Người bảo trợ : Ẩn danh
Chúng tôi xin kể cho các AC nghe một trường hợp khá đặc biệt, đặc biệt hơn những trường hợp chúng tôi đã từng giới thiệu. Đọc xong câu chuyện về hai mẹ con chị Võ Thị Nhung, sinh năm 1955, chúng tôi mong ý nghĩ sau cùng và quan trọng nhất AC hãy dành cho cô con gái 14 tuổi ( sinh 1993) Tống Võ Hoàng Châu, sẽ là học sinh lớp 9 trường THCS Huỳnh Khương Ninh Q1 vào niên học 07 - 08.
Chúng tôi biết được trường hợp này thông qua chị Hồng Hạnh, một người hàng xóm cũ của gdt qua một đôi lần tình cờ gặp lại chị. Chị Hạnh hiện đang bán cà phê trên vĩa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chị Nhung thì từng bán hủ tíu trong ngỏ hẻm nhỏ ngay khu nhà chị ở , cách chỗ bán của chị Hạnh một quãng ngắn.
“ Nhà” là một gác lửng nhỏ xíu cất trái phép áng chừng 9 – 10m2 ở số 36bis Lê Lợi phường Bến Nghé Q1 ( nơi đây cũng sắp bị đuổi đi để xây dựng cái gì đó). Để lên được căn gác này, chúng tôi phải leo lên một cầu thang dựng đứng với những bậc thang nhỏ hẹp. Chỉ trên dưới mười bậc thang thôi nhưng khi leo lên gdt cũng thấy khá vất vả. Hiện Châu đang sống cùng bà ngoại, mẹ của Châu hiện đang bị vướng vòng lao lý. Chị Nhung từng là một cô giáo ở Gò Công – Tiền Giang. Có lẽ chị bỏ quê nghèo lên Saigon với ước mong có một cuộc sống khấm khá hơn. Chồng chị, anh Tống Xuân Chảnh, sinh năm 1954, đã bỏ đi biệt tích không một lần quay lại từ lúc Châu mới một tháng tuổi. Việc bán hủ tíu tìm đồng ra đồng vào của chị cũng bị cấm khi chính quyền địa phương quyết định dẹp gọn lề đường. Có lẽ chị đã bị rủ rê làm việc phạm pháp trong lúc những đòi hỏi của cơm áo gạo tiền bức bách. Chữ viết của chị ngày nay không phải dành để viết trên tấm bảng đen cho con trẻ ê a tập đọc mà là trên những trang hóa đơn giả để đem bán cho những ai cần.
“Con dại cái mang” mẹ chị hiện 78 tuổi, đã tất tả từ Gò Công lên để trông chừng cô cháu gái và để bà cháu nương tựa nhau vượt qua cú sốc này. May mắn là mẹ con chị Nhung có những người hàng xóm khá tốt bụng. Lúc biết chúng tôi ghé thăm nhà của Châu, vợ chồng cô Loan và một anh chúng tôi không hỏi tên đã cùng có mặt. Trên căn gác chật hẹp đó chúng tôi chỉ nghe được những lời khen ngợi sự hiền lành, ngoan ngoãn, thương con, ăn ở được lòng bà con chòm xóm của hai mẹ con chị và sự tiếc nuối cho giây phút quyết định sai lầm của chị Nhung, tiền chị kiếm được không đáng để mang một tiền án suốt cả cuộc đời. Họ chính là những người đã đùm bọc cho Châu khi chị Nhung vắng mặt, bà ngọai thì chưa lên kịp. Việc ăn uống hiện giờ của hai bà cháu do một người anh họ bà con bạn dì với Châu giúp đỡ. Thu nhập của một công nhân xây dựng chỉ có thể giúp cho ba bà cháu sống đỡ qua ngày. Khi hỏi đến cha, giọng Châu hơi lạc đi và trong lúc trả lời những câu hỏi của chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình , Châu luôn cúi mặt xuống. Châu có vẻ khá ngượng ngùng, e dè khi nghe nhắc đến mẹ. Có lẽ em chưa đủ lớn để hiểu sự khắc nghiệt của cuộc sống và sự hy sinh của mẹ nên Châu cảm thấy mắc cỡ trước người lạ về tình cảnh hiện giờ của mẹ mình . Châu luôn né tránh khi thấy TP giơ máy chụp hình lên, đa phần những tấm hình chụp Châu, TP đều phải chụp “lén”. Chúng tôi phải giải thích cho em hiểu, chúng tôi cần có hình và những thông tin về gia cảnh của Châu để tìm cho em sự giúp đỡ cần thiết trong lúc khó khăn này.
Mong sao sự giúp đỡ kịp thời của chúng ta có thể giúp em vẫn được tiếp tục đến trường chờ ngày mẹ em quay về.
Mong sao hai mẹ con chị sớm được đoàn tụ và yên bình sống bên nhau , dù cái ngày ấy hãy còn xa lắm vì chị mới bị bắt cách đây khoảng một tháng và việc điều tra vẫn còn đang tiếp tục.
Xem thêm về hình ảnh do TP đưa lên
http://www.phunuviet.org...OPIC_ID=4749&whichpage=1