Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Về Người Viết và Ngôn Ngữ - Nguyễn Thị Hoàng Bắc
Chôm Chôm
#1 Posted : Saturday, November 10, 2007 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Viết bằng tiếng Việt trong một môi trường sống mà mọi sinh hoạt chung quanh: từ gia đình, ti vi, báo chí, mua bán, hội hè, công việc, chung quanh ta, mọi người đều sinh hoạt bằng một ngôn ngữ khác, chính thức và chính thống, cũng có thể tự ví von như tôi đang làm một trò hề?

Một trò hề tự mình đắm đuối mình trong một giấc mộng dài (lang thang trong một đời sống khác, một tinh cầu khác lơ lửng những lo lắng, vu vơ, hão huyền, những bận tâm, bàn cãi những chuyện đâu đâu, xưa và nay, tại sao mọi người cứ tranh luận ráo riết về tiếng Việt, về tương lai, tiền đồ giáo dục hay đổi mới chính trị của Việt nam, thơ mới, thơ cũ tiếng Việt, Ðại hội đảng, Ðại hội nhà văn...đang xảy ra trên một đất nước mà họ không ở, về một ngôn ngữ họ không dùng trong các sinh hoạt đời sống?)

Thứ tiếng có khả năng xây dựng cho một giấc mộng triền miên, giữ lại những hồi ức, gợi nhớ về một quá khứ cội nguồn, thứ tiếng chết trong sinh hoạt hằng ngày mà vẫn sống động trong một thế giới của riêng họ? Một thế giới ảo, những cơn mơ, những mộng lớn, mộng con, nếu không may, phản ứng ngược có thể tác hại và cô lập người sử dụng với hiện thực hằng ngày?

"Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời
"
(Tản Ðà)

Nếu quả vậy thì viết bằng tiếng Việt thật là liều mạng.( Ðã liều rồi thì còn thiết gì đến có còn độc giả hay không còn độc giả đọc mình?) Nhìn quanh, thấy thiên hạ liều cũng nhiều, mơ ngủ cũng bộn, trong cơn say ma tuý, khối kẻ liều chết hay điếc không sợ súng (như mình) sẽ tự hỏi: viết bằng tiếng Việt (ở nước ngoài) sẽ giúp mình thấy bớt cô đơn, bớt điên khùng, hay sự thật sẽ phũ phàng hơn?

Ðây gọi là hội chứng "đồng bệnh tương lân" giữa những người viết.

Viết bằng tiếng Việt trước hết là viết cho chính mình, đến bạn bè mình và sau đó, mới đến độc giả, tất nhiên là những người đồng bệnh với mình.

Viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài là một nhu cầu được nằm mơ hơn là một hy vọng hão huyền xây dựng một sự nghiệp.

Thử làm một chút so sánh nhà thơ viết tiếng Việt với ca sĩ hát tiếng Việt ở nước ngoài sẽ thấy sự khác nhau giữa lợi lạc và lợi lộc. Ca sĩ hát tiếng Việt có thể sắm nhà, sắm cửa, sắm Lexus, BMW... Thi sĩ thì chỉ có phen bán nhà (nếu có), bán xe đi mà in thơ.

Có một sự trộn lẫn khó phân biệt giữa người viết và người đọc (tiếng Việt) ở nước ngoài.

Người viết chính là người đọc, và đa phần người đọc là người viết.

Có một nhóm những người trẻ đi học, lớn lên ở Mỹ không có nhu cầu bức thiết đắm mình trong mơ như thế hệ cha anh trước họ, nhưng nhu cầu tìm đọc, hiểu, thẩm thấu về cội nguồn, về kinh nghiệm của "tổ tiên"...làm phong phú cuộc đời của họ, nên họ đọc và đọc nghiêm túc bằng tiếng Việt. Giáo dục Mỹ vốn khích lệ mẫu người đa ngôn ngữ, dân Mỹ biết quý trọng những người nói được hai thứ tiếng (bilingual) nếu ba thứ, bốn thứ, càng tốt. Nhiều người trẻ Việt sinh ra lớn lên ở Mỹ, học và nói tiếng Anh từ lúc mới sinh, lớn lên, cảm thấy tò mò thắc mắc về văn hoá, văn minh nước Việt, và trở lại học hành nghiên cứu nghiêm túc về tiếng Việt.

Họ là những độc giả tỉnh táo.

Cá nhân tôi có những kinh nghiệm nói là may mắn cũng đúng, nói là lạc quan hay lạc quan tếu cũng không sai.

Những người đọc tiếng Việt (mê) hiện nay ở hải ngoại có thể ở lứa tuổi từ 40. Nếu họ vẫn tiếp tục đọc và lai rai đọc cho đến khi họ 80, 90 tuổi (mẹ tôi năm nay đã gần 90, mắt yếu, phải thay thuỷ tinh thể 2 lần, thay kính mỗi 2 năm, nhưng vẫn đọc sách báo tiếng Việt), nếu lấy theo tiêu chuẩn của cụ, thì chí ít chúng ta cũng còn đến ...50 năm cái gọi là "văn học viết và đọc bằng tiếng Việt" ở hải ngoại. Nếu tình huống xấu nhất là trong 50 năm sắp tới, tình hình xuất bản, nhà cầm quyền (đảng Cộng sản? Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương?...) và thái độ của (bất cứ) nhà cầm quyền nào trong nước đối với văn chương viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài vẫn không có gì thay đổi như hiện nay (cấp giấy phép xuất bản hiếm hoi và có điều kiện, kiểm duyệt hay cấm lưu hành sách báo tiếng Việt của các tác giả sinh sống ở nước ngoài...) tôi vẫn lạc quan...tếu, vì tôi vẫn còn đến...50 năm để viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài!

Tôi vẫn ở Virginia, nơi không nhiều mà cũng không ít người Việt, có một trung tâm thương mại nhỏ và riêng cho người Việt, việc làm của tôi vừa cần đến tiếng Việt vừa tiếng Mỹ. Tôi vẫn nói thạo, đọc thạo, và viết thạo tiếng Việt hơn tiếng Mỹ.

Viết bằng tiếng Việt đối với tôi không phải là vấn đề để chọn lựa, nhưng viết cho ai đọc thì tôi có cùng mẫu số chung với những người viết bằng tiếng Việt khác: tôi viết cho chính tôi, cho bạn bè và cho những độc giả đồng bệnh tương lân ở nước ngoài. Ước vọng đến tay rộng rãi độc giả trong nước vẫn còn là một ước vọng.
PC
#2 Posted : Thursday, November 15, 2007 8:57:28 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Bài này chắc tác giả viết lâu rồi, lúc mà người Việt mới sang Mỹ, cứ nghĩ là nhóm chúng ta đi tỵ nạn sẽ không có ngày về và người ở VN cũng không tiếp tục được di dân sang đây. Nhưng tình hình nay có khác rồi. Hoàn cảnh khác thì "vấn nạn" cũng khác.

linhvang
#3 Posted : Thursday, November 15, 2007 12:04:03 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi Chôm Chôm

Viết bằng tiếng Việt trong một môi trường sống mà mọi sinh hoạt chung quanh: từ gia đình, ti vi, báo chí, mua bán, hội hè, công việc, chung quanh ta, mọi người đều sinh hoạt bằng một ngôn ngữ khác, chính thức và chính thống, cũng có thể tự ví von như tôi đang làm một trò hề?


Chỉ ở trường học hay sở làm, chứ với gia đình và bạn bè V thì bao năm nay mình vẫn líu lo tiếng Việt mà.
Giữa đám nhỏ với nhau thì đúng như vậy. Black Eye
PC
#4 Posted : Thursday, November 15, 2007 5:14:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chắc tác giả có hơi thậm xưng một chút. Hoặc nếu đúng sự thật thì tác giả độc thân, không có ai quen biết để điện thọai tán láo chăng. Vào thời đầu định cư tại Mỹ, rất nhiều người Viêt đã lâm vào cảnh ngộ này. Báo chí tiếng Việt không có, sách mãi đến đầu thập niên 80 mới bắt đầu có in lại và xuất bản lai rai. Đồng hương thì ở rải rác khắp nơi, tâm trạng xa xứ thì não nề, bi đát.....Chính ông Võ Phiến còn tuyên bố bẻ bút. Mãi mấy năm sau ông mới viết lại .
oc huong
#5 Posted : Thursday, November 15, 2007 7:46:49 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

quote:
Chắc tác giả có hơi thậm xưng một chút. Hoặc nếu đúng sự thật thì tác giả độc thân, không có ai quen biết để điện thọai tán láo chăng. Vào thời đầu định cư tại Mỹ, rất nhiều người Viêt đã lâm vào cảnh ngộ này
.

Tác giả là giáo sư Việt Văn của những lớp đàn anh của OH, trở thành một trong những nhà văn viết rất sớm ở hải ngọai. Bây giờ gát bút rồi. Cô sống với gia đình, con cái nên không có chuyện cô đơn.
PC
#6 Posted : Thursday, November 15, 2007 9:30:18 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi oc huong
Tác giả là giáo sư Việt Văn của những lớp đàn anh của OH, trở thành một trong những nhà văn viết rất sớm ở hải ngọai. Bây giờ gát bút rồi. Cô sống với gia đình, con cái nên không có chuyện cô đơn.


Bà Hoàng Bắc có chồng trước hay sau khi viết bài trên đây?
oc huong
#7 Posted : Friday, November 16, 2007 3:45:48 AM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Theo OH biết, cô sống với gia đình từ khi định cư ở Mỹ.
Đáng lý cô qua Na Uy chơi hồi mùa xuân đó chớ, nhưng trước ngày đi thì cô bị bịnh. Uổng ghê đi, OH cứ tưởng có dịp hầu chuyện với cô. Nói đến cô, học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết nghĩ ngay đến một giáo sư đẹp, vừa tốt nghiệp ĐH sư phạm SG, trẻ trung (22 tuổi), điệu lắm, thích mặc áo dài tơ trắng, gần gũi với học trò...
OH không có dịp học với cô vì khi OH lên đệ nhị cấp thì cô không còn dạy ở PT nữa.

Biết chừng cô Hoàng Bắc quen với chị Ba Tê nhà mình Cooling

Có ai biết gì về chị Ba Tê không, chị vẫn khoẻ?
viethoaiphuong
#8 Posted : Monday, October 19, 2009 9:22:21 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
MỘT TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP



Trước đây, để phê bình Tản-Đà, Phạm-Quỳnh đã viết trên báo Nam-Phong: “Người ta phi người cuồng, không ai trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem cái thân thế mình mà làm chuyện cho người đời xem.”

Số là trong Giấc-Mộng-Con xuất bản năm 1916 Tản-Đà đã kể lại cuộc đi chơi “Tiêu diêu du.” tưởng tượng bằng thơ với nhân vật là chính tác giả, khiến cho phần lớn độc giả cảm thấy rất tuyệt vời, kỳ thú, nhưng riêng đối với Phạm-Quỳnh thì có lẽ ông không cùng quan niệm giống bao người khác nên đã mỉa mai như trên.

Thực ra, đối với “nhà làm sách” xưa nay, muốn để mọi người khác không biết “cái thân thế mình” mà vẫn thích giữ nguyên nội dung và những tình tiết “cái thân thế mình.” thì cũng dễ thôi.

Nhưng, bây giờ dù xấu hoặc tốt, rất nhiều người không cần và không muốn tránh né dè dặt để khỏi bị chê trách như lời nhận xét của Phạm-Quỳnh. Còn vấn đề trần truồng, ta thấy thời nay cả hơn ngàn người hò hẹn tụ tập ngoài phố để cùng nhau trần truồng đứng chụp hình chỗ nọ, chỗ kia, thiếu gì, họ đâu có cuồng.

Lại nữa, về vấn đề này, thiết tưởng cũng nên lưu ý thêm một điểm, khi xem một tác phẩm, đối với loại độc giả bình thường, chẳng cần nghiên cứu đặc biệt điều gì thì thực hay giả, hư cấu hay không, có gì quan trọng?

Vậy thì tôi cũng xin trình bầy: “Một Tai Nạn Nghề Nghiệp.” để “làm chuyện cho người đời xem” và trong khi thực hiện tôi rất thoải mái, không thấy ngai ngùng gì về việc nếu phải bộc lộ cái “thân thế” của tôi liên hệ trong truyện, mà quả thực chỉ thoáng chút bâng khuâng, là, không biết rồi đây sau khi kể cái tai nạn nghề nghiệp này nó có đẻ ra thêm một tai nạn nghề nghiệp nào khác hay chăng!

Trước hết tôi xin xác nhận :Tôi không phải là thi sĩ dù có làm thơ và dù sắp sửa nói về chuyện mấy câu thơ của tôi cùng mấy câu thơ của một người bạn.

Xung quanh chúng ta bây giờ, theo tôi, thi sĩ thực sự kể ra vẫn hiếm hoi. “Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.”. Song người làm thơ thì rất nhiều. Như thế, công thức: “Điều kiện cần và đủ để thành một thi sĩ là phải biết làm thơ.” nghe có vẻ nặng tinh thần toán học nhưng không đúng.

Thế làm sao để biết một người “phục vụ nghệ thuật” sáng tác thơ là thi sĩ hay không phải thi sĩ. Đó lại là chuyện khác, rất phức tạp, chắc chắn không thể mổ xẻ, chứng minh, phán quyết theo lề lối khoa học tuyệt đối. Nên tôi đâu có dại gì mà nhào vô bàn luận vấn đề này. “Văn chương không phải là đơn thuốc.Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.”. Chỉ biết câu “Văn mình vợ người.” có thể cũng là một trong số các nguyên nhân khiến cho những kẻ,dù không phải thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ, vẫn tiếp tục “đường ta ta cứ đi.”.

“Đường ta ta cứ đi.” Cũng mang ý hướng thời gian, nhẫn nại,tiến bộ, học tập, nghiên cứu, nhận xét…“Đường ta ta cứ đi.” vì đi chưa đến, có thể sẽ đến, có thể sẽ không đến, và hiện thời, hoặc đến hay không, rất nhiều người chẳng muốn bỏ cuộc dẫu cho con đường có khấp khểnh gập ghềnh. .

Hãn hữu lắm mới có trường hợp thiên phú, bẩy bước thành thơ. Và có lẽ không ai đột nhiên sáng ngủ dậy thấy mình trở thành thi sĩ. Lại nữa, được ăn cả, ngã về không, chắc chắn chẳng kẻ nào chấp nhận danh xưng thợ thơ, tức là phó thi sĩ như bên hệ thống khoa cử, giáo dục của Việt-Nam hiện thời có chức vị tiến sĩ và phó tiến sĩ. (Bài này viết sớm, nay nghe nói những vị phó tiến sĩ cũng bất mãn, phản đối chức vụ phó tiến sĩ, What is phó tiến sĩ? và nhà nước đã phải đồng ý nâng các ngài lên tiến sĩ, còn tiến sĩ thì lại được gọi là tiến sĩ khoa học!). Bởi lẽ đó, lại thêm, lúc nào cũng đinh ninh trong bụng lời phán của ông Tú Vị-Xuyên: “Nhập thế cuộc bất khả vô văn tự.” nên dù chưa phải thi sĩ tôi vẫn tiếp tục “trăn trở” làm thơ lai rai và điều quan trọng là không bao giờ quên ưu tiên cho công việc, công việc nhẹ nhàng hay cực nhọc, thích hoặc không thích cũng phải luôn luôn được ưu tiên.

Em ngồi nghe nhạc trời mưa,

Anh đang tư lự tìm chưa được vần.

Câu thơ nghĩ cũng chẳng cần,

Hay là tắt nhạc cho gần gụi nhau.

(Trong tập Biết Bao Nhiêu Tình.)

Bất cứ việc gì thì cũng có vui có buồn. Làm thơ đối với tôi cũng vậy. Khi thấy thơ của mình trên nguyệt san thì mở coi hoài, đắc chí, đọc tới đọc lui, rất tiếc chẳng thể “Viết vào giấy dán ngay lên cột.” như tiền bối được. Song ngược lại khi kiếm tìm “đứa con tinh thần” mỏi mắt không thấy trên giấy trắng mực đen (Quái rõ ràng đã gửi tới tòa báo lâu rồi mà!) thì đành âm thầm làm lại từ đầu, hoặc đợi chờ kiên nhẫn ở kỳ sau, đấy là sự thể thông thường của người đi chưa tới, mà nhiều kẻ bi-đát-hóa có thể gọi là nỗi vinh nhục. Đấy đại khái một phần hoạt động của người làm thơ là như vậy, không có gì to tát, bởi vì thơ phú, theo một số người, nó đâu có chi quan trọng.Đến ngay cả Truyện Thúy Kiều của Nguyễn-Du từng được dịch ra tiếng nước ngoài,như bản Pháp ngữ của nhà xuất bản Gallimard Paris chẳng hạn, bản dịch này đã cũ, nhưng mới đây, 1983 , học giả Huỳnh-Sanh-Thông một lần nữa cũng dịch ra tiếng Anh nhan đề The Tale Of Kiều… là một trong số mấy tác phẩm tiêu biểu để nhiều người ngoại quốc biết đến văn học Việt-Nam mà nay còn có kẻ đặt vấn đề định lại giá trị… thì mọi sự nghĩ cũng thường.

Nơi trường văn trận bút câu nói của một thi sĩ Pháp, Alfred de Vigny, thú thực cũng giúp cho kẻ làm thơ nói riêng, suy nghĩ, thấy an ủi và rút tỉa nhiều kinh nghiệm quý báu, đó là: “Thói thường, trong văn học người ta thích làm cho kẻ đã chết sống lại và làm cho kẻ đang sống chết đi.”

Nguyễn Bá Học, một nhà nho, mô phạm, tác giả quyển sách giáo huấn “Lời Khuyên Học Trò.” đã viết: “Vận văn chỉ là để tiêu khiển trong lúc trà dư tửu hậu. Tiểu thuyết, ký sự, luận thuyết, diễn thuyết mới là những văn chương hữu dụng, còn thơ phú, ca dao có vần điệu chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra sự thực… những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho quỷ khóc thần kinh cũng không đáng giá một đồng tiền kẽm.”

Dù biết thơ “không đáng giá một đồng tiền kẽm”, dù biết bài thơ phổ biến không có nhuận bút, từ lâu tôi vẫn hỳ hục ghép vần, gửi bài đăng báo nọ báo kia trong vùng, và cũng từ lâu, như thể, sự làm ăn khấm khá, thỉnh thoảng tôi còn liên lạc với các tờ báo ở Oklahoma, ở Texas, ở Cali…báo này xen vào mấy câu lục bát, báo kia bài Đường thi, vài đoạn tứ cú… thậm chí trên một tờ báo tại Chicago một lần thấy có mục thiếu nhi tôi cũng hăng hái tham gia, gửi một đoạn thơ rất dản dị, rất lành mạnh, không than mây khóc gió, nhằm phục vụ độc giả nhỏ tuổi.Thí dụ như bài thơ đố vui thế này:



Cây gì chẳng hết em ơi!

Chẳng hoa chẳng lá mọi người mến yêu.

Thân cây cao chẳng bao nhiêu,

Cắt ra xào nấu được nhiều món ăn.

xxOxx

Oi chao, câu đố khó khăn

Cũng xin đáp thử một lần mà chơi…

xxOxx

Cây còn chẳng hết anh ơi!

Thủy chung tình nghĩa với người, thương yêu.

Giữ nhà giúp ích bấy nhiêu,

Nỡ đem làm thịt thành nhiều đồ ăn.

N.P.L.

Thường thường có lẽ mọi người đều biết, trên báo chí, những câu vận văn, bức vẽ hay những đoạn văn xuôi đố vui không kèm giai đáp ngay như tôi trình bầy trên đây mà phần trả lời để ở trang khác hoặc ở một kỳ báo khác cho người tham dự có thời gian suy nghĩ. Tôi làm khác, cho tiện và đỡ mất thì giờ qúy báu của quý độc giả đang cần thư giãn nghỉ ngơi.

Bài thơ gửi đi suôn sẻ, lên báo suôn sẻ, ông chủ nhiệm, thi sĩ Thủy-Lâm- Synh, rất thủy chung, chiêu hiền đãi sĩ, sau đó “lại quả” cho tôi hai số “để anh giữ làm kỷ niệm.”Tôi mở ra đọc thấy không có gì in sai vậy kể như xong, mà có thấy sai thì cũng kể như xong, nổi quặu là bậy, kêu ca khiếu nại ư, có ai để ý lời đính chính và xin lỗi tác giả ở số báo sau, thôi tiếp tục kiếm đề tài, tiếp tục viết là thái độ hay, đỡ mất thì giờ hơn cả.

Một người bạn quen hồi cùng học làm lính tại Thủ-Đức, sau khi ngồi bóc hơn mười cuốn lịch trong khu rừng thiêng nước độc, hiện ngụ ở vùng Trung Bắc Mỹ đọc bài này nhớ tới tôi, gọi điện thoại hỏi thăm, “Mày bây giờ cũng bầy đặt làm thơ à?”, tôi đã nghe nhiều câu hỏi như thế, thú thực, ban đầu cũng bực, tìm cách trả đũa đích đáng, nhưng làm vậy có thể mất hòa khí, và theo tôi thì, có tới chín mươi chín phần trăm người hỏi đều vô tình, hỏi mở đầu câu chuyện cho vui chứ không có ác ý gì đâu, tôi nghĩ thế, nên bây giờ thường chẳng buồn đáp lại. Chỉ cười. “Đường ta ta cứ đi”…

Tiếp theo hắn góp vài lời bàn Mao-Tôn-Cương về bài thơ cho có lệ. Rồi lan man hồi tưởng đến thời gian xa xưa, hồi năm 1966…hồi mấy tên SVSQ chưa gắn alpha, chưa được đi phép về “Sài-Gòn đẹp lắm.” Để thăm gia đình, để bồi dưỡng, để trả thù… bèn tụ tập nhậu nhẹt ở khu gia binh trường Thiết Giáp vào những ngày nghỉ cho đỡ sầu đời…rồi cuối cùng hắn ngỏ ý mời tôi sang chơi, “dụ khị” qua chơi sẽ được thết món giả cầy bà xã hắn nấu là hết xẩy, là..tuyệt cú mèo! Tưởng gì chứ bà vợ hiền của tôi cũng hãnh diện nấu món giả cầy không ai sánh bằng đấy! Bả nghe vậy nói nhẹ nhàng: “Ông muốn ăn thì mai tui nấu liền đâu cần phải đi xa.”

Lạ nhỉ! Tôi đã tỏ thái độ muốn đi xa ăn giả cầy đâu! Và cái món giả cầy nấu ở nhà thì tôi có nói là không muốn ăn bao giờ đâu! Hóa ra do vụ này tôi mới nghiệm thấy một điều, là, cái màn nấu ăn cũng sinh ra thật nhiều tự ái, phần lớn mấy nội tướng không ai chịu thua kém ai về phương diện bếp núc.

Ở quê hương ta, thời gian các đấng đỉnh cao trí tuệ bầy đặt hô hào tiêu thổ kháng chiến, họ không muốn những tiếng “Gâu! Gâu!!!” làm cản trở bước chân âm thầm, nên để bịt miệng, loại thực phẩm này hồi ấy vô cùng.. ”nở rộ”, thế mới biết trong khói lửa, chẳng những người lương thiện, ngay cả gia súc cũng bị vạ lây. Mà thôi, “vật dưỡng nhân”. Nói chung thì trước sau món ăn này cũng rất phổ thông. Cây-còn “cắt ra xào nấu được nhiều món ăn” như luộc, xào lăn, dồi, thịt nướng, xáo măng v…v…

Tuy nhiên sống trên đời…nơi đây, có lẽ không bợm nhậu nào có gan “ngả cờ tây”, “nhớ thương” quá thì “thi công” làm nồi giả cầy, cho hương thơm bốc lên ngào ngạt để mà tha hồ hít thở khoan khoái…Mới hít thở đã khoan khoái rồi! Thịt cầy thay thế bằng thịt heo cũng được lắm và giả cầy thì chỉ có làm giả món nhựa mận thôi, những món khác của cây-còn không thấy ai làm giả bao giờ.

Gọi là món nhựa mận vì nhìn nó mầu nâu, sền sệt như nhựa cây mận, nước không ra nước, khô chẳng ra khô, bầy trên bàn, trên mâm bằng bát lớn hoặc đĩa cũng được, món giả cầy phải có riềng mẻ, phải thui cái chân giò cho vàng, căn lửa riu riu, nấu cho nhừ, cùng với những đọt măng tre non, mềm và ngọt, cắt nhỏ, nêm nếm công phu…ăn với bún, rau răm xắt nhỏ, đưa cay bằng rượu nếp than …ôi thôi! xin đừng bắt nói tiếp, nhỏ nước miếng, chịu không thấu.

Ong cha mình thật hay, đã ngả cờ tây nghiên cứu thành công nhiều thứ cần đi với nhau cho khoái khẩu, rất đáng khâm phục, lại cẩn thận chế biến ra món giả cầy tương tự phòng hờ để sài vào những khi bất khả kháng, làm phong phú kho tàng đặc sản quê hương thật tuyệt vời, tiện lợi. Tiện lợi nhất là cho chúng ta, những người đang xa xứ, khi ngứa mắt nhìn mấy con nai đồng quê gầm gừ, đẩy nhau.…chịu không muốn nổi thì làm món giả cầy cầm hơi, chứ đừng ngả cờ tây lén lút ở đây nhỡ lộ ra chính quyền địa phương nó gọi lên làm việc cũng mất mặt bầu cua cá cọp.

Chuyện bài thơ đố vui và món giả cầy tưởng sẽ bị quên đi như nước chẩy qua cầu, ai dè bỗng một hôm cách ít ngày, còn nhớ đó là mùa hè, trời nóng ơi là nóng! Vào buổi sáng, như thường lệ, tôi mở máy computer xem báo, check thư -tín thì bất chợt nhận được mấy câu thơ của bà bạn ở xa như sau:



Đố thi huynh biết là cái gì:

Cây gì chẳng hết anh ơi!

Phái tôi yêu thích chẳng rời ngày đêm.

Thân cây cứng ngắc chẳng mềm,

Lại thêm mũi nhọn dùi xuyên thịt mình.

T.L.



Đọc xong tôi sửng sốt, sững sờ… nhưng không sợ sệt!

Đúng ra thì mấy câu văn vần cũng chẳng có gì ghê gớm, cấm trẻ em dưới 18, chẳng phải loại XXX bừng bừng khiêu khích, song, qua mấy câu thơ, như là, thái độ của bả đã thay đổi từ xã giao quy ước chừng mực tới thân thiện phá rào quá đột ngột làm tôi không thể tưởng tượng bà bạn khả kính bao lâu mà nay thực tế lại gửi cho tôi như vậy.

Vì ở xa, cho tới khi đang viết những dòng “hồi ký” này, tôi chưa hân hạnh gặp mặt bà T.L. Nhưng biết bà hiện là bác sĩ, hâm mộ thơ văn.Trước đây, còn nhớ, bà cũng đã in một tập thơ mỏng, rất dễ thương từ năm 1996 với trang bìa giản dị,mầu sắc nhã nhặn, trình bầy bức hình thiếu nữ rất trẻ, “Em còn bé lắm các anh ơi!”, em mặc áo dài, ôm chiếc đàn nguyệt trước một bối cảnh quen thuộc ở quê nhà có mái tranh, lu nước, cây cau…

Do thư từ qua lại rất thường thì tôi bắt buộc phải kết luận bà là người đứng đắn,cởi mở, thực tình. Thỉnh thoảng mỗi lần liên lạc bà thường sốt sắng hỏi, có cần gì không? Khổ quá! Về sức khỏe, tôi cần nhiều chứ! Dù có medicare, rồi thì medicaid nữa. Nhưng mấy cái đó đâu có giúp được gì, và thú thực, đến ngay cả bà bạn hay ngay cả bác sĩ gia đình cũng chẳng giúp được gì. Làm thế nào kể ra bây giờ? Làm thế nào để chữa trị bây giờ? Thí dụ như cái quả tim trong lồng ngực đôi khi nó cũng gây lắm điều ray rứt,lộn xộn khiến tôi nhiều lúc cứ bần thần chả hiểu mần răng!

Mới lại, “Rằng quen mất nết đi rồi!” vì không thích vạch áo cho người xem lưng.Ngay như mấy bệnh lặt vặt, thí dụ đau răng, trừ khi quá quắt, tôi cũng thả nổi, chẳng muốn khai ra, khai ra vợ hiền lo lắng lại áp lực lằng nhằng dẫn độ tới nha sĩ làm root canal là về nhà hôm đó hết muốn ăn giả cầy, thà cứ để vậy cho cuộc đời nó có chút “thú đau thương” nhè nhẹ, nhằm nhò gì, ai mà sống hoài, Socrate cũng vậy, mai sau lúc sắp đi đoong, cứ bình tĩnh, như thớt voi già khi linh cảm thấy gần đến ngày cùng tháng tận, âm thầm lặng lẽ bước chậm chạp vào vùng thâm sơn cùng cốc mà sửa soạn gục xuống an giấc nghìn thu, cô độc, biệt tăm, chẳng ai biết, chẳng ai hay, không kèn, không trống…

Chúng tôi đối với nhau tương kính, lại cùng hoạt động thơ văn trong một thi đàn. Cũng vì cùng làm thơ trong một thi đàn nên mới quen biết và tôi lớn hơn khoảng vài tuổi nên bà T.L. gọi tôi là thi huynh

“Thi huynh” có vẻ phảng phất thời gian “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố trở về trước, hơi cổ, nhưng là sự chọn lựa xưng hô đúng, hợp với cái lãng đãng của Đường thi xướng họa. Chưa gặp nhau mà gọi anh thì hơi gần, ông thì hơi xa, thi huynh tuy xa mà gần, tuy gần mà xa…vui, văn vẻ, vừa vặn!

Xem bốn câu thơ đố, tôi không tin là do bà sáng tác, nhiều phần nó đã có sẵn, được truyền tụng trong nhân gian như ca dao mà tôi không biết.Tuy nhiên, mặt khác tôi bắt buộc phải tin là nó cứng ngắc, nhọn hoắt, dùi xuyên vào da thịt mà phái nữ yêu thích ngày đêm!!!

Lẽ dĩ nhiên, theo bà, bốn câu này phải là để mô tả một vật thể khác (mục đích chắc chắn chỉ để mô tả vật thể khác ấy thôi!) nhưng tôi vốn ”khờ khạo lắm ngây thơ lắm!” lại “nhất trí” hiểu theo nghĩa khác mới đổ nợ chứ!

Vì muốn giữ trọn tình bạn văn thơ đứng đắn tôi định yên lặng không trả lời. Không ngờ bài thơ của tôi phổ biến trên báo vùng Ngũ Hồ còn bà thì ngồi bắt mạch cho toa mãi bên bờ bể viễn Tây, cũng đã đọc, nên mới có sáng kiến nhập cuộc chơi, đố lại tôi như thế. Mà sao bà chẳng đưa lên báo để mọi người cùng xem cho vui mà chỉ gửi riêng tôi vậy cà? Về sau, trước khi câu chuyện “đố vui” kết thúc, tôi hỏi thì chính bà kể cho hay, vào dịp đó bà đi thăm người bạn ở Chicago lúc tới một tiệm ăn Việt-Nam nhặt tờ báo chợ tình cờ đọc thấy tên tôi, nên mừng quá chẳng kịp nghĩ, vội gõ cho tôi…ai dè… thiệt là xui!

Trời đất! Tôi còn xui hơn chứ bộ. Tai bay vạ gió. Đầu chẳng phải, phải tai. Đọc bốn câu thai đố tôi cho là nếu không trả lời thì chẳng những bất lịch sự mà còn “yếu” quá! Hơn nữa sự im lặng có thể bà T.L. sẽ cảm thấy bị coi thường, làm cho bao nhiêu điều hâm mộ, kính nể của bà ấy dành cho mình, chủ quan tôi nghĩ vậy, sẽ không cánh mà bay để chẳng bao giờ trở lại.Tạo ra được chút uy tín rồi giữ được cái uy tín tạo ra là điều rất khó. Vài câu thơ đố làm không xong thì mặt mũi “thi huynh” còn gì!

Vả lại đây là chuyện không do tôi khơi mào trước, biết đâu bè bạn chẳng muốn thử tôi xem sao, xem có khả năng đa hiệu không, chứ đi với bụt biết mặc áo cà sa nhưng đi với ma không biết mặc áo giấy thì cũng dở ẹc!

Từ trước đến nay, hơn “Sáu mươi năm cuộc đời” đôi khi cũng sẩy trường hợp làm tôi suy nghĩ, hóa ra,tôi trông vậy mà không phải vậy. Tôi từng nghe, hơn một lần có kẻ đã thố lộ thẳng với tôi, “Xin lỗi,với cái thùng nước lèo khá bự, mới nhìn tưởng đứng trước một xì-thẩu, hiền lành, nghiêm nghị, xa cách.. Lúc đánh bạo xáp vô, “nói chiện” mới rõ thì ra ổng cũng là… Ố Nàm!” Đấy chẳng biết có phải là một nhược điểm của tôi? Hay đó là một ưu điểm trời ban riêng cho tôi? Có ảnh hưởng với tôi thế nào? Thôi mặc, Việt-Nam hay xì thẩu cũng tốt “dzồi” ! chứ mà để người ngoài nhìn tưởng con tắc-kè mới thực vừa tắc vừa… kẹt, bây giờ để tôi, thủng thẳng viết mấy câu trả lời nối đuôi (tiếp theo vần câu thơ cuối của T.L.) cho đàng hoàng:

Thưa chị T.L.,

Vốn tôi chẳng mấy thông minh,

Nghĩ suy chưa cạn thì hình dung thêm:

Xuyên vào da thịt ngày đêm,

Lại còn mũi nhọn chẳng mềm đã thay!

Các bà yêu thích…Ơ hay!

Chắc là cái ớó… nói ngay hơi kỳ.

N.P.L.

Đến đây chẳng biết mọi người có tưởng tượng ra được đoạn kết sẽ như thế nào không. Sau khi “send” bài thơ cũng kể như bức thư trả lời. Bà bạn phản đối tôi gay gắt nhưng vẫn lịch sự: “Đó là cây kim phái phụ nữ dùng để may vá sao lại trả lời vậy? “Thi huynh” coi tôi là người như thế nào?”

Ơ kìa! Tôi đâu có coi bà là người như thế nào? Hồi nào? Nơi nào? Tôi trả lời vậy vì đâu biết đó là cây kim khâu! Thế nó chỉ dùng để tả cây kim khâu à? Thật khổ, thường mấy câu thai đố hay dẫn người ta đi lạc vào đường suy nghĩ tục. Cũng hay. Nghĩ lẩn thẩn, không biết kho tàng thai đố hiện còn lưu truyền nơi nhân gian có được kể như một nét đặc thù của dân tộc cần được giữ gìn không nhỉ?

Người đố kẻ trả lời, trả lời đúng trả lời sai là thường, mà trả lời vậy cũng đâu có sai, như một học sinh làm luận văn, tôi đọc kỹ đầu đề rồi mới viết xuống giấy đấy chứ! Thử xét lại coi! “Bài làm” của tôi đâu có lạc đề. Chỉ hơi dài dòng, phải sài tới sáu câu mới trả lời xong cho bốn câu thai đố. Không cân đối. Hơi dở.

Rất may là hai người đang ở xa, nếu đối diện ai cũng lý sự, không biết sự thể sẽ như thế nào…và dù thế nào tôi cũng lấy làm mừng vì đã chẳng nhìn thấy những hình ảnh của nhau lúc đó…

Cuối cùng tôi thấy “chuyện có gì đâu” mà phải bận tâm vô ích, thôi, sự thể đã như vậy, chấm dứt là hơn, nên đã làm hòa, viết mấy câu, vẫn qua e-mail, đề nghị không nói nữa. Từ đó thì hai bên chẳng ai nhắc tới nữa, nhưng tình hình bè bạn đã có vẻ không trở lại bình thường, nghe như nó vẫn phảng phất còn một chút hậu quả uể oải, âm ỷ nhẹ nhàng. “ Thi huynh coi tôi là người như thế nào?”. “Ơ kìa! Tôi đâu có coi bà là người như thế nào?...”. Hai câu đối đáp cứ phảng phất theo tôi hoài, khiến tôi, dù không có chi để ân hận, nhưng mãi mãi chẳng thể quên được chuyện đã sẩy ra.Thật bất hạnh. Mọi liên hệ giữa hai bên cứ bớt dần, năm ngoái chúng tôi cũng chẳng gửi thiệp Giáng Sinh cho nhau như trước, mặc dù tôi vẫn kính trọng bà bạn tôi, tôi vẫn thấy vui mỗi lần đọc thơ của bà trên đặc san, ngược lại bà bạn tôi vẫn là độc giả dài hạn của tờ báo tôi thường xuyên cộng tác, và… bây giờ lại là mùa hè, trời nóng ơi là nóng, thấm thoát thế mà đã mấy năm.

Tác giả: Nguyễn Phú Long
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.