Con Gà với người Việt và tiếng Việt
Hồng Nga
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng những con vật biểu trưng 12 con giáp của lịch ta hầu hết ấy đều là những loài bốn chân: chuột (Tí), trâu (Sửu), cọp (Dần), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), chó (Tuất), lợn (Hợi); có hai con vật không có hoặc không rõ mấy chân là rắn (Tỵ), rồng (Thìn). Riêng một mình con gà của năm Dậu chỉ có hai chân, và lại là con vật duy nhất thuộc loài chim, có cổ dài, có cánh, có phao câu, những thứ mà các con kia không con nào có được !
Khi ta nghe câu : “Nhất phao câu, nhì âu cánh (hoặc đầu cánh)”, ta hiểu ngay rằng đó là những chỗ ngon nhất trong con gà luộc, gà quay, tuy rằng những thứ ấy những con gia cầm khác cũng có, nhưng không được ngon như của con gà, nhất là gà mái ghẹ hoặc là gà trống thiến.
Kể cũng lạ, sao trong bao nhiêu giống gia cầm mà chỉ có gà là có gà trống thiến, chứ không hề có gà mái thiến, lại cũng không có vịt trống thiến, ngỗng đực thiến ? Và cũng lạ thay, không hiểu tại sao trong tiếng Việt ta có nói là ngỗng đực, vịt đực mà tuyệt nhiên không thấy nói là gà đực !?
Lại cũng không hiểu tại sao trên bàn thờ đám giỗ, cúng lễ ta chỉ thấy chễm chệ con gà tréo cánh có đủ chân đủ đầu, mỏ ngậm quả ớt đỏ chẻ tư chẻ sáu hoặc đóa hồng đỏ nho nhỏ xinh xinh, đặt ngay chính giữa bàn thờ, chứ không hề thấy con vịt, con ngan hoặc con ngỗng, con gà tây được ở vị trí trang trọng đó trong nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt?
Phải chăng đồng bào ta có sự phân biệt đối xử, thiên vị do một lẽ sâu xa nào đó trong truyền thống xa xưa đối với giống gà so với các gia cầm khác mà ta chưa hiểu thấu?
Phải chăng bởi vì gà là gia cầm gần gũi nhất, mắn đẻ nhất, do đó đông đúc nhất ở khắp nơi quanh ta so với các loài chim khác? Phải chăng vì chúng không chỉ cung cấp cho ta thịt trứng vừa ngon lành vừa có giá trị dinh dưỡng cao, không những cho ta lớp lông mềm nhẹ sắc màu đẹp đẽ làm được nhiều thứ đồ chơi, đồ trang trí và đồ gia dụng như nệm gối, phất trần v.v.., mà còn vì chỉ riêng chúng ngày nào cũng cất tiếng gáy vào thời điểm rất chính xác bảo đảm nhiệm vụ thông tin cho ta biết trời sắp sáng, tiếng gáy vô cùng cần thiết cho người cần dậy sớm khi chưa đâu có đồng hồ, nhất là đồng hồ báo thức !
Cũng chỉ riêng một mình gà trong số các gia cầm và cả trong 12 con giáp có thể dễ dàng tạo cho người một trò giải trí chọi gà, một thú tiêu khiển không cần phải tổ chức quy mô công phu như chọi trâu. Chỉ cần một đôi gà chọi với dăm ba người là đã thành một đám chọi gà vui nhộn, sôi nổi tại một vạt cỏ nhỏ, góc sân hẹp nào đó .
Trứng gà giàu chất bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi, là nguyên liệu chế biến nên nhiều thứ bánh trái hoặc món ăn ngon lành, ấy là điều ai cũng biết. Nhưng có lẽ còn có người chưa biết trứng gà còn được dùng trong y học dân gian. Lòng trắng trứng gà luộc đang nóng bọc cùng miếng bạc trong mảnh vải để đánh gió giải cảm, là cách chữa bệnh phổ biến trong nhiều gia đình. Dùng đậu xanh có vỏ xay nhỏ thành bột trộn sền sệt với lòng trắng sống một qủa trứng gà trải lên giấy bản (hoặc khăn giấy ngày nay) đắp lên hai mắt có thể chữa lành bệnh mộng mắt, mắt kéo màng đục, hoặc làm giảm nhãn áp. Để chữa bệnh lao phổi, một bệnh trước đây xếp vào loại “tứ chứng nan y”, người ta dùng tỏi tươi giã nhỏ trộn đều vào một quả trứng gà, trải mỏng gói kín trong tấm lá chuối tiêu, đặt trên lửa than nướng cho chín bốc mùi thơm, ăn hàng ngày, không khỏi hẳn cũng đỡ rất nhiều.
Vỏ trứng gà tưởng chừng chỉ là thứ vứt đi đã được các nghệ nhân tranh sơn mài dùng để thể hiện màu trắng của chiếc nón bài thơ hoặc bộ quần áo dài tha thướt độc đáo Việt Nam, hoặc tạo nên những đốm sáng lung linh trên sóng nước phản chiếu ráng chiều và ánh trăng, v.v... Vỏ trứng gà tán nhỏ hoặc ngâm nước bón tưới cho cây cnh trong nhà sẽ làm cho cành lá vươn thẳng lên cao, tạo dáng khoẻ khoắn hiên ngang đẹp mắt. Thế là trong hoạt động sáng tác mỹ nghệ, trong thú chơi cây cảnh của ta cũng có sự đóng góp của gà.
Một thứ thực sự đáng vứt đi là phân gà luôn được các nhà nông trồng ớt đặc biệt đánh giá cao vì tính năng đặc biệt làm tăng lên gấp bội độ cay của quả ớt khi đem bón cho cây ớt. Một thứ nữa gần như một chất bẩn cần tẩy rửa thật sạch khi làm gà, đúng hơn là làm sạch đầu gà, ấy là nước nhớt trong miệng gà, được móc ra bôi vào vết rết cắn như một liều thuốc cấp cứu dùng trong dân gian.
Đôi chân gà sau khi cúng còn được dùng để xem bói, gọi là lối “bói chân gà”. Đôi chân nào báo nhiều điềm tốt được chủ nhân treo giàn bếp cho khô quắt để lưu giữ làm kỷ vật. Thế là đôi giò gà đã bước vào những hoạt động thế giới tâm linh trong dân gian. Nhiều người không phải là thầy bói cũng xem chân gà đoán đúng được đôi điều, có người giả vờ bắt chước đoán mò cho vui, cốt lấy cớ để được gặm đôi giò gà cực ngon ấy. Những năm gần đây, trong cao trào các món ăn dân dã đang lên ngôi thành món đặc sản, giữa lòng Hà Nội đã xuất hiện những hàng quán, thậm chí có một ngõ phố cạnh sân bóng Hàng Đẫy chuyên bán món nhậu chân gà, cánh gà tẩm nướng thơm ngon nổi tiếng.
Thực vậy, nói đến gà trước hết phải kể vai trò của nó trong ngành ẩm thực.Tên các món ăn làm từ gà là một danh sách dài dằng dặc: gà luộc hoặc hấp, hầm, nướng, quay, rán, rim, rô ti, v.v.. . Các món đặc sản tạo hình như Gà rút xương (nguyên con, rút hết xương, nhồi thịt băm, miến, nấm hương, mộc nhĩ), Gà ấp trứng (như gà rút xương, tạo dáng như đang ấp trứng), v.v.. hoặc không tạo dáng như Gà tần thuốc bắc, Gà chưng nước dừa v.v.. và v.v.., một đời người khó mà nếm được hết, nhưng chắc rằng hiếm ai chỉ một lần xơi qua các món cơ bản như cháo gà, cơm gà, xôi gà, mì gà, miến gà, phở gà, xúp gà. Không phải con gia cầm nào, loài chim nào, loài thú nào, loài thuỷ hải sản nào cũng có thể được có mặt đầy đủ trong 7 món cơ bản kể trên như gà.
Không ít tên gọi các bộ phận cơ thể gà đã trở thành những thuật ngữ khoa học một số ngành chuyên môn, làm mẫu mực tuyệt vời cho các cách thức tạo từ mới trên cơ sở vốn liếng các từ ngữ có sẵn của tiếng Việt, không cần thiết phải vay mượn từ ngữ nước ngoài:
Cánh gà (màn che hai bên sân khấu)
Cựa gà (chốt để giữ then cửa)
Lưỡi gà (một bộ phận của kèn hơi hoặc bơm tay)
Gan gà (màu gốm, đất nung đặc trưng của Phương đông)
Ruột gà (bộ phận làm nóng trong ấm điện hoặc làm lạnh
cho hơi nước ngưng đọng)
Đuôi gà (kiểu vấn tóc, tóc bỏ đuôi gà, nghệ thuật hát chèo)
và bằng cách khác tạo ra một số thuật ngữ ngành y và thú y:
Cúm gà
Ho gà
Quáng gà
Sủi mào gà
Gà rù (toi)
Hóc xương gà
Nổi da gà
Nơi gà đẻ trứng - ổ gà cũng thành từ ngữ giao thông vận tải đường bộ và đường không.
Phải chăng chính vì sự gắn bó chặt chẽ về nhiều mặt như vậy nên từ xưa trong các loại gia cầm, trong các loài chim, chỉ một mình Gà được tuyển chọn vào hàng ngũ 12 con giáp, biểu trưng cho năm Dậu ?
Có lẽ cũng chính vì thế mà ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong tiếng Việt số lượng thành ngữ có liên quan tới Gà chiếm vị trí cao nhất trong số các thành ngữ nói về 11 con giáp khác. Xin liệt kê dưới đây trước tiên những đơn vị có Gà đứng đầu, tiếp sau là những thành ngũ khác theo trật tự abc:
Gà ăn hơn công ăn (thà ích lợi cho người thân cận còn hơn cho kẻ sang trong thiên hạ)
Gà ăn không hết bạc ( cảnh giàu có, quá nhiều tiền của)
Gà ba lần vỗ cánh mới gáy, người ba lần ngẫm nghĩ mới nói
Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba năm vừa cưỡi
Gà béo bán bên Ngô, gà khô bán láng giềng (hám lợi, thứ tốt dành cho người xa, thứ xấu để cho người gần)
Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền
Gà chết vì tiếng gáy
Gà cỏ trở mỏ về rừng
Gà con lạc mẹ
Gà cùng chuồng đá lẫn nhau
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm
Gà đẻ gà cục tác
Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua
Gà đẹp mã nhờ lông, người dễ trông vì của
Gà độc thịt, vịt độc trứng
Gà gáy canh một hoả tai, gà gáy canh hai đạo tặc (gà gáy không đúng canh báo điềm xấu)
Gà giò ngứa cựa
Gà khôn giấu đầu, chim khôn giấu mỏ
Gà lấm lưng, chó sưng đồ (gà mái thời kỳ chịu trống, chó cái thời kỳ động dục thì thịt ngon nhất)
Gà luộc hai lần ( lấy chồng lần thứ hai, tình cảm nhạt phai)
Gà luộc lại, gái cải giá
Gà mái đen, cả ổ đều đen (nòi nào giống nấy)
Gà mái gáy gở
Gà mái gáy mai, lụn bại cửa nhà
Gà mái không gáy (không phải việc của phụ nữ)
Gà một nhà (chuồng) bôi mặt đá nhau
Gà mới lên chuồng ( mới chập tối)
Gà mượn áo công
Gà ngày gió, chó ngày mưa (cũng như: bán gà kiêng ngày trời gió, bán chó kiêng ngày trời mưa)
Gà ngủ, cáo không ngủ
Gà người gáy, gà ta cũng đập cánh
Gà người gáy, gà ta cũng te te
Gà nhà bôi mặt đá nhau
Gà nhà lại bưi bếp nhà
Gà què ăn quẩn cối xay (không biết nhìn xa trông rộng)
Gà què bị chó đuổi (bị tai hoạ dồn dập)
Gà ri mâm gạo (gặp may)
Gà trống nuôi con
Gà tức nhau tiếng gáy
Ác đẻ ác la, gà đẻ gà cụ tác
Ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày
Bán gà cho cáo
Bán gà kiêng ngày trời gió, bán chó kiêng ngày trời mưa
Bé ăn trộm gà, c ăn trộm trâu, lâu nữa làm giặc
Bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu
Bìm bịp bắt gà con
Bìm bịp bắt gà trống thiến (vớ bở, gặp may)
Bơ vơ như gà con lạc mẹ
Bút sa gà chết (ký rồi thì hối không kịp)
Bụt trên toà gà nào dám mổ mắt
Canh bạc ăn thua nhau về lúc gà gáy
Cáo bắt trúng gà nhà khó
Cáo già không ăn gà hàng xóm
Cáo nào tử tế với gà
Cau hoa gà giò (các thứ ngon)
Cau phi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ
Chán gà nhà, chuốc cò nội
Chân gà lại bới ruột gà
Chim sổ lồng, gà sổ chuồng
Chó ăn đá, gà ăn muối
Chó ăn đá, gà ăn sỏi
Chó ăn đất, gà ăn sỏi
Chó ba quanh mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy
Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng
Chó cậy nhà, gà cậy vườn
Chó cùng nhà, gà cùng chuồng
Chó giữ nhà, gà gáy sáng
Chó giữ nhà, gà gáy trống canh
Chó lê trôn, gà gáy gở (điềm xấu)
Chó liền da, gà liền xưng (kinh nghiệm dân gian dùng chó, gà con để chữa lành da, liền xưng)
Chó quen nhà, gà quen chuồng
Chó tháng ba, gà tháng by (xưa là những tháng giáp hạt, thiếu ăn nên gà chó đều gầy, không ngon)
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
Chúa vắng nhà gà mọc đuôi tôm
Chúa vắng nhà gà vọc niêu tôm
Chuồng gà hướng đông cái lông chẳng còn
Chuồng phân nhà chẳng để gà người bới
Chữ như gà bới
Chửi như mất gà
Cỏ gà loang lổ trời đổ mưa ngay
Cỏ gà màu trắng, điềm nắng đã hết
Cỏ gà mọc lang, cả làng được nước
Con cà con kê
Con giữ cha, gà giữ ổ
Con tông gà nòi
Cõng rắn cắn gà nhà
Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà lên tổ đẻ /gà nhảy ổ
Cơm đâu no bụng chó, thóc đâu no bụng gà
Cơm gà cá gỏi
Cơm gà mất bạn
Da (mặt) đỏ như gà chọi
Da gà tóc hạc
Da như trứng gà lột
Da trắng như trứng gà bóc
Dáo dác như gà mắc đẻ
Dâu vào nhà như gà bỏ rọ
Dùng dao mổ trâu cắt tiết gà
Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy hạt tấm (như: rán sành ra mỡ)
Đầu gà còn hơn đuôi trâu
Đầu gà đít vịt
Đầu gà má lợn
Độc hạc kê quần
Đông như đám gà chọi
Đống thóc nhà đừng để cho gà người bới
Đuôi trâu không bằng đầu gà
Đuổi gà cho vợ
Ếch tháng ba, gà tháng bảy
Gạo tám xoan, chim ra ràng, gái mãn tang, gan gà giò
Giàu lợn nái, lãi gà con (nuôi dễ lãi to chóng giàu)
Giết gà lấy trứng
Hạc lập kê quần
Hết cả gà lẫn chuồng
Hoài thóc nuôi gà rừng
Hoài thóc ta cho gà người bới
Hóc xương gà, sa cành khế
Học như gà đá vách (không có kết quả)
Hỏi gà đáp vịt
Kê báo tai, thước báo hỷ
Kê bì hạc phát (da gà tóc hạc)
Kê cân kê cốt (yếu ớt)
Kê minh khuyển phệ (gà gáy, chó sủa ; cảnh nông thôn)
Kể cà kê dê ngỗng
Kể gà kể ngỗng
Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi
Khách đến nhà không con gà thì bát tép
Khách đến nhà không gà thì vịt
Không ai nuôi chó một nhà, nuôi gà một sân
Lép bép như gà mổ tép
Lộp bộp như gà mổ mo
Lờ đờ như gà ban hôm
Lợn nhà gà chợ (nên mua ở đâu)
Lợn thả gà nhốt (sẽ ít tăng trọng)
Lúng túng như gà mắc (phải, vướng) tóc
Mặt đỏ như gà chọi
Mặt gà mái (màu tai tái, bệnh hoạn, nhút nhát)
Mặt tái (xám) như gà cắt tiết
Mẹ gà con vịt ( không có quan hệ máu mủ ruột thịt)
Mèo mả, gà đồng (vô lại, bợm bịp)
Mổ gà dao trâu
Một tiền gà, ba tiền thóc (thu không bằng chi)
Mùa hè đang nắng cỏ gà trắng thì mưa
Nghe gà hoá cuốc
Nháo nhác như gà lạc mẹ
Nháo nhác như gà phi cáo
Nhìn gà hoá cuốc
Nhớn nhác như gà con gặp quạ
Như gà mắc tóc
Như gà mất mẹ
Nửa đêm gà gáy (quá khuya khoắt)
Ông nói gà bà nói vịt
Phượng hoàng ăn lẫn với gà
Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống (điềm trời sắp có bão)
Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa
Rối như gà mắc đẻ
Rồng rồng theo nạ, quạ theo gà con
Rũ như con gà cắt tiết
Te tái như gà mái mắc đẻ
Te tái như gà mái nhảy ổ
Thóc chắc nuôi gà rừng (phí của)
Thư sinh trói gà không chặt
Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà (châm biếm người lái máy cày phải được ăn sang, nông dân phi chịu tốn kém)
Trứng gà trứng vịt (xấp xỉ nhau)
Ủ rũ như gà phi trời mưa
Ủ rũ như gà rù
Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến
Vắng chủ (chúa) nhà, gà bươi bếp
Vắng chủ (chúa) nhà, gà mọc đuôi tôm
Vịt già gà non
Vịt già gà tơ
Voi chín ngà, gà ba chân (các thứ cực kỳ hiếm hoặc không thể có)
Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hông mao (các thứ cực kỳ hiếm hoặc không thể có)
Vợ nhà gà chợ
Vợ trong nhà, gà ngoài chợ
Xanh (cho) nhà, lợn gà người
Xua (đuổi) gà cho vợ (lời đùa về các ông chồng đang không có công việc gì hơn)
Xui trẻ ăn cứt gà (xui dại).
Còn có một số thanh ngữ liên quan tới gà nhưng trong đó không có mặt con chim này nên không thu thập vào danh sách , chẳng hạn như:
Nhất phao câu, nhì đầu cánh
Trống tai, mái cổ (kinh nghiệm dân gian về nơi cắt ra nhiều tiết gà nhất), v.v..
Liên quan tới Gà còn có nhiều câu đối, câu ca dao rất hay, nhưng bài này đã dài, xin khất lại Tết Gà lần sau.
Mến chúc bạn nhớ hết và vận dụng tốt những thành ngữ trên đây trong năm Gà, mong sao lời ăn tiếng nói của bạn từ đầu xuân sẽ trở nên phong phú, sinh động, tui vui, dí dỏm hơn, sẽ thành công hơn trong các cuộc giao tiếp, dẫn đến những thành đạt to lớn hơn nữa trong mọi mặt.
Hồng Nga
Nguồn : của tác giả tặng riêng Phu Nữ Việt và ĐT