Chuyện Cà Kê số 5 (tháng 09/07) Tô Vũ Kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi - Chu văn An
(1907-2007) 17 tháng 6-07 tại Paris, ngày hội họp của anh em cựu học sinh Trường Bưởi - Chu văn An, được gần 200 cựu học sinh và thân hữu tham dự vui vẻ tại nhà hàng Asia Palace, quận 13 Paris. Cảm ơn ban Tổ chức đã hy sinh thời giờ để anh em đồng môn có dịp gặp mặt nhau, đặc biệt cảm ơn anh Bùi sỹ Thành đã cố gắng hết mình, mặc dầu sức khoẻ không được tốt:
Từ lâu, Tô Vũ chưa tham dự một buổi họp mặt của anh em cựu học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Cũng nhờ buổi họp này mà Tô Vũ mới gặp được một số anh em cùng trường trung học, thật là một dịp may hiếm có, quý giá, chứ thật sự sống ở ngoại quốc, ngay cả cùng sống với nhau ở Paris, cũng ít khi có dịp gặp nhau.
Lịch sử Trường Bưởi - Chu văn An
Năm 1907, chính phủ Đông Dương thành lập ở Hà Nội trường Collège du Protectorat. Trường được xây cất trên đất làng Thụy Khuê ở gần làng Bưởi, nên được gọi là trường Bưởi. Năm 1931 trường được đổi thành một lycée - Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo Hộ), dạy tới hết chương trình tú tài.
Trường Bưởi là tên dân chúng đặt ra từ hồi thành lập trường.
Trường Chu văn An là tên gọi thứ hai từ năm1945, khi trường được chính thức đổi tên thành trường trung học Chu Văn An.
Năm 1943 để tránh nạm ném bom đồng minh, trường phải di tản ra khỏi Hà Nội, vào Phúc Nhạc và vào Thanh Hóa, Ninh Bình. Trường trở lại trụ sở cũ ở Hà nội khi đệ nhị thế chiến kết thúc.Về sau, năm 1954, trường di tản vào Sài gòn. Từ đó tên trường Chu văn An được chính thức dùng đến ngày nay, không ai gọi là trường Bưởi nữa.
1) Kỷ niệm Một : Kỷ niệm niên học đầu tiên của trường Bưởi, niên học 1908-1909
Theo cụ Đào Văn Minh, học sinh trường Bưởi niên học thứ nhất của trường (1908-1909), thì trường Bưởi tức là Collège du Protectorat, là trường trung học đầu tiên có quy củ, có chương trình 4 năm học, mở cho người Việt Nam tại Hà nội. Trường sở được đặt nền móng xây cất năm 1907, trên một bất động sản mua lại của nhà in Schneider, bên bờ Hồ Tây thuộc địa phận làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Khu đất rất rộng, nằm từ ven Hồ Tây ra tới đường xe điện chạy từ hồ Hoàn Kiếm (giữa Hà Nội) đến làng Yên Thái, tức là làng Bưởi.
Cụ Đào văn Minh kể rằng niên học đầu tiên chính thức là niên học 1908-1909, trụ sở trường còn thiếu thốn về mọi phương diện nhưng cũng đã nhận lưu trú học sinh. Buổi đầu chưa có phòng tắm, chưa có phòng rửa mặt, lưu trú học sinh phải rửã mặt và tắm ở Hồ Tây. Đến sau Nhà trường mua đưọc 50 vỏ thùng bằng gỗ (tonneaux) đựng rượu vang, cắt đôi mỗi thùng để làm thùng tắm cho học sinh. Chiều chiều lao công gánh nước Hồ Tây đổ đầy vào các thùng lúc 4 giờ, để học sinh lưu trú thay phiên tắm gội lúc 5 giờ sau khi tan học. Học sinh có thói quen đùa rỡn lức tắm, nhúng cả mình vào thùng nước truớc khi ra mặc lại quần áo. Hiệu trưởng đầu tiên là ông Cyprien Mus, tính tình hoà nhã, một buổi, nghe thấy học trò đùa nhau vui vẻ, hiệu trưởng đi qua chỗ học sinh đang tắm. Tất cả học sinh đang ngâm mình trong bồn tắm, thấy hiệu trưởng đi qua, vội "tồng ngồng" đứng dậy chào, hiệu trưởng mỉm cười gật đầu chào trở lại.
Niên học 1908-1909, trường Bưởi gồm có Petit Collège cho bậc tiểu học, có chừng 250 học sinh và Grand Collège cho bực Trung học phổ thông, có chừng 120 học sinh (trong số có tới 100 học sinh, được học bổng nội trú). Học sinh phải đỗ tiểu học rồi mới được thi vào năm thứ nhất (première année), và học hết năm thứ tư (4è année) mới được thi đíp-lôm (Trung học phổ thông). Vì mục đích lúc đó là đào tạo công chức, nên đến 4è année mỗi lớp tùy theo sự lựa chọn của học sinh chia làm hai ban : ban hành chánh (section administrative) thi ra làm phán sự (thư ký), ban sư phạm (section normale) thi ra làm giáo viên tiểu học. Đặc biệt niên khoá 1909-1910, có 11 người thi rớt đíp-lôm vì bài pháp văn không đủ điểm nên nhà trường cho học lại, nhưng cho ngồi riêng một lớp gọi là 5è année. Cuối niên học sau 10 người thi đỗ đíp-lôm, một người thi rớt, nhưng chỉ một tháng sau thì người đó cũng trúng tuyển thông ngôn toà sứ.
Hiệu trưởng Cyprien Mus tính tình rất hoà nhã, vui vẻ, thân mật với học sinh, ông ta người tỉnh Tours, vùng Touraine, đậu thủ khoa trường Ecole Normale Saint Cloud. Ông vưà làm hiệu trưởng vừa dạy 4è année về môn sư phạm.
Trừ một giáo sư có bằng cử nhân văn khoa, còn các giáo sư Pháp khác là các giáo viên tiểu học ở Pháp gửi sang. Giáo sư người Việt có hai vị là cụ Trần hữu Đức, người Hà nội, khoảng chừng 50 tuổi, dạy môn phiên dịch Việt Pháp (thème et version) và cụ tú tài Ngô tiến Tiệp dạy chữ nho.
Sách học hồi đó trường phát cho học sinh mượn không phải mua, nhưng cuối năm học nhà trường cũng không đòi lại.
Việc thi hồi đó dản dị lắm. Độ nửa tháng trước ngày thi đíp-lôm, hiệu trưởng lập danh sách thí sinh trường, lấy chữ ký từng thí sinh rồi gửi danh sách đó tới nha Học chính. Năm đó tổ chức thi tại trường Trung học Pháp Collège Paul Bert ở đường Đồng Khánh, gần nhà Gô-đa (hồi đó chưa có Lycée Albert Sarraut). Khoá thi năm đó có 30 thí sinh dự thí, mà 25 thí sinh là học sinh của trường Bưởi, còn 5 thí sinh tự do.
18 thí sinh trường Bưởi đậu, 7 người rớt, 5 thí sinh tự do đều rớt cả.
Lúc đó thi rớt đíp-lôm cũng không buồn, vì luôn luôn có những kỳ thi tuyển thư ký, cho những người có học lực tiểu học, nên rớt đíp lôm thì dư sức để đậu những kỳ thi tuyển thư ký. (Đào văn Minh)
2) Kỷ niệm Hai : Kỷ niệm lưu trú học sinh
Học sinh năm thứ ba, học ở "Troisième étude", mà lại là học sinh nội trú ngủ ở "troisième dortoir" thì nghịch chỉ thua quỷ với ma.
Không phải lo thi như học sinh năm thứ tư "quatrième", không ngờ nghệch như học sinh năm thứ nhất, năm thứ nhì, nên ai nấy đều lợi dụng mọi cơ hội để phá phách. Trong giờ étude, thày giám thị (surveillant) vừa quay lưng đi, thôi thì nào tiếng gà gáy, tiếng đập bàn, thày quay lại cả phòng lại im phăng phắc để nổi lên một điệu kèn trước còn tỉ tê, sau ầm ĩ, không biết ở miệng ai phát ra vì cả 40 bộ mặt đều thản nhiên và 40 cặp môi không cử động
Các thày giám thị giàu kinh nghiệm như thầy Nghị, thầy Lễ, thường nhắm mắt bỏ qua, biết tâm lý bọn nhỏ, để mặc một hồi rồi chúng sinh chán. Những thày giám thị mới ở tỉnh nhỏ bổ về, phần thì sợ Hiệu trưởng (Proviseur) , sợ Tổng giám thị (Censeur), phần thì sợ cái tiếng "học trò Cô- le", nên hết năn nỉ đến doạ nạt, phạt lên phạt xuống, thật là khổ sở cho các thày giám thị và cho bọn trẻ.
Năm 1933, thày Lung ở trường Gia Lâm đổi về làm giám thị troa-dem ê-tuýt (3ème étude) nhiều phen điêu đứng : có bận thầy phạt đuổi 10 học sinh lưu trú phải ra khỏi nột trú, tìm nhà ở vùng Thụy Khuê, Bưởi mà trọ.
Anh em sợ như rắn mất đầu, quay ra làm báo.
Câu chuyện được định đoạt trong một bữa cơm. Nguyễn đình Thân làm chủ bút, Nguyển phúc Lâm làm chủ nhiệm, Nguyễn văn Phúc làm quản lý, còn thì người góp công, người góp của. Góp công ở đây là sáng tác, dịch thuật, hay là chép lại thành nhiều bản. Góp của thì có giấy dư thì cho giấy, không có giấy thì mỗi bữa cơm "hy sinh" quả chuối đét-se (dessert) thù lao cho ban biên tập lúc đó ngồi bàn đầu khỏi phải sới cơm, rót nước.
Từ ngày quyết định làm báo được ban ra, thày Lung hình như cho chính sách đuổi ra khỏi nội trú của thày là đắc sách, nên khi vào lớp thày lại càng hầm hầm, phạt gắt gao. Học sinh âm thầm chịu đựng. Họ đương mải miết làm báo. Thôi thì đủ trò, thơ, phú, truyện ngắn, truyện dài, chuyện vui, tranh hí hoạ, đố vui, giải trí, chế diễu các nhân vật trường Bưởi không trừ một ai. Nguyễn phúc Lâm làm thơ tây, Bùi Lão Kiều làm thơ ta (về sau Bùi Lão Kiều lấy bút hiệu là Huyền Kiêu).
Quản lý Nguyễn văn Phúc bỏ cả tiền túi mua phần thưởng tặng độc giả trúng giải do nhà báo tổ chức (Hình như về sau anh sang làm việc tại Pháp, đóng góp rất nhiều trong việc chế tạo máy bay Caravelle).
Ngày phát hành báo là ngày báo đình bản.
Báo làm xong ai cũng tranh nhau coi, phải thoả thuận để anh Sơn-nít là học sinh nhỏ người nhất coi trước, rồi luân phiên theo vòng kim đồng hồ. Sơn-nít vừa coi vừa cười một mình khiến thày giám thị để ý. Sơn-nít dấu báo vào hộc bàn, ngồi ngây mặt nhìn thầy. Sau đó cái lọ mực trước mặt anh cứ nhảy lên từng chập. Lạch cạch... lạch cạch. Ngưng một lúc lại lạch cạch ... lạch cạch. Lọ mực như tự động đụng đậy nhảy lên. Thày giám thị nhìn chừng chừng, Sơn-nít thản nhiên ngồi ngây người, hai tay để trên bàn, không chê trách vào đâu được. Thày giám thị không dám đứng một chỗ, nếu thày sục sạo chỗ này thì chỗ khác làm ầm ĩ, nên thày cứ phải đi đi lại lại, mắt liếc về phiá lọ mực tai quái. Về sau thày đứng ở phiá cuối lớp nhìn lên, thày mới rõ anh Sơn cho một chân vào hộc bàn, lấy ngón chân cái đẩy cái lọ mực cho lọ mực nhảy lên nhảy xuống khỏi lỗ, lên xuống kêu lạch cạch. ( Chú thích : bàn học trường Bưởi có một cái hộc dưới mặt bàn để để cặp, sách vở, có một lỗ tròn ở trước mặt học sinh, để đặt cái lọ mực bằng sứ trắng tròn vào lỗ đó. Thời xưa viết bằng bút có ngòi chấm mực, chứ không viết bằng bút bi như bây giờ ). Thầy rón rén đi lên, chộp cái cẳng bé nhỏ của Sơn. Sơn-nít không kịp rút cẵng ra, thày lục hộc bàn của Sơn thấy tờ Báo của Học Sinh, thày doạ trình ông"Censeur". Khi tan "étude", thày cho báo vào túi "pardessus", mang lên dortoir, ý chừng để coi chơì, sáng mai mới làm giấy phạt.
Đêm hôm đó, trên "dortoir troisìème", học trò tức vì đứa "Con Tinh Thần" bị bắt cóc, nên bàn nhau đánh cắp tang vật. Toàn ban biên tập cầu cứu anh Nguyễn quý Trọng là người bạn tài hoa nhất lớp, lười học cũng nhất và tinh nghịch thì cũng nhất lớp.
Anh Trọng nhận lời giúp. Anh đi tìm Nguyễn thế Tấn, Nguyễn duy Uông, Uông nâu, Hiền bò, ngủ ở phòng bên cạnh, rồi các anh áp dụng cả một chiến thuật du kích.
Hồi đó phòng nhỏ của giám thị ở giữa, có hai cửa thông sang hai phòng ngủ hai bên, cùng một từng lầu. Khi thày giám thị rửa mặt xong đi vào buồng ngủ của thày, thì phòng phía sân đá banh nổi lên một hồi gà gáy. Thày giám thị rón rén ra phiá phòng bàn giấy ông Proviseur (Hiệu trưởng) thì lại nổi lên tiếng cúc cù cu. Tiếng gà gáy rồn rập, thầy mò sang phiá gà gáy thì đắng sau thày lại nổi tiếng cúc cù cu, gà lại vươn cổ gáy. Thày lên tiếng nài nỉ " Các anh ngủ đỉ", học sinh cũng mặc. Thày doạ cấm "privation de sortie cả étude", cũng mặc. Gà vẫn gáy. Thầy nổi quạu, quyết bắt cho kỳ được đích danh thủ phạm, nên cứ hết chạy sang đông lại chạy sang tây, về giường nằm một lúc lại bị dựng dạy. Trò chơi ấy kéo dài thật khuya. Thày vốn người vạm vỡ, cả ngày hò hét lui tới, không một lúc nào được ngả lưng nghỉ, nên lúc thày chợp mắt được một chút là thày ngáy như sấm. Anh Trọng bò vào phòng thày, đánh cắp tờ báo quý báu, tu hết ấm nước trà rồi trở ra.
Sau khi lấy lại được tờ báo, anh em sinh táo bạo, tố thêm việc phải trừng phạt người đã làm anh em cả buổi lo lắng. Hồi đó làm báo trong lớp có thể bị đuổi, chưa biết khi các thày dịch cho Hiệu Trưởng Proviseur những tên cúng cơm của các thày như Dồn, Phệ, Cuốc, Phè, họ sẽ bị hành hạ đến đâu.
Lúc này tang vật đã bị tiêu, anh em có cớ cãi biến, nên sinh ra mạnh bạo.
Anh Trọng nhiều mưu lược đề nghị một trò diễu thày trước mặt mọi người. Anh bò vào phòng thày ngủ lấy ra một chiếy giày của thày và cả"dortoir" lần lượt tiểu tiện vào đó. Anh lại bò vào cất giày vào chổ cũ.
Sáng hôm sau, cả hai "étude" xếp hàng dưới sân trước lầu ba chính giữa bốn, năm ông giám thị và ngót hai trăm học sinh nội trú, mọi người bật cười ồ: thày Lung đi giày một chiếc trắng, một chiếc xanh. Số là thày ở quê, giày trắng đánh phấn để lơ nhiều, một chiếc gặp nước nên xanh lè, chiếc kia khô ráo nên trắng bốp. Thày phải điều đình nhờ ông giám thị khác thay thế, về nhà thay giày.
Và cuối tháng đó anh Nguyễn quý Trọng lại dem va-li ra khỏi ký túc xá. Nhưng anh vẫn lưu luyến với anh em, chiều nào anh cũng ở lại điều khiển anh em tập thể thao. Về sau anh học "nghề chữa răng" và mở phòng mạch trên toà nhà Địa ốc ngân hàng, anh em đến chữa răng, anh sửa chữa rất tận tình và nhất định không lấy tiền thù lao khám, chữa. Ba mươi năm qua không được gặp anh lại, nếu anh ở nơi đây chắc nội san sẽ có nhiều chuyện vui và có quảng cáo của anh " cựu học sinh trường Bưởi chữa răng không phải trả tiền". (Trần thúc Linh)
Kỷ niệm Ba : "Tiếng Việt Miền Nam", thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân cựu học sinh Bưởi
Ôi ! Tiếng Việt miền Nam !
Nghe sao mà âu yếm,
Giọng ngân dài lưu luyến
Cho lòng ta thương vương.
Ôi, thương ai em thương thiệt là thương !
Em, cô gái Đồng Nai tình cởi mở
Từ quen em nắng vàng thêm rực rỡ,
Dừa thêm xanh và vú sữa thêm ngon.
Lời em thơm như măng-cụt no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới.
Những chữ S ngân dài như gió thổi,
Chữ C, G nghe đọc lỗi mà yêu.
Giọng TR trong trẻo đúng bao nhiêu,
Và "anh" nữa, ôi tiếng "anh" nũng nịu :
"Mong ăn mãi ! Nhớ ăn hoài ! Ăn có hiểu ?
Em thương ăn quá xá là thương ! "
Lời em ngon như có mật có đường,
Ta sung sướng gần em nghe giọng nnói.
- " Hãy nói nữa ! Nói nhiều đi em hỡi !
Qua không cần hiểu ý chỉ cần nghe
Giọng nói du dương, âu yếm, đê mê
Như nhạc sóng của Đồng Nai, sông Cửu ! "
Nhưng em bỗng ngừng im. Em nũng nịu :
- " Nói đi ăn, nghe giọng Bắc em thương! "
Cầm tay em say ngắm cặp môi hường
Lòng tràn ngập niềm mến thương đằm thắm.
Ôi, Nam Bắc dù xa nhau vạn dặm
Vẫn cùng chung tiếng mẹ, vẫn quê cha.
Gặp nhau đây trong nắng lửa chan hoà
Hai giọng nói cùng đồng ca hợp tấu.
Hai huyết quản vẫn cùng chung giọt máu
Hai tâm hồn hoà hợp cảm thông nhau
Tiếng Việt miền Nam, giọng nói nhiệm mầu.
Có phép lạ khiến tình ta lưu luyến.
Em ! cô gái miền Nam ta thương mến !
Muốn gần em, gần mãi, để nghe em !
Bàng Bá Lân
(Vào Thu, 1962)
Khi viết đến đoạn này thì Tô Vũ nhận dược một bài thơ của Hoàng Nguyễn gửi mail đến, một bài thơ ca ngợi giọng Sài-gòn, một giọng mà TV rất thích nghe cũng như thích nghe giọng Huế. Tô Vũ là người Bắc, nhưng thấy giọng Huế và giọng miền Nam nói thật là êm dịu, nên TV xin đưa bài thơ này lên để bạn đọc thưởng thức. Xin nói là tác giả bài thơ không phải là cựu học sinh trường Bưởi Chu văn An. Tác giả Hoàng Nguyễn đã rào trước đón sau rằng " Đọc mà không thích thì đừng cười anh nhé, amateur mà ! "
Tô Vũ không những không cười mà còn đăng lên để quý độc giả cùng thưởng thức một bài thơ hay.
Giọng Sài gòn
Giọng Sài gòn ngọt lịm
Sóng sánh nước dừa xiêm
Chùm chôm chôm toả nắng
Gió thoảng hương sầu riêng.
Về Lái thiêu nhà nội
Xoài cắt chín tay mềm
Mùa măng này em hái
Tím cả chiều chông chênh.
Hỏi cây điều cây mận
Còn nhớ ngày ấu thơ
Kỷ niệm đầy mộng mị
Kín trang vở học trò.
Xá lỵ mùa ổi ấy
Anh dấu hái tặng nàng
No tròn tay vú sữa
Hỏi anh còn nhớ không ?
Mít đầu mùa Tố nữ
Thơm từng múi vàng ươm
Cam tươi đầy trĩu gánh
Dáng ai quẩy trên đường.
Nồng nàn mùi nhỡn chín
Hạt tròn mắt nhung em
Trái Thanh long dịu mát
Cho má thắm môi mềm.
Hoa bưởi vườn ai đó
Ngoài ngõ vắng hẹn hò
Bồng bềnh nơi suối tóc
Để cho anh làm thơ.
Những lá cành huyền hoặc
Ôm ấp trái đợi chờ
Dệt từng ngày mộng đẹp
Cho tròn những ước mơ.
Giọng Sài gòn ngọt lịm
Gơi nhớ những mùa qua
Nơi xa xôi quê cũ
Yêu dấu mấy không vừa.
Ôi những mùa quả ấy
Ta nâng niu trong hồn
Giọng Sài gòn ngọt lịm
Lòng ngập tràn nhớ thương.
Hoàng Nguyễn
Tô Vũ hoàn toàn đồng ý với thi sĩ Bàng Bá Lân :
Tiếng Việt miền Nam, giọng nói nhiệm mầu.
Có phép lạ khiến tình ta lưu luyến.
Em ! cô gái miền Nam ta thương mến !
Muốn gần em, gần mãi, để nghe em !
và TV cũng hoàn toàn đồng ý với Hoàng Nguyễn
Giọng Sàigòn ngọt lịm
Lòng ngập tràn nhớ thương
Tô Vũ thỉnh thoảng mở đài Radio RFI ở Paris, hôm nào được nghe cô xướng ngôn viên nói giọng Sè- gòòng chính cống thì TV thích thú lắm, nghe tuyệt hay ! Nghe giọng cô nói làm Tô Vũ tưởng nhớ lại biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp của những ngày êm dịu sống ở Sài gòn hồi trước, cũng như những ngày sóng gió Mậu Thân, những đêm hoả tiễn bắn vào nổ cạnh nhà, hai nhà hàng xóm bị trúng đạn, nổ tung.
Có người nói rằng giọng nói của các xuớng ngôn viên rất quan trọng cho tương lai một đài truyền thanh đại chúng, nếu được ưa thích thì đài có nhiều thính giả, còn không ưa thích, giọng nói "nhấm nhẳng" thì thính giả tắt máy ngay không muốn nghe, Tô Vũ cũng đã có kinh nghiệm phụ trách chương trình việt ngữ một đài phát thanh ở Paris, thỉnh thoảng có ông bà thính giả nào nghe Tô Vũ nói trên đài mà bỗng gặp mặt Tô Vũ , thường là câu nói "Nghe tiếng nói từ lâu rồi bây giờ mới biết mặt", có ông còn xổ nho "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" làm Tô Vũ cũng vui mừng có được sự mến mộ.
4) Kỷ niệm Bốn : Ái Hữu cựu học sinh trường Bưởi
Hội "Ái Hữu cựu Học sinh Trường Bưởi" được chính thức thành lập và hoạt động trụ sở đặt tại 36 đường Hiền Vương Sàigòn, theo nghị định số 1299/BNV/do Bộ trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh ký ngày 2 tháng 10-1959
Hội trưỏng đầu tiên cho niên khoá 1960-1961 là ông Phạm Gia Thịnh
Hội trưởng thứ hai cho niên khoá 1962-1963 là ông Nguyễn Phúc Sa ( hiện nay, 2007, ông Nguyễn Phúc Sa ở Paris). Năm 1962 hội có 452 hội viên.
Hội có xuất bản một tờ Nội san lấy tên là Trường Bưởi, mỗi năm hai lần, có nhiều bài viết thật xuất sắc, nhiều bài thơ, nhiều bài khảo luận của các cựu học sinh viết.
Hiện nay Hội Cựu Học sinh Chu văn An ở bên Hoa Kỳ có nhiều sinh hoạt hàng năm.
5) Kỷ niệm Năm : Niên khoá 1943-1944 của Vân Nguyên
(...) 1943-1944 - Một niên học đầy hiểm nghèo. Nhà ga Nghĩa Trang suýt thành mồ chôn chúng tôi.
Niên học 1943-44 là một niên học đầy hiểm nghèo với chúng tôi vì các buổi học luôn lưôn bị cắt quãng vì các cuôc báo động phi cơ đến thả bom. Cũng vì vậy nhà trường phải đóng cửa một thời gian và sau đó chia làm hai, một phần chuyển vào Thanh Hóa, một phần chuyển vào Ninh Bình. Chúng tôi thuộc toán học sinh được chuyển vào Thanh Hoá.
Việc đi lại trong thời gian ấy bằng xe lửa là cả một sự khó khăn, một phần vì chỉ chạy đêm, phần vì phải chuyển tàu vì đường bị ném bom hư chưa kịp sửa chữa. tuy khó khăn như vậy nhưng gặp ngày nghỉ lễ Phục sinh chúng tôi cũng về ngoài Bắc nghỉ và khi hết ngày nghỉ chúng tôi lại đi xe lửa vàoThanh Hoá.
Từ Hà nội vào Thanh Hoá tàu phải chạy cả đêm và ngày. Khi chúng tôi đến ga Nghĩa Trang, cách Thanh Hoá ước chừng 14 cây số, vào khoảng quá trưa xe lửa phải ngừng chạy vì có phi cơ đến thả bom. Không hiểu tên ga này có phải là một điềm gở không, nhưng vì trên tàu có cả lính Nhật, mà bọn này lại bắn lên phi cơ nên cuộc thả bom kéo dài khá lâu và số người chết bị thương cũng khá nhiều. Sau khi máy bay đi nơi khác chuyến xe lửa cũng không thể chạy tiếp tục được vì tràu bị bom và đạn hư đầu máy.
Từ tất cả các chỗ có thể ẩn nấp, bọn học sinh chúng tôi kéo ra tụ họp trên đường nhựa và điều may mắn là không co ai bị thương hay thiệt mạng. Sau đấy chúng tôi lại tay sách nách mang kéo nhau đi bộ về tận Thanh Hoá, con đường cũng khá dài.
Cuối niên học chúng tôi được thi ngay tại Thanh Hoá và thi xong là chúng tôi xếp hành lý về Bắc. Lúc xe lửa qua ga Nghĩa Trang trong đêm tối, chúng tôi không khỏi rùng mình nghĩ lại giờ phút sợ hãi đã qua ở nơi đây và để quên, chúng tôi đồng thanh hát bài của trường :
Ta là thanh niên nào ta sánh vai
Tuổi còn xanh cùng nhau đua sức anh tài...
để cùng nhớ lại trường học trước khi chia tay nhau lặn lội vào cuộc đời.
Vân Nguyên
6) Kỷ niệm sáu : Bài thơ IF của Rudyard Kipling
Tập san Trường Bưởi năm 1962. đăng bài thơ IF một bài thơ mà lâu nay nhiều học sinh vẫn ưa thích và nhớ tới, bài thơ nguyên văn chữ Anh của Rudyard Kipling, bản dịch chữ Pháp cũa văn sĩ André Maurois, Hàn Lâm Viện Pháp quốc (Académie Française), và bản dịch ra chữ Việt của cụ Lãng Nhân cựu học sinh trường Bưởi.
Cụ Lãng Nhân là bậc đàn anh của Tô Vũ. Cụ đã xuất bản nhiều sách : Trước Đèn, Chơi Chữ v.v... và nhất là cuốn Chuyện Cà Kê mà TV có dịp đọc và rất phục tài cụ. Lâu rồi không được biết tin của cụ, hồi thập niên 80 có gặp cụ ở Paris một lần, hồi đó cụ ở Londres với các con.
IF, là một bài thơ viết bằng tiếng Anh của thi-văn sĩ Anh-cát-lợi, Rudyard Kipling.
Hồi còn là học trò, TV và các bạn mê đọc Histoire de la Jungle (Truyện trong Rừng) của R. Kipling lắm. Mowgli là một đứa trẻ sơ sinh được thú rừng nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường thiên nhiên rừng núi, sống như dã thú, ngẫu nhiên tiếp xúc được với thế giới loài người.
Ông còn viết nhiều văn thơ khác, truyện Kim, truyện Les capitaines courageux, những Tập Thơ v.v...Ông nổi tiếng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Năm 1907 ông được giải thưởng Nobel về văn chương. Ông bị phê bình là đề cao chính sách thuộc địa đế quốc Anh. (Rudyard Kipling 1865-1936).
Bài IF của ông có 8 đoạn, 32 câu :
Đây là nguyên văn bài thơ bằng tiếng Anh :
If
1) If you can keep your head when all about you
Are loosing theirs and blaming it on you ;
If you trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too ;
2) If you can wait and not be tired by waiting,
Or, being lied about, don’t deal in lies,
Or, being hated, don’t give way to hating,
And yet, don’t look too good, not talk too wise ;
3) If you can dream - and not make dreams your master,
If you can think - and not make thougts your aim,
If you can meet with thriumph and disaster
And treat these two imposters just the same ;
4) If you can bear to hear the truth you’ve have spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools,
Or watch the things you gave your life to broken,
And stoop and build ’em up with wornout tools ;
5) If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss
And lost, and start again at your beginnings
And never breathe a word about your loss ;
6) If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which said to them : 'Hold on' ;
7) If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with kings - nor lose the common touch ;
If neither foes nor loving friends can hurt you,
If all men count with you, but none too much ;
8) If you can fill the forgiving minute
With sixty seconds worth of distance run
Yours is the Earth and everything that’s in it,
And - which is more - you’ll be a Man, my son !
Rudyard Kipling
Theo cụ Lãng Nhân, thì Văn sĩ André Maurois (năm1938 nhập Hàn lâm viện Pháp, Académie Française) có dịch bản IF này ra chữ Pháp.
Cụ Lãng Nhân kể rằng ông André Maurois gửi bản dịch đến cho tác giả đọc. Rudyard Kipling lấy làm hài lòng, cho rằng bản dịch hay hơn sáng tác của ông, nên ông tuyên bố lấy bản dịch cũa André Maurois làm bản chính.
Đây là bản dịch của ông André Maurois có 8 đoạn 32 câu
SI
1) Si tu peux voir détruit l‘ouvrage de ta vie
Et sans dire un seul mot te mettre à rebâtir
Ou perdre en un seul coup le gain de cent parties
Sans un geste et sans un soupir ;
2) Si tu peux être amant sans être fou d’amour
Si tu peux être fort sans cesser d’être tendre
Et, te sentant haï, sans haïr à ton tour,
Pourtant lutter et te défendre.
3) Si tu peux supporter d’entendre tes paroles
Travesties par des gueux pour exciter des sots,
Et d’entendre mentir sur toi leurs bouches folles
Sans mentir toi-même d’un mot ;
4) Si tu peux rester digne en étant populaire,
Si tu peux rester peuple en conseillant les rois,
Et si tu peux aimer tous tes amis en frère
Sans qu’aucun d’eux soit tout pour toi ;
5) Si tu sais méditer, observer et connaître,
Sans jamais devenir sceptique ou destructeur,
Rêver, mais sans laisser ton rêve être ton maître
Penser, sans n’être qu’un penseur ;
6) Si tu peux être dur sans jamais être en rage,
Si tu peux être brave et jamais imprudent
Si tu peux être bon, si tu sais être sage
Sans être moral ni pédant ;
7) Si tu peux rencontrer Triomphe après Défaite
Et recevoir ces deux menteurs d’un même front
Si tu peux conserver ton courage et ta tête
Quand tous les autres les perdront ;
8) Alors les Rois, les Dieux, la Chance et la Victoire
Seront à tous jamais tes esclaves soumis ;
Et, ce qui vaut mieux que les Rois et la Gloire
Tu seras un Homme, mon fils.
André Maurois
Cụ Lãng Nhân căn cứ vào bản dịch chữ Pháp của nhà văn André Maurois để chuyển ngữ.
Đây là bản dịch của cụ Lãng Nhân
Ví
1) Ví con đã trăm lần thủ thắng
Một keo thua tay trắng về không,
Mà lòng lại biết nhủ lòng
Cơ đồ gây lại oán không một lời ;
2) Ví đường tình, tránh nơi dồ dại
Biết nên cương mà lại nên nhu
Chẳng ưa con cũng chẳng thù
Bền lòng tranh đấu, miễn lo việc mình ;
3) Ví có kẻ lòng manh ở ác
Đem lời con xuyên tạc ra ngoài
Mặc cho những miệng dông dài
Riêng con, con chẳng một lời thị phi ;
4) Ví giữ được quần nhi bất đảng
Đứng làm dân khuyên gián chí tôn
Anh em bốn biển cho tròn
Tình riêng, chẳng để thiệt hơn một người ;
4) Ví con biết xét coi, học hỏi
Giọng hoài nghi, phá hoại đừng nghe
Ước mơ mà chẳng sa mê
Nghĩ cho nên việc, chớ hề viển vông
5) Ví con biết uy song chẳng mãnh
Biết gan liền, nhưng tính tới lui
Biết ngay thảo với mọi người
Mà không lên mặt dạy đời : ta đây !
6) Ví con biết vinh thôi lại nhục
Cũng chẳng qua là cuộc hí trường
Biết đem can đảm làm gương
Giữ lòng bình thản, sốn sang mặc người ;
7) Ví theo được như lời căn dặn
Thì đế vương hiển thánh không tầy
Vinh quang hạnh phúc trong tay
Lại hơn được cả điều này, con ơi :
8) Là con biết đạo làm người.
Lãng Nhân lược dịch
Đây là bản dịch của Tô Vũ
Múa rìu qua mắt thợ, TV tôi cố gắng dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt bài thơ đó, dịch để thoả lòng mong ước từ lâu, dịch thoát nghĩa thôi, nhưng cũng đã đổ mồ hôi hột vì vốn liếng Anh văn cũa TV chỉ có một dúm nhỏ từ hồi đi học lại bị rỉ sét từ lâu rồi ! Lại còn khổ nữa là phải tìm vần để làm thành một bài thơ ! Chao ôi ! bài thơ chỉ có 3 chục dòng thôi mà thật là vất vả khó nhọc, mất nhìều thì giờ lắm, khác hẳn với một bài văn suôi hay một bài văn vần sáng tác, thật dễ dàng thoải mái !
Nhưng cũng may là phỏng dịch (chứ không phải là dịch) trót lọt tới hết không đến nỗi bỏ giở, mặc dầu có đoạn bị bí, chào thua tác giả, chào thua không dịch nổi vì các ông thi sĩ thì cứ như ở trên mây mà mình là nguời trần mắt thịt làm sao hiểu hết ý các ông ấy được.
NẾU
1) Nếu giữ được tinh thần sáng suốt ,
Giữa những người hoảng hốt ghét con.
Nếu giữ được lòng son bền vững,
Mặc những người nghi hoặc lòng con.
2) Nếu chờ đợi lâu dài không nhụt chí
Dù miệng đời ác độc, cũng không sờn.
Nếu bị đời ghen ghét, chẳng thiệt hơn
Chẳng khoe mẽ, khoe khôn khoe khéo
3) Cứ mơ ước, đừng để Giấc Mơ níu kéo
Cứ xét suy, đừng viễn vọng tư duy
Khi thành công, khi thất bại suy vi
Coi May Rủi là lẽ thường trong sự sống.
4) Lời thành thực con ngỏ cùng công chúng
Đứa xấu xa xuyên tạc để gạt người.
Nếu sản nghiệp một thời con xây dựng,
Bỗng vỡ tan,
Chẳng than van, con tái tạo cuộc đời.
5) Đặt tất cả cơ đồ sự nghiệp
Hy sinh vào thực hiện mục tiêu.
Gặp lúc thắng, hân hoan bày trận khác
Khi bị thua, nuốt hận ván cờ thua.
6) Nếu có dịp được gần nơi vua chúa,
Con chớ quên xuất xứ tầm thường.
Nếu có dịp ngỏ lời cùng đại chúng,
Chẳng nên quên đức tính khiêm nhường.
7) Và hơn nữa, hơn cả bạc tiền danh vọng
Hơn mọi điều quan trọng thế gian
Hơn Rủi May, phú quý giàu sang
Nếu con giữ dược tinh thần toàn mỹ
Nếu con giữ được can trường bền bỉ
Trái với phường ích kỷ tiểu nhân
8) Thì con ơi !
Con đã trở nên 'Người',
Trở nên người 'Thành nhân chi mỹ'
Tô Vũ phỏng dịch
7) Kỷ niệm bảy : thơ dịch Les Pas của Đái đức Tuấn
Trên đây là thủ bút của nhà văn Mai Nguyệt Đái Đức Tuấn (tức nhà văn Tchya), cựu học sinh trường Bưởi. Ông viết bằng chữ hán (viết lối thảo ) bốn câu cuối cùng ông dịch bài thơ Les Pas (Những Bước Chân) của Paul Valéry ra chữ Hán :
Ngã bình sinh dĩ hoạt
Miên miên trường đãi quân,
Quân bộ tự cửu hỹ
Chỉ thị ngã tâm thần
Xin quý độc giả đọc dòng phải trước, từ trên xuống dưới :
Dòng một (phải) : Ngã bình sinh dĩ hoạt, Miên miên trường
Dòng hai (giữa) : đãi quân, Quân bộ tự cửu hỹ
dòng ba (giữa) : Chỉ thị ngã tâm thần
dòng bốn (trái): Mai Nguyệt
Xin xem toàn bài dịch ra chữ Việt và chữ Hán ở sau đây :
Nguyên văn bản chữ Pháp của Paul Valéry
LES PAS
Tes pas, enfants de mon silence,
Saintement, lentement placés
Vers le lit de ma vigilance
Procèdent muets et glacés.
Personne pure, ombre divine
Qu ' ils sont doux tes pas retenus
Dieux ! tous les dons que je devine
Viennent à moi sur ces pieds nus.
Si, de tes lèvres avancées
Tu prépares pour l'apaiser
A l'habitant de mes pensées
La nourriture d'un baiser.
Ne hâte pas cet acte tendre
Douceur d'être et de n'être pas
Car j'ai vécu de vous attendre
Et mon coeur n'était que vos pas.
Paul Valéry (Charmes)
Đái đức Tuấn ( Mai Nguyệt ) dịch ra chữ Việt
NHỮNG BƯỚC CHÂN
Lãng đãng ... ta trầm mặc
Nở ra gót sen vàng
Thần diệu khoan thai bước
Lìm lịm tới bên giường.
Bên giường ý thoăn thoắt
Im lặng, lạnh lùng, buông...
Người ngọc, hỡi người ngọc
Bóng tiên nữ nhẹ nhàng.
Ôi ! êm ái, e lệ
Là bước chân của nàng.
Trời Phật ! ta mường tượng
Của vưu vật bốn phương
Đem lại cho ta cả
Trên bước chân mịn màng.
Cặp môi ai có muốn
Dâng lên cho sẵn sàng
Sửa soạn làm êm dịu
Người trong tư tưởng chàng.
Bằng phong vị nhựa sống
Của cái hôn cao lương.
Hoa ơi ! đừng vội vã
Ban bố sự yêu đương
Dù sắc không vô hữu
Đều êm ái dịu dàng
Đời ta từng đã sống
Bằng chờ đợi vấn vương
Tim ta từ thưở trước
Chỉ là bước chân nàng.
Tchya Đái đúc Tuấn dịch
Đái đức Tuấn ( Mai Nguyệt ) dịch chữ Hán
Dư tại thâm tĩnh xứ,
Sinh đắc quân kim liên,
Thần diệu nhàn nhã bộ
Tiến đáo ngã sàng biên.
Sàng biên thuỳ cấp ý,
Lãnh đạm trầm mặc nhiên.
Mỹ nhân hề mỹ nhân,
Quân ảnh kiều như tiên,
Nhu mì trì nghi tiến,
Quân bộ thái hư huyền.
Ta phù Thần Phật đẳng
Đô thị ngã thiên duyên
Ngô cảm đáo ngô xứ
Tòng quân xích túc tiền
Quân như dục cao hứng
Dự bị khai hoa thần
Ôn hoà ngã tư tưởng
Dĩ khấu nhi tương thân ,
Tiếp vật chi hương vị
Dưỡng ngã tâm trung nhân
Quân bất nghi thái cấp
Mạc bố thí ái ân
Sắc không dữ vô hữu
Ngã thú đồng tuyệt trần
Ngã bình sinh dĩ hoạt
Miên miên trường đãi quân,
Quân bộ tự cửu hỹ
Chỉ thị ngã tâm thần.
Đái Đức Tuấn (Mai Nguyệt
8) Kỷ niệm Tám : Hình chụp 4 giáo sư trường Bưởi
Chụp ở Sài gòn khoảng năm 1960,
nhân dịp các cựu học sinh đón tiếp quý Giáo sư.
Rất nhiều học sinh trong nhiều khoá đã thụ giáo các giáo sư quý mến này ở trường Bưởi.
9) Kỷ niệm Chín : Thơ Cung vĩnh Viễn, cựu học sinh Chu Văn An
GỬI CÁC CON
Ngày xưa bố mẹ thuộc lòng
những câu lục bát mênh mông nghĩa tình
tin rằng hương lửa ba sinh
sống là để trải lòng tin với đời
câu ca bà nội ru hoài
con chim có tổ con người có tông
ăn trái ngọt nhớ người trồng
uống dòng nước mát nhớ nguồn sạch trong.
Bao nhiêu biến cố chập chùng
cố đưa con thoát cơ cùng lầm than
thôi thì nước mất nhà tan
cái nông nỗi ấy đoạn trường mới hay
bao năm trôi dạt quê người
càng lâu càng thấm, ngậm ngùi càng sâu
tuổi già chợt nhớ tới câu
lá rơi về cội, cội đâu mà về?
Các con đang tuổi mải mê
cánh chim chưa mỏi lòng quê chưa màng
thốt nhiên bố thấy bàng hoàng
các con đâu biết quê hương thế nào
chẳng thuộc một câu ca dao
chưa ăn một bữa cơm rau muối cà
chưa hề tắm nước ao nhà
chưa nghe tiếng dế thiết tha đêm trường
làm sao hiểu kẻ tha hương
đêm nghe lá rụng cuối vườn nao nao?
Ôn thầm những câu ca dao
nghe như ruột thắt gan bào xót xa ...
CUNG VĨNH VIỄN, Oslo, Na Uy
10-) Kỷ niệm Mười : Thơ Phạm Tứ Lang, cựu học sinh Chu văn An
C- NHÂN
Vọng cố nhân hề thiên nhất phương (Cổ thi)
Tình cờ gặp bạn thuở thiếu thời
Lòng rộn ràng như tuổi đôi mươi
Cô gái Trưng Vương năm năm bốn (1954)
Vẫn giọng oanh vàng nụ cười tươi.
Tôi gặp lại người như giấc mộng
Liêu trai, tiên nữ thực hay mơ ?
Bao năm lê gót mòn tâm tưởng
Mỏi mắt nhìn đời cánh phù du.
Một buổi bình minh rạng đất trời
Trời trong, nắng sớm, mây ngừng trôi
Một thoáng hồng lên trong khoé mắt
Như lửa đốt bừng cháy tim côi.
Không gian lắng đọng
Thời gian ngừng trôi
Hơn bốn mươi năm vũ...