn cho chúng con có được một cuộc sống an lành không thù hận, nhưng ba có biết không, cô đơn, mặc cảm mà chúng con phải đương đầu, và đãu tranh với đời bằng trăm ngàn khổ đau. Những đứa trẻ mồ côi như chúng con, luôn luôn bị thua thiệt mặt này hay mặt khác trong xã hội, ba có biết không ba. Mỗi lần nhớ ba, tôi lại nhớ câu: “Còn cha gót đỏ như son/ Đến khi cha chết gót con đen sì. Hay Mồ côi khổ lắm ai ơi, Đói cơm không ai đở lỡ lời không ai phân,” mà nước mắt con từ đâu tự nó chảy ướt má ướt mi con.

Tên trùm sát nhân bắn ba tôi, sau năm 75, khoảng chừng hơn 30 tuổi, làm đến chức to ở công an tỉnh. Nhưng khoảng sáu tháng sau, một ngày, người ta vào nhà tôi nói rằng “thằng đó,” tự nhiên nó đi vấp té trên tam cấp nhà, hộc máu mà chết. Tôi nghĩ nó bị áp huyết cao, hay lao phổi nhưng mọi người cứ cho đó là báo oán. Chiếc xe Hoa kỳ bóng loáng màu trắng, mới ngày nào nó lái về làng nay đã đổi chủ. Chiếc xe tang chở về làng một quan tài, một thây ma của một tên sát nhân vừa đền tội. Phải chăng đó là nhân quả ở thế gian này.

Nếu kiếp người có luân hồi, và có kiếp sau, thì con cầu xin kiếp sau được làm con trai của ba, để ba vui, để chia xẻ cùng ba ân oán, nợ đời của kiếp con người. Dù đã hơn ba mươi năm qua, từ ngày ba tôi qua đời, ba vẫn bất diệt trong tôi. Ba ơi, con viết đến đâu, nước mắt cứ lăn dài trên má, mặn môi con vì nhớ ba, thương ba. Con như đang chuyện trò cùng ba như ở thuở xa xưa nào, và con cứ nghĩ như ba mới vừa mới chết ngày hôm qua. Có triết lý nào ở thế gian này hay hơn thắng được lời ba, và tình ba thương yêu con đâu. Con thương ba nhất đời. Con nhớ ba vô cùng. Trong cõii thâm sâu vô cùng của vũ trụ, con đang nghe văng vẳng có lời ba. Chuyện của cha con chúng tôi như một huyền thoại nhưng có thật ở thế gian này. Con nhớ ba vô vàn, Ba ơi!


Phạm Ðào Nguyên
PC
#2 Posted : Wednesday, February 13, 2008 7:59:12 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nếu là chuyện thật thì chị XY quả nhiên đã trải qua một kinh nghiệm đau buồn khủng khiếp quá.

linhvang
#3 Posted : Thursday, February 14, 2008 7:04:57 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Truyện thật đó, chị PC. Black Eye
Lúa 9
#4 Posted : Thursday, February 14, 2008 4:57:54 PM(UTC)
Lúa 9

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 140
Points: 0


Chào làm quen chị Phạm Đào Nguyên,

Đọc bài Xuân Nhớ Ba của chị mà đọc trong nước mắt...Lúa cũng là xuất thân dưới quê nên tưởng tượng ra được cảnh chị tả trong bài. Tuy buồn và khóc đấy chị ạ, nhưng...để tránh cho chính tâm hồn ta bị cái dày xéo cái nổi đau mất mát và câu hỏi Tại sao Tại sao... Nó ám ảnh, dày xéo, nó trấn át tâm hồn ta suốt cuộc đời mà không ai có khả năng trả lời cho mình đâu !! Cho nên ta cứ đổ thừa cho chiến tranh chúng ta là nạn nhân, của định mệnh của thời cuộc, nổi thống khổ của quê hương mình...

Làm cho ta sống trong đau khổ không bình an chị a ! Chi bằng khi ta nghĩ: Ba mình đã trở thành Cát Bụi, có gì tồn tại mãi đời đời ngay cả thân xác ta đây ! Ba mẹ đã sinh ra ta, trong máu huyết ta đã có sự Đầu Thai của cha mẹ rồi. Trong dòng máu luân lưu ấy là chí khí của ba đã truyền lại cho chị từ kiếp nào từ khi chị được kết tinh thành giọt máu trong bụng mẹ rồi. Vô Thường là đấy chị ơi...
Đã nhiều lần Lúa khóc vì nhớ ba nhớ mẹ mình, cho rằng nổi đau của Dân Tộc khiến mình trở thành những đứa con mồ côi...Nuốt nước mắt để an ủi để vuốt ve mình rằng: " Nào ta có mất ba mẹ đâu, ba mẹ đang di chuyển trong máu chúng ta, đang là sự nghĩ suy của ta vì ta lớn lên nhờ sự chỉ bảo của người mà " . Và cứ thế mưa trên rớt xuống chuyển tiếp từ đời này sang đời khác....

Bớt buồn chị nhé...Vài lời chia xẻ chân thành cùng chị.
Lúa 9
oc huong
#5 Posted : Saturday, February 16, 2008 2:27:26 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Chị Xuân Yên mến,
Đọc bài viết của chị, cảm động lắm chị ạ vì OH cũng có một mối liên hệ thâm tình đặc biệt với Ba mình. Và vì khi Ba mất mà OH không về được nên trong lòng đến đây giờ cũng không yên. OH cũng đã viết một bài cho Ba.
Lạ lắm, "anh Hai" của OH lại có nhiều đặc tính giống Ba. Mà "anh Hai" người Na Uy à nhen. Có nhiều người nói: Vô hình, con gái thường hay "phải lòng" với người mang những đặc tính của Ba mình. Không biết có đúng không ha.
OH muốn giữ hoài nỗi nhớ Ba. Nhớ cũng là một hạnh phúc.
Luôn vui ha chị XY
OH
Xuân Yên
#6 Posted : Saturday, February 16, 2008 8:11:38 AM(UTC)
Xuân Yên

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 88
Points: 0



[blue]
Xin Cảm ơn PC, LV, 2Lúa và OH.
Đúng đó OH à, thường thì vì thương cha, vì hình ảnh của cha như một mẫu người lý tưởng, cho nên mình thường đi tìm một người đàn ông giống ba, nhưng chẳng bao giờ tìm được. Có một lần người ta đã nói với XY là tôi thương em là thế này, còn ba em thương em là tình cha thương con! OK, thế nhưng XY lại không tìm được hình ảnh của người cha thương con trong tình cha của người ta với con người ta, mới lạ chứ!

Many thanks again!

oc huong
#7 Posted : Sunday, February 17, 2008 1:37:55 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Đúng ra thì mình không cố tình tìm kiếm một người đàn ông có tình tình như ba mình. Nhưng vì hợp gu chơi thì mình mới gật đầu. Từ từ mới thấy: Sao có nhiều cái giống ba mình quá vậy tabeerchug, nhiều khi cả những cái "hư"Tongue
Nhiều người cho đó là sự vô hình, nhưng theo OH tính tình / đặc tính của Ba đã tiềm tàng trong tâm tưởng của mình từ nhỏ mà mình không biết đó thôi.
Và OH cũng thấy đúng như chị XY nói. Hai người đàn ông này giống vài đặc tính nhưng chưa chắc cách cư xử/dạy bảo với con giống nhau.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.