Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trinh Thục Công Chúa
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, January 25, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Trinh Thục Công Chúa - Bát Nạn Đại Tướng Quân

Nguyễn Ngọc Quỳnh Thi

Nằm bên cạnh bờ sông Lô thuộc cố đô Văn Lang cũ, trang Phượng Lâu là nơi gò rậm đầm sâu, với rất nhiều đầm hồ, suối khe quanh co giữa vùng rừng núi rậm rạp. Nhà xây trên đồi, đá xếp thành bực như nhà chòi. Nhà nào cũng được thiết kế với những ống bương đựng nước mưa dựng đầu nhà. Dân trang Phượng Lâu chuyên nghề nông, bắt cá, cua, vã bẫy thú. Thời Tô Định nhà Đông Hán chiếm đóng, Phượng Lâu thuộc châu Bạch Hạc. Hào trưởng của trang Phượng Lâu là Vũ Công Chất. Ông được giao quyền trông coi mười hai trang trong hạt, có người hầu, gia đình khấm khá. Vũ Công lấy Hoàng thị Mầu là người cùng làng, cùng tuổi, thương yêu nhau rất mực và sống chung hoà thuận. Vũ Công biết nghề thuốc nên thường đi xa nhà săn tìm các loại dược thảo ở các vùng, thường viếng tất cả 36 châu hái thuốc về trị bệnh cho dân làng.

Một lần đi hái thuốc ở Mãn Châu, ông tình cờ ghé ngang một ngôi cổ miếu xiêu vẹo cũ kỹ rêu đóng quanh thềm. Tần ngần với cảnh, ông hỏi thăm sự tình để biết rằng đấy chính là miếu thờ Sơn Tinh công chúa, húy Ngọc Hoa, là vợ Sơn Thánh Tản Viên. Miếu xưa nay được tiếng linh thiêng, nhưng vì đã trải qua nhiều phen biến loạn, dân chúng tản cư, nên miếu không còn người săn sóc nữa. Vũ Công đến gặp người trang trưởng và các cụ trong trấn, ngỏ ý muốn trùng tu lại ngôi miếu. Ông bỏ tiền, góp sức cùng với người trưởng trang xây dựng chỉnh tu lại toà miếu, cũng không quên cho tạc lại pho tượng của Sơn Tinh công chúa để thờ.

Mùa đông đến, Vũ Công rời Mãn Châu trở về lại trang Phượng Lâu. Dân làng vui mừng đón ông trở về. Vũ phu nhân, bà Hoàng Thị Mầu, cũng vui mừng nhìn thấy chồng trở về khoẻ mạnh, đồng thời gặt hái được nhiều dược thảo cho bệnh nhân. Vũ Công kể cho vợ nghe về việc chỉnh tu lại miếu thờ Sơn Tinh công chúa ở Mãn Châu, vợ ông rất vui và bảo rằng:"Công chúa tên húy là Ngọc Hoa, là con gái của đức Hùng Duệ Vương, lại là vợ của Tản Viên Sơn thánh là thần núi Ba Vì, tài cao, phép lạ, có công lớn xây dựng đất nước. Ta trùng tu miếu này để bầy tỏ lòng thành kính đến tổ tiên."

Trong lúc đang mải trò chuyện, bất chợt ngoài cổng có tiếng gọi cửa, người đưa tin sang sảng nói cả hai vợ chồng nên ra bến sông nhận bè gỗ, tự xưng mình là bộ hạ của Sơn Tinh công chúa, đích thân đem đến tạ ơn Vũ Công bằng bè gỗ quý, và người con gái tài sắc hơn đời. Chưa hết lạ lùng, thì có tiếng người con gái thỏ thẻ rằng: "Mẹ ơi, cho con vào với", và một bóng người con gái mặc áo cánh sen nhào vào lòng bà Thị Mầu rồi biến mất. Ít lâu sau, bà mang thai, sinh ra cô con gái trắng trẻo xinh xắn, được đặt tên là Thục.

Thục Nương càng lớn càng xinh, thông minh nhanh nhẹn mười phân vẹn mười. Môi thắm, da mịn như vỏ trứng, mày cong, dáng mềm mại như cây liễu mùa xuân, năm 16 tuổi biết múa roi đi quyền, sách đọc đâu thuộc đấy, nhan sắc như hoa phù dung. Ai ai đều phải tôn sùng là "nữ tiên hạ thế". Nàng thích du thuyền dọc theo sông Lô, cũng mở lưới quăng chài, khi hát đùa với các bạn gái. Nàng thích hát đối, mỗi khi cất giọng vạn vật phải ngơ ngẩn lắng nghe. Vì nhanh trí nên các chàng vẫn phải chịu thua không tìm được lời hát lại. Nàng cũng thích đua trải trên sông. Tay chèo, mái chèo vừa đập nước nàng đã hò một câu, hoà nhịp với các bạn của mình. Tiếng hò vang vọng khắp bến sông, khiến các chàng trai phải đua nhau để bắt kịp nàng. Tuy Thục Nương tài giỏi, Vũ Công cũng không nuông chiều thả lỏng Thục Nương. Ông đã từng nghiêm mặt răn dậy nàng không nên cao ngạo, lần nàng bất chợt nhìn thấy Nàng Nội, con gái quan trưởng châu cưỡi ngựa đi săn ngang bến sông. Khi Thục Nương ngỏ ý nghi ngờ tài cán Nàng Nội, ông đã phán bảo nàng không nên kiêu ngạo, vì Nàng Nội là gái anh hùng, sức Thục Nương làm sao sánh kịp. Vì biết mình lỡ lời, nàng không dám nói nữa, mà để ý khiêm tốn, thành thật hơn, và giữ gìn phẩm giá kính lão, phụ yếu nhiều hơn. Dưới sự dậy dỗ của bố mẹ, Thục Nương được mọi người quý trọng cả nết lẫn tài.

Vì được tiếng đồn lành, Thục Nương được Phạm Danh Hương đánh tiếng hỏi. Gia đình họ Phạm đem cơi trầu bầu rượu đến cầu hôn Thục Nương. Phạm Lang là con vị hào mục cai quản 13 trạng ở Nam Chân phía bên kia sông Lô, chính quê của chàng ở Liệt Trang. Tuổi ngoài hai mươi, hình dung tuấn tú, văn võ tinh thông, Phạm Lang nổi tiếng là người đức độ. Đôi bên tâm đầu ý hợp, ngỏ lời kết ước qua buổi hát đúm. Theo lệ, hai bên đính hôn phải hát với nhau, người con gái hát trước, ném chiếc khăn tay bọc trầu cau và một đồng tiền trinh cho người con trai, bên con trai mở bọc lấy miếng trầu cánh phượng ăn, hát trả lễ, rồi lấy miếng trầu mình têm bỏ vào bọc trả lại cho người con gái. Đó là lời đính ước của cả hai bên. Sau buổi hát đúm đó, cả hai chính thức đính hôn, nếu người con gái cũng ăn miếng trầu.

Từ ngày đính hôn, Thục Nương ở nhà dệt vải, chăn tằm, thêu áo, chờ mùa thu sang sông làm vợ Phạm Lang. Thế nhưng sự đời chẳng bao giờ được toại nguyện. Có một lão hào mục họ Trần, năm ấy tuổi đã bốn mươi, nhà giàu nổi tiếng ở châu Bạch Hạc, nghe tiếng Thục Nương tài giỏi, cậy mình có của đánh tiếng hỏi nàng, dẫu biết Thục Nương đã đính hôn với Phạm Lang. Bị từ chối, họ Trần cho đó là điều sỉ nhục nên oán hận tìm cách trả thù. Hắn làm thân với nhà Hán, tìm cách làm quen với Tô Định để hết lời tâng bốc Thục Nương, khiến Tô Định sanh lòng tham chiếm đoạt. Sau khi giả làm lái buôn đến Trang Phượng Lâu gặp được Thục Nương, hắn bảo quan hầu rằng: "Người con gái này nếu không phải Hằng Nga nơi cung Quảng thì cũng là tiên nữ chốn Bồng Lai, ta quyết đón nàng về Phủ cùng vui thú như Ngô vương với Tây Thi thì mới thoả tấm lòng!"

Hắn ra lệnh vời Vũ Công vào phủ dụ hòng dùng vật chất ép buộc Vũ Công gả con gái cho hắn. Khi Vũ công từ chối, Tô Định nổi trận lôi đình đánh chết Vũ Công. Hắn tiện tay vời cha con hào mục Nam Chân về hầu và cũng giết chết cả hai cha con Phạm Lang. Được tin nha tướng Phủ thái thủ đem binh về vây đóng Phượng Lâu hòng bắt cóc Thục Nương đưa về thành phủ, cùng một lúc được tin bố, chồng, và cha chồng bị giết chết bởi tay Tô Định, Thục Nương cùng mẹ khóc ngất. Nhưng thù cha, thù chồng phải trả, Thục Nương ngậm hờn, tính kế thoát giải vòng vây bỏ trốn. Nàng thả thuyền một mình trôi sông, sau khi mở vòng vây cho mẹ và người thân trốn thóat. Từ lúc mặt trời lặn đến canh tư thuyền dạt vào bến của một ngôi làng nhỏ. Thục Nương ẩn vào trong một ngôi miếu cổ chính giữa chợ làng.

Sớm mai gà gáy, người họp chợ bắt đầu đông. Người đi chợ rẽ ngang miếu cổ khám phá vết máu, và tìm ra Thục Nương. Cô gái thấy có người, bèn đập kiếm tuyên bố nếu giặc Tô tìm đến, chúng nhất định phải chết. Dân làng, các cụ già trấn an với nàng họ là dân lương thiện. Sau khi hiểu rõ sự tình, thấy Thục Nương xinh đẹp, lại cương nghị, dân làng căm giận giặc Tô tàn bạo, bèn đón nàng về thay nhau chăm sóc những vết thương. Ở làng được vài tháng, nàng Thục tâu với hương trưởng và các vị bô lão của làng rằng: "Làm con không rửa được thù cha, làm vợ không trả được thù chồng, làm dân không báo được thù nước, làm sao có thể sống mà không hổ thẹn được!"

Thục Nương xin cải trang, gọt tóc niệm Phật Nương mình nơi cửa Thiền. Từ đó, Thục Nương trở thành vị sư nữ đạo đức cao trọng, ngày một lo việc lễ bái đèn nhang. Nơi nào có người mời đi lễ dù xa gần nàng cũng vui vẻ nhận lời, hầu mong tìm gặp kẻ trí tứ phương.

Nàng thường tìm đến thăm hỏi các cụ già, được tin cậy quý mến. Một hôm, nàng mời hương trưởng và các vị bô lão đến dâng hoa cho Phật buổi tối, rồi bàn chuyện cơ mật: Dựng cờ khởi nghĩa đuổi giặc nước.

"Đuổi giặc Hán ra khỏi bờ cõi, dân ta làm chủ nước ta, ai lại chả muốn." Một bô lão nói "Làng này toàn là người tốt cả, việc nhà chùa chắc được dân nghe đấy!"

"Đã đành là dân nghe," Vị hương trưởng thong thả nói "nhưng làng ta người thưa ruộng mỏng, cả làng chỉ vài chục mái nhà, làm thế nào đánh đuổi được giặc?"

"Tôi đã nghĩ đến điều này." Thục Nương nói, " Có mấy việc ta phải lo trước. Phải làm sao cho có người, có của đã, rồi mới nói chuyện tụ nghĩa được."

Sau hôm ấy, làng đón các phường châu về buôn bán, đón phó bễ lò rèn về để đánh dao, đánh rựa đem bán cho các phường lân cận. Nhờ có lò rèn và chợ trâu, Tiên La ngày càng trở nên sầm uất. Tiên La tụ tập dân lang bạt về, chia đất, cấp cho mũi cầy, lấy đất bãi bồi ven sông mà chia cho làm ruộng. Từ từ, Tiên La càng trở nên thịnh vượng, sầm uất hẳn lên, thuyền bến đông đúc, đời sống nhân dân khấm khá dư dả hơn trước. Tất cả đều nhờ vào công sức của Thục Nương. Họ bảo nhau: "Trời cho ta được Thục Nương về đây. Không có Thục Nương, làm gì có ngày nay!"

oOo

Thấm thoát mà thời gian trôi nhanh. Tiên La đìu hiu ngày xưa nay trở nên hùng mạnh. Dân giàu, đất mở, xóm làng đông vui nhộn nhịp trù phú. Thục Nương lại đem việc khởi nghĩa diệt giặc trình bày với hương trưởng và bô lão trong làng. Với sự giúp đỡ từ già chí trẻ, gái và trai, người từ các trang hạt khác đổ về. Người già trong hạt vui lòng chống gậy đi khắp nơi loan báo truyền tin và thuyết phục trai gái trong các trang, các sách khác, với ngư dân quanh vùng, với nông phu đầu tắt mặt tối, với kẻ vô gia cư, với cả những kẻ lăn lóc qúan chợ, đầu đình. Tiếng đồn về nữ thần con trời được phái xuống Tiên La cứu dân rả khỏi cảnh khổ cực, chống tham tàn bạo lực, cứu dân, cứu nước, lại thêm những lời thuyết dụ của các cụ với dân: "Cứu lấy thân, cứu lấy nước".

Các cụ cũng dùng những lý luận với các hào trưởng rằng: "Dân đây không thuộc quyền các ông, của cải ruộng Nương không thuộc quyền các ông. Quan Hán khinh rẻ hiếp đáp các ông, sao không theo nữ thần Tiên La đứng dậy ?"

Chẳng mấy chốc, Tiên La trở thành nơi gióng quân tụ nghĩa. Ngôi chùa cổ nơi Thục Nương bấy lâu hương khói nay trở thành chỉ huy sở của nghĩa quân Thục Nương. Trai tráng tụ họp, dân làng cầy cấy tích trữ quân lương, ngựa thuyền sắm sửa, vũ khí luyện rèn, võ pháp trau dồi luyện tập, binh pháp nghiên cứu chờ ngày nổi lên dẹp giặc. Đến mùa thu năm ấy, nghĩa binh Thục Nương lên đến hơn ngàn, tiếng tăm lan truyền khắp nơi. Thục Nương phất cờ khởi nghĩa, xưng danh Bát Nạn đại tướng quân. Hán quyền giật mình hoảng sợ bèn điều quân đến Tiên La đánh dẹp nghĩa quân, nào ngờ quân binh Bát Nạn đại tướng lúc ẩn lúc hiện, đánh bại binh tướng Hán. Nhờ những chiến công này, và cũng vì Tô Định cai trị cõn Nam Giao qúa tàn ác bạo ngược, dân chúng ngày càng theo về với Thục Nương ngày càng nhiều. Hào kiệt bốn phương bắt đầu hợp lực nổi lên cùng nhau đánh giặc, trai gái cùng nhau mài gươm giáo chuẩn bị, nơi nơi dân tình sủi sục như nước sôi.

Cùng một thời điểm, cháu ngoại các vị vua Hùng là Trưng Trắc và Trưng Nhị ở Mê Linh, hận nước thù nhà, cùng đứng lên dựng cờ đại nghĩa truyền hịch khắp non nước huy động sức người, giục giã nhân dân mau cùng nhau đứng lên đánh đuổi giặc Hán dựng lại non sông cơ đồ, lật đổ ách thống trị bạo tàn của ngoại bang, để mưu cầu cuộc sống an vui bình dị đến cho nước nhà. Chủ tướng Trưng Vương nghe tin Thục Nương nữ chủ phất cờ đại nghĩa ở Tiên La nhiều lần đuổi giặc Hán chạy dài, đem lòng cảm phục nên cho hịch đến vời. Bát Nạn đại chủ tướng nhận hịch, vẫn băn khoăn nên theo về với Trưng nữ chủ hay không, nên đã mở cuộc hội thảo với các vị hương trưởng, bô lão, và nam nữ đầu mục dưới trướng của mình, để hội kiến xem có nên đem binh về nhập cuộc. Bao nhiêu ý kiến được đưa ra, người thuận, kẻ chống, với ý tưởng: "Binh ta đã mạnh, giặc Hán bao lần thối chạy, sao ta lại phải phụ vào với người ? Bát Nạn đại tướng quân là bậc anh hùng ở đời, há phải chăng không làm nên nghiệp lớn ?"

Kẻ bàn, người cãi xôn xao, trong lúc Thục Nương phân vân chưa quyết định, thì một cụ già bên ngoài chống gậy bước vào chậm rãi phán: "Già nay trăm tuổi, nhưng trong bao nhiêu năm, già chưa thấy anh hùng độc trụ mà thành. Một con chim én không làm nổi mùa xuân. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi caọ Muốn dẹp giặc hoàn toàn, phải biết góp sức mình chụm lại cùng nhau đứng lên đuổi giặc. Nhà Hán cai trị nước ta gần hai trăm năm nay, dữ tợn, ngang ngược, quân dầy đặc trên đất Giao Chỉ, lấy sức một người làm sao chống nổi giặc ? Chính vì nhìn thấy điều đó mà Trưng Vương mới ra hạch chỉ chiêu dụ người tài cùng hợp lực. Bẻ một chiếc đũa thì dễ, bẻ cả bó đũa rất khó. Biết xung phong hợp lực đoàn kết thì giặc Hán ắt khó thắng nổi! Cũng vì hiểu lẽ ấy, Trưng nữ chủ mới sáng danh dòng dõi Hùng Vương tập hợp anh hùng, kêu gọi dân chúng cùng nhau nổi dậỵ Chính xem điều đó, lão hiểu rằng Trưng nữ chủ trí tuệ sâu xa, hào kiệt trong thiên hạ không ai có thể bì. Nếu chỉ đơn độc mạnh ai nấy đánh như từng chiếc đũa tẻ, thì biết đến chừng nào ta mới thực sự ngóc đầu dậy được?"

Thục Nương nghe xong lời, như chợt tỉnh bèn vái lậy cụ già: "Cảm ơn cụ truyền dậy. Lời nói của cụ như vén màn mây mù giải đáp thắc mắc. Nếu không nhờ lời cụ giảng dậy chắc tiện nữ đã làm hỏng việc lớn."

Nói đoạn, nàng cho truyền tiếp đón sứ giả long trọng, rồi cùng 23 cô gái khoẻ mạnh giả trai theo nàng về diện kiến Trưng Vương. Thục Nương được Trưng Vương phong chức Đại tướng quân trưởng lĩnh tiền đạo. Nàng gặp cả Nàng Nội, lúc bấy giờ cùng dự bàn việc quân cơ, và giữ ấn tín binh phù cho Trưng Vương. Sau những lời thăm hỏi nhắn nhủ, Thục Nương ngẫm lại lời cha dạy ngày xưa mà phải gật đầu công nhận lời người quả đúng. Trưng nữ chủ và những binh tướng của nàng quả là tài nghệ hơn người, chính nàng vẫn chưa sánh kịp. Sau lễ tiến cờ ở Hát Môn, nghĩa binh của Thục Nương gươm dáo lên đường ra tiền tuyến dẹp giặc. Đi đến đâu, công trạng của Thục Nương và nhóm nghĩa binh Tiên La vang dội đến đó.

Dẹp xong Tô Định, biên thuỳ yên bình, nước nhà thoát khỏi ngoại tăng, Trưng Trắc lên ngôi vua, Thục Nương được phong làm Bát Nạn đại tướng quân, Trinh Thục công chúa. Nàng tâu trình cùng Trưng Vương cho phép nàng được về quê quán tế cha, tế chồng, thăm mẹ già và gầy dựng lại quê hương bản quán. Trưng Vương cảm kích tấm lòng thành, bèn chuẩn tấu cho nàng về thăm nhà, cùng với phẩm vật vàng bạc lụa là, vv. Trở lại trang Phượng Lâu, nàng cho đón mẹ già, cùng mời các bô lão đến thưa chuyện và góp sức đắp bồi lại Phượng Lâu. Nàng không quên ghé sang Liệp Trang xây miếu cho chồng và nhạc gia, rồi thiết lập cơ sở tại Phượng Lâu trước khi xuôi thuyền về Tiên La. Tại đây nàng chùng tu lại ngôi cổ miếu, chính là trụ sở chính đầu tiên của nàng, rồi góp sức cùng dân làng khuếch trương làng chợ, trồng trọt dâu tằm, vv. Khi chấn chỉnh lại binh ngũ, làng xã nơi nơi yên bình trù phú, Thục Nương lại quay trở về bái yết Trưng Vương. Nghĩa vua tôi, nhưng tình thật giữa Trưng Vương và Thục Nương như chị em ruột thịt.

Giặc Hán lại sai người đem binh sang lấn chiếm Giao Chỉ. Quân binh Mã Viện lần này hùng mạnh gấp bội phần ngày xưa. Dưới chiếu chỉ của Trưng Vương, Thục Nương lại lên đường cầm quân ra chiến tuyến đánh đuổi giặc, nhiều trận thắng lớn. Nàng được Vua Trưng phong làm Điển Trưởng Nội Thị Phu Nhân. Mỗi khi ra trận, nàng thường cải trang thành nam nhi, đầu đội mũ lông trĩ, mình áo giáp bạc mặt hổ, cưỡi ngựa ô, đeo 18 chiếc nhạc lớn bằng đồng, oai phong lẫm liệt, nên tướng Hán mới thoáng trông đã hoảng kinh. Tài ngựa, kiếm của nàng hoàn hảo, mỗi lần giáp trận múa kiếm xông vào giữa vòng, múa kiếm vang trời, chỉ một thoáng tướng Hán đầu lìa xác. Vì thế, nàng thường lập nhiều công lớn.

Một lần giáp trận cùng tướng Hán Tổ Hoài Đức, trận đánh khốc liệt xảy ra, nhưng tình cờ quân Hán khám phá quân binh vua Trưng toàn là nữ binh, nên hè nhau xông vào mà vật, quân Trưng Vương lúng túng đang từ thế công thành bại, đành vừa đánh vừa lui. Thục Nương lúc bấy giờ vừa múa kiếm xông tới gặp Tổ Hoài Đức, tên tướng Hán vung mâu hất bay mũ trụ của nàng, tóc Thục Nương xổ tung. Tổ Hoài Đức trông diện mạo của nàng đẹp ngời, bèn ngẩn ngơ quên đề phòng, đường mâu lơi lỏng. Thục Nương thừa cơ đâm nhát kiếm vào sườn, rồi vội tháo lui theo Trưng Vương phò giá. Sau đó, Tổ Hoài Đức truyền lệnh bắt sống Thục Nương.

Trước sức mạnh của ngoại bang và Mã Viện, quân binh nhà Trưng yếu thế dần. Các binh tướng phải lui về trấn thủ ở địa hạt của mình. Thục Nương lui về Tiên La. Trong trận cuối cùng của Vua Trưng ở Cẩm Khê, hai chị em vua Trưng đã trầm mình tử tiết trên giòng Hát giang. Mã Viện vẫn tiếp tục đem quân vào đuổi đánh các binh tướng của Vua Trưng còn sót lại vẫn chống cự kịch liệt. Nghĩa binh Thục Nương cầm cự được hơn tám tuần trăng, với Tiên La vững chãi hơn hàng chục dặm. Cho đến một hôm đi tuần trở về thấy Tiên La cháy đỏ rực trên bến sông, nàng vội chạy vào bờ. Thấy Tổ Hoài Đức phóng ngựa đến, hiểu mình thất thế, Thục Nương chạy đến bên gốc cây tùng rút gươm tuẫn tiết. Nơi nàng mất, mối đùn lên thành mộ. Người dân quanh vùng cảm nhớ công ơn nàng, nên đã lập miếu thờ ngay dưới gốc cây tùng nọ.

Vào đời hậu Lê, vua Lê Thánh Tôn mang quân đi đánh Chiêm Thành có ngưng lại ở Tiên La. Sau khi hỏi han sự tình, ngài bao phong Thục Nương làm "Vạn Cổ Phúc Thần", để tưởng nhớ đến công ơn của người nữ anh hùng một đời hi sinh cho đất nước.

Theo thần tích thời hậu Lê (Hàn Lâm Đông Các, Đại Học sĩ Nguyễn Bính soạn) Thục Nương được phong thần theo thứ tự sau:

1. Thời Trưng Vương, sắc phong: Bát Nạn Đại Tướng Quân, Trinh Thục công chúa
2. Thời vua Lê Thánh Tôn, sắc phong: Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa
3. Thời Minh Mạng nhà Nguyễn, sắc phong: Dục Bảo Trung Hưng Linh Phù Chí Thần.
4. Thời Khải Định nhà Nguyễn, sắc phong: Dục Bảo Trung Hưng Linh Phù Thượng Đẳng Thần.

Tài Liệu Tham Khảo:
1. Nguyễn Khắc Xương, Nữ Tướng Thời Trưng Vương, NXB Hà Nội.
2. Thần tích miếu thờ Thục Nương, xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, Vĩnh Phú.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Thi
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.